SỨ điỆp

cỦa ĐỨc Thánh Cha BÊNÊĐITÔ XVI

nhân Ngày QUỐC TẾ GiỚi trẺ LẦN THỨ XXI

 09.04.2006

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

ánh sáng chỉ đường con đi”

(Tv 119/118,105)

Các bạn trẻ thân mến !

Trong niềm vui được ngỏ lời với các con đang chuẩn bị cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXI, cha sống lại trong tâm trí những kinh nghiệm phong phú đã trải qua vào tháng 8 năm 2005 vừa qua bên Ðức quốc. Năm nay (2006), ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được cử hành tại các Giáo Hội địa phương khác nhau và sẽ là dịp thuận tiện để làm sống lại ngọn lửa hăng say đã được thắp lên tại thành phố Colonia và được nhiều người trẻ chúng con mang về trong gia đình, trong các giáo xứ, các hiệp hội và phong trào. Ðồng thời Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này cũng sẽ là giây phút ưu tiên để mời gọi biết bao người bạn của các con hãy bước vào cuộc hành hương thiêng liêng của những thế hệ mới tiến đến Chúa Kitô.

Chủ đề mà Cha đề nghị cho chúng con suy niệm là câu kinh thánh trích từ thánh vịnh 118 như sau : "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 119/118,105). Ðức Gioan-Phaolô II rất đáng mến, đã giải thích lời thánh vịnh trên như sau : "Người cầu nguyện thánh vịnh trên, hòa mình vào trong lời chúc tụng Luật Chúa ; Luật được so sánh như là ngọn đèn soi bước đi trên đường đời thường bị tăm tối" (Triều yết chung ngày 14/11/2001 : Giáo Huấn của Gioan Phaolô II, XXIV/2, 2001, trang 715). Thiên Chúa mạc khải chính mình trong lịch sử ; Ngài nói chuyện với con người và Lời Ngài đầy sức mạnh sáng tạo. Thật vậy, quan niệm Do-thái của từ "Dabar", thường được chuyển dịch ra bằng từ "Lời", là từ có hai nghĩa vừa là "Lời Nói" vừa là "Hành Ðộng". Thiên Chúa nói điều Ngài làm và làm điều Ngài nói. Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa loan báo cho con dân Israel biết Ðấng Thiên Sai sắp ngự đến và cho biết việc thiết lập lại một giao ước "mới". Trong Ngôi Lời nhập thể làm người, Thiên Chúa hoàn thành những lời Ngài đã hứa. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng làm nổi bật điểm này như sau : "Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Nơi Người, Thiên Chúa phán dạy mọi sự, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó" (số 65). Chúa Thánh Thần – Ðấng đã hướng dẫn dân được tuyển chọn, vừa linh ứng các tác giả Sách Thánh –, (Ngài) mở lòng trí của các tín hữu, để họ hiểu được tất cả những gì được tích chứa trong đó. Cũng chính Chúa Thánh Thần là Ðấng hiện diện cách tích cực trong việc cử hành Thánh Thể, khi linh mục, "in persona Christi" – "trong tư cách Chúa Kitô" –, đọc lời truyền phép, biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu của Chúa Kitô, ngõ hầu cả hai trở nên của ăn thiêng liêng cho các tín hữu. Ðể tiến tới trong cuộc hành hương từ trần gian về Quê Hương trên trời, tất cả chúng ta đều cần nuôi sống mình bằng lời và bánh ban sự Sống đời đời, hai thực thể không thể nào tách rời ra khỏi nhau được !

Các Tông Đồ đã lắng nghe lời cứu rỗi và đã lưu truyền lời đó cho các đấng kế vị như là viên ngọc quý giá, và cần được gìn giữ an toàn trong "két sắt" Giáo Hội : không có Giáo Hội, viên ngọc quý giá này gặp nguy hiểm bị mất hoặc bị bể đi. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy yêu mến Lời Chúa và yêu mến Giáo Hội, một Giáo Hội giúp các con đến với kho tàng hết sức giá trị như thế, vừa hướng dẫn các con biết thẩm định sự phong phú của kho tàng nầy. Các con hãy yêu mến và nghe theo Giáo Hội, một Giáo Hội đã lãnh nhận từ Ðấng Sáng Lập mình sứ mạng chỉ cho con người biết đường tiến đến hạnh phúc đích thật. Không phải là điều dễ dàng để nhận biết và gặp được hạnh phúc đích thật trong thế giới chúng ta đang sống, trong đó con người thường bị bắt làm con tin của những dòng tư tưởng dẫn đưa đến sự hư mất trong những sai lầm hoặc trong những ảo tưởng của các ý thức hệ lầm lạc, mà vẫn nghĩ mình là "con người tự do". Ðiều khẩn thiết ngày nay là "giải thoát sự tự do" (x. Thông Ðiệp Veritas splendor – Chân Lý rạng ngời, số 86), là soi sáng cho sự tối tăm, trong đó nhân loại đang dọ dẫm bước đi. Chúa Giêsu đã chỉ cho biết bằng cách nào sự giải thoát này có thể xảy ra, với những lời như sau : "Nếu các con ở lại trong Lời của Thầy, các con thật là môn đệ Thầy ; các con sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các con" (Ga 8,31-32). Ngôi Lời nhập thể, Lời Sự Thật (= Chân Lý), làm cho chúng ta được tự do và hướng dẫn sự tự do chúng ta đến điều thiện hảo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy năng suy niệm Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm Thầy dạy các con. Lúc đó, các con sẽ khám phá ra rằng đường lối của Thiên Chúa không phải là những tư tưởng của con người. Các con sẽ được hướng dẫn đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa thật và đọc những biến cố của lịch sử với đôi mắt của Thiên Chúa. Các con hãy nếm hưởng cách trọn vẹn niềm vui phát sinh từ sự thật. Trên đường đời, không phải dễ dàng và cũng chẳng thiếu những cạm bẫy, các con có thể gặp những khó khăn và đau khổ, và đôi khi chúng con sẽ bị cám dỗ kêu lên với Vịnh gia : "Thân con bị muôn phần khổ nhục" (Tv 119/118,107). Nhưng, cùng với Vịnh gia, các con đừng quên nói thêm như sau : "Lạy Chúa, theo lời Ngài, xin cho con được sống ... Mạng sống này luôn lâm vòng nguy hiểm, song luật Ngài, con vẫn không quên" (Tv 119/118, 107.109). Sự hiện diện đầy tình thương của Thiên Chúa, qua Lời Ngài, là ngọn đèn đánh tan những bóng tối của lo sợ và soi sáng đường ta đi, cả trong những giây phút khó khăn nhất.

Tác giả của Thư Do-thái đã viết như sau : "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi ; xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (4,12). Cần phải nghiêm chỉnh lắng nghe lời huấn dụ xem Lời Chúa như "vũ khí" cần thiết trong cuộc chiến thiêng liêng ; Lời Chúa tác động hữu hiệu và mang lại hoa trái, nếu chúng ta học biết lắng nghe và sau đó vâng phục tuân theo Lời Chúa. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích như sau : "Vâng phục (Obéir = ob-audire) trong đức tin là tự nguyện vâng phục lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý bảo đảm" (số 144). Nếu Tổ Phụ Abraham là mẫu gương cho thái độ lắng nghe này, tức thái độ vâng phục, thì Vua Salomon cho thấy ngài là kẻ say mê đi tìm sự khôn ngoan được tích chứa trong Lời Chúa. Khi Thiên Chúa đề nghị với Vua Salomon : "Hãy xin, Ta ban cho con điều gì con muốn", thì Vua Salomon trả lời như sau : "Lạy Chúa, xin hãy ban cho tôi tớ Chúa một con tim vâng phục" (1V 3,5.9). Bí quyết để có một "con tim vâng phục" là luyện tập mình có một con tim biết lắng nghe. Và tín hữu có được điều này nhờ suy niệm không ngừng Lời Chúa và ăn rễ sâu vào Lời Chúa, nhờ sự dấn thân muốn biết Lời Chúa mỗi ngày một hơn.

Các bạn trẻ thân mến, cha khuyến khích các con hãy làm cho mình trở nên quen thuộc với Kinh Thánh, hãy đặt Kinh Thánh trong tầm tay, ngõ hầu Kinh Thánh trở nên chiếc la bàn chỉ cho các con biết con đường phải đi theo. Nhờ đọc Kinh Thánh, các con sẽ học biết Chúa Kitô. Về việc này, Thánh Giêrônimô có nhận xét như sau : "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô" (PL 24,17 ; x. Dei Verbum, số 25). Một phương thế hết sức đáng khen để đào sâu và nếm hưởng Lời Chúa
là phương thế Lectio Divina, là đọc và suy niệm Lời Chúa ; việc này kết thành con đường thiêng liêng đích thật và riêng biệt, qua nhiều giai đoạn. Từ việc đọc (lectio), tức đọc đi đọc lại một đoạn Sách Thánh vừa thu nhận những yếu tố chính của đoạn văn ấy, người ta bước sang việc suy niệm (meditatio), được hiểu như là việc để nội tâm mình dừng lại, trong đó linh hồn hướng về Thiên Chúa, vừa cố gắng hiểu điều mà Lời Ngài nói lên cho cuộc sống cụ thể hôm nay. Tiếp đến là việc cầu nguyện (oratio) làm cho ta thưa chuyện với Thiên Chúa trong đối thoại trực tiếp ; và cuối cùng là việc chiêm ngắm (contemplatio) giúp ta giữ tâm hồn mình luôn chú ý đến sự hiện diện của Chúa Kitô, mà Lời Ngài là "ngọn đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em" (2 Pr 1,19). Việc đọc, học hỏi và suy niệm Lời Chúa phải dẫn ta đến việc sống gắn bó với Chúa Kitô và với những giáo huấn của Ngài.

Thánh Giacôbê cảnh tỉnh như sau : "Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự
do –, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm" (1,22-25). Ai lắng nghe Lời Chúa và liên lỉ quy chiếu về Lời Ngài, thì người ấy xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững chắc. Chúa Giêsu đã phán : "Ai lắng nghe Lời Ta và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá" (Mt 7,24) : người ấy sẽ không chào thua những cơn giông bão cuộc đời.

Xây dựng cuộc đời trên nền tảng Chúa Kitô, vừa tiếp nhận Lời Chúa cách tươi vui và thực hành những điều Lời Chúa dạy, thưa các bạn trẻ của ngàn năm thứ ba, chương trình sống của các con cần trở nên như thế đó ! Ðiều khẩn thiết là cần có một thế hệ mới những tông đồ ăn rễ sâu vào trong lời dạy của Chúa Kitô, những kẻ có khả năng đáp lại những thách thức của thời đại chúng ta và sẵn sàng phổ biến Tin Mừng khắp mọi nơi. Ðây là điều Chúa yêu cầu nơi các con, cũng là điều Giáo Hội mời gọi các con thực hiện, và là điều mà thế giới – dù không ý thức – chờ đợi từ nơi các con ! Và nếu Chúa Giêsu mời gọi các con, thì các con đừng sợ đáp lại cách quảng đại, nhất là khi Chúa đề nghị các con theo Ngài trong đời sống tận hiến hoặc trong đời sống linh mục. Các con đừng sợ ; hãy tin tưởng vào Chúa và các con sẽ không bị thất vọng.

Các bạn trẻ thân mến, với ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXI, mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày 9 tháng tư sắp tới, Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta hãy thực hiện cuộc hành hương tinh thần đến cuộc gặp gỡ quốc tế những người trẻ, sẽ diễn ra tại Sydney tháng bảy năm 2008. Chúng ta hãy chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đại này, vừa cùng nhau suy nghĩ về chủ đề Chúa Thánh Thần và sứ mạng, qua các giai đoạn tiếp nối nhau. Năm nay, chú ý tập trung vào Chúa Thánh Thần, ThầnKhí sự thật, Ðấng mạc khải cho chúng ta biết Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, vừa mở rộng con tim mỗi người đón nhận Lời cứu rỗi, và là Ðấng dẫn dắt ta vào Sự Thật tròn đầy. Năm 2007 tới, chúng ta sẽ suy niệm câu Tin Mừng theo thánh Gioan như sau : "Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau" (13,34) và chúng ta sẽ khám phá cách sâu xa hơn Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của tình thương, Ðấng đổ tràn trong chúng ta tình thương bác ái thần thiêng và làm cho chúng ta trở nên nhạy cảm với những nhu cầu vật chất và thiêng liêng của anh chị em chung quanh. Cuối cùng, chúng ta sẽ đến cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế của năm 2008, với chủ đề là : "Hãy nhận lấy sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy" (Cv 1,8).

Các bạn trẻ thân mến, ngay từ bây giờ, trong bầu khí càng ngày càng gia tăng việc lắng nghe Lời Chúa, các con hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của sức mạnh và của chứng tá, xin Ngài làm cho các con có khả năng loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất mà không sợ hãi gì. Nguyện xin Mẹ Maria, đấng hiện diện trong Phòng Tiệc Ly với các Tông Đồ, để chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, (xin Mẹ) hãy là Mẹ và là người hướng dẫn các con. Xin Mẹ dạy cho các con biết lãnh nhận Lời Chúa, biết gìn giữ và suy niệm Lời Chúa trong tâm hồn các con (x. Lc 2,19), như xưa Mẹ đã thực hành trong suốt đời sống Mẹ. Xin Mẹ khuyến khích các con nói lời "xin vâng" của mình, đáp lại lời Chúa mời gọi, vừa sống thực hành "sự vâng phục đức tin". Xin Mẹ giúp các con sống vững mạnh trong đức tin, kiên trì trong hy vọng, và nhẫn nại trong bác ái, luôn luôn vâng phục Lời Chúa. Cha đồng hành với các con trong lời cầu nguyện, và hết lòng ban phép lành cho các con.

Từ Vatican, ngày 22 tháng 02 năm 2006,

Lễ Kính Toà Thánh Phêrô tông đồ.

Bênêđitô XVI, giáo hoàng.

(đã ký)

(Bản dịch của Radio Veritas Asia ngà 28-2-2006)

 

Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội