ĐGH Phanxicô - Bài Giảng Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Tại Krakow

(muoianhsang.com)

 

Các bạn trẻ thân mến, các con đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người có tên là Da-kêu ở tại Jericho (x. Lc 19:1-10). Ở đó Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy và chào người dân; như Thánh Sử nói cho chúng ta biết, Ngài đi qua thành (c. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đến gần chúng ta cách cá nhân, đồng hành với cuộc hành trình của chúng ta đến cùng, để cuộc đời của Ngài và cuộc đời của chúng ta có thể thật sự gặp nhau.

Một cuộc gặp gỡ đầy kinh ngạc rồi cũng xảy ra, với Da-kêu, người “thu thuế” trưởng. Do đó, Da-kêu là một người cộng sự giàu có của những người thống lĩnh Rôma, một người khai thác dân của mình, một người mà, vì danh tiếng xấu, thậm chí không thể đến gần Vị Thầy. Cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời của ông, như nó đã thay đổi, và vẫn đang từng ngày có thể thay đổi, mỗi cuộc sống của chúng ta. Nhưng Da-kêu phải đối diện vớinhiều trở ngại để gặp Chúa Giêsu. Ít nhất là ba trở ngại có thể nói lên điều gì đó với chúng ta.

Trở ngại đầu tiên  sự nhỏ bé của vóc dáng. Ông Da-kêu không thể nhìn thấy Vị Thầy vì ông nhỏ bé. Ngay cả ngày nay chúng ta có thể có nguy cơ không đến gần được Chúa Giêsu vì chúng ta không cảm thấy to lớn đủ, vì chúng ta không nghĩ rằng bản thân chúng ta xứng đáng. Đây là một cơn cám dỗ lớn lao; nó có liên hệ đến không chỉ là lòng tự trọng, mà đến cả đức tin nữa. Vì đức tin nói cho chúng ta biết rằng chúng ta là “con cái của Thiên Chúa...đó là điều mà chúng ta là” (1 Ga 3:1). Chúng ta đã được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã mang lấy ở nơi chính bản thân Ngài tính con người của chúng ta và tâm hồn Ngài khôn bao giờ tách lìa khỏi chúng ta; Chúa Thánh Thần muốn ngự ở trong chúng ta. Chúng ta đã được kêu gọi để hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa!

Đây là “tầm vóc” thật của chúng ta, căn tính thiêng liêng của chúng ta: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, luôn luôn. Vì thế các con có thể thấy rằng không chấp nhận bản thân chúng ta, sống cách rầu rĩ, tiêu cực, có nghĩa là không nhận ra căn tính sâu thẳm nhất của chúng ta. Điều đó giống như việc bước đi khi Thiên Chúa muốn nhìn vào tôi, cố gắng làm hỏng giấc mơ dành cho tôi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo cách mà chúng ta là, và không phải tội lỗi, sai lỗi hay những sai lầm mà chúng ta thực hiện làm thay đổi tư tưởng của Ngài. Chừng nào Chúa Giêsu còn quan tâm – như Tin Mừng cho thấy – thì không ai là không xứng đáng, hoặc tách ra xa khỏi tư tưởng của Ngài. Không ai là vô nghĩa cả. Ngài yêu thương tất cả chúng ta bằng một tình yêu đặc biệt; đối với Ngài tất cả chúng ta đều quan trọng: các con quan trọng! Thiên Chúa nhìn các con vì điều các con là, chứ không phải vì điều các con sở hữu. Trong đôi mắt của Ngài thì trang phục các con mặc hay loại điện thoại các con sử dụng thì tuyệt đối không liên quan. Ngài không quan tâm đến việc các con có sành điệu hay không; Ngài quan tâm đến các con! Trong đôi mắt của Ngài, các con quí giá, và giá trị của các con là không thể lường được.

Đôi khi trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta nhắm mục tiêu thấp hơn là những mục tiêu cao hơn. Vào những thời điểm này, thật tốt lành để nhận biết rằng Thiên Chúa vẫn trung tín, thậm chí là bướng bỉnh, trong tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Sự thật là, Ngài yêu thương chúng ta còn hơn cả chúng ta yêu thương chính bản thân mình. Ngài tin tưởng vào chúng ta hơn cả chúng ta tin tưởng vào bản thân chúng ta. Ngài luôn “vui mừng vì chúng ta”; Ngài là người hâm mộ ý nghĩa nhất của chúng ta. Ngài ở đó vì chúng ta, đợi chờ bằng sự nhẫn nại và niềm hy vọng, ngay cả khi chúng ta hướng về chính bản thân mình nghĩ nhiều về những vấn đề và những vết thương quá khứ của chúng ta. Nhưng sự ấp ủ như thế là không xứng đáng với tầm vóc thiêng liêng của chúng ta! Đó là một kiểu virus lây nhiễm và khoá chặt mọi sự; nó đóng lại các cánh cửa và ngăn chặn chúng ta khỏi việc đứng lên và làm lại từ đầu. Trái lại, Thiên Chúa thì lại hy vọng cách vô vọng! Ngài tin rằng chúng ta luôn có thể đứng lên, và Ngài ghét thấy chúng ta rầu rĩ và cau có. Vì chúng ta luôn luôn là các con trai con gái yêu dấu của Ngài. Chúng ta hãy bình an về điều này ngay từ bình minh của ngày mới. Thật tốt lành cho chúng ta khi biết cầu nguyện mỗi sáng: “Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa vì đã yêu thương con; giúp con biết yêu với cuộc sống của con!” Không phải với tội lỗi của con, là điều cần phải sửa đổi, mà với chính sự sống, vốn là một quà tặng lớn lao, vì đó là thời gian để yêu và được yêu.

Ông Da-kêu đã đối diện với trở ngại thứ hai trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu: sự tê liệt của sự xấu hổ. Chúng ta có thể hình dung điều gì đang diễn ra ở trong tâm hồn của ông trước khi ông leo lên cây sung. Đó phải là một cuộc vật lộn khá mạnh mẽ - một mặt, một sự tò mò lành mạnh và một lòng muốn biết Chúa Giêsu; mặt khác, mối nguy của việc đường như là hoàn toàn ngu ngốc. Ông Da-kêu là một nhân vật công chúng, một con người của quyền lực. Ông biết rằng, trong việc nỗ lực để leo lên cây, ông sẽ trở thành một trò cười cho hết mọi người. Nhưng khi ông làm chủ được sự xấu hổ của mình, vì sức cuốn hút của Chúa Giêsu thì mạnh mẽ hơn. Các con biết điều gì sẽ xảy ra khi có ai đó quá hấp dẫn đến mức chúng ta phải lòng họ rồi: chúng ta mang lấy kết cục là sẵn sàng làm mọi thứ mà chúng ta chưa bao nghĩ đến là sẽ làm. Một điều gì đó tương tự đã diễn ra trong tâm hồn của Da-kêu, khi ông nhận ra rằng Chúa Giêsu quá quan trọng đến nỗi ông phải làm một điều gì đó vì Ngài, bởi vì chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể kéo ông ra khỏi vòng mê muội của tội lỗi và sự không hài lòng. Sự tê liệt của sự xấu hổ không chiếm được ưu thế. Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng ông Da-kêu “đã chạy” “leo lên” cây, và rồi, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông “vội vã leo xuống” (c. 4, 6). Ông đã chấp nhận rủi ro, một sự tò mò lành mạnh, nhưng lại phải chịu rủi ro, vì cuộc sống không được tạo nên để cất đi. Khi Chúa Giêsu xuất hiện, chúng ta không thể ngồi đó khoăn tay đợi chờ; Ngài mang lại cho chúng ta sự sống – chúng ta có thể đáp trả bằng việc nghĩ về sự sống hoặc “nhắn” một vài lời!

Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ để mang mọi thứ đến cho Chúa trong việc xưng tội, đặc biệt là những yếu đuối của các con, những vật lộn của các con và những tội lỗi của các con. Ngài sẽ làm cho các con kinh ngạc bằng sự tha thứ của Ngài và bình an của Ngài. Đừng sợ để nói “xin vâng” với Ngài bằng tất cả tâm hồn các con, đáp trả cách đại lượng và đi theo Ngài! Đừng để cho tâm hồn các con bị tê liệt, nhưng hãy nhắm mục tiêu về một tình yêu cao đẹp cũng đòi hỏi cả sự hy sinh. Hãy nói một “tiếng không” kiên quyết với thứ thuốc mê của sự thành công bằng mọi giá và thuốc an thần của việc chỉ biết lo về bản thân và sự an nhàn của riêng các con.

Sau vóc dáng nhỏ bé của mình và sự tê liệt của sự xấu hổ, có một trở ngại thứ ba mà ông Da-kêu đã phải đối diện. Đó không còn là một kiểu sợ hãi nữa, mà tất cả là về chính ông. Đó là sự xầm xì của đám đông, những người trước hết khoá ông lại và rồi chỉ trích ông: Làm thế nào mà Chúa Giêsu lại có thể đi vào trong một nhà của ông ta, căn nhà của một tội nhân! Thật là khó biết bao khi đón nhận Chúa Giêsu, thật khó biết bao khi chấp nhật một “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2:4)! Người ta sẽ cố gắng để khoá các con lại, để làm cho các con nghĩ rằng Thiên Chúa ở xa, cứng ngắc và vô cảm, tốt với người tốt và xấu với người xấu. Thay vào đó, Cha trên trời “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5:45). Ngài đòi hỏi chúng ta một sự can đảm thật sự: sự can đảm để trở nênmạnh mẽ hon sự dữ bằng việc yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù. Người ta có thể cười vào mặt các con vì các con tin vào sức mạnh dịu dàng và khiêm tốn của lòng thương xót. Nhưng đừng sợ. Hãy nghĩ đến câu khẩu hiệu của những ngày này: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Người ta có thể phán xét con là người mơ mộng, bởi vì các con tin vào một nền nhân loại mới, một nền nhân loại khước từ sự hận thù giữa các dân tộc, một nền nhân loại khước từ nhìn những biên giới như là những rào cản và có thể nuôi dưỡng các truyền thống của dân tộc mình mà không bị qui ngã hoặc nhỏ mọn. Đừng nản lòng: bằng một nụ cười và đôi bàn tay rộng mở, các con loan báo niềm hy vọng và các con đang là một phúc lành cho gia đình nhân loại, ở đây mà các con đang là đại diện quá tuyệt vời!

Ngày ấy, đám đông đã phán xét Da-kêu; họ khinh bỉ ông, cách này cách khác. Nhưng Chúa Giêsu thì làm ngược lại: Ngài nhìn lên ông (c. 5). Chúa Giêsu nhìn vượt ra khỏi lỗi lầm và nhìn con người. Ngài không dừng lại trước sự dữ đã qua, mà nhìn vào tương lai tốt lành. Cái nhìn của Ngài vẫn nhất quán, ngay cả khi người ta không đáp trả; cái nhìn ấy tìm kiếm con đường của sự hiệp nhất và hiệp thông. Không bao giờ cái nhìn ấy lại dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng nhìn vào trong tâm hồn. Với cái nhìn này của Chúa Giêsu, các con có thể giúp mang lại một nền nhân loại mới, không tìm kiếm sự công nhận nhưng tìm kiếm sự tốt lành vì chính nền nhân loại này, bằng lòng giữ vững một tâm hồn trong sáng và chiến đấu cách ôn hoà cho sự chân thực và công lý. Đừng dừng lại ở bề mặt của vấn đề; đừng tin vào lối suy nghĩ thế gian về vẻ bề ngoài, những nỗ lực của ngành mỹ phẩm đang nỗ lực để cải tiến vẻ bề ngoài của các con. Thay vào đó, “hãy tải về” “đường kết nối” tốt nhất của tất cả mọi người, đường kết nối của một tâm hồn nhìn và truyền tải sự tốt lành mà không mỏi mệt. Niềm vui mà các con đã lãnh nhận cách nhưng không từ Thiên Chúa, thì hãy cho đi nhưng không (x. Mt 10:8): quá nhiều người đang đợi chờ điều đó!

Sau cùng, chúng ta hãy lắng nghe những lời mà Chúa Giêsu nói với ông Da-kêu, những lời dường như vẫn có ý nghĩa với chúng ta ngày nay: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (c. 5). Chúa Giêsu mở rộng cùng một lời mời với các con: “Tôi phải ở lại nhà của bạn hôm nay”. Chúng ta có thể nói rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới bắt đầu từ hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, ở tại ngôi nhà của các con, bởi vì đó là nơi mà Chúa Giêsu muốn gặp gỡ các con từ bây giờ trở đi. Chúa không muốn ở lại trong thành phố tuyệt vời này, hoặc ở những ký ức đã được nuôi dưỡng mà thôi. Ngài muốn đi vào nhà của các con, ở lại trong đời sống thường nhật của các con: trong việc học tập của các con, trong những năm đầu đi làm, tình bạn và tình cảm của các con, niềm hy vọng và những mơ ước của các con. Ngài ước mong biết bao là các con sẽ mang tất cả những điều này đến cho Ngài trong cầu nguyện! Ngài hy vọng biết bao rằng, trong tất cả “các liên lạc” và “trò chuyện” mỗi ngày, niềm tự hào về vị thế sẽ được trao ban cho sợi chỉ vàng của việc cầu nguyện! Ngai mong muốn biết bao là lời Ngài có thể được nói với các con ngày này qua ngày nọ, để các con có thể biến Tin Mừng của Ngài thành của các con, để Tin Mừng ấy có thể phục vụ như một kim chỉ nam cho các con trên hành trình của cuộc sống!

Khi hỏi để được vào nhà các con, Chúa Giêsu gọi các con, như Ngài đã gọi ông Da-kêu,bằng tên. Tên của các con quý giá đối với Ngài. Tên “Da-kêu” có thể làm cho người ta quay trở về với suy nghĩ về sự tưởng nhớ của Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào ký ức của Thiên Chúa: ký ức của Ngài không phải là một chiếc “ổ cứng” “lưu trữ” và “phân loại” các loại dữ liệu của chúng ta, mà là một tâm hồn đầy tràn lòng thương cảm dịu dàng, một tâm hồn tìm kiếm niềm vui trong việc “xoá bỏ” ở nơi chúng ta mọi dấu vết của tội lỗi. Chớ gì chúng ta nữa giờ đây cũng hãy noi theo ký ức trung tín của Thiên Chúa và trân quý những điều tốt lành mà chúng ta đã lãnh nhận trong những ngày này. Trong thinh lặng, chúng ta hãy nhớ đến cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy duy trì ký ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời của Ngài, và chúng ta một lần nữa hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu khi Ngài gọi chúng ta bằng tên. Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện thinh lặng, nhớ và tạ ơn Thiên Chúa đã muốn chúng ta ở đây và đã đến đây để gặp gỡ chúng ta.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)