BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH

 

 

HUẤN THỊ

REDEMPTIONIS SACRAMENTUM

về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh

liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh

25/3/2004

 

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH

GIỚI THIỆU

HUẤN THỊ

REDEMPTIONIS SACRAMENTUM

về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh

liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh

(Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

1. Nguồn gốc của Huấn Thị này

Trước hết, nên nhắc lại nguồn gốc của Huấn Thị này. Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17/4/2003, trong Thánh Lễ trọng thể Tiệc Ly tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức thánh cha đã ký và ban cho Giáo Hội thông điệp thứ 14 của Ngài “Ecclesia de Eucharistia”.

Trong tài liệu này, ngoài những việc khác, Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố rằng Phép Thánh Thể “nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội” (s. 3), “là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao bọc và thấm nhập toàn thể thụ tạo” (s. 8). Nó “là những gì quí giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian” (s. 9).

Đồng thời, Ngài cũng lưu ý rằng, từ Công Đồng Vatican II, có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đã phát triển trong việc cử hành phụng tự (s. 10) và có những sự lạm dụng đã là nguồn gốc làm đau khổ nhiều người. Vậy, Ngài coi như có nhiệm vụ “phải lên tiếng một cách cương quyết, để trong Cử Hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ phải được tuân giữ một cách trung thành” (s. 52). Ngài thêm : “Thật vậy, để tăng cường ý thức sâu xa ấy về luật phụng vụ, tôi đã yêu cầu những cơ quan chuyên trách trung ương Tòa Thánh soạn thảo một văn kiện chuyên môn hơn với những nhắc nhở về luật, trong vấn đề có tầm quan trọng lớn lao này. Không ai được phép đánh giá thấp Mầu Nhiệm được trao trong tay chúng ta : nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó” (s. 52).

Vậy, đó là nguồn gốc của Huấn Thị này mà Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bây giờ dâng cho Giáo Hội Lạinh, cùng với sự cộng tác chặt chẽ với Bộ Giáo Lý Đức Tin.

2. Những lý do tồn tại của các quy tắc phụng vụ

Người ta có thể đặt cho mình câu hỏi về những lý do tồn tại của các quy tắc phụng vụ. Khả năng sáng tạo, tính tự phát, sự tự do của con cái Thiên Chúa, một lương tri bình thường không đủ sao ? Tại sao việc phụng thờ Thiên Chúa lại phải được các chữ đỏ và các quy tắc chi phối ? Chỉ dạy cho dân chúng biết cái vẻ đẹp và bản chất cao quý của phụng vụ không đủ sao ?

Các quy tắc phụng vụ là cần thiết vì “việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Đức Giêsu-Kitô, nghĩa là Đầu cùng các chi thể Người. Do đó, vì là công việc của Đức Kitô tư tế và Thân Thể Người là Giáo Hội, nên mọi cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Sacro-sanctum Concilium s. 7). Việc cử hành Thánh Thể là tột đỉnh của phụng vụ. Không ai nên ngạc nhiên nếu, trong dòng thời gian, Mẹ Giáo Hội đã khai triển nhiều từ, nhiều hành động, và như vậy nhiều chỉ thị cho hành động phụng thờ tối cao này. Những quy tắc thánh thể được nghĩ ra để diễn đạt và bảo vệ mầu nhiệm Thánh Thể, và, hơn nữa, để biểu lộ rằng chính Giáo Hội cử hành hy tế uy linh và bí tích này. Như Đức Gioan-Phaolô II nói : “Những quy luật đó là một cách diễn tả cụ thể tính giáo hội đích thực của bí tích Thánh Thể ; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng. Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu Nhiệm đó” (s. 52).

Kết quả là “linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đó, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt” (ibid.).

Rõ ràng là một sự nhất trí bên ngoài không đủ. Đức tin, đức cậy, đức mến đòi hỏi, ngoài việc tham dự Thánh Thể, một tình liên đới với những ai đang nghèo túng. Chiều kích này được nhấn mạnh ở điều 5 của Huấn thị : “Cũng rõ ràng là một sự tuân thủ hoàn toàn bên ngoài là đi nghịch lại với chính bản chất của Phụng Vụ thánh, mà Chúa Kitô đã từng muốn để tập hợp Giáo Hội của Người, để Giáo Hội cùng với Người hợp thành “một thân thể duy nhất và một tinh thần duy nhất”. Cho nên cử chỉ bên ngoài phải được soi sáng bởi đức tin và đức mến, hai nhân đức kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và với nhau, và khơi dậy nơi chúng ta tình yêu thương người nghèo và người đau khổ”.

3. Quan tâm đến các lạm dụng có quan trọng không ?

Có một sự cám dỗ phải chống lại là làm cho việc quan tâm đến các lạm dụng phụng vụ là một việc làm mất thời giờ. Người ta đã viết rằng các lạm dụng luôn luôn đã có và chúng luôn luôn sẽ tồn tại ; vậy, chúng ta nên lo đào tạo và cử hành phụng vụ cách tích cực.

Lý lẽ phản đối đó có phần đúng sự thật, có thể đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Tất cả những lạm dụng về Phép Thánh Thể không có cùng một trọng lượng. Một số có nguy cơ làm phép bí tích không thành sự. Số khác biểu lộ một sự thiếu đức tin nơi Phép Thánh Thể. Số khác nữa góp phần gây xáo trộn nơi dân Thiên Chúa và nhằm làm mất tính chất thánh thiêng của các cử hành Thánh Thể. Đó không phải là những lạm dụng được xem thường.

Chắc chắn là mọi thành phần Giáo Hội cần được đào tạo về phụng vụ. Theo Công Đồng Vatican II, “vậy trước tiên rất cần huấn luyện phụng vụ cho hàng giáo sĩ” (SC 14). Nhưng cũng đúng sự thật là “trong một bối cảnh nào đó của Giáo Hội, có những lạm dụng góp phần làm lu mờ đức tin đúng đắn và giáo lý công giáo về Bí Tích kỳ diệu này” (Ecclesia de Eucharistia 10). “Không hiếm những lạm dụng bám rễ trong một quan niệm sai lầm về sự tự do” (Huấn Thị, 7). “Các hành động tùy tiện này không giúp ích được gì cho việc canh tân thực sự” (Huấn Thị, 11) mà Công Đồng Vatican II hy vọng. “Những lạm dụng như thế không có quan hệ gì với tinh thần đích thực của Công Đồng và phải được các mục tử sửa chữa với một thái độ thận trọng cứng rắn” (Gioan-Phaolô II, Tông Thư ‘Spiritus et Sponsa’, 15, dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ thánh).

Đối với những ai tự quyền sửa đổi các bản văn phụng vụ, điều quan trọng là, với Huấn Thị này, làm cho họ nhận ra rằng “Phụng Vụ thánh gắn liền cách mật thiết với các nguyên tắc giáo lý ; cũng thế, việc sử dụng các bản văn và nghi lễ không được phê chuẩn, có hậu quả là mối liên lạc cần thiết giữa lex orandilex credendi phải kém đi hay không có” (Huấn Thị, 10).

 4. Cái nhìn bao quát về Huấn Thị

Huấn Thị gồm có Lời mở đầu, tám chương và kết luận.

Chương I, về việc điều hành Phụng Vụ thánh, nói về vai trò của Tông Tòa, của Giám mục giáo phận, của Hội Đồng Giám Mục, của linh mục và phó tế. Tôi xin lưu ý về vai trò của Giám mục giáo phận : ngài là thượng tế của đàn chiên mình ; ngài điều khiên, khuyến khích, cổ võ và tổ chức ; ngài giám sát âm nhạc thánh và nghệ thuật ; ngài thiết lập các ủy ban cần thiết cho phụng vụ, âm nhạc và nghệ thuật thánh (Huấn Thị, 22, 25). Ngài tìm phương thuốc cho các sự lạm dụng ; trong trường hợp này, trước tiên phải kêu cầu đến chính ngài hay những người phụ tá của ngài hơn là Tông Toà (Huấn Thị, các số 176-182, 184).

Các linh mục cũng như các phó tế, đã long trọng hứa thi hành sứ vụ của mình cách trung thành. Hy vọng rằng đời sống của các ngài hòa hợp với các trách nhiệm thánh của các ngài.

Chương II bàn đến việc giáo dân tham dự cử hành Thánh Thể. Phép Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của chức tư tế chung của họ (Huấn Thị, 36-37). Linh mục có chức thánh luôn luôn cần thiết cho một cộng đoàn kitô-hữu và những vai trò của các linh mục và của các tín hữu giáo dân không được lẫn lộn với nhau (Huấn Thị, 42, 45). Giáo dân có vai trò riêng của họ. Theo Huấn Thị, việc đó không muốn nói là mọi người phải luôn luôn làm cái gì đó, nhưng đúng hơn là để được hoàn toàn bồi dưỡng sinh khí bởi đặc ân lớn lao đó, quà tặng của Thiên Chúa, là ơn gọi tham dự vào phụng vụ bằng cả trí tuệ và tấm lòng, bằng cả cuộc sống, và như thế, nhận lãnh bởi nó hồng ân của Thiên Chúa. Điều quan trọng là thấu hiểu việc đó và đừng cho rằng Huấn Thị có một vài thành kiến chống lại giáo dân.

Chương III, IV và V thử trả lời những câu hỏi thỉnh thoảng được đặt ra. Chúng đề cập đến một vài lạm dụng được nhận ra lúc cử hành Thánh Lễ, đến việc phân định giữa người có thể và người không thể rước lễ, đến sự cẩn thận cần thiết để rước lễ dưới hai hình, đến những vấn đề liên quan đến lễ phục, bình thánh, tư thế phải có để rước lễ và đến nhiều vấn đề cùng loại.

Chương VI liên quan đến việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Nó bàn đến việc tôn kính dành cho Nhà Tạm và về những thực hành như việc viếng Chúa, nhà nguyện dành cho việc tôn thờ Thánh Thể thường xuyênh, các cuộc rước kiệu và những Đại Hội Thánh Thể (Huấn Thị 130, 135-136, 140, 142-145).

Chương VII liên quan đến những chức vụ ngoại thường được ủy thác cho giáo dân, ví dụ, các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, các giảng viên hay các người phụ trách đọc kinh khi linh mục vắng mặt (Huấn Thị, 147-169). Chương II của Huấn Thị đã bàn đến việc tham dự thông thường của các giáo dân vào phụng vụ và đặc biệt vào phép Thánh Thể. Ở đây, đề cập đến những gì mà giáo dân được kêu gọi thực giện khi không đủ các linh mục hay cả phó tế. Trong những năm sau này Tòa Thánh rất chú ý đến vấn đề này, và Huấn Thị này tiếo tục cứu xét vấn đề và thêm vào những nhận xét khác cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Chương cuối cùng bàn đến những phương thuốc theo giáo luật cho những trọng tội hay những lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể. Về lâu dài, phương thuốc chính nằm ở trong việc đào tạo và giáo huấn thích hợp và trong một đức tin vững mạnh. Nhưng khi nào có những lạm dụng, Gáo Hội có bổn phận đề cập đến chúng cách rõ ràng và bác ái.

5. Kết luận

Vì tín điều theo đó Thánh Lễ là biểu tượng bí tích của Hy tế Thập Giá (x. CĐ Trentô : DS 1701) và “Mình và Máu, cũng như linh hồn và thần tính của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, và như thế, Đức Kitô trọn vẹn, được chứa đựng một cách thật sự, thực tế và thực thể trong bí tích Thánh Thể chí thánh” (CĐ Trentô : DS 1651 ; x. GLHTCG 1374), rõ ràng là các quy tắc phụng vụ liên quan đến Phép Thánh Thể đáng chúng ta quan tâm. Đó không phải là những chữ đỏ tỉ mỉ do các đầu óc triệt để tuân theo pháp chế áp đặt.

“Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta, Người là bánh hằng sống của chúng ta” (Presbyterorum Ordinis, s. 5). Các linh mục và các Giám mục được phong chức trước hết là để cử hành Hy Tế Thánh Thể và ban Mình và Máu Đức Kitô cho các tín hữu. Các phó tế, và, theo cách của mình, các thầy giúp lễ, những người giúp khác, các thầy đọc sách và các ca đoàn, các giáo dân đã nhận lãnh một sứ mạng đặc biệt, tất cả đều được kêu gọi để hiến dâng sự trợ giúp của mình trong những chức vụ khác nhau và chu toàn những thừa tác vụ khác nhau của mình với lòng tin và lòng sùng kính.

Trong đoạn kết của Huấn Thị này, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích hy vọng rằng “nhờ ân cần áp dụng những quy tắc được nhắc lại trong Huấn Thị này mà hoạt động của Phép Bí tích Thánh Thể Chí Thánh ít gặp trở ngại do sự yếu đuối của con người gây nên, và, nếu mọi lạm dụng được loại bỏ và mọi sự sử dụng trái phép được khử trừ, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc, “người phụ nữ Thánh Thể”, sự hiện diện snh ơn cứu độ của Đức Kitô được sáng ngời trên tất cả mọi người trong Bí tích Mình và Máu của Người” (Huấn Thị, 185).

 

Hồng y Francis ARINZE

23/4/2004

 

NHẬP ĐỀ [1-13]

Chương I

VIỆC ĐIỀU HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH [14-18]

1. Giám mục giáo phận, thượng tế của đàn chiên [19-25]

2. Hội Đồng Giám Mục [26-28]

3. Các linh mục [29-33]

4. Các phó tế [34-35]

Chương II

VIỆC GIÁO DÂN THAM DỰ

VÀO CỬ HÀNH BÍ TÍCH THÁNH THỂ

1. Một sự tham dự tích cực và ý thức [36-42]

2. Các chức năng của giáo dân trong cử hành Thánh Lễ [43-47]

Chương III

VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ CÁCH ĐÚNG ĐẮN

1. Chất liệu phép Thánh Thể Chí Thánh [48-50]

2. Kinh Nguyện Thánh Thể [51-56]

3. Những phần khác của Thánh Lễ [57-74]

4. Việc kết hợp các nghi lễ khác nhau với cử hành Thánh Lễ [75-79]

Chương IV

RƯỚC LỄ

1. Những trạng thái phải có để rước lễ [80-87]

2. Việc cho rước lễ [88-96]

3. Việc rước lễ của linh mục [97-99]

4. Rước lễ dưới hai hình [100-107]

Chương V

VÀI NHẬN XÉT KHÁC

LIÊN QUAN ĐẾN PHÉP THÁNH THỂ

1. Về nơi để cử hành Thánh Lễ [108-109]

2. Một số quy định liên quan đến Thánh Lễ [110-116]

3. Các bình thánh [117-120]

4. Lễ phục phụng vụ [121-128]

Chương VI

SỰ Lưu gi Thánh Th

và SỰ tôn th Thánh Th ngoài Thánh L

1. Sự lưu giữ Thánh Thể [129-133]

2. Một vài hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ [134-141]

3. Rước kiệu và Đại Hội Thánh Thể [142-145]

Chương VII

NHỮNG CHỨC vỤ ngoẠi thưỜng cỦa giáo dân [146-153]

1. Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ [154-160]

2. Việc thuyết giảng [161]

3. Những cử hành đặc biệt không có linh mục [162-167]

4. Các giáo sĩ bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ [168]

Chương VIII

Các phương THUỐC [169-171]

1. Các graviora delicta (tội phạm nặng hơn) [172]

2. Những chất thể nặng [173]

3. Những lạm dụng khác [174-175]

4. Giám Mục giáo phận [176-180]

5. Tông Toà [181-182]

6. Những khiếu nại liên quan đến lạm dụng về phụng vụ [183-184]

KẾt luẬn [185-186]

 


BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH

HUẤN THỊ

REDEMPTIONIS SACRAMENTUM

về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh

liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh

 

LỜI MỞ ĐẦU

1.   Trong Phép Thánh Thể Chí Thánh, Mẹ Giáo Hội tin tưởng vững vàng và vui mừng đón nhận, cử hành và tôn thờ BÍ TÍCH CỨU ĐỘ,[1] bằng việc loan báo cái chết của Đức Giêsu-Kitô và công bố sự sống lại của Người, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang,[2] như là Chúa và là Thầy bất khuất, như là Tư Tế muôn đời và là Vua vũ trụ, để đặt lại vào tay Chúa Cha uy quyền tối cao triều đại chân lý và sự sống.[3]

2.   Phép Thánh Thể Chí Thánh, nơi chứa đựng toàn bộ tài sản thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta,[4] là nguồn suối và là tột đỉnh của cả đời sống kitô hữu [5] ; phép Thánh Thể đã từng có ảnh hưởng quyết định ngay từ lúc sơ khai của Giáo Hội.[6] Giáo lý của Giáo Hội về Phép Thánh Thể Chí Thánh đã được trình bày hết sức cẩn thận và uy quyền suốt qua bao thế kỷ, trong các tài liệu của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng. Hơn nữa, vừa mới đây, trong thông điệp Ecclesia de Eucha-ristia, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lại một lần nữa, trình bày cho hoàn cảnh hiện nay của Giáo Hội thời đại chúng ta, một số yếu tố rất quan trọng về chính đề tài này.[7]

      Hôm nay cũng vậy, để Giáo Hội chăm chú theo dõi, như phải làm, một mầu nhiệm cực trọng, đặc biệt là trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích,[8] cộng tác với Bộ Giáo Lý Đức Tin, soạn thảo Huấn Thị này, trong đó sẽ bàn đến vài số vấn đề liên quan đến kỷ luật Bí Tích Thánh Thể. Do đó, những điểm khác nhau chứa đựng trong Huấn Thị này phải được đọc tiếp theo sau thông điệp Ecclesia de Eucharistia được đề cập ở trên.

      Tuy nhiên, mục đích của Huấn Thị này không phải là trình bày toàn bộ những quy tắc liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, nhưng đúng hơn lấy lại một số yếu tố đã có trong các quy tắc phụng vụ đã được trình bày trước đây và đã ổn định mà vẫn còn hiệu lực, để củng cố ý nghĩa sâu sắc của những quy tắc phụng vụ,[9] và cũng để chỉ ra những quy tắc khác, nói rõ và bổ sung các quy tắc trước, bằng cách giải thích chúng chẳng những cho các Giám Mục, mà còn cho các linh mục, các phó tế và toàn thể giáo dân, để mỗi người đem ra chúng ra thực hành theo chức vụ của mình và tuỳ theo khả năng của mỗi người.

3.   Những quy tắc, có trong Huấn Thị này, liên quan đến các vấn đề phụng vụ thuộc phụng vụ Nghi Lễ Rôma, và, với nhiều biến đổi thích hợp, thuộc các Nghi Lễ khác của Giáo Hội latinh được giáo luật công nhận.

4.   “Chắc chắn là việc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II khởi xướng đã góp phần rất lớn làm cho tín hữu tham gia cách ý thức, tích cực và mang nhiều hiệu quả hơn vào Hy Tế thánh của bàn thờ”[10]. Tuy nhiên, “không thiếu những bóng tối”[11]. Cho nên, không thể bỏ qua những lạm dụng, đúng là rất nghiêm trọng, phạm đến bản tính của Phụng Vụ và của các Bí Tích, và cũng phạm đến truyền thống và uy quyền của Giáo Hội mà, vào thời đại chúng ta, thường xuyên tác hại đến các cử hành phụng vụ bị nơi này nơi khác trong Giáo Hội. Trong một vài nơi, việc lạm dụng trong lãnh vực phụng vụ đã còn trở nên một tập quán quen thuộc ; rõ ràng rằng những thái độ như thế không thể nào được chấp nhận, và chúng phải chấm dứt.

5.   Việc tuân thủ các quy tắc xuất phát từ giáo quyền, đòi hỏi phải có sự tương hợp giữa trí lòng và lời nói, giữa cử chỉ bên ngoài và tâm trạng bên trong. Cũng rõ ràng là một sự tuân thủ hoàn toàn bên ngoài là đi nghịch lại với chính bản chất của Phụng Vụ thánh, mà Chúa Kitô đã từng muốn để tập hợp Giáo Hội của Người, để Giáo Hội cùng với Người hợp thành “một thân thể duy nhất và một tinh thần duy nhất”[12]. Cho nên cử chỉ bên ngoài phải được soi sáng bởi đức tin và đức mến, hai nhân đức kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và với nhau, và khơi dậy nơi chúng ta tình yêu thương người nghèo và người đau khổ. Những lời nói và những nghi lễ của Phụng Vụ cũng là cách diễn đạt trung thực và chín chắn suốt bao thế kỷ những tâm tình cảm của Đức Kitô, và chúng dạy chúng ta có cùng một tâm tình như Người [13] ; bằng cách tương hợp tâm trí chúng ta với những lời này, chúng ta nâng cao tâm hồn lên với Chúa. Vì đó, tất cả những gì nói trong Huấn Thị này có mục đích gợi lên một sự tương hợp như thế giữa tâm tình của chúng ta với tâm tình của Đức Kitô, được diễn tả qua các lời và nghi lễ của Phụng Vụ.

6.   Quả vậy, những lạm dụng như thế “dẫn đến những sai lạc liên quan đến đức tin đúng đắn và giáo lý công giáo liên hệ đến Bí Tích kỳ diệu này”[14]. Chúng cũng ngăn trở “người tín hữu có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus : mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người”[15]. Trước quyền lực vĩnh cửu của Thiên Chúa và thần tính của Ngài,[16] cũng như lòng nhân từ toả sáng của Ngài được biểu lộ một cách đặc biệt trong Phép Bí Tích Thánh Thể, tất cả mọi người tín hữu phải có được và biểu lộ ý thức này về uy quyền của Thiên Chúa xuất hiện rõ ràng trong cuộc khổ nạn cứu độ của Con Một Ngài.[17]

7.   Không hiếm những lạm dụng bén rẽ trong một quan niệm sai lầm về sự tự do. Nhưng mà, Thiên Chúa không ban cho chúng ta trong Đức Kitô cái tự do hão huyền này, cốt làm những gì chúng ta muốn, nhưng ban cho chúng ta sự tự do cho phép chúng ta làm những gì chính đáng.[18] Quả thực, nguyên tắc này có giá trị chẳng những cho những giới răn đến trực tiếp từ Thiên Chúa, mà còn cho các luật do Giáo Hội ban hành, xét theo tính chất của mỗi quy tắc cách đúng đắn. Như thế, mọi người buộc phải tuân theo những điều quy định xuất phát từ giáo quyền hợp pháp.

8.   Tiếp theo đó, rất đau lòng ghi nhận có “những khởi xướng đại kết, tuy đầy thiện chí, nhưng chiều theo những thực hành thánh thể ngược lại kỷ luật mà qua đó Giáo Hội diễn tả đức tin của mình”. Tuy nhiên, quà tặng Thánh Thể “quá lớn lao nên đến nỗi ta không thể chấp nhận những hàm hồ và hạ giá”. Cho nên, để sửa lại và định nghĩa một cách chính xác hơn một số yếu tố, để, ngay trong lãnh vực này, “Phép Thánh Thể tiếp tục toả sáng vẻ huy hoàng của mầu nhiệm”[19].

9.   Sau hết, các sự lạm dụng rất thường có cơ sở nơi việc thiếu hiểu biết, vì, cách chung, người ta bỏ đi những gì mà người ta không nắm được ý nghĩa sâu sắc của nó và không biết tính tình trạng thâm niên của nó. Mà, chính từ Kinh Thánh, “nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của nó mà xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài ca phụng vụ, đồng thời những động tác và các biểu hiện trở thành có ý nghĩa”[20]. Hơn nữa, “Đức Kitô hoặc Giáo Hội đã tuyển chọn những dấu hiệu hữu hình dùng trong Phụng Vụ để diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa”[21]. Sau cùng, trong truyền thống của mỗi Nghi Lễ Đông phương cũng như Tây phương, các cơ cấu và các mô hình của những cử hành thánh đều phú hợp với Giáo Hội toàn cầu về những gì liên quan đến các tập quán mà mọi người đều nhận lãnh từ truyền thống không gián đoạn của các Tông Đồ,[22] và phải được Giáo Hội ân cần và trung thực truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tất cả những yếu tố đó phải được giữ gìn cách đúng mực và được các quy tắc phụng vụ bảo vệ.

10.     Chính Giáo Hội cũng không có chút quyền nào trên những gì Đức Kitô đã thiết lập và thuộc thành phần bất khả di dịch của Phụng Vụ.[23] Trên thực tế, nếu người ta phá vỡ mối liên quan giữa các bí tích và chính Đức Kitô là Đấng đã thiết lập chúng, và, nếu người ta không nối chúng lại với các sự kiện sáng lập Giáo Hội,[24] thì một sự lựa chọn như thế không đem lợi ích gì cho các tín hữu, nhưng trái lại nó còn làm cho họ phải chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Quả thực, Phụng Vụ thánh gắn liền cách mật thiết với các nguyên tắc giáo lý [25] ; cũng thế, việc sử dụng các bản văn và nghi lễ không được phê chuẩn, có hậu quả là mối liên lạc cần thiết giữa lex orandi lex credendi phải kém đi hay không có.[26]

11.     Mầu Nhiệm Thánh Thể quá cao trọng, “đến nỗi không ai được cảm thấy tự do hành động cách tuỳ tiện và xem nhẹ tính thiêng thánh và chiều kích phổ quát của Mầu Nhiệm này”[27]. Trái lại, ai xử sự như thế, bằng cách theo những khuynh hướng riêng tư của mình, dù người ấy là một linh mục, thì làm tổn thương đến tính hiệp nhất về bản chất của Nghi Lễ Rôma mà chúng ta phải luôn chăm lo gìn giữ.[28] Những hành động loại này tuyệt đối không làm thoả mãn được lòng đói khát Thiên Chúa hằng sống mà dân chúng của thời đại chúng ta cảm nghiệm ; cũng thế, chúng không có chút gì dính dấp với lòng nhiệt tình mục vụ chân chính hay với sự canh tân phụng vụ thật sự, nhưng đúng hơn chúng kéo theo hậu quả là làm các tín hữu mất đi gia tài sản nghiệp của họ. Quả thực, các hành động tuỳ tiện này không giúp ích được gì cho việc canh tân thực sự,[29] nhưng chúng còn làm tổn thương nghiêm trọng quyền chân chính đáng của các tín hữu được tùy ý sử dụng một hoạt động phụng vụ diễn tả đời sống của Giáo Hội theo truyền thống và kỷ luật của mình. Hơn nữa, chúng còn đưa vô những yếu tố biến chất và chia rẽ trong việc cử hành chính Phép Thánh Thể, đang khi Phép Thánh Thể, bởi bản chất và một cách cao siêu, có mục đích thông đạt và thực hiện một cách tuyệt diệu sự hiệp thông đời sống thần linh và tính hiệp nhất của dân Thiên Chúa.[30] Những hành động này gây ra sự bấp bênh về mặt giáo lý, sự nghi ngờ và gương mù trong dân Thiên Chúa, và, gần như không tránh khỏi, cũng gây ra nhiều sự chống đối mãnh liệt gây xáo trộn và làm buồn lòng rất nhiều tín hữu, khi mà, vào thời đại chúng ta, đời sống kitô hữu thường đặc biệt là khó khăn vì bầu khí “tục hoá”[31].

12.     Ngược lại, tất cả tín hữu của Đức Kitô có quyền hưởng một nền phụng vụ chân thực - đặc biệt là cho việc cử hành Thánh Lễ - một nền phụng vụ đúng với những gì Giáo Hội muốn và thiết lập, nghĩa là như đã quy định trong các sách phụng vụ và trong các luật pháp và quy tắc khác. Cũng thế dân công giáo có quyền được một Hy Tế Thánh Lễ được cử hành mà không có chút nào biến chất, hoàn toàn đúng với giáo lý của Huấn Quyền Giáo Hội. Sau cùng, cộng đoàn công giáo có quyền có Phép Thánh Thể Chí Thánh được cử hành thế nào tỏ hiện được thực sự là một bí tích hiệp nhất, hoàn toàn loại trừ mọi thứ khuyết điểm và cử chỉ có thể gây nên chia rẽ hay hình thành những nhóm ly khai trong Giáo Hội.[32]

13.     Toàn bộ quy tắc và những nhắc nhở được trình bày trong Huấn Thị này gắn liền, theo nhiều cách khác nhau, với nhiệm vụ của Giáo Hội là theo dõi gìn giữ cho việc cử hành được đúng đắn và xứng đáng với mầu nhiệm cao cả này. Chương sau cùng của Huấn Thị này trình bày những mức độ khác nhau mà các quy tắc đặc biệt được nối liền với luật tối cao của mọi luật của Giáo Hội là việc chăm sóc phần rỗi của các linh hồn.[33]

 


Chương I

VIỆC ĐIỀU HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH

14.     “Việc điều hành Phụng Vụ thánh chỉ tùy thuộc thẩm quyền của Giáo Hội mà thôi : nghĩa là thuộc quyền Tông Toà và, chiếu theo quy tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục”[34].

15.     Đức Giáo Hoàng, là đấng “Đại Diện Chúa Kitô và là Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian, do uy lực của nhiệm vụ, ngài có một quyền bính thông thường, tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và ào giờ ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy”[35], đặc biệt bắng cách thông truyền với các mục tử và các tín hữu.

16.     Tông Toà có thẩm quyền tổ chức Phụng Vụ thánh của Giáo Hội toàn cầu, xuất bản các sách phụng vụ, công nhận các bản dịch của chúng sang các ngôn ngữ bản xứ và chăm chú theo dõi để những quy tắc phụng vụ được trung thực tuân giữ khắp nơi, đặc biệt là những quy tắc đặt quy chế cho việc cử hành Hy Tế Thánh Lễ.[36]

17.     Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích “chăm lo, trừ những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin, tất cả những gì thuộc Tông Toà về mặt quy định và xúc tiến thuộc Phụng Vụ thánh, và trước hết về các bí tích. Bộ giúp đỡ và chăm lo về kỷ luật các bí tích, đặc biệt là tính thành sự và hợp pháp của việc cử hành các bí tích”. Sau cùng, “Bộ ân cần chăm chú theo dõi để các quy định về phụng vụ được tuân giữ cách chính xác, để các lạm dụng trong lãnh vực này được cản ngăn và những lạm dụng bị phát hiện được chấm dứt”[37]. Trong lãnh vực này, theo truyền thống của cả Giáo Hội, việc cử hành Thánh Lễ và việc tôn thờ Phép Thánh Thể Chí Thánh, cả khi ngoài Thánh Lễ, được quan tâm một cách đặc biệt.

18.     Các tín hữu có quyền đòi hỏi thẩm quyền Giáo Hội điều hành hoàn toàn Phụng Vụ thánh một cách có hiệu lực, để Phụng Vụ thánh không bao giờ được coi là “tài sản riêng của một người nào, không phải của vị chủ tế cũng không phải cộng đoàn nơi đó cử hành các Mầu Nhiệm”[38].

1.    GIÁM MỤC GIÁO PHẬN, THƯỢNG TẾ CỦA ĐÀN CHIÊN

19.     Giám Mục giáo phận là người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài, là người tổ chức, chủ xướng và gìn giữ cả đời sống phụng vụ.[39] Quả thực, “Giám Mục, được nhận đầy đủ bí tích Truyền Chức thánh, lãnh trách nhiệm phân phát ân sủng của chức tư tế tối cao”[40], đặc biệt là trong Phép Thánh Thể mà chính ngài dâng hoặc đảm bảo cho việc hiến dâng,[41] và từ đó liên tục phát sinh cho Giáo Hội sức sống và tăng trưởng”[42].

20.     Giáo Hội được biểu lộ nhất là mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trọng thể, chủ yếu là tại nhà thờ chánh toà, “cùng với toàn thể dân thánh Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và linh động, […] trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ toạ của giám mục”, có linh mục đoàn, các phó tế và những thừa tác viên khác bao quanh.[43] Hơn nữa, “mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể đều do Giám mục điều khiển, vì ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô-giáo và có phận sự điều hành việc phụng tự đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật của Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để đem lại cho những lề luật đó những quy định mới phù hợp với giáo phận mình”[44].

21.     Quả thực, “Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được uỷ thác cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài”[45]. Nhưng, Giám Mục phải luôn luôn chăm lo đừng làm mất sự tự do, đã được các sách phụng vụ dự liệu, để thích ứng, một cách sáng suốt, việc cử hành vào cơ cấu thánh, hay vào nhóm tín hữu, hay là vào các hoàn cảnh mục vụ, để thế nào toàn bộ nghi lễ thánh được thực sự thích nghi vào tâm thức của con người.[46]

22.     Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho mình,[47] và, thi hành chức vụ thánh mà ngài đã lãnh nhận khi được truyền chức giám mục,[48] nên ngài có nhiệm vụ đưa vào nề nếp, điều khiển, động viên và đôi khi quở trách,[49] để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện.[50] Ngài có nhiệm vụ giải thích ý nghĩa thực sự của các nghi lễ và các bản văn phụng vụ, và chính ngài có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng các linh mục, phó tế và giáo dân tinh thần của Phụng Vụ thánh,[51] để tất cả họ đều được hướng dẫn đến một việc cử hành Phép Thánh Thể cách tích cực và có hiệu quả.[52] Sau cùng, Giám Mục cũng phải chăm chú theo dõi để toàn thân của Giáo Hội có thể được phát triển toàn bộ, trong sự hiệp nhất yêu thương về các mặt giáo phận, quốc gia và toàn cầu.[53]

23.     Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”[54]. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc giáo hội, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ,[55] ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới.[56]

24.     Về phần mình, dân Kitô-giáo có quyền đòi hỏi Giám Mục giáo phận chăm chú theo dõi các lạm dụng len lỏi vào kỷ luật giáo hội, nhất là về những gì liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và á-bí-tích, đến việc phụng thờ Thiên Chúa và tôn kính các thánh.[57]

25.     Các uỷ ban, các hội đồng hay các ban được Giám Mục thành lập nhằm mục đích “xúc tiến hoạt động phụng vụ, cũng như âm nhạc và nghệ thuật thánh trong giáo phận của ngài”, phải hành động hợp với tư tưởng và quy tắc của Giám Mục, và họ phải dựa vào uy quyền và sự phê chuẩn của ngài mà thi hành cách đúng đắn các chức năng riêng biệt của mình,[58] và để đảm bảo uy quyền bính đích thực của Giám Mục trong giáo phận của ngài. Về vấn đề của tất cả những nhóm này, của những hội dòng khác, và của tất cả những ai, cách chung, có những sáng kiến trong lãnh vực phụng vụ, các Giám Mục phải khẩn trương tìm hiểu xem các sinh hoạt của họ, đến bây giờ, đã có hiệu quả hay không [59]; và phải quan tâm phân nhận được những gì phải sửa chữa hay phải cải thiện trong các cấu trúc và sinh hoạt của họ,[60] để đạt được một sức mạnh mới. Luôn luôn phải nhớ rằng các chuyên viên phải được tuyển chọn trong số những người chứng tỏ sự vững vàng trong đức tin công giáo và được chuẩn bị kỹ càng trong những lãnh vực thần học và văn hoá.

2.   HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

26.     Những gì khẳng định trước đây cũng có giá trị cho các uỷ ban phụng vụ, mà, theo lời yêu cầu của Công Đồng,[61] đã được Hội Đồng Giám Mục thành lập. Các thành viên của các uỷ ban này phải là những vị Giám mục, phải được phân biệt rõ ràng với các chuyên viên đến hợp tác với các ngài. Trong trường hợp số các thành viên của Hội Đồng Giám Mục không đủ, và do đó việc thành lập uỷ ban phụng vụ trở nên khó khăn, phải chỉ định một hội đồng hay một nhóm chuyên viên luôn luôn phải được đặt dưới quyền chủ tịch của một Giám mục ; tuy nhiên, trong khi làm tròn các tốt nhất trách nhiệm của mình, hội đồng này hay nhóm chuyên viên này phải tránh mang danh “uỷ ban phụng vụ”.

27.     Từ năm 1970,[62] Tông Toà đã cho biết tất cả những thí nghiệm phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ phải chấm dứt, và Tông Toà đã lặp lại cấm chỉ này vào năm 1988.[63] Do đó, mỗi Giám mục riêng biệt, cũng như các Hội Đồng Giám Mục, không còn có trường hợp nào mà có quyền cho phép các thí nghiệm liên quan đến các bản văn phụng vụ và những điều khác được ấn định trong các sách phụng vụ. Trong tương lai, để có thể làm những thí nghiệm loại này, cần thiết phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép ; Bộ này sẽ cho phép bằng văn bản, theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục. Một sự nhượng bộ như thế chỉ có thể chấp nhận cho một nguyên nhân nghiêm trọng. Còn những gì liên quan đến các dự án hội nhập văn hoá trong lãnh vực phụng vụ, phải tuân thủ một cách chặt chẽ và toàn bộ các quy tắc đặc biệt được thiết lập cho việc này.[64]

28.     Tất cả những quy tắc liên quan đến phụng vụ, do một Hội Đồng Giám Mục thiết lập, theo những quy tắc của luật pháp, cho lãnh thổ riêng của mình, cần phải được trình lên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để phê chuẩn (recognitio), nếu không, chúng không có một tính cách bó buộc nào.[65]

3.   CÁC LINH MỤC

29.     Các linh mục, những người cộng tác trung thành, chín chắn và cần thiết của hàng giám mục,[66] được kêu gọi phục vụ dân Thiên Chúa, và cùng với Giám mục của mình hợp thành một linh-mục-đoàn (presbyterium) duy nhất [67] với nhiều phận vụ khác nhau. “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ và cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục, và hằng ngày ân cần thi hành việc chăm sóc các tín hữu”. Và “vì tham dự vào chức tư tế và sứ vụ của Giám mục, các linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài”[68]. Vả lại, “luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, các linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội”[69].

30.     “Trong việc cử hành thánh lễ”, trách nhiệm nặng nề thuộc về “các linh mục cách riêng, vì các ngài phải chủ toạ in persona Christi (trong tư cách của Đức Kitô), trách nhiệm làm chứng và phục vụ cho sự hiệp thông không chỉ của cộng đoàn đang tham dự trực tiếp vào buổi cử hành, nhưng còn của Giáo Hội hoàn vũ, vốn là thành phần của mọi cử hành Phép Thánh Thể. Phải lấy làm tiếc, nhất là từ những năm sau cuộc cải tổ phụng vụ hậu-công-đồng, vì nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi, mà đã có một số lạm dụng gây nên đau khổ cho nhiều người”[70].

31.     Theo lời cam kết trong nghi lễ Truyền Chức Thánh và hằng năm được lặp lại trong Lễ Dầu, các linh mục phải cử hành “cách sốt sắng và trung thành các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt nhất là trong Hy Tế Thánh Thể và bí tích hoà giải, theo truyền thống của Giáo Hội, để ca tụng Thiên Chúa và thánh hoá dân kitô-hữu”[71]. Như thế, các ngài không được làm cạn đi ý nghĩa sâu sắc của sứ vụ đặc thù của mình, mà làm biến dạng một cách tuỳ tiện việc cử hành phụng vụ bằng những thay đổi, những bỏ sót hay những phần thêm thắt.[72] Quả nhiên, như lời thánh Ambrôsiô : “Giáo Hội không bị thương tổn nơi mình, [….] nhưng nơi chúng ta. Vậy, chúng ta hãy coi chừng đừng làm Giáo Hội bị thương tổn do lỗi của chúng ta”[73]. Vậy, phải ân cần đừng để Giáo Hội của Thiên Chúa bị các linh mục làm tổn thương, các ngài là những người đã tự hiến chính mình cho sứ vụ một cách trọng thể như thế. Trái lại, các ngài phải ân cần theo dõi một cách trung thành, dưới quyền của Giám mục, đừng để những người khác mắc phạm những hành động như thế làm biến dạng phụng vụ.

32.     “Cha quản xứ cố gắng để Phép Thánh Thể Chí Thánh trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ ; ngài cố gắng làm cho tín hữu được hướng dẫn và nuôi dưỡng nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích và đặc biệt họ thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể và bí tích thống hối ; ngài cũng hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong gia đình, và biết tham dự cách ý thức và tích cực vào Phụng Vụ thánh mà, chính ngài với tư cách là quản xứ, dưới quyền của Giám mục giáo phận, phải lo điều hành trong giáo xứ mình và phải theo dõi đừng để xảy ra những lạm dụng”[74]. Để chuẩn bị một cách thoả đáng các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, cha quản xứ nên nhờ nhiều tín hữu khác giúp mình ; tuy nhiên, không một trường hợp nào ngài được nhường cho họ những gì thuộc riêng phần sứ vụ của ngài về mặt phụng vụ.

33.     Sau hết, tất cả “các linh mục phải chăm lo trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ việc các ngài thi hành phụng vụ mà những cộng đoàn kitô-hữu được trao phó cho các ngài biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần mỗi ngày một hoàn hảo hơn”[75]. Nhất là, các ngài phải thấm nhuần những tâm tình khâm phục và kinh ngạc, mà mầu nhiệm vượt qua, cử hành trong Thánh Thể, làm nảy sinh trong lòng các tín hữu.[76]

4.   CÁC PHÓ TẾ

34.     Các phó tế, “những người được đặt tay không phải để lãnh nhận chức tư tế, mà là để phục vụ”[77], phải là những người có danh thơm tiếng tốt,[78] và phải ăn ở thế nào để, nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các thầy được nhìn nhận là những môn đệ đích thật của Đấng,[79] “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”[80] và đã ở giữa các môn đệ của mình “như người phục vụ”[81]. Hơn nữa, các phó tế được thêm mạnh sức nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà các thầy đã lãnh nhận bằng việc đặt tay, để phục vụ dân Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Giám mục và linh-mục-đoàn của ngài.[82] Cho nên, các thầy phải xem Giám mục như một người cha, và phải giúp đỡ ngài cũng như giúp các linh mục “trong thừa tác vụ rao giảng lời, bàn thờ và bác ái”[83].

35.     Các thầy không bao giờ được bỏ qua “như lời Thánh Tông Đồ nói, mà không gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch,[84] và không công bố đức tin này bằng lời nói và hành động của mình, trung thành với Tin Mừng và với truyền thống của Giáo Hội”[85], bằng cách phục vụ hết lòng, trung thực và khiêm nhượng, Phụng Vụ thánh như nguồn suối và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội, “để mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Thiên Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn Tiệc của Chúa”[86]. Như vậy, tất cả các phó tế, mỗi người cho phần vụ của mình, bắt buộc phải làm thế nào để Phụng Vụ thánh được cử hành theo các quy tắc có trong các sách phụng vụ đã được phê chuẩn hợp lệ.

 

Chương II

SỰ THAM DỰ CỦA GIÁO DÂN

VÀO VIỆC CỬ HÀNH BÍ TÍCH THÁNH THỂ

1.   MỘT SỰ THAM DỰ TÍCH CỰC VÀ Ý THỨC

36.     Việc cử hành Thánh Lễ, như là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội, là trung tâm của cả đời sống kitô-hữu đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như địa phương, và đối với mỗi người tín hữu,[87] “mà nó có liên quan cách khác nhau với từng chi thể, tuỳ theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ và sự tham dự sống động.[88] Bằng cách này, dân kitô-hữu, “là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là dân được cứu chuộc”[89] biểu lộ sự kết hợp chặt chẽ và cách tổ chức phẩm trật của nó”[90]. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau ; thực vậy, cả hai, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình”[91].

37.     Nhờ phép rửa, mọi tín hữu của Đức Kitô được giải thoát khỏi tội lỗi của mình và sáp nhập vào Giáo Hội ; vậy do ấn tích của phép rửa, họ được cử vào việc phượng tự của Kitô-giáo,[92] để, căn cứ vào chức tư tế vương giả,[93] kiên trì cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa,[94] họ dâng hiến chính con người mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, làm vui lòng Thiên Chúa và chứng thực một tiến vật như thế bằng tất cả việc làm của họ.[95] Họ làm chứng cho Chúa Kitô khắp nơi trên thế giới, và, trước mọi người chất vấn họ, họ không ngần ngại trình bày về niềm tin của họ về một đời sống bất diệt.[96] Do đó, chính việc tham dự của giáo dân vào việc cử hành Thánh Thể và những nghi lễ khác của Giáo Hội không thể chỉ là một sự kiện đơn thuần, hơn nữa thụ động, nhưng nó phải được coi là một sự luyện tập thật sự của đức tin và phẩm cách của phép rửa.

38.     Giáo lý không thay đổi của Giáo Hội về bản tính của Phép Thánh Thể, được xem chẳng những như là một bữa tiệc, mà còn và trước hết là một hy tế, một cách chính xác được coi như là một trong những chìa khoá chính để hiểu và thực hiện việc tham gia đầy đủ của tất cả các tín hữu vào một Bí Tích cao trọng dường ấy.[97] “Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi”[98].

39.     Để xúc tiến và biểu lộ việc các tín hữu tham dự cách tích cực, việc canh tân các sách phụng vụ mới đây, theo những ý định của Công Đồng, đã góp phần phát triển các lời tung hô của dân chúng, những lời đáp, việc hát thánh vịnh, các điệp ca, các bài hát, cũng như những hành động hay cử điệu, và những tư thế của thân thể, và việc canh tân đó đã quan tâm ấn định việc thinh lặng thánh khi cần thiết, đồng thời cũng dự trù, trong phần chữ đỏ, những phần thuộc về các tín hữu.[99] Hơn nữa, có dành một phần rộng rãi để tự do thích nghi hợp thời, được căn cứ trên nguyên tắc là mỗi cử hành phải được thích ứng với nhu cầu của người tham dự, cũng như với khả năng của họ, với sự chuẩn bị nội tâm và tài năng riêng của họ. Trong mỗi cử hành, có rất nhiều khả năng để lựa chọn các bài hát, các giai điệu, các lời nguyện và các bài đọc kinh thánh, cũng như trong khuôn khổ bài giảng lễ, trong việc soạn thảo kinh nguyện của các tín hữu, trong những lời huấn dụ đôi khi được công bố, và trong việc trang hoàng nhà thờ theo mùa phụng vụ. Những yếu tố này phải góp phần làm nổi bật cách rõ ràng hơn sự phong phú của truyền thống phụng vụ, và, luôn chú trọng đến các nhu cầu mục vụ, chúng góp phần cẩn thận mang đến một ý nghĩa đặc biệt cho việc cử hành, nhằm mục đích giúp cho tham dự nội tâm. Tuy nhiên, phải nhớ rằng hiệu quả các hành động phụng vụ không nằm trong việc thay đổi thường xuyên các nghi lễ, nhưng thực ra trong việc đào sâu lời Thiên Chúa và mầu nhiệm được cử hành.[100]

40.     Dù không thể chối cãi rằng việc cử hành phụng vụ có đặc tính là việc tham dự của các tín hữu phải tích cực, nhưng không phải do đó cần thiết mọi người, theo nghĩa cụ thể, phải làm cái gì khác hơn những cử điệu và tư thế thân thể đã được dự liệu, như là mỗi người cần đảm nhiệm một chức vụ đặc thù trong lãnh vực phụng vụ. Đúng hơn phải làm thế nào, khi dạy giáo lý, ân cần quan tâm sửa chữa các quan niệm và thực hành nông cạn đã phổ biến về chỉ định này ở một số nơi, trong những năm gần đây, và phải làm sao, khi dạy giáo lý, ân cần không ngừng khơi lại nơi các tín hữu ý nghĩa đổi mới của lòng khâm sùng sâu sắc đối với đặc tính cao cả của mầu nhiệm đức tin này, là Phép Thánh Thể. Trên thực tế, trong cử hành Thánh Thể, Giáo Hội không ngừng đi “từ cái cũ đến cái mới”[101]. Quả nhiên, trong cử hành Thánh Thể, cũng như trong cả đời sống kitô-hữu, mà Phép Thánh Thể ban cho sức mạnh và hướng về đó, Giáo Hội, như thánh Tông Đồ Tôma, sụp lạy, phụng thờ Chúa chịu đóng đinh, chịu chết, chịu mai táng và phục sinh “trong sự huy hoàng viên mãn của Thiên Chúa, và Giáo Hội liên tục thốt lên : ‘lạy Chúa tôi và Thiên Chúa tôi’”[102].

41.     Để khơi dậy, xúc tiến và làm tăng trưởng ý nghĩa nội tâm của sự tham dự phụng vụ, việc cử hành chuyên cần và kéo dài Giờ Kinh Phụng Vụ tỏ ra rất hữu ích, cũng như việc dùng các á-bí-tích và các việc thuộc lòng đạo đức bình dân Kitô-giáo. Những thực hành đạo đức này, “mang một phẩm cách và tầm quan trọng đặc biệt, tuy theo mặt luật chặt chẽ mà nói, không thuộc Phụng Vụ thánh”, phải được giữ lại vì sự liên hệ của chúng với việc tổ chức phụng vụ, nhất là khi chúng được chính Huấn Quyền phê chuẩn và ca tụng [103]; việc này có giá trị đặc biệt cho chuỗi Mân Côi.[104] Hơn nữa, vì những thực hành đạo đức này đưa dân kitô-hữu năng lui tới các bí tích, nhất là với bí tích Thánh Thể, “cũng như suy gẫm các mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc chúng ta hay noi gương các thánh, chính nhờ đó, chúng góp phần giúp chúng ta tham dự việc phụng tự theo phụng vụ với rất nhiều ơn ích cứu độ”[105].

42.     Cần nhìn nhận rằng Giáo Hội không được thành lập bởi quyết định của loài người, nhưng được Thiên Chúa triệu tập trong Chúa Thánh Thần và bằng đức tin, Giáo Hội đáp trả với lời kêu gọi nhưng không của Ngài : quả nhiên, từ ekklesia liên quan đến klesis, có nghĩa là “kêu gọi”[106]. Vậy, người ta không thể kể Hy Tế Thánh Thể theo nguyên nghĩa “đồng tế” của linh mục với dân chúng hiện diện.[107] Trái lại, Thánh Lễ do các linh mục cử hành là một quà tặng “triệt để vượt trội quyền hạn của cộng đoàn [….]. Để thực sự là một cộng đoàn thánh thể, cộng đoàn cùng nhau quy tụ để cử hành Thánh Thể tuyệt đối cần một linh mục đã được truyền chức để chủ toạ. Mặt khác, cộng đoàn không có khả năng tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh”[108]. Tất cả cần phải được khẩn cấp khởi công ngay để loại bỏ mọi nhập nhằng trong lãnh vực này, và sửa chữa các khó khăn nảy sinh trong những năm gần đây. Vì thế, chỉ phải sử dụng cách cẩn thận các từ ngữ như “cộng đoàn đồng tế” (communauté célébrante, assemblée célébrante) được dịch ra trong nhiều ngôn ngữ hiện đại khác bằng những từ “celebrating assembly”, “asamblea celebrante”, “assemblea celebrante”, và những từ khác thuộc loại này.

2.   NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA GIÁO DÂN TRONG VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ

43.     Vì lợi ích của cộng đoàn và của toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa, thật là công bình và đáng khen, trong hàng giáo dân, có một ít người, theo truyền thống, thi hành một số chức năng trong khuôn khổ của việc cử hành Phụng Vụ thánh.[109] Nên có nhiều người chia sẻ với nhau để chu toàn các chức năng khác nhau, hay những phần khác nhau của cùng một chức năng.[110]

44.     Thêm vào các thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách được thiết lập,[111] trong những chức năng đặc biệt, được nêu trên đây, có những chức năng của người giúp lễ [112] và người đọc sách,[113] được cử tạm thời, thêm vào đó có những chức năng khác được miêu tả trong Sách Lễ Rôma,[114] và cả những chức năng chuẩn bị bánh lễ, giặt giũ đồ phụng vụ và những chức năng khác tương tự. Để phụng vụ của Giáo Hội được diễn biến cách xứng đáng và thích hợp, tất cả, “thừa tác viên có chức thánh hay giáo dân, khi thực hiện thừa tác vụ hay chức năng của mình, phải làm tất cả những gì thuộc về mình và chỉ những điều ấy mà thôi”[115], trong chính khi cử hành phụng vụ cũng như trong lúc chuẩn bị.

45.     Phải tránh mối nguy cơ làm lu mờ tính bổ sung giữa sự hoạt động của các giáo sĩ và sự hoạt động của giáo dân, để phận sự của người giáo dân không bị, như người ta nói, là “giáo sĩ hoá”, và các thừa tác viên có chức thánh, về phần mình, không cáng đáng không đúng luật những gì thuộc riêng về đời sống và hoạt động của giáo dân.[116]

46.     Người giáo dân, được kêu gọi phụ giúp trong các cử hành phụng vụ, phải được chuẩn bị hợp lệ và được chọn thể theo đời sống kitô-hữu, đức tin, hạnh kiểm và lòng trung thành của họ đối với Huấn Quyền của Giáo Hội. Nên cho đương sự được đào tạo về mặt phụng vụ thích hợp với lứa tuổi, địa vị, lối sống và trình độ tôn giáo của họ.[117] Đừng chọn bất cứ ai mà việc chỉ định có thể gây ngạc nhiên cho các tín hữu.[118]

47.     Hoàn toàn đáng ca ngợi việc duy trì tập quán đặc biệt là sự hiện diện các trẻ em hay các thanh niên - thường được gọi là “người giúp lễ” hay “thiếu nhi cung thánh” -, các em giúp việc bàn thờ như các tá viên giúp lễ, và, tuỳ theo khả năng của chúng, được bồi dưỡng giáo lý thích hợp với công việc của chúng.[119] Đừng quên rằng, trong số các trẻ giúp việc bàn thờ này, suốt bao thế kỷ, đã cho vô số thừa tác viên có chức thánh.[120] Để cung ứng có hiệu quả các nhu cầu mục vụ cho các trẻ giúp việc bàn thờ này, cần thiết lập và xúc tiến cho các em những đoàn thể, và kêu gọi cả cha mẹ các em tham gia và giúp đỡ. Khi các đoàn thể loại này đạt đến chiều kích quốc tế, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích có nhiệm vụ thiết lập các đoàn thể đó, hay xem xét và phê chuẩn quy chế của chúng.[121] Các thiếu nữ hay các phụ nữ có thể được chấp nhận giúp việc bàn thờ, tuỳ theo sự phán đoán của Giám mục giáo phận ; trong trường hợp này, phải theo các quy tắc được thiết lập về vấn đề này.[122]

 

Chương III

CỬ HÀNH ĐÚNG THÁNH LỄ

1.   CHẤT THỂ CỦA PHÉP THÁNH THỂ CHÍ THÁNH

48.     Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với bánh không men, bằng bột mì nguyên chất và mới chế biến, không chút nào sợ hư.[123] Do đó, bánh được làm với một chất khác, dù đó là một loại ngũ cốc, hay là bánh mà người ta đã thêm vào đó một chất khác hơn bột mì, với một số lượng đến nỗi, theo ý kiến chung, người ta không thể xem đó là bánh làm bằng lúa mì, thì bánh đó không làm thành chất thể thành sự cho việc cử hành Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể.[124] Việc đưa vào những chất thể khác để làm bánh dùng cho Phép Thánh Thể, như là trái cây, đường hay mật, là một lạm dụng nặng nề. Dĩ nhiên, bánh lễ phải được làm bởi những người không những có tiếng là liêm khiết, mà còn có khả năng trong lãnh vực này và dùng những dụng cụ thích hợp.[125]

49.     Vì dấu hiệu diễn đạt, một số phần bánh thánh thể, sau nghi thức bẻ bánh, nên được trao cho ít ra vài tín hữu rước lễ. “Tuy nhiên, không chút nào loại trừ việc dùng các bánh thánh nhỏ khi số người rước lễ đông và những lý do mục vụ khác đòi sử dụng chúng”[126], và hơn nữa, thường người ta cũng dùng bánh thánh nhỏ để khỏi phải bẻ.

50.     Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với rượu nho tự nhiên, nguyên chất và không biến chất, nghĩa là không pha vào đó những chất khác.[127] Trong lúc cử hành Thánh Lễ, người ta thêm một chút nước vào rượu. Phải cẩn thận gìn giữ rượu nho dùng cho Phép Thánh Thể ở tình trạng hoàn hảo, và theo dõi đừng để rượu lễ bị chua đi.[128] Tuyệt đối cấm sử dụng rượu mà người ta nghi ngờ về tính xác thực và nguồn gốc của nó : Quả nhiên, Giáo Hội đòi hỏi sự chắc chắn về vấn đề những điều kiện cần thiết để các bí tích được thành sự. Không có lý do nào có thể chứng minh cho việc dùng một thức uống khác, dù chúng là thế nào, vì không phải là một chất thể thành sự.

2.   KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

51.     Chỉ được sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể có trong Sách Lễ Rôma hay đã được Tông Toà phê chuẩn cách hợp pháp, theo những thể thức và giới hạn đã định. “Người ta không thể tha thứ cho một vài linh mục tự cho mình cái quyền soạn các Kinh Nguyện Thánh Thể”[129] hay sửa đổi bản văn đã được Giáo Hội phê chuẩn, hay nữa chấp nhận những Kinh Nguyện Thánh Thể khác được soạn riêng.[130]

52.     Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản tính, là tột đỉnh của cả sự cử hành, được dành cho linh mục căn cứ vào việc ngài đã được phong chức. Như vậy, là một lạm dụng để cho một phó tế, một thừa tác viên giáo dân, hay một tín hữu hoặc toàn thể tín hữu, đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Cho nên, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc hoàn toàn bởi linh mục, và chỉ bởi ngài mà thôi.[131]

53.     Trong khi linh mục chủ tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, “không có đọc kinh, cũng không có hát gì khác, cũng thế, đại phong cầm và các loại nhạc cụ khác phải im tiếng”[132], ngoại trừ các lời tung hô của dân chúng được phê chuẩn hợp lệ, mà sẽ nêu lên sau đây.

54.     Tuy nhiên, dân chúng luôn tham dự cách tích cực, và như vậy, họ không bao giờ hoàn toàn thụ động : “quả nhiên, dân chúng kết hợp với linh mục trong đức tin và trong thinh lặng, cũng như bằng những cách tham gia được ấn định trong diễn biến của Kinh Nguyện Thánh Thể : những lời đáp trong phần đối thoại của Kinh Tiền Tụng, kinh Sanctus, lời tung hô sau truyền phép và lời tung hô Amen sau vinh tụng ca cuối cùng, cũng như các lời tung hô khác được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn và Toà Thánh xác nhận”[133].

55.     Sự lạm dụng sau đây phổ biến ở một vài nơi : trong lúc cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh lúc truyền phép. Một sự lạm dụng như thế đi nghịch lại với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần bị dứt khoát bác bỏ và được sửa chữa khẩn cấp.

56.     Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, không được bỏ sót nêu tên Đức Giáo Hoàng và Giám mục giáo phận, để tôn trọng một truyền thống rất xa xưa và để biểu lộ sự hiệp thông trong Giáo Hội. Quả nhiên, “sự hiệp thông mang tính giáo hội của cộng đoàn thánh thể cũng là sự hiệp thông với Giám mục của mình và với Đức Giáo Hoàng ở Rôma”[134].

3.   CÁC PHẦN KHÁC CỦA THÁNH LỄ

57.     Cộng đoàn các tín hữu có quyền đòi hỏi, nhất là trong cử hành của ngày chúa nhật, theo tục lệ, âm nhạc thánh phải xứng hợp và trung thực, bàn thờ, các đồ trang trí và khăn thánh phải luôn ánh lên vẻ xứng đáng, đẹp đẽ và sạch sẽ, theo các quy tắc.

58.     Cũng thế, mọi tín hữu đều có quyền đòi hỏi toàn bộ cử hành Thánh Thể phải được chuẩn bị kỹ càng thế nào trong mọi phần, để lời Thiên Chúa được công bố và giải thích cách cách xứng đáng và hiệu quả, quyền chọn lựa các bản văn phụng vụ và các nghi lễ được sử dụng cẩn thận, theo các quy tắc, và, trong khi cử hành Phụng Vụ, lời các bài hát phòng giữ và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu cách thích hợp.

59.     Tục lệ sau đây, dứt khoát bị bác bỏ, phải chấm dứt : nơi này nơi nọ, có những linh mục, phó tế hay tín hữu, tự mình có sáng kiến đưa những thay đổi hay biến đổi vào các bản văn của Phụng Vụ thánh, mà họ có nhiệm vụ công bố. Quả nhiên, cách làm này có hậu quả là làm mất ổn định trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, và không hiếm trường hợp đi đến chỗ làm biến chất ý nghĩa đích thực của Phụng Vụ.

60.     Trong cử hành Thánh Lễ, phụng vụ Lời Chúa và Phụng Vụ thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau, và chúng hợp thành cùng một hành vi phụng tự duy nhất. Vậy, không được phép tách rời chúng ra, cũng không được cử hành chúng vào những giờ và những nơi khác nhau.[135] Cũng thế, không được phép cử hành những phần khác nhau của Thánh Lễ vào những lúc khác nhau, kể cả cùng trong một ngày.

61.     Về những gì liên quan đến việc chọn các bài đọc kinh thánh phải công bố trong cử hành Thánh Lễ, phải tuân thủ các quy tắc có trong các sách phụng vụ,[136] để, thực sự, “bàn tiệc lời Thiên Chúa được trình bày cho tín hữu cách phong phú hơn, và kho tàng Thánh Kinh được mở rộng cho họ hơn”[137].

62.     Không được phép bỏ hay đổi một cách tuỳ tiện các bài đọc kinh thánh đã được quy định, nhất là cũng không được phép thay thế “các bài đọc và thánh vịnh đáp ca chứa đựng lời Thiên Chúa bằng những bản văn khác được chọn ngoài Thánh Kinh”[138].

63.     Trong buổi cử hành Phụng Vụ thánh, bài đọc Tin Mừng “là tột đỉnh của phụng vụ Lời Chúa”[139], theo truyền thống của Giáo Hội, được dành cho thừa tác viên có chức thánh.[140] Nên, một giáo dân, kể cả một tu sĩ, không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép.[141]

64.     Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ,[142] “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân.[143] Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”[144].

65.     Xin nhắc lại điều 767 §1 của Bộ Giáo luật đã bãi bỏ mọi quy tắc trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể.[145] Quả nhiên, một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy.

66.     Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào.[146]

67.     Đặc biệt, phải quan tâm theo dõi bài giảng được hoàn toàn tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, bằng cách trình bày, suốt năm phụng vụ, từ các bài đọc kinh thánh và những bản văn phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống kitô-hữu, và bằng cách chú giải các bản văn của phần Chung hay phần Riêng của Thánh Lễ, hay nữa của nghi lễ khác của Giáo Hội.[147] Tất nhiên là tất cả những giải thích Thánh Kinh phải hướng về Đức Kitô như là cột trụ tuyệt đỉnh của kế hoạch cứu độ ; tuy nhiên, việc đó phải được thực hiện cũng có quan tâm đến bối cảnh đặc thù của việc cử hành phụng vụ. Người giảng phải chăm lo chiếu rọi ánh sáng Đức Kitô vào các sự kiện của đời sống, mà không phải vì thế tước đi ý nghĩa chân chính và đích thật của lời Thiên Chúa, ví dụ, bằng cách chỉ dựa vào các nhận xét chính trị hay những luận chứng ngoại đạo, hay bằng cách dựa theo các quan niệm vay mượn của những phong trào tôn-giáo-giả phổ biến trong thời đại của chúng ta.[148]

68.     Giám mục giáo phận phải chăm chú theo dõi về bài giảng [149] bằng cách như là gửi cho các thừa tác viên có chức thánh những quy tắc, phương hướng và sự giúp đỡ, cũng như xúc tiến những cuộc gặp gỡ và những sáng kiến thích hợp khác, để cho các ngài thường có dịp suy nghĩ, với một sự quan tâm nhiều hơn, về bản chất của bài giảng và để giúp các ngài trong việc soạn thảo bài giảng.

69.     Trong Thánh Lễ, cũng như trong các cử hành Phụng Vụ thánh khác, không được phép sử dụng một Kinh Tin Kính hay cách Tuyên Xưng Đức Tin không có trong các sách phụng vụ được phê chuẩn hợp lệ.

70.     Những lễ vật mà các tín hữu có thói quen dâng kính trong Thánh Lễ để cho Phụng Vụ thánh Thể, không nhất thiết chỉ là bánh và rượu, dùng để cử hành Thánh Thể, mà chúng cũng có thể là những tặng vật khác, được các tín hữu mang đến, nghĩa là tiền bạc hay của cải khác dùng để thi hành bác ái đối với người nghèo. Tuy nhiên, những lễ vật cụ thể phải luôn diễn tả được rõ ràng quà tặng thật sự mà Chúa trông chờ nơi chúng ta : đó là một tâm hồn thống hối ăn năn và lòng mến Chúa yêu người, làm cho ta xứng hợp với hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã nộp chính mình vì chúng ta. Quả nhiên, chính trong Phép Thánh Thể mà mầu nhiệm đức ái này được sáng ngời ở điểm cao nhất, mầu nhiệm đức ái mà Đức Giêsu Kitô đã bày tỏ trong Bữa Tiệc Ly, bằng việc rửa chân cho các môn đệ của Người. Tuy nhiên, để bảo vệ phẩm giá của Phụng Vụ thánh, các lễ vật cụ thể phải được dâng tiến một cách xứng hợp. Cho nên tiền bạc, cũng như những tặng vật khác dành cho người nghèo, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc thánh thể.[150] Để riêng tiền bạc và, nếu có, một phần nhỏ những tặng vật khác tượng trưng cho số lớn hơn, nên dâng những tặng vật này ngoài cử hành Thánh Lễ.

71. Phải duy trì thông lệ của Nghi Lễ Rôma là chúc bình an trước khi Rước Lễ một chút, như được dự liệu trong Nghi thức Thánh Lễ. Quả nhiên, theo truyền thống của Nghi Lễ Rôma, thông lệ này không bao hàm ý nghĩa hoà giải, cũng không có ý nghĩa xoá tội, nhưng đúng hơn nó có mục đích biệu lộ sự bình an, sự hiệp thông và lòng bác ái, trước khi lãnh nhận Thánh Thể.[151] Trái lại, hành động sám hối ở đầu Thánh Lễ, nhất là khi nó được thực hiện theo công thức thứ nhất, có đặc tính diễn tả sự hoà giải này giữa các anh em.

72. “Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình”. “Linh mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên, nhưng ở trong cung thánh, để khỏi làm xáo trộn việc cử hành. Nếu muốn và với lý do chính đáng, ngài sẽ chúc bình an như thế cho vài tín hữu”. “Về những gì liên quan đến dấu hiệu để chúc bình an, cách thức của nó được Hội Đồng Giám Mục ấn định, theo tâm tính, phong tục và tập quán của các dân tộc khác nhau”, và được Tông Toà xác nhận.[152]

73. Trong cử hành Thánh Lễ, việc bẻ bánh Thánh Thể được khởi sự sau khi chúc bình an, trong lúc đọc kinh Agnus Dei ; chỉ do vị chủ tế làm việc này, và, nếu trường hợp xảy ra, với sự giúp đỡ của một phó tế hay một vị đồng tế, chứ không bao giờ của một giáo dân. Quả nhiên, cử chỉ bẻ bánh “được Đức Kitô thực hiện ở Bữa Tiệc Ly và, từ thời các Tông Đồ, đã được dành để chỉ tất cả hành động thánh thể, có nghĩa là vô số tín hữu, trong sự Hiệp Thông cùng một bánh ban sự sống duy nhất, là Đức Kitô, đã chết và phục sinh vì phần rỗi thế gian, trở nên một thân thể (1 Cr 10,17)”[153]. Cho nên, phải thực hiện nghi lễ này với tấm lòng hết sức tôn kính.[154] Tuy nhiên, việc này phải được làm ngắn gọn. Phải rất khẩn cấp sửa lại lạm dụng phổ biến ở một vài nơi là kéo dài nghi lễ này cách không cần thiết, kể cả với sự giúp đỡ của giáo dân, đi nghịch lại các quy tắc, và gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng.[155]

74.     Nếu thấy cần để một giáo dân thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống kitô-hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ, cách chung nên làm việc này ngoài Thánh Lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện Hiệp Lễ. Tuy nhiên, một việc làm như thế không được trở thành thói quen. Lại nữa, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng,[156] và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng.

4.   VIỆC KẾT HỢP NHỮNG NGHI LỄ KHÁC NHAU VỚI VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ

75.     Vì một lý do thần học gắn liền với việc cử hành Thánh Thể hay với một nghi lễ đặc biệt, các sách phụng vụ ấn định hay đôi khi cho phép việc cử hành Thánh Lễ cùng với một nghi lễ khác, đặc biệt những nghi lễ của các Bí Tích.[157] Nhưng, Giáo Hội không chấp nhận một sự tương quan như thế trong những trường hợp khác, đặc biệt khi có những tình tiết có vẻ hời hợt.

76.     Hơn nữa, theo một truyền thống rất cổ xưa của Giáo Hội Rôma, không được phép kết hợp bí tích Sám Hối với Thánh Lễ để làm nên một cử hành phụng vụ duy nhất. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu của các tín hữu, các linh mục, không cử hành hay đồng tế Thánh Lễ, có thể ngồi tòa giải tội cho các tín hữu nào muốn, cùng lúc và cùng nơi đang có cử hành Thánh Lễ.[158] Tuy vậy, việc này cũng phải được diễn biến một cách thích hợp.

77.     Tuyệt đối không có trường hợp nào được phép kết hợp việc cử hành Thánh Lễ với một bữa ăn bình thường, cũng không được phép kết hợp Thánh Lễ với một bữa ăn lễ lạt loại này. Ngoại trừ trường hợp cần thiết quan trọng, không được phép cử hành Thánh Lễ trên một bàn ăn,[159] hoặc trong một nhà cơm, hay trong một nơi được dùng vào mục đích ăn uống, hoặc bất cứ nơi nào có thức ăn, những người tham dự Thánh Lễ cũng không được phép ngồi vào bàn ăn trong lúc cử hành. Nếu, trong trường hợp cần thiết quan trọng, nếu Thánh Lễ phải cử hành cùng nơi được dự trù sau đó làm phòng ăn, thì phải dự trù có một khoảng thời gian đủ giữa lúc cuối Thánh Lễ và đầu bữa ăn, và cấm không được trao của ăn cho các tín hữu trong khi cử hành Thánh Lễ.

78.     Không được kết hợp việc cử hành Thánh Lễ với các thực tế có tính chính trị hoặc thế tục, hay nữa với các yếu tố không hoàn toàn phù hợp với Huấn Quyền của Giáo Hội công giáo. Hơn nữa, để không làm mất đi ý nghĩa đích thực của Phép Thánh Thể, tuyệt đối không được cử hành Thánh Lễ với ý muốn duy nhất là để biểu diễn, hay cử hành Thánh Lễ theo cách thức của những nghi thức khác, nhất là ngoại đạo.

79.     Sau cùng, phải rất nghiêm khắc lên án sự lạm dụng đưa vào trong cử hành Thánh Lễ những yếu tố nghịch lại với những quy định của các sách phụng vụ, những yếu tố được vay mượn từ các nghi lễ thuộc các tôn giáo khác.

 

Chương IV

RƯỚC LỄ

1.   NHỮNG TRẠNG THÁI PHẢI CÓ ĐỂ RƯỚC LỄ

80. Như được đề cập rõ ràng trong các phần khác nhau của Thánh Lễ, Phép Thánh Thể cũng phải được trình bày cho tín hữu “như là phương thuốc giải thoát chúng ta khỏi các lỗi hằng ngày và phòng giữ chúng ta khỏi các tội trọng”[160]. Hành động sám hối, ở đầu Thánh Lễ, có mục đích giúp các người tham dự dọn mình cử hành cách xứng đáng các mầu nhiệm thánh [161]; tuy vậy, “nó không có công hiệu của phép bí tích Giải Tội,[162] và nó không thể thay thế cho phép bí tích Giải Tội để tha các tội trọng. Trong khi dạy giáo lý, các mục tử phải chăn chú theo dõi truyền đạt cho các tín hữu giáo lý Kitô-giáo về lãnh vực này được.

81. Cũng thế, thói quen của Giáo Hội khẳng định rằng rất cần thiết là mỗi người tự nghiệm thấy,[163] để ai ý thức mình đang ở trong tình trạng có tội trọng, thì không cử hành Thánh Lễ cũng không rước Mình Thánh Chúa, mà trước đó không có xưng tội, trừ phi người đó có một lý do quan trọng và không thể xưng tội ; trong trường hợp này, người đó không được quên rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, và có quyết tâm đi xưng tội sớm nhất.[164]

82.     Vả lại, “Giáo Hội đã đề ra những quy tắc nhằm sự tiếp cập thường xuyên và đem lại ơn ích của các tín hữu với Bàn Tiệc Thánh Thể, cũng như nhằm xác định những điều kiện khách quan theo đó không được phép cho rước lễ”[165].

83.     Chắc chắn rất tốt là tất cả những ai tham dự vào cử hành Thánh Lễ đến rước lễ trong cử hành đó, với điều kiện là họ có đủ các điều kiện cho phép họ rước lễ. Nhưng mà đôi khi các tín hữu đến gần bàn thánh đông mà không có suy xét cần thiết. Bổn phận của các mục tử là phải sửa chữa một lạm dụng như thế cách thận trọng và kiên quyết.

84.     Vả lại, khi Thánh Lễ được cử hành cho một đám đông quần chúng, ví dụ, như trong các thành phố lớn, phải chăm chú đừng để những người không công giáo hay cả những người không phải là kitô-hữu, vì không biết, đi rước lễ, mà không kể đến Huấn Quyền của Giáo Hội về mặt tín lý cũng như về mặt kỷ luật. Quyền của các mục tử là phải báo trước, đúng lúc, cho các người hiện diện nơi cử hành biết chân lý và kỷ luật phải được tuân thủ chặt chẽ.

85.     Các thừa tác viên công giáo ban phát các bí tích cách hợp pháp cho những tín hữu công giáo mà thôi, cũng như họ chỉ nhận các bí tích cách hợp pháp từ những thừa tác viên công giáo mà thôi, và những quy định của các điều 844 §§ 2, 3 và 4 và 861 §2 [166] của Bộ Giáo Luật được bảo toàn. Vả lại, các điều kiện quy định nơi điều 844 §4 của giáo luật, mà không trường hợp nào được vi phạm bất cứ vì lý do gì [167]: vậy các điều kiện này cần phải luôn luôn tất cả được trưng dụng cùng một lúc.

86.     Phải khẩn khoản thúc giục các tín hữu lãnh bí tích sám hối ngoài cử hành Thánh Lễ, nhất là vào những giờ ấn định, để họ được xưng tội một cách êm thắm và thực sự có ích cho họ, mà họ cũng không bị ngăn trở tham dự Thánh Lễ cách tích cực. Phải dạy cho những ai có thói quen rước lễ hằng ngày hoặc rất thường, sự quan trọng của việc lãnh bí tích sám hối một cách đều đặn, theo khả năng của mỗi người.[168]

87.     Trước khi cho trẻ em rước lễ lần đầu, luôn luôn phải cho chúng lãnh nhận bí tích sám hối và lời xá giải.[169] Hơn nữa, việc cho rước lễ lần đầu luôn luôn phải do một linh mục cử hành và không bao giờ được làm ngoài cử hành Thánh Lễ. Ngoại trừ trong những trường hợp rất đặc biệt, không được thích hợp lắm khi cử hành cho rước lễ lần đầu trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa ngày thứ Năm Thánh. Nên chọn một ngày khác, như các chúa nhật sau lễ Phục Sinh (từ chúa nhật thứ 2 đến thứ 6) hay lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hay các Chúa nhật “quanh năm”, vì ngày Chúa nhật được kể một cách hợp lý là ngày của Phép Thánh Thể.[170] “Các trẻ em chưa đủ trí khôn” hay những em mà cha sở “xét thấy chưa chuẩn bị đủ”, không được chấp nhận cho rước lễ.[171] Tuy nhiên, cách đặc biệt, có thể có đứa trẻ, dù còn nhỏ tuổi, nhưng được xét thấy là đủ chín chắn để lãnh bí tích ; trong trường hợp này, không nên từ chối cho rước lễ lần đầu, với điều kiện đương sự được huấn luyện đủ.

2.   VIỆC CHO RƯỚC LỄ

88.     Các tín hữu thường được rước Thánh Thể trong Thánh Lễ hay vào thời gian được chính nghi lễ ấn định, nghĩa là liền sau khi linh mục chủ tế rước lễ.[172] Linh mục chủ tế có nhiệm vụ cho rước lễ, và, nếu có dịp, các linh mục khác hay các phó tế giúp ngài ; Thánh Lễ không được tiếp tục khi các tín hữu chưa rước lễ xong. Các thừa tác viên ngoại thường có thể giúp linh mục chủ tế, theo đúng các quy tắc của giáo luật, chỉ trong trường hợp cần thiết.[173]

89.     Để chính bởi “những dấu hiệu này, việc rước lễ tỏ ra rõ ràng hơn là một sự tham dự vào Hy Tế đang cử hành”[174], các tín hữu nên được rước lễ với những bánh lễ được truyền phép trong Thánh Lễ.[175]

90.     “Các tín hữu rước lễ quỳ gối hoặc đứng, tuỳ sự ấn định của Hội Đồng Giám Mục”, với sự xác nhận của Tông Toà. “Tuy nhiên, khi các tín hữu đứng rước lễ, phải khuyên bảo họ, trước khi nhận Thánh Thể, làm một cử chỉ tôn kính phải phép, mà Hội Đồng Giám Mục sẽ ấn định”[176].

91.     Về việc cho rước lễ, phải nhớ rằng “các thừa tác viên thánh không được từ chối ban các bí tích khi có người xin một cách chích đáng, đã được chuẩn bị một cách hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh bí tích”[177]. Như vậy, tất cả các người công giáo đã chịu phép rửa, mà không bị ngăn trở bởi giáo luật, thì phải được cho rước lễ. Do đó không được phép từ chối không cho một tín hữu rước lễ, chỉ vì, như ví dụ, người ấy muốn rước lễ quỳ gối hay đứng.

92.     Mọi tín hữu, theo họ chọn, luôn luôn có quyền rước lễ bằng miệng.[178] Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể bằng tay, trong những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, có thể ban Mình Thánh cho họ. Nhưng, trong trường hợp này, phải chăm chú theo dõi Mình Thánh Chúa được người rước lễ rước bánh thánh ngay trước mặt thừa tác viên, tránh không để một ai cầm Mình Thánh trong tay mà đi ra khỏi đó. Nếu có nguy cơ xúc phạm, không được cho các tín hữu rước lễ bằng tay.[179]

93.     Phải duy trì việc dùng dĩa hứng khi cho các tín hữu rước lễ, để tránh bánh thánh, hay một mảnh bánh thánh, rơi xuống đất.[180]

94.     Các tín hữu không cho phép “tự tay cầm lấy bánh đã được truyền phép hay chén thánh, lại cũng không được để họ chuyền tay nhau”[181]. Vả lại, về vấn đề này, phải chấm dứt sự lạm dụng sau đây : trong Thánh Lễ hôn phối, đã xảy ra trường hợp đôi tân hôn cho nhau rước lễ.

95.     Người giáo dân “đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong cùng ngày đó, nhưng chỉ ở trong cử hành Thánh Thể mà họ tham dự, ngoại trừ quy định ở điều 921 §2 của giáo luật”[182].

96.     Xảy ra trường hợp, trong hoặc trước khi cử hành Thánh Lễ, những bánh lễ chưa truyền phép hay những đồ vật khác có thể ăn được hay không, được phân phát giống như khi rước lễ ; phải dứt khoát bài trừ một sự lạm dụng như thế, nghịch với những quy định của các sách phụng vụ. Quả nhiên, nó không hợp với truyền thống của Nghi Lễ Rôma, và có nguy cơ làm tâm trí các tín hữu lẫn lộn về giáo lý thuộc Phép Thánh Thể của Giáo Hội. Nếu trong một vài nơi, vì được nhượng quyền, có thói quen đặc biệt làm phép bánh để phân phát sau Thánh Lễ, phải rất cẩn thận dạy giáo lý thích hợp về ý nghĩa của cử chỉ ấy. Ngược lại, không được phép đưa vào những cách làm tương tự, và không bao giờ nên dùng bánh lễ chưa truyền phép nhằm một mục đích như thế.

3.   VIỆC RƯỚC LỄ CỦA LINH MỤC

97.     Mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ, vào lúc do Sách Lễ ấn định. Ngược lại, các vị đồng tế phải rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa. Linh mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ đợi dân chúng rước lễ xong để mình mới rước lễ.[183]

98.     Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ [184]; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Phải lưu ý rằng, khi linh mục hoặc phó tế trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời : “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô”.

99.     “Các linh mục không thể cử hành hay đồng tế luôn luôn được phép rước lễ dưới hai hình”[185].

4.   VIỆC RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH

100. Để biểu lộ rõ ràng hơn cho các tín hữu tính viên mãn của dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp các sách phụng vụ được dự liệu, với điều kiện phải dạy trước đó phải luôn luôn giảng dạy cách thích hợp về các nguyên lý tín lý đã được Công Đồng chung Trentô ấn định trong lãnh vực này.[186]

101. Để cho giáo dân rước lễ hai hình, phải để ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc đánh giá trước tiên là thuộc quyền Giám Mục giáo phận. Phải tuyệt đối loại bỏ việc này khi có một nguy cơ, dù là rất nhỏ, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa.[187] Để đảm bảo một sự phối hợp rộng rãi hơn trong lãnh vực này, các Hội Đồng Giám Mục cần công bố những quy tắc liên quan chủ yếu về “cách cho các tín hữu rước lễ dưới hai hình và về phạm vi của quyền cho rước lễ dưới hai hình này”[188] ; những quy tắc này phải được Tông Toà, nghĩa là Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, xác nhận.

102. Không được cho giáo dân rước với chén thánh, nếu, vì số người rước lễ đông,[189] khó mà lường được lượng rượu cần thiết cho Thánh Lễ ; quả nhiên, phải tránh nguy cơ “còn dư quá nhiều Máu Chúa Kitô phải rước cuối buổi cử hành”[190]. Phải hành động như thế đó trong những trường hợp sau đây : khó tổ chức cho giáo dân rước lễ với chén thánh ; việc cử hành đòi hỏi sử dụng một lượng rượu mà khó biết chắc chắn được nguồn gốc và phẩm chất của nó ; cho một cử hành xác định, không có đủ số các thừa tác viên có chức thánh, cũng như các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được huấn luyện thích hợp ; một số lớn dân chúng khăng khăng vì nhiều lý do, không chịu rước lễ với chén thánh, việc này có kết quả là làm mờ nhạt đi cái có thể gọi là dấu chỉ hiệp nhất.

103. Quy tắc Sách Lễ Rôma chấp nhận nguyên tắc theo đó, khi cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng”[191]. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại trừ cách cho rước lễ với ống hút hoặc cái muỗng, trong những không có thói quen, nhưng duy trì luôn cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.[192]

104. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép ; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác.

105. Nếu một chén không đủ để cho các linh mục đồng tế hoặc giáo dân rước lễ dưới hai hình, thì không gì ngăn cấm linh mục chủ tế dùng nhiều chén.[193] Quả nhiên, phải nhớ là mọi linh mục cử hành Thánh Lễ buộc phải rước lễ dưới hai hình. Vì lẽ dấu chỉ tỏ bày, nên dùng một chén chính lớn hơn, cùng với những chén khác nhỏ hơn.

106. Tuy nhiên, sau khi truyền phép, phải tuyệt đối tránh sang Máu Thánh Chúa Kitô từ chén này qua chén khác, để tránh xúc phạm đến mầu nhiệm cực đại dường ấy. Để đựng Máu Thánh Chúa Kitô, không bao giờ sử dụng hũ, bình hoặc những vật nào khác, không hoàn toàn đúng với các quy luật đã ban hành.

107. Theo giáo luật, “ai ném bỏ Mình Máu Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành riêng cho Toà Thánh ; hơn nữa, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng một hình phạt khác, kể cả việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ”[194]. Cũng phải thêm vào trường hợp này mọi hành vi khinh bỉ, cố ý và nghiêm trọng, đối với Mình Máu Thánh Chúa. Vậy, ai hành động nghịch lại với các quy định trên đây, ví dụ, như ném Mình Máu Thánh Chúa vào trong giếng của phòng thánh hay trong một nơi bất xứng, hoặc ném xuống đất, thì bị những hình phạt ấn định về chuyện này.[195] Vả lại, mọi người phải nhớ rằng, khi cử hành Thánh Lễ, lúc cho rước lễ xong, phải tuân thủ các quy định của Sách Lễ Rôma. Đặc biệt, Máu Thánh Chúa Kitô có thể còn lại phải được chính linh mục hay, theo quy tắc, một thừa tác viên khác rước ngay lúc ấy. Cũng vậy, Mình Thánh Chúa có thể còn lại, phải được linh mục rước tại bàn thờ, hay được đem cất vào một nơi dành để lưu giữ Mình Thánh Chúa.[196]

 

Chương V

VÀI NHẬN XÉT KHÁC

LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH THỂ

1.   VỀ NƠI CỬ HÀNH THÁNH LỄ

108. “Thánh Thể phải được cử hành ở nơi thánh, trừ khi, trong trường hợp riêng, nhu cầu đòi hỏi cách khác ; dù vậy, trong trường hợp ấy, phải cử hành Thánh Thể ở một nơi xứng đáng”[197]. Thường là thuộc quyền Giám mục đánh giá quan niệm cần thiết của mỗi trường hợp riêng cho giáo phận của mình.

109. Một linh mục không bao giờ được phép cử hành Thánh Thể trong một đền thờ hoặc một nơi tôn nghiêm của một tôn giáo không phải là Kitô-giáo.

2.   MỘT SỐ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH LỄ

110. “Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công cuộc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể ; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ, hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi các tín hữu không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Đức Kitô và của Giáo Hội, chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính chính yếu của mình”[198].

111. Một linh mục, “dù vị quản đốc nhà thờ không quen biết”, phải được nhận cho cử hành hay đồng tế Thánh Lễ, “miễn là ngài xuất trình chứng thư (hay celebret)” của Tông Toà, hay của Đấng Bản Quyền, hay Bề Trên của mình, cấp ít ra cũng là trong năm, “hoặc vị quản đốc có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở vị linh mục ấy được dâng lễ”[199]. Các Giám mục phải chăm chú theo dõi hủy bỏ những tục lệ trái ngược.

112. Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng la tinh hay bằng một ngôn ngữ khác, với điều kiện phải sử dụng những bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn theo quy tắc luật định. Ngoại trừ các Thánh Lễ phải cử hành trong ngôn ngữ của dân chúng, theo thời khóa biểu và theo thời gian do giáo quyền ấn định, các linh mục được phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng la tinh, ở mọi nơi và mọi lúc.[200]

113. Khi Thánh Lễ được nhiều linh mục đồng tế, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc trong ngôn ngữ mà tất cả các linh mục và dân chúng hiện diện trong buổi cử hành đều biết. Có thể xảy ra trường hợp, trong số các linh mục hiện diện, có vị không biết ngôn ngữ được dùng khi cử hành và không thể đọc các phần Kinh Nguyện Thánh Thể, dành riêng cho mình. Trong trường hợp này, các ngài không đồng tế, nhưng tốt hơn các ngài chỉ tham dự cử hành và mặc áo dành vào cung thánh, theo quy định.[201]

114. “Vào các Thánh Lễ ngày chúa nhật ở giáo xứ, với tư cách là “cộng đoàn Thánh Thể”, thường có sự hiện diện của những nhóm, những phong trào, những đoàn thể và những cộng đoàn nhỏ của các tu sĩ ở tại địa phương nữa”[202]. Dù được phép cử hành Thánh Lễ cho những nhóm riêng biệt theo các quy tắc của giáo luật,[203] các nhóm này cũng tuyệt đối không được chuẩn miễn tuân thủ cách trung thành các qui tắc phụng vụ.

115. Phải dứt khoát bài xích sự lạm dụng tùy tiện đình chỉ cử hành Thánh Lễ cho dân chúng, trái quy tắc của Sách Lễ Rôma và truyền thống đúng đắn của Nghi Lễ Rôma, lấy có để khuyến khích “chay tịnh Thánh Thể”.

116. Không được tăng số lượng Thánh Lễ trái với quy tắc giáo luật. Những gì liên quan đến bổng lễ, phải tuân thủ tất cả các quy tắc của giáo luật hiện hành.[204]

3.   CÁC BÌNH THÁNH

117. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ.[205] Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý,[206] để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng.[207]

118. Trước khi sử dụng, các bình thánh phải được linh mục làm phép, theo các nghi lễ được các sách phụng vụ ấn định.[208] Thật đáng khen nếu để Giám Mục giáo phận làm phép, để như thế ngài có thể đánh giá coi các bình thánh có thật đúng với công dụng dành cho chúng không.

119. Khi cho rước lễ xong, linh mục, đứng nơi bàn thờ hay nơi bàn để đồ lễ, lau sạch đĩa thánh và bình thánh trên chén thánh, theo các quy định của Sách Lễ, sau đó ngài lau chén thánh với khăn lau chén thánh. Nếu có phó tế, thầy cùng với linh mục trở lại bàn thờ, và làm sạch các bình thánh. Tuy nhiên, được phép để các bình phải làm sạch trên khăn thánh, bàn thờ hay ở bàn để đồ lễ, nhất là khi có nhiều bình, nhưng phải phủ kín chúng kỹ càng ; trong trường hợp này, linh mục hay phó tế làm sạch chúng ngay sau Thánh Lễ, khi dân chúng đã ra về. Cũng thế, thầy giúp lễ có lãnh thừa tác vụ giúp linh mục hoặc phó tế làm sạch các bình thánh, hoặc ở bàn thờ, hoặc ở bàn để đồ lễ, rồi sau đó đặt chúng vào chỗ của chúng. Nếu không có phó tế, thầy giúp lễ có lãnh thừa tác vụ đem các bình thánh qua bàn để đồ lễ, và chính tại nơi đây, theo lệ thường, thầy làm sạch và lau các bình thánh trước khi xếp gọn chúng vào chỗ đã định.[209]

120. Các mục tử phải chăm chú theo dõi các khăn thánh của bàn thánh phải luôn luôn sạch sẽ, đặc biệt những khăn có chạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Chúng phải được giặt rất thường xuyên, theo thói quen được trung thành truyền lại. Như thế, đáng khen việc đổ nước lần thứ nhất của đồ giặt bằng tay hoặc vào giếng của phòng thánh nhà thờ hoặc trực tiếp trên mặt đất ở một nơi thích hợp. Kế đó, có thể giặt lại thêm một lần nữa theo cách thường.

4.   LỄ PHỤC PHỤNG VỤ

121. “Việc dùng các màu khác nhau cho lễ phục phụng vụ nhằm diễn tả cách hiệu quả và rõ ràng đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, và, do đó, ý nghĩa của đời sống Kitô-giáo đang tiến triển qua tiến trình của năm phụng vụ”[210]. Thựa ra, sự khác nhau “của các chức năng trong việc cử hành Thánh Thể được biểu hiện bên ngoài bởi sự khác biệt của các lễ phục phục phụng vụ”. Quả nhiên, “các lễ phục đó cũng phải góp phần làm tăng vẻ đẹp của hành động phụng vụ”[211].

122. “Áo trắng dài (alba) được sợi dây nhỏ buộc ôm sát vào thắt lưng, trừ khi nó được may vừa vặn với thân hình mà không cần có dây buộc. Phải quàng khăn vai trước khi mặc áo alba nếu áo này không hoàn toàn phủ kín áo thường quanh cổ”[212].

123. Lễ phục riêng dành cho linh mục chủ tế, để cử hành Thánh Lễ hay các hành động thánh khác liên quan trực tiếp với Thánh Lễ, là áo lễ (casula), trừ trường hợp phi có dự trù một lễ phục khác mặc trên chồng lên áo alba và dây stola[213]. Cũng thế, khi, theo chữ đỏ, linh mục mặc áo lễ, ngài đừng bỏ không mang dây stola. Tất cả các vị Bản Quyền phải theo dõi để mọi tục lệ trái ngược được hủy bỏ.

124. Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba[214], trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ.

125. Lễ phục phụng vụ riêng của phó tế là áo dalmatica mặc ngoài áo alba và dây stola. Để tôn trọng một truyền thống cao quý của Giáo Hội, việc không dùng quyền khỏi mặc áo dalmatica là đáng khen.[215]

126. Phải dứt khoát bài trừ lạm dụng sau đây, trái ngược với những quy định của các sách phụng vụ : dù chỉ có một người tham dự, các thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây stola trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hay nữa trên áo thường.[216] Các Đấng Bản Quyền phải sửa chữa trong thời gian ngắn nhất những lạm dụng này, và các ngài phải theo dõi cung cấp cho tất cả các nhà thờ và các nhà nguyện thuộc quyền tài phán của mình, một số lễ phục phụng vụ, may đúng quy tắc.

127. Trong các sách phụng vụ, có một năng quyền đặc biệt được ban để, trong những ngày thật trọng thể, sử dụng các phục phụng vụ dành cho các ngày lễ và đặc biệt đẹp, dù chúng không đúng màu sắc của ngày lễ hôm đó.[217] Tuy nhiên, quyền này, liên quan một cách đặc thù đến các lễ phục phụng vụ rất cổ xưa, nhằm bảo toàn di sản của Giáo Hội, lại bị nới rộng một cách quá đáng đến những đổi mới ; do đó, bỏ qua cách làm truyền thống, người ta chấp nhận những hình dáng và màu sắc, căn cứ trên những tiêu chuẩn chủ quan, và như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một quy tắc, hại cho truyền thống. Những ngày lễ, các phẩm phục thánh màu vàng hay bạc có thể thay thế, tuỳ lúc, các màu sắc phụng vụ khác nhau, trừ ra màu tím và màu đen.

128. Thánh lễ và các cử hành phụng vụ khác, là những hoạt động của Đức Kitô và của dân Thiên Chúa được tổ chức có phẩm trật, được sắp đặt thế nào để các thừa tác viên có chức thánh và giáo dân có thể tham dự vào đó cách rõ ràng, tuỳ theo địa vị của mình. Như vậy, thường thường “các linh mục hiện diện trong cử hành Thánh Lễ nên thi hành chức vụ thuộc Chức Thánh của mình, ngoại trừ nếu có một lý do chính đáng miễn cho họ làm thế, và do đó họ nên mặc y phục phụng vụ mà đồng tế. Nếu không, họ mang áo surplis trên áo soutane[218]. Ngoại trừ những trường hợp rất đặc biệt khi có lý do chính đáng, không cho phép họ tham dự Thánh Lễ, mà vẻ bề ngoài như giáo dân.

 

Chương VI

LƯU GIỮ THÁNH THỂ

VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

1.   SỰ LƯU GIỮ THÁNH THỂ

129. Việc cử hành Thánh Thể trong Hy Tế Thánh Lễ thật là nguồn gốc và mục đích của việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Nhưng nếu Mình Thánh Chúa được lưu giữ sau Thánh Lễ, chính là để cho các tín hữu không thể tham dự Thánh Lễ, nhất là những bệnh nhân và người có tuổi, nhờ sự Rước Lễ kết hợp với Đức Kitô và Hy Tế của Người, đã hy sinh và tự hiến trong Thánh Lễ”[219]. Lại nữa, việc lưu giữ Mình Thánh Chúa cũng cho phép thực hành việc tôn thờ Bí Tích cao quý này, và thừa nhận cho Thánh Thể một sự tôn thờ dành cho Thiên Chúa. Vì thế, cần phải xúc tiến một số hình thức phụng thờ, chẳng những là riêng tư, mà còn công cộng và có tính cách cộng đoàn, được Giáo Hội sốt sắng thiết lập hay phê chuẩn.[220]

130. “Tùy theo kiểu kiến trúc của nhà thờ và theo thói quen chính đáng của địa phương, Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một nhà tạm đặt trong phần nhà thờ đặc biệt cao trọng, đáng chú ý, dễ thấy và được trang hoàng đẹp đẽ”, và trong một nơi yên lặng “thích hợp cho việc cầu nguyện”[221], trước nhà tạm có một khoảng trống có thể xếp một số ghế dài hay ghế một, với bàn quỳ. Vả lại, phải chăm chú tuân theo tất cả những quy định của các sách phụng vụ và những quy tắc của giáo luật,[222] đặc biệt nhằm mục đích tránh mọi nguy cơ xúc phạm.[223]

131. Ngoài các quy định của điều 934 §1 của Bộ Giáo Luật, cấm không được lưu giữ Mình Thánh Chúa ở một nơi không thuộc quyền thực sự của Giám Mục giáo phận, hay trong một nơi có nguy cơ bị xúc phạm. Nếu có trường hợp như vậy, Giám Mục giáo phận phải hủy bỏ ngay quyền cho lưu giữ Thánh Thể, đã được ban trước.[224]

132. Không ai được đem Mình Thánh Chúa về nhà mình hay đến một nơi khác, việc này là nghịch với quy tắc của giáo luật. Vả lại, phải nhớ rằng việc đem hay lưu giữ Mình Thánh Chúa với mục đích phạm sự thánh, cũng như ném Mình Thánh Chúa xuống đất là những hành vi thuộc loại những tội phạm nặng hơn (graviora delicta), mà việc xá giải được dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin.[225]

133. Linh mục hay phó tế, hoặc, vì thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị ngăn trở, thừa tác viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng một lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi Thức Rôma.[226]

2.   MỘT VÀI HÌNH THỨC TÔN THỜ THÁNH THỂ CHÍ THÁNH NGOÀI THÁNH LỂ

134. “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có một giá trị vô song đối với đời sống của Giáo Hội. Việc tôn sùng này nối kết chặt chẽ với việc cử hành Hy Tế tạ ơn”[227]. Vì thế, phải hăng hái xúc tiến việc tôn sùng Thánh Thể chí thánh, cách công cộng cũng như cách riêng tư, kể cả ngoài Thánh Lễ, để các tín hữu tôn thờ Đức Kitô thực sự đích thân hiện diện,[228] Người là “Vị Thượng Tế đem muôn phúc lộc của thế giới tương lai[229] và là Đấng Cứu Độ hoàn vũ. “Các mục tử có trách nhiệm khuyến khích, đồng thời nêu gương sáng về việc tôn sùng Thánh Thể, và đặc biệt việc trưng bày Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong các hình Thánh Thể”[230].

135. “Ước gì trong ngày”, các tín hữu “đừng chểnh mảng viếng Mình Thánh Chúa… Vì, đối với Đức Kitô Chúa chúng ta, hiện diện nơi đó, việc viếng thăm là một dấu hiệu của lòng biết ơn, một bằng chứng của tình yêu mến và là một sự tỏ lòng cảm phục tôn thờ phải được dành để cho Người”[231]. Quả nhiên, như bao nhiêu gương các thánh đã làm sáng tỏ điều đó, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu hiện diện trong Phép Thánh Thể, như là một sự hiệp thông ao ước, kết hợp chặt chẽ người tín hữu với Đức Kitô.[232] “Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ có lưu giữ Thánh Thể phải được mở cửa mỗi ngày ít là vài giờ, để các tín hữu có thể cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa”[233].

136. Đấng Bản Quyền phải rất nồng nhiệt khuyến khích việc dân chúng tôn thờ Thánh Thể, trong một thời gian ngắn hay kéo dài, hoặc thường xuyên. Quả nhiên, trong những năm gần đây, trong khi, ở “nhiều nơi, việc chầu Mình Thánh Chúa có một thực hành quan trọng hằng ngày và trở nên nguồn mạch thánh hóa vô tận”, thì cũng có nơi “người ta ghi nhận việc tôn thờ Thánh Thể hầu như hoàn toàn bị quên lãng”[234].

137. Việc đặt Mình Thánh Chúa luôn luôn phải được thực hiện theo những quy định của các sách phụng vụ.[235] Trước Mình Thánh Chúa được lưu giữ hay trưng bày, cũng có thể lần chuỗi Mân Côi, là kinh tuyệt diệu “về mặt đơn sơ và sâu sắc”[236]. Tuy nhiên, nếu lần chuỗi Mân Côi trước Mình Thánh Chúa, nhất là khi được trưng bày, phải làm tỏ rõ bản chất của kinh ấy như là một sự chiêm niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô Cứu Thế và của chương trình cứu độ của Chúa Cha toàn năng, bằng cách chủ yếu nhờ vào các bài đọc tuyển chọn trong Kinh Thánh.[237]

138. Tuy nhiên, không bao giờ nên để Mình Thánh Chúa trưng bày, dù là một thời gian rất ngắn, mà không có sự trông nom đầy đủ. Vậy phải có một vài tín hữu luôn hiện diện, ít là thay phiên nhau, trong những khoảng thời gian nhất định.

139. Trong những nơi mà Giám Mục giáo phận đã cử những thừa tác viên có chức thánh hay những người khác để đặt Mình Thánh Chúa, các tín hữu có quyền đến thường xuyên để viếng Chúa trong Phép Thánh Thể để tôn thờ Người, và họ có quyền tham dự, ít nữa là một vài lần trong năm, vào việc tôn thờ Thánh Thể được trưng bày.

140. Trong các thành phố hay ít ra trong những thành phố quan trọng, rất được khuyên bảo Giám Mục giáo phận chỉ định một nhà thờ để tổ chức tôn thờ Mình Thánh Chúa thường xuyên, nhưng mà nơi đó Thánh Lễ phải được cử hành thường xuyên, và, nếu được, mỗi ngày, và theo dõi chặt chẽ ngưng trưng bày Mình Thánh Chúa trong lúc cử hành Thánh Lễ.[238] Mình Thánh Chúa được trưng bày để chầu, nên được truyền phép trong Thánh Lễ ngay trước giờ chầu, và được đặt trong hào quang, trên bàn thờ, sau khi rước lễ.[239]

141. Giám Mục giáo phận, theo khả năng của ngài, phải nhìn nhận và khuyến khích quyền của các tín hữu tổ chức các hội và đoàn thể nhằm thực hành việc tôn thờ Thánh Thể, kể cả thường xuyên. Khi các đoàn thể loại loại này đạt tới chiều kích quốc tế, thì Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích nâng chúng lên và phê chuẩn quy chế của chúng.[240]

3.   RƯỚC KIỆU VÀ ĐẠI HỘI THÁNH THỂ

142. “Giám mục giáo phận có thẩm quyền ra những chỉ thị về việc kiệu Thánh Thể, hầu bảo đảm việc tham dự và tính cách trang nghiêm của cuộc rước”[241] và khuyến khích việc tôn thờ của các tín hữu.

143. “Ở đâu Giám Mục giáo phận xét có thể được, nên tổ chức kiệu Mình Thánh qua các công lộ, để tuyên chứng công khai lòng tôn kính Thánh Thể, đặc biệt trong ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô”[242]. Quả nhiên, “sự tham dự sốt sắng của tín hữu vào cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô là một ân sủng Chúa ban và hằng năm đem lại niềm vui cho những thông phần vào đó”[243].

144. Dù không thể tổ chức những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa trong một vài nơi, nhưng cần duy trì truyền thống như thế. Trong những hoàn cảnh hiện nay, thà tốt hơn phải tìm những cách mới để tổ chức những cuộc rước đó, như ví dụ, trong khuôn viên thánh đường, trong những nơi thuộc về Giáo Hội, nay, nếu được phép của chính quyền, trong các công viên.

145. Phải nhìn nhận giá trị lớn lao của những Đại Hội Thánh Thể về mặt lợi ích mục vụ, những Đại Hội ấy “phải là dấu hiệu chân thực của đức tin và đức ái”[244]. Chúng phải được chuẩn bị kỹ càng và diễn biến theo các quy tắc được ấn định,[245] để các tín hữu có thể không ngừng gặt hái được những ơn ích cứu độ, khi tôn sùng các mầu nhiệm thánh Mình và Máu Con Thiên Chúa.[246]

 

Chương VII

NHỮNG CHỨC VỤ NGOẠI THƯỜNG CỦA GIÁO DÂN

146. Chức tư tế thừa tác là tuyệt đối không thay thế được. Quả nhiên, nếu một cộng đoàn không có linh mục, thì không có thực hành được chức năng bí tích của Đức Kitô, là Đầu và là Mục Tử, một chức năng cốt yếu của chính đời sống của cộng đồng giáo hội.[247] Trên thực tế, “chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Đức Kitô, in persona Christi, mới có khả năng cử hành bí tích Thánh Thể”[248].

147. Tuy nhiên, nơi nào nhu cầu của Giáo Hội đòi hỏi, vì thiếu thừa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể thay thế trong một số chức vụ phụng vụ, theo các quy định của giáo luật.[249] Các tín hữu này, được gọi và được cử để thi hành một số chức vụ được xác định, ít nhiều quan trọng, được ơn Chúa nâng đỡ. Ngày nay nhiều giáo dân đã và đang phục vụ một cách quảng đại, nhất là trong các xứ truyền giáo, nơi Giáo Hội còn ít được truyền bá hay đang trong hoàn cảnh bị bắt bớ,[250] cũng trong những miền khác trên hoàn cầu bị bị tác động vì thiếu linh mục và phó tế.

148. Đặc biệt, phải kể là rất quan trọng việc thiết lập các giảng viên giáo lý, những người, mà bằng những cố gắng rất lớn, ngày nay cũng như trong quá khứ, đang tiếp tục mang đến một sự giúp đỡ đặc biệt và tuyệt đối cần thiết để truyền bá đức tin và phát triển Giáo Hội.[251]

149. Nhiều giáo dân, được biết dưới danh hiệu là người “phụ tá mục vụ”, rất gần đây, đã được cử đến một số giáo phận đã được phúc âm rất xa xưa ; không thể chối cãi là họ rất đông đã làm việc vì lợi ích của Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho hành động mục vụ của Giám Mục, các linh mục và phó tế. Tuy nhiên, phải cảnh giác rằng hình dạng của một chức năng như thế không quá đồng dạng với sứ vụ mục vụ của các giáo sĩ. Nói cách khác, phải chăm chú theo dõi đừng để các “phụ tá mục vụ” đảm nhận những chức năng thuộc riêng sứ vụ của các thừa tác viên có chức thánh.

150. Sinh hoạt của người phụ tá mục vụ phải nhằm mục đích tạo điều kiện dễ dàng cho sứ vụ của các linh mục và phó tế, nhằm gợi lên các ơn gọi làm linh mục và phó tế, và, trong mỗi cộng đoàn, nhằm hăng hái huấn luyện, theo các quy tắc của giáo luật, các giáo dân đảm nhận nhiều chức vụ phụng vụ khác nhau theo những đặc sủng khác nhau.

151. Trong việc cử hành phụng vụ, người ta chỉ phải nhờ đến các thừa tác viên ngoại thường trong trường hợp thật cần thiết. Quả nhiên, sự trợ giúp này không được dự liệu để đảm bảo cho người giáo dân tham dự đầy đủ hơn, nhưng, tự bản tính, nó là bổ sung và tạm thời.[252] Tuy nhiên, dù cần nhờ đến các thừa tác viên ngoại thường phục vụ, cần phải gia tăng lời cầu nguyện đặc biệt và khẩn thiết, để Chúa nhanh chóng gửi một linh mục đến để phục vụ cộng đoàn và gợi lên nhiều ơn gọi cho Chức Thánh.[253]

152. Lại nữa, những chức vụ như thế, hoàn toàn có tính cách bổ sung, không được làm cớ để làm phai lạt chính sứ vụ của các linh mục, đến nỗi các vị này lúc bấy giờ chểnh mảng không lo cử hành Thánh Lễ cho dân chúng được ủy thác cho mình, không tự mình chăm sóc bệnh nhân, và tự mình chăm lo rửa tội cho các trẻ em, không chứng hôn phối và cử hành an táng theo nghi lễ Kitô-giáo, đó là những lãnh vực thuộc quyền trước hết của sứ vụ của các linh mục, với sự trợ giúp của các phó tế. Vì thế, trong các giáo xứ, các linh mục phải theo dõi không bao giờ trao đổi một cách không phân biệt các chức vụ của nghĩa vụ mục vụ của mình với chức vụ của các phó tế hoặc của giáo dân, để tránh mọi sự lẫn lộn về chức năng đặc thù của mỗi người.

153. Vả lại, người giáo dân không bao giờ cho phép đảm trách các chức vụ của phó tế hay linh mục, và mặc những y phục dành riêng cho các ngài, kể cả những y phục tương tự.

1.   THỪA TÁC VIÊN NGOẠI THƯỜNG CHO RƯỚC LỄ

154. Như đã nhắc lại, “chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu là thừa tác viên hiện thân của Đức Kitô, in persona Christi, có thể khả năng cử hành bí tích Thánh Thể”[254]. Vì thế, từ ngữ “thừa tác viên Thánh Thể” chỉ có thể gán một cách thích hợp cho vị linh mục mà thôi. Cũng thế, các ngài là thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, linh mục và phó tế, vì các ngài đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh [255] ; do đó, việc cho giáo dân rước lễ khi cử hành Thánh Lễ là thuộc quyền của các ngài. Chính vì thế, chức năng thừa tác vụ của các ngài trong Giáo Hội được biểu lộ một cách thích đáng và đầy đủ, và dấu chỉ của bí tích được thực hiện.

155. Ngoài các thừa tác viên thông thường, có thầy giúp lễ, bởi việc lãnh tác vụ, là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ. Vả lại, nếu có lý do thật cần thiết, Giám Mục giáo phận có thể cử vì mục đích ấy một giáo dân với tính cách là thừa tác viên ngoại thường, ad actum hay ad tempus, theo các quy tắc của giáo luật,[256] trong trường hợp này, sử dụng công thức chúc lành thích hợp. Nhưng mà, việc cử hành như vậy không cần thiết phải có một thể thức phụng vụ ; tuy nhiên, nếu có, việc này tuyệt đối không thể được coi như là phong chức thánh. Việc cho phép ad actum có thể được ban bởi linh mục, chủ tọa cử hành Thánh Lễ, chỉ trong những trường hợp đặc biệt và không thể thấy trước được.[257]

156. Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Quả nhiên, các tên gọi đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp.

157. Nếu, thường thường, khi số các thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong cử hành là đủ, kể cả cho việc rước lễ, thì không được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Trong những trường hợp này, những ai được cử cho một thừa tác vụ như thế, thì không được thi hành tác vụ ấy. Vậy, phải dứt khoát bài trừ thái độ của các linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại không cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận một chức vụ như vậy.[258]

158. Quả nhiên, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không có linh mục hay phó tế, khi linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá đông, có thể kéo dài quá đáng việc cử hành Thánh Lễ.[259] Tuy nhiên, về vấn đề này, người ta coi việc kéo dài vắn gọn buổi cử hành, về mặt thói quen và bối cảnh văn hoá địa phương, là một lý do hoàn toàn chưa đủ.

159. Không có trường hợp nào thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa cho một người nào khác, ví dụ như cho người cha hay người mẹ, người phối ngẫu, hay người con của một bệnh nhân, được rước lễ.

160. Trong lãnh vực này, Giám Mục giáo phận phải xem xét lại một lần nữa việc thực hành của những năm gần đây, và sửa chữa lại tuỳ theo các trường hợp, hay xác định cách chính xác hơn những quy tắc phải theo. Trong những nơi, vì thật sự cần thiết, việc cử những thừa tác viên ngoại thường như vậy là phổ biến, thì Giám Mục giáo phận phải công bố những quy tắc đặc biệt, do đó, quan tâm đến truyền thống của Giáo Hội, ngài đặt quy chế cho việc thi hành chức vụ này, theo những quy tắc của giáo luật.

2.   VIỆC THUYẾT GIẢNG

161. Như đã nói, với bản chất và vì tính quan trọng của nó, bài giảng được dành cho linh mục hoặc phó tế trong Thánh Lễ.[260] Về những gì liên quan đến các hình thức giảng thuyết khác, nếu trong những hoàn cảnh đặc biệt thật sự cần thiết hay vì sự hữu ích đòi hỏi trong những trường hợp đặc biệt, giáo dân có thể được chấp nhận giảng trong nhà thờ hay trong nhà nguyện, ngoài Thánh Lễ, theo các quy tắc của giáo luật.[261] Việc này có thể được chỉ trong những trường hợp cần thiết bổ khuyết các thừa tác viên có chức thánh quá ít trong một vài nơi ; do đó, một trường hợp như thế, hoàn toàn ngoại lệ, không được phép trở nên một tục lệ thông thường, và cũng không được xem nó như là một sự thăng tiến chính thức của hàng giáo dân.[262] Vả lại, mọi người đều phải nhớ rằng quyền ban phép chỉ thuộc thẩm quyền của các Đấng Bản Quyền sở tại mà thôi, và luôn luôn là ad actum, chứ không thuộc quyền ai khác, kể cả các linh mục hay phó tế.

3.   NHỮNG CỬ HÀNH ĐẶC BIỆT KHÔNG CÓ LINH MỤC

162. Vào ngày được gọi là “chúa nhật”, Giáo Hội trung thành tập hợp lại để cử hành kỷ niệm Chúa sống lại và toàn bộ mầu nhiệm vượt qua, đặc biệt bằng việc cử hành Thánh Lễ.[263] Quả nhiên, “không một cộng đoàn kitô-hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Phép Thánh Thể Chí Thánh”[264]. Do đó, dân kitô-hữu có quyền được có Thánh Lễ cử hành cho họ, vào chúa nhật và những ngày lễ buộc, cũng như vào các ngày lễ quan trọng nhất, và ngay cả mỗi ngày, nếu có thể được. Vì thế, nếu có khó khăn cử hành Thánh Lễ chúa nhật trong một giáo xứ hay một cộng đoàn tín hữu khác, thì Giám Mục giáo phận, kết hợp với linh mục đoàn của mình,[265] tìm cách giải quyết hoàn cảnh này. Trong những cách giải quyết có thể làm được, những cách chính phải là: kêu gọi các linh mục khác sẵn sàng để cử hành Thánh Lễ, hoặc yêu cầu các tín hữu đến một nhà thờ gần đó để tham dự cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.[266]

163. Tất cả các linh mục, được ủy thác chức linh mục và Thánh Thể “vì lợi ích” cho người khác,[267] phải nhớ rằng các ngài buộc phải tạo cho mọi tín hữu có thể làm tròn giới răn tham dự Thánh Lễ ngày chúa nhật.[268] Về phần mình, giáo dân có quyền được đòi hỏi không một linh mục nào được từ chối cử hành Thánh Lễ cho dân chúng, trừ phi thật sự không thể được, hay đòi hỏi một linh mục khác cử hành Thánh Lễ cho họ, nếu họ không thể làm tròn giới răn tham dự Thánh Lễ, ngày chúa nhật hay các ngày lễ buộc khác, một cách khác.

164. “Nếu, không có thừa tác viên có chức thánh hay vì một lý do quan trọng khác, khiến cho việc tham dự cử hành Thánh Thể không thể thực hiện được”[269], dân kitô-hữu có quyền được, vào ngày chúa nhật, Giám Mục giáo phận theo dõi, theo khả năng, cho chính cộng đoàn có một cử hành, được tổ chức dưới chính quyền của ngài và theo các quy tắc của Giáo Hội. Tuy nhiên, các cử hành ngày chúa nhật đặc biệt loại này phải luôn luôn được coi như có một tính tuyệt đối ngoại thường. Vì thế, tất cả những ai được Giám Mục giáo phận chỉ định thi hành một chức vụ trong những cử hành như vậy, dù họ là phó tế hoặc giáo dân, họ “có trách nhiệm gìn giữ sống động trong cộng đoàn một sự “khao khát” đích thực bí tích Thánh Thể, để không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào có Thánh Lễ, bằng cách tận dụng sự hiện diện ngẫu nhiên của một linh mục, miễn là vị ấy không mắc ngăn trở theo giáo luật”[270].

165. Phải cẩn thận tránh xa mọi hình thức lẫn lộn giữa những buổi họp cầu nguyện thuộc loại này với việc cử hành Thánh Thể.[271] Vì thế, các Giám Mục giáo phận phải thận trọng lượng chừng có nên cho rước lễ trong những buổi họp như thế hay không. Để bảo đảm một sự phối hợp rộng rãi hơn trong lãnh vực này, một vấn đề như vậy nên được giải quyết ở cấp Hội Đồng Giám Mục, để đi đến một nghị quyết và phải được Tông Toà xác nhận, nghĩa là bởi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Vả lại, trong khi vắng mặt linh mục và phó tế, nên phân bổ các phần khác nhau của việc cử hành cho nhiều tín hữu hơn là để chỉ một tín hữu duy nhất điều khiển toàn bộ buổi cử hành. Không một trường hợp nào nên nói về một giáo dân rằng người ấy “chủ tọa” việc cử hành.

166. Cũng thế, Giám Mục giáo phận, mà chỉ mình ngài có quyền quyết định trong lãnh vực này, không được một cách dễ dàng cho phép những cử hành loại này được tổ chức các ngày thường trong tuần, nhất là, hơn nữa, cho rước lễ ; việc này liên quan nhất là đến những nơi mà ngày chúa nhật trước hoặc sau, đã có hay sẽ có cử hành Thánh Lễ. Các linh mục được khẩn khoản yêu cầu, theo khả năng của mình, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày cho dân chúng, tại một trong các nhà thờ, đã được ủy thác cho ngài.

167. “Cũng vậy, người ta không thể thay thế Thánh Lễ chúa nhật bằng những buổi cử hành Lời Chúa có tính đại kết, hay những buổi cầu nguyện chung với các kitô-hữu của [….] các Cộng Đoàn giáo hội, hoặc ngay cả việc tham dự vào các nghi thức phụng vụ của họ.[272] Hơn nữa, nếu, vì một sự cấp thiết khẩn cấp, Giám Mục giáo phận cho phép ad actum các người công giáo tham dự vào một buổi cầu nguyện chung loại này, các mục tử phải theo dõi để sự lẫn lộn không lan tràn nơi các tín hữu công giáo về việc cần phải tham dự, cả trong những trường hợp đó, Thánh Lễ buộc, vào một giờ khác trong ngày.[273]

4.   CÁC GIÁO SĨ BỊ SA THẢI KHỎI HÀNG GIÁO SĨ

168. “Giáo sĩ nào đã mất hàng giáo sĩ chiếu theo luật định thì bị cấm thi hành quyền thánh chức”[274]. Như vậy, vị ấy không được phép cử hành các bí tích bất cứ vì lý do gì, chỉ ngoại trừ trường hợp ngoại lệ được dự trù bởi giáo luật [275] ; vả lại, các tín hữu không được phép nhờ vị ấy cử hành, nếu không có một lý do chính đáng xác định bởi điều 1335 của Bộ giáo luật.[276] Hơn nữa, những vị ấy tuyệt đối bị cấm giảng thuyết,[277] cũng không được đảm nhận một trách nhiệm hay một chức vụ trong cử hành Phụng Vụ thánh, để khỏi gieo sự lầm lẫn nơi các tín hữu, và để khỏi làm lu mờ chân lý.

 

Chương VIII

CÁC PHƯƠNG DƯỢC

169. Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ công giáo. Thánh Tôma đã viết : “Ai thay mặt Giáo Hội hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức mà Giáo Hội tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Giáo Hội này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”[278].

170. Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu,[279] về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Giáo Hội, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

171. Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây.

1.   NHỮNG GRAVIORA DELICTA (TỘI PHẠM NẶNG HƠN)

172. Các graviora delicta nghịch cùng Hy Tế rất đáng kính và bí tích Thánh Thể phải được giải quyết theo theo “Quy tắc liên quan đến những graviora delicta dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”[280], là :

      a) lấy hay giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, hoặc ném Mình Máu Chúa xuống đất [281];

      b) không phải là linh mục mà dám cử hành phụng vụ Hy Tế Thánh Thể, hay giả bộ cử hành [282] ;

      c) đồng tế hy tế thánh thể, dù đã có lệnh cấm, với các thừa tác viên của các Cộng Đoàn giáo hội không có kế thừa các tông đồ và không nhìn nhận phẩm cách bí tích của việc truyền chức linh mục [283] ;

      d) truyền phép với mục đích phạm thánh một chất thể này mà không có chất thể kia trong cử hành Thánh Thể, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài cử hành Thánh Thể.[284]

2.   NHỮNG CHẤT THỂ NẶNG

173. Tính trầm trọng của một chất thể được lượng giá trên căn bản giáo lý chung của Giáo Hội và tùy theo những quy tắc mà Giáo Hội đã thiết lập. Trong những chất thể nặng, người ta luôn luôn kể đến cách khách quan những chất thể làm cho tính thành sự và phẩm cách của Phép Thánh Thể Chí Thánh lâm nguy, nghĩa là những chất thể nghịch lại với các quy tắc được trình bày trên đây trong các số 48-52, 56, 76-77, 79, 91-92, 94, 96, 101-102, 104, 106, 109, 111, 115, 117, 126, 131-133, 138, 153 và 168. Vả lại, phải quan tâm đến các quy định khác của Bộ Giáo Luật, và đặc biệt, đến những quy định có trong các điều 1364, 1369, 1373, 1376, 1380, 1384, 1385, 1386 và 1398.

3.   NHỮNG LẠM DỤNG KHÁC

174. Hơn nữa, các hành vi phạm đến những gì được nêu ở những đoạn khác của Huấn Thị này và trong những quy tắc được giáo luật thiết lập, không được xem là không đáng kể hơn, nhưng chúng phải được kể trong số những lạm dụng khác phải xa tránh và phải ân cần sửa chữa.

175. Rõ ràng là tất cả những gì đã được trình bày trong Huấn Thị này, không có liên quan đến tất cả những vi phạm đến Giáo Hội và đến kỷ luật của Giáo Hội, đã được xác định trong các điều của giáo luật, trong các luật phụng vụ và trong các quy tắc khác của Giáo Hội, theo giáo lý của Huấn Quyền hay theo truyền thống lành mạnh. Nơi nào có mắc bất cứ điều sai nào, thì điều sai đó phải được sửa chữa theo các quy tắc của giáo luật.

4.   GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

176. Giám Mục giáo phận, “vì là người phân phát chính yếu mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã được giao phó cho ngài săn sóc, được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm vượt qua”[285]. Vậy, ngài có quyền, “trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ”[286].

177. “Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành mọi luật lệ của Giáo Hội. Ngài phải đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về thừa tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các bí tích và á bí tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các thánh”[287].

178. Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

179. Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng”[288].

180. Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

5.   TÔNG TOÀ

181. Mỗi khi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, Bộ thông báo cho Đấng Bản Quyền hay, để vị này làm điều tra về sự việc. Nếu hành vi đang nói đến được xác nhận là nặng, Đấng Bản Quyền, càng sớm càng tốt, phải gởi về Bộ này một bản về các hành vi liên quan đến cuộc điều tra đã làm, và, có thể, đến hình phạt đã bắt chịu.

182. Trong những trường hợp khó khăn nhất, vì lợi ích của Giáo Hội hoàn vũ, mà chính ngài cũng chia sẻ việc chăm sóc bằng việc ngài chịu chức thánh, Đấng Bản Quyền không được chểnh mảng giải quyết vấn đề, sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Về phần mình, chính Bộ này, căn cứ vào những quyền hạn mà Đức Giáo Hoàng Rôma đã ban cho mình, phải giúp đỡ Đấng Bản Quyền, tuỳ trường hợp, bằng cách nhường cho ngài những miễn chuẩn cần thiết,[289] hay thông báo cho ngài những huấn thị và những quy định mà ngài phải áp dụng cách chu đáo.

6.   NHỮNG KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC LẠM DỤNG VỀ PHỤNG VỤ

183. Tuỳ theo khả năng của mỗi người, tất cả đều có bổn phận quan tâm đặc biệt để Phép Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh được bảo vệ khỏi mọi bất kính và mọi biến dạng, và để mọi lạm dụng được hoàn toàn sửa chữa. Bổn phận này, bổn phận quan trọng nhất, được ủy thác cho mọi người và mỗi thành viên của Giáo Hội, phải được thực hiện mà không thiên vị ai.

184. Mọi người công giáo, dù là linh mục, phó tế hay giáo dân, được nhìn nhận có quyền tố cáo một lạm dụng nào đó về phụng vụ, nơi Giám Mục giáo phận hay Đấng Bản Quyền có thẩm quyền được giáo luật nhìn nhận, hay nữa nơi Tông Toà vì tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma.[290] Tuy nhiên, nên có hết sức trình bày trước cho Giám Mục giáo phận việc khiếu nại hay tố cáo ấy. Điều đó phải luôn luôn được thực hiện trong tinh thần chân lý và bác ái.

 

KẾT LUẬN

185. “Những mầm mống của chia rẽ giữa con người, mà kinh nghiệm hằng ngày cho thấy rằng chúng đã cắm rễ sâu trong lòng nhân loại như là hậu quả của tội lỗi, đã bị ngăn chặn bởi quyền năng đem lại sự hiệp nhất của thân mình Chúa Kitô. Trong khi xây dựng Giáo Hội, chính vì lý do này, Thánh Thể kiến tạo một cộng đồng nhân loại”[291]. Cho nên, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ước mong, cũng nhờ ân cần áp dụng những quy tắc được nhắc lại trong Huấn Thị này mà hoạt động của Phép Bí tích Thánh Thể Chí Thánh ít gặp trở ngại do sự yếu đuối của con người gây nên, và, nếu mọi lạm dụng được loại bỏ và mọi sự sử dụng trái phép được khử trừ, nhờ lời cầu bầu của Đức Nữ Trinh Maria hồng phúc, “người phụ nữ Thánh Thể”[292], sự hiện diện snh ơn cứu độ của Đức Kitô được sáng ngời trên tất cả mọi người trong Bí tích Mình và Máu của Người.

186. Tất cả mọi tín hữu của Đức Kitô phải cố hết sức tham dự, cách đầy đủ, ý thức và tích cực vào Phép Thánh Thể Chí Thánh,[293] họ phải hết lòng tôn sùng Phép Thánh Thể bằng những hành động sùng kính và bằng đời sống. Các Giám Mục, linh mục và phó tế, trong khi thi hành sứ vụ thánh, phải tự lương tâm hỏi mình về tính xác thực và tính trung thành của các hành động mà các ngài thực hiện nhân danh Đức Kitô và Giáo Hội trong cử hành Phụng Vụ thánh. Mỗi thừa tác viên có chức thánh phải tự vấn mình, và còn một cách nghiêm túc, về điểm có tôn trọng các quyền của giáo dân, họ tin tưởng phó thác mình và con cái của họ cho các ngài chăm sóc theo sứ vụ của các ngài, với xác tín các ngài chiếu cố đến họ thi hành với cả lương tâm những chức vụ này mà Giáo Hội, do sự ủy nhiệm của Đức Kitô, có ý định chu toàn bằng việc cử hành Phụng Vụ thánh.[294] Quả nhiên, mỗi người phải luôn luôn nhớ rằng mình là người phục vụ Phụng Vụ thánh.[295]

      Không kể mọi quy định trái ngược.

Huấn Thị này được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích soạn, theo sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, cùng với sự cộng tác của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã được cũng Đức Giáo Hoàng này phê chuẩn ngày 19 tháng 3 năm 2004, nhằm lễ trọng thánh Giuse, và truyền lệnh công bố và để mọi người liên quan tuân giữ.

Rôma, tại trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 25 tháng 3 năm 2004, nhằm lễ trọng Truyền Tin Chúa.

Hồng y Francis ARINZE

Bộ Trưởng

+ Domenico SORRENTINO

Tổng Giám Mục Thư Ký

 



[1] x. Sách Lễ Rôma, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố và được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn, ấn bản mẫu thứ ba, ngày 20/4/2000, nhà xuất bản Vatican, 2002, lễ ngoại lịch kính lòng thương xót Chúa, Lời nguyện trên lễ vật, trang 1159.

[2] x. 1 Cr 11,26 ; Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể, tung hô sau truyền phép, tr. 576 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 17/4/2003, nn. 5, 11, 14, 18.

[3] x. Is 10, 33 ; 51, 22 ; Sách Lễ Rôma, lễ trọng kính Chúa Giêsu-Kitô Vua vũ trụ, Lời tiền tụng.

[4] x. 1 Cr 5,7 ; Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum ordinis, 7/12/1965, n. 5 ; Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Europa, 28/6/2003, n. 75.

[5] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21/11/1964, n. 11.

[6] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tđ. Ecclesia de Eucharistia, 17/4/2003, n. 21.

[7] x. Ibidem.

[8] x. Ibidem, n. 52.

[9] x. Ibidem.

[10] Ibidem, n. 10.

[11] Ibidem ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, 4/12/ 1988, nn. 12-13 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 4/12/1963, n. 48.

[12] Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể III ; x. 1 Cr 12,12-13 ; Ep 4,4.     

[13] x. Pl 2,5.

[14] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.

[15] Ibidem, n. 6 ; x. Lc 24,31.

[16] x. Rm 1, 20.

[17] x. Sách Lễ Rôma, Lời tiền tụng Thương Khó I.

[18] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 6/8/1993, n. 35 ; Bài giảng tại Camden Yards de Baltimore, 9/10/ 1995, n. 7 : Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVII, 2 (1995), NXB, 1998, p. 788.

[19] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.

[20] Công Đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 24 ; x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae, 25/1/1994, nn. 19 và 23.

[21] x. Công Đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 33.

[22] x. Thánh Irênê, Adversus Haereses, III, 2 : SCh ., 211, 24-31 ; Thánh Augustinô, Epistola ad Ianuarium : 54, I : PL 33, 200 : "Illa autem quae non scripta, sed tradita custodimus, quae quidem toto terrarum orbe servantur, datur intellegi vel ab ipsis Apostolis, vel plenariis conciliis, quorum est in Ecclesia saluberrima auctoritas, commendata atque statuta retineri" ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 7/12/1990, nn. 53-54 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các giám mục của Giáo Hội công giáo về vài phương diện của Giáo Hội như là hiệp thông, Communionis notio, 28/5/1992, nn. 7-10 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae, n. 26.

[23] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 21.     

[24] x. Đức Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis, 30/11/1947 (1948) ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên bố Inter insigniores, 15/10/1976, phần IV ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae, n. 25.

[25] x. Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei, 20/11/1947.

[26] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum, 3/4/1980.

[27] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 52.

[28] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, nn. 4, 38 ; Sắc lệnh về các Giáo Hội Đông Phương công giáo Orientalium Ecclesiarum, 21/11/1964, nn. 1, 2, 6 ; Đức Phaolô VI, Tông Hiến Missale Romanum ; Sách Lễ Rôma : Quy chế tổng quát, n. 399 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Liturgiam authenticam, 28/3/2001, n. 4.

[29] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Europa, n. 72.

[30] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 23 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, 25/5/1967, n. 6.

[31] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum (1980).

[32] x. 1 Cr 11,17-34 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 52.          

[33] x. Bộ Giáo Luật, 25/1/1983, can. 1752.

[34] Công Đồng Chung Vatican II Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 22 § 1. x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 1.

[35] Bộ Giáo Luật, can. 331 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, n. 22.

[36] x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 2.        

[37] Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, 28/6/1988 ; ở đây art. 62, 63 và 66.

[38] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 52.

[39] x. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 28/10/1965, n. 15 ; x. Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 41 ; Bộ Giáo Luật, can. 387.

[40] Lời nguyện phong chức giám mục trong nghi lễ byzantin : Euchologion to mega, Rome, 1873, p. 139.

[41] x. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Smyrn. 8, 1 : ed. F.X. Funk, I, p. 282.

[42] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, n. 26 ; x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 7 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Pastores gregis, 16/10/2003, nn. 32-41.

[43] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 41 ; x. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Magn. 7 ; Ad Philad. 4 ; Ad Smyrn. 8 : ed. F.X. FUNK, I, pp. 236, 266, 281 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 22 ; x. Bộ Giáo Luật, can. 389.

[44] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 26.

[45] Bộ Giáo Luật, Can. 838 § 4.

[46] x. Hội Đồng thực thi Hiến chế Phụng Vụ, Dubium : Notitiae 1 (1965) p. 254.

[47] x. Ac 20, 28 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, nn. 21 và 27 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 3.

[48] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 21 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 3.

[49] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, 5/7/1970.

[50] x. Caeremoniale Episcoporum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức Gioan-Phaolô II công bố, ấn bản mẫu, 14/9/1984, Typis Polyglottis Vaticanis, 1985, n. 10.

[51] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 387.

[52] x. ibidem, n. 22.

[53] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes 5/7/1970.

[54] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 27 ; x. 2 Cr 4,15.

[55] x. Bộ Giáo Luật, can. 397 § 1 ; 678 § 1.      

[56] x. ibidem, can. 683 § 1.

[57] x. ibidem, can. 392.

[58] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 21 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, nn. 45-46 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei.

[59] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 20.

[60] x. ibidem.

[61] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 44 ; Bộ Giám Mục, Thư gửi các Chủ tịch HĐGM, cũng được gửi nhân danh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, 21/6/1999, n. 9.

[62] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 12.

[63] x. Bộ Phụng Tự, Tuyên ngôn về các Kinh Nguyện Thánh Thể, 21/3/1988.

[64] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae (1994).

[65] x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 3 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Inter Oecumenici, 26/9/1964, n. 31 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Liturgiam authenticam, nn. 79-80.

[66] x. Công Đồng Chung II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, 7/12/1965, n. 7 ; Pontificale Romanum, ed. 1962 : Nghi Thức phong chức linh mục, lời tiền tụng ; Pontificale Romanum, được canh tân theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI xuất bản và được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn : Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, 29/6/1989, Typis Polyglottis Vaticanis, 1990, ch. II, Nghi Thức Phong Chức linh mục, Những điều cần biết trước, n. 101.

[67] x. Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Philad. 4 : ed. F.X. Funk, I, p. 266 ; Thánh Cornêliô I giáo hoàng, trích dẫn bởi thánh Cyprianô, Epist. 48, 2 : ed G. Hartel, III, 2, p. 610.

[68] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 28.

[69] Ibidem.

[70] Đức Gioan-Phaolô II, Tđ Ecclesia de Eucharistia, n. 52 ; x. n. 29.

[71] Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai : Nghi Thức Phong Chức linh mục, n. 124 ; x. Sách Lễ Rôma, Thứ Năm Tuần Thánh : Lễ Dầu, Các linh mục lặp lại lời hứa.

[72] x. Công Đồng Chung Trente, khóa VII, 3/3/1547, Sắc lệnh về các bí tích, can. 13 : DS 1613 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 22 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; Bộ Giáo Luật, can. 846 § 1 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 24.

[73] Thánh Ambrôsiô, De Virginitate, n. 48 : PL 16, 278.

[74] Bộ Giáo Luật, can. 528 § 2.

[75] Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, n. 5.

[76] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 5.

[77] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 29 ; x. Constitutiones Ecclesiae Aegypticae, III, 2 : ed F.X. Funk, Didascalia, II, p. 103 ; Statuta Ecclesiae Ant., 37-41 : Ed. D. Mansi 3, 954.

[78] x. Cv 6,3.

[79] x. Ga 13,35.

[80] Mt 20,28.

[81] Lc 22,27.

[82] x. Caeremoniale Episcoporum, nn. 9, 23 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 29.

[83] x. Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, ch. III, Nghi Thức Phong Chức phó tế, n. 199.

[84] x. 1 Tm 3,9.

[85] x. Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, ch. III, Nghi Thức Phong Chức phó tế, n. 200.

[86] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vu thánh Sacrosanctum Concilium, n. 10.

[87] x. ibidem, n. 41 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 11 ; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, nn. 2, 5, 6 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 30 ; Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio, 21/11/1964, n. 15 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, nn. 3 và 6 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 16.    

[88] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 26 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 91.

[89] 1 Pr 2,9 ; x. 2,4-5.

[90] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 91 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 14.

[91] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 10.

[92] x. Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, III, q. 63, a. 2.

[93] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 10 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28.

[94] x. Cv 2,42-47.

[95] x. Rm 12,1.

[96] x. 1 Pr 3,15 ; 2,4-10.

[97] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, nn. 12-18 ; Id., Thư Dominicae Cenae, 24/2/1980, n. 9.

[98] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.

[99] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, nn. 30-31.

[100] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 1 (1970).

[101] x. Sách Lễ Rôma, Thứ hai sau chúa nhật V mùa Chay, Lời tổng nguyện.

[102] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte, 6/1/2001, n. 21 (2001) ; x. Jn 20, 28.

[103] x. Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; cf. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 67 ; Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, 11/2/1974, n. 24 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Chỉ nam về lòng sùng kính bình dân và Phụng Vụ, 17/12/2001.

[104] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002.

[105] Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei : AAS 39 (1947) p. 586-587.

[106] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae, n. 22 (1995).

107 x. Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei.

[108] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 29 ; x. Công Đồng Chung Latran IV, 11-30/11/1215, chap. 1 : DS 802 ; Công Đồng Chung Trente, Khoá XXIII, 15/7/1563, Giáo lý và các khoản luật về truyền chức thánh, chap. 4 : DS 1767-1770 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (1947).

[109] x. Bộ Giáo Luật, can. 230 § 2 ; x. SLR, Quy chế tổng quát, n. 97.

[110] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 109.

[111] x. Đức Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức tự sắc Ministeria quaedam, 15/8/1972, nn.VI-XII : Pontificale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố, Nghi thức ban tác vụ đọc sách và giúp lễ, Nghi thức tiếp nhận ứng viên lên chức phó tế và linh mục, de sacro caelibatu amplectendo, ấn bản mẫu, ngày 3/121972, Typis Polyglottis Vaticanis, 1973 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 § 1 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 98-99, 187-193.                       

[112] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 187-190, 193 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 §§ 2-3.

[113] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 24 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum, nn. 2 và 18 (1980) ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 101, 194-198 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 §§ 2-3.

[114] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 100-107.

[115] Ibidem, n. 91 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 28.

[116] x. Đức Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho Hội Đồng Giám Mục vùng Antilles, 7/5/2002, n. 2 ; Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici, 30/12/1988, n. 23 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, 15/8/1997, Nguyên tắc thần học, n. 4.

[117] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 19.

[118] x. Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Immensae caritatis, 29/01/1973.

[119] x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị De Musica sacra, 3/9/1958, n. 93c.

[120] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1992 (1994) ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư gửi các Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục về những chức năng phụng vụ do giáo dân thực hiện, 15/3/1994 : Notitiae 30 (1994) pp. 333-335, 347-348.

[121] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, art. 65 (1988).

[122] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1992 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư gửi các Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục về những chức năng phụng vụ do giáo dân thực hiện, 15/3/1994 ; Thư cho một giám mục, 27/7/2001 : Notitiae 38 (2002) 46-54.    

[123] x. Bộ Giáo Luật, can. 924 § 2 : Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 320.

[124] x. Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Dominus Salvator noster, 26/3/1929, n. 1.

[125] x. ibidem, n. II.

[126] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 321.

[127] x. Lc 22, 18 ; Bộ Giáo Luật, can. 924 §§ 1, 3 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 322.

[128] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 323.

[129] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 13.

[130] Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 5.

[131] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28 : AAS 95 (2003) p. 452 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 147 ; Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 4 (1970) ; Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 4 (1980).

[132] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 32.

[133] Ibidem, n. 147 ; cf. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28 : AAS 95 (2003) p. 452 ; x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 4.

[134] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 39.

[135] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae Instaurationes, n. 2b.

[136] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 356-362.

[137] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacro-sanctum Concilium, n. 51.

[138] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 57 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 13 (1989) ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và tính phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội, Dominus Iesus, 6/8/2000.

[139] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 60

[140] x. ibidem, nn. 59-60.

[141] x. chẳng hạn Rituale Romanum, được canh tân theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố và được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn, Nghi Thức Hôn Phối, ấn bản mẫu thứ hai, ngày 19/3/1990, Typis Polyglottis Vaticanis, 1991, n. 125 ; Rituale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố : Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và chăm sóc cho họ theo mục vụ, ấn bản mẫu, ngày 7/12/1972, Typis Polyglottis Vaticanis, 1972, n. 72.

[142] x. Bộ Giáo Luật, can. 767 § 1.

[143] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 66 ; cf. Bộ Giáo Luật, can. 6 §§ 1, 2 ; và can. 767 § 1, x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Dispositions pratiques, art. 3 § 1 (1997).

[144] SLR, Quy chế tổng quát, n. 66 ; x. Bộ Giáo Luật, can. 767 § 1.

[145] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 1 ; cf. Bộ Giáo Luật, can. 6 §§ 1, 2 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 20/6/1987.

[146] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 1.

[147] x. Công Đồng chung Trente, Khoá XXII, 17/9/1562, Giáo lý về Hy Tế cực thánh Thánh Lễ, chap. 8 : DS 1749 ; SLR, Quy chế tổng quát, n. 65.

[148] x. Đức Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho các giám mục Hoa Kỳ dịp “ad limina Apostolorum”, 28/5/1993, n. 2 : AAS 86 (1994) p. 330.

[149] x. Bộ Giáo Luật, can. 386 § 1.

[150] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 73.            

[151] x. ibidem, n. 154.

[152] x. ibidem, nn. 82, 154.       

[153] x. ibidem, n. 83.

[154] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 5.

[155] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 83, 240, 321.

[156] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 2 (1997).

[157] x. đặc biệt Quy chế tổng quát Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nn. 93-98 ; Rituale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức Gioan-Phaolô II công bố : De Benedictionibus, ấn bản mẫu, ngày 31/5/1984, Những điều cần biết trước, n. 28 ; Nghi Thức đội triều thiên tượng Đức Trinh Nữ Maria, ấn bản mẫu, ngày 25/3/1981, nn. 10 và 14, pp. 10-11 ; Bộ Phụng Tự, Huấn thị cho các Thánh Lễ nhóm Actio pastoralis, 15/5/1969 ; Kim chỉ nam các Thánh Lễ cho trẻ em Pueros baptizatos, 1/11/1973 ; QCTQ/SLR, n. 21.

[158] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư dưới hình thức tự sắc Misericordia Dei, 7/4/ 2002, n. 2 ; x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Responsa ad dubia proposita : Notitiae 37 (2001) pp. 259-260.

[159] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 9.

[160] Công Đồng Chung Trente, Khoá XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Phép Thánh Thể Chí Thánh, chap. 2 : DS 1638 ; x. Khoá XXII, 17/9/1562, Giáo lý về Hy Tế cực thánh Thánh Lễ, chap. 1-2 : DS 1740, 1743 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35.

[161] x. Sách Lễ Rôma, Nghi thức Thánh Lễ, n. 4.                       

[162] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 51.

[163] x. 1 Cr 11, 28.

[164] x. Bộ Giáo Luật, can. 916 ; cf. Công Đồng Chung Trente, Khóa XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Thánh Thể, chap. 7 : DS 1646-1647 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 36 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35.

[165] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 42.

[166] x. Bộ Giáo Luật, can. 844 § 1 ; Đức Gioan-Phaolô II, Tđ Ecclesia de Eucharistia, nn. 45-46 : AAS 95 (2003) pp. 463-464 ; x. Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ sự Hiệp Nhất các kitô-hữu, Chỉ nam về việc cổ võ các nguyên lý và quy tắc về hiệp nhất, La recherche de l’unité, nn. 130-131 (1993).

[167] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 46.

[168] x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35.

[169] x. Bộ Giáo Luật, can. 914 ; Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Tuyên ngôn Sanctus Pontifex, 24/5/1973 ; Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự và Bộ Giáo Sĩ, Thư gửi các Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, In quibusdam, 31/3/1977 : Enchiridion Documentorum Instaurationis Liturgicae, II, Rome 1988, pp. 142-144 ; Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự và Bộ Giáo Sĩ, Responsum ad propositum dubium, 20/5/1977.

[170] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini, 31/5/1998, nn. 31-34.

[171] x. Bộ Giáo Luật, can. 914.

[172] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacro-sanctum Concilium, n. 55.

[173] x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 31 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsum ad propositum dubium, 1/6/1988.

[174] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 85.

[175] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 31 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 85, 157, 243.

[176] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 160.

[177] Bộ Giáo Luật, can. 843 § 1 ; x. can. 915.

[178] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 161.

[179] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Dubium : Notitiae 35 (1999) pp. 160-161.

[180] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 118.

[181] Ibidem, n. 160.

[182] Bộ Giáo Luật, can. 917 ; x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1984.

[183] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 158-160, 243-244, 246.

[184] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 237-249 ; x. nn. 85, 157.

[185] x. ibidem, n. 283a.

[186] x. Công Đồng Chung Trente, Khoá XXI, 16/7/1562, Sắc lệnh về rước lễ, chap. 1-3 : DS 1725-1729 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 282-283.

[187] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 283.

[188] x. ibidem.

[189] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Sacramentali Communione, 29/6/1970 ; Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 6a.

[190] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 285a.

[191] Ibidem, n. 245.

[192] x. ibidem, nn. 285b và 287.

[193] x. ibidem, nn. 207 và 285a.

[194] x. Bộ Giáo Luật, can. 1367.

[195] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 3/7/1999.

[196] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 163, 284.

[197] Bộ Giáo Luật, can. 932 § 1 ; x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 9 (1970).

[198] Bộ Giáo Luật, can. 904 ; cf. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 3 ; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục ; Công Đồng Chung Trente, Khoá XXII, 17/9/1562, Giáo lý về Hy Lễ cực thánh Thánh lễ, chap. 6 : DS 1747 ; Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei, 3/9/1965 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 11 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 44 ; SLR, Quy chế tổng quát, n. 19.

[199] x. Bộ Giáo Luật, can. 903 ; SLR, Quy chế tổng quát, n. 200.

[200] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n.. 36 § 1 ; Bộ Giáo Luật, can. 928.

[201] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 114.

[202] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini, n. 36 ; x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 27.           

[203] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini, nhất là n. 36 ; Bộ Phụng Tự, Huấn thị Actio pastoralis (1969).

[204] x. Bộ Giáo Luật, can. 905, 945-958 ; x. Bộ Giáo Sĩ, Sắc lệnh Mos iugiter, 22/02/1991.

[205] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 327-333.

[206] x. ibidem, n. 332.   

[207] x. ibidem, n. 332 ; Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 16.

[208] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 333 ; Appendix IV. Nghi thức làm phép chén thánh và bình thánh trong Thánh Lễ, pp. 1255-1257 ; Pontificale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố, Nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ, ấn bản mẫu, ngày 29/5/1977, Typis Polyglottis Vaticanis, 1977, cap. VII, pp. 125-132.

[209] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 163, 183, 192.

[210] Ibidem, n. 345.

[211] Ibidem, n. 335.

[212] x. ibidem, n. 336.

[213] x. ibidem, n. 337.   

[214] x. ibidem, n. 209.

[215] x. ibidem, n. 338.

[216] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 8c.

[217] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 346g.

[218] Ibidem, n. 114 ; x. nn. 16-17.

[219] Bộ Phụng Tự, Sắc lệnh Eucharistiae sacramentum, 21/6/1973.

[220] x. ibidem.

[221] Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 54 ; Huấn thị Inter Oecumenici, 26/9/1964, n. 95 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 314.        

[222] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thư Dominicae Cenae, n. 3 (1980) ; T. Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 53 ; Bộ Giáo Luật, can. 938 § 2 ; Rituale Romanum, Nghi Thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 9 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 314-317.

[223] x. Bộ Giáo Luật, can. 938 §§ 3-5.  

[224] Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Nullo unquam, 26/5/1938, n. 10d : AAS 30 (1938) ttr. 198-207, ở đây tr. 206.

[225] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư dưới hình thức Tự Sắc Sacramen-torum sanctitatis tutela, 30/4/2001 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[226] x. Rituale Romanum, Nghi Thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, nn. 26-78.

[227] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.

[228] x. Công Đồng Chung Trente, Khoá XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Phép Thánh Thể Chí Thánh, chap. 5 : DS 1643 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei, 3/9/1965 ; Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 3f (1967) ; Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 20 (1980) ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.

[229] x. Dt 9, 11 ; Đức Gioan-Phaolô II, Tđ. Ecclesia de Eucharistia, n. 3.

[230] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.

[231] Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei.

[232] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.

[233] Bộ Giáo Luật, can. 937.      

[234] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.

[235] x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, nn. 82-100 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317 ; Bộ Giáo Luật, can. 941 § 2.

[236] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002 : AAS 95 (2003) pp. 5-36 ; ở đây n. 2, p. 6.

[237] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư ngày 15/1/1997 : Notitiae 34 (1998) pp. 506-510 ; Tòa Ân Giải, Thư cho một linh mục, 8/3/1996 : Notitiae 34 (1998) p. 511.

[238] x. Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 61 : AAS 59 (1967) ; Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, n. 83 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317 ; Bộ Giáo Luật, can. 941 § 2.

[239] x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 94.

[240] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, art. 65 (1988).

[241] Bộ Giáo Luật, can. 944 § 2 ; x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 102 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317.

[242] Bộ Giáo Luật, can. 944 § 1 ; x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, nn. 101-102 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317.

[243] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.

[244] Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 109.

[245] x. ibidem, nn. 109-112.       

[246] x. Sách Lễ Rôma, Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Lời tổng nguyện.

[247] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, n. 3.

[248] Bộ Giáo Luật, can. 900 § 1 ; x. Công Đồng Chung Latran IV, 11-30/11/1215, chap. 1 : DS 802 ; Clément VI, Lettre Mekhitar, Catholicos d’Armnie, Super quibusdam, 29/9/1351 : DS 1084 ; Công Đồng Chung Trente, Khoá XXIII, 15/7/1563, Doctrine et canons sur le sacrement de l’Ordre, chap. 4 : DS 1767-1770 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei : AAS 39 (1947) p. 553.

[249] x. Bộ Giáo Luật, can. 230 § 3 ; Đức Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho Symposium về “sự cộng tác của giáo dân vào thừa tác mục vụ của các linh mục” ngày 22/4/1994, n. 2 : L’Osservatore Romano, 23/4/1994 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Lời nói đầu : AAS 89 (1997) pp. 852-856.

[250] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, nn. 53-54 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Lời nói đầu.

[251] x. Công Đồng Chung Vatican II, Ad gentes, 7/12/1965, n. 17 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, n. 73.  

[252] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 8 § 2.

[253] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n.

[254] Bộ Giáo Luật, can. 900 § 1.

[255] x. ibidem, can. 910 § 1 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Thư Dominicae Cenae, n. 11 : AAS 72 (1980) p. 142 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 8 § 1.

[256] x. Bộ Giáo Luật, can. 230 § 3.        

[257] x. Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Immensae caritatis, Lời nói đầu (1973) ; Đức Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức tự sắc Ministeria quaedam, 15/8/1972 : ; Sách Lễ Rôma, Phụ Lục III : Nghi thức ủy nhiệm thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, p. 1253 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 8 § 1.

[258] x. Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 10 : AAS 72 (1980) p. 336 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1984.      

[259] x. Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Immensae caritatis, n. 1 : AAS 65 (1973) pp. 264-271, ở đây pp. 265-266 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 1/6/1988 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 8 § 2 : AAS 89 (1997) p. 871.

[260] x. Bộ Giáo Luật, can. 767 § 1.

[261] x. ibidem, can. 766.

[262] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 2 §§ 3-4 : AAS 89 (1997) p. 865.

[263] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini, nhất là nn. 31-51 (1998) ; Tông thư Novo Millennio ineunte, 6/1/2001, nn. 35-36 ; Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 41.

[264] Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, n. 6 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, nn. 22, 33.

[265] x. Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 26 (1967) ; Bộ Phụng Tự, Chỉ nam về các cử hành Chúa nhật khi vắng linh mục Christi Ecclesia, 2/6/1988, nn. 5 và 25.

[266] x. Bộ Phụng Tự, Chỉ nam về các cử hành Chúa nhật khi vắng linh mục Christi Ecclesia, n. 18 (1988).

[267] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thư Dominicae Cenae, n. 2 (1980).

[268] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Dies Domini, n. 49 ; Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 41 ; Bộ Giáo Luật, can. 1246-1247.

[269] Bộ Giáo Luật, can. 1248 § 2 ; x. Bộ Phụng Tự, Chỉ nam về các cử hành Chúa nhật khi vắng linh mục Christi Ecclesia, 2/6/1988, nn. 1-2.

[270] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 33.

[271] x. Bộ Phụng Tự, Chỉ nam về các cử hành Chúa nhật khi vắng linh mục Christi Ecclesia, n. 22.

[272] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 30 ; x. Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ sự Hiệp Nhất các kitô-hữu, Chỉ nam về việc cổ võ các nguyên lý và quy tắc về hiệp nhất, La recherche de l’unité, 25/3/1993, n. 115.

[273] x. HĐ Giáo Hoàng cổ võ sự Hiệp Nhất các kitô-hữu, Chỉ nam về việc cổ võ các nguyên lý và quy tắc về hiệp nhất, La recherche de l’unité, n. 115.

[274] Bộ Giáo Luật, can. 292 ; x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Tuyên bố về việc giải thích can. 1335, seconde partie, Code de Droit Canonique, 15/5/1997, n. 3.

[275] x. Bộ Giáo Luật, can. 976 ; 986 § 2.

[276] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Tuyên bố về việc giải thích can. 1335, seconde partie, Code Droit Canonique, 15/5/1997, nn. 1-2.

[277] Về những gì liên quan đến các linh mục đã được chuẩn sống độc thân, x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Normes de procédures pour la dispense du célibat sacerdotal, Normes substantielles, 14/10/1980, art. 5 ; x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 5.          

[278] S. Thomas d’Aquin, Somme Théologique, II, 2, q. 93, a. 1.

[279] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 15 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Sacrosanctum Concilium, nn. 15-19.

[280] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư dưới hình thức tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela (2001) ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : Những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[281] x. Bộ Giáo Luật, can. 1367 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 3/7/1999 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : Những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[282] x. Bộ Giáo Luật, can. 1378 § 2,1o và 1379 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[283] x. Bộ Giáo Luật, can. 908 et 1365 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[284] x. Bộ Giáo Luật, can. 927 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : Những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[285] Bộ Giáo Luật, can. 387.      

[286] Ibidem, can. 838 § 4.

[287] Ibidem, can. 392.

[288] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, art. 52 (1988).

[289] x. ibidem, n. 63.

[290] x. Bộ Giáo Luật, can. 1417 § 1.

[291] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 24.

[292] Ibidem, nn. 53-58. 

[293] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 14 ; xt. nn. 11, 41 et 48.

[294] x. S. Thomas d’Aquin, Somme Théologique, III, q. 64, a. 9 ad primum.

[295] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 24.

Trở Về Mục Lục