NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG CỰU ƯỚC

(Bài 1)

 

(Tóm lược Chương 4, phần I của Sđd, có tựa đề: Tuyển Chọn Ít-ra-en và Cứu Độ Thế Giới cũng có liên hệ đến 4 chương khác của phần này)

1. Ít-ra-en, dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn

Trừ 11 chương đầu của sách Sáng Thế, có thể nói được toàn bộ các sách Cựu Ước là những gì liên quan đến sự hình thành và phát triển của dân Ít-ra-en về các mặt lịch sử, chính trị, xã hội, luật pháp và tôn giáo. Hiến chế Mạc Khải của Công đồng Va-ti-ca-nô II, số 14, viết: “Thiên Chúa chí ái đã ân cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại theo một kế hoạch lạ lùng: Người đã tuyển chọn một dân tộc để uỷ thác những lời ước hẹn. Quả vậy, sau khi lập Giáo ước với ông Áp-ra-ham (St 15, 18) và với dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê (Xh 24, 8), Thiên Chúa đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Người đã chọn, để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, và nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người...” (Trích Dẫn Nhập Cựu Ước Kinh Thánh Trọn Bộ, tr.19)

Kế hoạch lạ lùng” đó của Thiên Chúa đã tỏ hiện ngay trong cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước, khi Người phán với tổ phụ Áp-ra-ham: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc(St 12, 3). Tuy nhiên, việc truyền giáo không thể giới hạn hay trói chặt vào một cá nhân nào. Thiên Chúa, quả thật, đã nói trước đó rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn...” (St 12, 2).

Nhưng phải đợi khoảng hai thế kỷ sau thời các tổ phụ thì “dân lớn” đó mới bắt đầu hình thành với việc Thiên Chúa đưa Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập và mạc khải một giao ước đặc biệt cho Mô-sê trên Núi Xi-nai. Sách Xuất Hành thuật lại sự kiện quan trọng này với lời Thiên Chúa phán: “Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta, Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc, một dân thánh” (Xh 19, 4-6).

2. Nghịch lý tuyển chọncứu độ phổ quát

Đến đây, dầu có đoạn văn kiện của Công đồng Va-ti-ca-nô được trích dẫn, ta thấy ngay một sự căng thẳng giữa việc tuyển chọn một dân tộc – như sách Đệ Nhị Luật còn ghi: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người(Đnl 7,6)việc tru hiến các dân tộc khác như chúng ta đọc được cũng chính trong sách vừa dẫn: “Anh em sẽ thôn tính mọi dân mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em; đừng nhìn chúng mà thương hại...” (Đnl 7, 16).

Vấn đề này xem ra khá nghiêm trọng vì Ít-ra-en không chỉ là “sở hữu” đặc biệt của Thiên Chúa (Đnl 14, 2) mà còn có quyền sở hữu một đất hứa, như đã ghi rằng: “Đây, Ta trao đất đó cho các ngươi, hãy vào và chiếm hữu đất mà Đức Chúa đã thề với cha ông các ngươi...rằng Người sẽ ban cho họ và dòng dõi họ sau này” (Đnl 1, 8).

Sự hiểu biết về Ít-ra-en như là dân tuyển chọn của Thiên Chúa, do đó, đặt ra một chướng ngại lớn cho chúng ta trong việc hình thành một phát biểu truyền giáo cho những người không được chọn... Vấn đề này càng đi vào rắc rối, trước hết vì sự tuyển chọn không phải là một ý niệm bên lề, tản mác đó đây trong Cựu Ước, mà thật sự đan chằng vào trong lịch sử, địa lý và văn hoá của Ít-ra-en.

Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của việc tuyển chọn dành cho Ít-ra-en để có thể thấy được việc tuyển chọn đó phục vụ ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa như thế nào. Nói cách khác, chúng ta sẽ tìm cách khám phá nền tảng của sứ vụ truyền giáo trong việc tuyển chọn này.

3. Ý nghĩa của việc tuyển chọn

Sự tuyển chọn Ít-ra-en được gắn liền với Đất hứa, nhưng các hoàn cảnh khác của việc Thiên Chúa tuyển chọn Ít-ra-en đã tách biệt họ ra khỏi các dân tộc khác về ý thức hệ và tôn giáo. Ơn gọi hay sự tuyển chọn của Ít-ra-en bởi Thiên Chúa không xảy ra vào lúc nó xuất hiện như một quốc gia riêng biệt, cũng không xảy ra vào lúc nó bắt đầu chiếm được Đất hứa. Thiên Chúa kêu gọi hay tuyển chọn Ít-ra-en vào một thời điểm hiện hữu thấp kém của nó. Khi Thiên Chúa đi vào lịch sử của Ít-ra-en, thời điểm đó không thể gọi được là lịch sử và cũng không đáng ghi vào lịch sử thế giới. Lúc ấy, chưa tồn tại một dân tộc “Ít-ra-en” thực sự, mà chỉ là một nhóm người ô hợp không có đất đai của cải, một dân tỵ nạn từ Ai-cập, một dân tạm cư trong sa mạc... Giao ước Mô-sê được ký kết trong tình hình đó. Ngay cả Hòm bia Giao ước, đồ vật tôn giáo chính của Ít-ra-en, cũng mang hình dạng một cái hòm có các vòng sắt ở hai bên với các đòn khiêng để đem đi từ nơi này đến nơi khác... Đất Hứa, nơi Ít-ra-en tiến vào định cư sau cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, tỏ ra vừa là sự hoàn thành các lời hứa của Thiên Chúa vừa là mối đe doạ đối với các lời hứa đó... Tại sao lại như thế? Thưa vì sự lựa chọn của Thiên Chúa không gắn liền với các đặc quyền và đất đai sản nghiệp. Hơn nữa, việc cung cấp các lời hứa ban đất và sự phong phú luôn luôn đòi hỏi một thái độ chia sẻ khiêm tốn. Sự lựa chọn đó không đặt Ít-ra-en vào trung tâm vủa vũ trụ.

Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân tộc, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ...” (Đnl 7, 7-8)

Vâng, ta không được hiểu sự tuyển chọn Ít-ra-en như là một quyền lực quốc gia, nhưng như là tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Sự tuyển chọn Ít-ra-en phải được hiểu theo nghĩa này: một sự lựa chọn bởi Thiên Chúa dành cho một dân tộc yếu đuối bất lực, với các lời hứa và tặng phẩm được coi như của cho vay mượn chứ không bao giờ chiếm hữu và sở hữu, như những dấu chỉ tình yêu hơn là những biểu hiện của sức mạnh, như những của tốt lành được chia sẻ chứ không phải như những của cải phải tích luỹ và bảo vệ.

4. Thái độ của Ít-ra-en, được chọn – đối với các dân tộc khác, không được chọn

Chắc có người muốn hỏi Ít-ra-en ý thức thế nào về sự tuyển chọn của mình, hay nói cách khác, Ít-ra-en có phản ứng gì đối với các dân tộc khác, vì sự tuyển chọn và tính phổ quát có liên quan trực tiếp với mối quan hệ của Ít-ra-en với các dân ngoại bang không được tuyển chọn.

Thời các tổ phụ, chúng ta thấy như đã có một mối quan hệ khá thân thiết với Dân Ngoại. Áp-ra-ham sống giữa họ như một kiều cư. Xét về mặt chính trị và kinh tế, các tổ phụ đã không thể tồn tại nếu không sống hoà hợp với những “người ngoại”.

Thái độ thân thiện đó đã đổi thành hận thù thời nô lệ Ai-cập. Thái độ này ít ra cũng là thái độ đối đầu đã thống trị các truyền thống Kinh Thánh đối với những người nước ngoài từ thời Mô-sê cho tới thời vua Đa-vít. Ông Gio-suê nhận thấy các lời hứa của Thiên Chúa được thành tựu trong việc thiết lập các bộ tộc liên kết với nhau bằng giao ước Si-khem (Gs 24), còn vua Đa-vít có vẻ đã mở rộng sự thành tựu các lời hứa ấy bằng việc thiết lập một đế quốc rộng lớn, và các nước ngoại bang phải mang lễ vật đến triều cống Đa-vít hay Sa-lô-môn và thờ phượng Đức Chúa Gia-vê trong đền thờ (Tv 87). Cuộc chinh phục quân sự và các hoà ước với lân bang cung cấp phương tiện phát triển tôn giáo. Vương quốc của Đa-vít dần dần trở thành một biểu tượng cho vương quốc thiên sai của Thiên Chúa.

Đến khi nền đạo đức và tập tục tôn giáo nguyên thủy của Ít-ra-en bị thâm nhập và làm cho sa đoạ bởi ảnh hưởng ngoại bang, thì Thiên Chúa đã sử dụng các dân ngoại bang làm công cụ chống lại Ít-ra-en. Thời này, vai trò của các ngôn sứ nổi bật trong việc họ loan báo sự sụp đổ của vương quốc miền Bắc, sau đó là sự sụp đổ của vương quốc miền Nam, và việc họ tuyên những lời sấm chống lại các dân ngoại bang. Vai trò này tồn tại trong suốt thời lưu đày của Ít-ra-en. Tuy nhiên, đó đây cũng đã xuất hiện những sấm ngôn hoà bình:

Đức Chúa sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 1, 4; Mk 4, 3)

Sau thời lưu đày, thái độ của Ít-ra-en đối với Dân Ngoại mang những hình thức khác nhau, tuỳ theo vị trí địa dư của họ: khép kín, từ chối mọi tiếp xúc, cấm đoán, huỷ bỏ các cuộc hôn nhân hỗn hợp, loại bỏ (Er 9, 1-2) hay bênh vực (Is 56, 6-8) những người Ít-ra-en ở lại đất Giu-đa trong thời lưu đày. Tóm lại, vào thời này, trong khi thái độ chính của người Ít-ra-en tại Giê-ru-sa-lem không phải là một thái độ thân thiện với Dân Ngoại, thì có một ít đầu óc bao dung hơn đã diễn tả một niềm hy vọng mới cho sự mở rộng hơn nữa của đạo Do Thái.

5. Ít-ra-en ý thức về sự tuyển chọn của mình

Thuật ngữ “tuyển chọn” xuất hiện rất thường xuyên trong Cựu Ước, cách riêng trong sách Đệ Nhị Luật. Ý thức của Ít-ra-en về việc tuyển chọn phát triển từ một ý nghĩa thế tục có nguồn gốc từ một nhu cầu cụ thể của cuộc sống, đến một ý nghĩa tôn giáo về một mục đích hay một sứ mạng đặc biệt. Theo ý nghĩa này, ta có thể có những kết luận như sau:

-                      Ít-ra-en thuộc về Đức Chúa một cách rất đặc biệt, không phải vì giá trị hay thành tựu riêng của nó nhưng chỉ vì lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa mà thôi: “chính là vì yêu thương anh em(Đnl 7, 8).

-                      Ít-ra-en được chọn bởi vì Thiên Chúa đã “giữ lời thề hứa với cha ông anh em(Đnl 7, 8).

-                      Một dấu hiệu nữa của sự tuyển chọn được thấy nơi việc Ít-ra-en tuân giữ “các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành” (Đnl 7, 11) Nhưng phải hiểu rằng sự tuân giữ này không phải là điều kiện mà là đòi hòi của Thiên Chúa đối với dân đã được tuyển chọn.

-                      Sự tuyển chọn của Thiên Chúa còn bao gồm cả sự thăng tiến về mặt đời sống vật chất (Đnl 7, 12-14). Nhưng các phúc lành của Thiên Chúa không chỉ dừng lại trên Ít-ra-en mà còn trải rộng tới các tầng trời và tận cùng cõi đất, vì chúng gắn liền với hành vi của Thiên Chúa tạo dựng và đổi mới vũ trụ. Như thế, sự tuyển chọn của Ít-ra-en bắt đầu vươn ra bên ngoài và ôm ấp toàn thể thế giới.

-                      Nhưng ý thức về tính ưu việt của mình cũng là một cám dỗ đối với Ít-ra-en: loại trừ các dân tộc ngoại bang. Đó là luật tru hiến mà Đệ Nhị Luật phê chuẩn như ta thấy trong đoạn sau đây: “Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, trao chúng (các dân tộc ngoại bang) cho anh em và anh em đánh bại chúng, thì anh em phải tru hiến chúng, không được lập giao ước với chúng và không được thương xót chúng.”(Đnl 7, 2) Tuy nhiên, Đệ Nhị Luật không phải lúc nào cũng hô hào chống lại những người không phải dân Ít-ra-en; nó phản ánh một lịch sử lâu dài khiến cho có khi nó tỏ một thái độ thương cảm và đối xử lịch sự với ngoại bang. “Anh em không ghê tởm người Ê-đôm, vì họ là anh em của anh em. Anh em không được ghê tởm người Ai-cập vì anh em đã là ngoại kiều trong đất họ. Con cháu họ sẽ sinh ra, đến đời thứ ba, sẽ được vào đại hội của Đức Chúa.”(Đnl 23, 8)

Sự pha trộn có vẻ mâu thuẫn giữa lòng nhân từ và độc ác, giữa chấp nhận và từ chối sẽ còn tồn tại như một nguy cơ dai dẳng của sự tuyển chọn trong gần hết chiều dài của Cựu Ước.

6. Từ tuyển chọn tới cứu rỗi phổ quát

Vị ngôn sứ đã phá vỡ ngõ bí giữa sự tuyển chọn và cứu rỗi phổ quát chính là tác giả của các chương 40-45 I-sai-a, mà truyền thống Hội Thánh quen gọi là I-sai-a đệ nhị. Ông ghi lại lời sấm của Thiên Chúa như sau:

Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49, 6).

Thật ra, chúng ta cũng đã thấy có một số bản văn Kinh Thánh Cựu Ước trong đó thuyết cứu rỗi phổ quát được hàm ngụ hay nhắc đến dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng gần như tất cả đều quy chiếu vào triều đại của vua Đa-vít ở Giê-ru-sa-lem và vương quốc của triều đại này. Thánh vịnh 87 nói đến Ba-by-lon, Ai-cập... được kể “vào số những dân tộc nhận biết Ta(câu 4). Còn Thánh vịnh 89 thì liên kết mật thiết “tình thương muôn đời” của Thiên Chúa (câu 2) với “ngai vàng Ta xây dựng qua muôn thế hệ” cho Đa-vít (câu 4); Thánh vịnh này cũng đồng hoá cánh tay dũng mãnh của Thiên Chúa “chế ngự trùng dương ngạo nghễ,... hoàn vũ với muôn loài(các câu 10-12) với thế lực của Đa-vít “trải dài đến Đại Dương(câu 26), ngụ ý rằng Thiên Chúa muốn mở rộng tình thương muôn thuở của Người tới toàn thể vũ trụ.

Nhưng chính trong I-sai-a đệ nhị, thuyết cứu độ phổ quát mới được phô bày một cách rõ ràng; vị ngôn sứ đã đưa một giáo lý còn tối tăm ra chỗ ánh sáng, mặc dầu ta vẫn thấy rõ ông chỉ quan tâm tới sự cứu rỗi của It-ra-en.

Vị ngôn sứ nhìn thấy trong biến cố Đại đế Ky-rô để cho Ít-ra-en trở lại cố hương sau khi đế quốc Ba-by-lon sụp đổ, như là một cuộc xuất hành mới với một khung cảnh thế giới rộng lớn. I-sai-a nói đến sự thán phục của Dân Ngoại trước cách thức mà Thiên Chúa đã dẫn đưa dân tuyển chọn của Người ra khỏi họ.

Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy vì uy quyền của Đức Chúa là Đấng trung thành, là Đức Thánh của Ít-ra-en, Đấng đã tuyển chọn ngươi.” (Is 49, 7)

Điều mà những người ngoại bang thấy và thán phục có thể trở thành một nguồn cứu rỗi cho họ, giống như cho Ít-ra-en.

Sau hết, với bốn Bài Ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ (Bài 1: I-sai-a 42, 1-4; Bài 2: I-sai-a 49, 1-4; Bài 3: I-sai-a 50, 4-9a; Bài 4: I-sai-a 52, 13-53, 12), vị ngôn sứ đã có thể tuyên bố công khai về sự cứu rỗi phổ quát:

Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó;
 Nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước mặt chư dân.
...
Nó không yếu hèn, không chịu phục,
Cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.”

(Bài ca I về Người Tôi Tớ Đau Khổ)

Những giọt nước mắt đau buồn từ quả tim tan nát của vị ngôn sứ bị đồng bào của mình cười nhạo và ruồng bỏ, bổng nhiên đổi thành những giọt nước mắt của niềm vui và chiến thắng. Bài ca IV về Người Tôi Tớ Đau Khổ kết thúc với một cái nhìn thanh thản về một cuộc tái sinh:

“... Người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ,
vua chúa phải câm miệng,
vì được thấy điều chưa ai kể lại,
được thấy điều chưa nghe nói bao giờ.
Nhờ Người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.”

(Is 52, 15.53, 10d)

Các dòng thơ nòng cốt của I-sai-a đệ nhị – chuyển từ một sự tập trung vào dân tuyển chọn sang viễn tượng về sự cứu rỗi thế giới được thấy trong những câu sau:

“Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp...
thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân.”

(Is 49, 6)

Câu thơ trên mở rộng sự tuyển chọn của Ít-ra-en ra thế giới, và như thế nó hoàn thành sứ mạng trong việc Ít-ra-en được tuyển chọn đầu tiên.

7. Kết luận

Nghiên cứu về sự tuyển chọn của Ít-ra-en đã đưa chúng ta đi trên một con đường dài và quanh co xuyên qua Cựu Ước. Chủ trương rằng một dân tộc có thể tự nhận mình có một thân phận đặc biệt trong khi hoà mình vào với thế giới rộng lớn, không phải là một nhiệm vụ đơn giản đối với dân Ít-ra-en, và không phải là dễ hiểu đối với chúng ta... Sự tuyển chọn với vai trò trung tâm trong Kinh Thánh có nguy cơ bị xuyên tạc vì các mục đích chính trị và các mục đích ích kỷ khác... Trải qua bao nhiêu thăng trầm, cay đắng và thử thách, Ít-ra-en dần dần hiểu ra rằng sự tuyển chọn không chỉ là phương tiện để họ nhận ra một vị Thiên Chúa đầy từ bi nhân hậu (chứ không chỉ là một Đấng tạo hoá đầy quyền uy) và để họ tự coi mình là “sở hữu đặc biệt của Thiên Chúa”, nhưng còn trở thành con đường qua đó Ít-ra-en sẽ đem mầu nhiệm về Thiên Chúa cứu độ đến cho toàn thế giới. Nếu được đọc kỹ các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy rằng tinh thần “đại kết” đã xuất hiện trong thời khai phá của các Tổ Phụ (1850-1700 tr.CN), thời sáng tạo của Mô-sê và Gio-suê (1240-1150 tr.CN), thời đế quốc của Đa-vít và Sa-lô-môn (1010 921 tr.CN), thời thách thức đạo đức của các Ngôn sứ (921-587), đặc biệt của Ngôn sứ I-sai-a (đệ nhị) trong thời lưu đày (50-537 tr.CN) và trong lời cầu nguyện của Ít-ra-en, đặc biệt các Thánh Vịnh ngợi khen và khẩn cầu (29, 95, 46, 44, 22).

Thật chính đáng biết bao khi sự tuyển chọn, vốn đã bắt đầu trong sự đau khổ và cùng quẩn của Ít-ra-en, nay phải được mở ra cho toàn thế giới nhờ một Người Tôi Tớ Đau Khổ (I-sai-a đệ nhị).

Và dựa trên lời dạy đó của Ngôn Sứ, tác giả Thánh Vịnh đã loan báo một thông điệp cứu độ phổ quát:

“Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê,
Người tìm kiếm Chúa sẽ dâng lời ca tụng.
Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.”

(Tv 22, 26)

***

Nhưng như ta đã thấy trong những gì được trình bày trên đây, dầu trong Cựu Ước đã có những dấu chỉ vượt qua Ít-ra-en để đến với mọi dân tộc, các nhận thức tôn giáo này không bao giờ mở rộng thành một tổng hợp thần học cứu độ phổ quát. Chỉ sau này, với Tân Ước, công trình này mới được coi là hoàn thành.

 

Giáo Phận Đàlạt

2-11-2006

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo