Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân ngày Truyền Thông Quốc Tế lần thứ 49  -  17 tháng 05 năm 2015: Trình bày những gì gia đình là: Không gian đặc quyền của sự gặp gỡ trong Tình Yêu nhưng không

Đề tài „gia đình“ đứng trong trung tâm điểm của một suy tư được đào sâu bởi Giáo hội và của một quá trình thuộc Thượng Hội Đồng Giám Mục trong hai phiên họp khoáng đại – mà một phiên họp ngoại thường đã kết thúc, và một phiên họp định kỳ sẽ họp vào tháng 10 tới đây. Trong bối cảnh ấy, tôi thực hiện theo mục đích, đề tài dành cho Ngày Truyền Thông Quốc Tế tới đây sẽ liên hệ đến gia đình. Ngoài ra, gia đình còn là nơi đầu tiên mà tại đó chúng ta học biết để truyền thông. Việc quay trở về với thực tại nguyên thủy này sẽ có thể giúp chúng ta trình bày về việc truyền thông một cách xác thực và nhân bản hơn, cũng như chiêm ngưỡng gia đình từ một cách nhìn mới.

Chúng ta có thể để cho mình được gợi hứng bởi trình thuật về chuyến viếng thăm của Đức Maria dành cho bà Ê-li-sa-bét trong Tin Mừng (xc. Lc 1,39-56). „Khi bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Đức Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ´Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.`“ (Lc 1,41-42).

Cảnh tượng trên chỉ ra cho thấy, sự truyền thông trước hết được coi như một cuộc đối thoại mà nó gắn kết với ngôn ngữ cơ thể. Câu trả lời đầu tiên trước lời chào của Đức Maria, trong thực tế là do người con thể hiện, qua cách nó nhảy lên tràn đầy vui sướng trong lòng bà Ê-li-sa-bét. Tỏ ra vui sướng trong cuộc gặp gỡ, theo một cách thức nào đó, chính là nguyên mẫu và là biểu tượng đối với bất cứ cách thức truyền thông nào khác mà chúng ta học hỏi ngay cả trước khi chúng ta đến với thế giới. Cung lòng người mẹ, nơi chúng ta được cưu mang trong đó, chính là „mái trường“ đầu tiên của truyền thông mà nó bao gồm sự lắng nghe và sự tiếp xúc của cơ thể: trong nhịp tim của người mẹ, với sự góp phần của một không gian được bảo vệ, và được đi kèm bởi sự an toàn, chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài. Cuộc gặp gỡ của hai bản thể nhân loại đang rất quen thuộc với nhau nhưng đồng thời cũng đang còn rất xa lạ, một cuộc gặp gỡ hoàn toàn mang tính tiên trưng, chính là kinh nghiệm về sự truyền thông đầu tiên của chúng ta. Và đó là một kinh nghiệm của chung tất cả chúng ta, vì bất cứ người nào trong chúng ta cũng được sinh ra bởi một người mẹ.

Ngay cả sau khi chúng ta đã đi đến với thế giới, theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng vẫn còn lưu lại trong một „cung lòng“, đó là gia đình. Một cung lòng từ những con người khác biệt đứng trong mối quan hệ với nhau: Gia đình chính là „nơi mà tại đó người ta học hỏi để cùng chung sống trong sự khác biệt“ (Thông Điệp Evangelii Gaudium, 66). Sự khác biệt về giới tính và thế hệ, và do đó, họ bước vào trong sự truyền thông trước tiên, vì họ đón nhận lẫn nhau, vì giữa họ tồn tại một mối tương quan khắng khít. Và khi những mối tương quan ấy càng được phân chia ra nhiều, cũng như khi những lứa tuổi càng có sự khác biệt, thì môi trường chung quanh cuộc sống chúng ta càng trở nên phong phú. Đó là sự liên kết, mà sự liên kết này lại là nền tảng đối với lời nói mà về phía mình, lời nói củng cố thêm mối liên kết. Chúng ta không sáng tạo ra những lời nói: chúng ta chỉ có thể sử dụng chúng, vì chúng ta đã đón nhận chúng. Trong gia đình, người ta học để nói „tiếng mẹ đẻ“, tức là nói bằng ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta (xc. Mac 7,25.27). Trong gia đình, người ta trải qua kinh nghiệm rằng, những người khác đã có trước chúng ta, họ đã sinh chúng ta vào trong cuộc sống và đã trao cho chúng ta khả năng làm chứng cho cuộc sống từ phía chúng ta, cũng như thực hiện một việc gì đó tốt lành và hoàn mỹ. Chúng ta có thể cho đi vì chúng ta đã nhận lãnh, và vòng tuần hoàn tích cực này chính là hạt nhân nằm trong khả năng giãi bầy tâm sự cũng như đứng trong mối tương quan của gia đình; và nói chung, vòng tuần hoàn ấy chính là kiểu mẫu của bất cứ dạng truyền thông nào.

Kinh nghiệm về sự liên kết mà nó „đi trước“ chúng ta, đạt tới được mục tiêu với chính nó: gia đình cũng chính là sự gắn kết với cuộc sống, trong đó, bất cứ hình thức truyền thông mang tính căn bản nào cũng đều được tiếp tục trao đi, mà sự truyền thông căn bản ấy chính là việc cầu nguyện. Khi người mẹ và người cha đem những đứa con thơ vừa mới được sinh ra của mình đặt xuống giường, họ hãy thường xuyên trao phó những đứa con đó cho Chúa và xin Ngài chăm sóc chúng; và khi chúng lớn hơn một chút, những người làm cha làm mẹ hãy cầu nguyện với chúng bằng những lời nguyện đơn sơ, và trong việc cầu nguyện này cũng hãy nghĩ tới những người khác với mối thiện cảm, nghĩ tới ông bà, nghĩ tới những người bà con thân thuộc khác, nghĩ tới các bệnh nhân và những người đau khổ, cũng như nghĩ tới tất cả những ai đang cần tới ơn trợ giúp của Thiên Chúa nhất. Như thế, hầu hết mọi người trong chúng ta đã học hỏi về chiều kích tôn giáo của việc truyền thông trong gia đình, mà chiều kích ấy được đánh dấu hoàn toàn bởi Tình Yêu trong Đức Tin Ki-tô giáo, bởi Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng chính bản thân Ngài cho chúng ta, và là Đấng mà chúng ta trao tặng cho những người khác.

Khả năng mà trong đó gia đình ôm ghì lấy nhau, hỗ trợ nhau, đồng hành với nhau, giải thích những ánh nhìn và sự thinh lặng, cùng cười và cùng khóc, và điều ở giữa những con người đã không chọn nhau, nhưng lại rất quan trọng đối với nhau – khả năng ấy trước hết là điều cho phép chúng ta hiểu được cái gì thực sự là truyền thông với tư cách là sự khám phá và là sự giáo dục về sự gần gũi. Rút ngắn những khoảng cách, bằng cách là người ta đi đến cùng nhau và đón nhận nhau, chính là nguyên lý để biết ơn và vui mừng: Lời chào của Đức Maria và sự nhảy mừng của đứa con đã khơi lên lời chúc phúc của bà Ê-li-sa-bét, mà bài ca Magnificat tuyệt vời đã tiếp nối theo sau, trong đó Đức Maria đã ca ngợi kế hoạch Tình Yêu của Thiên Chúa đối với Mẹ và đối với dân tộc của Mẹ. Từ lời thưa „Xin Vâng“ được nói ra trong Đức Tin đã dẫn tới những hệ quả đang tiếp tục trải dài trên chính chúng ta, cũng như đang trải ra trên toàn thế giới. „Viếng thăm“ có nghĩa là mở ra những cánh cửa, không còn tự nhốt mình trong những căn nhà riêng, đi ra và đi đến với những người khác. Ngay cả gia đình cũng sẽ trở nên sống động nếu như gia đình ấy „hít thở“, bằng cách họ mở chính mình ra để vượt lên trên chính mình. Và những gia đình nào thực hiện điều đó, thì những gia đình ấy sẽ có thể loan báo sứ điệp của họ về sự sống và sự hiệp thông, họ có thể giới thiệu niềm an ủi và niềm hy vọng cho các gia đình mà hầu hết đã bị tổn thương, cũng như có thể góp phần vào sự phát triển của chính Giáo hội, mà Giáo hội ấy là một gia đình từ các gia đình.

Gia đình nhiều hơn là tất cả những địa điểm khác, nơi người ta trải qua kinh nghiệm về những giới hạn riêng của mình cũng như những giới hạn của người khác trong cuộc sống chung hàng ngày, và bị đối diện với những vấn đề to nhỏ của cuộc sống chung, của sự hòa hợp. Không có một gia đình hoàn hảo; nhưng người ta không được phép sợ hãi trước sự bất toàn, trước những yếu đuối và trước những xung đột; người ta phải học để giải quyết chúng với những cách thế xây dựng. Vì thế, gia đình sẽ trở thành một ngôi trường của sự tha thứ, trong đó người ta cần đến nhau - với những giới hạn và những khuyết điểm riêng. Sự tha thứ chính là động cơ thúc đẩy truyền thông – một sự truyền thông tự bào mòn, tự vỡ tung, và người ta có thể tái đón nhận nó và làm cho nó lớn lên, trong khi người ta xin được tha thứ và chấp nhận sự tha thứ ấy. Em bé nào học trong gia đình để lắng nghe những người khác, để nói năng với sự kính trọng và để bảo vệ quan điểm riêng, để không khước từ cách nghĩ của người khác, em bé ấy sẽ có thể đưa đến một sự đối thoại và hòa giải trong cộng đồng.

Vì những giới hạn và sự truyền thông, chúng ta có thể học hỏi nhiều từ những gia đình với những đứa con mà chúng có một hay nhiều những hạn chế. Sự khuyết phạm về vấn đề vận động, cảm giác hay trí tuệ luôn luôn là một cơn cám dỗ muốn khép kín. Nhưng nhờ vào Tình Yêu của cha mẹ, của anh chị em và của những người hàng xóm láng giềng thân thiết khác, em bé đó sẽ có thể có được một sự khuyến khích để mở ra, để chia sẻ và để quan hệ trong những cách thế bao hàm. Em đó có thể giúp các nhà trường, các Giáo xứ, các hiệp hội để chỉ ra thái độ sẵn sàng hơn nữa đối với tất cả mọi người và không loại trừ bất cứ một ai.

Trong một thế giới mà trong đó rất thường xuyên bị chửi rủa, bị đơm điều đặt chuyện, nói xấu người khác, bị rắc gieo tranh cãi, và môi trường chung quanh con người chúng ta bị đầu độc bởi những chuyện ba hoa, thì gia đình cũng vẫn có thể trở thành một mái trường của sự truyền thông như một phúc lành. Và ngay cả khi ở đó có vẻ như không thể tránh khỏi chuyện bị thống trị bởi sự thù hận và bạo lực – khi các gia đình bị chia rẽ nhau bởi những bức tường đá, hay bởi những bức tường không mấy khi lọt qua được của sự định kiến hay của sự ác cảm lẫn nhau, có vẻ như có những lý do tốt lành để nói: „Giờ thì đủ rồi!“ Trong thực tế, chúc lành thay vì nguyền rủa, viếng thăm thay vì khước từ, đón nhận thay vì đấu tranh, chính là con đường duy nhất để phá tan vòng xoáy của sự ác, để làm chứng rằng, điều thiện luôn luôn có thể, cũng như để giáo dục con cái về tình huynh đệ.

Ngày hôm nay, các phương tiện truyền thông hiện đại, mà trước hết là những phương tiện mà chúng đang dần trở nên rất cần thiết đối với toàn giới trẻ, có thể trở nên một rào cản lẫn sự thúc đẩy đối với sự truyền thông trong gia đình và giữa những gia đình. Chúng có thể trở thành rào cản khi chúng biến thành cái cớ để không lắng nghe nhau nữa, để hiện diện về thể lý trong một nhóm nhưng không muốn giao thiệp nội bộ, để lấn át khoảnh khắc thinh lặng và chờ đợi, và quên đi mất rằng, „sự thinh lặng… là một yếu tố căn bản của sự truyền thông… không có nó sẽ không có những lời mang nhiều nội dung phong phú“ (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ Điệp Nhân Ngày Truyền Thông Quốc Tế lần thứ 46, 24.01.2012). Chúng có thể trở nên sự thúc đẩy khi chúng giúp để tâm sự và để trao đổi với nhau, để lưu lại trong mối liên hệ với những người đang ở xa, để nói lời cám ơn và để xin sự tha thứ, cũng như luôn luôn tạo khả năng cho những cuộc tái gặp gỡ. Nếu ngày ngày chúng ta tái khám phá ra chức năng trung tâm này của cuộc sống, tức sự gặp gỡ, nếu chúng ta ngày ngày tái khám phá ra „sự khởi đầu sống động“ ấy, chúng ta sẽ biết được mối tương quan của chúng ta với những kiến thức về khoa học kỹ thuật công nghệ, để trình bày, thay vì để cho mình bị điều khiển bởi chúng. Ngay trong lãnh vực này, cha mẹ cũng là những nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng họ không được phép bị cô đơn; cộng đoàn Ki-tô giáo được kêu gọi đứng về phía họ, để họ có thể giảng giải cho con cái của họ, hầu cho chúng có thể sống trong thế giới truyền thông theo những tiêu chuẩn về phẩm giá con người cũng như công ích. 

Sự thách đố mà chúng ta đang đứng trước, chính là việc học để tái thuật lại, không chỉ là sản xuất thông tin và tiêu thụ thông tin. Đó là xu hướng mà những phương tiện mạnh mẽ và chất lượng cao của truyền thông hiện đại đang xô đẩy chúng ta vào. Thông tin là điều quan trọng nhưng nó không đủ, vì rất thường khi chúng đơn giản hóa bằng cách điều chỉnh những điều khác biệt cũng như những cách nhìn khác nhau, và đòi hỏi phải phân xử cho người này hay cho người kia được thắng, thay vì thúc đẩy cái nhìn chung.

Rốt cục, ngay cả gia đình cũng không phải là một đối tượng để người ta phổ biến những quan điểm trên đó, hay là một khu vực mà trên đó những cuộc chiến tranh ý thức hệ bị tranh đấu đến cùng, nhưng là một lãnh vực mà trong đó người ta học để truyền thông trong sự chung sống thân mật, và là một chủ thể truyền thông, một „cộng đồng truyền thông“. Một cộng đồng biết đồng hành, biết ăn mừng và biết mang đến hoa trái. Trong ý nghĩa đó, việc lấy lại cách nhìn mà nó có thể nhận ra rằng, gia đình vẫn tiếp tục là một tài nguyên to lớn và không chỉ là một vấn đề hay một định chế trong cuộc khủng hoảng, là điều có thể. Đôi khi các phương tiện truyền thông có khuynh hướng trình bày gia đình trong một cách thế như thể nó là một mô hình trừu tượng, tức là cái để chấp nhận hay khước từ, bảo vệ hay tấn công, và không phải là một thực tại cụ thể mà người ta phải học hỏi; hay như thể nó là một lý thuyết không tưởng của bất kỳ một ai đó đối với bất kỳ ai khác, và không phải là nơi mà tất cả chúng ta đều học để biết truyền thông trong Tình Yêu được đón nhận và ban tặng nghĩa là gì.

Trái lại, tường thuật lại có nghĩa là nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta được đan quyện trong một lịch sử thống nhất, cũng như nhận ra rằng các giọng nói rất đang dạng, và bất cứ giọng nó nào cũng cần thiết và không thể được thay thế.

Gia đình tuyệt vời nhất – vai chính và không phải là vấn đề - chính là bất cứ gia đình nào hiểu để truyền thông vẻ đẹp và sự phong phú trong mối tương qua giữa người chồng và người vợ, và giữa cha mẹ với con cái, xuất phát từ chứng tá riêng. Chúng ta không chiến đấu để bảo vệ và bênh vực quá khứ, nhưng chúng ta lao công với sự kiên nhẫn và với sự tin tưởng vào tất cả những nơi mà chúng ta lưu lại hằng ngày để kiến tạo tương lai.

Vatican ngày 23 tháng 01 năm 2015

Vọng Lễ kính Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội