Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho việc Bảo Vệ Thiên Nhiên, mồng 01/09/2019

 

Thiên Chúa thấy rằng, mọi sự đều tốt đẹp“ (St 1,25). Ngay từ khởi đầu Kinh Thánh, Thiên Chúa đã hướng nhìn về thế giới thiên nhiên với cái nhìn trìu mến. Từ những vùng đất nơi có nhiều thụ tạo cư ngụ, tới những nguồn nước có khả năng nuôi dưỡng sự sống, từ những rừng cây mang nhiều hoa trái tới những súc vật cùng cư ngụ trong một ngôi nhà chung, tất cả đều rất quý giá trước cặp mắt của Thiên Chúa, và Ngài ban cho con người thế giới thiên nhiên như là một hồng ân quý báu cần được bảo vệ.

Nhưng tiếc rằng, con người đang đáp lại hồng ân đó với một cách thế bi thương, với sự lạc điệu của tội lỗi, của sự tự khép kín trong quyền tự trị riêng của mình, cũng như trong lòng ham muốn sở hữu và sự lạm dụng. Sự ích kỷ và thói hám lợi đã biến thế giới thiên nhiên, mà đúng ra, nó phải là nơi của sự gặp gỡ và sẻ chia, thành bãi chiến trường của những cuộc ganh đua và những cuộc đụng độ. Vì thế, bản thân môi trường đang bị đẩy vào nhiều mối nguy. Điều tốt đẹp trong cặp mắt Thiên Chúa cũng trở thành một trong những điều hữu ích trong đôi tay con người. Những hủy hoại đối với môi trường đang càng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây: Sự không ngừng gây ô nhiễm, việc không ngừng sử dụng những nhiên liệu được khai thác từ dưới lòng đất, sự thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, và thói quen phá rừng đang khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên đến mức báo động. Sự khuếch trương cường độ và tính liên tục của những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như hiện tượng sa mạc hóa đang đặt những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta trước những thử thách rất lớn. Việc tan chảy của các tảng băng, sự khan hiếm nguồn nước, việc coi thường những hồ chứa nước và sự xuất hiện của những đống rác nhựa khổng lồ nơi các đại dương cũng đang là những sự việc rất đáng lo ngại mà chúng đòi phải có sự can thiệp ngay tức khắc và không thể trì hoãn lâu hơn. Chúng ta đã khiến cho khí hậu trở nên nguy cấp, và điều này đang đe dọa rất nặng nề tới thiên nhiên và sự sống, ngay cả sự sống của chính chúng ta.

Gốc rễ của vấn đề chính là việc quên đi mất chúng ta là gì: Những kẻ được sáng tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa (xc. St 1,27), những kẻ được kêu gọi chung sống với nhau trong một mái nhà chung với tư cách là những người anh chị em. Chúng ta không được tác thành để trở nên những cá nhân đơn độc, những kẻ làm như thể mình là những chủ nhân ông, nhưng chúng ta được trù liệu để hoạt động giữa một mạng lưới sự sống mà nó được kết thành từ hàng triệu cách thức khác nhau, và những cách thức ấy đã được Đấng Tạo Hóa của chúng ta thương yêu lồng ghép vào cho chúng ta. Đã đến giờ tái khám phá ra ơn gọi của chúng ta với tư cách là những người con của Thiên Chúa, với tư cách là anh chị em của nhau, và với tư cách là những người bảo vệ thiên nhiên. Đây chính là thời điểm để thống hối, để hoán cải và để trở về lại với cội nguồn: Chúng ta là những thụ tạo rất được Thiên Chúa yêu thương. Trong sự tốt lành của mình, Ngài mời gọi chúng ta hãy trân quý sự sống, và hãy sống sự sống ấy trong sự hiệp thông cũng như trong sự liên đới với thiên nhiên.

 

Vì thế, trong thời điểm này, Cha khẩn khoản cầu mong các tín hữu hãy dành ra một ít thời giờ để cầu nguyện, bởi thời điểm này đã phát sinh từ một sáng kiến giầu ý nghĩa, cũng như đã phát sinh từ trong lãnh vực Đại Kết như là thời đại của môi sinh: một thời gian cầu nguyện khẩn thiết và hành động vì ngôi nhà chung, thời gian này sẽ bắt đầu từ hôm nay, ngày mồng 01 tháng 09, Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên, và bế mạc vào ngày mồng 04 tháng 10 với ngày Lễ Kính Thánh Phan-xi-cô. Thời gian cầu nguyện này sẽ trao cho chúng ta một cơ hội thuận tiện để cảm nhận được rằng, mình vẫn còn đang hiệp nhất khắng khít với những người anh chị em của các Giáo hội Ki-tô khác nhau. Cha đặc biệt nghĩ tới các tín hữu Chính Thống giáo, họ đã cử hành ngày cầu nguyện hôm nay từ ba mươi năm rồi. Chúng ta hãy có một sự đồng tâm nhất trí sâu xa hơn nữa với những người nam và những người nữ thành tâm thiện chí, mà cùng với chúng ta, họ cũng được kêu gọi hãy có sự quan tâm hơn nữa đối với việc bảo vệ mạng lưới sự sống mà chúng ta đang tham dự vào, khi tận mắt chứng kiến những cuộc khủng hoảng sinh thái có liên quan đến tất cả chúng ta.

Đây cũng là thời gian để tập cho quen với việc cầu nguyện được dìm sâu vào trong thiên nhiên, mà với cách thức cầu nguyện như thế, lời tạ ơn sẽ được dâng lên Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo – cách bộc phát và hồn nhiên. Với tư cách là ca sĩ mang đầy sự khôn ngoan của Thánh Phan-xi-cô, Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã nói rằng, thiên nhiên chính là „cuốn sách“ đầu tiên mà Thiên Chúa lật ra trước mắt chúng ta, vì trong đó chúng ta thấy được và thán phục trước sự đa dạng tuyệt vời nhưng lại rất trật tự, và nhờ đó, có thể được dẫn tới việc yêu mến và ca ngợi Đấng Tạo Hóa (xc. Breviloquium, II,5.11). Trong cuốn sách thiên nhiên này, từng thụ tạo một được gửi đến cho mỗi người chúng ta với tư cách là „Lời của Thiên Chúa“ (xc. Commentarius in librum Ecclesiastes, I,2). Trong thinh lặng và trong cầu nguyện, chúng ta có thể nghe được ca khúc đủ giọng của thiên nhiên, mà ca khúc đó thúc giục chúng ta hãy phá vỡ việc tự nhốt mình lại trong chính mình. Ca khúc ấy tái giúp chúng ta có được một kinh nghiệm mới về việc được bao bọc bởi sự trìu mến của Thiên Chúa Cha, cũng như để sẻ chia với người khác những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận, với trọn niềm vui. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể nói rằng, thiên nhiên, mạng lưới sự sống, với tư cách là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau, chính là “mạng xã hội” của Thiên Chúa (Diễn Văn dành cho các thành viên của Hiệp Hội Hướng Đạo Âu Châu UIGSE, 03.08.2019). Thiên Nhiên sẽ khiến chúng ta cất lên bài ca vũ trụ để ngợi khen Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh đã dậy: “Chúc tụng Chúa đi kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn” (Đn 3,76).

Đây chính là thời điểm để suy nghĩ về lối sống của chúng ta, cũng như suy tư về việc, những quyết định hằng ngày của chúng ta, điều liên quan đến chuyện ăn uống, đến việc mua bán, đến việc giao thông, đến việc sử dụng nguồn nước và năng lượng, cũng như đến việc sử dụng những tài sản vật chất khác, thường thiếu thận trọng và gây hại như thế nào. Trong chúng ta đang có quá nhiều người muốn thể hiện mình như là những chủ nhân ông của thiên nhiên. Chúng ta hãy cố gắng thay đổi và tiếp nhận một lối sống giản dị và đáng kính trọng! Đây chính là thời điểm để chấm dứt việc lệ thuộc vào những chất đốt hóa thạch, và hãy nhanh chóng cũng như hãy dứt khoát vượt qua những giai đoạn chuyển tiếp để tiến tới những hình thức sản xuất năng lượng sạch và chu kỳ kinh tế bền vững. Và chúng ta cũng đừng quên lắng nghe những cư dân bản địa mà sự khôn ngoan lâu đời của họ có thể dậy cho chúng ta biết sống tốt hơn nữa mối tương quan của chúng ta với môi trường chung quanh.

Đây chính là thời điểm để tiến hành những hành vi mang tính ngôn sứ. Nhiều bạn trẻ đang cất cao giọng nói của mình trên toàn thế giới, cũng như đang đòi hỏi người ta phải đưa ra những quyết định can đảm. Họ đang bị gây thất vọng bởi rất nhiều những lời hứa hẹn nhưng không được đáp ứng, cũng như bởi những trách vụ đang bị xao nhãng vì những mối quan tâm và vì những mối lợi chỉ dành cho một phía. Các bạn trẻ đang nhắc nhớ chúng ta rằng, địa cầu không phải là một tài sản mà người ta có thể sử dụng cách phung phí, nhưng là một gia tài cần phải được tiếp tục chuyển giao đi. Họ nhắc nhớ chúng ta rằng, niềm hy vọng vào ngày mai không phải là một cảm giác đẹp, nhưng là một nghĩa vụ thúc đẩy những hành động cụ thể trong ngày hôm nay. Chúng ta đang mắc nợ họ một câu trả lời thực thụ chứ không phải những lời trống rỗng: những sự việc chứ không phải những ảo mộng.

Những lời cầu nguyện và những lời kêu gọi của chúng ta đặc biệt nhắm tới việc làm tăng sự nhậy bén đối với những trách vụ chính trị và xã hội. Ở đây, Cha đặc biệt nghĩ tới các chính phủ, mà trong những tháng vừa qua, họ đã gặp gỡ nhau để canh tân những bổn phận quan trọng, hầu cho hành tinh của chúng ta luôn hướng về sự sống chứ không phải hướng tới việc gặp gỡ cái chết. Ở đây chúng ta nhớ lại những lời mà trước cuộc hành trình tiến về Đất Hứa, Mô-sê đã nói với dân như là một loại di chúc tinh thần: „Hãy chọn sự sống để ngươi được sống, ngươi và dòng dõi ngươi“ (Tl 30,19). Đó là những lời có tính Ngôn Sứ mà chúng ta có thể áp dụng cho mình cũng như cho tình trạng của trái đất chúng ta. Vậy chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy nói không với sự ham muốn tiêu thụ cũng như với lòng ham muốn quyền lực, và với những con đường dẫn tới sự chết; chúng ta hãy chọn đi theo những con đường nhìn xa trông rộng, mà với tinh thần trách nhiệm, hôm nay chúng bao gồm cả sự khước từ việc được bảo đảm mọi khía cạnh cho cuộc sống ngày mai. Chúng ta đừng nhân nhượng trước một loại lý luận hèn hạ của sự thành công dễ dàng. Chúng ta hãy nghĩ tới tương lai của tất cả!

Trong ý nghĩa đó, hội nghị thưởng đỉnh sắp tới của Liên Hiệp Quốc nhằm đưa ra các biện pháp đối với khí hậu, có một tầm quan trọng đặc biệt. Tại hội nghị ấy, các chính phủ sẽ có nhiệm vụ thể hiện ý chí chính trị trong việc đẩy nhanh các biện pháp, nhằm – trong mức độ nhanh nhất có thể - làm cho hiệu ứng khí thải nhà kính đạt tới được con số không, điều phù hợp với các mục tiêu của Hiệp Định Paris, và giới hạn việc tăng nhiệt độ trung bình ở mức 1,5oC so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Vào tháng Mười tới đây, vùng Amazon – mà tính nguyên vẹn của nó đã bị đẩy vào vòng nguy hiểm -, sẽ là tâm điểm chú ý của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Chúng ta hãy tiếp nhận những cơ hội ấy để trả lời cho tiếng kêu cứu của những người nghèo cũng như tiếng kêu cứu của trái đất.

Bất cứ người tín hữu Ki-tô nào cũng như bất cứ thành viên nào của gia đình nhân loại cũng đều có thể góp phần để đan dệt nên mạng lưới sự sống mà nó bao hàm tất cả, giống như khi người ta thực hiện với một sợi chỉ mỏng manh và tinh tế, nhưng độc đáo, cần thiết và không thể bị bỏ qua. Chúng ta hãy cảm thấy mình được bao hàm trong đó cũng như cảm thấy có trách nhiệm phải chăm lo cho thế giới thiên nhiên bằng lời cầu nguyện và sự dấn thân. Cầu xin Thiên Chúa, Đấng là „bạn hữu sự sống“ (Kn 11,26) ban cho chúng ta lòng can đảm để thực thi những điều tốt lành, mà không hề mong người khác phải bắt đầu trước, cũng như không ngồi đợi cho tới khi quá muộn.

 

Vatican ngày mồng 01 tháng 09 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội