Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XV

 

Kính thưa quý Phúc Nhân, quý Đức Hồng Y và quý Ngài,

thưa anh chị em và các bạn trẻ thân mến!

 

Chúng ta bước vào trong đại sảnh đường này để nói về giới trẻ, như thế, người ta đã cảm nhận được sức mạnh toát ra từ sự hiện diện của họ, mà sức mạnh ấy đang phát tán một bầu khí tích cực cũng như một niềm hăng hái nhiệt thành có khả năng không chỉ lấp đầy và làm cho đại sảnh đường này được trở nên vui mừng, nhưng còn làm cho cả Giáo hội cũng như toàn thể thế giới cũng được lấp đầy với niềm vui.

 

Vì thế, Cha không thể bắt đầu mà không cám ơn tất cả anh chị em! Xin cám ơn những người đang hiện diện tại đây, cám ơn rất nhiều người đã làm việc để chuẩn bị trong suốt hai năm vừa qua - ở đây, tại Giáo hội Rô-ma và trên khắp Giáo hội hoàn vũ – với sự hy sinh và lòng nhiệt thành, để tạo điều kiện cho khoảnh khắc này. Với trọn tấm lòng, tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục và là Chủ Tịch đại biểu, cám ơn Đức Hồng Y Sérgio da Rocha, Tổng Báo Cáo Viên, cám ơn Đức Cha Fabio Fabene, phó thư ký, cám ơn các chuyên viên của ban tổng thư ký cũng như cám ơn các vị phụ tá; tôi xin cám ơn tất cả các Nghị Phụ, các dự thính viên nam nữ, các chuyên viên và các nhà tư vấn, các đại biểu huynh đệ (delegati fraterni), các thông dịch viên, các ca sĩ và các nhà báo. Xin hết lòng cám ơn tất cả vì sự tham dự tích cực và phong nhiêu của quý vị!

 

Một lời cám ơn chân thành xin được hướng đến hai vị thư ký đặc biệt, Cha Giacomo Costa – Linh mục Dòng Tên –, và Cha Don Rossano Sala – Linh mục Dòng Don Bosco -, các Ngài đã làm việc với sự dấn thân quảng đại cũng như với tinh thần sẵn sàng hy sinh. Trong lúc chuẩn bị, các Ngài đã thực sự bị trầy trụa!

 

Cha cũng muốn chân thành cám ơn những bạn trẻ đang hiệp thông với chúng ta trong khoảnh khắc này, và cám ơn tất cả những ai đã góp ý qua rất nhiều những cách thức khác nhau. Cha xin cám ơn họ vì họ đã làm chứng rằng, phần thưởng chính là việc cảm thấy mình như là thành viên của Giáo hội, hay bước vào trong sự đối thoại với Giáo hội; phần thưởng chính là việc có Giáo hội là Mẹ, là Thầy dậy, như là nhà, là gia đình, mà bất chấp tất cả những yếu đuối và những khó khăn của con người, Giáo hội vẫn có khả năng chiếu sáng cũng như tiếp tục chuyển giao sứ điệp không bao giờ bị qua đi của Chúa Ki-tô; phần thưởng chính là việc được bám chặt vào con thuyền Giáo hội, mà Giáo hội ấy vẫn tiếp tục ra khơi xuyên qua những trận cuồng phong đầy nghiệt ngã của thế gian, để giới thiệu cho tất cả thấy được nơi trú ẩn và sự đón nhận; phần thưởng chính là việc lắng nghe nhau; phần thưởng chính là việc bơi ngược dòng đời và liên kết với những giá trị cao hơn: gia đình, sự chung thủy, Tình Yêu, Đức Tin, sự hy sinh, sự phục vụ và đời sống vĩnh cửu.

 

Trách nhiệm của chúng ta ở đây, trong Thượng Hội Đồng này, chính là trở nên chân thật đối với họ, vâng, chỉ cho họ thấy rằng, chứng tá của họ rất chính đáng: chứng tá ấy thực sự đáng giá, tuyệt nhiên không có chuyện mất thời gian về việc làm chứng ấy!

 

Cha cám ơn các con một cách đặc biệt, các bạn trẻ đang hiện diện tại đây thân mến! Con đường chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục này đã dậy chúng ta rằng, thế giới của những người trẻ rất đa dạng, đến độ thế giới ấy không thể được đại diện một cách hoàn toàn, nhưng với cách thức nào đó, các con đang là một dấu chỉ quan trọng cho điều đó. Sự tham dự của các con sẽ mang đến cho chúng tôi niềm vui cũng như niềm hy vọng.

 

Thượng Hội Đồng Giám Mục mà giờ đây chúng ta đang trải qua, chính là một khoảnh khắc sẻ chia. Vì thế, để khai mạc con đường của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi muốn mời gọi tất cả hãy nói với sự can đảm và Parrhesia, tức là hiệp thông với nhau trong chân lý, tự do và Đức Ái. Chỉ có đối thoại mới có thể làm cho chúng ta được phát triển. Một sự phê bình chân thành và trong sáng luôn có tính xây dựng và giúp cho người ta không nói những lời vô ích, không phao tin đồn, không đổ lỗi và cũng không thiên kiến.

 

Sự can đảm để phát biểu và sự khiêm tốn để lắng nghe cùng thuộc về nhau. Trong phiên họp của Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục, Cha đã nói với những người trẻ rằng. „Khi một ai đó mà tôi không thích, lại phát biểu, thì trước tiên tôi phải lắng nghe họ cách đàng hoàng đã, vì bất cứ ai cũng đều có quyền được lắng nghe, và bất cứ ai cũng đều có quyền được nói“. Việc lắng nghe cách cởi mở như thế sẽ thúc đẩy sự can đảm để phát biểu ý kiến và trao cho những người trẻ trên khắp thế giới nhưng không có mặt tại đây một giọng nói. Sự lắng nghe ấy sẽ mở ra những không gian cho sự đối thoại. Thượng Hội Đồng Giám Mục phải là một hành vi đối thoại, đặc biệt là giữa các tham dự viên. Và hoa trái đầu tiên của sự đối thoại ấy chính là việc ai nấy đều mở con tim mình ra cho những điều mới mẻ, để thay đổi ý kiến của mình nhờ vào việc người ấy đã nghe được từ người khác. Đó là điều rất quan trọng đối với Thượng Hội Đồng Giám Mục. Nhiều người trong quý vị đã chuẩn bị sẵn bài phát biểu của mình trước khi đến đây – và tôi xin cám ơn quý vị về công việc chuẩn bị đó -, nhưng tôi mời gọi quý vị hãy cho phép mình được tự do để coi những gì mình đã chuẩn bị chỉ là một phác thảo tạm thời, mà sự phác thảo ấy sẽ mở ra cho những bổ sung và những thay đổi có thể xảy ra mà có lẽ con đường của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ gợi ra. Chúng ta hãy cho phép mình được tự do để chấp nhận và hiểu những người khác, cũng như để thay đổi những nhận thức và những thái độ của chúng ta: đó là dấu chỉ của sự trưởng thành to lớn về nhân bản và tâm linh.

 

Thượng Hội Đồng Giám Mục chính là hành động biện phân của Giáo hội. Sự thẳng thắn trong khi phát biểu và sự cởi mở trong khi lắng nghe chính là điều căn bản để Thượng Hội Đồng Giám Mục trở thành một quá trình biện phân. Sự biện phân không phải là một khẩu hiệu quảng cáo, nó cũng chẳng phải là kỹ năng tổ chức, và càng không phải là mốt của triều đại Giáo Hoàng này, nhưng là một hành vi nội tại, nó bén rễ sâu trong một hành vi Đức Tin. Sự biện phân vừa là phương pháp và đồng thời cũng là mục tiêu mà chúng ta đang dự định thực hiện: Nó đặt nền móng trên niềm xác tín rằng, Thiên Chúa luôn hiện diện trong lịch sử thế giới, trong những biến cố cuộc sống, trong những con người mà tôi gặp gỡ và tôi nói chuyện với, cũng như trong những công việc. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy lắng nghe điều mà Chúa Thánh Thần khơi lên cho chúng ta, thường là trong những hình thức và trong những chiều hướng không thể đoán trước được. Sự biện phân cần tới không gian và thời gian. Vì thế, Cha quyết định rằng, trong lúc làm việc chung hoặc làm việc theo nhóm, cứ sau năm bài đóng góp thì sẽ có một khoảnh khắc thinh lặng khoảng ba phút để giúp mỗi người lưu tâm tới âm hưởng mà những điều vừa được lắng nghe khơi lên trong lòng mình, để đi vào chiều sâu cũng như để nhận thức được điều đang gây ấn tượng nhất cho mình. Sự lưu tâm đến những điều đang diễn ra trong nội tâm ấy chính là chìa khóa để đi vào con đường nhận thức, diễn giải và biện phân.

 

Chúng ta là dấu chỉ của một Giáo hội lắng nghe và lên đường. Thái độ lắng nghe không thể bị hạn chế vào những lời nói mà chúng ta sẽ trao đổi trong lúc làm việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục. Con đường chuẩn bị cho khoảnh khắc này đã cho phép nhận ra một Giáo hội „thiếu sự lắng nghe“, kể cả đối với những người trẻ mà họ đang cảm thấy mình thường xuyên không được Giáo hội thấu hiểu cũng như không được đón nhận vào trong thực thể thực thụ của Giáo hội, và thậm chí đôi khi còn bị khước từ. Thượng Hội Đồng này có cơ hội, nghĩa vụ và bổn phận phải trở thành một Giáo hội tượng trưng, mà Giáo hội ấy thực sự lắng nghe, Giáo hội ấy để cho mình bị tra vấn bởi thẩm quyền của những con người mà Giáo hội gặp gỡ, và không phải lúc nào cũng có sẵn một câu trả lời đã được biên soạn xong xuôi. Một Giáo hội mà không biết lắng nghe thì Giáo hội ấy tự chứng tỏ rằng, mình đang khép kín đối với những điều mới mẻ, khép kín với những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa, và xem ra không đáng tin cậy, đặc biệt là không đáng tin cậy đối với những người trẻ, và tất nhiên họ sẽ tìm cách tránh né thay vì đến gần.

 

Chúng ta hãy để những tiên kiến và những lời sáo ngữ lại đằng sau mình. Bước đi đầu tiên theo hướng lắng nghe chính là việc giải phóng tinh thần và con tim mình khỏi những tiên kiến và những lời sáo ngữ. Nếu chúng ta nghĩ rằng, mình đã biết người đang nói kia là ai và là gì rồi, thì chúng ta sẽ vô cùng vất vả để có thể lắng nghe người ấy cách nghiêm túc. Các mối tương quan giữa các thế hệ chính là thửa đất mà những tiên kiến và những lời sáo ngữ với một sự dễ dãi trong cách trích dẫn, đang bén rễ sâu trên đó, mà thường thì chúng ta chưa biết gì về thửa đất ấy. Những người trẻ thường bị cám dỗ muốn coi những người lớn chỉ là những kẻ lỗi thời; những người lớn lại bị cám dỗ muốn coi những người trẻ chỉ là những kẻ thiếu kinh nghiệm nên không biết mình đang như thế nào và đặc biệt là không biết mình cần phải cư xử như thế nào. Tất cả những điều đó đều có thể trở thành một lực cản mạnh mẽ đối với sự đối thoại và sự gặp gỡ giữa các thế hệ. Phần lớn những người đang hiện diện ở đây đều không còn trẻ nữa, vì thế, vấn đề trở nên rõ ràng rằng, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ muốn nói về những người trẻ dựa trên những phạm trù đã lỗi thời. Nếu chúng ta hiểu để ngăn ngừa nguy cơ đó, thì chúng ta sẽ góp phần tạo ra một hiệp ước giữa các thế hệ. Những người lớn phải vượt thắng cơn cám dỗ muốn đánh giá thấp những khả năng của người trẻ cũng như đánh giá chúng cách tiêu cực. Cha đã từng đọc thấy rằng, thực tế này đã được đề cập tới lần đầu tiên vào quãng năm 3.000 trước Chúa Ki-tô: trên một chiếc bình bằng gốm của Babylon cổ đại có khắc một hàng chữ như sau: Những người thanh niên thì thiếu đạo đức và những người trẻ sẽ không có khả năng cứu vãn nền văn hóa của dân tộc mình. Đối với những người lớn chúng ta, đó là một truyền thống cổ! Mặt khác, những người trẻ cần phải vượt qua cơn cám dỗ không thèm lắng nghe những người lớn, cũng như coi những người cao niên chỉ là „những thứ cũ kỹ, nhàm chán và đã bị vượt qua“, và ở đây quên mất rằng, thật là ngu ngốc nếu như chỉ luôn luôn muốn bắt đầu từ con số không, làm như thể cuộc sống chỉ có thể bắt đầu với mỗi người trong họ. Trong thực tế, bất chấp sự giòn mỏng nơi thân xác của mình, những vị cao niên vẫn luôn là sự hồi tưởng của nhân loại chúng ta, là gốc rễ của xã hội chúng ta, là „mạch chảy“ của nền văn minh chúng ta. Việc coi thường họ, muốn vứt bỏ họ, nhốt họ lại trong những khu biệt lập, hay nhìn họ bằng nửa con mắt, chỉ cho thấy một sự chịu thua đối với cách nghĩ của thế gian mà cách nghĩ ấy đang ngấu nghiến các gia đình chúng ta từ bên trong. Việc bỏ mặc kho tàng kinh nghiệm mà mỗi thế hệ đã thừa hưởng được và tiếp tục chuyển giao cho thế hệ khác, chính là một hành vi tự hủy hoại chính mình.

 

Sau cùng, một mặt người ta phải vượt thắng tệ nạn Giáo Sĩ Trị với sự kiên quyết. Trong thực tế, sự lắng nghe và việc khước từ những ý kiến có sẵn chính là một phương dược mạnh mẽ có khả năng khắc trị sự nguy hiểm của chủ nghĩa cha chú mà một phiên họp như thế này không thể tránh khỏi việc liên lụy tới nó, vượt ra ngoài những chủ ý tốt lành của mỗi người trong chúng ta. Chủ nghĩa cha chú phát sinh từ một cái nhìn mang tính loại trừ và cho rằng, những người theo đuổi ơn gọi thuộc vào hàng những người ưu tú, và quan điểm ấy hiểu về chức vụ được ủy thác như là một sự vận dụng quyền lực, chứ không hiểu đó là một sự phục vụ có tính mời chào với sự vô vị lợi và sự quảng đại. Thái độ đó dẫn tới một quan điểm cho rằng, người ta thuộc về một nhóm, mà nhóm ấy đang sở hữu tất cả mọi câu trả lời và không cần phải lắng nghe hay học hỏi gì thêm nữa. Có chăng thì nhóm ấy chỉ làm ra vẻ như họ đang lắng nghe mà thôi. Chủ nghĩa cha chú chính là một sự đồi trụy và là gốc rễ của nhiều tệ nạn trong Giáo hội: đối với những tệ nạn đó, chúng ta phải khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ. Nhưng đặc biệt là chúng ta phải đưa ra những điều kiện tiên quyết để, những tệ nạn đó sẽ không bao giờ được phép tái phạm nữa.

 

Tuy nhiên, mặt khác người ta cũng phải khắc trị con virus lấy mình làm đủ, cũng như những kết luận đầy hấp tấp của nhiều người trẻ. Tục ngữ của người Ai-cập nói rằng: „Nếu trong nhà bạn không có cụ già nào, thì bạn hãy mua cho mình một cụ; vì cụ sẽ có ích đối với bạn“. Việc tuyên bố từ bỏ tất cả cũng như khước từ tất cả những gì đã được lưu truyền qua nhiều thế kỷ sẽ chỉ dẫn tới một sự mất mát tai hại, mà tiếc rằng nó đang ngày càng gây nguy hiểm cho nhân loại. Nó khơi lên một trạng thái trống rỗng, mà trạng thái ấy đã thẩm thấu vào trong con tim của mọi thế hệ. Sự tích lỹ những kinh nghiệm của nhân loại trong suốt quá trình lịch sử chính là một kho tàng vô giá và vững chắc nhất mà thế hệ này có thể thừa hưởng được từ thế hệ khác. Ở đây, chúng ta đừng bao giờ lãng quên mạc khải của Thiên Chúa, tức mạc khải đang chiếu soi trên lịch sử và trên kiếp sống của chúng ta, cũng như đang trao ý nghĩa cho lịch sử và cho kiếp nhân sinh ấy.

 

Anh chị em thân mến, ước chi Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ đánh thức con tim chúng ta! Hiện tại, kể cả hiện tại của Giáo hội, có vẻ như đang bị chất đầy với những nỗi khó nhọc, những vấn đề và những gánh nặng. Nhưng Đức Tin nói với chúng ta rằng, đây cũng là thời điểm thuận tiện để Thiên Chúa đến với chúng ta nhằm yêu thương chúng ta cũng như để kêu gọi chúng ta đi vào cuộc sống viên mãn. Tương lai không phải là một mối nguy mà người ta phải sợ hãi, nhưng là một thời gian mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta để chúng ta có thể có được kinh nghiệm về sự hiệp thông với Ngài, với những người anh chị em cũng như với toàn thể thụ tạo. Chúng ta phải tái tìm ra những lý do khiến chúng ta hy vọng, cũng như phải giới thiệu những lý do đó, đặc biệt là cho những người trẻ mà họ đang đói khát niềm hy vọng; như Công Đồng Vatican II đã trình bày: „Với sự chính trực, chúng ta được phép công nhận rằng, số phận tương lai của nhân loại đang nằm trong tay những người có thể giới thiệu cho những thế hệ mai sau những động lực để sống và hy vọng“ (Gaudium et spes, 31).

 

Sự gặp gỡ giữa các thế hệ có thể đơm bông kết trái tối đa trong mối liên hệ đến việc khơi lên niềm hy vọng. Đó là điều mà Ngôn Sứ Gio-en đã dậy trong câu nói sau đây, mà - như Cha đã từng nhắc cho các tham dự viên của cuộc đại hội Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục nhớ tới – Cha cho rằng đó là lời Ngôn Sứ của thời đại chúng ta: „Các cụ già của ngươi sẽ có những giấc mơ, và những trai trẻ của ngươi sẽ có những thị kiến“ (Ge 3,1), và sẽ là những Ngôn Sứ.

 

Không cần phải có những lý chứng thần học được trau chuốt để làm rõ bổn phận của chúng ta trong việc giúp cho thế giới ngày nay đi đến được với Triều Đại Thiên Chúa mà không có những mong chờ sai trái cũng như không chỉ thấy những đổ vỡ và những thảm họa. Thánh Gio-an XXIII Giáo Hoàng đã nói về những con người thường đánh giá những sự kiện với sự thiếu khách quan và sự thận trọng, rằng: „Họ chỉ thấy những bất công và những thất bại trong thời hiện tại. Họ thường xuyên nói rằng, thời đại của chúng ta đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với quá khứ. Họ cư xử như thể là họ chẳng học được bất cứ điều gì từ trong lịch sử cả, trong khi lịch sử lại chính là vị thầy của cuộc sống“ (Diễn văn khai mạc Công Đồng Vatican II, 11.10.1962).

 

Vì thế chúng ta đừng để cho mình bị dẫn vào cơn cám dỗ bởi „những Ngôn Sứ bất hạnh“, cũng đừng phí phạm sức lực vào chuyện „kể ra những thất bại và dành cho nhau sự cay cú“. Chúng ta hãy chú tâm vào điều tốt lành mà nó „thường không gây ồn ào, cũng như không phải là đề tài của một trang Blog, và cũng chẳng tạo ra những hàng tít trên các tờ báo“, và chúng ta cũng đừng hoảng sợ „trước những vết thương nơi thân thể của Chúa Ki-tô, mà những vết thương ấy luôn luôn bị gây ra bởi tội lỗi […] và không hiếm khi bị gây ra bởi những người con trai và con gái của Giáo hội“ (xc. Diễn Văn trước các Tân Giám Mục tham dự khóa học của Thánh Bộ Giám Mục, 13.09.2018).

 

Vì thế chúng ta hãy cố gắng thực hiện „một cuộc gặp gỡ với tương lai“. Từ Thượng Hội Đồng Giám Mục này không nên chỉ xuất hiện một văn kiện – mà bình thường nó chỉ được một ít người đọc, nhưng lại bị rất nhiều người phê bình -, nhưng trước tiên, những sáng kiến mục vụ cụ thể sẽ phải được vạch ra, mà những sáng kiến ấy phải ở trong tình trạng hiện thực hóa sứ mạng của chính Thượng Hội Đồng Giám Mục; có nghĩa là để cho những giấc mơ được xuất hiện, khơi lên những Sứ Ngôn và những thị kiến, làm cho những niềm hy vọng được đơm bông kết trái, thúc đẩy niềm tín thác, băng bó những vết thương, thắt chặt các mối tương quan, để cho buổi bình minh của niềm hy vọng được tái khởi đầu, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một thế giới quan tích cực, mà thế giới ấy sẽ soi sáng cho trí tuệ, sẽ sưởi ấm con tim, tạo ra những khả năng mới để giải quyết và truyền cảm hứng cho những người trẻ - tất cả mọi người trẻ, không trừ ai -, một viễn tượng về tương lai được lấp đầy bởi niềm vui Tin Mừng. Xin cám ơn.

 

Đại sảnh Đường Thượng Hội Đồng Giám Mục

Thứ Tư ngày mồng 03 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội