SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC. BÊNÊĐICTÔ XVI

NHÂN NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ THỨ 22

 

Radio Vatican 05/02/2007 – Cũng như năm ngoái, Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 22 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận, đồng thời cũng là một giai đoạn để tiến tới Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ sẽ được cử hành vào trung tuần tháng 7/2008 tại thành phố Sydney bên Úc. Hôm 05/02/2007, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công số sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới. Sau đây là bản dịch (của cha G. Trần Đức Anh OP, Đài Vatican) nguyên văn sứ điệp của ĐTC :

Hỡi những người trẻ thân mến,

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 22 sẽ được cử hành tại các giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá tới đây, cha muốn đề nghị các con suy niệm về lời Chúa Giêsu : Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau(Ga 13,34).

Có thể yêu thương hay không?

Mọi người đều cảm thấy muốn yêu và được yêu. Nhưng yêu thật là khó dường nào, bao nhiêu lầm lẫn và thất bại xảy ra trong tình yêu ! Thậm chí có người đi tới độ nghi ngờ không biết tình yêu là điều có thể hay không. Nhưng nếu những khiếm khuyết về tình cảm hoặc những vụ thất tình có thể khiến cho người ta nghĩ rằng yêu là một ảo tưởng, là một giấc mơ không thể đạt tới được, phải chăng vì thế mà ta phải cam chịu sao ? Không ! Tình yêu là điều có thể và mục đích sứ điệp này của cha là để góp phần khơi dậy nơi mỗi người trong các con, là tương lai và niềm hy vọng của nhân loại, niềm tín thác nơi tình yêu chân thực, chung thủy và mạnh mẽ ; một tình yêu mang lại an bình và hoan lạc ; một tình yêu nối kết con người, làm cho họ cảm thấy tự do trong niềm tôn trọng lẫn nhau. Vậy bây giờ các con hãy để cha cùng đi với các con trong một cuộc hành trình qua ba giai đoạn để ”khám phá” tình yêu.

Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu

Giai đoạn thứ nhất liên quan đến nguồn mạch tình yêu chân thực, nguồn mạch duy nhất, đó là Thiên Chúa. Thánh Gioan đã nêu rõ điều này khi quả quyết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Về điểm này, thánh nhân không chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng ngài còn nói chính bản tính của Thiên Chúa là tình yêu. Ở đây chúng ta đứng trước mạc khải sáng ngời nhất về nguồn mạch tình yêu là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi : trong Thiên Chúa, duy nhất và Ba Ngôi, có một sự trao đổi yêu thương vĩnh cửu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, và tình yêu này không phải là một năng lực hay một tình cảm, nhưng là một Ngôi Vị, là Chúa Thánh Thần.

Thập giá Chúa Kitô biểu lộ hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa

Thiên Chúa – Tình Yêu tự biểu lộ cho chúng ta như thế nào ? Ở đây chúng ta bước sang giai đoạn thứ hai trong hành trình của chúng ta. Cho dù trong việc sáng tạo đã có những dấu hiệu rõ ràng về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa diễn ra trong sự Nhập Thể, khi chính Thiên Chúa làm người. Trong Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và là Người thật, chúng ta đã nhận ra tình yêu trong mọi chiều kích. Thực vậy, như cha đã viết trong Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu) : “Tính chất mới mẻ thật sự của Tân Ước không hệ tại nhiều ở những ý tưởng mới cho bằng trong chính hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng trao ban mình và máu Ngài cho những ý tưởng đó – một chủ nghĩa hiện thực chưa từng có” (số 12). Sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa thật là trọn vẹn và hoàn hảo trên Thập Giá, nơi mà – như thánh Phaolô quả quyết, Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu đích thực của Ngài đối với chúng ta, vì trong khi chúng ta còn là kẻ tội lỗi, Đức Kitô đã chết vì chúng ta (Rm 5,8). Vì thế, mỗi người trong chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm
rằng : “Chúa Kitô đã yêu thương và hiến mạng vì tôi” (x. Ep 5,2). Được cứu chuộc nhờ máu của Chúa, không một nhân mạng nào là vô ích hoặc kém giá trị, vì tất cả chúng ta đều được Chúa đích thân yêu thương bằng một tình yêu say mê và chung thủy, một tình yêu vô biên. Trái lại, Thập Giá, sự điên rồ đối với thế gian, cớ vấp phạm đối với nhiều tín hữu, chính là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa” đối với tất cả những ai để cho Thập Giá đánh động tận thâm tâm họ, vì điều điên dại của Thiên Chúa vẫn khôn ngoan hơn loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn loài người” (x. 1 Cr 1,24-25). Đúng ra, Đấng Chịu Đóng Đanh, sau khi sống lại, vẫn luôn mang dấu hiệu cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đưa ra ánh sáng những “giả mạo” và gian dối về Thiên Chúa, là những điều đầy bạo lực, thù hận và loại trừ. Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần thế và loại bỏ oán thù khỏi tâm hồn con người. Cuộc “cách mạng” đích thực của Ngài chính là tình yêu.

Yêu thương tha nhân

như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta

Và đây là giai đoạn thứ ba trong cuộc suy tư của chúng ta. Trên thập giá Chúa Kitô kêu lên Ta khát” (Ga 19,28) : qua đó Ngài biểu lộ lòng khát khao nồng nhiệt yêu mến và muốn được mỗi người chúng ta yêu mến. Chỉ khi nào chúng ta thấu hiểu được chiều sâu và cường độ của mầu nhiệm ấy, chúng ta mới ý thức được sự cần thiết và cấp bách phải yêu mến “như” chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Điều này bao hàm nghĩa vụ, nếu cần, phải hiến mạng sống mình vì anh chị em được nâng đỡ bằng tình yêu mến Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy yến mến tha nhân như bản thân mình (Lv 19,18), nhưng sự mới mẻ của Chúa Kitô hệ tại yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta, nghĩa là yêu tất cả mọi người, không phận biệt ai, yêu cả kẻ thù, “cho đến cùng” (x. Ga 13,1).

Chứng nhân về tình yêu của Chúa Kitô

Giờ đây cha muốn dừng lại ba lãnh vực của đời sống thường nhật, trong đó, hỡi những người trẻ quí mến, các con đặc biệt được kêu gọi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Lãnh vực đầu tiên là Giáo Hội, là gia đình thiêng liêng của chúng ta, gồm tất cả các môn đệ Chúa Kitô. Nhớ lời Chúa dạy : Do điều này mọi người biết các con là môn đệ Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,35), với lòng hăng hái và bác ái, các con hãy nâng đỡ các hoạt động của giáo xứ, cộng đoàn, các phong trào Giáo Hội và các nhóm bạn trẻ mà các con tham gia. Các con hãy chuyên cần trong việc tìm kiếm thiện ích cho tha nhân, trung thành với những điều đã cam kết. Các con đừng do dự vui mừng từ khước một vài thú tiêu khiển, hãy vui lòng chấp nhận những hy sinh cần thiết, hãy làm chứng về tình yêu trung thành của các con đối với Chúa Giêsu bằng cách loan báo Tin Mừng của Ngài đặc biệt nơi các bạn đồng lứa.

Chuẩn bị tương lai

Lãnh vực thứ hai trong đó các con được mời gọi biểu lộ tình yêu và tăng trưởng trong tình yêu, là sự chuẩn bị cho tương lai đang chờ đón các con. Nếu các con là những người đính hôn, Thiên Chúa đang có một dự phóng tình yêu cho tương lai hôn nhân và gia đình của các con, vì thế điều thiết yếu là các con khám phá dự phóng ấy với sự giúp đỡ của Giáo Hội, không để cho mình bị thành kiến thông thường nơi nhiều người nghĩ rằng Kitô giáo, với những giới răn và luật cấm, đang đặt những chướng ngại cho niềm vui của tình yêu và đặc biệt ngăn cản không cho các con vui hưởng trọn vẹn hạnh phúc mà người nam và người nữ tìm kiếm trong tình yêu của họ đối với nhau. Tình yêu của người nam và người nữ là nguồn gốc gia đình nhân loại và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ có nền tảng ở trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa (x. St 2,18-25). Học yêu thương nhau như lứa đôi là một con đường tuyệt vời, nhưng nó cũng đòi phải tập luyện kỹ lưỡng. Thời kỳ đính hôn, rất quan trọng để xây dựng lứa đôi, là thời gian chờ đợi và chuẩn bị, thời kỳ này cần được sống trong sự khiết tịnh về cử chỉ và lời nói. Điều này giúp trưởng thành trong tình yêu, trong sự ân cần săn sóc và quan tâm đối với người bạn mình; nó giúp tự chủ, phát triển sự tôn trọng người bạn, đó là những đặc bính của một tình yêu chân thực không tìm cách thỏa mãn mình trước tiên hoặc tìm an sinh riêng cho mình. Trong kinh nguyện chung, các con hãy xin Chúa gìn giữ và gia tăng tình yêu của các con, thanh tẩy nó khỏi mọi ích kỷ. Các con đừng do dự trong việc quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa, vì hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi đích thực trong Giáo Hội. Cũng vậy, hỡi những người trẻ nam nữ, các con hãy sẵn sàng thưa “xin vâng” nếu Chúa gọi các con theo Ngài trên con đường linh mục thừa tác hoặc trong đời thánh hiến. Tấm gương của các con sẽ là một khích lệ cho nhiều người khác đồng lứa tuổi với các con, họ đang tìm kiếm hạnh phúc đích thực.

Tăng trưởng trong tình yêu mỗi ngày

Lãnh vực thứ ba của sự dấn thân tình yêu chính là lãnh vực của đời sống thường nhật với các quan hệ đa diện của nó. Cha đặc biệt nhắc tới gia đình, trường học, công việc làm và thời giờ rảnh rỗi. Hỡi những người trẻ quí mến, hãy vun trồng những tài năng của các con, không phải chỉ để chiếm một địa vị xã hội, nhưng còn để giúp tha nhân “tăng trưởng”. Hãy phát triển các khả năng của các con, không những để “cạnh tranh” và “sản xuất” nhiều hơn, nhưng để trở thành “những chứng nhân bác ái”. Cùng với sự huấn luyện về nghề nghiệp, các con hãy cố gắng thủ đắc những kiến thức tôn giáo hữu ích để có thể thi hành sứ mạng của các con trong tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, cha mời gọi các con hãy đào sâu đạo lý xã hội của Hội Thánh, vì từ những nguyên tắc của đạo lý này hoạt động của các con giữa lòng thế giới sẽ được gợi hứng và soi sáng. Xin Chúa Thánh Linh giúp các con có những sáng kiến trong đức bác ái, kiên trì trong những gì mình đã cam kết dấn thân, táo bạo trong các sáng kiến của các con, để có thể góp phần xây dựng “nền văn minh tình thương”. Chân trời tình thương thực là vô biên : đó thực là cả thế giới !

Dám yêu thương” theo gương các thánh

Hỡi những người trẻ thân mến, cha muốn mời gọi các con hãy “dám yêu”, nghĩa là không mong ước gì cho cuộc sống của các con ngoài một tình yêu mạnh mẽ và tươi đẹp, có khả năng biến trọn cuộc sống thành một sự thực hiện vui tươi sự hiến thân chính mình cho Thiên Chúa và anh chị em, noi gương Đấng, nhờ tình yêu, đã mãi mãi chiến thắng oán thù và sự chết (x. Kh 5,13). Tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng thay đổi tâm hồn con người và toàn thể nhân loại, làm cho những quan hệ giữa người nam và người nữ, giữa giàu và nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh được thêm kết quả phong phú. Điều này chứng tỏ rằng cuộc sống của các thánh, vốn là những bạn hữu chân thật của Thiên Chúa, chính là máng chuyển và là phản ánh tình yêu nguyên thủy của Chúa. Các con hãy dấn thân tìm biết các thánh nhiều hơn, phó thác cho sự chuyển cầu của ngài, hãy tìm cách sống như các thánh. Ở đây cha chỉ muốn trưng dẫn Mẹ Têrêsa, người đã mau lẹ đáp lại tiếng kêu “Ta khát” của Chúa Kitô, tiếng kêu đã đánh động Mẹ một cách sâu xa, Mẹ bắt đầu thu thập những người sắp trên trong các đường phố ở Calcutta, Ấn độ. Từ đó, ước muốn duy nhất trong cuộc đời Mẹ là làm sao đáp lại cơn khát tình yêu của Chúa Giêsu, không phải bằng lời nói, nhưng bằng những hành vi cụ thể, nhận ra Chúa nơi khuôn mặt tiều tụy đang khao khát tình thương, nơi khuôn mặt những người nghèo khổ nhất. Chân phước Têrêsa đã thực hành lời Chúa dạy : Mỗi khi các con làm những điều này cho một trong những anh em bé mọn của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy” (x. Mt 25,40). Và sứ điệp của vị chứng nhân khiêm hạ này của tình yêu Chúa đã lan rộng trên toàn thế giới.

Bí quyết tình yêu

Các bạn thân mến, mỗi người chúng ta đều được Chúa ban cho đạt tới cùng một mức độ tình yêu, nhưng với điều kiện là phải cậy nhờ đến sự nâng đỡ không thể thiếu được của ơn thánh Chúa. Chỉ nhờ Chúa giúp, chúng ta mới có thể tránh được thái độ cam chịu trước những nghĩa vụ hết sức lớn lao phải chu toàn và Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm thực hiện những điều không thể tưởng tượng nổi theo sức loài người. Sự tiếp xúc với Chúa trong kinh nguyện, giúp chúng ta khiêm tốn, nhớ rằng chúng ta chỉ là “những đầy tớ vô dụng” (x. Lc 17,10). Nhất là Thánh Lễ là trường học lớn dạy tình yêu. Khi ta thường xuyên tham dự thánh lễ với lòng sốt sắng, khi chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu lâu dài trong Thánh Thể, thì càng dễ hiểu chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Chúa, vượt lên trên mọi sự hiểu biết (x. Ep 3,17-18). Rồi khi chia sẻ Bánh Thánh Thể với anh chị em trong cộng đoàn, chúng ta được thúc đẩy “mau mắn” biểu lộ tình yêu Chúa Kitô qua việc quảng đại phục vụ anh chị em, như Đức Mẹ đã làm với bà Elisabeth.

Hướng về cuộc gặp gỡ ở Sydney

Về vấn đề này, lời nhắn nhủ của thánh Gioan Tông Đồ thật là sáng tỏ : “Hỡi các con nhỏ, chúng ta đừng yêu mến bằng lời nói, bằng miệng lưỡi, nhưng bằng hành động và trong sự thật. Qua điều đó chúng ta biết mình sinh ra bởi sự thật” (1 Ga 3,18-19). Hỡi những người trẻ thân mấn, với tinh thần ấy, cha mời gọi các con hãy cử hành Ngày Quốc tế giới trẻ sắp tới cùng với Đức Giám mục của các con trong các giáo phận liên hệ. Đây là một giai đoạn quan trọng để tiến về cuộc gặp gỡ giới trẻ quốc tế ở thành phố Sydney với chủ đề Các con hãy nhận sức mạnh từ Thánh Linh Đấng ngự xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân của Thầy (Cv 1,18). Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, giúp các con làm vang dội khắp nơi tiếng kêu đã thay đổi thế giới : “Thiên Chúa là Tình Yêu !”. Cha tháp tùng các con trong kinh nguyện và cha thành tâm ban Phép Lành cho các con.

Vatican ngày 27 tháng Giêng năm 2007

BENEDICTUS PP. XVI


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội