SỰ THÁCH THỨC CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN MỚI

Trường Ðại Học cần những chứng nhân đáng tin cậy của Ðức Ki Tô

(Tờ L'Osservatore Romano - 12 tháng 9 năm 2000)

Ngày Chúa Nhật 10 tháng 9 năm 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phao Lồ Ðệ Nhị đã cử hành một Thánh Lễ tại Công Trường Thánh Phê Rô, La Mã, nhân dịp ngày Kim Khánh 50 năm các trường Ðại Học. Trong Thánh Lễ Ngài đã công bố bài giảng sau đây :

1. Ðấng Ki Tô, Ngài đã thực hiện mọi sự cách hoàn hảo : Ngài cho người điếc nghe được, và người câm nói được (Mc 7,37) .
Trong bầu không khí hoan hỷ của ngày lễ này, chúng ta trước hết được mời gọi cùng nhau hợp ý trong nỗi niềm kinh ngạc thán phục và lời chúc tụng của những kẻ đã tham dự phép lạ mà chúng ta vừa mới được nghe trong bài Phúc Âm. Cũng như biết bao nhiêu đoạn Kinh Thánh khác diễn tả về những phép lạ chữa khỏi các loại tật nguyền, đoạn phúc âm này chứng nhận, qua nhân vị Chúa Giê Su, là Nước Trời đã đến. Trong Ðức Ki Tô những lời hứa cứu độ loan báo bởi Tiên Tri I-saia đã được thực hiện: Lúc đó mắt những người mù và tai những người điếc sẽ được mở ra (Is 35, 5-6) . Trong Người đã được khai mạc Năm Ân Sủng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại (Lu-ca 4, 17-21) .

Năm Ân Sủng này, trải qua các thời đại, từ nay trở đi đánh dấu tất cả lịch sử và là nguyên tắc của sự phục sinh cũng như của sự sống, không những liên quan trực tiếp đến nhân loại, mà còn liên quan đến cả mọi tạo vật (Thư thánh Phao Lô Tín Hữu Rô Ma 8, 19-22) .

Chúng ta tụ tập nơi đây để sống một kinh nghiệm đổi mới của năm Ân Sủng này, nhân dịp ngày Kim Khánh của các Ðại Học quy tụ quý vị là những Viện Trưởng, Giáo Sư, Giám Ðốc, Tuyên Úy lỗi lạc từ những Quốc Gia khác biệt, và các con, những sinh viên rất quý mến đến từ mọi nơi trên thế giới.

Cha xin gửi đến từng người lời chào mừng thân ái. Cha cám ơn sự hiện diện của các Hồng Y, các Giám Mục đồng tế trong Thánh Lễ. Tôi cũng xin kính chào Ngài Bộ Trưởng các trường Ðại Học Ý cũng như các đại diện chánh quyền hiện diện ở đây.

2. Ephatha, hãy mở ra ! (Mác cô 7,34). Ðó là câu được tuyên bố bởi Chúa Giê Su khi chữa người câm điếc mà ngày hôm nay còn vang dội trong chúng ta ; Ðó chỉ là một lời gợi ý, một biểu tượng thâm sâu mãnh liệt kêu gọi chúng ta mở rộng lòng mình để sẵn sàng lắng nghe và làm chứng.

Người câm-điếc mà Thánh Kinh tả không phải là gợi ý đến hoàn cảnh của kẻ không biết làm thế nào để thiết lập một cuộc đối thoại cho cuộc sống của mình có một ý nghĩa chân thực hay sao ? Bằng cách nào đó, người câm-điếc này làm cho chúng ta nghĩ đến một kẻ tự khép kín mình lại trong một cách sống tự trị, tự lập giả định để rồi rốt cục bị cô lập ngoài Thiên Chúa cũng như người đồng loại. Chúa Giê Su nói với người đó để trả lại cho người đó cái khả năng biết mở rộng chính lòng mình cho Thiên Chúa và tha nhân, trong một thái độ tin tưởng và tình thương yêu vị tha. Ngài tặng cho người đó cơ hội quí báu để gặp gỡ Thiên Chúa là Tình Yêu, là Ðấng tự để cho kẻ yêu Ngài được hiểu biết chính Ngài. Ngài tặng cho kẻ ấy sự cứu rỗi. Ðúng thế, Chúa Ki Tô mở trí cho con người được hiểu biết Thiên Chúa và chính mình. Ngài cho con người thấy sự thật, vì Ngài chính là sự thật (Gio-an 14,6) bằng cách đánh động chính thâm tâm và chữa lành từng giác quan của con người từ bên trong.

