HUẤN LUYỆN CHỦNG SINH

VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

 

19.3.1995

 

DẪN NHẬP

 

(1) Việc cử hành năm gia đình trong Giáo Hội vừa mới kết thúc đã cho Thánh Bộ này một cơ hội tốt để mời gọi sự chú ý của các Hội Đồng Giám Mục về tầm quan trọng đặc biệt mà trong việc huấn luyện linh mục cần phải góp phần vào những vấn đề liên quan đến hôn nhân và đời sống gia đình. Cho dù đề tài này đã có trong chương trình huấn luyện và vì thế không nên bỏ qua trong việc giáo dục thực tiễn cũng như trong việc học hỏi. Tuy nhiên cũng cần có những khai triển mới về phương diện giáo thuyết, luân lý, tu đức, mục vụ và nhấn mạnh đến những điều mới mẻ phù hợp với tình trạng cấp bách hiện nay. Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “ngày nay cần phải đặt gia đình và sự sống làm trọng tâm của việc loan báo tin mừng” và trở nên “đối tượng của một việc học hỏi nghiêm chỉnh và có hệ thống và của việc suy tư trong các chủng viện, trong những nhà huấn luyện và trong những học viện” (Diễn văn dành cho các Giám Mục điều hành các Uy Ban giám mục về gia đình của Mỹ Châu La Tinh, ngày 18.3.1993).

 

(2) Từ nhiều tài liệu chính thức của Giáo Hội, từ những hội nghị và những buổi hội thảo khác nhau trong những năm gần đây về vấn đề Gia Đình cho chúng ta thấy rằng những bổn phận đang chờ đợi các linh mục tương lai trong lãnh vực sứ vụ này so với trước đây tế nhị hơn, đòi hỏi hơn và nhất là phức tạp hơn. Một đàng, đây là việc loan truyền sự mới mẻ và vẻ đẹp của “sự thật thần linh về gia đình” (xem Thư gởi các gia đình Gratissimam sane của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 2.2.1994), dẫn đưa gia đình kitô hữu đến với sự hoàn thiện của đức ái và, đàng khác, lại phải đối đầu với những hoàn cảnh khủng hoảng, trước sự suy thoái của học thuyết, của những quan niệm về sự sống và phong hóa đi ngược lại với Tin Mừng và với thiện ích đích thực của con người. Nói chung, những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các gia đình kitô hữu ngày nay đang tăng vọt một cách rõ ràng và vì thế chúng đòi hỏi việc phục vụ của các mục tử không những chỉ nhạy bén trước những vấn đề ấy mà thôi, nhưng còn phải chuyên môn về những thực tại của cuộc sống và vững vàng trên cả lãnh vực lý thuyết nữa.

Chính vì nhắm đến tình trạng này mà chúng tôi đặt ra ở đây hai câu hỏi: Ngày nay, các linh mục vừa xuất thân từ các chủng viện đã được chuẩn bị một cách đầy đủ để đáp ứng những nhu cầu mục vụ hiện thời chưa? Và, nếu câu trả lời không mấy tích cực thì phải làm gì để việc chuẩn bị ấy có thể tốt hơn và luôn trở nên hữu hiệu và đầy đủ hơn?

 

I. TÌNH TRẠNG HIỆN NAY CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN

(3) Vì sự khác biệt lớn lao của nhiều hoàn cảnh trên toàn thế giới nên câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của hai câu hỏi trên cũng rất khác biệt. Để có được sự phán quyết về vấn đề nêu trên, Thánh Bộ này dựa trên những kết quả của việc thăm dò gần đây tại các Hội Đồng Giám Mục theo những tin tức có được từ những cuộc kinh lý trong các chủng viện và những lần “ad limina” của các giám mục, dựa trên những tiếp xúc tại chỗ với những thực tại địa phương, dựa trên những ý kiến của một số chuyên gia, cũng như dựa trên ý kiến của các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ: thành phần sau cùng này có nhận xét khá đúng về phẩm chất của việc huấn luyện trong các chủng viện và về những ước mong của các đôi vợ chồng kitô hữu.

Chúng tôi có thể nói được rằng những tin tức khác nhau này, được nhận xét trong toàn bộ và cách chung cho phép chúng tôi đưa ra một vài kết luận mang tính cách tổng hợp cho thấy nhiều nhu cầu và đường hướng chung của công cuộc huấn luyện:

 

(4) 1. Mới nhìn vào thì chủ đề hôn nhân và gia đình xem ra không bị bỏ qua trong các chương trình học kinh viện. Chủ đề này thường đuợc lồng vào trong việc giảng dạy thần học tín lý (về việc sáng tạo), bí tích (bí tích hôn phối), luân lý (những vấn đề của đời sống hôn nhân: những mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, việc giáo dục), mục vụ (chương nói về mục vụ gia đình), trong giáo luật (những điều kiện để việc cử hành hôn phối được thành sự) và trong phụng vụ (nghi thức hôn phối). Đây là những môn học và những vấn đề nền tảng mà trong một nghĩa nào đó chỉ theo “truyền thống” đã có ít nhiều trong mọi chủng viện, cho dù cách thế giảng dạy có khác nhau tùy mỗi nơi và tùy theo cơ cấu tổ chức của từng học viện

 

(5) Tuy nhiên, điều mà ngày nay người ta coi trọng hơn cả không phải là tổ chức việc giảng dạy cho bằng phẩm chất và hiệu lực của nó. Theo sự phán quyết dựa trên những kinh nghiệm cũng như từ những phê bình khác nhau và từ việc nhận xét không mấy thỏa mãn tại nhiều nơi qua lối giảng dạy, lý thuyết và thực hành mục vụ, thì chúng ta phải kết luận rằng môn học này chưa đuợc giảng dạy một cách cẩn trọng và bao quát để cống hiến cho Giáo Hội những mục tử đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về lãnh vực tông đồ này. Họ phải là những mục tử có khả năng “trình bày nền giáo huấn của Giáo hội liên quan đến hôn nhân” (Phaolô VI, Humanae vitae, 28), biết soi sáng và huấn luyện lương tâm, biết thăng tiến việc cộng tác chuyên môn và khuyến khích các gia đình hoạt động tông đồ cách tích cực và mang lại một năng lực mới cho sự canh tân sâu xa về mục vụ gia đình.

 

(6)   2. Trong lãnh vực giáo thuyết, tín lý-luân lý và tu đức-phụng vụ, còn có nhiều ấn tượng về việc giảng dạy: một đàng, chưa quân bình đủ, nhất là trong thần học luân lý, và đàng khác, còn thiếu sự nhận thức rõ ràng về những mục tiêu của chúng và về những nguyên tắc của việc nghiên cứu thần học chân thực. Thật vậy, về chủ đề gia đình và đời sống hôn nhân, chúng tôi thấy không thiếu những chống đối về giáo huấn của Giáo Hội, những chiều hướng quá chú trọng đến một chủ nghĩa tâm lý và xã hội, và đôi lúc chỉ một chiều. Chúng thu hẹp việc học hỏi toàn bộ môn học vào một vài lãnh vực riêng biệt nào đó, làm thiếu tính chất chuyên môn và toàn bộ. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy không thiếu những nơi bỏ qua những việc làm quan trọng đã được Công Đồng Vaticanô II đề nghị và những tài liệu chính thức sau đó của Giáo Hội, chẳng hạn như một nền tảng triết học và kinh thánh kỹ lưỡng hơn về nhân chủng học của hôn nhân, một sự nghiên cứu học hỏi sâu xa hơn về những phương pháp tự nhiên của việc điều hòa sinh sản và nhất là một sự trình bày thần học đầy đủ và sâu sắc hơn về sự thật của gia đình và về linh đạo hôn nhân. Những việc làm này không thể thiếu để các gia đình có thể thăng tiến trong tinh thần tông đồ và trở nên một yếu tố thúc đẩy trong việc thức tỉnh thiêng liêng của cộng đoàn kitô hữu và của chính xã hội dân sự.

 

(7)   3. Tính chất trọng yếu và phức tạp của những vấn đề luân lý, y học, pháp luật và kinh tế trong hoàn cảnh hôm nay của gia đình càng nêu rõ việc chuẩn bị những linh mục tương lai cho việc tông đồ trong lãnh vực này tùy thuộc phần lớn vào phẩm chất của việc huấn luyện tri thức mà họ lãnh nhận được trong các chủng viện. Tuy nhiên, các môn học kinh viện không phải mọi nơi đều đạt được trình độ cao. Một trong những vấn đề chính là xây dựng khoa triết học mà chính ngày hôm nay luôn được mời gọi để đóng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề căn bản về nhân chủng học, cũng như cho việc giải thích và áp dụng những dữ kiện của khoa học. Điều đó cho chúng ta hiểu rằng sự chuẩn bị vững vàng cho mục vụ gia đình không thể làm khác hơn là sự huấn luyện tri thức triết học và thần học rất kỹ lưỡng và đầy đủ mà chỉ có thể đuợc bảo đảm nhờ những chủng viện có tổ chức tốt và hữu hiệu trong lãnh vực học hỏi.

 

(8)   4. Trong việc chuẩn bị các linh mục tương lai có những vấn đề đặc biệt cần phải nhắm đến như tác vụ hoà giải, hướng dẫn thiêng liêng và huấn luyện lương tâm cho các tín hữu. Đó là những vấn đề mà các đôi vợ chồng kitô hữu thường mong đợi và yêu cầu, nhưng trong nhiều trường hợp họ không nhận được sự đáp trả tương xứng. Họ tìm kiếm những linh mục giải tội và những vị linh huớng có được những tiêu chuẩn luân lý chắc chắn và chuyên môn trên đường hoàn thiện theo tin mừng, nhưng họ cho biết là có một vài khó khăn trong việc tìm kiếm các vị ấy. Theo họ, trong nhiều trường hợp họ đã gặp những linh mục không mấy quan tâm đến tác vụ ấy hoặc chưa được chuẩn bị đầy đủ. Theo Tông Huấn Reconciliatio et paenitentia, “đối với thừa tác vụ của bí tích hòa giải, mỗi linh mục cần phải được chuẩn bị ngay từ những năm học ở chủng viện, cùng với việc học hỏi về thần học tín lý, luân lý, tu đức và mục vụ (không phải chỉ thần học mà thôi) còn có những khoa về con người, phương pháp đối thoại và đặc biệt là đối thoại mục vụ” (số 29). Lời nhắc nhở long trọng ấy còn đuợc lặp lại trong thời gian sau này qua nhiều tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, như chúng ta có thể thu thập được từ nhiều nơi, cuộc khủng hoảng chung hiện nay về bí tích hòa giải và của việc linh hướng vẫn chưa có thể vượt qua được, cho dù một vài nơi cho thấy có nhu cầu của người kitô hữu. Nhận xét này làm chúng ta phải đặt câu hỏi phải chăng trách nhiệm về tình trạng ấy, ít là một phần nào đó, là do những thiếu sót trong việc huấn luyện và trong chính lối sống tại các chủng viện.

 

(9)   5. Sự huấn luyện đặc biệt về mục vụ, trên lý thuyết và thực hành, cho việc tông đồ đối với các gia đình trong thời gian gần đây có đuợc nhiều ưu thế: trước hết là những đường hướng qua huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, tông huấn Familiaris consortio, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và những chương trình mục vụ toàn quốc và giáo phận, cũng như ngay cả trong việc mục vụ nói chung mà gia đình đã có đuợc, bên cạnh các thành phần khác của cộng đoàn và của các bậc sống khác nhau (nam giới, nữ giới, người trẻ, người già, v.v.), một cách thế đặc biệt để có thể nhận ra và đối diện trước những vấn đề. Nhờ đó việc chuẩn bị cho những ứng viên linh mục đối với những bổn phận mục vụ trong lãnh vực này trở nên phong phú và thực tế hơn trước đây.

 

(10) Tuy nhiên, xét về mặt khác, những phát triển hứa hẹn ấy cũng gặp không ít những trở ngại: thiếu giáo sư chuyên môn, không phải các giáo sư đều có những kinh nghiệm mục vụ đầy đủ, những chương trình học đã khá nhiều nhưng lại  không bàn đến những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình một cách rộng lớn và sâu xa. Ngoài ra còn cần phải nói thêm rằng kết quả thực tế của hoạt động giáo dục đôi lúc bị giảm sút vì thiếu bảo đảm và quá lý thuyết cũng như vì thiếu sự phối kết giữa các môn học.

 

(11) Những kinh nghiệm thực tập về mục vụ của các chủng sinh mà nhu cầu mỗi ngày càng nhiều hơn trong các giáo phận có thêm nhiều sáng kiến nhằm giúp cho các gia đình (những văn phòng tư vấn, các nhóm và phong trào gia đình), sẽ giúp cho các chủng sinh có đuợc một cái nhìn đúng hơn về thực tại và nhất là cho họ cơ hội cảm nghiệm và thực thi khả năng truyền đạt và tiếp cận với con người một cách thực tế. Tuy nhiên, những hoạt động mục vụ cho đến nay đạt được kết quả rất ít ỏi, có thể bởi vì trong nhiều chủng viện còn thiếu sự chuẩn bị cho công việc này, thiếu cái nhìn và việc thẩm định từ phía những người huấn luyện, hoặc vì chính các bạn trẻ chưa trưởng thành đủ cho loại tông đồ này và thường họ cảm thấy những việc làm ấy không mấy hấp dẫn. Ngoài ra, những lần họ đi ra ngoài vào chiều tối để tham dự những buổi sinh hoạt của các nhóm gia đình cũng gây ảnh hưởng đến kỷ luật của các chủng viện.

 

(12) 6. Tuy nhiên, bên cạnh những thiếu sót và những khó khăn nhận ra đuợc, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng trong lãnh vực huấn luyện này còn có những khả năng và những chiều hướng mới. Thật vậy, có những năng lực mới không những đến từ bên trên, nhưng còn có thể nói đuợc là đến từ “bên dưới”: từ các giáo xứ và các đoàn thể tạo cho các chủng viện gặp gỡ với các gia đình và với những vấn đề của họ. Tiếp đến là hiện có nhiều khóa thường huấn và thông tin cho các nhà huấn luyện và cho các chủng sinh đuợc tổ chức nhiều lúc với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn về mục vụ gia đình và của nhiều nhóm tông đồ khác nhau, đồng thời cần phải quan tâm đến những giúp đỡ cho vấn đề này từ tác vụ linh mục. Những can thiệp ấy cho đến nay vẫn còn hiếm hoi và ít có cơ hội nên chúng ta cần phải đi đến việc thực hiện những chương trình có hệ thống hơn và kỹ càng hơn. Cần phải có thẩm quyền chuyên môn và cái nhìn bao quát gồm cả những vấn đề lý thuyết, tu đức và mục vụ mà hôm nay thường được nói đến hơn cả. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho việc mục vụ gia đình trong các chủng viện chỉ có thể đạt được mục tiêu đích thực của nó khi tất cả mọi người, người huấn luyện cũng như người đuợc huấn luyện, biết xác tín về tầm quan trọng thiết yếu và không thể thiếu được và thật sự xem gia đình như con đường “đầu tiên và quan trọng nhất” đối với việc thừa tác của họ (xem Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia Đình Gratissimam sane, 2).

Bởi vậy, trong bối cảnh ấy chúng ta cần đặt câu hỏi thứ hai về việc làm cho tình trạng này được trở nên tốt đẹp hơn.

 

II. ĐÂU LÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG LÀM CHO VIỆC HUẤN LUYỆN NÀY ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ VÀ HỮU HIỆU HƠN?

 

(13) Để có thể giải quyết một cách tương xứng nhiều vấn đề tế nhị liên quan đến hôn nhân và gia đình trước nhu cầu hiện nay thì cần phải có nơi các linh mục một tinh thần mục vụ chân thực và một trình độ chuyên môn thật sự. Bởi vậy, hệ thống huấn luyện trong lãnh vực này cần phải có một sự xét lại kỹ lưỡng và để thích nghi thì phải nâng cao thật sự về phẩm chất.

 

(14) 1. Mỗi một bước tiến trong ý nghĩa ấy đều phải được hướng dẫn bởi một cái nhìn rõ ràng về tính chất bao quát và về mục tiêu của lãnh vực tác vụ thánh này: việc tông đồ gia đình là một bổn phận không chỉ tùy thuộc vào một số ít linh mục đang có trách hiệm hoặc sẽ mang trách nhiệm về mục vụ gia đình, nhưng hôm nay đó là một chiều kích thiết yếu và có thể nói được là có mặt khắp nơi của việc tông đồ giáo dân, mà tất cả linh mục đều được mời gọi hoạt động trong những cách thế và mức độ trách nhiệm khác nhau. Bởi vậy, đây là việc cống hiến cho những người đang chuẩn bị làm linh mục những phương tiện huấn luyện làm sao cho họ trở nên những người chuyên môn thực hiện một cách hữu hiệu công việc tông đồ quan trọng và khó khăn này.

 

(15) 2. Vì có nhiều đề tài và bổn phận cần được huấn luyện trong lãnh vực này nên cần phải có một sự phối kết kỹ lưỡng giữa sự huấn luyện ban đầu của chủng viện và việc thường huấn. Cần phải thiết định một cách rõ ràng những gì phải được học hỏi trong các môn học ở chủng viện và những gì cần để lại sau khi thụ phong linh mục. Ngoài ra, trong việc chọn lựa những đề tài cần phải lưu ý đến mức độ trưởng thành của các học viên. Thật vậy, có những đề tài khác nhau liên quan đến đời sống hôn nhân chỉ có thể được giảng dạy với cái nhìn bao quát và cụ thể nhờ tiếp cận với việc thực hành mục vụ. Nhưng ngay cả trong những năm đầu của thừa tác vụ thánh các tân linh mục cũng cần thi hành những bổn phận ấy một cách tiệm tiến nhờ sự hướng dẫn của các mục tử trưởng thành và chuyên môn hơn.

 

(16) 3. Trong khi làm cho chủ đề gia đình có được một sự phát triển rộng lớn và sâu xa hơn thì cũng phải làm sao để có thể tránh tăng thêm nhiều giáo trình và bộ môn chuyên biệt. Về việc làm này cần phải có sự hợp tác của các khoa giữa những  bộ môn đã có và việc tổ chức toàn bộ học trình làm thế nào để chủ đề gia đình có thể trở thành chiều kích nội tại của việc huấn luyện tri thức và mục vụ. Hơn nữa, một sự phối kết giáo dục chặt chẽ như thế dù đã đuợc tiên liệu bởi sắc lệnh Optatam totius (số 17) và “Ratio fundamentalis” (các số 80, 90), nhưng chỉ có thể thành công được nhờ sự theo dõi và kiểm soát của một người chuyên môn thực sự trong những vấn đề gia đình và hôn nhân. Trong cách thế ấy, chủ đề gia đình và hôn nhân sẽ được xếp đặt vào một chỗ đúng với vị thế của nó, và sẽ làm bớt đi những toan tính tạo nên một giáo trình đặc biệt nói đến mọi khía cạnh như đã xãy ra ở một vài nơi.

 

(17) 4. Những vấn đề tổ chức chuyên biệt được đặt ra cho những Phân Khoa thần học, nơi có nhiều chủng sinh đang theo học. Những giáo trình của chu kỳ đầu thường có rất nhiều và đặc biệt hướng đến việc học hỏi về những bộ môn thần học chính yếu. Bởi vậy, bổn phận ưu tiên của các phân khoa là giới thiệu cho các học viên một sự trình bày sâu xa xét theo phương diện lý thuyết cũng như xác quyết về những nguyên tắc giáo thuyết và luân lý liên quan đến hôn nhân và gia đình để họ có thể có khả năng bênh vực và bảo vệ tính chất pháp lý của chúng và áp dụng vào trong thực tế của đời sống. Đồng thời cũng cần có một vài nỗ lực để đưa vào trong những chương trình một số giáo trình mục vụ không thể thiếu được như phần phụ thêm và những khoá hội học, cho dù thời khóa biểu đã quá đầy. Trong trường hợp dù với thiện chí cũng không còn chỗ trống cho vấn đề ấy thì cần phải bổ sung trong chu kỳ thứ hai (thường trong “năm mục vụ” đã được tính liệu bởi khoản 74,2 của costituzione apostolica Sapientia christiana), hoặc những khoá học nội bộ phụ thêm được tổ chức trong các chủng viện hay các học viện.

 

(18) Hơn nữa, cần tiên liệu làm sao để những chủ đề liên quan đến hôn nhân và gia đình được nhiều học viên chọn làm đối tượng về chuyên môn để làm tiểu luận trong chu kỳ thứ hai và làm luận án tiến sĩ trong chu kỳ thứ ba.

 

(19) 5. Sự chọn lựa các bộ môn và chủ đề để hội nhập, đổi mới hoặc khai triển phần lớn trong các chương trình đều tùy vào những hoàn cảnh văn hóa cụ thể và mục vụ địa phương. Những hướng dẫn thực tiễn về vấn đề này có thể được các Hội Đồng Giám Mục đề ra và một cách cụ thể nhờ những chương trình mục vụ gia đình cho toàn quốc và cho từng giáo phận.

Bây giờ, sau những vấn đề mang tính chất tổng quát này, chúng ta bàn đến một số việc làm đặc biệt về việc huấn luyện tri thức, tu đức và mục vụ.

 

a) Huấn luyện tri thức

 

(20) 1. Trước hết cần nhấn mạnh đến trách nhiệm riêng của các giáo sư để trình bày sự thật về con người một cách đầy đủ và chân thực, đặc biệt về hai ơn gọi căn bản của đời sống kitô hữu: đó là ơn gọi trinh khiết và ơn gọi hôn nhân và về mối tương quan giữa hai ơn gọi ấy, và về “hai chiều kích của việc vợ chồng, đó là chiều kích kết hợp và truyền sinh”, hai chiều kích ấy “không thể tách rời một cách nhân tạo mà không phương hại đến sự thật sâu thẳm của chính hành động vợ chồng” (Gioan Phaolô II, Thư gởi các gia đình Gratissimam sane, 12). Chính Đức Giáo Hoàng cũng đã khẳng định một cách rõ ràng bằng việc qui hướng về thông điệp Veritatis plendor, “chỉ khi nào sự thật về tự do và hiệp thông của con người trong hôn nhân và trong gia đình lấy lại được sự rạng ngời của mình thì mới thật sự xây dựng được nền văn minh tình thương và khi đó mới có thể nói được như Công Đồng nói một cách hữu hiệu về việc ‘thẩm định phẩm giá của hôn nhân và gia đình’” (Gratissime sane, 13). Ngoài ra, việc giảng dạy về giáo thuyết cách vững vàng, liên kết với huấn quyền và được khai triển trong khía cạnh lý thuyết và xác quyết của nó, còn tùy thuộc vào phẩm chất của linh đạo hôn nhân và việc hoạt động mục vụ của linh mục nữa.

 

(21) 2. Sự hiểu biết được nghiền ngẫm kỹ lưỡng và sâu xa về sự thật trên hôn nhân và gia đình cần phải có một suy tư triết học vững vàng, được khởi hứng theo những nguyên lý tốt lành. Sự hiểu biết ấy cần đặt dưới ánh sáng những khái niệm nền tảng về nhân chủng học, chẳng hạn như về con người, cuộc sống của con người trong tương quan liên chủ thể, định mạng của con người, những quyền bất khả nhượng của con người, “tính chất hôn ước” như là một trong những yếu tố đầu tiên được thể hiện của bản tính con người và yếu tố xây dựng xã hội. Ước mong cho những chủ đề này phải được lưu ý trong những giáo trình triết học, nhờ vậy mới có thể cống hiến được cho việc giáo dục về gia đình và về tính dục một nền tảng siêu hình vững vàng.

 

(22) 3. Trong việc giảng dạy triết học, được bổ túc bằng những dữ kiện của lịch sử, của xã hộc học và của dân tộc học, nên tìm cách cắt nghĩa cuộc khủng hoảng hiện nay về hôn nhân và định chế gia đình manh nha từ trong những trào lưu tư tưởng trước đây và bây giờ chỉ là sự biểu lộ rõ ràng của cuộc khủng hoảng sâu xa về những giá trị tinh thần, luân lý và văn hóa mà ngày nay đang lan tràn trên cả nhân loại. Nhìn trong một bối cảnh như thế, những bổn phận mục vụ cần chuẩn bị cho các bạn trẻ trong chủng viện có được chiều kích thật sự của chúng, đồng thời đó cũng là một việc phục vụ nghiêm chỉnh và sáng suốt cho sự thật và cho việc xây dựng một nền văn minh mới xứng hợp hơn với con người.

 

(23) 4. Việc chọn lựa những đề tài về luân lý sinh học mang tính chất khoa học và triết học sẽ được thực hiện bằng cách qui hướng về những đòi hỏi của khoa thần học luân lý. Khoa này cần có những dữ kiện khoa học được xem xét một cách cẩn thận để có được thẩm quyền về những vấn đề sống động nhất của đời sống hôn nhân và của gia đình. Nhiều đề tài thuộc loại này có thể được dành cho y dược mục vụ, để có thể sử dụng những sự đóng góp của y khoa.

 

(24) Thật vậy, đối với khoa thần học luân lý “hơn cả những khoa thần học khác, cần lưu ý đến những kết quả của những khoa học tự nhiên và của con người, và của kinh nghiệm về con người. Những kết quả ấy, mặc dù chúng không thể đặt để hay tạo nên những qui luật luân lý, nhưng chúng có thể mang lại nhiều ánh sáng về hoàn cảnh và về cách sống của con người” (Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti La formazione teologica dei futuri sacerdoti, 22.2.1976, n. 99; xem các số 54-58).

 

(25) 5. Nhiều yếu tố nói đến một sự canh tân thích hợp về đề tài của các môn học bao gồm cả lãnh vực này (thần học tín lý, bí tích, luân lý, mục vụ, giáo luật) phần lớn được tìm thấy trong những tài liệu của huấn quyền giáo hoàng: các thông điệp Humanae vitae và Veritatis plendor, các tông huấn Familiaris consortio và Christifidelis laici, tông thư Mulieris dignitatem, thư gởi các gia đình Gratissimam sane, và trong nhiều tuyên ngôn của Đức Giáo Hoàng và các cơ quan của Tòa Thánh (xem tuyên ngôn Persona humana, huấn thị Donum vitae và Thư gởi các giám mục của Giáo Hội công giáo về việc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái của Thánh Bộ Đức Tin). Đây là một “corpus” giáo thuyết và mục vụ mà trong cái nhìn chung tùy theo bản chất của mỗi chủ đề cần phải được đưa vào trong các môn học khác nhau để làm sáng tỏ và khai triển những khái niệm thần học khác nhau: để cắt nghĩa bản chất và căn tính của gia đình, để làm phong phú hóa nền thần học về “gia đình như giáo hội tại gia”, cũng như để cống hiến những giải đáp rõ ràng và tức thời cho những vấn đề ngày nay đang được bàn cải chẳng hạn như ơn gọi đến với sự hoàn thiện tin mừng, tính bất khả phân ly của dây hôn, bảo vệ sự sống.

 

(26) 6. Việc giảng dạy thần học tín lý và bí tích, để có được sự chuẩn bị cho các linh mục tương lai về mục vụ gia đình có hệ thống và chính xác hơn, thì cần phải đưa ánh sáng đức tin trên đối tượng và trên những mục đích của nó. Họ phải được thường xuyên hướng dẫn để hiểu biết hơn phẩm giá đích thực về kitô giáo và siêu nhiên của hôn nhân và gia đình, bằng cách đưa vào trong bối cảnh của công trình tạo dựng, cứu chuộc và mầu nhiệm của giáo hội. Thật vậy, với cách thế ấy vai trò chính yếu của vợ chồng kitô hữu sẽ rạng ngời trong toàn nhiệm cục cứu rỗi, với tất cả cuộc sống bí tích và ơn gọi nên thánh. Đó chính là sự mới mẻ của đời sống trong Đức Kitô xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh như sự tham dự vào tình yêu của sự sống ba ngôi, mạc khải không những cho chính đôi vợ chồng, mà còn cho cả những mục tử tương lai, sự phong phú lớn lao và sự hoàn thiện từ đó xuất phát cho tình yêu tự nhiên của con người, đồng thời cũng chỉ dẫn những mục tiêu đích thực cuối cùng mà mỗi việc tông đồ trong lãnh vực này cần nhắm tới.

 

(27) 7. Việc giảng dạy thần học luân lý được gắn liền cách chặt chẽ với tín lý mang những trách nhiệm lớn lao cho việc huấn luyện trong những linh mục tương lai về những xác tín và những thái độ căn bản đối với việc tông đồ gia đình. Việc giảng dạy ấy một cách khoa học cần phải nghiêm chỉnh và một cách giáo thuyết cần phải chắc chắn, nhờ vậy mới có thể gợi lên trong các linh mục tương lai những tâm tình mục vụ và nuôi dưỡng lòng thao thức tông đồ. Trong khi tìm giải thích những qui luật khách quan về luân lý hôn nhân cũng cần quan tâm đến “những hoàn cảnh đặc biệt” (xem tông huấn Familiaris consortio, các số 77 tt) và những trường hợp khó khăn, đồng thời cống hiến cho các mục tử tương lai những đường hướng và những giải đáp mục vụ, cùng với những chỉ dẫn cho việc sử dụng khôn ngoan về những khoa học về con người. Sự trung thành với huấn quyền sẽ giúp cho các linh mục tương lai “chăm lo gìn giữ được sự thống nhất trong những cách phán đoán của họ, để tín hữu khỏi bối rối lương tâm” (số 73).

 

(28) 8. Giáo luật áp dụng những nguyên tắc đức tin và luân lý vào cụ thể của cuộc sống, là một phần quan trọng của việc mục vụ gia đình, với qui luật của nó liên quan đến những điều kiện để cử hành bí tích hôn phối cách thành sự và để bảo đảm dây hôn. Việc chuyên cần học hỏi ấy cần mở rộng đến những vấn đề được đặt ra từ cuộc sống hiện nay và từ những tiến bộ của những khoa học về con người, sinh học và y học, cần phải cống hiến cho những linh mục tương lai những trợ giúp cần thiết để có thể đồng hành và theo dõi những cuộc hôn nhân đang thành hình cũng như những hôn nhân đã cử hành và những hôn nhân đang gặp khủng hoảng. Do đó, cần phải cho họ biết đến những vụ tháo gỡ hôn phối và thể thức của những tòa án giáo hội, cũng như những luật lệ dân sự trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến gia đình. Bởi vậy cần phải chú ý học biết Hiến Chương về quyền của gia đình do Toà Thánh ban hành nữa.

 

(29) 9. Chiều kích xã hội của những vấn đề hôn nhân và gia đình, đặc biệt những vấn đề do những hoàn cảnh khủng hoảng gây nên, chính là đối tượng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Thêm vào những vấn đề được bàn đến trong thần học luân lý từ cái nhìn luân lý cá nhân, chẳng hạn như ly dị, ngừa thai, phá thai, thụ thai nhân tạo, v.v., còn có nhiều vấn đề khác mang tính chất kinh tế và xã hội văn hóa (nạn thất nghiệp, lương bổng gia đình, quyền gia đình, việc làm của nữ giới và của trẻ em, những cách thức mới về việc chung sống hôn nhân, sự thay đổi “vai trò” trong gia đình, vị thế của người nữ trong xã hội, giáo dục học đường, nhà cửa, nghiện ngập, người khuyết tật, di dân, thời gian vui chơi giải trí, v.v.), để được học hỏi dưới ánh sáng của những nguyên tắc và giá trị thường hằng, những tiêu chuẩn phán đoán và những đường huớng hoạt động. Bộ môn này có nhiều điểm gần gũi với thần học mục vụ (đặc biệt với “mục vụ xã hội”) và vì vậy cần phải có một sự phối kết tốt đẹp giữa các bộ môn.

 

(30) Nhờ những cuộc thăm dò của mình bộ môn này sử dụng những đóng góp của các khoa học nhân loại và thực dụng (sinh học, y học, tâm lý học, kinh tế học, dân tộc học), cũng như những kết quả của nhiều cuộc phân tích và điều tra xã hội và dân số. Trong việc sử dụng những dữ kiện ấy cần phải tránh “nguy cơ sa vào trong cạm bẫy của những chủ nghĩa lèo lái việc giải thích những dữ kiện, hoặc vào trong chủ nghĩa thực chứng quá coi trọng những dữ kiện vật lý mà không có một sự hiểu biết toàn diện về con người và thế giới” (Bộ Giáo Dục Công Giáo, Tài Liệu In questi ultimi decenni. Orientamenti per lo studio e l’insegnamento della dottrina sociale della chiesa nella formazione sacerdotale, 30.12.1988, n. 68; cf. N. 10).

 

b) Huấn luyện tu đức

 

(31) 1. Điều mong ước đầu tiên và cần thiết nhất để lo việc tu đức (linh đạo) cho các vợ chồng kitô hữu và gia đình của họ là sự trưởng thành nhân bản và kitô giáo của các mục tử. Vì thế, cả hai lãnh vực này của con người linh mục tương lai cần phải được theo dõi một cách cẩn thận và được chăm sóc ngay từ những năm đầu của đời chủng sinh. Trước hết cần phải làm sao soi chiếu cho họ thấy được tất cả sự mới mẻ và vẻ đẹp của mối tương quan giữa lời mời gọi đến với sự trinh khiết và lời mời gọi đến với hôn nhân, như hai chiều kích của một ơn gọi nên thánh, luôn được nhìn dưới ánh sáng của truyền thống và của huấn quyền liên tục trong Giáo Hội (cf. Pio XII, Thông điệp Sacra virginitas, 25.3.1954: EE 6/986ss).

 

(32) 2. Như những vị giải tội tương lai và linh huớng, các chủng sinh phải được đào tạo làm sao để họ ngày càng khám phá ra vẻ đẹp và tầm quan trọng của bí tích thống hối và việc linh hướng, để trước hết họ cũng trở nên những con người nhiệt thành và chuyên cần thực hành. Thật vậy, theo tông huấn Reconciliatio et paenitentia, các linh mục không thể thi hành một cách xứng đáng và mang lại kết quả thừa tác vụ ấy mà truớc hết họ không biết lãnh nhận: “nơi một linh mục mà không còn biết xưng tội hoặc xưng tội không nên thì chức linh mục của ngài và cách làm linh mục của ngài sẽ sớm bị tỏ lộ và ngay cả cộng đoàn mà ngài là mục tử cũng sẽ nhận ra điều đó” (số 31, VI).

 

(33) 3. Dựa trên những kinh nghiệm cụ thể thì chúng ta có thể nhận thấy rằng những thái độ nhân bản của các linh mục tương lai đối với việc tông đồ gia đình thường chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bất qui tắc của những gia đình gốc. Trong những trường hợp ấy, nhiều yếu tố tâm lý tạo khó khăn cho các chủng sinh về trách nhiệm trong lãnh vực hoạt động này. Bởi vậy, chúng ta cần phải cống hiến cho họ những trợ giúp phù hợp để vượt qua những khó khăn ấy nhờ những can thiệp giáo dục cách tế nhị. Một sự chữa trị hữu hiệu đối với họ sau này sẽ là kinh nghiệm cộng đoàn trong hàng giáo sĩ của giáo phận, trong đó họ sẽ tìm thấy gia đình thiêng liêng mới của họ và cả sức mạnh kiện toàn những khả năng liên đới của họ và gặp gỡ với các gia đình kitô hữu được trao phó cho họ. Hơn nữa, những kinh nghiệm cá nhân quá khứ của họ sẽ giúp họ vững vàng hơn để trả lời bằng tình nhân loại thật sự cho nhiều hoàn cảnh mục vụ khó khăn.

 

(34) 4. Sự chuẩn bị cho việc hướng dẫn thiêng liêng đối với các gia đình không bị thu hẹp và không chỉ thu hẹp vào những vấn đề thuộc tính dục mà thôi. Tuy nhiên, những vấn đề ấy vì tầm quan trọng và tính chất phức tạp của chúng đòi hỏi linh mục tương lai, ngoài sự hiểu biết vững vàng, còn có những phẩm chất nhân bản không thể thiếu: “Những người quan tâm đến việc giáo dục tính dục phải là những con người trưởng thành trong lãnh vực tính dục, có đuợc tính quân bình thực sự về tính dục. Ngoài việc hiểu biết về phương pháp và nội dung còn phải có nhân cách của nhà giáo dục, chiều hướng mà việc giáo dục tính dục đã có trước khi giảng dạy, lối sống mà việc giáo dục lãnh hội. Những hiểu biết, những lời khuyên và mối quan tâm của nhà giáo dục rất là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là cách sống của người ấy” (Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti Il presente sussidio per la formazione al celibato sacerdotale, 11.4.1974, n. 39).

 

(35) 5. Mục đích ưu tiên của việc linh hướng của linh mục là giúp các đôi vợ chồng để gia đình của họ có thể luôn trở thành “giáo hội tại gia”, “cộng đoàn đầu tiên rao giảng tin mừng” (cf. Documento di San Domingo, n. 64), “môi trường đầu tiên của bổn phận xã hội”, “nơi ưu tiên nhất của việc nhân bản hóa con người và xã hội” (cf. Tông huấn Christifideles laici, n. 40). Bởi vậy, người linh mục tương lai phải được huấn luyện để cùng đồng hành và khuyến khích các gia đình trong những bổn phận tông đồ của họ, nhất là trong việc giúp đỡ hỗ tương trên con đường hoàn thiện theo tin mừng và thánh hóa lẫn nhau. Việc làm cho nhiều gia đình kiên vững ngay từ bên trong đòi hỏi linh mục tương lai phải biết học hỏi để trước hết trở nên bậc thầy của việc cầu nguyện, lo lắng làm sao để trong các gia đình biết cầu nguyện, dạy cho họ cầu nguyện và thực hiện các công việc bác ái; tham dự vào hy tế thánh thể với việc hiệp lễ và năng chịu bí tích thống hối; có sáng kiến để giảng dạy giáo lý cho con cái và chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích khai tâm xưng tội và rước lễ. Ngoài ra, cần phải tạo nên và vun trồng trong các gia đình tính nhạy bén đối với ơn gọi tu trì, truyền giáo và linh mục nơi con cái.

 

(36) 6. Ngày nay trong việc huấn luyện tu đức của các gia đình càng đang hiện rõ nét hơn sự cần thiết xem gia đình không phải chỉ là đối tượng nhưng còn là chủ thể hoạt động của những sáng kiến tông đồ: “Bổn phận tông đồ của những người tín hữu giáo dân trước hết là bổn phận làm cho gia đình ý thức hơn về căn tính của mình như tế bào xã hội nền tảng đầu tiên và về vai trò nguyên thủy của mình trong xã hội, để chính gia đình ngày càng trở nên nhân vật chính hoạt động và có trách nhiệm về sự tăng trưởng của mình và tham dự vào đời sống xã hội” (Tông huấn Christifideles laici, n. 40). Nhờ gặp gỡ với các nhóm và phong trào gia đình khác nhau và những tin tức về đời sống và hoạt động của họ sẽ cống hiến cho các chủng sinh những chỉ dẫn thực tiễn về tiến trình của những mục tiêu thiêng liêng, những chỉ dẫn này sẽ giúp cho việc hoạch định thừa tác vụ linh mục tương lai của họ.

 

(37) 7. Một sự trợ giúp thiêng liêng hữu hiệu cho các gia đình giả định phải có một sự hiểu biết tốt về hoàn cảnh của họ và về những vấn đề liên hệ. Muốn được như thế những linh mục tương lai cần phải được đào tạo tốt nhất là về những khó khăn và về sự khẩn thiết của những bổn phận giáo dục: làm sao vượt qua được những xung đột giữa quyền bính, giữa những đòi hỏi vâng phục và một sự tự do đúng đắn; làm sao đạt đến những mối tương quan đầy tin tưởng và trao ban giữa cha mẹ và con cái; những đòi hỏi về việc giáo dục tính dục khôn ngoan và tiệm tiến, về việc sử dụng truyền hình cách có trách nhiệm và cả những phương tiện truyền thông khác (phim ảnh, báo chí, v.v.); vấn đề chọn lựa bậc sống phù hợp và tự do. Theo Đức Giáo Hoàng thì cần cầu nguyện và hoạt động “để các gia đình trung kiên trong bổn phận giáo dục với can đảm, tín thác và hy vọng” (Thư gởi các gia đình Gratissimam sane, số 16), đồng thời giúp đỡ gia đình để họ có được một số “xác tín mạnh mẽ”, những điều ấy thường là sự bảo vệ duy nhất chống lại những khó khăn không thể tránh được của cuộc sống.

 

c) Huấn luyện mục vụ

 

(38) Từ những gì nêu trên cho chúng ta thấy rằng chủ đề hôn nhân và gia đình cần phải chiếm một chỗ ưu tiên và trọng điểm thật sự trong việc huấn luyện mục vụ lý thuyết và thực hành:

 

(39) 1. Thần học mục vụ, đã được ăn rễ một cách sâu xa trong tín lý và trong những nguyên tắc luân lý tốt lành, sẽ học biết những áp dụng cụ thể về những lối giải quyết thần học, đồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cụ thể. Bổn phận của khoa này là trình bày những nền tảng cho công cuộc hoạt động được đặt định tốt để có thể một đàng tránh những e ngại và đàng khác tránh những bước tiến không phù hợp hoặc sai lầm. Bởi vậy, trong khi đưa ra một đường lối chắc chắn cho việc tông đồ gia đình, thần học mục vụ cũng cần tìm cách sửa sai những thái độ mục vụ không phù hợp với huấn quyền mà nhiều nơi thuờng xãy ra.

 

(40) 2. Trong việc hoạch định chương trình giảng dạy chúng ta cần lưu ý đến đối tượng chất thể và mô thức của mỗi bộ môn, để có thể giới hạn lãnh vực của nó đối với những bộ môn thần học khác liên quan đến hôn nhân và gia đình duới những khía cạnh khác nhau.

 

(41) 3. Để mang lại lợi ích và hữu hiệu thực sự của việc giảng dạy thì điều quan trọng là phải có một “cái nhìn mục vụ” rất thực tiễn về cuộc khủng hoảng hiện nay của các gia đình mà chúng ta cần lưu ý đến một vài nét đặc biệt hơn cả, chẳng hạn như: không hiểu biết về tôn giáo, thiếu giáo dục, hệ thống giáo dục của nhà nước xuống cấp, mất định hướng luân lý mang lại trong cuộc sống “vì thử nghiệm và lầm lỗi”, ảnh hưởng nặng nề của các phương tiện truyền thông, những vụ hôn nhân thử ngày càng gia tăng, xa dần những hình thức truyền thống và tạo ra những lối sống mới, những điều kiện sống trong một vài vùng văn hoá theo phong tục cổ của các bộ lạc và tổ tiên, hoàn cảnh cơ cực về vật chất, v.v.

 

(42) Những linh mục tương lai cần phải biết những thực tại ấy trong lãnh vực mục vụ của họ để có thể giúp đỡ các tín hữu tự huấn và có những chọn lựa ngay trong một bối cảnh qui luật mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng trên cuộc sống của họ.

(43) 4. Về những đề tài cụ thể phải bàn đến thì việc giảng dạy sẽ ưu tiên chọn những đề tài mà hôm nay cách chung làm cho các gia đình phải bận tâm hơn cả và vì vậy đòi hỏi phải có một sự chú ý đặc biệt từ phía các mục tử. Chẳng hạn như:

 

(44) - Việc sống đạo của con cái: làm thế nào để chúng biết cầu nguyện với cha mẹ, một cách tự do, theo một chương trình tiệm tiến, để tránh “việc bỏ bê” khi chúng trở thành người lớn hơn và sống độc lập. Cùng vấn đề ấy là việc siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích;

 

(45) - thực trạng của trường học công giáo và bổn phận bảo vệ cũng như cổ võ;

 

(46) – việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội với óc phê bình và có trách nhiệm. Đề tài này rất quan trọng đối với sự lành mạnh luân lý của gia đình, bởi vì ngày nay đó là phần lớn việc huấn luyện mà cha mẹ và con cái có được, và ngay cả các linh mục cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi những mẫu mực văn hóa và lối sống do những phương tiện này đề nghị (cf. Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti Dio sommo bene per la formazione dei futuri sacerdoti circa gli strumenti della comunicazione sociale, 19.3.1986);

 

(47) – tệ trạng của một vài hoàn cảnh kinh tế và xã hội và những nỗ lực để vượt qua;

 

(48) – nhận thức khôn ngoan nhằm giúp các gia đình giữa mọi thành phần, hoạt động chuyên môn của họ, chính trị, xã hội, kinh tế, v.v. đều có một vài tương quan với gia đình và những điều kiện sống và phát triển của họ (cf. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 52b). Tác vụ quan trọng ấy cần nhiều thời giờ, quảng đại và một sự chuẩn bị chuyên biệt của linh mục để thực thi tác vụ của mình một cách hữu hiệu. Ở đây việc giảng dạy về thần học mục vụ sẽ gặp gỡ với việc giảng dạy về giáo huấn xã hội của Giáo Hội;

 

(49) – công việc mục vụ về vấn đề làm cha làm mẹ có trách nhiệm và điều hòa sinh sản: thế nào là chống thụ thai, là phá thai, thế nào là hoạt động tư vấn gia đình (cần phải có những tin tức chính xác và một sự nhận định tốt); tin tức về những trung tâm quảng bá những phương pháp tự nhiên, về những hoạt động của những trung tâm ấy và những kết quả liên hệ: sự tin tưởng vào khả năng giải quyết tích cực của vấn đề.

 

(50) 5. Với một sự chăm sóc đặc biệt, các linh mục tương lai cần phải đuợc huấn luyện về việc chuẩn bị và cử hành bí tích hôn phối: giáo lý tiền hôn về vấn đề liên quan, về những đòi hỏi nhân bản, đạo đức và về bản chất của hôn nhân kitô giáo; giảng dạy cho những người đã hứa hôn về những bổn phận và những quyền lợi của vợ chồng; giáo lý sau khi thành hôn; nghi thức phụng vụ của việc cử hành lễ thành hôn; đôi lúc những can thiệp mục vụ này mang tầm quan trọng có tính cách quyết định cho cả cuộc sống đạo đức của vợ chồng và của gia đình họ.

 

(51) 6. Những khía cạnh mục vụ và giáo luật của những hôn nhân hỗn hợp: mô thức của việc cử hành; những quyền lợi và bổn phận của phía công giáo, nhất là về việc rửa tội và giáo dục đức tin cho con cái; vấn đề hoạt động mục vụ (cf. Tông huấn Familiaris consortio, 78).

 

(52) 7. Mục vụ cho những người ly dị, đặc biệt cho những người tái hôn theo luật dân sự: chỗ đứng của họ trong cộng đoàn giáo xứ. Việc không cho những người ly dị tái hôn được rước lễ thì cần phải giải thích cho họ “để họ không nghĩ rằng sự tham dự vào đời sống của giáo hội chỉ giới hạn vào việc rước lễ mà thôi. Người tín hữu phải được giúp đỡ để đào sâu sự hiểu biết của họ về giá trị của việc tham dự vào hy lễ của Đức Kitô trong thánh lễ, của việc rước lễ thiêng liêng, của việc cầu nguyện, của việc suy niệm Lời Chúa, của những công việc bác ái và công bình” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Lettera ai vescovi della Chiesa cattolica circa la recezione della comunione euraristica da parte dei fedeli divorziati risposati, 14.9.1994, n. 6; cf. Tông huấn Familiaris consortio, 84).

 

(53) 8. Việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn: nghiện ngập, khuyết tật, AIDS, những chứng bệnh nan y khác; khó khăn kinh tế; các đôi vợ chồng già không con cái hoặc bị con cái bỏ rơi, v.v. (cf. Tông huấn Familiaris consortio, 71). Đây là những đòi hỏi phải có sự hiểu biết về một số yếu tố nền tảng về y học và tâm lý mục vụ.

 

(54) 9. Mặc dù có những khó khăn, việc huấn luyện mục vụ thực hành cho các mục tử tương lai trong lãnh vực quan trọng này cần phải được nâng cao và phong phú hơn về những trợ giúp và những thúc đẩy mới. Vị trách nhiệm riêng về những hoạt động mục vụ của chủng viện với sự cộng tác của giáo sư thần học mục vụ sẽ chọn lựa những kinh nghiệm và những lãnh vực tông đồ tương xứng với sự trưởng thành của các chủng sinh, hướng dẫn họ ưu tiên về những lãnh vực nào có thể đóng góp nhiều hơn cho việc hoàn thiện những thái độ mục vụ của họ: những gặp gỡ được hướng dẫn với những phong trào và hiệp hội gia đình; thăm viếng những tòa án giáo phận, những trung tâm tư vấn và những trung tâm khác về mục vụ gia đình; mời vào chủng viện những thành viên của việc tông đồ gia đình, những cặp vợ chồng dấn thân trong việc tông đồ, để biết những kinh nghịêm của họ; cùng nhau suy tư về trường hợp khác nhau mang ý nghĩa mục vụ và phân tích chúng dưới ánh sáng qua các tài liệu của Tòa Thánh và của các giáo hội địa phương. Ngoài ra cũng cần phải chú ý nhiều đến vấn đề của cùng một cách diễn tả và của việc truyền thông.

 

III. NHỮNG CHỈ THỊ THỰC TẾ

 

Để các chủng viện và những học viện huấn luyện linh mục có thể cống hiến sự đóng góp ấy cho sự canh tân lòng đạo đức của các gia đình, thì cần phải làm sao cho những hoàn cảnh hiện nay được soi chiếu bằng nhiều tài liệu đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, mà ở đây chúng ta có thể đưa ra một số điều cần phải làm:

 

(55) 1. Dành riêng cho chủ đề này một chỗ đứng đặc biệt trong những “rationes institutionis sacerdotalis” và trong những chương trình học liên hệ và giảng dạy, đồng thời phải có những đường hướng giáo dục riêng cho những khía cạnh huấn luyện khác nhau, thích ứng với hoàn cảnh của từng giáo phận hoặc từng vùng khác nhau.

 

(56) 2. Để chủ đề hôn nhân và gia đình hiện diện nhiều hơn trong những môn học khác nhau và để bảo đảm cho chủ đề ấy một sự hợp tác hữu hiệu giữa các bộ môn, thì trong mỗi chủng viện cần có một người chuyên môn thật sự về lãnh vực này đã được đào tạo trong một Học Viện chuyên môn, chẳng hạn như Giáo Hoàng Học Viện về Hôn Nhân và Gia Đình trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Lateranense tại Roma.

 

(57) Nơi nào có những ứng viên linh mục đang học trong các phân khoa thần học thì cần làm sao để có được một sự phối kết phù hợp cho việc huấn luyện mục vụ giữa các phân khoa và những khóa hội học.

 

(58) 3. Cần phải tăng cường toàn bộ làm sao cho việc huấn luyện của các chủng viện được hữu hiệu hơn và nhất là việc tổ chức các môn học. Các giáo sư của từng bộ môn triết học và thần học cần phải nhấn mạnh không những vì thẩm quyền khoa học, nhưng còn vì huấn quyền và vì một cảm thức sống động của Giáo Hội nữa. Cần tổ chức cho các chủng viện những khóa thường huấn sư phạm và khoa học dưới sự hướng dẫn của các ủy ban giám mục về các chủng viện và về giáo lý đức tin.

 

(59) 4. Các Hội Đồng Giám Mục và các giám mục giáo phận phải nhắc nhở cho các giáo sư bổn phận trung thành với huấn quyền long trọng và thông thường của Giáo Hội (cf. Hiến chế tín lý Lumen gentium, 25), cho họ biết rằng những thiếu sót về điểm này không thể phù hợp với “munus docendi” trong các Học Viện huấn luyện linh mục. Các giáo sư cũng cần phải ý thức hơn rằng sự đồng nhất về phán đoán và về những nguyên tắc trong luân lý hôn nhân là điều kiện sine qua non để có được một sự huấn luyện vững chắc có tính chất mục vụ cho các linh mục tương lai và cho sự an bình lương tâm của các đôi vợ chồng kitô hữu.

 

(60) 5. Việc thường huấn là một phần chính yếu và không thể thay thế được của sự huấn luyện cho việc tông đồ gia đình và vì vậy phải có hệ thống, thật sự hữu hiệu và được phối kết với chương trình học của chủng viện.

 

(61) 6. Những thư viện của các chủng viện và của các phân khoa thần học phải có những sách vở, báo chí và những tài liệu khoa học khác nhau liên quan đến đề tài này, để các giáo sư và chủng sinh cập nhật được với những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và mục vụ. Cũng phải cho họ có được những phương tiện giảng dạy cần thiết và sách vở tài liệu.

 

(62) 7. Trong mỗi chủng viện cần phải cổ võ việc học hỏi có hệ thống về các tài liệu chính thức của Giáo Hội, đặc biệt lưu ý đến cả những đường hướng của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và của các Ủy Ban toàn quốc và giáo phận về gia đình.

 

(63) 8. Các giám mục bản quyền địa phương sẽ báo cáo theo một kỳ hạn nào đó cho Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về tiến trình của mình đã có được hoặc đang dự tính để áp dụng những chỉ thị này.

  

KẾT LUẬN

 

(64) Trong khi đưa ra những yêu cầu này nhằm đến một sự canh tân tận gốc về việc chuẩn bị các linh mục tương lai đối với việc tông đồ gia đình, Thánh Bộ này rất ý thức mình đang nói lên những mong ước của chính Đức Giáo Hoàng, của các giám mục và của cả các gia đình trước nhiều khó khăn lớn lao mà ngày nay họ gặp phải. Những gia đình này đang cần đến những vị hướng dẫn thiêng liêng chuyên môn và giáo lý vững vàng. Chắc chắn rằng sự mong ước canh tân về một trật tự luân lý phù hợp với những đòi hỏi kitô giáo chỉ có thể thực hiện được nhờ sự hợp tác của các vị mục tử chân thực của các linh hồn luôn nhạy bén đối với những yếu đuối của con người, cũng như biết quan tâm thật sự đối với việc tôn trọng những lề luật không thể vi phạm của Thiên Chúa. Hoàn cảnh nặng nề hiện nay đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở trong nhiều cơ hội khác nhau kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những người có trách nhiệm huấn luyện linh mục. Hoàn cảnh ấy mời gọi chúng ta nhìn lại không những chỉ một vài phần nhỏ của đời sống chủng sinh, nhưng toàn công cuộc huấn luyện trong mọi lãnh vực của nó từ tri thức, tu đức và mục vụ nữa.

 

(65) Trong tập tài liệu này chúng tôi chỉ tìm nêu rõ một số nhu cầu giáo dục khẩn thiết, bằng việc kêu gọi sự quan tâm mục vụ của các giám mục đào sâu và thích ứng các chỉ dẫn này với những hoàn cảnh riêng của địa phương. Chủ yếu là làm sao cho vấn đề mục vụ gia đình được đưa vào trong toàn bộ hệ thống huấn luyện như là trọng tâm để có thể bắt đầu sự mong ước canh tân về tu đức và luân lý của Giáo Hội và sự canh tân của cả gia đình nhân loại. Bổn phận này không những chỉ được đặt ra nhằm cứu vãn thiện ích thiêng liêng của các tín hữu, nhưng còn đặt nền tảng không thể thiếu để có thể có được một sự tiến bộ xã hội bảo đảm và một tương lai của nhân loại tốt đẹp hơn.

 

Roma, từ Tòa Nhà của các Thánh Bộ,

trong ngày lễ trọng kính thánh Giuse, 19.3.1995

 

Pio Laghi,

Hồng Y Bộ trưởng

José Saraiva Martins,

Tổng Giám Mục hiệu tòa Tuburnica, thư ký

Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ

_____________________________________________________________________

1 CONGREGAZIONE PER L’EDUCAZIONE CATTOLICA (DEI SEMINARI E DEGLI ISTITUTI DI STUDI), Direttive La celebrazione sulla formazione dei seminaristi circa i problemi relativi al matrimonio e alla famiglia, 19 marzo 1995: oposcolo, LEV. Città del Vaticano 1995

 

Trở Về Mục Lục