Bài Suy Niệm Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Ngắm Đàng Thánh Giá Của Đại Hội Giới Trẻ, Cracow 29.07.2016

 

Xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn;

Ta khát, các ngươi đã cho uống;

Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;

Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;

Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom;

Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,35-36).

 

Những lời này của Chúa Giê-su đối diện với câu hỏi mà nó luôn luôn vang lên trong tinh thần và con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu khi sự ác vẫn đang hiện hữu trong thế giới, khi vẫn có những người đói, những người khát, những người vô gia cư, những người bị trục xuất khỏi quê hương xứ sở và những người tị nạn? Thiên Chúa ở đâu khi đang có rất nhiều người vô tội phải chết vì bạo lực, vì khủng bố và vì chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi những cơn bệnh thiếu lòng thương xót đang hủy hoại những mối tương quan cuộc sống và những mối quan hệ Đức Ái? Thiên Chúa ở đâu khi những em bé bị bóc lột và bị làm nhục và khi các em này phải gánh chịu những bệnh tật nặng nề? Thiên Chúa ở đâu khi tận mắt chứng kiến sự bất an của những con người ngờ vực và những người đang bị hành hạ trong tâm hồn? Có những câu hỏi mà không có câu trả lời nào của nhân loại có thể trả lời cho những câu hỏi đó. Chúng ta có thể nhìn ngắm Chúa Giê-su và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giê-su là: “Thiên Chúa ở trong họ”; Chúa Giê-su ở trong họ, đau khổ trong họ, trở nên giống hệt như họ. Ngài hiệp nhất với họ đến độ Ngài gần như hình thành nên một “thân thể duy nhất” với họ. Chính Chúa Giê-su đã tự đồng hóa chính Ngài với những anh chị em bị thử thách bởi nỗi khổ đau và sợ hãi, khi Ngài đón nhận về cho mình điều đó để đi đến đồi Golgota Via dolorosa (với một cách thức đau đớn). Khi chết trên Thập Giá, Ngài đã trao phó chính bản thân mình vào trong đôi tay của Thiên Chúa Cha và trao phó với Tình Yêu hoàn toàn trao hiến và trong những vết thương thể lý, luân lý và thiêng liêng của nhân loại. Trong khi Chúa Giê-su ôm lấy cây Thập Giá, Ngài đã ôm ghì lấy sự trần truồng, sự đói khát, sự cô đơn, sự đau khổ và sự chết chóc của nhân loại thuộc mọi thời đại. Chiều hôm nay, Chúa Giê-su – và chúng ta với Ngài – với Tình Yêu đặc biệt, đang ôm ghì những người anh chị em người Syria đang phải chạy trốn trước chiến tranh. Chúng ta kính chào họ và đón nhận họ với Tình Yêu huynh muội và với sự cảm thông.

 

Trong khi chúng ta đã đi theo con đường Thập Giá của Chúa Giê-su, chúng ta đã tái khám phá ra việc chúng ta trở nên giống như Ngài nhờ vào 14 công việc của Đức Thương Người, thật là quan trọng biết chừng nào. Những công việc đó chính là một sự trợ giúp đối với chúng ta để mở bản thân ra cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để cầu xin cho được hồng ân nhận ra rằng, con người không thể làm được bất cứ điều gì nếu không có Lòng Thương Xót; cũng như cầu xin để có được hồng ân nhận ra rằng, tôi, bạn, và tất cả chúng ta đều không thể làm được bất cứ điều chi nếu không có Lòng Thương Xót. Trước tiên, chúng ta hãy ngắm nhìn bảy công việc của Đức Thương Người về khía cạnh thân xác: Trao đồ ăn cho kẻ đói, cho kẻ khát uống, mặc áo quần cho những kẻ trần truồng rách rưới, cho khách trọ nhà, thăm viếng bệnh nhân, viếng thăm tù nhân, chôn cất những người qua đời. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì chúng ta cũng hãy cho đi cách nhưng không. Chúng ta được mời gọi để phục vụ Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trong bất cứ con người nào mà họ bị đẩy ra bên lề xã hội, đụng chạm tới thân xác thánh thiện của Ngài trong những con người bị loại trừ, trong những người đói khát, trong những kẻ trần truồng rách rưới, trong những người tị nạn và trong những người di cư. Ở đó, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa của chúng ta, ở đó chúng ta sẽ đụng chạm tới Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã nói điều đó với chúng ta, khi Ngài giải thích cho biết cái gì là “biên bản” mà theo đó vào một ngày kia chúng ta sẽ bị kết án: Mỗi lần khi chúng ta thực hiện điều đó cho một người nhỏ bé nhất trong số những người anh em của chúng ta, thì chúng ta đã thực hiện điều đó cho chính Ngài (xc. Mt 25,31-46).

 

Tiếp theo những công việc của Đức Thương người về khía cạnh thể xác là những công việc của Đức Thương Người về khía cạnh tinh thần: Khuyên bảo những người nghi nan, dậy dỗ những người u mê, khuyên bảo các tội nhân, an ủi những con người buồn phiền, tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, chịu đựng cách kiên nhẫn những người gây phiền hà, cầu nguyện cho những người còn sống và cho những người đã qua đời. Với việc đón nhận người bị đẩy ra bên lề, mà họ đang bị tổn thương về thân xác, và với việc đón nhận các tội nhân mà họ đang bị tổn thương về tinh thần, thì tính đáng tin cậy của chúng ta với tư cách là những Ki-tô hữu sẽ bị đặt vào chỗ rủi ro.

 

Ngày hôm nay, nhân loại cần tới những người nam và những người nữ, đặc biệt là những người trẻ như các con -, mà họ không muốn sống “một nửa” cuộc sống của họ: những người trẻ luôn sẵn sàng sử dụng cuộc sống của họ cho sự phục vụ một cách không vụ lợi những người nghèo nàn và yếu đuối nhất, trong việc đi theo Chúa Ki-tô, Đấng đã hoàn toàn trao hiến cuộc sống mình cho ơn cứu độ của chúng ta. Khi tận mắt chứng kiến những điều ác, những nỗi khổ đau, những tội lỗi, thì câu trả lời duy nhất có thể đối với những người môn đệ của Chúa Giê-su chính là sự trao hiến bản thân, thậm chí đến chết – giống hệt như Chúa Ki-tô; đó là thái độ của người phục vụ. Khi một ai đó tự nhận mình là Ki-tô hữu, nhưng không sống để phục vụ, thì người ấy không mang lại ích lợi gì cho cuộc sống hết. Người ấy đã phủ nhận Chúa Giê-su Ki-tô bằng cuộc sống của mình.

 

Các bạn trẻ thân mến, chiều hôm nay Chúa Giê-su lại tái dành cho các con lời mời gọi để trở nên những người chiến sĩ tiên phong trong sự phục vụ; Ngài muốn thực hiện từ các con một câu trả lời cụ thể cho những nỗi khốn cùng, cũng như cho những nỗi khổ đau của nhân loại; Ngài muốn rằng, các con trở nên một dấu chỉ cho Tình Yêu thương xót của Ngài đối với thời đại chúng ta. Để thực hiện sứ mạng này, Ngài chỉ cho các con con đường dấn thân, con đường trao hiến bản thân: Đó là con đường Thập Giá. Nhưng con đường Thập Giá là con đường hạnh phúc để đi theo Chúa Ki-tô cho đến cùng, trong những hoàn cảnh thường rất bi ai trong cuộc sống hằng ngày. Đó là con đường mà nó không sợ hãi trước sự thất bại, trước việc bị loại trừ và trước sự cô đơn, vì nó thỏa mãn con tim nhân loại với sự viên mãn của Chúa Giê-su. Con đường Thập Giá chính là con đường sự sống, con đường trong phong cách của Thiên Chúa – một con đường mà Chúa Giê-su cũng cho phép chúng ta đi lên ngay cả trên những đường mòn của một thế giới đôi khi rạn nứt, bất công và hủ hóa. 

 

Con đường Thập Giá là con đường duy nhất chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự ác và cái chết, vì nó dẫn vào trong ánh sáng chứa chan phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Ki-tô, và như thế, mở ra những chân trời của một cuộc sống mới và tròn đầy. Đó là con đường của niềm hy vọng và tương lai. Ai bước đi trên đó với sự quảng đại và Đức Tin, người ấy sẽ trao tặng cho nhân loại niềm hy vọng và tương lai. Cha muốn rằng, các con hãy rắc gieo niềm hy vọng.

 

Các bạn trẻ thân mến, vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều môn đệ đã rầu rĩ bỏ về nhà, những môn đệ khác thì lại thích rời bỏ nhà cửa của mình để lang thang trên các cánh đồng hầu quên đi Thập Giá. Cha hỏi các con nhé: Chiều hôm nay các con có muốn trở về nhà mình, trở về quê hương xứ sở của mình không? Chiều hôm nay các con có muốn quay về để gặp gỡ nhau không? Việc phản ứng lại trước thách đố của những câu hỏi đó hoàn toàn phụ thuộc vào nơi mỗi người trong các con

 

Cuộc Ngắm Đàng Thánh Giá nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Jordan-Park, Cracow, ngày 29 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Mục Lục ĐH Quốc Tế Giới Trẻ