Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ dành cho các Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh Ba-lan tại Cracow ngày 30.07.2016: Giáo hội luôn trong tình trạng lên đường để đi vào thế giới

 

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (xc. Ga 20,19-31), nói với chúng ta về một nơi, về một người môn đệ và về một cuốn sách.

Đó là một nơi mà các môn để đã hiện diện tại đó vào buổi chiều ngày Phục Sinh: Tin Mừng chỉ nói về nơi đó rằng, các cánh cửa đều bị đóng kín (xc. Ga 20,19). Tám ngày sau đó các môn đệ lại hiện diện tại căn nhà này một lần nữa, và mọi cánh cửa của căn nhà này cũng lại đều bị đóng kín (xc. Ga 20,26). Chúa Giê-su đã bước vào trong đó, đứng vào giữa các ông và ban cho các ông sự bình an, Thánh Thần và ơn tha thứ tội lỗi – trong một lời: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tại nơi mà mọi cánh cửa đều bị đóng kín, một lời yêu cầu đã vang lên cách mãnh liệt, và đó là lời yêu cầu mà Chúa Giê-su đã hướng về các môn đệ của Ngài: „Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em đi!“ (Ga 20,21).

Chúa Giê-su sai các môn đệ đi: Ngay từ đầu, Ngài đã mong muốn rằng, Giáo hội luôn ở trong tình trạng lên đường, Giáo hội luôn đi vào thế giới. Và Ngài muốn rằng, Giáo hội sẽ làm tốt điều đó giống như chính Ngài đã từng làm, như Ngài đã được Thiên Chúa Cha sai vào thế giới: không phải với tư cách là một kẻ có quyền lực, nhưng „như một tôi tớ“ (Phil 2,7), không phải „để được phục vụ, nhưng để phục vụ“ (Mc 10,45) và mang đến Tin Mừng (xc. Lc 4,18). Những người được Ngài sai đi thuộc mọi thời đại, cũng phải như thế. Sự tương phản ở đây thật ấn tượng: Trong khi các môn để đóng kín mọi cánh cửa lại vì sợ hãi, thì Chúa Giê-su lại sai các ông đi thi hành sứ vụ. Ngài muốn rằng, họ phải mở mọi cánh cửa ra và phải bước ra khỏi chính mình để với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, loan truyền ơn tha thứ và ơn bình an của Thiên Chúa.

Lời mời gọi đó cũng được dành cho chúng ta. Làm thế nào mà người ta lại không thể nghe thấy tiếng vang vọng phát xuất từ sự thúc giục của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng: „Hãy mở các cánh cửa ra!“ -, vang lên trong đó? Tuy nhiên, cơn cám dỗ vẫn thường tồn tại trong cuộc sống chúng ta với tư cách là những Linh mục và những người sống đời Thánh Hiến, để cứ lỳ ra mãi trong chính bản thân mình và trong nhóm của mình. Hãy đi ra khỏi nỗi sợ hãi cũng như khỏi những tiện nghi dễ dãi! Nhưng hướng đi mà Chúa Giê-su đã xác định, chính là con đường một chiều: Từ chính chúng ta đi ra. Đó là một cuộc hành trình không có vé dành cho chuyến về. Đó chính là việc thực hiện một cuộc xuất hành đi ra khỏi CÁI TÔI của chúng ta, đánh mất sự sống vì Ngài (xc. Mc 8,35), bằng cách là người ta đi theo con đường tự hiến. Mặt khác, Chúa Giê-su không yêu thích những con đường chỉ được đi một nửa, những cánh cửa khép hờ và những cuộc sống bắt cá hai tay. Ngài đòi hỏi người ta phải lên đường một cách vô tư lự, phải lên đường trong sự khước từ những bảo đảm riêng, chỉ được neo chặt vào một mình Ngài.

Với những lời khác: Cuộc sống của những người môn đệ khắng khín nhất của Ngài mà không ai khác, chính chúng ta được kêu gọi để trở nên những người môn đệ đó, phát sinh từ Tình Yêu cụ thể, có nghĩa là từ sự phục vụ và sự sẵn sàng trao hiến bản thân mình cho người khác. Đó là một cuộc sống mà trong đó không có những không gian bị khép kín, và cũng không có những tài sản riêng tư cho những tiện nghi riêng. Ai đã quyết định để trình bày cuộc sống mình sao cho giống với cuộc sống của Chúa Giê-su nhất, người ấy sẽ không chọn cho mình những chỗ riêng nữa, nhưng đi tới bất cứ nơi đâu mà mình được sai đi; sẵn sàng để trả lời cho Đấng kêu gọi mình, và không dành cho mình những thời gian riêng, dù là một lần. Ngôi nhà mà người ấy sống trong đó, không còn thuộc về người ấy nữa, vì Giáo hội và thế giới đã trở thành những sân khấu ngoài trời đối với sứ mạng của người ấy. Kho tàng của người ấy hệ tại ở chỗ đặt Thiên Chúa vào trong trung tâm cuộc sống của mình, không hề tìm kiếm bất cứ một điều chi khác cho mình. Và như thế, người ấy sẽ lẩn tránh trước những trạng huống mà chúng sẽ trao tặng cho mình sự thỏa mãn, cũng như đặt người ấy vào trung tâm điểm, người ấy không nhắm tới những dáng đi khệnh khạng của quyền lực thế gian, và cũng không tìm kiếm cho mình những tiện nghi riêng mà chúng làm cho việc công bố Tin Mừng trở nên yếu nhược; người ấy không phung phí thời gian để lên kế hoạch cho một tương lai chắc chắn và được trả lương cao, để người ấy không sa vào vòng nguy hiểm của việc tạo ra những vách ngăn cũng như của bóng tối, không tự nhốt mình lại trong những bức tường chật hẹp của sự ích kỷ mà không hề có niềm hy vọng, cũng chẳng hề có niềm vui. Vui mừng trong Chúa, người ấy không tự hài lòng với một cuộc sống tầm thường, nhưng được lấp đầy với niềm khát khao cháy bỏng là được làm chứng và được đi đến với những người khác; người ấy yêu thích sự mạo hiểm và lên đường, không phải dưới sự thúc ép của những con đường do mình vạch ra sẵn, nhưng là rộng mở và trung tín đối với những xa lộ đã được vạch ra bởi Chúa Thánh Thần: Người ấy sẽ không ước ao được sống trong sự thư thái, nhưng vui mừng trước việc loan báo Tin Mừng.

Trong phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay xuất hiện loại hình của người môn đệ duy nhất, đó là người được gọi là Thomas. Muốn được thấu hiểu trong nỗi nghi ngờ và trong sự bất an của mình, người môn đệ khá bướng bỉnh này cũng gần tương tự như chúng ta, ít là một đôi chút, và thậm chí còn có thiện cảm đối với chúng ta nữa. Chúng ta nào biết rằng Ngài đã trao tặng cho chúng ta một hồng ân lớn: Ngài mang chúng ta tới gần Chúa hơn, vì Thiên Chúa không tự che giấu mình trước những kẻ kiếm tìm Ngài. Chúa Giê-su đã chỉ cho người môn đệ đó thấy những vết thương vinh hiển của Ngài, Ngài làm cho ông tận tay đụng tới được sự trìu mến đến không cùng của Thiên Chúa, mà nó là dấu chỉ sống động cho thấy Ngài đã phải chịu biết bao nhiêu là nỗi khổ đau vì Tình Yêu đối với nhân loại.

 

Đối với những người môn đệ chúng ta, việc làm cho nhân tính chúng ta chạm tới được thân xác của Thiên Chúa, là điều rất quan trọng. Nó có nghĩa là hoàn toàn tín thác, và trong sự chân thành tuyệt đối để hoàn toàn mang đến trước mặt Ngài tất cả những gì mà chúng ta đang là. Như Thánh Nữ Faustina đã từng nói: Chúa Giê-su sẽ rất vui khi chúng ta nói với Ngài về tất cả; cuộc sống của chúng ta mà thực ra Ngài đã biết cả rồi, không hề nhàm chán đối với Ngài; Ngài chờ mong chúng ta chia sẻ cuộc sống của chúng ta với Ngài, thậm chí nói cho Ngài biết về quá trình ngày sống của chúng ta (xc. Nhật ký của Chị Faustina, 06.09.1937). Và như thế, người ta sẽ kiếm tìm Thiên Chúa, trong một lời cầu nguyện mà nó mở ra và không nên quên giao phó cho Ngài tất cả mọi điều đáng thương hại, mọi cố gắng và mọi trở ngại. Con tim của Chúa Giê-su sẽ bị khuất phục bởi sự cởi mở chân thành, bởi những con tim mà chúng biết thú nhận và biết than khóc về những yếu đuối của riêng mình, trong niềm tín thác rằng, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang ở ngay chỗ đó. Chúa Giê-su đang đòi hỏi điều gì từ chúng ta? Ngài mong muốn có được những con tim thực sự được thánh hiến. Những con tim ấy sống bởi sự tha thứ mà chúng đã lãnh nhận từ Ngài rồi sau đó tuôn đổ sự tha thứ đó xuống trên những người anh chị em với trọn niềm cảm thông. Chúa Giê-su tìm kiếm những tâm hồn luôn biết mềm mại và mở ra đối với những con người yếu đuối, và không bao giờ trở nên cứng cỏi; những con tim sáng dạ và chân thành mà chúng không giả dối trước những người mà họ có sứ mạng điều khiển những con đường trong Giáo hội. Người môn đệ không do dự ngập ngừng trong việc đặt ra cho mình những câu hỏi, người môn đệ có can đảm sống trong sự nghi nan, và mang bản thân mình đến trước mặt Thiên Chúa, trước những nhà lãnh đạo và trước các bề trên, mà không hề tính toán hay tìm cách che giấu. Người môn đệ trung tín thực hiện một sự phân định thường xuyên và tinh tế, vì người ấy biết rằng, con tim phải được vun trồng mỗi ngày, bắt đầu từ những cảm nghĩ, để tự bảo vệ mình trước bất cứ sự sai quấy nào trong thái độ cũng như trong cuộc sống.

Kết thúc cuộc kiếm tìm đầy nồng say của mình, Thánh Thomas không chỉ đạt tới được niềm tin vào sự phục sinh, nhưng còn tìm thấy tất cả cho cuộc sống của mình trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa của Ngài; Thánh Nhân đã nói với Chúa: „Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con“ (Ga 20,28). Thật tốt cho chúng ta biết chừng nào nếu mỗi ngày chúng ta cầu nguyện bằng những lời tuyệt vời ấy, mà với những lời ấy, chúng ta sẽ nói với Ngài: Chúa là gia nghiệp duy nhất đời con, là đường con đi, là trung tâm điểm của cuộc sống con, là tất cả của con.

Trong đoạn cuối cùng mà chúng ta đã nghe, đó là việc nói về một cuốn sách: Đó là cuốn Tin Mừng, mà rất nhiều những dấu chỉ khác do Chúa Giê-su thực hiện, đã không được ghi lại trong đó (xc. Ga 20,30). Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng, sau một dấu chỉ lớn về Lòng Thương Xót của Ngài thì tất cả mọi dấu chỉ khác đều không cần phải bổ sung thêm nữa. Nhưng vẫn còn một thách đố: Nó vẫn ở lại trong không gian đối với các dấu chỉ mà chúng ta sẽ thực hiện – chúng ta, những người đã lãnh nhận Thần Khí Tình Yêu và được kêu gọi quảng bá Lòng Thương Xót. Người ta có thể nói rằng, Tin Mừng, cuốn sách sống động về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà nó phải được tái đọc đi đọc lại, khi kết thúc vẫn còn một trang giấy trắng chưa được viết gì: Nó là một cuốn sách mở, và chúng ta được kêu gọi hãy tiếp tục viết vào trong đó theo đúng văn phong của nó, có nghĩa là, chúng ta sẽ thực thi các công việc của Đức Xót Thương. Cha xin hỏi anh chị em: Những trang sách trong những cuốn sách của từng người một trong anh chị em đang như thế nào? Chúng có được viết ra mỗi ngày hay không? Hay chúng vẫn hoàn toàn đang bị để trống? Ước chi Mẹ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta: Xin Mẹ, người đã lãnh nhận Lời Thiên Chúa vào trong cuộc sống của mình cách hoàn toàn (xc. Lc 8,20-21), ban cho chúng ta được ơn trở nên người viết Tin Mừng. Ước chi Thân Mẫu Lòng Thương Xót của chúng ta sẽ dậy chúng ta để chúng ta biết chăm sóc một cách cụ thể cho những vết thương của Chúa Giê-su trong những người anh chị em cùng khốn của chúng ta, chăm sóc cho cả những người gần cũng như những người xa, cho cả các bệnh nhân cũng như cho những người tị nạn, vì khi người ta phục vụ những người đau khổ thì có nghĩa là người ta tôn vinh thân thể của Chúa Ki-tô. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria phù giúp chúng ta để chúng ta biết hoàn toàn sử dụng bản thân chúng ta cho niềm hạnh phúc của mọi tín hữu đang được ủy thác cho chúng ta, và nơi chúng ta, người này cũng như người kia, tất cả đều được đón nhận như những người anh chị em thực sự trong cộng đoàn Giáo hội, Mẹ thánh thiện của chúng ta.

Anh chị em thân mến, mỗi người trong chúng ta hãy bảo vệ trong con tim mình một trang hoàn toàn có tính cá nhân của cuốn sách về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: đó là tiểu sử về ơn gọi chúng ta, đó là giọng nói của Tình Yêu mà nó hấp dẫn và biến đổi cuộc sống chúng ta, để đưa tất cả quay trở về với Lời của Ngài cũng như đi theo Ngài (xc. Lc 5,11). Ngày hôm nay, trong niềm tạ ơn, chúng ta hãy hồi tưởng lại tiếng gọi của Ngài – hãy nhớ tới lời mời gọi mà nó mạnh mẽ hơn tất cả mọi trở ngại và khó khăn. Giờ đây, khi chúng ta tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích trung tâm của cuộc sống chúng ta, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì với Lòng Thương Xót của mình, Ngài đã bước vào xuyên qua những cánh cửa bị đóng kín của chúng ta; vì Ngài đã gọi tên chúng ta như Ngài đã từng gọi Thomas, và vì Ngài ban cho chúng ta được ơn tiếp tục viết nên cuốn Tin Mừng Tình Yêu của Ngài.

 

Thánh Địa Kính Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, Cracow, Ba-lan, ngày 30 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Mục Lục ĐH Quốc Tế Giới Trẻ