PHÚC ÂM HÓA – TÂN PHÚC ÂM HÓA…

Giuse Phan Tấn Thành, O.P

(trích: Nội san HVĐM số 16)

Vài ghi nhận về từ ngữ

Tôi xin đóng góp một bài cho nội san Học viện với vài nhận xét về từ ngữ: “Phúc-Âm-hóa là gì? Tân Phúc-Âm-hóa là gì?”. Trước đó, cần phải xét lại việc dịch thuật: những từ này dịch bởi từ ngữ nào (tiếng Latinh, Hy-lạp, Anh, Pháp)? Nó muốn nói cái gì? Dịch có đúng không? Điều này đòi hỏi không những là phải truy tầm nguyên gốc của nó trong Tân ước, mà còn phải khảo sát cách thức sử dụng trải qua lịch sử của Hội Thánh nữa.

Chắc chắn ai cũng biết là “Phúc-âm-hóa” được dịch bởi evangelization (tiếng Anh; évangélization tiếng Pháp; evangelizatio tiếng Latinh). Nhưng evangelization có nghĩa là gì: loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm, hay là Phúc-Âm-hóa?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải ngược về từ ngữ căn bản của nó là Evangelium, để rồi từ đó mới tìm hiểu thêm những từ ngữ có họ hàng với nó: evangelizatio, evangelical.

I. Evangelium

A. Tân Ước

Trong Tân Ước không có danh từ “evangelizatio”, nhưng chỉ có động từ “evangelizare” và nhất là danh từ “evangelium”. Các từ này đều bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp: euangelion (tin vui, Tin Mừng), euangelizo, euangelizomai (động từ), euangelistes (người đưa Tin Mừng).

Tin Mừng là gì?

Trong Cựu ước, Tin Mừng thường được hiểu về tin vui thắng trận, hoặc là của dân Israel (thí dụ 2Sm 18,19.20.22), hay là của Thiên Chúa (chẳng hạn trong các chương 40-66 của Isaia).

Trong Tân Ước, Tin Mừng liên can đến biến cố đức Giêsu Kitô. Đó là khái niệm chung; đến khi đi vào các tác giả, người ta khám phá nhiều chi tiết thú vị.

1. Thánh Luca dùng động từ evangelizo mười lần. Thiên sứ báo Tin Mừng về việc sinh của Gioan Tẩy giả (Lk 1,19) và của đức Giêsu (2,10). Ông Gioan cũng đi giảng “Tin Mừng” (Lc 3,18; 4,14-21). Kế đó, Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng qua các làng mạc (Lk 8,1; 9,6) liên quan đến vương triều Thiên Chúa (Lk 4,43; 8,1; 20,1).

2. Thánh Marcô dùng danh từ evangelion tám lần, được hiểu về một thời buổi, về vương triều Thiên Chúa, về sự cần thiết phải hoán cải. Đức Kitô là người đi giảng Tin Mừng và cũng là trọng tâm của Tin Mừng (Mc 1,1). Đâu mà Tin Mừng được loan báo thì ở đấy Đức Kitô cũng hiện diện: nội dung của Tin Mừng là cuộc đời của Người (Mk 14,5).

3. Nơi thánh Matthêu chúng ta gặp thấy những thuật ngữ “Tin Mừng của Vương triều” (4,23; 9,35) và “Tin Mừng này” (26,13; 24,14). Tác giả nêu bật rằng Đức Giêsu là người mang đến Tin Mừng và loan báo Tin Mừng.

4. Danh từ “Tin Mừng” không được sử dụng trong các tác phẩm của thánh Gioan. Tác giả thích dùng động từ martyreo (làm chứng). Trong thư thứ nhất của Gioan, ta thấy xuất hiện từ aggelìa (sứ điệp) ở 1,5 và 3,11, xem ra tương đương với Tin Mừng.

5. Thánh Phaolô là người dùng danh từ evangelion nhiều nhất trong Tân Ước (60 trên 78 lần). Động từ evangelizomai (loan báo Tin Mừng) được dùng 21 lần; thêm vào đó là từ evangelistes (kẻ loan báo Tin Mừng) gặp thấy ở Ep 4,11; 2 Tm 4,5.

Evangelion là một ý niệm căn bản trong thần học của ông Phaolô. Danh từ này được hiểu không những về điều được rao giảng (nội dung của sứ điệp), mà còn về hành động rao giảng (Gl 2,7; Pl 4,3.15; 1Cr 9,4b.18b; 2 Cr 2,12; 8,18) nghĩa là tương đương với động từ evangelizomai

Đặc biệt ông dùng vài thuật ngữ rất độc đáo:

- “Tin Mừng của Thiên Chúaevangelion tou theou (7 lần, thí dụ Rm 1,1; 15,16; 1 Tx 2,2.8-9; 1 Tm 1,11). Ta có thể hiểu như là Tin Mừng bắt nguồn bởi Thiên Chúa (nhận được do mặc khải: Gl 1,11-12, 1 Tm 1,11); nhưng cũng có thể hiểu như là Tin Mừng nói về Thiên Chúa, nghĩa là về Thiên Chúa chân chính (Gl 1,6), khác với các thần hư ảo (xc. Gl 1,14; 4,8).

- “Tin Mừng của đức Kitô”, evangelion tou Kristou, Tin Mừng “của Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Rm 1,9; 15,19; 1 Cr 9,12; 2 Cr 2,12, 4,4; 9.13; 10,14; Gl 1.7; Pl 1,27; 1 Tx 3,2; 2 Tx 18). Thuật ngữ này hiểu về nội dung của Tin Mừng. Tin Mừng của đức Kitô cũng được dùng như đồng nghĩa với “Lời của Thiên Chúa” (1 Tx 1,6.8; 2,13; 2 Tx 3,1; 1 Cr 14,36; 2 Cr 2,17; 6,7; Gl 6,6; Ep 1,13; Cl 1,5).

- ‘Tin Mừng của chúng tôi’ (1 Tx 1,5, 2 Tx 2,14); “Tin Mừng của tôi” (Rm 2,16; 16,25; 2 Tm 2,8), “Tin Mừng mà tôi đã giảng” (Gl 2:2; xc 1,8.11). Thánh Phaolô coi mình như là kẻ “phục vụ Tin Mừng” (Pl 2,22).

Nơi khác, ông nói đến những kết quả của Tin Mừng: “Tin Mừng của sự cứu độ” (Ep 1,13); “Tin Mừng hòa bình” (Ep 6,15); “Tin Mừng của ân huệ Thiên Chúa” (Cv 20,24), hoặc là niềm “hy vọng” của Tin Mừng (Cl 1,23); Tin Mừng mang đến “ánh sáng, sự sống và sự bất tử” (2 Tm 1,10).

Tóm lại, trong Tân Ước, evangelium (Tin Mừng) được hiểu về một sứ điệp loan báo. Về sau, người ta mới hiểu về quyển sách ghi lại sứ điệp đó. Nội dung của cuốn sách là sự nghiệp của Đức Giêsu, đặc biệt là cuộc Tử nạn và Phục sinh, và thêm vào những lời giảng và hoạt động trước đó (với cái sườn được phác họa nơi Cv 10,37-42). Từ đó evangelista được hiểu về người viết sách Tin Mừng, nói cụ thể là bốn “thánh sử” (Matthêu, Marcô, Luca, Gioan). Evangelium được dịch sang tiếng Việt với nhiều thuật ngữ: Sách Ê-vang; Phúc Âm; Tin Lành; Tin Mừng; Tin Vui.

B. Lịch sử Hội Thánh

Trong lịch sử Hội Thánh, nảy sinh ra nhiều từ ngữ bắt nguồn từ evangelium, tựa tính từ evangelicus (thuộc về Tin Mừng), chẳng hạn: “consilia evangelica” (những lời khuyên của Tin Mừng), và cách riêng những từ ngữ do phong trào “Phục hưng Tin lành” (Evangelical Revival ) sử dụng từ thế kỷ XIX.

Đang khi mà tại Âu châu, vào thời Trung cổ, các phong trào “Tin lành” nhấn mạnh đến việc trở về nguồn, sống theo tinh thần của Tin Mừng, thì tại Hoa kỳ, các phong trào Tin Lành đề cao sứ mạng “rao giảng Tin Lành” cho người ngoại giáo (preaching the Gospel to Non-Christians). Những từ ngữ evangelization, evangelicals, evangelism ra đời trong bối cảnh đó.

II. Evangelisatio - Missio

Từ lâu Hội Thánh Công giáo đã ý thức về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Nhưng để ám chỉ công tác này, thần học đã sử dụng nhiều thuật ngữ.

A. Thời xưa, việc loan báo Tin Mừng (giảng đạo, truyền giáo) được gọi bằng nhiều thuật ngữ: Illuminatio Gentium, Novos populos adducere in gremio sanctae matris Ecclesiae, Propagatio Fidei, Conversio Gentilium, Praedicatio Evangelii in Universo Orbe, Labor salutiferae praedicationis ad innotescendum gentibus mysterium fdei, Conversio infidelium, Praedicatio apostolica, Procuratio salutis ad barbaras

gentes, Novella Christianitatis plantatio, Promulgatio Evangelii, Viam salutis et lucis infidelibus insinuare, Procuratio salutis omnium gentium, Legatio ad Gentes, Dilatatio

Ecclesiae per universum orbem, vv.

B. Vào thời cận đại, từ ngữ quen thuộc hơn cả là missio. Danh từ này mang nhiều ý nghĩa trải qua dòng thời gian.

Theo nguyên gốc, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere (sai, gửi, phái, cử).

Thần học sử dụng danh từ này trong nhiều bối cảnh

1/ Áp dụng cho mầu nhiệm Ba ngôi (missiones divinae trinitaria):

- Chúa Cha đã “sai” Con Một đến thế gian.

- Chúa Kitô “sai” Thánh Thần đến Giáo Hội.

2/ Áp dụng cho sứ mạng của Hội Thánh

- Đức Giêsu sai các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài.

- Hội thánh tiếp tục sứ mạng của các thánh tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

3/ Vào thời cận đại

Từ thế kỷ XVI, danh từ missio được áp dụng vào nhiều lãnh vực [A. Seumois, Théologie missionnaire, vol.I., PUU Roma 1973, p.8-26] :

- Giảng tuần đại phúc trong các xứ đạo, cách riêng ở thôn quê. Thánh Vinh-sơn Phaolô đã lập một hội dòng mang tên là Congregatio Missionis (1625) cho mục tiêu đó.

- Giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Điển hình là việc Tòa Thánh thiết lập Thánh Bộ truyền bá đức tin để đi giảng đạo cho dân ngoại. Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi Hội dòng Mission étrangère de Paris (MEP: Hội Thừa sai Paris).

- Lãnh thổ truyền giáo (đại khái bao trùm các lục địa Phi, Á), được đặt dưới sự quản trị của Bộ Truyền Bá Đức tin.

C. Công đồng Vaticanô II.

1/ Danh từ missio được dùng theo nhiều nghĩa, đặc biệt là trong Sắc Lệnh Ad gentes.

a) Việc sai đi, bắt nguồn từ Chúa Cha (xc. AG 2).

b) Toàn thể sứ mạng của Hội Thánh (xc. LG 17; AG 9-10)

c) Một hoạt động chuyên biệt của Hội Thánh: rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa (AG 6; 20; 27b)

d) Một miền (lãnh thổ) được đặt dưới thẩm quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin (AG 29).

2/ Đặc biệt danh từ “evangelisatio” cũng được du nhập vào các bản văn của Công đồng (31 lần) [D. Grasso, Evangelizzazione. Senso di un termine, in: Evangelisation, l.c. p.21-47], được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:

a) Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes (21 lần). Danh từ được dùng theo ba nghĩa.

- nghĩa hẹp: rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo (tương đương với công bố kerygma): số 6;

- theo một nghĩa rộng hơn: việc làm chứng tá bằng lời nói và gương lành: số 14;

- rộng hơn nữa, nó đồng nghĩa với toàn bộ công tác truyền giáo, nghĩa là việc thi hành ba tác vụ của Hội Thánh: số 20; 27; 29; 30 (xem thêm số 23; 35-36; 38; 39; 40; 41).

b) Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (4 lần)

Văn kiện nói đến “evangelizatio” và “sanctification”: số 2; 6; 19; 26.

c) Sắc lệnh về tác vụ linh mục Presbyterorum Ordinis (3 lần): số 5; 6; 19.

d) Các văn kiện khác: Hiến chế về Hội Thánh Lumen gentium: 1 lần (số 35 khi bàn về sứ mạng ngôn sứ của các giáo dân. Evangelisatio có nghĩa là loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và chứng tá đời sống). Sắc lệnh Christus Dominus : 1 lần (số 6: loan báo bằng lời giảng. Hiến chế về Hội Thánh trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes: 1 lần (số 44).

3/ Tương quan giữa “missio” và “evangelizatio

Sắc lệnh Ad gentes xem ra chấp nhận quan điểm thông thường vào thời đó.

Evangelizatio được đặt trong khung cảnh truyền giáo (Missio ad gentes), chứ không bao trùm toàn thể Giáo Hội. Mặt khác, evangelizatio hẹp hơn là missio. Evangelizatio: trình bày Tin Mừng (bằng lời nói và gương lành) cho các dân ngoại. Mission bao gồm không những là việc loan báo mà còn việc giáo huấn, phụng vụ, cầu nguyện Và các công tác mục vụ (xc. AG số 10).

III. Evangelii nuntiandi

Đây là tựa đề của tông huấn sau Thượng hội đồng giám mục thế giới họp năm 1974 về đề tài “Evangelization in the Modern World”.

A. Tài liệu làm việc cho biết rằng thuật ngữ evangelizatio có thể hiểu theo bốn nghĩa:

1/ Nghĩa rộng: bất cứ công tác nào nhằm làm cho thế giới trở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, dù là lao động trong xưởng, dạy chữ.

2/ Nghĩa hẹp hơn: việc thi hành các hoạt động ngôn sứ, tư tế và vương đế nhằm xây dựng Hội Thánh theo ý định của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, nó đồng nghĩa với sứ mạng của Hội Thánh (khác với hoạt động của các tổ chức hoặc xã hội trần thế).

3/ Nghĩa chặt: những hoạt động nhằm nhằm giúp các người ngoại nhận biết Chúa cũng như giúp các tín hữu sống đức tin. Như vậy giới hạn vào việc thi hành công tác ngôn sứ (rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v).

4/ Nghĩa chuyên môn: việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.

B. Tông huấn Evangelii Nuntiandi

1/ Đức Thánh Cha Phaolô VI nhìn nhận rằng evangelizatio là một công tác rất đa diện (EN số 17-24), bao gồm nhiều khía cạnh:

- loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá: số 21) hoặc minh nhiên (số 22);

- thiết lập cộng đoàn Hội Thánh (số 23;24);

- cứu độ toàn diện: giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ (số 30-38);

- thấm nhập vào các nền văn hoá (số 20; 62-65).

Ta nhận thấy rằng evangelizatio [Danh từ evangelization được dùng 106 lần, đó là chưa tính các thể động từ như là evangelize, evangelizing, evangelizer] có thể hiểu vừa rất chặt vừa rất rộng (số 18)

1. rất chặt: công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô-giáo;

2. rất rộng: đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Hiểu theo nghĩa này thì có thể dịch là “Phúc Âm hóa”.

2/ Hội thánh thực thi công tác evangelizatio bằng nhiều đường lối khác nhau:

a) Testimonium vitae: chứng tá đời sống.

b) Praedicatio verbi: rao giảng Lời Chúa

c) Cử hành các bí tích.

3/ Mối tương quan giữa missioevangelizatio đã bị đảo lộn

Trước đây (trong Sắc lệnh Ad gentes số 6), evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo. Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội Thánh, còn missio chỉ là một lãnh vực của nó.

Thực ra, tông huấn phân biệt ba môi trường của evangelizatio:

a) First evangelization: loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo (số 50, 51, 53), tức là truyền giáo;

b) Pastoral evangelization (số 54), chú trọng đến việc huấn giáo;

c) Renewed evangelisation (số 52, 56), dành cho những nơi đã mất đạo, hoặc không thực hành đạo.

IV. Re-evangelization - Second evangelization - New evangelization

Những từ ngữ này xuất hiện trong các văn kiện của Hội đồng các Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) trong các đại hội họp tại Medellin (1968) và Puebla (1979). Châu Mỹ đã được đón nhận Tin Mừng từ thế kỷ XV và số người Công giáo chiếm đa số; tuy nhiên, cần phải nghĩ đến việc “tái truyền giảng Tin Mừng” nhằm hun nóng niềm tin, cũng như tiếp tục việc thay đổi não trạng và cơ chế cho phù hợp với Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng chấp nhận quan điểm đó. Trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội CELAM tại Port-au-Prince (Haiti) ngày 8-3-1983, ngài đã sử dụng từ “new evangelization”. Đây không phải là giảng Tin Mừng mới (xét về nội dung), nhưng là mới xét về nhiệt huyết, về phương pháp, về cách diễn tả.

Sau đó từ ngữ này được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh, thí dụ trong tông huấn Christifideles laici (năm 1988) ở các số 4 và 34. Cách riêng, trong thông điệp Redemptoris missio (năm 1990), số 33 đức Gioan Phaolô II đã cố gắng xác định các từ ngữ như thế này:

- Mission ad gentes : loan báo Tin Mừng cho những nơi, những người chưa biết Chúa Kitô.

- Pastoral care : hoạt động mục vụ tại những nơi đã theo đạo.

- New evangelization hay re-evangelization : tại những nơi đã theo đạo nhưng đã lơ là với việc thực hành.

Kết luận

Bài đóng góp này chỉ giới hạn vào vài ghi nhận về từ ngữ (và tìm hiểu ý nghĩa chính xác để dịch cho đúng). Khi đi vào nội dung vấn đề, ta thấy nảy lên nhiều chuyện khác nữa, chẳng hạn như:

- Evangelization có trái nghịch với việc đối thoại tôn giáo không? (phải chăng rao giảng Tin Mừng có nghĩa là loan báo Đức Kitô ngõ hầu muôn dân chấp nhận Tin Mừng; còn đối thoại là giúp các tôn giáo khác khám phá cái hay cái tốt của họ?)

- Mục tiêu của evangelization là đưa người ta gia nhập Kitô giáo, hay là kiến tạo thế giới hợp với nhân phẩm hơn?

Gần đây Bộ Giáo lý đức tin đã phải lên tiếng bởi vì có những quan điểm lệch lạc về evangelization có liên quan đến Chúa Kitô và Hội Thánh. (CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Doctrinal Note On Some Aspects Of Evangelization, 3 Dec. 2007).

daminhvn.net Thứ ba, 22 Tháng 2 2011 06:38 Tài Liệu