Ðối với quý vị, anh chị em rất quý mến, là những người dấn thân trong những lãnh vực khảo cứu và học hỏi, lời nói này là một lời mời gọi mở rộng tinh thần cho Chân Lý giải thoát! Cùng một lúc, Lời của Ðấng Ki Tô kêu gọi quý vị trở thành những trung gian, giữa muôn vàn người trẻ, của lời Ephatha đó để mở rộng tinh thần đón nhận từng phương diện của sự thật trong những lãnh vực khác nhau của kiến thức. Nhìn dưới khía cạnh này, sự dấn thân thường nhật của quý vị xếp quý vị sau Ðấng Ki Tô trên con đường phục vụ anh em mình trong chân lý của tình yêu.

Ðức Ki Tô là Ðấng đã thực hiện mọi sự cách hoàn hảo (Mc 7, 37). Ngài là mẫu gương mà mỗi người phải luôn hướng nhìn để biến công vụ giáo huấn thành một phận sự hữu hiệu cho sự khát vọng của con người có được một kiến thức luôn đầy tràn sự thật hơn nữa.

3. Hãy nói với những tâm hồn yếu đuối : Hãy can đảm lên, đừng sợ; này đây Chúa các ngươi [..] Chính Ngài đến cứu các ngươi (Is 35,4).

Sứ mệnh của quý vị, những đại quý nhân của Ðại Học, được ghi khắc trong những lời hô hào này của Tiên Tri Isa-i-a, quý vị là những kẻ dấn thân mỗi ngày để loan báo, bảo vệ và loan truyền sự thật.

Nhiều khi chính là những sự thật về những thực tại hết sức khác biệt nhau của vũ trụ và lịch sử. Không giống như những lãnh vực của thần học và triết học, bài thuyết trình không luôn luôn đề cập cách trực tiếp vấn đề của ý nghĩa tối hậu của sự sống và mối tương quan với Thiên Chúa. Nhưng điều đó (ý nghĩa tối hậu và tương quan với Thuợng Ðế) vẫn luôn là chân trời mênh mông nhất của mọi luồng tư tưởng. Ngay trong những công trình khảo cứu về mọi phương diện của sự sống mà có vẻ hoàn toàn xa biệt với đức tin, có ẩn dấu một sự thèm muốn sự thật và nghĩa lý vượt qua cả tính cách đặc thù và cần thiết.

Khi mà con người không bị câm-điếc về tinh thần, thì mỗi một chặng đường của tư-tưởng, của khoa-học và của kinh-nghiệm đều đem lại cho mình sự phản ảnh về Ðấng Tạo Hóa và khơi dậy niềm ao ước Ngài mà thông thường bị chôn vùi và có lẽ bị khống chế nhưng không thể thỏa mãn được. Thánh Augustinô đã thấu hiểu điều đó khi Ngài thốt lên Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa, Lạy Chúa, và tâm hồn của chúng con chỉ được bình an khi nào nó được an nghỉ trong Chúa (Confessions 1,1).Thiên hướng của những nhà khảo cứu và các giáo sư đã mở cửa tâm hồn mình cho Ðức Ki-Tô là thiên hướng của những kẻ sống và chứng giám một cách hữu hiệu sự liên quan giữa những kiến thức cá nhân và sự thông hiểu siêu việt liên quan đến Thượng Ðế, và trong một ý nghĩa nào đó trùng hợp với Ngài, với Ngôi Lời Nhập Thể và với tinh thần của Chân Lý đã được ban cho Ngôi Lời. Ðại Học trở thành như thế, qua sự đóng góp của quý vị, chỗ cư ngụ của Ephatha mà Ðức Ki Tô, dùng quý vị, tiếp tục thực hiện phép lạ mở những tai, những miệng để khơi dậy một cách nghe mới và một cuộc trao đổi chân thật.

Sự tự do của công việc khảo cứu không nên sợ hãi sự gặp gỡ này với Ðức Ki-Tô. Cuộc đối thoại và sự kính trọng nhân vị cũng thế không bị đe dọa bởi sự gặp gỡ này bởi vì chân lý Ki-Tô-Giáo, do tự bản chất của nó, phải được đề nghị chứ không bao giờ ép buộc, và chân lý đó phải giữ, như một điểm then chốt, sự kính trọng thâm sâu đối với bàn thờ của lương tâm (Tông huấn Redemptoris missio (sứ mệnh của Ðấng Cứu Chuộc), số 39 ; Redemptor hominis (giải thoát con người) số 12, Công đồng Vaticanô II, Dignitatis humanae (về nhân phẩm), số 3)

4.Thời đại chúng ta là một thời đại của những biến chuyển quan trọng mà cũng liên quan đến thế giới Ðại Học. Tính cách nhân bản của văn hóa đôi khi mang sắc vẻ không chính yếu , trong khi được tăng cường khuynh hướng thu nhỏ chân trời của kiến thức lại một thứ có thể đo lường được và bỏ bê tất cả những vấn nạn liên quan đến ý nghĩa tối hạu của thực tại. Người ta có thể nêu lên câu hỏi ai là người ngày hôm nay chuẩn bị lo cho Ðại Học ? .

Trước sự thách thức của một nền Triết Lý Nhân Bản mới, một triết lý chân thực và trọn vẹn, Ðại Học cần những người chú tâm đến Lời Dạy của Ðấng Tôn Sư độc nhất. Ðại Học cần những chuyên gia rành nghề và những chứng nhân đáng tin tưởng của Ðức Ki-Tô. Sứ mệnh tuy thật khó khăn vì đòi hỏi một sự dấn thân khôngngừng nghỉ, vì được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện và học hỏi, và được diễn tả trong điều kiện bình thường mỗi ngày.

Sự hoạt động Mục vụ Ðại Học đến để nâng đỡ sứ vụ này , và cùng lúc đem sự chăm sóc linh hướng cho con người và một hành động hữu hiệu trong sự sinh hoạt văn hóa mà ánh sáng của Phúc Âm hướng dẫn và nhân bản hóa những chặng đường của công việc khảo cứu, học hỏi và sư phạm.

Trung tâm điểm của hoạt động mục vụ là những văn phòng Tuyên Uý Ðại Học, nơi mà các giáo sư, sinh viên và nhân viên tìm được sự nương tựa và một sự giúp đỡ cho đời sống ki-tô hữu của họ. Ðược đặt như những địa điểm đáng để ý trong môi trường Ðại Học, những văn phòng tuyên úỵ này nuôi dưỡng sự dấn thân của mỗi cá nhân qua những hình thái và kiểu cách được gợi ý bởi môi trường đại học: Ðó là những nơi của tinh thần, những xưởng thợ của đức hạnh Ki tô giáo, những ngôi nhà niềm nở đón tiếp và rộng mở, những trung tâm sống động và khuyến khích những sinh hoạt ki tô giáo cho văn hóa, trong một tinh thần đối thoại kính cẩn và thẳng thắn, trong sự đề nghị rõ ràng và có lý lẽ, trong sự làm chứng chất vấn và thuyết phục

5.Thưa quý bạn hữu, thật là một niềm vui lớn cho tôi được cử hành ngày hôm nay lễ kim khánh của các Ðại Học. Sự hiện diện đông đảo và quý giá của quý vị là một dấu chỉ hùng hồn của sự phong phú văn hóa của Ðức Tin.

Khi ngắm nhìn cách chăm chú vào mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể (Tông thư Incarnationis mysterium, mầu nhiệm nhập thể, số 1), con người tìm lại được chính bản thân mình (Gaudium et spes, Niềm vui và hy vọng, số 22). Con người cũng nghiệm thử một niềm vui thân mật được diễn tả trong cùng một thể cách nội tâm của sự học hỏi và giáo huấn. Khoa học như thế vượt qua những giới hạn thu nhỏ nó lại thành một quá trình thiết dụng và thực dụng đơn giản, để tìm lại được phẩm cách khảo cứu của nó hầu phục vụ con người trong chân lý trọn vẹn của khoa học mà được soi sáng và hướng dẫn bởi Phúc Âm.

Thưa các giáo sư và các sinh viên rất quý mến, đó là thiên hướng, ơn gọi của quý vị: biến Ðại Học trở thành một môi trường để trồng cấy kiến thức, một nơi mà con người tìm được khả năng gây dựng những dự án, sự khôn ngoan, sự thúc đẩy việc phục vụ đúng trình độ cho xã hội.

Tôi xin phó thác con đường đi của quý vị vào tay Mẹ Maria, Sedes sapientiae, trụ sở của sự khôn ngoan, mà ngày hôm nay tôi để lại cho quý vị bức tượng của Ngài, để Ngài được tiếp đón như một bà chủ nhà, một khách hành hương trong tất cả những thành phố đại học trên toàn thế giới. Ước gì Mẹ Maria, Người đã nâng đỡ các thánh Tông Ðồ do lời kinh nguyện của Ngài trong thuở ban đầu của công việc rao giảng phúc âm, cũng giúp đỡ quý vị làm sống động thế giới đại học bằng tinh thần ki tô hữu.

Chuyển dịch: Trần văn Toàn.
Paris 17.09.2000


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà