4 bài giảng của Cha Raniero Cantalamessa, OFMCap, cho Giáo triều Vatican Mùa Vọng 2011 về những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội hôm qua và hôm nay

Với mong muốn đáp ứng phần nào lời mời gọi của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI về nỗ lực truyền giáo và tái truyền giáo của Giáo Hội hiện nay, xin trân trọng gửi đến quý vị độc giả bản dịch 4 bài giảng của Linh mục Raniero Cantalamessa, ofmcap, cho Giáo triều Vatican trong Mùa Vọng 2011 vừa qua (bản Việt ngữ của Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giáo phận Phan Thiết)  

BÀI I

“HÃY ĐI KHẮP CÙNG THẾ GIỚI”

Đợt sóng loan báo Tin Mừng thứ nhất

Nhằm đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha cần có những nỗ lực mới rao giảng Tin Mừng và chuẩn bị cho Thượng Hội đồng các Giám mục năm 2012, trong những bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, về chủ đề này, tôi xin mạn phép được tự giới hạn trong 4 đợt sóng loan báo Tin Mừng mới, hay còn gọi là 4 thời đoạn mà trong lịch sử Giáo Hội vốn được ghi dấu bởi một sự tăng tốc hay lấy lại đà lực khá ngoạn mục trong nỗ lực dấn thân truyền giáo. Đây là 4 thời đoạn đó:

1-  Ba thế kỷ truyền bá Kitô giáo đầu tiên, cho đến trước khi sắc lệnh của hoàng đế Constantin được ban hành: đây là thời kỳ mà các nhân vật then chốt trong nỗ lực này trước tiên đó là các ngôn sứ, rồi đến các giám mục.

2-  Các thế kỷ từ VI đến IX, sau làn sóng xâm nhập châu Âu của các dân tộc man di: đây là thời kỳ chứng giám một đợt sóng loan báo Tin Mừng mới, chủ yếu nhờ vào các đan sĩ (moines).

3-  Thế kỷ XVI, với việc khám phá và trở lại Kitô giáo của “tân thế giới” (“nouveau monde”), nhờ vào nỗ lực của các tu sĩ (religieux).

4-  Thời kỳ hiện tại chứng giám việc Giáo Hội dấn thân vào một nỗ lực loan báo Tin Mừng mới ở phương Tây đang bị tục hoá, với sự tham gia có tính quyết định của hàng ngũ giáo dân.

Ở nơi mỗi thời kỳ, tôi sẽ cố gắng đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta có thể học hỏi cho Giáo Hội ngày hôm nay: đâu là những sai lầm cần phải tránh, và đâu là những tấm gương sáng cần học hỏi bắt chước, và đâu là đóng góp đặc thù mà các đan sĩ, các tu sĩ sống đời sống tông đồ và các giáo dân đã có thể mang lại cho nỗ lực loan báo Tin Mừng này.

I. Kitô giáo lan truyền, trong 3 thế kỷ đầu tiên

Chúng tôi sẽ bắt đầu với suy tư về nỗ lực loan báo Tin Mừng Kitô trong 3 thế kỷ đầu. Nhất là vì giai đoạn này trở thành như mô mẫu cho tất cả mọi thời. Đó là giai đoạn mà Kitô giáo tự mày mò để tim ra hướng đi, hoàn toàn chỉ dựa trên sức riêng của mình. Chẳng có “bàn tay thế tục nào” để mà nương tựa cả; các cuộc trở lại chẳng phải là do có sự hậu thuẫn nào từ bên ngoài, vật chất hay văn hoá; là Kitô hữu chẳng phải là do thói quen hay là vì đó là một thứ “mốt thời đại”, mà là một chọn lựa phải lội ngược dòng, và nguy hiểm đến tính mạng thường luôn rình rập bên mình. Trong một nghĩa nào đó, đây cũng là thực tế mà một số Kitô hữu trong một số vùng đất nào đó của thế giới hôm nay vẫn còn đang phải đối diện.

Niềm tin Kitô nảy sinh ra cùng lúc với việc Giáo Hội cởi mở ra với chiều kích toàn thể. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài là “hãy đi khắp cùng thế giới” (Mc 16,15), “hãy thu nạp các môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28,19), hãy là những chứng nhân của Ngài “đến tận mút cùng trái đất” (Cv 1,8), hãy “loan báo cho chư dân vì danh Ngài mà hãy quay trở về để được thứ tha tội lỗi” (Lc 24,47).

Việc áp dụng nguyên tắc dựa trên tính phổ quát này đã thấy xuất hiện ngay trong thế hệ các tông đồ, tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn và cả những chia rẽ mất mát. Ngày Lễ Ngũ Tuần, rào cản đầu tiên được gỡ đi đó là rào cản chủng tộc (3.000 người tòng giáo thuộc nhiều dân tôc khác nhau, nhưng tất cả đều là những tân tòng mới theo Do Thái giáo); trong nhà của Corneille và nơi Công đồng được gọi là “Giêrusalem”, nhất là dưới sức ép của Phaolô, rào cản khó khăn nhất trong tất cả mọi rào cản, đó là rào cản tôn giáo vốn chia cách giữa những người Do Thái và lương dân, đã được vượt qua. Kể từ nay, trước mặt Tin Mừng là toàn thể thế giới, ngay như cho dù trước con mắt hiểu biết của những người đương thời, thế giới này chỉ giới hạn trong cái lòng chảo của miền Địa Trung Hải, và ranh giới là biên thuỳ của Đế quốc Rôma.

Vấn đề đi sát theo quá trình bành trướng của Kitô giáo cách cụ thể hay dựa trên địa lý trong suốt 3 thế kỷ đầu, vốn là vấn đề phức tạp hơn nhiều, nhưng nói cho cùng, đó không phải là mục đích của chúng tôi ở đây. Nghiên cứu đầy đủ nhất hiện nay về chủ đề này là của Adolph von Harnack, “Mission et expansion du Christianisme aux trois premiers siècles” (Công cuộc truyền giáo và sự bành trướng của Kitô giáo trong 3 thế kỷ đầu). Trong Giáo Hội, hoạt động truyền giáo thấy được đẩy mạnh dưới thời hoàng đế Commode (180-192) và rồi trong hạ bán thế kỷ II, tức là ngay trước lúc diễn ra cơn bách hại lớn dưới triều Dioclétien (302). Không kể một vài cuộc bách hại lẻ tẻ nào đó mang tính cục bộ địa phương, đây quả là thời kỳ mà Giáo Hội sơ khai đã có thể tự ổn định về mặt nội bộ bên trong, và đang triển khai một sinh hoạt truyền giáo mang một dung mạo mới.

Chúng ta sẽ xem xét đâu là cơ sở của đặc tính mới mẻ này. Trong suốt 2 thế kỷ đầu, việc truyền bá đức tin chủ yếu là sáng kiến của các cá nhân. Các ngôn sứ lang thang, mà sách Didaché có đề cập tới, di chuyển từ nơi này đến nơi khác; nhiều cuộc trở lại vốn là kết quả của những tiếp xúc cá nhân, giữa những người có cùng chung một ngành nghề nào đó, qua những chuyến hành trình chung và qua những mối quan hệ làm ăn buôn bán, qua việc cùng nhập ngũ với nhau hay qua những hoàn cảnh sống khác nữa bất kỳ. Origène cung cấp cho chúng ta một hình ảnh đầy xúc động về lòng nhiệt thành của những nhà truyền giáo tiên khởi như thế này:

Các Kitô hữu đã làm hết sức mình tất cả gì có thể để truyền bá niềm tin trong thế giới. Mốt số người, nhằm mục đích này, đã chọn lối sống dành cả cuộc đời cho công việc truyền giáo, đi từ thành này sang thành khác, kể cả từ thị trấn này sang thị trấn khác và từ biệt thự này sang biệt thự khác, nhằm đưa được càng nhiều tín hữu mới về cho Đức Chúa. Và, tôi vẫn hy vọng thế, chẳng có ai lại đi nói rằng những người này làm thế là có ý nhằm mang lại một chút lợi lộc nào đó cho bản thân mình, bởi vì những người này vẫn khước từ ngay cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình”.

Đã đến lúc, và lúc này đây, tức là trong hạ bán thế kỷ III, các sáng kiến cá nhân này dần dần ngày càng được điều phối lại nhằm mục đích chung và một phần được thay thế bởi cộng đoàn địa phương. Vị giám mục, có lẽ chỉ do bởi phản ứng chống lai những khuynh hướng phá hoại của lạc giáo ngộ đạo thuyết, đã được đưa đẩy đến chỗ vị trí còn vượt lên trên cả các thầy, đóng vai trò trung tâm trong đời sống bên trong của cộng đoàn, và như vậy còn trở thành đầu kéo của hoạt động truyền giáo. Cộng đoàn, kể từ đó, là chủ thể truyền giáo, đến độ một chuyên viên như Harnack, mà không ai có thể nghi ngờ thịnh tình của ông ta đối với cơ chế này, đã có thể khẳng định: “Chúng ta cần phải công nhận rằng việc Kitô giáo được lan truyền như vậy, nhân tố chính đó là sự hiện hữu và nỗ lực bền bĩ, dẻo dai của từng mỗi cộng đoàn”.

Vào cuối thế kỷ III, niềm tin Kitô trên thực tế đã xâm nhập được vào trong tất cả các giai tầng xã hội. Niềm tin Kitô, kể từ nay, có nền văn chương riêng của mình bằng ngôn ngữ Hy Lạp, và một nền văn chương khác nữa, vừa mới manh nha bắt đầu, bằng tiếng Latinh. Cơ cấu bên trong của niềm tin đó đã ổn định. Niềm tin Kitô bắt đầu xây dựng được những công trình ngày càng rộng lớn hơn, đó là dấu chỉ cho thấy con số tín hữu đã ngày càng gia tăng. Cuộc bách hại đạo lớn dưới thời Dioclétien, ngoài việc có nhiều nạn nhân, càng chứng tỏ cho thấy kể từ nay niềm tin Kitô đã là một sức mạnh không thể nào có thể kìm hãm được. Cánh tay sắt vừa mới vung ra đó giữa đế quốc và Kitô giáo chứng tỏ cho thấy điều đó.

Constantin, thực ra, chỉ làm cái việc hợp pháp hoá tương quan sức mạnh mới đó mà thôi. Không phải Constantin sẽ áp đặt Kitô giáo cho quần chúng, mà chính quần chúng sẽ áp đặt Kitô giáo cho Constantin. Những khẳng định như kiểu của Dan Brown trong cuốn tiểu thuyết của ông ta: “Da Vinci code” và những kẻ phổ biến khác, theo đó, Constantin, vì những lý do cá nhân, qua một sắc lệnh ân xá và với Công đồng Nicée, đã biến một giáo phái gốc Do Thái giáo vốn không mấy ai biết đến trước đó thành tôn giáo của đế quốc, chứng tỏ đã hoàn toàn không biết gì về điều đã xẫy ra trước những biến cố này.

II. Những nguyên nhân dẫn đến thành công

Một vấn nạn vẫn luôn làm say mê các sử gia, đó là những lý do nào đã dẫn Kitô giáo đến chỗ chiến thắng khải hoàn như vậy. Một sứ điệp đã vang lên trong một xó góc tối tăm và bị khinh rẻ của đế quốc, giữa những đám dân đen giản đơn, không văn hoá và không quyền lực, mà trong chưa đầy 3 thế kỷ, đã lan tràn ra đến tận cả nơi thế giới vốn được nhiều người biết đến thời đó, và cuối cùng thống trị trên cả nền văn hoá đỉnh cao của những người Hy Lạp và trên cả sức mạnh quyền lực vô địch của đế quốc Rôma! Giữa những lý do dẫn đến thành công khác nhau, một số người nhấn mạnh trên tình yêu Kitô và việc tích cực thực thi đức bác ái, đến độ biến công việc thực thi bác ái này thành “yếu tố chủ đạo mạnh mẽ nhất, có một không hai, dẫn đến thành công của niềm tin Kitô”, đến độ người ta còn quy kết cho hoàng đế Julien l’Apostat cái việc sau này vì muốn cạnh tranh với thành công của những người Kitô hữu đã chủ trương người ngoại giáo cũng cần phải có những công việc bác ái như vậy.  

Harnack, về phần mình, gán một tầm quan trọng lớn cho điều mà ông ta gọi là bản chất “dung nạp” (la nature “syncrétiste”) của niềm tin Kitô, tức là khả năng hoà hợp nơi mình những khuynh hướng vốn đối nghịch nhau và những giá trị khác nhau hiện diện trong các tôn giáo và trong nền văn hoá đương thời. Kitô giáo, đồng thời, trong cùng lúc vừa hiển hiện ra như tôn giáo của Thần Khí và của sức mạnh, tức là còn được kèm theo bởi những dấu chỉ siêu nhiên, bởi những đặc sủng và những phép lạ, vừa như tôn giáo của lý trí và của Ngôi Lời toàn thể (Logos intégral), như là “nền triết học thực sự” (la vraie philosophie), theo lối nói của Thánh Tử đạo Justin. Các tác giả Kitô là “những nhà duy lý về cái siêu nhiên”, Harnack khẳng định khi trích dẫn Phaolô và các lời nói của ngài về niềm tin được diễn tả như là “sự tôn thờ đích thực” (Rm 12,1).

Theo cách đó, trong một tình trạng quân bình hoàn hảo, Kitô giáo đã tập hợp lại được trong mình điều mà triết gia Nietzsche đã định nghĩa như là sự liên kết giữa yếu tố thuộc thần Apolon và yếu tố thuộc thần rượu của tôn giáo Hy Lạp, giữa Lời (Logos) và Thần Khí (Pneuma), giữa trật tự và nhiệt tình, giữa chừng mực và thái quá. Đó chính là điều mà các Giáo phụ, ít nhất là một phần, đã hiểu qua đề tài “cơn say ngất Thần Khí thanh nhã” (la “sobre ivresse de l’Esprit”).

Ngay từ đầu - nơi cuối cùng của công trình nghiên cứu đồ sộ của mình, Harnack viết - tôn giáo Kitô đã để lộ cho thấy một thứ chiều kích phổ quát, vốn đã cho phép tôn giáo này thu nạp được vào mình toàn bộ đời sống, cùng với toàn bộ những chức năng, những chiều đi lên và những chiều sâu, những cung bậc tình cảm, những tư duy và những hành động của nó. Chính tinh thần phổ quát này đã bảo đảm cho Kitô giáo có được chiến thắng đó. Đó chính là điều đã dẫn Kitô giáo đến chỗ dám tuyên xưng rằng Đức Giêsu mà nó đang loan báo là Lời Thiên Chúa… Một tia sáng mới đang rọi soi cho nó, và sức cuốn hút mạnh mẽ mà đã khiến cho Kitô giáo đạt được đến chỗ hấp thu luôn cả nền Văn minh Hy Lạp, khiến cho nền văn minh đó luỵ phục mình, để lộ ra cho thấy đó như là một sự tất yếu. Tất cả gì, cách nào đó, vẫn còn có khả năng mang trong mình sự sống đều nhập được vào như một yếu tố trong cấu trúc của nó… Làm sao mà một tôn giáo như thế lại có thể không thành công được chứ?

Ấn tượng chung mà người ta có khi đọc tổng hợp này đó là thành công của Kitô giáo vốn tuỳ thuộc vào cả một tổ hợp bao gồm nhiều nhân tố. Một số người còn đi xa trong nỗ lực tìm kiếm những nguyên nhân của một thành công như vậy, đến độ đã tìm thấy có đến 20 lý do thuận lơi cho niềm tin và cũng từng ấy lý do cản trở sự phát triển của niềm tin, như kiểu lối thoát cuối cùng tuỳ thuộc vào chiến thắng của những yếu tố thuận lợi trên những yếu tố không thuận lợi.

Ngay bây giờ đây, tôi muốn chứng tỏ cho thấy hạn chế của một lối tiếp cận dựa trên lịch sử như vậy, mặc dù cung cách tiếp cận này có được tiến hành bởi những sử gia tín hữu như những người mà tôi đã nêu lên cho đến lúc này. Giới hạn này, vốn nằm ở nơi chính phương pháp lịch sử, đó là do người ta đã quá chú trọng đến chủ thể hơn là đối tượng của nỗ lực truyền giáo, đến những người loan báo Tin Mừng và những điều kiện trong đó nỗ lực truyền giáo diễn ra hơn là đến chính nội dung của nỗ lực này.

Lý do thúc đẩy tôi phải làm điều này, bởi vì giới hạn này cũng là giới hạn và nguy cơ mà người ta thường gặp thấy trong nhiều lối tiếp cận hiện nay và trên các phương tiện truyền thông, khi nói về nỗ lực mới rao giảng Tin Mừng. Người ta quên một điều hết sức đơn giản: đó là chính Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước một lối giải thích về việc lan truyền Tin Mừng của Ngài rồi, và mỗi lần muốn chuẩn bị cho một nỗ lực truyền giáo mới, chúng ta cần phải lại khởi đi từ đó.

Chúng ta hãy nghe lại 2 dụ ngôn ngắn của Tin Mừng, dụ ngôn hạt giống được gieo và lớn lên ngay cả trong đêm khuya và dụ ngôn hạt cải bé tí. “Đức Giêsu nói: ‘Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết, cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa’” (Mc 4,26-29).

Dụ ngôn này, chỉ mình nó thôi, cũng đã đủ đế nói với chúng ta rằng lý do thành công chủ yếu của nỗ lực truyền giáo Kitô không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong, rằng công cuộc truyền giáo không phải là công trình của người gieo giống, cũng chẳng phải là của đất đai, mà là của chính hạt giống được gieo. Hạt giống không thể tự mình gieo xuống lòng đât, tuy nhiên, hạt giống cách tự động và tự mình nẩy mầm. Sau khi gieo hạt giống xuống đất, người gieo giống có thể an tâm đi ngủ, sự sống còn của hạt giống không còn lệ thuộc vào ông ta nữa. Khi hạt giống này là “hạt giống được gieo vào lòng đất và chết đi”, Đức Giêsu còn nói là chẳng có gì có thể ngăn cản nó “mang lại nhiều hoa trái”. Về những thứ hoa trái này người ta có thể đưa ra đủ thứ giải thích mà người ta muốn, những giải thích này dầu vậy vẫn luôn chỉ nằm ở bề mặt của vấn đề mà thôi, chứ không bao giờ nắm bắt được điều chính yếu.

Tông đồ Phaolô, cách sáng suốt, là người đã dành ưu tiên hàng đầu cho đối tượng của loan báo so với chủ thể: “Tôi trồng, Apollo tưới: nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho tăng trưởng”. Những lời này xem ra bình chú dụ ngôn của Đức Giêsu. Ba công việc này không phải có cùng mức độ quan trọng như nhau; thật vậy, vị Tông đồ còn thêm: “Vì thế, kẻ gieo chẳng là gì, người tưới cũng chẳng là chi; duy chỉ có Đấng làm cho tăng trưởng mới là đáng kể!” (1 Cr 3,6-7). Khoảng cách biệt trên cơ sở phẩm tính như thế giữa chủ thể và đối tượng của loan báo còn được tìm thấy trong một lời khác của vị Tông đồ: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7). Tất cả điều đó được diễn dịch ra trong những tiếng kêu trần tình như đã được định sẵn trước: “Không phải chúng tôi rao giảng chính mình, mà là rao giảng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi!”; hay còn nữa: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá”.

Đức Giêsu còn công bố một dụ ngôn thứ hai trên cơ sở hình ảnh hạt cải, nhằm giải thích thành quả của công cuộc truyền giáo Kitô, và vẫn còn đầy ý nghĩa đối với ngày hôm nay, khi mà Giáo Hội đang đầu tư cho một nỗ lực mênh mông nhằm tái Tin Mừng hoá lại cái thế giới đang bị tục hoá này.

Đức Giêsu nói: ‘Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng’” (Mc 4,30-32).

Giáo huấn mà Đức Giêsu muốn dạy ta qua dụ ngôn này đó là Tin Mừng của Ngài, chính Ngôi Vị của Ngài, là tất cả gì vốn rất nhỏ bé trên mặt đất này, vì rằng chẳng còn gì nhỏ bé hơn và yếu ớt hơn là một cuộc đời chấm dứt với một cái chết nhục nhã trên thập tự giá. Tuy nhiên, “hạt cải nhỏ bé này” lại đã được định phần để trở nên một cây to lớn, to lớn bao la đến độ các cành của nó có khả năng đón nhận tất cả mọi giống chim trời đến trú ngụ. Điều đó có nghĩa là toàn thể thụ tạo, đúng vậy, toàn thể, sẽ đến trú ẩn trên đó.

Một lối nhìn khác lạ biết bao so với những tái cấu trúc trình bày qua lăng kính lịch sử như đã được nêu lên trên đây! Nơi những lối nhìn lịch sử đó, tất cả đều có vẻ không chắc chắn, bấp bênh, bị treo lơ lửng giữa khả năng thành công và khả năng thất bại; còn ở đây, tất cả đều đã được quyết định và bảo đảm ngay từ đầu! Trong đoản văn nói về việc xức dầu ở Béthanie, Đức Giêsu đã kết luận với những từ này: “Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26,13). Cũng cùng một ý thức thanh thản đó rằng một ngày nào đó sứ điệp của mình sẽ được lan toả ra “trên khắp cùng thế giới”. Đã hẳn, đây không phải là một lời tiên tri “sau khi đã xảy ra sự việc” (“post eventum”), vì rằng ngay thời điểm lời này được nói ra tất cả cho thấy là tình hình có vẻ đi theo chiều hướng ngược lại.

Cả nơi điều này cũng vậy, giữa tất cả, Phaolô vẫn là người nắm bắt được cách tốt nhất “mầu nhiệm được giấu kín”. Có một sự kiện vẫn luôn luôn làm cho tôi cảm kích xúc động: vị Tông đồ đã giảng đạo tại Quảng trường Tự do ở Athènes và đã phải chịu việc người ta từ chối sứ điệp của mình, cách khá lịch sự, kèm theo lời hứa là sẽ nghe lại một dịp khác. Ở Côrintô, nơi mà Phaolô đã đi tới ngay sau đó, ngài đã viết Thư gửi những Tín hữu Rôma, trong đó ngài khẳng định đã nhận được mênh lệnh phải cố gắng dẫn đưa “mọi dân nước đến chỗ tuân phục đức tin” (Rm 1,5-6). Thất bại ở Athènes không mảy may đụng chạm gì đến niềm tín thác mà ngài vẫn có nơi sứ điệp này: “Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp” (Rm 1,16).

Mỗi thứ cây - Đức Giêsu nói - được nhận ra nhờ nơi quả của nó” (Lc 6,44). Điều đó có giá trị đối với mọi thứ cây, ngoại trừ cây vốn xuất ra tự Ngài, cây Kitô giáo (và thật vậy, ở đây Ngài nói về những con người); Kitô giáo là thứ cây duy nhất người ta không nhận ra được nhờ nơi các quả của nó, mà là nhờ nơi gốc rễ của nó. Trong Kitô giáo, tình trạng viên toàn không ở nơi cùng tận, như trong biện chứng pháp của Hégel về cái trở thành (“cái thật là tất cả”), mà đã có ngay tự ban đầu; chăng có trái trăng nào, thậm chí cả nơi các vị thánh vĩ đại nhất, thêm thắt được gì vào tình trạng hoàn hảo của mô mẫu. Trong chiều hướng này, quả là có lý kẻ đã khẳng định rằng “Kitô giáo không phải là cái gì có thể hoàn thiện” (“le christianisme n’est pas perfectible”).

III. Gieo hạt giống xuống, rồi… đi nằm ngủ

Điều mà các sử gia về Kitô giáo thời khai nguyên đã không lưu ý, hoặc đã đánh giá là không mấy quan trọng, đó là niềm xác tín không thể nào kiểm soát nổi mà các Kitô hữu ngày xưa, chí ít là những phần tử ưu tú trong bọn họ, đã có đối với cái vẻ tốt đẹp và chiến thắng cuối cùng của vụ việc của họ. “Các ông có thể giết chết chúng tôi, nhưng không bao giờ làm hại được chúng tôi”, Thánh Tử đạo Justin đã nói như vậy với vị quan toà Rôma đã kết án tử cho ngài. Sau cùng, chính niềm xác tín thanh thản đó đã bảo đảm chiến thắng cho các Kitô hữu sơ khai, đã khiến cho các thẩm quyền chính trị bị khuất phục để nhận ra được sự vô ích của những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ niềm tin Kitô.

Đó chính là điều mà ngày hôm nay chúng ta đang cần hơn cả: nơi các Kitô hữu, chí ít nơi những kẻ cho mình có nhiệm vụ cống hiến đời mình cho công trình loan báo Tin Mừng mới này, hãy đánh thức nơi họ niềm xác tín thâm sâu về sự thật của điều mà họ đang loan báo. “Giáo Hội - một ngày kia Đức Thánh Cha PHAOLÔ VI đã nói - có nhu cầu cần phải tìm lại nỗi thao thức ưu tư, sở thích và niềm xác tín chắc chắn về chân lý của mình”. Chúng ta phải là những người đầu tiên tin nơi điều mà chúng ta loan báo; nhưng phải tin thực sự mới được. Chúng ta phải có thể nói cùng với Phaolô: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2 Cr 4,13).

Công việc cụ thể mà hai dụ ngôn của Đức Giêsu trao phó cho chúng ta đó là gieo hạt giống. Gieo không tiếc tay, “lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2 Tm 4,2). Người gieo giống của dụ ngôn ra đi gieo hạt giống chẳng quan tâm gì đến chuyện một phần của hạt giống sẽ rơi trên đường đi và một phần khác rơi vào bụi gai, và phải nói rằng người gieo giống này, nằm ngoài dụ ngôn, chính là Đức Giêsu! Vì chưng, trong trường hợp này, người ta không thể nào biết trước được đâu là mảnh đất tốt hay rắn cứng như đường rải nhựa và bóp nghẹt như một bụi gai. Đây chính là chỗ còn tuỳ vào tự do mà con người vốn không thể nào tiên liệu trước được và chính Thiên Chúa cũng chẳng muốn thô bạo can thiệp vào. Biết bao lần trong cuộc sống người ta đã chẳng khám phá ra rằng giữa những người đã nghe bài giảng nào đó hay đã đọc một cuốn sách nào đó, kẻ thực sự nghiêm túc quan tâm tới nó và nhờ đó đã thay đổi được cuộc sống của mình lại là kẻ mà người ta ít chờ đợi nhất, là kẻ đã có mặt ở đó có khi chỉ tình cờ hay có khi chỉ vì miễn cưỡng? Trong đời mình, tôi cũng đã chứng kiến cả hàng chục trường hợp như vậy. 

Vì thế, hãy cứ gieo hạt giống xuống đất, và rồi sau đó… đi ngủ! Nói cách khác, cứ gieo giống đi và rồi đừng cứ ở mãi đó để nhìn xem khi nào hạt giống mọc lên, ở đâu nó mọc lên, mỗi ngày nó mọc lên được bao nhiêu centimét. Việc bén rễ và tăng trưởng ra sao không phải là việc của chúng ta mà là việc của Thiên Chúa và của kẻ nghe. Một nhà hài hước nổi tiếng nước Anh thế kỷ XIX, Jerome Klapka Jerome, có nói rằng cách tốt nhất để làm cho quá trình sôi chín trong một cái xoong chậm lại đó là người ta cứ ở lại bên trên và thấp thỏm đợi chờ.

Làm ngược lại chỉ tổ gây ra bao lo âu và mất kiên nhẫn mà thôi: khi còn ở trên trái đất, Đức Giêsu đã không thích như thế và cũng không bao giờ làm thế. Các sách Tin Mừng cho thấy hình như Đức Giêsu không bao giờ tỏ ra vội vã. “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Về chuyện này, nhà thơ tín hữu Charles Péguy đặt vào môi miệng Thiên Chúa những lời mà cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm:

Người ta nói với Ta rằng có những con người

Lao động thì tốt mà ngủ thì không tốt.

Chúng không ngủ. Ôi! Đó là dấu chỉ chúng không tín thác nơi Ta!

Đó là điều nghiêm trọng, vì thà rằng chúng không lao động mà ngủ còn hơn, vì tội lười biếng thì nhẹ hơn cái tội bất an…

Ta không nói về, Thiên Chúa phán, những con người

Không lao động mà cũng chẳng ngủ.

Đó là những con người tội lỗi, dĩ nhiên…

Ta nói về những kẻ lao động mà không ngủ…

Ta phàn nàn về chúng. Ta oán giận chúng. Một chút. Chúng đã không tín thác vào Ta.

Ban ngày, chúng điều hành công việc của chúng rất tốt.

Nhưng ban đêm, chúng không muốn phó thác công việc điều hành ấy cho Ta…

Kẻ nào không ngủ là không trung thành với Đức Cậy…”.

Những suy tư, như đã được trình bày trong bài suy niệm này, cổ vũ chúng ta, như một kết thúc, hãy lấy Đức Tin và Đức Cậy mạnh mẽ làm nền tảng cho mọi dấn thân trong nỗ lực loan báo Tin Mừng mới, hãy gạt bỏ ra khỏi chúng ta mọi thứ cảm giác bất lực và nhẫn nhục cam chịu. Thật vậy, trước mắt chúng ta là cả một thế giới đang bị tục hoá, đang say sưa vì những thành quả đạt được trong lĩnh vực kỹ thuật và vì những khả thể mà khoa học có thể cống hiến cho, trơ lì với loan báo Tin Mừng. Nhưng, thế giới của những Kitô hữu đầu tiên - thế giới Hy Lạp với kho tàng kiến thức đồ sộ của nó và Đế quốc Rôma với sức mạnh của nó - cách ngẫu nhiên trùng hợp, lại đã chẳng kém phần trơ lì với Tin Mừng đó sao?

Nếu có một điều mà chúng ta có thể làm sau khi “đã gieo hạt giống xuống đất”, thì đó là công việc, bằng kinh nguyện, “tưới nước” lên hạt giống đã gieo. Vì thế, chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm này bằng kinh nguyện mà phụng vụ đã muốn cho chúng ta đọc trong Thánh lễ “cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân”:

Lạy Thiên Chúa, Chúa vẫn hằng muốn tất cả mọi người đều được cứu độ

và nhận biết được chân lý,

xin Chúa hãy nhìn xem mùa màng bát ngát bao la biết bao nhiêu

và xin hãy sai các thợ gặt đến,

để Tin Mừng được loan báo cho từng mỗi thụ tạo

và để dân của Ngài, được quy tụ lại nhờ lời hằng sống

và được khuôn đúc bởi sức mạnh của các bí tích,

được tiến lên trên con đường cứu độ và tình yêu.

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Raniero Cantalamessa, ofmcap

Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung dịch

Nguồn: Dịch từ bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié)

(emty.org Cập nhật: 03/01/2012 - 17:13:31)

Mục Lục Hội Nhập Văn Hoá