Bài giảng của Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo Ivan Dias trong Thánh lễ Khai mạc Hội nghị Truyền giáo Á châu I tại Chiang Mai, Thái Lan, ngày 19-10-2006

 

"Đây là ngày Chúa đã chọn, chúng ta hãy hoan hỉ và vui mừng trong ngày ấy".

Tại Thánh lễ khai mạc Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ nhất này chúng ta hiệp nhất trong Thánh danh Đức Giêsu, người đã hứa sẽ hiện diện khi có hai hoặc ba người tụ tập nhân Danh Ngài. Trong khi chúng ta nhớ lại niềm vui châu Á đã hưởng lợi từ việc đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho các cuộc thảo luận về nhiều thách thức chúng ta gặp phải trong sứ mệnh phổ biến Tin Mừng của Ngài khắp châu Á rộng lớn này và truyền cảm hứng cho chúng ta có những quyết định đúng đắn vì Ngài truyền lệnh cho chúng ta hãy "ra chỗ nước sâu".

Chúng ta tự hào khi nhận thấy rằng châu Á có một vị trí đặc biệt trong ý định của Thiên Chúa suốt từ đó, trong vườn Địa đàng sau khi Adam và Eva phạm tội, Ngài đã hứa ban cho loài người một Đấng cứu chuộc duy nhất và phổ quát. Áp dụng Lời Chúa Giêsu theo Nicodemus, chúng ta có thể thành thật nói rằng Thiên Chúa yêu thương châu Á đến độ đã sai Con Một Ngài nhập thể và thực hiện sứ mệnh cứu chuộc của Ngài ở đó, để tất cả những ai tin vào Ngài không thể chết, nhưng có sự sống đời đời. Vâng, chúng ta thực sự có thể tự hào về "Câu chuyện Chúa Giêsu" bắt đầu tại châu Á cách đây khoảng 2000 năm nay đã trở thành "lịch sử", câu chuyện của Ngài dành cho toàn nhân loại và cho mọi thời đại. Thánh lễ này có nhiều ý định chúng ta muốn dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, nhờ Đức Kitô, với Người và trong Người, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Nhìn lại quá khứ, có nhiều người chúng ta phải tưởng nhớ - để tỏ lòng biết ơn, thực sự vì lòng biết ơn. Chúng ta nhớ đến tất cả những người từ các thế kỷ đầu của thời đại Kitô giáo, bắt đầu từ các Thánh Tông đồ, đã gieo rắc hương thơm ngọt ngào của Đức Giêsu Kitô ở châu Á. Thông điệp Tin Mừng thực sự đã được loan báo trong các thế kỷ đó - ngay cả trong lúc gặp thử thách và đau khổ - từ nhà tiệc ly ở Giêrusalem đến các quốc gia và vương quốc ở Trung và Nam Á, từ Trung Đông đến Viễn Đông. Chúng ta không thể quên động lực truyền giáo lớn lao từ thế kỷ 16 trở đi của những người có tâm huyết như Thánh Phanxicô Xaviê, Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Chân phước Joseph Vaz, các giáo dân đã đem Kitô giáo đến bán đảo Triều Tiên, và nhiều người khác nữa. Và chúng ta nhớ đến những người đã và đang chịu đau khổ dưới các chế độ chống đối hay các nạn nhân của các cuộc bắt đạo trên khắp châu Á: ở Armenia, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, ngay cả tại Thái Lan này, và các nơi khác. Họ là những người chuyển cầu cho chúng ta trên thiên quốc và xin cho máu họ đã đổ ra vì Đức Kitô trở thành hạt giống của các Kitô hữu mới (Tertullian).

Nhìn về tương lai, trong hội nghị này chúng ta sẽ nhớ lại nhiệm vụ truyền giáo mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô để rao giảng Tin Mừng cho mọi loài tạo vật, và những thách thức gặp phải khi công bố Tin Mừng trong khuôn khổ đối thoại đại kết và liên tôn. Những thách thức hiện nay là rất nhiều và đa dạng: từ việc đề cao thần vị của Đức Giêsu với những người đang tôn thờ một vị Thần vô danh đến việc thúc giục hội nhập Phúc Âm vào văn hóa và truyền giáo cho các nền văn hóa của chúng ta, và nhớ rằng chúng ta là con cái của các nền văn hóa của chúng ta và là bố mẹ của các nền văn hóa sẽ theo sau chúng ta. Một mặt, chúng ta không thể làm ngơ trước tâm lý Tân Thời quy ngã phổ biến ở châu Á hiện nay, nơi mà Thiên Chúa được xem là không hợp thời. Mặt khác, chúng ta phải cảnh giác với những yêu sách được đưa ra bởi những gì Đức Gioan Phaolô 11, trong thông điệp Redemptoris Missio (số 37), gọi là "Đồi Arê hiện đại" trong đó ngài nói đến các vùng truyền giáo mới vượt qua mọi ranh giới địa lý, văn hóa và xã hội, nghĩa là thế giới văn hóa và nghiên cứu, di dân và nghèo đói, truyền thông xã hội và quan hệ quốc tế - dĩ nhiên, bao gồm công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông dưới mọi hình thức - cam kết với hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc, quyền lợi của các cá nhân và các dân tộc, đặc biệt là những nhóm thiểu số, trao quyền cho phụ nữ và giáo dục trẻ em, bảo vệ sinh thái của thế giới tạo vật. Tất cả các khu vực này của Đồi Arê hiện đại, theo Đức Thánh cha, cần được chiếu sáng bằng ánh sáng Tin Mừng và rồi tham gia sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội. Chúng ta hãy dâng tất cả các ý nguyện này cho Thiên Chúa trong Thánh lễ này.

Cuối cùng, chúng ta hãy tưởng nhớ đến nhiều dân tộc và nhiều người ở châu Á này chưa nhận biết Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, hay đúng hơn Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật. Chúng ta biết, truyền giáo chính là việc làm của Chúa Thánh Thần, Ngài hoạt động trong tất cả các nền văn hóa từ lúc bắt đầu vũ trụ. Chính Ngài đã chuẩn bị cho sự nhập thể của Con Thiên Chúa và sự hy sinh cứu chuộc của Ngài cách đây 2000 năm trên vùng đất Á châu. Ngài đã để lại nhiều giới răn suốt lịch sử của các nền văn hóa thế giới: đây là "hạt giống của Ngôi Lời" sẽ hướng dẫn những người thành thật tìm kiếm tiến đến sự thật viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần đã khởi xướng công tác truyền giáo với lời công bố trực tiếp và gián tiếp vào chính lúc Đức Giêsu Kitô sinh ra ở Bêlem (Lc 2,8-20; Mt 2,1-12). Lời công bố trực tiếp: khi các Thiên Thần thông báo tin vui về Chúa Giêsu ra đời cho các mục đồng chăn chiên vào đêm đó. Lời công bố gián tiếp: khi một ngôi sao xuất hiện ở phương Đông và dẫn đường cho Ba Vua mang đầy tặng phẩm quý báu dâng Chúa Giêsu, Nhà vua mới sinh và là Đấng cứu chuộc thế gian. Áp dụng điều này cho các dân tộc Á châu, chúng ta phải biết ơn và tôn trọng các kho báu di sản văn hóa và tôn giáo mà - như Ba Vua - họ mang trong lòng, cũng như những nỗ lực khám phá Sự thật của họ hiện nay bằng cách bước theo Kinh thánh và các thánh nhân của họ như là các ngôi sao chỉ đường. Giống như Ba Vua bồn chồn thao thức cho đến khi tìm thấy Đức Giêsu và dâng báu vật trước Ngài và thờ lạy Ngài, các dân tộc Á châu, với các truyền thống tôn giáo và văn hóa phong phú đa dạng của mình, cũng sẽ thao thức cho đến khi tìm thấy và thờ lạy Ngài chính là Đường, là Sự thật và là Sự sống. "Lạy Chúa, chính Ngài đã chọn chúng con, và tâm hồn chúng con thao thức cho đến khi an nghỉ trong Ngài" (Thánh Augustinô).

Nguyện xin Đức Mẹ Đồng trinh, Ngôi sao Truyền giáo Mới, chúc phúc cho Hội nghị Truyền giáo Á châu này, các tham dự viên và tất cả những người tận tâm rao giảng "Câu chuyện Chúa Giêsu" trên khắp châu Á thân thương của chúng ta.

 

Trích từ Giáo Phận Nha Trang (gpnt.net)

 


Trở về Trang Mục Lục