TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN 

Nhân chuyến viếng thăm của Đoàn HĐGM Pháp đến Giáo phận Kontum (2-3.12.2006)

 

 

Nhìn lại một chặng đường

        Thành quả của việc truyền giáo tại Tây Nguyên tính cho đến nay phải nói rằng rất tốt đẹp. Sau mốc lịch sử 1848 gắn liền với tên tuổi của thày sáu Do làm công việc thăm dò đường xá từ Gò Thị (Quy Nhơn) lên làng Kon Rơhai nằm trên thung lũng sông Dak Bla (Kontum), và cùng với thày sáu Do ( Linh mục 1853) , nhiều vị thừa sai nước ngoài đã lên đây để loan báo Tin Mừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Họ sẽ còn mãi mãi ghi nhớ công lao của  những linh mục thừa sai thế hệ đầu tiên như J.P. Combes, Marie Fontaine, Pierre Dourisboures,  B. Desgouts, J. Verdier … đến những thừa sai gần đây trước 1975 như Giám mục Paul Seitz, các linh mục Alphonse Desroches, Paul Renaud, Charles Arnoux …

         Trong quyển Lịch công giáo giáo phận Kontum, trong số 120 linh mục phục vụ tại giáo phận Kontum nay đã qua đời từ thế kỷ XIX đến nay (không kể tại giáo phận Đà Lạt  và Buôn Ma Thuột) thì số thừa sai là 70. Có thể nói, công lao khai phá ấy là rõ ràng, không ai có thể phủ nhận (1).

          Trong số những linh mục thừa sai đó, một linh mục phục vụ tại đây lâu năm và là một học giả lổi lạc có tầm cỡ quốc tế là linh mục Jacques Dournes, một nhà nhân chủng học, nhà ngữ học và một nhà văn hoá lỗi lạc vẫn còn để lại những cảm tình tốt đẹp và những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn dân tôc Jrai tại mảnh đất thân yêu Ayun Pa ngày nay (2 và 3).

          Nối tiếp những công lao của các thừa sai nước ngoài, cũng không thể kể hết nhiều thế hệ linh mục Việt Nam cũng xả thân không kém và nằm xuống ngay chính nơi mình phục vụ suốt đời trên chính mảnh đất Tây Nguyên này (4).

Chưa có con số thống kê chính xác về số giáo dân dân tộc thiểu số nhưng con số giáo dân của toàn giáo phận Kontum là 70.000 (1975).  Hiện nay đã lên đến trên 200.000, nghĩa là đã gấp 3 lần trong 30 năm (2005) . Riêng tại giáo hạt Pleiku, theo con số thống kê gần đây, thì hiện nay đã đạt được 111.928 trên tổng số dân của tỉnh Gia Lai là 1.121.975, trong đó số giáo dân dân tộc thiểu số là 53.854, chiếm tỷ lệ giáo dân Công giáo là 10,08% (5).

          Tại giáo phận Buôn Ma Thuột, việc truyền giáo trong thời gian đầu đã  không mấy thành công, dù cho không phải là không có sự quan tâm. Ngay từ năm 1846, hai thừa sai người Việt đã đến Buôn Đôn, vùng Buôn Ma Thuột để mở mang việc truyền giáo nơi người Êđê và M’nông. Nhưng các hoạt động ở khu vực này bị hạn chế do nhiều nguyên nhân: hệ thống giao thông từ Buôn Ma Thuột đi đến các buôn làng Thượng chưa được phát triển, phản ứng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chưa thuận lợi, chưa đủ các nhà truyền giáo để đảm nhiệm các công việc, viên chức Pháp ở vùng Buôn Ma Thuột cũng gây khó khăn cho các thừa sai Pháp ở Tây Nguyên (6).

          Tại giáo phận Đà Lạt, việc truyền giáo diễn ra muộn hơn vì vùng đất này mới chỉ biết đến vào năm 1898 với chuyến đi của Bác sĩ Yersin. Năm 1917, cha Nicolas Couvreur, quản lý Hội Linh mục Thừa sai tại Viễn Đông đã đến Đà Lạt, mục đích để tìm nơi an dưỡng cho các giáo sĩ. Cha đã cho xây một Dưỡng viện Giáo đồ (Sanatorium - Presbytère), nay là một phần Nhà xứ Chính toà Đà Lạt. Đến năm 1918, Đức cha Lucien Mossard Mão, Giám quản Tông toà tại Sài Gòn, đã đặt chân lên Đà Lạt và có lẽ chính ngài là người đã khai sáng con đường truyền giáo ở phần đất Đà Lạt ngày nay, mở đường cho biết bao thế hệ thừa sai đến rao giảng Tin Mừng tại vùng cao nguyên này. Năm 1907, do nhu cầu mục vụ và phục vụ, cả vùng đất Bình Thuận và Lâm Đồng, Đà Lạt (giáo xứ: Đà Lạt và Di Linh) còn thuộc chung một giáo hạt Phan Thiết, được sáp nhập vào miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, thuộc giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn, 1924). Năm 1920, giáo xứ Đà Lạt được thành lập, cha Frédéric Sidot được cử làm cha xứ đầu tiên; đến năm 1927, lập thêm giáo xứ Di Linh do cha Jean Cassaigne Sanh coi sóc (7).

         Từ năm 1955-1973, Đà Lạt phát triển mạnh về đào tạo: viện Đại học Công giáo, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đại chủng viện Minh Hoà, nhiều dòng tu nam nữ, nhiều trung tâm truyền giáo cho người sắc tộc được thiết lập. Đến năm 1970, số giáo dân lên gần 100.000, trong đó có 7.142 giáo dân sắc tộc, 12 trung tâm, 52 địa điểm truyền giáo. Đảm trách việc truyền giáo có: 8 cha thừa sai Paris, 7 cha dòng Chúa Cứu Thế, 6 linh mục Việt và nhiều nam nữ tu sĩ và giáo dân (6) .

         Một điểm khác biệt cũng đáng chú ý là trước năm 1975, tại giáo phận Kontum, việc truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn nằm trong tay các vị thừa sai nước ngoài nhưng tại giáo phận Đà lạt, cả linh mục người kinh lẫn linh mục người Việt đều cùng đảm đương nhiệm vụ này từ năm 1958 (8).

Có những linh mục người Kinh tình nguyện chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số liên tục trong một thời gian dài, có khi suốt cả đời người. Phải nói dó là những tấm gương sáng ngời đáng để cho mọi người suy gẫm (9).

         Sau 30.4.1975, các linh mục thừa sai nước ngoài lần lượt về nước. Gánh nặng lúc này lại hoàn toàn đè nặng trên vai các giám mục và linh mục tu sĩ người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải vì thế mà công việc truyền giáo lơi lỏng. Đơn cử như tại giáo hạt Pleiku, hiện nay trong số 15 huyện thị và thành phố, không nơi nào không có giáo dân mà trước đây, nhiều huyện không có giáo dân dân tộc thiểu số. Theo con số thống kê gần đây, những trung tâm truyền giáo do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách đã lan tới tận vùng sâu vùng xa với số làng tăng lên rất nhiều. Trung tâm Truyền giáo Plei Chuet phụ trách giáo dân sống rải rác 93 làng với 16 giáo điểm (nơi các cha có thể đến làm lễ), Trung tâm Truyền giáo Pleikly 79 làng với 19 giáo điểm và nhiều nhất là Trung tâm Truyền giáo Cheo Reo -Tơlui (huyện Ayun Pa, Gia Lai) với số giáo dân sống rải rác 120 làng với 19 giáo điểm.

         Cùng với sự phát triển đó, con số nhà thờ được xây dựng không những chỉ trong thành phố thị xã, mà còn đang phát triển đến cả vùng sâu vùng xa nơi mà giáo dân chỉ là đồng bào dân tộc. Nhiền nhà thờ cũ được xây dựng lại, thêm nhiều nhà thờ mới được xây dựng hiện đại khang trang và đẹp đẽ. Có nhà thờ xây dựng đúng y như một cái nhà rông theo phong cách dân tộc Tây Nguyên trông rất hoành tráng và uy nghi, nội bật lên nền trời ấm áp và trong xanh của một vùng miền núi (10).

          Ngoài những nhà thờ mới được xây dựng trên những nền cũ có sẵn từ trước 1975, có những nhà thờ ra đời rất đặc biệt. Thí dụ trong thị trấn Chư Prông, trước 1975 không có nhà thờ. Cách đây vài năm, một nhà thờ đã mọc lên tuy chỉ là nhà thờ tạm nhưng đã nói lên một tinh thần “Vì Chúa” của giáo dân nơi đây (11).

 

Những khó khăn thử thách hiện nay

         Ngoài những thành quả đáng tự hào nói trên, việc truyền giáo trên mảnh đất Tây Nguyên không chỉ là thuận lợi mà đang gặp những khó khăn thử thách không phải nhỏ.

         Trước hết là số linh mục phụ trách công việc truyền giáo thiếu vắng số linh mục tu sĩ người dân tộc thiểu số vì không gì bằng người dân tộc rao giảng tin mừng cho người dân tộc. Hiện nay, giáo phận Kontum không có một linh mục người thiểu số nào. Trong lich sử giáo phận, chỉ có 3 linh mục là người thiểu số, nay đã đều qua đời (12).

          Không rõ giáo phận Buôn ma Thuột có linh mục dân tộc thiểu số nào không song giáo phận Đà Lạt cũng mới chỉ truyển chức cho 3 linh mục là người Kơhô trong thời gian gần đây mà thôi trong số hàng trăm linh mục người kinh đang phục vụ trong giáo phận (13).

          Ngoài ra, giáo dân dân tộc còn nhiều người nghèo, phương tiện đi lại thiếu thốn nên việc tham dư thánh lễ thường xuyên vào các ngày chủ nhật là khó thực hiện. Nhiệt tình lắm thì nhiều làng ở xa, mội năm họ chỉ tham dư được một hoặc hai lần vào lễ Giáng sinh và Phục sinh. Đó là chưa kể đến việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em nơi vùng sâu vùng xa. Số giáo lý viên dân tộc lại không nhiều và không đủ phân bố cho các làng xa xôi. Vậy thì việc Loan báo Tin Mừng kết quả có bền vững? Lại nữa, giáo điểm mà các linh mục cử hành thánh lễ không phải là gần. Có những giáo điểm xa đến 50 cây số, linh mục đi lại bằng xe gắn máy tốn nhiều thời gian và công sức. Đường đi đến những nơi này không phải chỗ nào cũng được trải nhựa mà đi trên những con đường quanh co, bụi bặm và bùn lầy trong mùa mưa lũ. Khó khăn này cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp.

 

Một tín hiệu vui

         Trong một thời dài, vấn đề ngôn ngữ đã từng là một trở ngại trong việc loan báo Tin Mừng. Ngay từ khi bước chân lên tiếp xúc với dân tộc miền núi, các linh mục thừa sai đã bắt tay ngay vào việc học, nghiên cứu, la tinh hoá chữ viết … Song công việc này chỉ giới hạn trong tiếng Bahnar mà và một phần tiếng Xơđăng, trong đó tiếng Bahnar được chú ý hơn. Từ lúc đó, tiếng Bahnar được coi như là “ngôn ngữ chính” trong việc biên soạn kinh hạt. Do đó, tất cả những giáo dân dân tộc thiểu số cho dù là dân tộc gì cũng đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng.. bằng tiếng Bahnar. Tình trạng này kéo dài gần 150 năm (14).

          Hiện nay giáo phận Kontum đã trình Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phần Kinh Thánh bằng tiếng Bahnar trong kỳ họp HĐGMVN 2006 tại Huế vừa qua.

Kinh Sách bằng tiếng Jrai và Xơđăng mới chỉ thực hiện bước đầu trong thời gian gần đây và chưa được chuẩn hoá, cần một thời gian nữa để chỉnh sửa.  Gần đây nhất, một số linh mục đã đưa kinh sách bằng tiếng Jrai đến cho dân làng. Việc soạn Kinh Thánh bằng tiếng Jrai đang thực hiện (đã soạn xong phần Tân Ước). Ngoài việc đọc kinh bằng chính tiếng bản xứ, một số linh mục còn sáng tác thánh ca bằng tiếng Jrai theo âm hưởng của chính âm nhạc thiểu số Jrai. 

 

Thay lời kết

          Cánh đồng truyền giáo tuy đã gieo hạt cách đây hơn một thế kỷ trên mảnh đất Tây Nguyên và đã có những mùa gặt bội thu trong những năm qua. Song việc phải làm tiếp theo vẫn còn nhiều, nhất là làm thế nào để giáo dân thiểu số thoát khỏi cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo tinh thần, nghèo chữ nghĩa, nghèo ơn gọi, nghèo sống đạo.

          Như thế, xem ra việc truyền giáo trên mảnh đất Tây Nguyên sẽ không bao giờ được phép dừng lại mà phải còn được nối tiếp qua nhiều thế hệ nữa.

 

          Nguyễn Thụ Nhân

           Gia Lai, 23.11.2006

 

…………..

Ghi chú:

(1) Trong quyển Lịch công giáo giáo phận Kontum, trong số 120 linh mục phục vụ tại giáo phận Kontum nay đã qua đời từ thế kỷ XIX đến nay (không kể tại Dak Lak và Buôn Ma Thuột) thì số thừa sai là 70.

(2) Xem Nguyên Ngọc, Mảnh đất huyền ảo .

Mùa Xuân năm 1950, tạp chí Pháp Á đã ra một số đặc biệt dày dặn (số 49-50), giành riêng giới thiệu trọn công trình nghiên cứu về Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương của một tác giả ký tên là Dam Bo. Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương [Đỗ hữu Nghiêm thêm: của Jacques Dournes (sous le pseudonyme de Dam Bo) (dưới tên hiệu Dam Bo): Les Populations Montagnardes du Sud-Indochinois  [Các Dân số Thượng Miền Nam Đông Dương: Các người Pemsien - PMSI] Lyon: Derain, 1950, 278 p. ; Saigon: France-Asie, 1950, 281 p.] là cách Dam Bo dùng để nói về những con người mà ngày nay chúng ta gọi là các dân tộc Tây Nguyên.

Về sau, người ta sẽ biết rằng Dam Bo chính là bút danh của một trong những nhà Tây Nguyên học say mê nhất và nổi tiếng nhất: Jacques Dournes. Ông sống ở Tây Nguyên gần suốt ba mươi năm, am hiểu sâu sắc hàng chục dân tộc thiểu số ở đây, nói thành thạo ngôn ngữ của họ, và đã viết hàng chục công trình có thể coi thuộc số những công trình nghiên cứu cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay. Trong số đó có những công trình được coi gần như là "kinh điển" trong khoa nghiên cứu về Tây Nguyên, như các cuốn "Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Giarai Ðông Dương", "Men theo những lối mòn của con người trên cao nguyên Việt Nam", "Nri, sưu tập luật tục của người Srê vùng Ðồng Nai Thượng", "Tôn giáo của người miền núi vùng Ðồng Nai Thượng"..., và đặc biệt cuốn sách cuối cùng tuyệt vời của ông "Rừng, Ðàn bà, Ðiên lọan, hành trình qua miền mơ tưởng Giarai".

(3) Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm - Hiện Tượng DAM BO JACQUES “DOURNES” (1922-1993)

Jacques Lucien Dournes sinh ngày 27/5/1922 tại Xã St-Pol-sur-Ternoise, thuộc giáo phận Arras Versailles, Hạt Pas-de-Calais, thụ phong Linh mục ngày 5/4/1945. Ngày 15/10/1946, cha tham gia hoạt động truyền giáo tại địa phận Sàigòn rồi Kontum, Việt Nam. Qua đời ngày 4/3/1993, mộ chôn tại Lauris.

Nếu Léopold Cadière tập trung nghiên cứu vào văn hóa Việt Nam ở miền chung quanh Huế, thì Jacques Dournes đã chú ý nhiều đến vủng văn hóa dân tộc Jơrai ở lãnh địa Kontum, sau khi đã thực hiện một số công trình ở vùng Srê miền Di Linh. Nhưng “mỗi người một vẻ” đều rất có duyên văn hóa với cộng đồng dân tộc Việt Nam một cách diệu kỳ và tiên tri, nhất là tâm hồn, cung cách và nhận thức truyền giáo đã đóng góp một cách nào đó cho nội dung Công Đồng Vatican II!

(4) Người viết xin đơn cử trường hợp LM Antôn Vương Đình Tài (1930-2005), Dòng Chúa Cứu Thế, sau một thời gian truyền giáo tại giáo phận Đà Lạt, lên Pleiku từ 1969. Trong quãng đời hoạt động truyền giáo tại vùng Pleiku, cha là một linh mục mẫu mực, sống chân tình với anh chị em dân tộc Jrai, nói tiếng Jrai như người Jrai. Giáo dân thường gọi cha là “Ơi” (Ông nội), một từ ngữ kính trọng của giáo dân. Giáo dân Kinh thường gọi cha là “Bác Tài”. Khi qua đời, cha được giáo dân chôn cất như người Jrai với quan tài bằng một thân cây lớn khoét rỗng và yên nghỉ giữa nghĩa trang dành cho dân tộc Jrai.

(5) Thống kê Giáo hạt Pleiku, tỉnh Gia Lai, thời điểm 31.12.2005, bản đánh máy vi tính của Giáo Hạt Pleiku.

(6) Lịch sử Giáo phận Buôn Ma thuột, trang báo diện tử HĐGMVN, mục Hiện tình các giáo phận.

(7) Xem trang báo điện tử Simon Hoà Đà Lạt, phần Lịch sử giáo phận.

(8) Xem trang báo điện tử Simon Hoà Đà Lạt, phần Lịch sử giáo phận.

 Ngày 14-06-1958, cha Laurensô Phạm Giáo Hóa được Ðức Giám Mục Sài Gòn (Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền) phái tới xứ Bảo Lộc, vừa giúp cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Ðậu trọng việc chăm sóc tân tòng, vừa học tiếng Thượng. Sau một năm học tiếng, cha bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ truyền giáo cho người dân tộc. Trong nhiều năm, cha đã là vị thừa sai duy nhất rong ruổi khắp vùng truyền giáo mênh mông này.

Ðến năm 1964, cha được cha Phêrô Trần Văn Khoa từ địa phận Long Xuyên lên trợ lực. Cha Khoa phụ trách hết vùng dưới đèo Bảo Lộc trong gần một năm rồi lên trung tâm Kala và cây số 16 Di Linh.

Ðầu năm 1972, thêm cha Giuse Phạm Minh Sơn, giữa năm đó thêm cha Giuse Mai Văn Thược (nhưng từ năm 1973, cha Sơn lên Di Linh, Cha Thược đi Sài Gòn). Giữa năm 1973, có cha Phaolô Lê Ðức Huân đến yểm trợ. Cha phụ trách các em ký túc xá Thượng tại trung tâm và phụ trách vùng Tân Rai, từ Minh Rồng trở vào.

(9) Xem thư gừi Đức cha Giáo phận Đà lạt của Linh mục Đa Minh Nguyễn Huy Trọng trên trang báo điện tử Simon Hoà Đalạt-

Ngay sau khi lãnh sứ vụ, con (Nguyễn Huy Trọng) về gặp Cha xứ Di Linh, cha Giuse Phùng Thanh Quang, ngài chở con vào thăm Kala liền. Cha Phêrô Trần Văn Khoa đang phụ trách ở đây.

Ngày 07/07/1969, con chính thức đem đồ lề trên một chiếc xe “lam” vào. Theo con có cha Đaminh Lãng (sau này làm Giám mục Xuân Lộc), chị cả con khóc sướt mướt, và vài người bạn. Cha Lãng có khuyên chị con mấy câu mà con còn nhớ mãi: Đức Cha Hiền là người đạo đức và khôn ngoan, ngài liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng, nên phải tin đây là chỗ tốt nhất cho em nó ở và thi hành sứ vụ.

Sau khi dâng Thánh lễ lần đầu tiên tại nhà thờ dân tộc với khoảng 100 giáo dân dân tộc, (lúc đó chỉ có vậy, nếu cộng tất cả người ở nhà cũng chỉ khoảng non 200 giáo dân). Tất cả ra trước nhà thờ chào nhau, uống thử rượu cần. Con có cảm giác như mình lạc vào một nơi xa lạ cả về cảnh lẫn về người.

(10) Xem Bảng Thống kê của giáo hạt Pleiku, giáo phận Kontum, bản đánh máy, 2005.

(11) Người viết dựa theo lời kể của một giáo dân tại đây thì trước đây, vùng này đã có một số giáo dân đến sinh sống nhưng từ 1965, vùng này trở nên mất an ninh, họ đã phải đi nơi khác làm ăn. Sau 1975, họ trở về nhưng không có nhà thờ. Việc đi lễ chủ nhật rất khó khăn vì phải ra giáo xứ Thanh An cách đó trên 20 km đường đất. Việc học giáo lý của các em nhỏ thì thật là “thiên nan vạn nan” vì đường xá quá xa mà lại nghèo, không có phương tiện đi lại gì. Những ngày lễ trọng như Giáng Sinh và Phục sinh, họ phải ra thị xã hay thị trấn có nhà thờ mà phải đi trước một ngày, tá túc nơi nhà bà con, anh em… Cũng tại đây, nhà nước mở một nông trường cao su và chiêu mộ một số dân từ Bắc vào trong đó có  một số giáo dân . Vào đây, số giáo dân mới đó cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sau vài năm, với một mảnh đất do một giáo dân hiến tặng, họ đã cùng nhau dựng lên nhà thờ tạm sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận vì họ cam kết rằng chỉ dùng nhà thờ vào việc thờ phượng, không dùng vào việc gì khác. Hiện nay có một cha từ Thanh An đến làm lễ vào chiều chủ nhật. Giáo dân đi lễ rất sốt sắng, rước lễ đến 2/3 số người tham dự thánh lễ, trong đó có nhiều thanh niên.

(Người kể là ông Phạm Văn Thân, 70 tuổi, có con gái lấy chồng tại thị trấn Chư Prông năm 1992 và ông rời Long Xuyên đến đây ở cùng với con gái.  Tuy nhiên cũng nên kiểm tra lại tính xác thực của hòan cảnh xây dựng nhà thờ, song việc có nhà thờ tạm là có thật. Người viết thư này đã từng vào nhà thờ dự lễ chủ nhật)

(12) Từ trường (trường đào tạo linh mục của giao phận) này, nhiều thanh niên dân tộc đã chọn đời sống tu trì. Cụ thể, ngày 29.6.1932, ba thanh niên bahnar đầu tiên đã lãnh nhận thiên chức linh mục: đó là các cha Mi-ca-e Hiâu (1900 – 1949), cha Giu-se Châu (1900 – 1955), cha An-tôn Ðen (1903 – 1987). Một trong 3 vị đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Giáo Phận Kontum: Cha An-tôn Ðen. Là một nhà trí thức, một học giả Bahnar. Ngài đã dành suốt một đời dịch Kinh Thánh, dịch sách Phụng Vụ, viết Hạnh Các Thánh và phụ trách tờ Hlabar Tơbang. Ngài âm thầm, chăm chỉ làm việc cho tới giờ phút cuối đời. Một kho tàng hiếm có của Giáo Phận ! Giáo Phận biết ơn Ngài, biết ơn các bậc cha anh đã đào tạo được một người làm việc trí óc không biết mệt mỏi như thế !

(13) Đó là các linh mục: Giuse Banaria Yatine, sinh năm 1965, linh mục 2006, phụ trách Nhà thờ Próh,, Đơn Dương;  PX.K’Brel, linh mục 2006, phụ trách Nhà thờ Tam Bố, Tam Bố, Di Linh; Phêrô K’Cheoh, sinh năm 1966, linh mục 2005, phụ trách Nhà thờ Tân Hà, Lộc Tiến, Tx. Bảo Lộc (trích danh sách linh mục Giáo phận Đà Lạt, 2006).

(14) Trong một buổi đọc kinh của anh em dân tộc tại xã Dak Tơkan, Dak Tô, Kontum, người viết bài này có tham dự họ đọc kinh vào lúc sáng sớm vào khoảng năm 1977. Sau khi đọc xong, người viết có hỏi họ rằng có hiểu kinh bằng tiếng Bahnar không, họ trả lời là “không hiểu”!

 


Trở về Trang Mục Lục