Bài 8:

NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Chứng Tá và Truyền Giáo Các Sách Khác Của Tân Ước

***

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu quan niệm của Hội Thánh sơ thời về trách nhiệm của mình đối với thế giới, trách nhiệm chứng tá và truyền giáo, qua:

1. Các Thư của thánh Phê-rô

2. Sách Khải huyền

3. Các Thư Mục Vụ (1 & 2 Ti-mô-thê và Ti-tô)

4. Thư Do-thái

5. Thư Giu-đa

6. Thư Gia-cô-bê

***

1. Thư 1 Phê-rô: Làm chứng Niềm Hy Vọng

Thư 1 Phê-rô là một trong các sách Tân Ước phong phú giáo lý nhất. Thần học phép rửa và lời kêu gọi làm chứng niềm hy vọng Ki-tô giáo khiến thư này có một cống hiến quan trọng cho vấn đề truyền giáo.

Không thể biết đích xác về thời gian, địa điểm cũng như tác giả của thư. Rất có thể thư được gửi đi từ Rô-ma, tác giả gọi là “Ba-by-lon”, một tên châm biếm thường gặp trong văn học Do-thái và trong sách Khải Huyền để chỉ kinh thành đế quốc Rô-ma (x. Kh 14, 8; 17, 5; 18, 2); thời gian có lẽ là sau cuộc tử đạo của hai thánh Phê-rô và Phao-lô, tức là vào những năm 70; còn tác giả thì rất có thể là “một nhóm Phê-rô” đã được thành lập tại Rô-ma vào những năm 60, mặc dầu có lời giới thiệu về người gửi thư là “Phê-rô, tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 1, 1).

Một trong những nét gây ấn tượng của thư này là ý thức truyền giáo của nó không bắt nguồn từ kiểu suy tư đặc trưng của các sách khác của Tân Ước. Ví dụ, vấn đề Do Thái-Dân Ngoại hoàn toàn không được đề cập đến, và viễn tượng lịch sử cứu độ chỉ được trình bày ở mức tối thiểu. Thay vào đó, thư 1 Phê-rô trực tiếp liên kết trách nhiệm Ki-tô hữu đối với thế giới với một thần học phép rửa và ơn gọi Ki-tô hữu.

Thư nhấn mạnh ngay từ đầu rằng người Ki-tô hữu được Thiên Chúa chọnhiến thánh để có một đời sống vâng phục và thánh thiện (x. 1Pr 1, 1-2). Ơn gọi cứu độ này đến nhờ quyền năng từ cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô (x. 1Pr 1 1, 2). Người Ki-tô hữu gặp được giờ phút ân sủng này trong việc rao giảng truyền giáo của Hội Thánh (x. 1Pr 1, 12), và trong nước cứu rỗi của phép rửa (x. 1Pr 3, 21). Nhờ hành vi cứu độ của Thiên Chúa, cộng đoàn Ki-tô hữu luôn được nhắc nhở rằng họ là “dân Thiên Chúa” (x. 1Pr 2, 10), được Thiên Chúa “chọn” (x. 1Pr 1, 2)“gìn giữ” (x. 1Pr 1, 5). Cộng đoàn các tín hữu là “dân thánh và vương giả” của Thiên Chúa, được Thiên Chúa xót thương và đồng thừa hưởng giao ước của Người (x. 1Pr 1, 9-10).

Các hình ảnh này về cộng đoàn được đặt làm nền cho việc mô tả trách nhiệm của người tín hữu. Trách nhiệm đó là cống hiến một chứng tá sống động về niềm hy vọng mà cuối cùng sẽ dẫn thế gian tới chỗ làm vinh danh Thiên Chúa, chứ không phải rút lui khỏi thế gian hay lên án nó.

Để thi hành trách nhiệm của mình một cách có hiệu quả, thư 1 Phê-rô đưa ra hai hướng dẫn:

-      một mặt người tín hữu không được chiều theo những đam mê xác thịt, mặc dầu sự từ chối hùa theo cuộc sống trụy lạc có thể gây ngạc nhiên, ngờ vực, thậm chí căm thù nơi người ngoại giáo. Để chống lại áp lực hùa theo này, người tín hữu phải sống “tiết độ”“tỉnh thức”, và sẵn sàng kháng cự lại một cách chủ động các cám dỗ của sự xấu (x. 1Pr 5, 8-9).

-      một mặt khác, người tín hữu phải biết “tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra” (x. 1Pr 2, 13), tích cực tham gia đời sống xã hội và nêu chứng tá cho nó, bất chấp mối đe dọa từ nền văn hóa của đa số (ngoại giáo), vì sự dấn thân tích cực này và chứng tá mà nó cống hiến cuối cùng có thể “bịt miệng” những kẻ muốn bêu xấu người Ki-tô hữu (x. 1Pr 2, 15).

Có hai hoàn cảnh được nêu lên để minh họa lời dạy trên đây: các gia nhân và các bà vợ trong các gia đình ngoại giáo.

 Các lời dạy cho gia nhân được gặp trong 1 Pr 2, 18-25. Họ được khuyên “tuân phục” chủ, nghĩa là tiếp tục sống đúng vị trí của họ trong xã hội. Chính trong vị trí này mà họ phải nêu chứng tá cuộc sống của họ. Vì vậy họ phải thi hành việc phục vụ của họ với tất cả “lòng kính sợ” (1Pr 2, 18). Cố gắng này - để làm một gia nhân tốt và một tín hữu tốt – có thể khiến họ phải chịu khổ. Theo thư 1Pr, không có giá trị gì khi người ta phải chịu khổ như là hình phạt vì các hành vi xấu; nhưng khi một người chịu khổ “vì làm việc lành”, thì sự đau khổ ấy có giá trị cứu chuộc và có thể là một chứng tá hiệu quả (x. 1Pr 2, 12.20b). Ở điểm này, đau khổ của người gia nhân được kết hiệp với đau khổ của Đức Giê-su (x. 1Pr 2, 21-24). Đức Ki-tô cũng đã chịu đau khổ dù Người vô tội, và cái chết của Người có giá trị cứu chuộc.

Nhóm người thứ hai được đề cập đến trong thư 1Pr là các người vợ của các ông chồng không tin Chúa. Vì trong xã hội Rô-ma, theo lệ thường, người phụ nữ phải theo niềm tin tôn giáo của chồng, nên các Ki-tô hữu làm vợ trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp thường gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là trong trường hợp mà người chồng có ác cảm với Ki-tô giáo, và có vẻ đây là trường hợp được nói đến trong thư (x. 1Pr 3, 1). Trong thư, người vợ có đạo được khuyên hãy “phục tùng” chồng, cho dù phải sống trong một hoàn cảnh không thể chịu nổi. Hiểu nghĩa chính xác của từ “phục tùng” ở chỗ này là điều đặc biệt quan trọng: thư không khuyên người vợ chấp nhận phục tùng chồng một cách thụ động, vì vấn đề chính là phải dũng cảm kháng cự lại một sự phục tùng như vậy. Ngược lại, người vợ được khuyến khích tiếp tục chức phận làm vợ và làm người ki-tô hữu dấn thân, cũng như các gia nhân đã được khuyên tiếp tục ở lại - hay “tuân phục” – trong vai trò của họ. Người vợ không nên sử dụng những lời nói chống đối trực tiếp với chồng họ, nhưng phải dùng “lời nói thinh lặng” của cách ăn nết ở đúng mực của họ để nêu gương sáng cho chồng (x. 1Pr 3, 10. Gương của bà Xa-ra được nêu lên nhắc nhở người phụ nữ ki-tô giáo hãy “làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào”x. 1Pr 3, 6 – rõ ràng không phải là một lời khuyên phục tùng một cách cam chịu).

Hai ví dụ trên đây đề ra một khuôn mẫu của việc làm chứng can đảm và sự đau khổ cứu độ là trách nhiệm của mọi ki-tô hữu. Cho dù có bị nhạo báng và nghi ngờ, người ki-tô hữu phải tiếp tục sống một đời sống trung thực, “không lấy ác báo ác hay lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa” (1Pr 3, 9). Họ được kêu gọi để “chúc phúc” chứ không phải để đáp lại bằng sự thù nghịch (x. 1Pr 3, 9). Họ phải sống mà không sợ hãi vì không ai có thể thực sự làm hại một người làm điều phải lẽ (x. 1p 3, 13-14). Một câu đáng ghi nhớ về lời dạy làm chứng trong thư 1Pr:

“Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3, 15-16a)

Thần học chứng tá được triển khai trong thư 1Pr là một cống hiến quan trong cho khái niệm truyền giáo trong Tân Ước. Tuy trong thư ta không thấy nói về việc rao giảng lưu động, nhưng thực sự ta thấy có sự nhấn mạnh rằng các thành viên cộng đoàn cần phải quay các mối quan tâm và dấn thân của họ ra bên ngoài cộng đoàn. Họ không được rút vào trong cái kén tự vệ nhưng phải tham gia vào các tổ chức xã hội họ đang sống, và ở đó họ phải làm chứng một cách không sợ sệt bằng các việc lành của họ.

2. Sách Khải Huyền: Chứng tá tiên tri

Tuy khác nhau triệt để về hình thức và văn phong, nhưng sách Khải Huyền và thư 1Pr lại có chung một mối quan tâm là việc làm chứng về niềm tin Ki-tô giáo.

Tương phản với giọng điệu thuyết giảng của 1Pr, sách Khải Huyền mang hương vị cánh chung và tiên tri. Tác giả, thánh Gioan Tông đồ, chọn hình thức một “lá thư” gửi cho các giáo hội ở Tiểu Á; tuy nhiên, trong phần thân của tác phẩm, ngài sử dụng các hình ảnh khải huyền để xây dựng viễn tượng của lịch sử thế giới.

Trong bối cảnh các giáo hội tại Tiểu Á phải đối phó với những thử thách không những đến từ bên ngoài (như việc tôn thờ hoàng đế) mà cả từ bên trong (những “lời vu khống của những kẻ xưng mình là Do-thái”Kh 2, 9; những xung đột nội bộ, từ những kẻ “đã để mất tình yêu thưở ban đầu” – Kh 2, 4 – những kẻ “chẳng lạnh mà cũng chẳng nóngKh 3, 15 – những kẻ đã trở nên giàu có và tự mãn – Kh 3, 17, từ những thầy dạy cho phép tín hữu “ăn đồ cúng và làm chuyện gian dâm”Kh 2, 14...), sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông đồ khuyên người tín hữu phải sống một nếp sống trung thực và dũng cảm; người tín hữu được mời gọi làm chứng về Nước thiên Chúa. Ơn gọi chứng nhân này mang tính anh hùng và ngôn sứ. Đấu trường là một sân khấu hoàn vũ, bao gồm toàn thể lịch sử tương lai với điểm quyết định là sự giải quyết cuộc chiến giữa thiện ác. Đấu trường trước mắt là thế lực của đế quốc Rô-ma; nhưng ẩn đằng sau cuộc đấu tranh này là cuộc chiến đấu hoàn vũ giữa Thiên Chúa và Sa-tan.

Thánh Gioan khẳng định rõ ràng rằng ơn cứu độ phổ quát được Thiên Chúa dự định từ ban đầu đã được thực hiện bởi cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô. “Con Chiên đã bị giết” đã được tung hô như là Đấng đã lấy máu mình mà chuộc về cho Thiên Chúa những người “thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” và đã “làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này.” (Kh 5, 9-10)

Ngôn ngữ khải huyền của thánh Gioan không làm cho người ta có cảm giác ngài chối bỏ thế giới này để hướng đến một “trời mới đất mới” (Kh 21, 1); ngược lại, quan tâm sâu xa nhất của ngài là về thế giới này và số phận cuối cùng của nó. Nhưng, trong khi thư 1 Pr kêu gọi làm chứng bằng việc tham gia vào các lãnh vực xã hội và chính trị, thì sách Khải Huyền lại kêu gọi làm chứng bằng việc rút lui khỏi các lãnh vực đó. Tuy nhiên điều này không làm cho sách Khải Huyền bị coi là có quan điểm hoàn toàn xuất thế: các tín hữu xa tránh xã hội là một hành vi chứng tá ngôn sứ cho xã hội và vì xã hội; họ phải anh hùng từ chối thỏa hiệp với một hệ thống mà họ coi là đứng về phe các thế lực của tội lỗi và sự chết; họ phải kiên trì tin tưởng vào một viễn tượng hy vọng cho thế giới, một sự biến đổi từ tình trạng đau khổ và bất công thành một trái đất tốt đẹp và hòa bình.

3. Các Thư Mục Vụ: 1 và 2 Ti-mô-thê và Ti-tô

Rất có thể các thư Mục Vụ được viết xấp xỉ cùng thời kỳ với các sách Tin Mừng với mục đích chuyên biệt là nhắc nhở các vị lãnh đạo cộng đoàn về trách nhiệm trông coi nội bộ giáo đoàn của họ và khích lệ họ chu toàn nhiệm vụ.

Tuy tập trung vào các mối quan tâm về nội bộ, không có nghĩa là các thư Mục Vụ không nói gì về vấn đề truyền giáo; chúng cũng góp phần, tuy là gián tiếp, cho một nền thần học truyền giáo tổng thể của Tân Ước.

a. Về ơn cứu độ phổ quát

Ta tìm thấy trong các thư Mục Vụ những đoạn phản ánh chân trời hoàn vũ của ơn cứu độ, như:

-      1Tm 3, 16: “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển.”

-      Tt 2, 11: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.”

-      2Tm 4, 17: “Người đã ban sức mạnh cho tôi (Phao-lô), để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.”

b. Gương sáng của thánh Phao-lô

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các thư Mục Vụ không phải do chính thánh Phao-lô viết, nhưng đã được viết vào một thời kỳ rất lâu sau Phao-lô, khi mà Hội Thánh tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ. Do đó tác giả đã dùng gương sáng của thánh tông đồ tử đạo để dạy dỗ và soi sáng cho cộng đoàn, và gương sáng đó là hình ảnh của một tông đồ truyền giáo.

Vị tông đồ đó đã được chọn và chỉ định để phục vụ Thiên Chúa bằng việc rao giảng Tin Mừng mặc dù trước kia ông đã từng bắt bớ Hội Thánh (x. 1Tm 1, 12-17; 3, 16; 2Tm 1, 11; 4, 17; Tt 1, 3). Và vị tông đồ đó đã phải chịu nhiều đau khổ khi thi hành sứ mạng của mình. Giống như Đức Giê-su chịu đóng đinh, thánh Phao-lô chịu đau khổ vì Tin Mừng cứu độ (x. 2Tm 3, 10-11; 4, 6-8.17-18). Người tông đồ truyền giáo (Ti-mô-thê) được khuyên hãy “thận trọng trong mọi sự, chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình.” (2Tm 4, 5)

Mặc dầu hầu hết các lời khuyên nhủ trong các thư Mục Vụ đều hướng về các vấn đề nội bộ của Hội Thánh và như thế chúng có mục đích hướng dẫn “Ti-mô-thê” và “Ti-tô” trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn, nhưng cũng có phần dành cho việc chứng tá tích cực mà “cách cư xử tốt lành” có thể cống hiến cho thế giới bên ngoài: các thành viên khác nhau trong cộng đoàn phải sống trung thực để không gây gương mù gương xấu cho những người ngoại giáo (x. 1Tm 2, 9-10; 3, 1-7; 6, 1).

Rõ ràng các thư Mục Vụ khẳng định ý Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người, và các thư này giữ lại một ký ức sống động về thánh Phao-lô như là một Tông đồ dũng cảm cho Dân Ngoại. Hai yếu tố này cho phép chúng ta kết luận rằng Hội Thánh của các thư Mục Vụ luôn có ý thức truyền giáo, mặc dầu một viễn tượng truyền giáo như thế không được diễn tả một cách đầy đủ trong các thư đó.

4. Thư Do-thái, thư Gia-cô-bê, thư Giu-đa và thư 2 Phê-rô

Các sách còn lại này của Tân Ước không cung cấp nhiều tư liệu trực tiếp liên quan đến vấn đề truyền giáo.

Thư Gia-cô-bê khuyên tín hữu sống nếp sống trung thực, biến đức tin của họ thành những hành động tốt lành và tích cực về công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên tác giả đã không minh nhiên suy tư về giá trị chứng tá của các hành động tốt lành ấy.

Thư Giu-đa chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ của Hội Thánh: lên án các sai lạc và lối sống dâm ô của “các kẻ vô luân” trong cộng đoàn.

Thư 2 Phê-rô cũng tập trung vào các tín hữu gây rối trong cộng đoàn, nhưng chủ yếu nhắm đến các sai lạc thuộc lãnh vực đạo lý. Tác giả cũng nhắc thoáng qua việc rao giảng truyền giáo của các tông đồ (x. 2Pr 3, 2) và việc trở lại của Dân Ngoại (x. 2Pr 2, 20); nhưng ta thấy rõ vấn đề truyền giáo không nằm trong chủ đích của tác giả.

Chỉ có Thư Do-thái chứa đựng nhiều tiềm năng về truyền giáo. Tương tự lời tựa của Tin Mừng Gioan, đoạn đầu của thư Do-thái vẽ lại vai trò hoàn vũ của Đức Giê-su: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” (Dt 1, 3). Như vậy, ta thấy thư Do-thái coi công trình cứu chuộc của Đức Giê-su có một ý nghĩa phổ quát.

Tác giả thư Do-thái cũng ý thức về sứ mạng rao giảng của cộng đoàn. Tin Mừng về “một ơn cứu độ cao quí” được truyền lại cho các tín hữu “bởi những kẻ đã được nghe” (x. Dt 2, 1-4). Tác giả cũng nói đến cái giá mà những người rao giảng Tin Mừng và những người đón nhận Tin Mừng phải trả (x. Dt 10, 33-34). Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng, ngay thư Do-thái cũng không tập trung cho một viễn tượng truyền giáo, mà chỉ đề cập chủ yếu đến công trình cứu chuộc của Đức Giê-su và các hệ quả của nó cho sự kiên trì của người tín hữu, chứ không thực sự chú ý đến các vấn đề như số phận của Dân Ngoại hay trách nhiệm của tín hữu đối với thế giới bên ngoài.

Kết luận

Các sách khác của Tân Ước – mà chúng ta tìm hiểu trong bài số 8 này - tập trung sự chú ý vào các vấn đề nội bộ của Hội Thánh, như trật tự, giáo lý, và các mâu thuẫn về đời sống luân lý. Điều này có thể gợi ý rằng viễn tượng truyền giáo đã phai mờ dần khi mà Hội Thánh ngày càng nặng về thể chế. Nhưng ý thức truyền giáo mà các sách này hàm chứa là điều không ai có thể chối cãi, ít nữa là ý thức trách nhiệm của người tín hữu đối với thế giới bên ngoài. Thật vậy, qua các sách này, chúng ta hiểu được rằng không thể coi các cố gắng truyền giáo của Hội Thánh sơ thời chỉ là bằng lời nói, mà còn bằng việc làm chứng bằng đời sống công dân tốt lành, và ngay cả bằng việc từ chối thỏa hiệp và rút lui khỏi một số môi trường sinh hoạt xã hội: đó cũng là chứng tá chân chính cho Tin Mừng về ơn cứu độ phổ quát.


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo