Bài 3 :

NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Truyền giáo theo Thánh Phao-lô

 

21 trong 27 sách Tân Ước là những lá thư – và 13 trong 21 thư đó, khi được trích đọc trong Phụng Vụ, thì được công bố là thư của thánh Phao-lô. Nhưng theo 2 tác giả của công trình nghiên cứ mà chúng tôi mạo muội tóm lược để giới thiệu đây thì không hoàn toàn là như thế. Họ viết : Chung chung, các nhà nghiên cứu Phao-lô đều nhất trí rằng các thư sau đây là xác thực của Phao-lô : Rô-ma, 1 Cô-rin-tô, Ga-lát, 1 Thê-xa-lô-ni-ca, Phi-lê-môn. Một ít nhà nghiên cứu tranh cãi về tính xác thực của thư Phi-líp, nhưng các lý do để loại bỏ thư này xem ra có vẻ rất yếu. Các thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca và Cô-lô-xê có thể đáng tranh cãi hơn, nhưng chúng ta sẽ coi chúng là những thư xác thực của Phao-lô. Theo chúng tôi nghĩ, các thư Mục vụ và thư Ê-phê-xô chứa đựng truyền thống xác thực của Phao-lô, nhưng rất có thể chúng được biên soạn sau Phao-lô, dựa trên tư tưởng của chính Phao-lô nhưng được cắt nghĩa lại cho một thời kỳ mới và một tình huống mới...” (Sđd tr. 154)

Tuy vậy, Thánh Phao-lô là tác giả duy nhất trong Tân Ước đã cống hiến một trình bày sâu xa và hệ thống nhất về nhãn quan ki-tô-giáo phổ quát, mặc dầu ngài không phải là người duy nhất hay người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho những người không phải là Do-thái, vì hoạt động truyền giáo của Ki-tô giáo đã lan rộng khắp đế quốc, ít là tới tận Rô-ma, trước khi Thánh Phao-lô xuất hiện. Nhưng sức mạnh của lời nói, nhân cách và nghị lực dấn thân truyền giáo của Thánh Phao-lô tiếp tục làm cho các thư Phao-lô trở thành một thách thức đầy uy lực để Hội Thánh hiểu biết chính mình.

Trong bài tóm lược sau đây, chúng ta sẽ xem các tác giả của công trình nghiên cứu trả lời thế nào cho hai câu hỏi mà chính họ đặt ra về nền thần học truyền giáo của thánh Phao-lô :

- Nền tảng thần học truyền giáo của Thánh Phao-lô là gì, nghĩa là niềm xác tín nào đã làm cho một người Pha-ri-sêu chính gốc (Pl 3,5) trở thành Tông đồ Dân Ngoại ?

- Chúng ta có thể học được gì về nội dung và chiến lược cũng như phong cách truyền giáo của Thánh Phao-lô ?

***

Trước khi đi vào đề tài chính trên đây, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm : Bản chất của các thư Phao-lôCác ảnh hưởng đã góp phần hình thành tư tưởng của Thánh Phao-lô.

Về bản chất, các thư Phao-lô là những thư chủ đề,chứ không phải là những bản văn truyền giáo theo nghĩa chặt. Trừ thư gửi các tín hữu Rô-ma, một cộng đoàn mà không phải chính Thánh Phao-lô rao giảng, còn các thư khác của ngài đều được viết cho các giáo đoàn đã được ngài thiết lập và có mối quan hệ sâu đậm. Tuy vậy, các thư Phao-lô cũng mang tính chất công khai và phổ quát, và dầu được viết cho một nhóm độc giả đặc biệt, có vẻ như các lá thư cũng có ý được đọc nơi công cộng và thậm chí được luân lưu cho các cộng đồng khác... Đàng khác, chúng ta không được quên rằng tất cả các thư lớn của Thánh Phao-lô đều được viết vào thời hoạt động truyền giáo sung mãn nhất của ngài, và tất cả – trừ thư Rô-ma – đều được viết cho các cộng đoàn phát sinh trực tiếp từ chính hoạt động truyền giáo của ngài.

Về các ảnh hưởng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng của Thánh Phao-lô, ta có thể kể đến Do-thái giáo, truyền thống Ki-tô giáo thời sơ khai và văn hóa Hy-lạp :

a) Thánh Phao-lô chấp nhận Kinh Thánh Do-thái là Lời mạc khải của Thiên Chúa và nhất quán triển khai thần học của ngài trong đối thoại với kinh Thánh ;

b) Thánh Phao-lô minh nhiên xác nhận lời rao giảng của mình là nhận được từ truyền thống (Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em...” [1Cr 11,23] ; “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.” [1Cr 15,3]), và ngài cực lực bênh vực tính xác thực của sứ mạng và Tin Mừng của ngài bằng cách nhắc tới sự tán thành của các giới thẩm quyền của cộng đoàn (Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các Dân Ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì.” [Gl 2,9]) ;

c) Sau hết, sống vào một giai đoạn mà văn hóa Hy-lạp đã xâm nhập khá sâu vào đất Pa-lét-tin cũng như vùng Tiểu Á, chắc chắn Thánh Phao-lô không thể thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó, ví dụ như trong vấn đề hôn nhân hỗn hợp (1Cr 7), hay vấn đề đồ cúng (1Cr 8) cũng như trong việc vay mượn các khái niệm và ngôn ngữ Hy-lạp.

***

1. Cuộc trở lại của Thánh Phao-lô

Đích thân Thánh Phao-lô đã minh nhiên đồng hóa ơn gọi truyền giáo của mình với kinh nghiệm ngài đã trải qua trên đường Đa-mát. Về kinh nghiệm khai mào đời sống ki-tô-giáo của mình, hay còn gọi là cuộc trở lại của ngài, Thánh Phao-lô đã nói đến trong một ít văn bản như ta sẽ thấy dưới đây ; tuy nhiên ngài không cho chúng ta một mô tả về chính sự kiện đó (như tác giả Lu-ca đã làm trong sách Công vụ Tông đồ – Cv 9,3-8) ; ngài chỉ nhấn mạnh đến thực tại của kinh nghiệm và hậu quả của nó đối với niềm tin của ngài vào Đức ki-tô và đặc biệt vai trò tông đồ của ngài.

Trong thư Ga-lát (1,1-17), ngài viết : Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người... nhưng chính là Đức Giê-su Ki-tô đã mạc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái... tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông. Nhưng Thiên Chúa... đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại...”

Thánh Phao-lô cũng nhắc lại cuộc hoán cải này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô. Ngài viết : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba Người đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người cũng đã hiện ra với tôi... tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa... Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.” (1Cr 15,3-11) Ở đây, tuy không được nhấn mạnh như ở thư Ga-lát, nhưng Thánh Phao-lô vẫn đồng hóa ơn gọi tông đồ của ngài với kinh nghiệm hoán cải của ngài.

Cũng trong thư trên đây, nơi chương 9, Thánh Phao-lô đã nhắc đến – tuy chỉ thoáng qua – kinh nghiệm hoán cải của mình, như để trả lời cho thách thức của cộng đoàn ki-tô hữu đối với quyền bính của ngài. Ngài nói : Tôi không phải là Tông đồ ư ? Tôi đã không thấy Đức Giê-su Chúa chúng ta sao ? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao ?” (1Cr 9,1)

Qua những trích dẫn trên đây về sự trở lại của Thánh Phao-lô, chúng ta có thể tóm tắt như sau về nội dung cơ bản của mạc khải mà ngài đã nhận được :

- Thánh Phao-lô nhận ra rằng Giê-su Na-da-rét, người đã bị kết án đóng đinh thập giá, trên thực tế chính là Đức Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết và được tôn vinh là Con Thiên Chúa, và ngài quả quyết rằng Tin Mừng ngài rao giảng là do chính Đức Giê-su Ki-tô đã mạc khải.” (Gl 1,12) ;

- Thánh Phao-lô cũng xác tín rằng thông qua Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại.

- Mặc dầu hoạt động truyền giáo sôi động nhất của Thánh Phao-lô chỉ bắt đầu nhiều năm sau kinh nghiệm Đa-mát, và mặc dầu việc người Do-thái bác bỏ lời rao giảng của ngài, như được tường thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ (x.Cv 13,44-47), cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngài quyết định hoàn toàn quay sang truyền giáo cho Dân Ngoại, nhưng Thánh Phao-lô vẫn thường xuyên liên kết trực tiếp ơn gọi rao giảng cho Dân Ngoại với kinh nghiệm khai mào Ki-tô giáo, hay là cuộc trở lại, của ngài.

Kết luận về điều được nói đến trên đây, chúng ta thấy rằng việc Thánh Phao-lô từ một người Pha-ri-sêu chính gốc trở thành tông đồ Dân Ngoại được coi như là một cuộc trở lại hay hoán cải của ngài ; nhưng chắc chắn đây không phải là một sự cải đạo vì Thánh Phao-lô đã không thay đổi từ một “tôn giáo Do-thái” sang một “tôn giáo Ki-tô”, mà đây là một bước ngoặt mạnh ngài đã kinh nghiệm trong cuộc gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh : kinh nghiệm này làm Thánh Phao-lô xác tín rằng Thiên Chúa của Ít-ra-en quả thực là một vị Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn nhân loại nhờ Đức Giê-su Ki-tô và vì thế không lệ thuộc Lề Luật, một vị Thiên Chúa không thiên vị, từ bi nhân hậu với cả người Do-thái lẫn Dân Ngoại. Nói thế không có nghĩa là Thánh Phao-lô bất mãn với Do-thái giáo và Lề Luật của nó. Thư gửi cho giáo đoàn Phi-lip-phê (Pl 3,4-6) phản ánh sự đánh giá của chính Thánh Phao-lô về đời sống của ngài trong đạo Do-thái, và không có gợi ý nào về Lề Luật như là một gánh nặng tội lỗi. Thư Rô-ma (Rm 7,7-13) cho thấy Thánh Phao-lô không có ý kết án Lề Luật nhưng muốn bênh vực sự tốt lành nội tại của Lề Luật. Theo ngài, kẻ có lỗi không phải là Lề Luật hay bản thân con người, nhưng là tội lỗi ; chính tội lỗi làm cho tiềm năng cứu rỗi của Lề Luật trở thành vô hiệu.

Tóm lại, thần học truyền giáo của Thánh Phao-lô có khởi điểm đích thực và chủ đề chính chứa đựng trong kinh nghiệm hoán cải của ngài : Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi cho mọi người nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

2. Nền tảng thần học của việc truyền giáo của Thánh Phao-lô

Trước hết, đó là niềm xác tín của Thánh Phao-lô về diện mạo của Đức Giê-su như là Đấng Mê-xi-a được tôn vinh. Thánh Phao-lô không mấy quan tâm tới các chi tiết cuộc đời Đức Giê-su ; đối với ngài, điều quqn trọng nhất không phải ở chỗ Đức Giê-su đã làm gì nhưng ở chỗ Người là ai. Là người có chung với Ít-ra-en niềm mong đợi Đấng Mê-xi-a, Thánh Phao-lô trở nên xác tín rằng Đức Giê-su chính là Đấng ấy. Như thế Đức Giê-su Na-da-rét là nhân vật lịch sử, nhờ đó kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành.

Đó cũng là niềm tin của Thánh Phao-lô vào giá trị cứu độ phổ quát của cái chết thập giá của Đức Giê-su người Do-thái và của sự phục sinh của Người. Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh....” (1Cr 15,3-4) Thánh Phao-lô xác tín rằng sứ mạng cứu rỗi của Đức Giê-su cũng trải rộng ra cùng với ơn cứu độ của Thiên Chúa, cho tất cả mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại. Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.” (Rm 10,12) Có thể nói Thánh Phao-lô sử dụng cái chết-phục sinh như biểu tượng hoạt động của toàn thể đời sống của Đức Giê-su. Tất cả đời sống này, đối với Thánh Phao-lô, là hành vi cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Nhưng trong thần học của Thánh Phao-lô, ơn cứu độ do Thiên Chúa ban nhờ cái chết-phục sinh của Đức Giê-su không phải là phổ quát theo nghĩa nó bỏ qua sự đáp ứng của con người. Thánh Phao-lô tin rằng những người được ban ơn cứu độ phổ quát nhờ Đức Giê-su là những người đáp lại Tin Mừng với lòng tin, chứ không phải thông qua lề luật.

Tóm lại, nền tảng thần học truyền giáo của Thánh Phao-lô được tạo thành bởi những xác tín cơ bản sau đây của ngài. Ngài xác tín rằng :

- Thiên Chúa đã tự do quyết định ban ơn cứu độ cho mọi người ;

- Ơn cứu độ này được ban nhờ Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng Mê-xi-a của Thiên Chúa ;

- Công trình Mê-xi-a của Đức Giê-su được hoàn tất chủ yếu nhờ cái chết và sống lại của Người ;

- Việc tiếp cận ơn cứu rỗi được mở ra cho những ai đáp ứng bằng lòng tin vào Đức Ki-tô.

3. Nội dung việc rao giảng của Phao-lô

Xác định nội dung việc rao giảng truyền giáo của Thánh Phao-lô dựa trên các thư xác thực của ngài không phải là việc dễ, vì, như đã nói ở trên, các thư này không phải là những văn kiện truyền giáo đúng nghĩa. Chúng ta không có nguồn tư liệu nào về nội dung và phong cách rao giảng mà Thánh Phao-lô có thể đã sử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng ban đầu cho các cộng đoàn Dân Ngoại. Tuy nhiên có vẻ hợp lý là các thư Phao-lô phản ánh một số chủ đề cơ bản mà ngài đã dùng trong việc rao giảng cho các cộng đoàn này – một số trong những chủ đề này đã được phân tích trong phần nói về nền tảng thần học của Thánh Phao-lô. Sau đây chúng ta sẽ nêu ra một số nét phản ánh việc rao giảng ban đầu của ngài và ghi nhận mối tương quan của những nét nầy với thần học truyền giáo cơ bản đã phác họa ở trên. Những điểm này cho thấy Thánh Phao-lô đã vay mượn các chủ đề từ chính di sản Do-thái giáo của ngài, rồi thích nghi chúng với thông điệp mới của Ki-tô giáo.

a)      Thánh Phao-lô kêu gọi Dân Ngoại “từ bỏ ngẫu tượng mà quay về phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật.” (1 Tx 1,9 và Rm 1,18-32) Sự từ bỏ và quay về này là một chủ đề mạnh của Do-thái giáo trong cuộc đối thoại với Dân Ngoại, nhưng nơi Thánh Phao-lô, nó mô tả một sự biến đổi hoàn toàn, một sự giải phóng của toàn nhân loại khỏi sự trói buộc của tội lỗi và sự chết và chấp nhận quyền chủ tể của Đức Ki-tô.

b)      Biết Thiên Chúa hay Được Thiên Chúa biết đến – một mô tả của sự trở lại – là một chủ đề khác của việc rao giảng truyền giáo được Thánh Phao-lô rút từ Do-thái giáo. Trước kia, khi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ những vật tự bản chất không phải là thần. Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn, được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa ?” (Gl 4,8-9) “Biết Thiên Chúa”, ở đây, có nghĩa là được giải phóng khỏi sự ngu dốt của việc làm nô lệ cho tà thần. Còn “Được Thiên Chúa biết đến” đồng nghĩa với việc được Thiên Chúa tuyển chọn. Thánh Phao-lô đặt cả hai chiều kích này – “biết” và “được biết đến”, được giải phóng và được tuyển chọn - trên nền tảng là hành vi cứu chuộc của Đức Ki-tô. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4,4-5)

c) Nhưng dù sử dụng những chủ đề truyền giáo Do-thái trong di sản của ngài như một phần công việc rao giảng Tin Mừng ban đầu của ngài, vẫn có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy phần lớn đường lối truyền giáo của Thánh Phao-lô là một sự loan báo trực tiếp về sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su như một hành vi cứu độ của Thiên Chúa. (x.1Cr 15,3-4) Ngài còn nhấn mạnh Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh (1Cr 1,23) Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh.” (1Cr 2,2)

d)      Riêng hai thư Cô-lô-xê và Ê-phê-xô - mặc dầu tính xác thực của hai thư này, đặc biệt là thư Ê-phê-xô, có thể gây tranh cãi - tạo thành một trong những phát biểu mạnh nhất của Tân Ước liên quan đến bản chất truyền giáo phổ quát của Hội Thánh. Các chân trời của Hội Thánh không còn có thể chật hẹp nữa, và chương trình hành động của Hội Thánh sẽ không còn có thể rụt rè nữa. Hội Thánh phục vụ một Đấng làm Chúa tể vũ trụ là Đức Giê-su Ki-tô, vì vậy phạm vi phục vụ của Hội Thánh là cả thế giới.

Tóm lại, chính các niềm xác tín đã được hình thành trong kinh nghiệm khai mào ngài đã trải qua trên đường Đa-mát đã tạo thành nền tảng sứ điệp truyền giáo của Thánh Phao-lô.

4. Chiến lược và phong cách truyền giáo của Thánh Phao-lô

Cũng chính kinh nghiệm trở lại này đã vạch ra dòng đời của Thánh Phao-lô, đã hình thành chiến lược và phong cách truyền giáo của ngài.

Mục tiêu truyền giáo của ngài là thu nhập Dân Ngoại, nhờ đó kích thích chính Ít-ra-en ăn năn sám hối để đẩy nhanh màn diễn cuối cùng của tấn kịch cứu độ, vì ngài luôn luôn ý thức rằng việc truyền giáo cho Dân Ngoại vẫn phát xuất “từ Giê-ru-sa-lem”. “...Các Dân Ngoại đã được chia sẻ các phúc lộc thiêng liêng của các thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì họ cũng có bổn phận dùng các của cải vật chất mà giúp đỡ lại.” (Rm 15,27)

Để đạt mục tiêu này, thánh Phao-lô không ngần ngại tự gán cho mình những danh hiệu có vẻ đầy tham vọng : ngài tự ví mình như ngôn sứ I-sai-a (x.Rm 1,1 ; Gl 1,15), ngôn sứ Giê-rê-mi-a (x.Gl 1,15) ; ngài coi sứ vụ của ngài là một hành vi tư tế, dâng hiến Dân Ngoại lên Thiên Chúa để được thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rm 15,16) ; ngài tự nhận là hương thơm của Đức Ki-tô (2Cr 2,15), là ngườiphục vụ Giao Ước mới (2Cr 3,6), là tôi tớ(1Cr 3,5) của Thiên Chúa, là tông đồ các Dân Ngoại (Rm 11,13).

Nhưng các danh hiệu này luôn đi đôi với sự nhìn nhận thành thật của thánh nhân về những yếu đuối của mình, những yếu đuối đã trở nên hiển nhiên trong khi ngài thi hành ơn gọi tông đồ của ngài (x.Rm 7,18-23). Tuy vậy, ta không thấy chỗ nào trong các thư Phao-lô cho thấy ngài do dự về bản chất của sứ vụ toàn cầu và ơn gọi tông đồ của ngài.

Chiến lược truyền giáo của Thánh Phao-lô là tập trung vào các trung tâm ở các vùng chưa được nghe Tin Mừng, rồi để cho chính các cộng đoàn và các nhà truyền giáo khác tự làm công việc rao giảng Tin Mừng cho các vùng lân cận. Bản thân ngài tỏ ra vội vã với nhiệm vụ cấp bách là rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa được nghe Tin Mừng, vì ngài xác tín rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người “bây giờ” và ngài là người được kêu gọi để loan báo sứ điệp cứu rỗi ấy cho Dân Ngoại.

Mục tiêu rộng lớn và khẩn trương của thánh Phao-lô cũng có vẻ góp phần vào sự “lo lắng tông đồ” mà ngài cảm nghiệm đối với các cộng đoàn mới trở lại của ngài. Ngài liên lỷ cầu nguyện cho các cộng đoàn này được trung thành và kiên trì cho tới ngày cuối cùng, để ngài được hiên ngang hãnh diện trong ngày Đức Ki-tô quang lâm...” (Pl 2,16) Mối lo lắng này cho sự kiên trì của các Hội Thánh địa phương có vẻ đứng đầu danh sách các nỗi đau khổ mà thánh Phao-lô đã phải chịu trong tư cách là tông đồ. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh !” (2Cr 11,28)

Thư Rô-ma, đặc biệt chương 15 của thư đó, cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về phong cách và chiến lược truyền giáo của Thánh Phao-lô. Ngài tỏ lộ ơn gọi khai mào của ngài là làm người phục vụ Đức Ki-tô giữa các Dân Ngoại (Rm 15,16) Sứ vụ này, ngài đã tận tâm tận lực theo đuổi bằng lời nói, việc làm, bằng sức mạnh của các dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần(Rm 15,18-19) Bằng chứng từ của mình, Thánh Phao-lô cho thấy sứ vụ loan báo Tin Mừng của ngài không chỉ giới hạn vào việc giảng thuyết mà còn bao gồm việc “chữa bệnh và các dấu lạ khác.” Vào lúc ngài viết thư cho giáo đoàn Rô-ma, sứ vụ này đã đưa ngài từ Giê-ru-sa-lem, đi vòng đến tận miền In-ly-ri” (Rm 15,19). Như thế, ngài ý thức mình đã giảng Tin Mừng “từ Giê-ru-sa-lem”, trung tâm của Do-thái giáo và là cơ sở của cộng đoàn Ki-tô giáo gốc Do-thái, cho tới tận miền duyên hải Hi-lạp và vào sâu trong vùng đất của Dân Ngoại.

Kết luận

 Tư tưởng của Thánh Phao-lô vô cùng phong phú – khó có thể cô đọng lại trong một số trang ít ỏi – nhưng ta vẫn thấy được một sự nhất quán rất lớn chạy xuyên suốt từ bản chất cuộc trở lại và ơn gọi của ngài, qua những nét cơ bản của thần học của ngài và đi vào phong cách và nội dung sứ vụ tông đồ của ngài.

Thánh Phao-lô thực sự đã cung cấp một tiêu điểm Ki-tô học trọng tâm cho vấn đề truyền giáo. Nguồn mạch hoạt động truyền giáo phổ quát của ngài là một niềm tin sâu xa vào Đức Giê-su Ki-tô như là Đấng Cứu Thế, một niềm tin dựa trên kinh nghiệm trở lại của chính ngài và được xác nhận bởi truyền thông Ki-tô giáo thời sơ khai. Niềm xác tín của ngài và tài diễn đạt bằng cả một kho biểu tượng và khái niệm phong phú, đã khiến thánh Phao-lô tạo được một sự cống hiến vô song cho nền tảng truyền giáo trong Kinh Thánh.


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo