ÐỀ TÀI 3 :

SỰ CỨU RỖI TRONG CHÚA GIÊSU KITÔ
ÐƯỢC ÐEM ÐẾN CHO CÁC DÂN TỘC Á-ÐÔNG


Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

- Những thực-tại điạ lý, tôn giáo, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và phát triển nầy của Á Châu là những hoàn cảnh sống động và là những toàn cảnh trong đó, sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội phải thể hiện.

- Chính trong ngay vùng Á Châu nầy, với những tài nguyên, những sức mạnh và những thách đố của nó, mà các đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô được sai đến, để làm thế nào cho tất cả các dân tộc Á Châu có được sự sống và được sự sống dồi dào, nghĩa là, có sự sống vừa theo chiều kích bề ngang cũng như vừa theo chiều kích hướng thượng.

- Như đồ đệ của Chúa Kitô đã làm, các phần tử của Giáo Hội phải dùng quyền năng do Thập Giá của Chúa Kitô phát xuất ra để tiếp cận với những hoàn cảnh của Á Châu.

- Chúa Giêsu Kitô đã mang lấy những gánh nặng của tất cả mọi dân tộc của mọi thời đại, đã cứu chuộc và thánh hóa mọi dân tộc, để cho tất cả mọi người và mọi dân tộc đuợc rỗi.

- Ðây là nguồn gốc đem lại quyền năng và hứng khởi cho Giáo Hội.

- Một cách khiêm nhượng, Giáo Hội muốn mang lấy trên mình những gánh nặng của cuộc sống và vác lấy những gánh nặng đó với những người anh chị em của mình, và đem đến để cho Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng cái chết cứu độ và sự sống lại của Ngài.

- Sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô làm cho tâm hồn các đồ đệ của Ngài ở Á Châu tràn đầy hy vọng và sức mạnh để họ tự canh tân mình, và nhờ thế, họ canh tân lục địa Á Châu.

- Giáo Hội ở Á Châu, mặc dầu là một đoàn chiên nhỏ về số lượng, nhưng vẫn muốn mang lấy những thực tại, những tiềm năng và những hy vọng của Á Châu (x.GS, 1).

- Thiên Chúa đã sai Con mình đến trần gian để trần gian được sống. Á Châu là một phần của " trần gian " nầy, nơi đây, Con Thiên Chúa tiếp tục hiện diện : " Con Thiên Chúa ở ngay trong trái tim của lịch sử nhân loại như Ðấng Cứu Chuộc. Ơn cứu Chuộc thấm nhuần tất cả lịch sử nhân loại, gồm cả phần lịch sử xảy ra trước Chúa Kitô và chuẩn bị cho tương lai thế mạt của con người. Ðó là chính luồng sáng " chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng " (Ga 1,5). Uy quyền của Thập Giá của Chúa Kitô và của sự Phục Sinh của ngài thì luôn luôn mạnh hơn mọi sự dữ mà con người có thể sợ hoặc phải sợ. " ( ÐGH Gioan Phaolô II, Entrez dans l'espérance, tr.318 )

- Chúa Giêsu Kitô là Tin Mừng Cứu Ðộ của Thiên Chúa ban cho trần gian.

- Ðức tin cho ta biết Chúa Giêsu Kitô là Con Thật của Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa sai đến trần gian để cứu chuộc nhân loại.

- Chúa Giêsu Kitô đã đến để cho tất cả các dân tộc được sự sống của Thiên Chúa và được một cách dồi dào.

- Chúa Giêsu Kitô đã đến từ Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng đã đến từ lục địa Á Châu.

- Chúa Giêsu Kitô là một con người của lục địa Á Châu, một con người đã trải qua những kinh nghiệm của những điều kiện và những thực tại của Á Châu.

- Tại Á Châu, Ngài đã sinh ra khó nghèo trong một hang bò lừa.

- Từ Á Châu, Ngài đã chạy trốn qua Phi-Ðông. Cuộc sống của Ngài đã bị đe dọa ngay lúc vừa mới chào đời.

- Trên đất Á Châu, Ngài đã sống bằng lao lực cực khổ của hai bàn tay thợ mộc.

- Ðến đâu, Ngài đem ơn lành đến đó.

- Ði rao giảng Tin Mừng, Ngài không biết mỏi mệt.

Ngài rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, nước bình an hạnh phúc giữa Thiên Chúa với tất cả mọi người, không trừ ai, với tất cả mọi dân tộc, không trừ dân tộc nào.

- Trong Chúa Giêsu Kitô, có đầy tràn sự sống, sự thật và sự tốt lành.

- Trong Chúa Giêsu Kitô, mọi hy vọng và mọi ao ước của trái tim con người đều được thỏa mãn.

- Tất cả những ước muốn thiêng liêng của con người để được chữa lành, để được sung mãn, để được tự do, để được công bình, để được sống phẩm giá con người, để được sống trong tình yêu, tất cả những ước muốn cao quý nầy đều được thực hiện đầy đủ trong Chúa Giêsu Kitô.

- Cũng chính trong Chúa Giêsu Kitô mà sự giải thoát cuối cùng mới thực hiện được, sự giải thoát khỏi mọi thứ ngu dốt, khỏi mọi tội lồi, khỏi mọi ích kỷ. Những thứ nầy, chính là nguyên nhân của mọi tội lổi.

- Chúa Giêsu hoàn thành tất cả những điều trên nầy bằng việc hoàn toàn dâng hiến thân mình cho Thiên Chúa Cha qua sự tự hạ mình xuống bằng vâng phục, và vâng phục ngay cả bằng sự chết.

- Sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm cho chúng ta là Thiên Chúa Cha đã đóng ấn trên sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô đối với nhân loại, một sứ mạng đem lại ơn cứu chuộc và ơn cứu rỗi đến cho mọi dân tộc trên khắp hoàn cầu.

- ÐGH Gioan-Phaolô II dạy chúng ta rằng : " Trong Ngôi Lời của Mạc Khải, Thiên Chúa đã cho biết về Ngài một cách đầy đủ :
Ngài đã nói cho nhân loại biết Ngài là ai. Chính sự Mạc Khải mà Thiên Chúa cho biết về Ngài nầy, là lý do căn bản làm cho Giáo Hội tự bản tính mình là truyền giáo. Giáo Hội không thể nào không loan báo Tin Mừng, nghĩa là không thể nào không loan báo sự sung mãn của chân lý mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết về chính Ngài " (Redemptoris Missio, 5).

- Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là sự sung mãn của Mạc Khải của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là sự sung mãn của mạc khải cho từng người một.

- Sự sung mãn của tính Ðức Chúa Trời ngự trị một cách hạnh phúc trong Chúa Giêsu Kitô, như nhận xét của thánh Phaolô : " Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời " (Cl 1,19-20).

- Trong Chúa Giêsu Kitô, nhân loại đạt đến mức cao cả nhất của mình.

- Chúa Giêsu Kitô là sự định nghĩa mới mẻ, dứt khoát và hoàn hảo của từng người một, nghĩa là, Ngài cũng là sự mạc khải viên mản của con người, như Công Ðồng Vatican II đã nhận xét rất đúng : " Ðó chính là phẩm chất và sự cao quý của mầu nhiệm của con người, mầu nhiệm mà Mạc Khải kitô-hữu làm sáng ngời lên trước mắt các tín hữu. Chính qua Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, bí nhiệm của sự đau khổ và của sự chết được sáng ngời lên, bí nhiệm mà nếu không có Tin Mừng của ngài, sẽ đè bẹp chúng ta " (Gaudium et Spes, 22).

- ÐGH Gioan-Phaolô II nhắc lại sự kiện là ý nghĩa tối hậu của con người được trở nên rõ ràng trong Chúa Giêsu Kitô qua sự chết và sự phục sinh của Ngài : " Chúa Kitô Cứu Thế mạc khải con người cho chính con người một cách hoàn toàn...Con người muốn tự hiểu chính mình cho đến tận cùng thâm sâu...thì phải tiếp cận với Chúa Kitô...Sự cứu chuộc được thực hiện nhờ phương thế của Thập Giá đã dứt khoát mang lại cho con người sự phẩm giá của mình và ý nghĩa cuộc đời của họ trong trần gian " (Redemptor hominis, 10).

- Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa Cha, đã được Ngài sai đến để đem sự sống và sự viên mãn đến cho nhân loại.

- Danh từ truyền thống của hành động nầy gọi là " Sự Cứu Chuộc ".

- Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa ban cho loài người được rỗi, như lời tuyên xưng của thánh Phaolô : " Trong khi người Do-Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đớng đinh, điều mà người Do-Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-Thái hay Hy-lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa " (1 Cr 1, 22-24).

- Theo Mạc Khải kitô-hữu, Chúa Giêsu Kitô là Ðàng, là Sự Thật và là Sự Sống.

- Nói cách khác, mọi sự cứu rỗi phải đến từ Chúa Giêsu Kitô, phải đi ngang qua Chúa Giêsu Kitô, phải ở trong Chúa Giêsu Kitô.

- Nhưng điều nầy không gây trở ngại cho những hình thức khác của sự trung gian cứu rỗi : " Sự trung gian độc nhất và phổ quát của Ðức Kitô, không bao giờ là một chướng ngại trên con đường dẫn đưa đến Thiên Chúa, nhưng là con đường được chính Thiên Chúa vạch ra. "(Redemptor Missio, 5).

- Sự trung gian cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô không loại trừ những hình thức trung gian khác, vì thế, những hình thức trung gian nầy, tùy theo những mức độ và tùy theo những hình thức khác nhau, có thể thông phần vào Sự Trung Gian duy nhất và độc nhất của Chúa Giêsu Kitô.

- Hiểu được như vậy, những hình thức trung gian nầy mang một ý nghĩa mới và một giá trị mới.

- Nhưng phải công nhận rằng những hình thức trung gian nầy không có một giá trị song song hoặc một sự bổ túc cho Sự Trung Gian của Con Thiên Chúa .

- Hiện nay, có những môn Kitô-học khác nhau. Tuy những môn Kitô-học nầy có một giá trị tích cực, là giúp chúng ta " đọc lại " bốn sách Tin Mừng và những sách Tân-Ước, và giúp chúng ta áp dụng Lời Chúa vào hiện tại. Những môn Kitô-học nầy chú ý đến những gì mà Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô có liên quan quan đến vấn đề xã hội. Và sự " đọc lại " Tin Mừng là điều giúp chúng ta thoát khỏi cơn mê ngủ về mặt thiêng liêng và về mặt bác ái xã hội, hoặc làm cho chúng ta không tự mãn, không đắc chí trong việc trình bày con người của Ðức Kitô ; nhưng ở đây, các môn Kitô-học nầy lại căn cứ trên một chương trình xã hội, chính trị và văn hóa để " đọc lại " Tin Mừng, và sự " đọc lại " nầy là một sự bất công đối với đức tin.

- Lịch sử dạy cho chúng ta bài học rằng những sự đọc Tin Mừng lại như thế sẽ chóng đi xa rời đức tin vì bị những ý thức hệ dẫn dắt.

- Các Sách Tin Mừng cần phải được đọc lại với các Thánh Tông Ðồ, với Giáo Hội sơ khai, với Huấn Quyền của Giáo Hội, với các nền văn hóa và các dân tộc của lục địa Á Châu, nhưng không bao giờ được đọc theo một chiều, gọi là chiều " hội nhập văn hóa" thụ động, giống như con sông nhỏ " hội nhập " vào con sông lớn, nhưng phải đọc theo chiều " Tin Mừng thấm nhập vào văn hóa " và rửa tội cho văn hóa.

- Một vấn đề như thế, hiện nay, đang có tại Á Châu, như Hội Ðồng Giám Mục Á Châu ( FABC ) có công nhận trong các tài liệu của mình : " Không phải là một bí mật gì về việc có những vấn nạn căn bản đã nồi lên về duy-nhất-tính của Ðức Giêsu Kitô trong lịch sử cứu độ, và về cái gọi là "huyền thoại về duy-nhất-tính kitô-hữu " (For All The Peoples of Asia, FABC, trg XXI). " Những thần-học-gia nầy có thể là thiểu số, nhưng là một thiểu số rộn ràng. Nguồn hứng bên trong, đường chính yếu và động lực để thi hành sứ mệnh kitô-hữu - là những điều nối kết chặt chẽ với sự xác quyết về duy-nhât-itính và trung-tâm-tính của Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ - phải được bảo toàn. " (FABC Papers, số 59 ).

- Khi thích nghi đức tin kitô-hữu vào những nền văn hóa Á Châu, chúng ta không muốn đề cao một Ðức Giêsu Kitô từng phần, hoặc một Ðức Giêsu Kitô bị thu hẹp vào những kích thước nhân loại và văn hóa.

- Trong khi các khoa Kitô-học Á Châu phải diễn tả Ðức Giêsu Kitô cho người Á Châu, và điều nầy đã được những người khác đã làm trong hai mươi thế kỷ hiện hữu của Giáo Hội, thì tất cả các khoa Kitô-học phải lượng giá theo đức tin của các Thánh Tông Ðồ, theo Giáo Hội Tông Truyền và theo chứng từ của Tin Mừng.

- Không một Kitô-học nào có óc môn phái hoặc bị chia ra từng phần, có thể chống lại với Ðức Giêsu Kitô thật sự của các Sách Tin Mừng.

- Ðức Giêsu Kitô không chỉ được xem như một người cải tổ xã hội, một kẻ giải phóng chính trị, một tôn sư của một linh đạo nào đó, một vị anh hùng bênh vực quyền con người, hoặc một kẻ đem lại sự giải thoát cho những ai sống bên lề xã hội.

- Ðức Giêsu Kitô hơn thế nhiều. Ngài là Con của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của trần gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi muôn đời.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà