Bài 4: NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

 Thần học truyền giáo của Thánh Mác-

***

1. Các Sách Tin Mừng và vấn đề Truyền giáo

Các sách Tin Mừng không phải là những khảo luận thần học hay những thư mục vụ trực tiếp đối diện với vấn đề truyền giáo Dân Ngoại hay ơn cứu độ phổ quát; đó là những bản tường thuật, kể lại một câu chuyện quá khứ, nhưng là những bản tường thuật mang bản chất thần học và mục vụ: các sách Tin Mừng thuật lại quá khứ để công bố ý nghĩa của đức tin Ki-tô giáo trong hiện tại.

Phát sinh từ các cộng đoàn và được viết cho các cộng đoàn, mà là những cộng đoàn hỗn hợp, nghĩa là gồm có các Ki-tô hữu gốc Do-thái và một đại đa số Ki-tô hữu gốc Dân Ngoại, các sách Tin Mừng muốn cung cấp cho chính các cộng đoàn này một viễn tượng mới trong những thời kỳ khó khăn khi họ phải đấu tranh với những vấn đề cơ bản về trách nhiệm của Ki-tô giáo đối với thế giới. Vì vậy, ta sẽ thấy rằng các sách Tin Mừng là những sách truyền giáo theo nghĩa đầy đủ nhất. Không phải là những tài liệu tuyên truyền, cũng không phải là những công cụ được tạo ra để công bố cho những người không có đức tin, các sách Tin Mừng là các văn kiện truyền giáo cho chính Hội Thánh, có mục đích chứng minh, đổi mới, và thúc đẩy Hội Thánh xác nhận mình thừa hưởng từ chính Đức Giê-su sứ vụ phá vỡ mọi ngăn cách.

2. Tin Mừng Mác-

Đa số các nhà nghiên cứu Tân Ước coi Tin Mừng Mác-cô là Tin Mừng đầu tiên được viết ra.

Có rất nhiều tranh cải về danh tính của tác giả, về năm và nơi biên soạn, nhưng truyền thống cho rằng Mác-cô chính là Gioan – người được nhắc đến trong sách Công Vụ (12, 12.25; 15, 37.39), trong các thư của thánh Phao-lô (Cl 4, 10; 2Tm 4, 11; Plm, 24) và thư 1 của thánh Phê-rô (5, 33); còn về năm và nơi biên soạn, đa số coi Tin Mừng Mác-cô được viết tại Rô-ma, vào một thời gian ngắn sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (vào năm 70 CN) hay ít ra vào đầu cuộc nổi dậy của người Do-thái (66-70 CN), với mục đích diễn giải lại thông điệp Ki-tô giáo cho một cộng đoàn tín hữu đang hoang mang sợ hãi và rất cần có một viễn tượng mới.

3. Sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-

Điều đầu tiên cần ghi nhận về Tin Mừng Mác-cô là nó trung thành truyền lại nội dung và động lực cơ bản của sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su. Điều này được loan báo ngay trong câu tóm lược Tin Mừng (Mc 1, 14-15): “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại (Nước) Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Sứ vụ đó được Đức Giê-su thực hiện trước hết bằng chính tấm lòng hiếu thảo của Người đối với Thiên Chúa Cha, qua những lúc cầu nguyện (1, 35; 6, 46, 14, 32), nhất là trong lời nguyện áp-ba ở câu 36, chương 14; rồi bằng việc rao giảng lòng khoan nhân của Thiên Chúa qua cách cắt nghĩa Luật, theo đó sự tha thứ (x. Mc 2, 1-12) và lòng nhân (x. Mc 3, 1-6) vượt lên trên mọi giới răn khác.

Sự hiện diện của Nước Thiên Chúa được thánh Mác-cô minh chứng khi ngài nhấn mạnh về các hành vi quyền năng của Đức Giê-su qua việc tường thuật các hoạt động chữa lành ngay sau lời loan báo chủ đề chính của Tin Mừng ở các câu 14-15, chương 1: Tin Mừng của Thiên Chúa nói lên quyền năng cứu độ của Nước Thiên Chúa.

Khuôn mặt nhân hậu của Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người còn được mạc khải bởi việc Đức Giê-su gần gũi những người bị bỏ rơi và những kẻ tội lỗi (x. Mc 2, 14-17), việc Người tiếp xúc thân tình với các phụ nữ (x. Mc 1, 30-31; 5, 25-34.35-43; 12. 41-44; 14, 3-9; 15, 40-41; 16, 1-8), với trẻ em (x. Mc 10, 13-16) và những người phong cùi (x. Mc 1, 40-45), thái độ cởi mở của Người với Dân Ngoại (x. Mc 7, 24-30).

Sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su cũng mang chiều kích ngôn sứ trong việc Đức Giê-su trực tiếp thách thức các kinh sư và người Pha-ri-sêu về luật giữ ngày Sa-bát và việc giữ chay (x. Mc 2, 1-3, 6), về các tục lệ ăn uống (x. Mc 7, 1-23), về vấn đề ly dị (x.Mc 10, 2-12) và nộp thuế (x. Mc 12, 13-17)... Đức Giê-su muốn đả phá những đặc quyền và những thái độ đạo đức giả của họ.

Khi Đức Giê-su tuyên bố: “Triều đại (Nước) Thiên Chúa đã đến gần(Mc 1, 15), Người cho thấy những đòi hỏi cánh chung của sứ vụ Nước Thiên Chúa của Người. Người cũng làm toát ra một sự tin tưởng tuyệt đối về chiến thắng cuối cùng của quyền thống trị của Thiên Chúa (x. Mc 4, 30-32; 9,1; 13, 24-31; 14, 62).

Cuối cùng, với việc tường thuật về sự chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, ta có thể kết luận rằng thánh sử Mác-cô đã trung thành truyền lại cho cộng đoàn của ngài tất cả phạm vi sứ vụ của Đức Giê-su, như thể ngài đã sắp sẵn mọi nguyên vật liệu để trang bị cho việc truyền giáo phổ quát của Hội Thánh.

4. Thông điệp của Mác-cô và việc Truyền giáo của Hội Thánh

Khoa chú giải Kinh Thánh gần đây đã không ngừng nhấn mạnh rằng các tác giả Tin Mừng không chỉ đơn thuần là những người truyền lại các thông điệp từ quá khứ, mà còn diễn giải truyền thống họ chuyển giao với sự sáng tạo vì lợi ích của cộng đoàn; một sự diễn giải có tầm quan trọng đặc biệt cho vấn đề truyền giáo. Trong phần tiếp theo, ta sẽ thấy sự diễn giải truyền thống của thánh sử Mác-cô góp phần cho công việc truyền giáo của Hội Thánh như thế nào.

a) Thánh Mác-cô đã chọn thể văn thuật truyện

Thánh Mác-cô cống hiến cho chúng ta câu truyện của một con người được thôi thúc truyền đạt một thông điệp cho người khác và thể hiện quyền năng của mình vì họ, thậm chí trong và qua cái chết của chính mình. Đức Giê-su và sứ điệp của Người thì năng động chứ không tĩnh; câu truyện Mác-cô kể luôn luôn tiến tới; nó là một truyền thông, bao gồm sự mời gọiđáp trả. Vì Tin Mừng là một mạc khải bùng nổ, một lời mời gọi thúc bách, nên Mác-cô đã chọn hình thức thuật truyện năng động để trình bày thông điệp của ngài, làm lộ rõ nét đặc trưng truyền giáo của Tin Mừng.

b) Tính chất năng động được tạo nên bởi kết cấu chặt chẽ của bản tường thuật

Một chuỗi cảnh mở màn (x. Mc 1, 1-13) được dùng làm lời dẫn vào câu truyện: sứ mạng của Đức Giê-su được liên kết với sứ mạng cánh chung của Gioan Tẩy giả (Mc 1, 2-8); Đức Giê-su được đầy Thần Khí và được tuyên bố là Con Thiên Chúa (Mc 1, 9-11); sứ mạng của Người được thấy trước như một thiên hùng ca và một chiến thắng trên sự ác (Mc 1, 12-13).

Tường thuật về việc thi hành sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su tại Ga-li-lê được giới thiệu bởi các câu 14-15 chương 1 và được trình bày trong các chương kế tiếp cho đến câu 27 chương 8: tường thuật này bao gồm hầu như toàn thể sứ vụ quyền năng của Đức Giê-su, là chữa lành, giảng dạy và đối đầu với giới kinh sư và Pha-ri-sêu.

Lời tuyên xưng đức tin của ông Phê-rô tại Xê-da-rê Phi-líp (x. Mc 8, 27-30), tiếp theo là hai (trong ba) lần loan báo của Đức Giê-su về cuộc Thương Khó (x. Mc 8, 31 và 9, 31), được coi như là bước chuyển tiếp giữa sứ vụ tại Ga-li-lê và sứ vụ tại Giu-đê của Chúa Giê-su. Toàn đoạn Tin Mừng, từ câu 27 chương 8 đến hết chương 10, được kết cấu như một cuộc hành trình từ Ga-li-lê ở miền bắc, ngang qua Xê-da-rê Phi-líp, đến Giu-đê và Giê-ru-sa-lem ở miền nam.

Phần còn lại của sứ vụ có sân khấu hành động là Thành Thánh Giê-ru-sa-lem: khởi đầu là việc Chúa Giê-su vào thành (x. Mc 11, 1-14), tiếp đến là việc Người thực hiện dấu hiệu ngôn sứ đầy ấn tượng qua câu truyện đuổi con buôn khỏi Đền Thờ (x. Mc 11, 15-19), rồi đến một chuỗi xung đột cuối cùng với các đối thủ (x. Mc 11, 27 – 12, 44), và bài diễn từ khải huyền về số phận của Thành và ngày tận thế (x. Mc 13, 1-37); khúc kết thúc là tường thuật cuộc khổ nạn (2 chương 14, 15) và câu truyện ngôi mộ trống (x. Mc 16, 1-8).

Thần học truyền giáo của thánh Mác-cô gắn với kết cấu chặt chẽ của câu truyện về sứ vụ của Chúa Giê-su: kết cấu này gợi lên chủ đề về một Con Đường hay một Hành Trình.

5. Thần học Truyền giáo của Thánh sử Mác-

a) Chủ đề về Con Đường

Như các nhà nghiên cứu nhận xét, có một chủ đề về Con Đường hay Hành Trình thấm nhuần toàn thể cấu trúc của Tin Mừng Mác-cô. Con đường của Chúa bắt đầu từ Ga-li-lê và đi qua những chống đối, làm ngơ, cho tới cái chết tại Giê-ru-sa-lem, rồi lại trở ngược về Ga-li-lê sau khi Đức Giê-su phục sinh. Hai từ “Khởi đầu(Mc 1, 1) mà thánh sử dùng để mở đầu sách Tin Mừng của ông, ăn khớp với tính hành trình này và nêu lên nét đặc trưng của toàn thể tường thuật. Tất cả câu truyện – từ Ga-li-lê tới Giê-ru-sa-lem – rồi trở về lại – là “khởi đầu” của việc loan báo Tin Mừng, khởi đầu “con đường” của Hội Thánh, con đường đã được bắt đầu và tạo hình bởi con đường của Chúa Giê-su. Như vậy, thông điệp Ki-tô giáo được mô tả như một con đường, một sự truyền đi Lời Thiên Chúa một cách di động và năng nổ, qua trung tâm Do-thái giáo, vượt qua chống đối và cái chết, và đi ra với thế giới.

b) Sự kiện Đức Giê-su Ki-tô trong các sách Tin Mừng

Khởi điểm nền tảng của các sách Tin Mừng cũng như của các thư Phao-lô là: sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su. Nói chung, động lực của cả cuộc đời của Đức Giê-su là hành trình về Giê-ru-sa-lem, thập giá và phục sinh.

Nhưng nơi thánh Mác-cô – người tiền phong trong hướng đi này của các tác giả Tin Mừng – những hệ quả của sự chết và sự sống lại – nghĩa là sứ vụ cứu độ của Đức Giê-su – được “định nghĩa” trong ánh sáng toàn thể sứ vụ của Người. Thánh Mác-cô xác tín rằng tư cách của Đức Giê-su như là Con Thiên Chúa, như là Đấng Ki-tô, như là Con Người, đã hiện diện không chỉ trong các biến cố chết, sống lại và được siêu tôn, mà đã hiện diện và hoạt động trong nhân loại tiền phục sinh của Người. Do đó, thánh Mác-cô luôn luôn tập trung vào con người Đức Giê-su và định nghĩa của ngài về sứ mạng của Hội Thánh trở thành một bài tường thuật về cuộc đời của Đức Giê-su.

c) Khước từ và đón nhận Đức Giê-su

Trong Tin Mừng Mác-cô, ta thấy ngay từ đầu Đức Giê-su đã gặp phải sự từ khước của giới lãnh đạo và “người nhà” Ít-ra-en của Người, nhưng đã đón nhận được nhiều thái độ cởi mở và niềm tin của các môn đệ và Dân Ngoại.

Chủ đề này vẫn tiếp tục được trình bày cho đến hết Tin Mừng, nhưng đạt tới đỉnh điểm tại Giê-ru-sa-lem (x. Mc từ 11,1 đến 16,8): tại đây, các đối thủ của Đức Giê-su dứt khoát bác bỏ lời dạy của Người. Câu truyện Chúa Giê-su đuổi con buôn ra khỏi đền thờ với lời nói của Người: “Nhà Cha Ta sẽ được gợi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc... Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Mc 11, 17) cho thấy rất rõ chủ đề về ơn cứu độ phổ quát (x. Is 56, 7) gắn liền với sự từ khước Đức Giê-su của Ít-ra-en (x. Gr 7,11) – sự từ khước này được làm sáng tỏ ở câu 18 (chương 11) cũng như ta đã thấy ở câu 6 chương 3. Ngược lại viên đại đội trưởng ngoại giáo (Mc 15,39), những người phụ nữ thấp hèn đến từ Ga-li-lê (15, 40-41), và sau cùng, các môn đệ sau khi vấp ngã, lại là những người thừa tự vườn nho.

Dụ ngôn Vườn Nho (Mc 12, 1-12) triển khai chủ đề này một cách mạnh mẽ hơn nữa. Trong dụ ngôn này, chủ đề về sứ mạng của Đức Giê-su, việc từ chối Người, và việc mở ra cho Dân Ngoại được đan kết với nhau một cách rõ ràng trong viễn tượng lịch sử cứu độ... Sự từ khước Đức Giê-su và sứ mạng của Người có nghĩa là chấm dứt con đường cũ: bây giờ vườn nho được giao phó cho những người khác. (x. Mc 12, 9)

d) Tư cách người Môn đệ: Theo Đức Giê-su chịu đóng đinh

Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô từ góc độ truyền giáo làm nổi bật mối quan tâm của tác giả về việc đáp lại Đức Giê-su. Bức chân dung mà thánh Mác-cô vẽ về các môn đệ có một vai trò thiết yếu trong thần học truyền giáo của ngài. Hơn bất cứ nhóm nhân vật nào khác trong Tin Mừng, các môn đệ tiêu biểu cho ý nghĩa cuả việc đáp lại Đức Giê-su. Thánh Mác-cô định nghĩa tư cách người môn đệ chân chính theo hướng Ki-tô học. Nhìn nhận Đức Giê-su như là Con Người chịu đau khổ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc muôn người là nền tảng của mọi đức tin chân chính. Như thế, mức độ mà các môn đệ có thể lĩnh hội thập giá là mức độ họ lĩnh hội ý nghĩa của Nước Thiên Chúa.

Ngay từ đầu, các môn đệ là biểu thị của chính cộng đoàn Ki-tô giáo. Họ đón nhận tiếng gọi theo Đức Giê-su, chia sẻ tình bạn và sứ vụ của Người và được hứa phần thưởng đầy đủ của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh Mác-cô cũng vẽ ra mặt tối của các môn đệ và sử dụng chủ đề này để làm nổi bật ý nghĩa của người môn đệ chân chính. Vấn đề nồng cốt vẫn là sự đáp ứng của mỗi người đối với Đức Giê-su. Có vẻ như Tin Mừng càng diễn tiến thì nhận thức của các môn đệ về Đức Giê-su càng kém đi. Các tường thuật càng đến gần Giê-ru-sa-lem và thập giá, thì các môn đệ càng tỏ ra vấp ngã một cách rõ ràng. Sự vấp ngã của các môn đệ đạt đến đỉnh điểm trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su: việc các môn đệ không chấp nhận thập giá được minh chứng qua việc họ “ngủ” trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mc 14, 37), việc Giu-đa phản bội thầy (x. Mc 14, 10.44-45), việc Phê-rô công khai chối thầy (x. Mc 14, 66-72) và việc các môn đệ vội vàng chạy trốn khi Đức Giê-su bị bắt (x. Mc 14, 50).

Nhưng nếu Đức Giê-su đã tiên báo về sự vấp ngã của các môn đệ (x. Mc 14, 17-21.27-30), thì Người cũng tiên báo về cuộc tập họp các môn đệ sau phục sinh (x. Mc 14, 28). “Người thanh niên mặc áo trắng” mà các phụ nữ thấy trong ngôi mộ trống (x. Mc16, 5) lặp lại cuộc hẹn hò của Đức Giê-su với các môn đệ: “Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” (Mc 16, 7).

Như vậy, theo thánh Mác-cô, việc Hội Thánh tiếp nối sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su chỉ có thể bắt đầu dưới quyền năng của Đức ki-tô phục sinh và chỉ sau khi các môn đệ được hòa giải với thập giá nhờ chính Con Người chịu đóng đinh.

6. Những dấu hiệu về việc truyền giáo toàn cầu

a) Việc triển khai địa lý

Mác-cô tập trung phần mở đầu tường thuật ở Ga-li-lê (1,2 - 8,26), phần kết ở Giê-ru-sa-lem (11,1 - 16,8), và dùng phần giữa như một đoạn chuyển tiếp từ một vùng này sang một vùng khác (8,27 - 10,52): như vậy, phần lớn hoạt động cho sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su diễn ra ở Ga-li-lê, trong khi các sự kiện chống đối, đau khổ, và chết được đặt ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Mác-cô nêu bật hai cực địa lý này với mục đích khai thác ý nghĩa biểu tượng nội tại trong cả hai miền.

Dưới góc nhìn của Mác-cô, Ga-li-lê là toàn thể miền bắc Pa-lét-tin; đây là nơi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ của Người và cũng là nơi việc truyền giáo của Hội Thánh xuất phát. Chính tại Ga-li-lê mà toàn thể Ít-ra-en tập họp quanh Đức Giê-su (x. Mc 3,7-12). Sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su tại cả hai phía biển hồ Ga-li-lê, phía tây Do-thái và phía đông Dân Ngoại, là cách mô tả của thánh Mác-cô về sứ mạng của Hội Thánh như là bao gồm cả Do-thái và Dân Ngoại.

Trái lại, Giê-ru-sa-lem gần như chỉ được mô tả như là nơi chống đối và chết. Chính tại thành thánh, Đức Giê-su đi vào cuộc đối đầu với các địch thủ (x. Mc các chương 11, 12) và cuối cùng bị kết án bởi các lãnh đạo Giê-ru-sa-lem và Phi-la-tô (x. Mc các chương 14, 15). Chính tại đây Người bị đóng đinh và an táng.

Sau hết, thánh Mác-cô làm cho biểu tượng địa lý này mạnh lên bằng cách hướng sự chú ý của độc giả về lại Ga-li-lê vào phần kết bài tường thuật của ngài. Cũng như Người đã “dẫn đầu” các mộn đệ trên đường lên Giê-ru-sa-lem (x. Mc 10, 32), Đức Giê-su sống lại sẽ dẫn các môn đệ trở lại Ga-li-lê, nơi Người đã thực hiện sứ vụ Nước Thiên Chúa. Cộng đoàn phải được tập họp lại tại chính vùng đất mà Đức Giê-su đã qui tụ họ lần đầu tiên và cho họ chia sẻ chung với Người sứ vụ phá vỡ các ranh giới. Cộng đoàn không được ở lại Giê-ru-sa-lem, nhưng với một ý thức và sức mạnh mới, họ phải trở về Ga-li-lê là nơi sứ mạng toàn cầu của Hội Thánh kêu gọi. Sứ mạng ban sự sống mà Đức Giê-su thực hiện giữa dân Do-thái và Dân Ngoại cho thấy thánh Mác-cô định nghĩa sứ vụ Ga-li-lê của Đức Giê-su trong những chiều kích phổ quát thực sự. Quan tâm của thánh sử là hiệp nhất người Do-thái và Dân Ngoại thành một cộng đoàn duy nhất.

b) Lịch sử cứu độ

Đây là một công cụ khác mà thánh Mác-cô sử dụng để suy tư về việc truyền giáo phổ quát của cộng đoàn. Thánh sử nối kết một cách mạch lạc và liên tục lời hứa của Cựu Ước (x. Mc 1, 2-3), cuộc đời của Đức Giê-su, sự từ chối của Ít-ra-en và kinh nghiệm truyền giáo của Hội Thánh. Toàn thể Tin Mừng Mác-cô thấm nhuần niềm mong đợi cuộc giáng lâm vinh hiển của Con Người (x. Mc chương 13 và câu 62, chương 14). Cuộc trở lại vinh quang và việc tập họp những người được tuyển (Mc 13, 26-27) tạo thành thời điểm cứu độ cuối cùng mà tất cả lịch sử Ít-ra-en và sứ mạng của Đức Giê-su và của Hội Thánh hướng tới.

c) Một Đền Thờ Mới “không do tay người phàm làm ra”

Như đã nói ở trên, tất cả các chương 11-13 là tường thuật những sự kiện xảy ra trong khung cảnh đền thờ. Mở đầu là cuộc vào thành một cách trọng thể của Đức Giê-su (Mc 11, 1-11): Đức Giê-su tiến vào Giê-ru-sa-lem và đi thẳng tới đền thờ, trung tâm thờ phượng và thẩm quyền giảng dạy của Do-thái giáo.

Dụ ngôn Cây Vả bị nguyền rủa và chết khô (x. Mc 11, 12-24.20-21) là một bình luận bi đát về tương lai của đền thờ: vì không sinh quả, cây vả bị kết án. Việc Đức Giê-su đuổi con buôn khỏi đền thờ là một hành động thanh tẩy; nhưng dưới ngòi bút của thánh Mác-cô, hành động và lời nói của Đức Giê-su là một sự kết án mang tính tiên tri về đền thờ và là một dấu chỉ về một nơi thờ phượng mới, mở ra cho Dân Ngoại: “Nhà Ta sẽ được gọinhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc...” (Mc 11, 11, 17).

Chủ đề Đền Thờ đạt tới đỉnh điểm trong tường thuật về cuộc khổ nạn. Ở câu 58 chương 14, thánh Mác-cô ghi lại lời chứng gian của người Do-thái về việc Đức Giê-su đã nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.(Gioan 2, 19) Nhưng ở đây, lời nói của Đức Giê-su đã được sửa lại cho có vẻ một lời cáo buộc: “Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội trong ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm.” (Mc 14, 58)

Khi Đức Giê-su tắt thở, “Bức màn trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su... liền nói: Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15, 38-39) Đền Thờ – được tượng trung bởi màn Đền Thờ – bị phá hủy: sự phá hủy được Đức Giê-su tiên báo trước đây (x. Mc 13, 1-2), diễn ra vào chính lúc Người chết và phục sinh. Trong khi đó, phản ứng của viên đại đội trưởng là một dấu chỉ tích cực: ông trở nên thành viên đầu tiên của đền thờ mới “không do tay người phàm”.

***

Kết luận

Sức năng động nội tại của Tin Mừng Mác-cô, chân dung của Đức Giê-su, chân dung của các địch thủ và của các môn đệ Đức Giê-su mà tường thuật này vẽ ra, và thông điệp nền tảng của nó về ơn cứu độ hoàn vũ, các điều đó làm cho Tin Mừng Mác-cô xứng đáng được xem như là một “Sách Truyền Giáo”. Thánh Mác-cô kêu mời Hội Thánh đảm nhận sứ mạng cứu thế đầy quyền năng của Đức Giê-su, một công việc truyền giáo cho cả dân Do-thái lẫn Dân Ngoại. Nhưng công việc truyền giáo này chỉ có thể là chân chính khi cộng đoàn được biến đổi bởi một Đức Giê-su là tôi tớ và bởi thập giá của Người.

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo