JMJ: Israel, Irak và Liban Ở Bên Cạnh Nhau, Hiệp Nhất Trong Đức Tin

(phanxico.vn)

Aleteia.org, Konrad Sawìcki, 2016-07-29

Kitô giáo vượt lên sự thù nghịch:Theo cha xứ của Giáo hội công giáo Israel, đức tin vượt lên các chia cắt chính trị.

 

Thứ ba 26 tháng 7, trong thánh lễ khai mạc ngày JMJ ở Krakow, tôi gặp cha Piotrem Żelazko. Cha là cha xứ của giáo xứ Beer-Sheva, cha đến từ quê hương của mình. Cha đi cùng với khoảng ba mươi bạn trẻ tín hữu Israel nói tiếng hêbrơ. Đó là một nhóm nhỏ, nhưng từ đàng xa đã thấy rõ: hai cây cờ Israel to lớn bay phất phới trên đầu họ.

Sau thánh lễ, chúng tôi vào trung tâm thành phố Krakow. Chúng tôi hòa với hàng ngàn bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo linh mục Piotrem Żelazko cho biết, có năm giáo xứ công giáo nói tiếng hêbrơ ở Israel, quy tụ khoảng 600 tín hữu.

«Những người thiểu số trong một cộng đồng thiểu số»

Linh mục giải thích: «Chúng tôi là những người thiểu số trong một cộng đồng thiểu số: công giáo là một tôn giáo thiểu số ở Israel. Dù sao, người công giáo nói tiếng hêbrơ cũng là thiểu số. Tuy nhiên, chúng tôi tùy thuộc tất cả vào tòa Thượng phụ latinh ở Giêrusalem.»

Israel, Irak và Liban bên cạnh nhau: một giây phút «lịch sử»

Trong khi chúng tôi nói chuyện thì câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng la hét ồn ào chung quanh. Tôi nghe tiếng reo hò vui mừng bằng tiếng hêbrơ, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Nhóm Israel chúng tôi gặp nhóm bạn trẻ Irak và Liban, họ tự hào giương cao ngọn cờ quốc gia của mình.

Tất cả đều vui cười, chúng tôi ôm nhau ríu rít và cùng chụp hình chung với nhau. Ba lá cờ: Israel, Irak và Liban bên cạnh nhau trong ngày JMJ, hiệp nhất các quốc gia này dù có các tương quan căng thẳng. Đó là giây phút rất cảm động mà linh mục Piotrem Żelazko nhìn với một nụ cười rạng rỡ: «Các tấm hình này là những tấm hình lịch sử».

«Tất cả cùng với nhau, hiệp nhất trong đức tin»

Hình ảnh này làm tôi nghĩ đến cuộc đối thoại gần đây giữa tôi và một người anh em Palestina tôi gặp ở Krakow. Anh cũng ở Đất Thánh, bên cạnh các người công giáo Ả Rập. Tôi đã hỏi anh về các mối quan hệ giữa các giáo dân nói tiếng hêbrơ và tiếng Ả Rập, thuộc quyền tự trị của Palestina.

Linh mục Piotrem Żelazko nói tiếp: «Không phải dễ nhưng chúng tôi làm điều tốt nhất có thể. Vị Tổng đại diện của chúng tôi là người giảng ở chủng viện cho người công giáo ở Ả Rập. Cha đóng vai trò trung gian giữa các dân tộc và các văn hóa: cha gốc Do Thái nhưng nói tiếng Ả Rập thành thạo. Hơn nữa, là cha xứ, cha biết đức tin có năng lực kết hiệp các con người.»

Chẳng hạn, cha nhắc đến cảnh mà cả hai chúng tôi đều là chứng nhân gần đây: «Tại đây, trong những ngày JMJ, chúng tôi thường hay gặp các người Syria, Ai Cập, Irak, Liban… Và như quý vị thấy, chẳng có vấn đề gì hết. Chúng tôi tiếp đón nhau, ôm nhau, chụp hình chung với lá cờ của chúng tôi. Trong giáo xứ tôi, có vài gia đình Ả Rập: chúng tôi cùng cầu nguyện chung với nhau, cùng hiệp nhất trong đức tin.»

Kết thúc cuộc gặp gỡ này, chúng tôi hỏi cha Piotrem Żelazko, kitô giáo có cho giúp kết hiệp giáo dân vưọt lên các thù nghịch không. Cha trả lời không do dự: «Chắc chắn là có. Đức tin vượt lên các chia cắt chính trị».

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

 


Mục Lục ĐH Quốc Tế Giới Trẻ