Sứ điệp Giáng sinh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
2008

 

Cũng như những năm trước, vào dịp lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ nửa đêm tại đền thánh Phêrô, rồi đến 12 giờ trưa, ngài đã đọc sứ điệp Giáng sinh tại bao lơn chính giữa đền thờ hưóng ra quảng trường, kết thúc với phép lành Toàn xá ban cho thành phố Rôma và toàn thế giới. Một chi tiết thay đổi là năm nay, ngài không mặc phẩm phục phụng vụ, với mũ gậy của giám mục, nhưng chỉ xuất hiện trong y phục như trong các buổi tiếp kiến. Đề tài của sứ điệp năm nay dựa theo tư tưởng của bài đọc thứ hai của thánh lễ nửa đêm, trích từ thư của thánh Phaolô gửi ông Titô: “ân sủng của Thiên Chúa Đấng Cứu độ chúng ta đã tỏ hiện cho hết mọi người”. Biến cố Chúa Giáng sinh được thánh Phaolô giải thích như là sự xuất hiện của ân sủng cứu độ dành cho tất cả mọi người. Sự xuất hiện này được so sánh như tia sáng chiếu tỏa xuống nhân loại. Ngày hôm nay, thế giới vẫn còn mong được chiếu sáng, không những tại những vùng đất đang bị chiến tranh tàn phá, hoặc những nơi mà nhân quyền bị chà đạp, hay những người đang thiếu ăn thiếu mặc, mà cả những nước kỹ nghệ đang lo lắng cho tương lai bấp bênh. Nguyện xin Chúa Kitô mang lại ánh sáng của hy vọng và hoà bình, và làm thay đổi con tìm của chúng ta, để chúng ta biết liên đới với anh chị em của mình. Sau đây là nguyên văn sứ điệp.

Anh chị em thân mến, với những lời của thánh Phaolô tôi muốn lặp lại lời loan báo vui mừng của lễ Chúa Giáng sinh. Quả thật, hôm nay “ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta đã xuất hiện cho hết mọi người”. (Tt 2,11)

Đã xuất hiện! Đây là điều mà ngày hôm nay Giáo hội cử hành. Ân sủng của Chúa, giàu lòng lân tuất và ưu ái, không còn giấu kín nữa, nhưng đã được biểu lộ, đã được tỏ hiện nơi xác phàm, đã bày tỏ khuôn mặt của mình. Ở đâu? Ở Bêlem. Hồi nào? Dưới thời hoàng đế Cesar Augustus, vào dịp kiểm tra dân số lần đầu tiên, theo như thánh sử Luca thuật lại. Ai là người biểu lộ? Một trẻ thơ, người Con của đức Trinh nữ Maria. Nơi trẻ thơ đó, ân sủng của Thiên Chúa Đấng Cứu độ chúng ta đã xuất hiện. Vì thế hài nhi được đặt tên là Jehoshua, Giêsu, có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.

Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện; vì thế lễ Giáng sinh là lễ của ánh sáng. Không phải ánh sáng rực rỡ tựa như luồng sáng bao trùm vạn vật vào chính ngọ, nhưng như tia sáng bật lên giữa đêm khuya và chiếu toả ra từ một điểm xác định của vũ trụ: từ hang đá Belem, nơi mà thánh nhi đã chào đời. Thực ra, chính Người là ánh sáng lan toả, như những bức hoạ Giáng sinh đã trình bày, Người là ánh sáng, khi xuất hiện đã phá vỡ bóng đen, xua đuổi đêm tối, và cho phép chúng ta được hiểu ý nghĩa và giá trị của cuộc sống và của lịch sử. Mỗi hang đá là một lời mời gọi đơn sơ và hùng hồn hãy mở cửa lòng trí đến mầu nhiệm sự sống. Đây là một cuộc gặp gỡ với Sự sống bất diệt, nay đã mang lấy thân phận hay chết trong quang cảnh huyền nhiệm của lễ Giáng sinh, một quang cảnh mà chúng ta có thể chiêm ngắm ngay tại quảng trường thánh Phêrô, cũng như trong trăm ngàn nhà thờ trên khắp thế giới và trong mọi căn nhà kính tôn danh thánh Chúa Giêsu.

Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện cho tất cả mọi người . Phải, Chúa Giêsu, dung nhan của Thiên Chúa Đấng Cứu độ, đã xuất hiện không chỉ cho một vài người, một số người, nhưng cho hết mọi người. Thật vậy, trong căn nhà tồi tàn ở Bêlem, chỉ ít người đến gặp Chúa, nhưng Chúa đã đến cho tất cả mọi người: Do thái và dân ngoại, người giàu và người nghèo, người gần người xa, người có tín ngưỡng và người vô tín ngưỡng .. hết mọi người. Ân sủng siêu phàm, theo ý định của Thiên Chúa, được dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, con người cần tiếp nhận ân sủng, cần đáp lại “xin vâng”, như đức Maria, ngõ hầu con tim được soi chiếu bởi ánh sáng Thiên Chúa. Vào đêm ấy, để đón tiếp Ngôi Lời nhập thể, có Đức Maria và thánh Giuse đang trông chờ Người với lòng yêu mến, có các mục đồng canh giữ đàn chiên (xc. Lc 2,1-20). Thực là một nhóm nhỏ đã đến thờ lạy Hài nhi Giêsu; một cộng đoàn bé nhỏ tượng trưng cho Hội thánh và tất cả những người lòng ngay. Ngày hôm nay cũng vậy, những ai đang trông chờ và tìm kiếm Người đều gặp thấy Thiên Chúa vì yêu thương đã trở nên người anh em của chúng ta; những ai hướng lòng lên với Người, ước ao nhận biết dung nhan Người và góp phần kiến tạo vương quốc của Người. Chúa Giêsu sẽ nói trong bài giảng: đó là những người có tinh thần nghèo khó, những kẻ sầu muộn, những kẻ hiền lành, những người khao khát công lý, những người lân tuất, những người có tâm hồn thanh tịnh, những kẻ xây dựng hòa bình, những kẻ bị bách hại vì công lý (xc. Mt 5,3-10). Những người này nhận biết nơi đức Giêsu khuôn mặt của Thiên Chúa, và trở về nhà với con tim được đổi mới nhờ niềm vui của tình thương, giống như các mục đồng Belem.

Thưa anh chị em đang nghe tôi nói. Trọng tâm của sứ điệp Giáng sinh là lời loan báo hy vọng dành cho tất cả mọi người. Đức Giêsu đã sinh ra cho hết mọi người, và cũng như tại Belem, Mẹ Maria đã giới thiệu Người cho các mục đồng, thì ngày hôm nay, Hội thánh cũng giới thiệu Người cho toàn thể nhân loại, ngõ hầu mỗi người và mỗi hoàn cảnh đều có thể cảm nghiệm quyền năng của ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Duy chỉ ân sủng Thiên Chúa mới có thể thay đổi trái tim của con người và biến nó nên hoa viên của hoà bình.

Mong sao cho các dân tộc còn đang sống trong đêm đen và bóng tối của sự chết được cảm nghiệm quyền năng của ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Mong sao cho ánh sáng thiên linh của Belem được lan rộng sang thánh địa, nơi mà chân trời xem ra tối sầm lại cho người Do thái và người Palestin. Xin ánh sáng ấy tăng sức mạnh cho những kẻ không chịu khuất phục con đường phi lý của đụng độ và vũ lực, đối lại họ đang gắng tìm con đường đối thoại và thương thuyết để giải quyết những căng thẳng giữa các dân tộc và tìm những giải pháp công bằng và bền bỉ cho những cuộc xung đột đang xảy ra trong vùng.Các dân tộc Zimbabwe bên Phi châu, từ lâu đã bị đè bẹp bởi những khủng hoảng chính trị và xã hội đang tiếp tục gia tăng, cũng như nhân dân Cộng hoà dân chủ Congo, đặc biệt người dân miền Kivu, Darfur, người dân Somalia, đang hứng chịu những sự đau khổ do hậu quả của tình trạng thiếu yên ổn và thiếu hoà bình: họ đang trông ngóng Ánh sáng ấy đến để canh tân đổi mới. Nhất là các nhi đồng ở các quốc gia vừa kể và thuộc các quốc gia đang gặp khó khăn cũng mong chờ Ánh sáng đó, để chúng được trả lại niềm hy vọng vào tương lai.

Nơi nào phẩm giá và quyền lợi của con người bị chà đạp; nơi nào tính ích kỷ cá nhân hay tập thể đang lấn át công ích, nơi nào cảnh huynh đệ tương tàn và cảnh khai thác bóc lột con người có nguy cơ trở thành thói quen; nơi nào những cuộc nội chiến đã chia rẽ các bộ tộc và phá tan cuộc chung sống; nơi nào thiếu thốn lương thực cần thiết để sống; nơi nào người ta đang lo ngại khi nhìn về tương lai bấp bênh: ước mong cho ánh sáng lễ Giáng sinh hãy chiếu sáng, và khuyến khích mỗi người hãy góp phần của mình trong tinh thần liên đới. Nếu mỗi người chỉ nghĩ tới ích lợi riêng tư của mình, thì thế giới sẽ đi tới chỗ diệt vong mà thôi.

Anh chị em thân mến. “An sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ đã xuất hiện”, trong thế giới chúng ta, mang theo những tiềm năng cũng như khuyết điểm. Hôm nay, ánh sáng của đức Giêsu Kitô, Con của Đấng Tối Cao và con của đức Trinh nữ Maria đã bừng sáng. Người là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Vì loài người chúng ta và vì phần rỗi chúng ta Người đã từ trời xuống thế”. Ngày hôm nay, trên khắp mọi nơi trên địa cầu, chúng ta thờ lạy Người, được vấn trong tấm khăn và đặt nằm trong máng cỏ khó nghèo. Chúng ta thờ lạy Người trong thinh lặng, đang khi mà Người, tuy còn bé nhỏ, xem ra đang nói lời khích lệ chúng ta: “Đừng sợ, Ta là Thiên Chúa, không còn ai khác nữa” (Is 45,22). Hết mọi người, hãy đến với ta, hết tất cả mọi dân mọi nước, hãy đến với ta, đừng sợ; ta đến để mang lại tình thương của Chúa Cha, để chỉ cho các bạn con đường của hòa bình.

Vì thế, anh chị em thân mến. Chúng ta hãy vội vã lên đường, giống như các mục đồng trong đêm Belem. Thiên Chúa đã đến gặp chúng ta và đã tỏ cho chúng ta dung nhan của Người, đầy ân sủng và tình thương. Mong sao cho việc Chúa đến không trở nên uổng công đối với chúng ta! Chúng ta hãy đi tìm Chúa Giêsu, hãy để cho ánh sáng của Người thu hút chúng ta, xoá tan sự buồn phiền và sợ hãi khỏi con tìm của ta. Nào ta hãy tin tưởng đến gần Người, khiêm tốn thờ lạy Người. Chúc mùng lễ Giáng sinh đến hết mọi người.

Sau bài sứ điệp Đức thánh cha đọc lời chúc mừng với 64 ngôn ngữ khác nhau và ban phép lành ban Tòan xá Urbi et Orbi , cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới

(nguồn: Radio Vaticana - http://www.radiovaticana.org/vie/index.asp)

 


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội