TÌM HIỂU SẮC LỆNH

“ĐẾN VỚI MUÔN DÂN” (AD GENTES)

 

Linh mục Trần Đình, Đalạt

 

I. NHẬP ĐỀ

Trong phần này, chúng ta đề cập đến quá trình hình thành văn bản, cũng như tương quan giữa Sắc lệnh với những văn kiện khác của công đồng ngõ hầu có thể hiểu rõ hơn tư tưởng của nó.

 

1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VĂN BẢN

 

a/ Giai đoạn chuẩn bị

 

Công Đồng đã có 7 bản thảo liên tiếp, nhưng ít được thoả mãn. Vì thế, Uỷ Ban Công Đồng đặc trách vấn đề truyền giáo đã soạn thảo một lược đồ mới với nội dung rộng rãi và rõ ràng hơn. Điều đáng tiếc là tháng 5-1964, một Uỷ Ban phối hợp đã đơn giản lược đồ đó vào 13 vấn đề, tuy chính yếu nhưng không mấy phong phú.

 

b/ Ngày 6-11-1964

 

Công Đồng khởi sự thảo luận. Để biểu lộ mối quan tâm đến một vấn đề quan trọng như vậy, Đức Phaolô VI đã đích thân giới thiệu vấn đề tranh luận qua một huấn từ.

 

c/ Lược đồ mới

 

Sau khi thảo luận 13 vấn đề, người ta thấy lược đồ ít được quảng diễn.

Vì thế, cuộc bỏ phiếu ngày 9-11-1964 quyết định là Uỷ Ban đặc trách các vấn đề truyền giáo phải soạn thảo một lược đồ mới. Uỷ Ban đã thu lượm tất cả những nhận xét đóng góp của các Nghị Phụ, nhờ đó kết quả rất tích cực. Một lược đồ mới ra đời: dàn bài rõ ràng và hợp lý, dồi dào chất liệu Kinh Thánh, nền tảng thần học vững chắc.

 

d/ Ngày 7-12-1965

 

Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được chấp thuận với 2394 phiếu thuận, 5 phiếu chống. Đây là tỉ số được chấp thuận cao nhất cho một bản văn của Công Đồng.

Khởi đầu, sắc lệnh có tên là “Sắc lệnh về vấn đề truyền giáo”, sau đó được đổi là “Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội”. Lý do chính của việc thay đổi tựa đề là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động truyền giáo và Giáo Hội. Thật vậy, hoạt động truyền giáo thuộc sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới, chứ không phải chỉ là một hoạt động bên cạnh những hoạt động khác (ví dụ: hoạt động mục vụ, xã hội …)

 

2. TƯƠNG QUAN GIỮA SẮC LỆNH AD GENTES

VỚI CÁC VĂN KIỆN KHÁC

 

a/ Sắc lệnh Ad Gentes và Hiến chế Lumen Gentium:

 

Tương quan này được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện “Đến với muôn dân” và “Ánh sáng muôn dân”.

 

Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42, 6 và 49, 6): người Tôi Tớ Giavê được sai đến trần gian để nên ánh sáng và ơn cứu rỗi muôn dân.

Trước tiên, lời tiên tri được áp dụng cho Chúa Kitô, sau đó được áp dụng cho Giáo Hội, vì Giáo Hội tiếp tục công trình của Người. Giáo Hội đang và sẽ là ánh sáng, là “bí tích cứu độ” (AG 1 ; LG 48) cho thế giới, và chính khi truyền giáo, Giáo Hội sẽ chu toàn nhiệm vụ chính yếu này.

 

Thực vậy, theo Hiến chế Lumen Gentium, tâm điểm đời sống của Giáo Hội là hoạt động truyền giáo. Hoạt động này là bản chất, là sứ mạng của Giáo Hội. Sắc lệnh Ad Gentes tiếp tục đề tài đó: không phải chỉ đơn thuần lặp lại, nhưng đặt nó vào trong một khung cảnh lịch sử và địa lý rộng lớn của thời đại hôm nay.

 

b/ Sắc lệnh Ad Gentes

 

và ý hướng căn bản của Công đồng Vatican II:

Muốn thấu triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của sắc lệnh, cũng phải đặt nó vào trong ý hướng cơ bản của Công Đồng Vatican II.

 

Người ta đã so sánh Công Đồng Vatican II với Công Đồng Giêrusalem và cho rằng: Công Đồng Vatican II thích hợp với thế giới hiện đại, còn Công Đồng Giêrusalem thích hợp với thời xưa (x. Cv 15).

 

* Thời đó, Giáo Hội sơ khai khi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân đã phải đương đầu với một vấn đề nghiêm trọng: trình bày Đức Kitô thế nào để lương dân có thể gia nhập Giáo Hội?

 

* Ngày nay, mọi người đều biết Giáo Hội, nhưng đa số nhân loại lại chưa biết Chúa Kitô. Vì vậy, Công Đồng Vatican II đẩy mạnh nỗ lực truyền giáo bằng cách cởi mở với thế giới và đề nghị một cuộc canh tân Giáo Hội theo tinh thần Phúc Âm.

 

Chính ý thức về sứ mạng cấp bách này đã là nền tảng thống nhất các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn của Công Đồng.

 

Vì thế, phải đọc sắc lệnh Ad Gentes theo chiều hướng này.

 

c/ Sắc lệnh Ad Gentes và mặc khải

 

Một vấn đề khác nên lưu ý là: các chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo của sắc lệnh luôn được đặt trong tương quan với mặc khải: những cách giải quyết có nền tảng thần học vững chắc và thường trực tiếp tựa trên những bản văn kinh thánh. Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó hơn trong phần triển khai nội dung.

 

II. BỐ CỤC

 

Phần mở đầu (s.1)

1. Những nguyên tắc giáo thuyết (s. 2-9)

2. Chính công việc truyền giáo (s. 10-18)

3. Các Giáo Hội địa phương (s.19-22)

4. Các nhà truyền giáo (s. 23-27)

5. Tổ chức hoạt động truyền giáo (s. 28-34)

6. Sự cộng tác (s. 35-41)

Kết luận (s. 42)

 

III. HỌC HỎI SẮC LỆNH AD GENTES

 

PHẦN MỞ ĐẦU:

 

Giáo Hội, “bí tích cứu độ phổ quát” (x. GH 48), có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, do đòi hỏi của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Đấng sáng lập (x. Mc 16, 15 ; Mt 28. 19-20).

 

CHƯƠNG I: NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÁO THUYẾT

 

1. Việc truyền giáo của Giáo Hội nối dài sứ mạng của Ba Ngôi, đồng thời thể hiện ý định của Thiên Chúa (x. GH 2) là muốn loài người được tham dự vào sự sống của Người (s. 2).

 

2. Vì vậy, Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con xuống thế làm người để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan (x. Cl 1, 13; Cv 10, 38), hòa giải thế gian với Người (x. 2C 5, 19) hầu mọi sự được tái lập (x. Ep 1, 10).

Bằng đường lối nhập thể, Chúa Con đã đến làm cho loài người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Nhập thể là trở nên nghèo (x. 2C 8, 9), phục vụ (x. Mc 10, 45) và đảm nhận mọi sự, ngõ hầu tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư đi (x. Lc 19, 10) (s. 3).

 

3. Để hoàn tất công việc cứu rỗi, Chúa Thánh Thần đã được phái đến để thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi.

 

4. Lãnh nhận sứ mạng từ Đức Kitô, Giáo Hội vì là “bí tích cứu độ phổ quát”, có bổn phận rao giảng Tin Mừng, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy và các bí tích mà dẫn người ta đến đức tin. Giáo Hội phải tiến bước trên con đường mà Chúa Kitô đã đi là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến (s.5).

Đối với con người, đoàn thể hay dân tộc, Giáo Hội phải tiếp xúc và thấm nhập dần dần.

 

Hai ý niệm then chốt của hoạt động truyền giáo là: rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội (x. 1C 3, 6-9; x. GH 6, 3).

 

Cần lưu ý: sự chia rẽ giữa các kitô hữu chẳng những gây tai hại cho việc rao giảng Phúc Âm, mà còn bít kín đường dẫn tới đức tin (s. 6).

 

Một lần nữa, Công Đồng tuyên bố lý do của hoạt động truyền giáo bắt nguồn từ ý định của Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Chỉ có một Thiên Chúa, một Đấng trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô” (x. 1Tm 2, 4-6) và “ơn cứu rỗi không có nơi ai khác” (Cv 4, 12), cho nên bổn phận chính yếu của Giáo Hội là phải rao giảng. Vì thế, đây là vấn đề vẫn mãi cần thiết và giữ nguyên hiệu lực của nó (s. 7).

 

5. Hoạt động truyền giáo cũng liên kết chặt chẽ với chính bản tính nhân loại và ước vọng của con người: mọi người đều cần Chúa Kitô làm gương mẫu, làm Thầy dạy, làm Đấng giải thoát, Đấng cứu độ và Đấng ban sự sống (s. 8)

 

 Tóm lại, “hoạt động truyền giáo không gì khác hơn là bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định ấy nơi trần thế và trong lịch sử trần thế. Chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo” (s. 9).2.

 

Nhận xét: sắc lệnh đã phác thảo những nét căn bản cho một nền thần học truyền giáo, được xây dựng trên 4 chiều kích: Ba Ngôi, Kitô học, Giáo Hội học và nhân học.

 

CHƯƠNG II: CHÍNH CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

Mục 1: Chứng tá kitô hữu

 

1. Mọi kitô hữu dù sống ở đâu cũng phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới, ngõ hầu người khác nhìn vào những việc lành của họ mà ca tụng Chúa Cha (x. Mt 5, 16).

 

2. Để làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các kitô hữu còn phải liên kết với người khác, tham gia vào đời sống văn hoá xã hội của nhân loại, làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của họ, khám phá những hạt giống lời Chúa tiềm ẩn trong họ, nỗ lực làm cho những người quá chú tâm vào khoa học kỹ thuật đừng quên lãng những việc linh thiêng, hiểu biết và đối thoại với họ, đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi vào mội trường sống của họ. (s. 11).

 

3. Ngoài ra, họ còn phải bắt chước Chúa mà yêu thương mọi người bằng cách chia vui sẻ buồn, nhận biết những ước vọng và những vấn đề nhân sinh, cộng tác với những người khác trong việc giáo dục, tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn như khắc phục nạn đói khát, dốt nát và bệnh tật.

 

4. Sắc lệnh lưu ý: Giáo Hội không hề muốn pha mình vào việc cai trị xã hội trần gian, không đòi cho mình quyền nào khác ngoài việc phục vụ.

 Một lưu ý khác là: các môn đệ không tìm tiến bộ và thịnh vượng vật chất cho con người, nhưng là nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh đệ (s.12).

 

Nhận xét: yêu sách của việc truyền giáo là phải lưu tâm đến những hoàn cảnh sống cụ thể của con người.

 

Mục 2: Rao giảng Tin Mừng và qui tụ Dân Chúa

 

1. Phải tin tưởng và bền chí loan báo Tin Mừng cho hết mọi người nhận biết Thiên Chúa hằng sống và nhận biết Đấng Người sai đến là Đức Kitô, “là đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) để họ trở lại và gắn bó cùng Người.

 

2. Đối với các dự tòng, cần cứu xét những động lực tòng giáo và nếu cần thì phải thanh luyện những động lực ấy (s. 13).

 

Phải mở lớp dự tòng để không những trình bày tín lý và các giới răn, nhưng còn huấn luyện một đời sống kitô hữu đầy đủ và có thời gian tập sự. Lớp dự tòng không phải chỉ là việc riêng của các giáo lý viên, nhưng còn là của cộng đoàn tín hữu và của những người đỡ đầu. Phải tập cho các dự tòng cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và tuyên xưng đức tin (s. 14).

 

Nhận xét: huấn luyện dự tòng không chỉ là trình bày giáo thuyết nhưng còn phải dạy cho họ tham gia vào đời sống của Giáo Hội một cách cụ thể.

 

Mục 3: Việc thành lập cộng đoàn kitô giáo

 

1. Phải xây dựng cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình (x. Ep 4, 1), để trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian, bén rễ sâu trong dân chúng.

 

Cũng phải dạy cho họ có tinh thần đại kết, hiệp nhất, sống như men trong bột, dùng lời nói và việc làm mà loan báo Chúa Kitô.

 

2. Ngoài ra, để “gieo trồng” Giáo Hội và phát triển cộng đoàn kitô giáo, cần phải có nhiều thừa tác vụ khác nhau (s. 15).

 

a/ Trước tiên là đào tạo linh mục. Việc đào tạo phải nhắm đến những điểm sau đây: việc huấn luyện thiêng liêng phải liên kết chặt chẽ với việc huấn luyện giáo thuyết và mục vụ, phải được tổ chức dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu rỗi; tìm kiếm lối suy tư và hành động riêng biệt của dân tộc mình; việc huấn luyện cũng phải nhắm vào những nhu cầu mục vụ của từng miền , nghĩa là chủng sinh phải học biết lịch sử, mục đích và phương pháp hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, những hoàn cảnh xã hội, kinh tế và văn hoá của dân tộc mình để đối thoại. Họ cũng phải được huấn luyện về phương diện kinh tế nữa (s. 16).

 

b/ Thứ đến là đào tạo các giảng viên giáo lý. Việc huấn luyện phải được kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hoá; phải có nhiều trường học thuộc giáo phận và miền; phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng. Nếu thấy thuận tiện thì nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để trao bài sai hầu tạo uy tín cho họ (s. 17).

 

c/ Cuối cùng là đời sống tu trì. Đời sống tu trì không những cần thiết cho hoạt động truyền giáo mà còn bày tỏ bản tính sâu xa của ơn gọi kitô giáo (s. 18).

 

Nhận xét: trong việc thiết lập cộng đoàn kitô giáo cần lưu tâm trước hết đến việc đào tạo.

 

CHƯƠNG III: CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

 

1. Những nét chính yếu của một Giáo Hội trưởng thành: đã bén rễ sâu trong đời sống xã hội và văn hoá địa phương; đã có dồi dào các linh mục, tu sĩ và giáo dân địa phương; đã có những thừa tác vụ và những tổ chức cần thiết dưới sự dẫn dắt của Giám Mục riêng của mình (s. 19).

 

2. Giáo Hội trẻ trung có thể trưởng thành bằng những phương thế nào?

 

a/ Các cộng đoàn tín hữu phải trở nên những cộng đoàn sống đức tin, phụng vụ và đức ái; phải duy trì mối hiệp thông mật thiết với toàn thể Giáo Hội; tiến tới việc tự túc và giúp đỡ các Giáo Hội khác (s. 19).

 

b/ Phải là một Giáo Hội truyền giáo, không những bằng chứng tá đời sống mà còn bằng việc rao giảng (Giám Mục, Linh mục); còn các tu sĩ và giáo dân cũng phải hun đúc nhiệt tâm truyền giáo đối với đồng bào mình; hơn nữa Giáo Hội trẻ nên tham gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội càng sớm càng tốt (s. 20).

 

c/ Vai trò của giáo dân: Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân.

Nhiệm vụ chính yếu của giáo dân là làm chứng về Chúa Kitô bằng đời sống và lời nói, đồng thời phải biểu lộ con người mới và diễn tả nếp sống mới trong môi trường xã hội và văn hoá của quê hương theo truyền thống của dân tộc mình.

Còn các thừa tác viên của Giáo Hội phải quí trọng việc tông đồ đầy khó khăn này của người giáo dân, chẳng những bằng cách huấn luyện, nhưng còn phải sát cánh với họ nữa (s. 21).

 

d/ Cuối cùng, tương tự như chương trình Nhập Thể, Giáo Hội trẻ trung phải biết thu nhận tất cả những sự phong phú của các dân tộc làm gia nghiệp, góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hoá.

 

 Cũng cần thúc đẩy việc suy tư thần học để hiểu được đường lối nào đức tin có thể tìm gặp lý trí cũng như phong tục tập quán của xã hội, ngõ hầu Giáo Hội có thể dễ dàng thích nghi trong việc loan báo Tin Mừng (s. 22).

 

Nhận xét: các Giáo Hội địa phương cần phải hướng đến sự trưởng thành.

 

CHƯƠNG IV: CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO

 

1. Thế nào là một nhà truyền giáo:

 

1/ được sai đi;

2/ phải ra đi, nghĩa là mang Giáo Hội đến những nơi chưa có GH;

3/ đến nơi xa, nơi mà Giáo Hội chưa được vun trồng.

4/ được tách riêng ra;

5/ để rao giảng Phúc Âm (s. 23).

 

2. Chân dung của nhà truyền giáo:

 

1/ thấm nhuần đời sống và sứ mạng của Đấng đã “tự huỷ mình mà nhận lấy thân phận tôi tớ” (Ph 2, 7);

2/ làm chứng về Chúa bằng đời sống Phúc Âm đích thực;

3/ canh tân lòng trí mỗi ngày (x. 1 Tm 4, 14; Ep 4, 23; 2C 4, 16) (s. 24).

 

3. Những yêu cầu đối với nhà truyền giáo tương lai:

 

1/ được huấn luyện về đời sống thiêng liêng và luân lý;

2/ là con người cầu nguyện;

3/ có tinh thần can đảm, yêu thương và độ lượng (2 Tm 1, 7);

4/ học để quen sống tự túc (Ph 4, 11);

5/ có tinh thần hi sinh và tận hiến cho các linh hồn (2 C 12, 15tt) (s. 25);

6/ được chuẩn bị và đào tạo chẳng những về giáo thuyết , nhưng còn biết quí chuộng di sản, tiếng nói và phong tục tập quán của dân tộc đó;

7/ học hỏi khoa truyền giáo;

8/ được đào tạo về tinh thần tông đồ và nghệ thuật dạy giáo lý;

9/ Cũng phải có một số nhà truyền giáo được chuẩn bị kỹ hơn tại những Học Viện Truyền giáo (s. 26).

 

4. Những Tu Hội truyền giáo. Kinh nghiệm cho hay chỉ những Tu Hội truyền giáo mới có thể được huấn luyện một cách thích hợp và theo đuổi công việc đó nhân danh Giáo Hội và theo ý muốn của hàng Giáo Phẩm (s. 27).

 

Nhận xét: một yêu cầu đối với việc truyền giáo là phải đào tạo những nhà truyền giáo theo tinh thần Tin Mừng.

 

CHƯƠNG V: TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

 

Các kitô hữu phải cộng tác vào việc truyền giáo để xây dựng Giáo Hội. Tuy nhiên, “mọi sự được thực hiện theo trật tự” (1C 14, 40) (s. 28).

 

1. Trên lãnh vực toàn cầu. Trước hết là bổn phận của “Giám Mục đoàn” (x. GH s. 23), rồi đến “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin” hợp với “Văn phòng cỗ võ sự hiệp nhất kitô giáo” để điều khiển và phối hợp công việc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo trên toàn thế giới (s. 29).

 

2. Đối với Giáo phận. Giám Mục là người lãnh đạo phát động, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo. Giám Mục nên thiết lập Hội Đồng Mục Vụ trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được góp phần đại diện. Ngài cũng phải dành một phần nhân lực và vật lực vào việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài kitô giáo (s. 30).

 

3. Các Hội đồng Giám Mục. Để khỏi phân tán nhân lực và vật lực, các Hội Đồng Giám Mục nên hợp lực thiết lập những công tác phục vụ lợi ích chung như chủng viện, những trung tâm mục vụ, giáo lý và truyền thông xã hội (s. 31).

 Cũng nên phối hợp hoạt động của các tổ chức hay hội đoàn trong Giáo Hội. Những tổ chức đó dù thuộc loại nào đều phải tuỳ thuộc Đấng Bản Quyền địa phương (s. 32).

 

4. Tóm lại, một hoạt động truyền giáo được thực thi đứng đắn và có tổ chức đòi hỏi những người thợ rao giảng Phúc Âm phải được chuẩn bị cho nhiệm vụ của mình một cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và văn hoá ngoài kitô giáo (s.34).

 

Nhận xét: việc truyền giáo cần đến sự phối hợp chặt chẽ.

 

CHƯƠNG VI: SỰ CỘNG TÁC

 

Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Phúc Âm là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa, nên mọi người có nhiệm vụ phải góp phần vào (s. 35).

 

1. Trước hết là các tín hữu vì họ là nhiệm thể Chúa Kitô nhờ các bí tích khai tâm (s. 36). Chính họ đã làm cho Giáo Hội xuất hiện như một dấu chỉ nổi lên giữa các dân (x. Ys 12, 11), là “ánh sáng thế gian” (Mt 5, 14) và là “muối đất” (Mt 5, 13). Phải dùng cả những phương tiện truyền thông hiện đại mà cung cấp những tin tức truyền giáo cho họ. Các cộng đoàn giáo phận hay giáo xứ cũng phải minh chứng về Chúa Kitô trước mặt muôn dân (s. 37).

 

2. Các Giám Mục. Tuy nhiên, mệnh lệnh mà Chúa Kitô sai đi rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật trước hết và trực tiếp nhắm tới các Giám Mục. Chính Giám Mục làm thể hiện tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo của Dân Chúa và có thể nói là thể hiện cách hữu hình để toàn thể giáo phận trở thành giáo phận truyền giáo. Ngài có nhiệm vụ khuyến khích mọi thành phần Dân Chúa truyền giáo, trong đó các tổ chức truyền giáo phải chiếm chỗ nhất. Ngài cũng phải quảng đại chia sẻ gánh nặng truyền giáo bằng cách sai đến những giáo phận thiếu giáo sĩ vài linh mục xuất sắc để làm việc truyền giáo ít là trong một thời gian. Giám Mục cũng phải lưu ý đến số tiền đóng góp của giáo phận cho việc truyền giáo chung của Giáo Hội (s. 38).

 

3. Các Hội Dòng chiêm niệm hay hoạt động đã và đang góp phần lớn lao vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới hãy cứ hăng say theo đuổi công việc đã khởi sự, đức ái thúc đẩy và buộc họ phải có tinh thần và việc làm thực sự công giáo.

 

a/ Các Hội Dòng chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ kinh nguyện, việc khổ hạnh. Giáo Hội xin các Hội Dòng này hãy thiết lập các nhà trong những xứ truyền giáo.

 

b/ Còn các Hội dòng sống đời hoạt động nên đặt vấn đề xem mình có thể mở rộng Nước Chúa nơi muôn dân không (s. 40).

 

Nhận xét: truyền giáo là bổn phận của hết mọi thành phần dân Chúa.

 

KẾT LUẬN

 

 Các nghị phụ Công Đồng hợp nhất cùng Đức Giáo Hoàng thân ái chào mừng những người rao giảng Phúc Âm, nhất là những người chịu bách hại vì Danh Chúa Kitô. Các ngài hiệp cùng các tín hữu cầu nguyện , nhờ sự cầu bầu của Đức Maria, cho muôn dân mau được đưa về nhận biết chân lý (s. 42).


Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà