NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Đức Giê-su và việc Truyền Giáo của Hội Thánh

(Bài 2)

Sứ vụ Truyền Giáo, theo nghĩa rộng của nó, đã có nền tảng trong Cựu Ước – như ta thấy qua bài trước đây: Ít-ra-en được sinh ra giữa các dân tộc, nó vay mượn và thích nghi ngôn ngữ, phượng tự và văn hóa của các dân tộc chung quanh. Ít-ra-en, qua Cựu Ước, có vai trò như là chứng nhân về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa cho các dân tộc lân bang. Và mặc dầu thái độ tuyển chọn vẫn nổi bật, nhưng đã có những cố gắng kiềm chế những tuyên bố rằng Ít-ra-en độc quyền nhận được sự sủng ái của Thiên Chúa.

Đến thời Tân Ước, khởi đầu là sứ vụ của Đức Giê-su qua các sách Tin Mừng, các lực ly tâm mà chúng ta đã phát hiện trong Cựu Ước đạt tới cực điểm của chúng; nơi Đức Giê-su, viễn tượng cứu độ phổ quát tìm thấy nguồn mạch của nó.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ các dữ liệu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng sức đẩy truyền giáo bắt nguồn từ Đức Giê-su Na-da-rét không phải dưới dạng một chương trình minh nhiên, rõ ràng và trực tiếp: trên thực tế, Đức Giê-su không phải là nhà truyền giáo đầu tiên cho Dân Ngoại.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các nét đặc trưng nào của con nguời và sứ vụ của Đức Giê-su đã dẫn tới việc Tin Mừng phổ quát được công bố bởi cộng đoàn Hội Thánh hậu-phục-sinh.

***

1. Đức Giê-su và Dân Ngoại

Trong các sách Tin Mừng, tường thuật về việc Chúa Giê-su gặp gỡ các Dân Ngoại tương đối hiếm. Chỉ có hai lần Người tiếp xúc với họ được các Tin Mừng nhất lãm ghi lại: đó là trường hợp người phụ nữ Ca-na-an (Mt 15, 21-28 và Mc 7, 24-30) và lần khác là viên đại đội trưởng Rô-ma (Mt 8, 5-13 và Lc 7, 1-9). Nhưng trong cả hai lần, không phải Đức Giê-su tìm đến với Dân Ngoại, mà chính họ đã tìm đến với Người. Về phần Người, Người khẳng định: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi.” (Mt 15, 24)

Còn các mệnh lệnh truyền giáo hoàn vũ của Đức Giê-su thì chỉ được Người ban trong bối cảnh hậu-phục-sinh, chứ không phải trong thời gian rao giảng của Ngươi. Nếu có những lời nào của Đức Giê-su liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc   (Mc 13, 10 và Mt 24, 14) thì đó cũng chỉ là những chỉ thị cho hoạt động của cộng đoàn tín hữu thời hậu-phục-sinh mà thôi.

Như thế, các sách Tin Mừng không cho chúng ta bằng chứng rõ ràng rằng, trong lúc sinh thời, Đức Giê-su đã dấn mình vào một công cuộc truyền giáo hay truyền cho các môn đệ của Người làm việc này. Do đó, ta hiểu được tại sao cộng đoàn tín hữu Pa-lét-tin có thái độ dè dặt trong việc kết nạp các dân ngoại. (x. Cv 11, 1-18)

Có nhiều ý kiến thường là bất đồng với nhau về sự kiện này.

- Có ý kiến cho rằng trên thực tế Đức Giê-su là một nhà truyền giáo đích thực và trọn vẹn, do hoạt động của Người trên đất Dân Ngoại (x. Mt 4, 12-17; Mt 8, 28-34; Mc 5, 1-20; Lc 8, 26-39 hoặc Mt 15, 21 và Mc 7, 24.31), do thái độ cởi mở của Nguời đối với Dân Ngoại (x. Mt 8, 3-13; Lc 7, 1-9) và do các lệnh truyền truyền giáo của Người cho môn đệ (x. Mt 28, 19; Mc 16, 14-18; Lc 24, 36-49; Ga 20, 19-23).

- Ý kiến khác thì cho rằng Đức Giê-su đã có kế hoạch truyền giáo trong đầu rồi; nhưng Người đã không khai mở hoạt động truyền giáo lúc sinh thời mà đợi đến sau khi phục sinh thì mới truyền cho các môn đệ thực hiện kế hoạch đó.

- Theo một ý kiến thứ ba thì Hội Thánh sơ khai đã nhận ra chiều kích phổ quát trong giáo huấn của Đức Giê-su nên coi việc truyền giáo Dân Ngoại có nền tảng nơi giáo huấn đó.

- Ý kiến sau cùng là chính cuộc phục sinh của Đức Giê-su từ cõi chết đã thuyết phục Hội Thánh sơ khai tin rằng thời cứu độ cuối cùng đã ló dạng và biến cố được mong đợi là cuộc hành hương của các dân tộc về Xi-on (x. I-sai-a 2, 1-5); niềm tin này đã kích thích hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.

Tuy có những mặt tích cực, nhưng các ý kiến trên chứa đựng những điểm yếu vì không cho thấy rõ ràng mối tương quan giữa thông điệp của Chúa Giê-su như đã được rao giảng chủ yếu cho người Do-thái của thời đại Người và thông điệp mà Hội Thánh sơ khai đã rao giảng cho người Do-thái và cho Dân Ngoại.

Vậy những nét đặc trưng của con người và sứ vụ của Đức Giê-su như là yếu tố nuôi dưỡng ý thức truyền giáo của Hội Thánh sơ khai nằm ở đâu?

Nó nằm trong các dụ ngôn của Đức Giê-su về một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, trong mối quan hệ thân thiết của Người với các phụ nữ và những người bị bỏ rơi, trong việc Người chữa lành các bệnh nhân và trừ quỉ và trong việc Người giải thích Lề Luật. Tất cả những điều này trở thành một định nghĩa tích hợp về Nước Thiên Chúa theo ý của Đức Giê-su.

2. Định nghĩa của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa

Thật ra không thấy chỗ nào trong các sách Tin Mừng có một định nghĩa của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa. Định nghĩa này được hàm ẩn trong các dụ ngôn và câu nói của Đức Giê-su và phải được suy diễn từ thông điệp toàn thể của lối sống, việc rao giảng và hành động của Người.

a) Lối sống của Đức Giê-su

Tất cả các nhà nghiên cứu Tân Ước đều hoàn toàn nhất trí rằng một trong các nét đặc trưng của Đức Giê-su Na-da-rét chính là mối quan hệ hết sức tự do và thân mật của người với Thiên Chúa. Như ai cũng biết, từ thân mật “ABBA” – một từ a-ram mà trẻ con và cả người lớn dùng để gọi “cha” của mình một cách thân mật – có thể là các xưng hô mà Đức Giê-su dùng hằng ngày khi Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Mc 14, 36).

Tình thân mật của Đức Giê-su vói Cha của Người phải được liên kết với một đặc điểm khác của truyền thống Tin Mừng, đó là sự nhấn mạnh của Đức Giê-su về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Sở dĩ Đức Giê-su tự do xưng hô bằng từ “ABBA” với Thiên Chúa đáng kính sợ của Ít-ra-en, đó là vì Người đã kinh nghiệm về Thiên Chúa như là Đấng từ bi, nhân hậu và bao dung. Điều này được mạc khải trong nhiều dụ ngôn (như Con chiên lạc, Đồng tiền bị đánh mất, Người con hoang đàng, Thợ làm vườn nho trong ngày... ), trong lời rao giảng của Đức Giê-su về Thiên Chúa là “Đấng cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5, 45) và trong lời mời gọi đáp ứng và hoán cải “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em” (Mt 5, 44), “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Trong sứ vụ về Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su còn cho thấy một nét đặc trưng khác trong lối sống của Người: sự Người liên kết một cách thách thức với những thành phần bị xã hội Do-thái gạt ra ngoài cộng đồng tôn giáo. Người công khai đồng bàn với những người tội lỗi và thu thuế (Mt 9, 10; Mc 2, 15); đứng về phía những người nghèo khó, bị áp bức bốc lột (x. Lc 6, 20-23); tỏ thái độ cởi mở với người Xa-ma-ri bị người Do-thái khinh dể (x. Lc 17, 11-19 và Gioan 4); kết thân với các phụ nữ, cho họ gia nhập đoàn môn đệ, cởi mở trò chuyện với họ và công khai chấp nhận những cử chỉ yêu thương và trung thành của họ (x. Lc 7, 36-50; 8, 1-3; Gioan 12, 3-7...) – những hành vi cấm kỵ đối với một thầy dạy tôn giáo trong xã hội Do-thái thời đó; tỏ thái độ cởi mở đối với những người nước ngoài thường bị đa số người Do-thái đương thời của Người sợ hãi và xa lánh (x. Mt 8, 5-13; Mc 7, 24-30); bình luận tốt về các thành phố Dân Ngoại (x. Mt 11, 20-24): có vẻ như Đức Giê-su có khả năng phát hiện ra sự tốt lành nơi những người mà xã hội của Người coi là xấu xa.

Hai nét đặc trưng trên đây cho thấy một sự đánh giá mới mẻ của Đức Giê-su về bản tính tự do và nhân hậu của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa không thể bị kiểm soát hay giới hạn bởi những ranh giới do chính Ít-ra-en cẩn thận vẽ ra: sự đánh giá này không những cắt nghĩa nhiều đặc điểm của sứ vụ của Đức Giê-su ở Ít-ra-en mà còn trở thành một mối liên hệ thiết yếu với việc truyền giáo của chính Hội Thánh.

b) Đức Giê-su giải thích Lề Luật và dạy về sự Tha thứ

Việc tranh cải và giải thích Lề Luật được coi như là một nét đăc trưng khác trong lời rao giảng của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa đến cai trị Ít-ra-en là một Thiên Chúa đầy khoan dung nhân hậu, luôn để ý tới những đau khổ và thiếu thốn của con người; từ lòng khoan dung nhân hậu này tuôn tràn ý muốn của Thiên Chúa đối với loài người: dưới con mắt của Đức Giê-su, đây mới là ý nghĩa thật của Lề Luật. Việc đặt tất cả lề luật phụ thuộc giới luật yêu thương thu tóm được tất cả tinh thần của lời rao giảng của Đức Giê-su (x. Mt 22, 40; Mc 12, 31; Lc 10, 25-37).

Một điểm nổi bật khác trong lời rao giảng của Đức Giê-su là sự nhấn mạnh về hòa giải và tha thứ vượt trên sự phán xét hay đền bù. Vị Thiên Chúa của triều đại đang đến là một vị Thiên Chúa tha thứ một cách vô điều kiện; vì vậy người nào chấp nhận vị Thiên Chúa này thì phải biến đổi đời sống mình cho phù hợp (x. Mt 18, 23-35).

Chúng ta thấy sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su xóa tan sự xa lạ và phá đổ các bức tường thù nghịch hay ngăn cách. Đây chẳng phải là động cơ và cũng là cơ sở cho một sứ vụ truyền giáo phổ quát hay sao?

c) Đức Giê-su chữa bệnh và trừ quỉ

Một thành phần cơ bản khác của sứ vụ của Đức Giê-su giúp định nghĩa về Nước Thiên Chúa là các hành động quyền năng của Người trong việc chữa bệnh và trừ quỉ. Đức Giê-su minh nhiên nối kết hoạt động chữa bệnh và trừ quỉ của Người với Nước Thiên Chúa. Nguời nói: “Nếu tôi dùng ngón tay của Thiên Chúa mà trừ quỉ thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 1, 20) Như vậy, Thiên Chúa của Nước Trời đến để tiêu diệt bệnh tật, sự chết và sự dữ, và Đức Giê-su, với hành động chữa lành và trừ quỉ, bộc lộ chính bản chất của vị Thiên Chúa của Nước Trời.

Đàng khác, hoạt động chữa lành, và đặc biệt hoạt động trừ quỉ, còn mang một ý nghĩa cánh chung. Việc lật đổ Xa-tan và cuộc bại trận vĩnh viễn của sự ác và sự chết là những chủ đề đặc trưng của truyền thống khải huyền Do-thái.

Hoạt động quyền năng của Đức Giê-su chứng minh rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ bao trùm tội lỗi cá nhân, mà còn bao trùm toàn thể thân xác con người, các cơ cấu xã hội, các mãnh lực huyền bí kiểm soát tạo vật.

Qua các nét đặc trưng khác nhau trong sứ vụ của Đức Giê-su, ta có được một định nghĩa về Nước Thiên Chúa: đó là sự thống trị hiệu quả và có sức biến đổi của một vị Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân hậu.

3. Các hệ quả phổ quát từ sứ vụ của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa

Như đã nói ở trên, Đức Giê-su đã không khai mở một chương trình truyền giáo phổ quát, nhưng chính sứ vụ của Người về Nước Thiên Chúa – qua con nguời, lời giảng dạy và các hành động của Người – mạc khải cho ta một hình ảnh mở rộng về Thiên Chúa, một quan niệm đại đồng về Dân Thiên Chúa và một cái nhìn tích cực về số phận loài người. Những hệ quả này sẽ trở thành một chất xúc tác không thể dập tắt để giúp hình thành ý thức truyền giáo của Hội Thánh.

a) Một hình ảnh mở rộng về Thiên Chúa.

Đức Giê-su đã không đưa thêm một yếu tố nào mới vào hình ảnh Thiên Chúa của di sản Do-thái, nhưng Người đã tạo cho hình ảnh đó một sức mạnh độc đáo bằng những điểm nhấn mạnh trong lời rao giảng của Người: Người làm nổi bật quan hệ vô cùng thân mật giữa Thiên Chúa và tín hữu. Đáp lại sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa, Đức Giê-su kêu gọi người tín hữu cầu nguyện liên tục, không do dự, cầu nguyện với lòng tín thác. Người còn dạy phải đáp trả bằng việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x. Mt 7, 21), bằng việc từ bỏ mọi sự vì Nước Trời (x. Mc 10, 28-31), bằng việc tha thứ như chính mình được tha thứ (x. Mt 6, 12.14-15). Không đáp trả sẽ là một tai họa đối với đời sống con người. Nhưng Đức Giê-su nhấn mạnh trong lời giảng dạy của Người là chúng ta kinh nghiệm trước tiên về Thiên Chúa không phải như một sự phán xét hay loại trừ, nhưng như một lời mời gọi, cảm thông và tha thứ. Động lực đầu tiên của Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng là sự chấp nhận, mở rộng, dung nạp; Ngài tác động đến người ở trong cũng như người ở ngoài, người công chính cũng như kẻ tội lỗi.

Hình ảnh này của Thiên Chúa dẫn tới một khuynh hướng trong sứ vụ của Đứa Giê-su là phá vỡ mọi ranh giới. Đây cũng là một yếu tố có ý nghĩa trong các nền thần học truyền giáo sau này của Tân Ước.

b) Một quan niệm đại đồng về Dân Thiên Chúa.

Dân Thiên Chúa, theo truyền thống Cựu Ước, là It-ra-en, dân được tuyển chọn. Sau những năm tháng sống cảnh lưu đày rồi tiếp theo là những thời gian bị đô hộ, hình ảnh về số sống sót rất được phổ biến trong dân It-ra-en vào thời Đức Giê-su: nó diễn tả niềm mong đợi rằng chỉ một phần được chọn của It-ra-en sẽ trung thành và được cứu; nó cũng là một phần của bầu khí phe phái lan rộng do mối đe dọa từ cuộc chiếm đóng của quân Rô-ma và sự thỏa hiệp của các nhóm cai trị ở Ít-ra-en.

Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su chọn Nhóm Mười Hai để cho thấy rằng hình ảnh mà Người thích về số phận của Ít-ra-en không phải là hình ảnh về số sống sót nhưng là hình ảnh về Dân Thiên Chúa được khôi phục hoàn toàn. Vậy theo Đức Giê-su, ai thuộc về Dân Thiên Chúa?

Đó là muôn dân “từ phương đông phương tây...sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời(Mt 8, 11) nếu họ “có lòng tin như thế(Mt 8, 10) – nghĩa là như lòng tin của viên đại đội trưởng Rô-ma, một người thuộc Dân Ngoại (x. Mt 8, 5-11).

Như vậy, tiêu chuẩn để được kể vào Dân Thiên Chúa chính là sự đáp ứng ân sủng của Thiên Chúa một cách đúng đắn bằng đức tin và lòng vâng phục; tiêu chuẩn này không dựa trên chủng tộc và thân phận. Quả là một thách thức đối với các thái độ, các tập tục và các cơ cấu có khuynh hướng độc đoán hạn chế hay loại trừ trong dân Ít-ra-en. Và Đức Giê-su phải trả giá cho sự thách thức này: Người liều mình bị kết án bởi luật khi trực tiếp kết thân với những người bị xã hội ruồng bỏ, khi cố tình “vi phạm” ngày sa-bát, khi cắt nghĩa lại lề luật theo hướng từ bi nhân hậu...

c) Một cái nhìn tích cực về số phận loài người.

Trong lời rao giảng của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa, chúng ta không tìm thấy một sự xác định rõ ràng về “giờ đến” của Nước đó: khi thì Nguời nói Nước “đã đến gần(x. Mc 1, 15), lúc khác Người lại làm ta liên tưởng đến một sự chờ đợi nơi tương lai (x. Mt 13, 24-30). Người còn quả quyết: “Về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” (Mc 13, 32).

Nhưng việc Nước Thiên Chúa đến không thể giản lược vào một số hoàn cảnh hay biến cố cụ thể, và vì thế không thể xác định cho thời điểm lịch sử đặc thù này. Hơn nữa, Nước Thiên Chúa là một kinh nghiệm về quyền thống trị của Thiên Chúa, mà sự hoàn thành quyền thống trị ấy với các hiệu quả của nó trên bình diện hoàn vũ và lịch sử còn nằm trong tương lai, trong khi sự hiện diện của nó đã bước vào lịch sử loài người rồi. Thiên Chúa của Nước Trời làm cho sự hiện diện của Ngài cảm thấy được trong hiện tại và hướng dân của Ngài và thế giới tới số phận viên mãn. Niềm tin về mối quan hệ của Thiên Chúa với lịch sử loài người, như được diễn tả trong lời giảng dạy và sứ vụ của Đức Giê-su, có những hệ quả tinh tế nhưng cụ thể đối với ý thức truyền giáo của Hội Thánh sơ khai.

Lời giảng dạy của Đức Giê-su, đặc biệt các dụ ngôn của Người, chứa đựng một cái nhìn lạc quan, đầy hy vọng về lịch sử. Nghĩa là bất chấp mọi rối loạn và thử thách, chiến thắng tối hậu chắc chắn sẽ thuộc về quyền thống trị của Thiên Chúa. Các dụ ngôn về sự lớn lên: Dụ ngôn Hạt giống gieo xuống đất tự nảy mầm và mọc lên (x. Mc 4, 26-29); dụ ngôn Hạt cải (x. Mc 4, 31-32); dụ ngôn Men trong bột (Mt 13, 33)... không bình luận về bản chất phát triển của Nước Trời nhưng về chiến thắng cuối cùng của quyền năng Thiên Chúa.

Các hành động trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại của Đức Giê-su báo trước cuộc bại trận tối hậu của Xa-tan (x. Lc 10, 17-18) khi Nước Thiên Chúa đến.

Viễn tượng cánh chung – niềm tin chắc chắn về chiến thắng tương lai của quyền chủ tể của Thiên Chúa và cuộc đại bại cuối cùng của sự chết – trở thành một phần của sứ vụ hiện tại của Đức Giê-su. Viễn tượng này có tác động mạnh đối với Hội Thánh sơ khai và đó cũng là động cơ truyền giáo của Hội Thánh.

***

Kết luận

Đức Giê-su và việc truyền giáo của Người là yếu tố quyết định tối hậu cho tính chất, phạm vi, sự cấp bách và quyền bính của việc truyền giáo của Hội Thánh Đức Ki-tô thời sơ khai.

Về tính chất, việc truyền giáo của Hội Thánh sơ khai mang đậm các nét đặc trưng của sứ vụ của chính Đức Giê-su: sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, vị trí trung tâm của giới luật yêu thương, sự nhấn mạnh về hòa giải và cộng đoàn, thái độ mở rộng vòng tay đón nhận những người nghèo khổ và bị ruồng bỏ, tinh thần cậy trông vào Thiên Chúa...

Về phạm vi, việc truyền giáo của Hội thánh sơ khai có chuyển động ly tâm, vượt qua ranh giới của Ít-ra-en để mở ra cho Dân Ngoại.

Cộng đoàn Ki-tô giáo thời sơ khai tiếp tục phát triển ý thức lịch sử của Đức Giê-su, nên tin chắc rằng mình đang sống trong thời đại mong chờ cuộc chiến thắng chung cuộc của quyền năng Thiên Chúa.

Sau hết, biến cố Phục sinh mạc khải cho cộng đoàn Hội Thánh sơ khai về bản tính siêu vời của Đức Giê-su, như là Đấng Ki-tô, như là Con Thiên Chúa, như là Con loài người, như là Chúa tể hoàn vũ. Quyền bính của Đức Ki-tô vốn tiềm ẩn trong lời nói và hành vi nhân hậu của Giê-su Na-da-rét, bây giờ được minh nhiên mạc khải ra như là quyền bính và sứ mạng của Con Thiên Chúa. Chính năng động này đã khai sinh ra nền thần học truyền giáo của Tân Ước.

 

Giáo Phận Đàlạt

ngày 2-11-2006


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo