HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG
VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

                                               

Thứ Bẩy ngày 3 tháng 3 năm 2001

Trọng kính các Giám Mục,

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi lời chúc mừng từ Roma đến tất cả các tham dự viên Hội Nghị Giáo Dân Á Châu lần thứ hai!

Tôi thành thực rất lấy làm tiếc là không thể tham dự Hội Nghị của anh chị em về đề tài: "Giáo Dân là một lực lượng thúc đẩy yêu thương và phục vụ trong một Giáo hội canh tân" được, vì có những chương trình đã ấn định từ trước. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình không thể làm gì khác hơn là nồng nhiệt cổ vũ anh chị em khi anh chị em tìm kiếm những phương cách mới để phục vụ Giáo Hội và Xã Hội. "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô" (Gaudium et Spes 1). Như anh chị em biết rất rõ, hoàn cảnh của Châu Á rất đa dạng: một số anh chị em đã có kinh nghiệm về sự tăng trưởng kinh tế hoặc về sự phát triển nền dân chủ, và hàng triệu người khác phải đau khổ vì đói nghèo, thiên tai hoặc vì các cuộc xung đột tàn phá giữa con người với nhau. Tuy thế, càng ngày càng có nhiều người ý thức hơn về khả năng của người Á Châu có thể thay đổi tình trạng hiện nay. Với tư cách là Ki-tô hữu, anh chị em muốn "phục vụ gia đình nhân loại, tìm đến với hết mọi người không phân biệt nam nữ, cùng với họ nỗ lực xây dựng một nền văn minh tình thương là nền văn minh đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát như hoà bình, công lý, tình liên đới và sự tự do là những gía trị tìm thấy sự viên mãn trong Đức Ki-tô" như đã được ghi lại trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Á Ecclesia in Asia.

Tại nơi làm việc và trong gia đình anh chị em, những nguyên tắc nồng cốt của Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội có thể là sự hướng dẫn bảo đảm để anh chị em sống các gía trị của Tin Mừng. Sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo hay "tình yêu ưu tiên đối với người nghèo" là kiểu nói mà Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã dùng trong Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis đòi hỏi điều này: trong bối cảnh xã hội và kinh tế, người nghèo phải là mối quan tâm hàng đầu và là trung tâm điểm trong suy nghĩ và hành động của chúng ta. Giáo huấn của Giáo Hội xuất phát từ lòng tin vào gía trị nội tại và phẩm giá của con người, đã mời gọi chúng ta thực thi quyền lợi và bổn phận nhằm thiện ích của mọi người. Nếu chúng ta muốn cổ võ sự phát triển toàn diện và đích thực của con người trong hoàn cảnh thực tế của các dân tộc trên thế giới, chúng ta phải có "lòngï can đảm của một tình liên đới mới có khả năng tiến hành những bước đi sáng tạo và hữu hiệu để khắc phục tình trạng kém phát triển phi nhân cũng như tình trạng phát triển quá độ có khuynh hướng biến con người thành một đơn vị kinh tế" (Ecclesia in Asia 32). Sau hết nguyên tắc bổ trợ, trên bình diện quốc tế, sẽ cho phép các giải pháp địa phương đối với các vấn đề địa phương, bằng cách chỉ cầu cứu các thế lực lớn hơn khi mà các thế lực nhỏ hơn không có khả năng hành động; còn trên bình diện cộng đồng, có nghĩa là chúng ta cần sự cống hiến của nhiều nhóm khác nhau, tất cả hoạt động trong tình hiệp nhất với nhau. Một số người sẽ đào sâu khả năng phân tích xã hội học hay sẽ dấn thân vào các vấn đề chính trị thực tế. Một số khác sẽ dấn thân trực tiếp vào việc phục vụ người nghèo. Dù chúng ta ở đâu những nỗ lực mang tính giáo dục của chúng ta sẽ góp phần vào việc xây dựng công ích và nâng cao các chuẩn mực đạo đức.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và giúp anh chị em trở thành "một lực lượng thúc đẩy yêu thương và phục vụ trong một Giáo Hội canh tân"

(Ký tên)

Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận,

Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình.

* Người dịch: Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Ngày 9-4-2001 Thứ Hai Tuần Thánh.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà