Sứ điệp của ÐTC Beneđitô XVI

cho ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1/1/2007

 

 

Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình

1. Vào đầu năm mới, tôi muốn gởi đến quý Nhà Cầm Quyền, quý vị Trách nhiệm các quốc gia, và đến tất cả mọi người thiện chí nam nữ lời cầu chúc Hoà Bình. Một cách đặc biệt, Tôi gởi lời cầu chúc Hoà Bình đến những ai đang sống trong đau thương và trong cảnh khổ, đến những ai bị hăm dọa bởi bạo lực và bởi sức mạnh của vũ khí, hoặc bị chà đạp trong phẩm giá làm người và đang mong chờ được giải thoát trên bình diện nhân bản cũng như xã hội. Tôi gởi lời chào chúc Hoà Bình đến các thiếu nhi; với sự trinh trong vô tội, các thiếu nhi làm cho nhân lọai được giàu thêm sự tốt lành và niềm hy vọng; với những khổ đau đang chịu, các thiếu nhi khuyến khích chúng ta tất cả hãy trở thành những kẻ họat động cho công bằng và hoà bình. Khi ngỏ lời với các thiều nhi, nhất là với những em thiếu nhi có tương lai bị hư đi vì sự lạm dụng và vì tính xấu của người lớn không lương tâm, tôi muốn rằng nhân dịp Ngày Quốc Tế Hoà Bình, tất cả mọi người cùng chú ý đến chủ đề: Nhân Vị, con tim của Hoà Bình. Thật vậy, tôi xác tín rằng nhờ tôn trọng con người, mà hòa bình được cổ võ; và khi xây dựng hoà bình, người ta đặt những nền tảng cho một nền nhân triển toàn diện đích thật. Và như thế, người ta chuẩn bị một tương lai an lành cho những thế hệ mới.

 

Sau những lời nhập đề như trên, Sứ Ðiệp Hoà Bình 2007 được chia ra làm 8 phần, mỗi phần có hai số.

1. Tương quan giữa nhân vị và hoà bình: hồng ân và trách vụ. (số 2 và 3)

2. Quyền sống và quyền tự do tôn giáo (số 4 - 5)

3. Bản tính của tất cả mọi nguời đều bằng nhau (số 6 - 7)

4. "Môi sinh của hoà bình" (số 8 - 9)

5. Những cái nhìn hạn hẹp về con người (số 10 - 11)

6. Những nhân quyền và những tổ chức quốc tế (số 12 - 13)

7. Công pháp quốc tế về nhân đạo và quyền nội bộ của các quốc gia (số 14 - 15)

8. Giáo Hội bảo về đặc tính siêu việt của nhân vị (số 16 - 17)

Chúng ta hãy đọc tiếp Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007, như sau:

 

I. Nhân vị và Hoà Bình: hồng ân và trách vụ

2. Kinh Thánh quả quyết rằng: "Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài; giống hình ảnh Ngài Thiên Chúa đã tạo dựng họ; Ngài tạo dựng họ có nam có nữ" (STK 1,27). Bởi vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, cá nhân mỗi người đều có phẩm vị; con người không phải chỉ là một "vật nào đó", nhưng là một "vị" có khả năng biết chính mình, làm chủ mình và tự do trao hiến chính mình và bước vào trong sự hiệp thông với những con người khác. Ðồng thời, cá nhân đó được mời gọi, nhờ ân sủng Chúa, đến ký giao ước với Ðấng tạo dựng mình, và dâng lên Ngài lời đáp trả Ðức Tin và Tình Yêu mà không một ai khác có thể làm thay" (1) Trong viễn tượng đáng khâm phục này, người ta hiểu được trách vụ được trao phó cho con người là hãy để cho mình được trưởng thành trong khả năng yêu thương và làm cho thế giới tiến bộ bằng cách canh tân nó trong công bằng và trong hoà bình. Với một tổng hợp có sức đánh động, thánh Augustino dạy rằng: Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng chúng ta mà không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng Ngài không thể cứu chúng ta nếu chúng ta không muốn" (2) Vì thế, tất cả mọi người đều có bổn phận vun trồng ý thức về hai khía cạnh nầy: Hồng ân và trách vụ.

3. Hoà Bình vừa là hồng ân vừa là trách vụ. Nếu quả thật rằng hoà bình giữa các cá nhân và các dân tộc --- khả năng sống chung bên cạnh nhau vừa dệt nên những tương quan trong công bằng và tình liên đới --- nói lên một dấn thân không bao giờ ngừng, thì cũng đúng thật rằng, --- và còn hơn thế nữa --- hoà bình là hồng ân của Thiên Chúa. Thật vậy, hoà bình là một đặc điểm của hành động Thiên Chúa, đặc điểm này được thể hiện trong tạo vật với một vũ trụ có trật tự và hoà hợp, cũng như trong ơn cứu chuộc của một nhân loại đang cần được cứu thoát khỏi sự hỗn độn của tội lỗi. Sự tạo dựng và sự cứu chuộc cung cấp cho chúng ta chìa khoá để đọc hiểu các biến cố, nhắm giúp chúng ta thấu hiểu về ý nghĩa của cuộc đời mình trên trần gian. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, khi ngỏ lời với Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc ngày 5 tháng 10 năm 1995, đã nói rằng "chúng ta không sống trong một thế giới phi lý hoặc không có ý nghĩa... Trong thế giới chúng ta đây, có một nền luân lý soi sáng cho cuộc sống con người và làm cho cuộc đối thoại giữa mọi người cũng như giữa mọi dân nước trở thành có thể được." "Quy Ðịnh Văn Phạm" siêu việt, nghĩa là toàn bộ những quy luật hành động cá nhân cũng như những quy luật cho các liên lạc hỗ tương giữa các nhân vị theo sự công bằng và tình liên đới, (quy định đó) đã được khắc ghi trong các lương tâm; và trong các lương tâm này có phản chiếu dự án khôn ngoan của Thiên Chúa. Như tôi đã muốn quả quyết mới đây, "chúng ta tin tưởng rằng từ nguyên thủy có Ngôi Lời hằng hữu, có cái Hữu Lý, chớ không phải cái Vô Lý" (4). Hoà Bình do đó là một trách vụ đòi hỏi sự dấn thân của mỗi người, để đích thân đáp lại một cách ăn khớp với chương trình của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn cần soi sáng cho sự đáp trả này không thể là điều gì khác hơn sự tuân giữ "quy định" đã được Thiên Chúa Tạo Hoá viết vào trong con tim con người.

Trong viễn tượng này, những mệnh lệnh của quyền tự nhiên không nên được nhìn như là những mệnh lệnh được áp đặt từ bên ngoài, dường như chúng ép buộc sự tự do của con người. Ngược lại, những mệnh lệnh đó cần được tiếp nhận như là lời mời gọi hãy trung thành thực hiện dự án phổ quát của Thiên Chúa, được khắc ghi vào bản tính của con người. Ðược hướng dẫn bởi những quy định này, các dân tộc --- bên trong những nền văn hoá riêng --- có thể tiến đến gần với mầu nhiệm cao cả hơn, tức mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc nhìn nhận và tôn trọng bộ luật tự nhiên như thế kết thành cả trong thời đại hôm nay nền tảng rộng rãi cho cuộc đối thọai giữa những tín hữu của các tôn giáo khác nhau, cũng như cho cuộc đối thọai giữa các tín hữu và những người không tin. Ðây là điểm gặp gỡ lớn lao, và do đó, là nền tảng cần có cho nền hoà bình đích thực.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài giới thiệu đầu tiên, Ðặng Thế Dũng đã kể ra 8 phần của Sứ Ðiệp Hoà Bình, mỗi phần có hai số, không kể số đầu tiên, là số nhập đề của Sứ Ðiệp.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba ngày 12 tháng 12 năm 2006, để giới thiệu Sứ Ðiệp Hoà Bình cho giới báo chí, Ðức Hồng Y Renatô Martinô đã tóm lại 8 phần của Sứ Ðiệp lại trong ba phần chính.

Ðức Hồng Y đã nói như sau:

"Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha được trình bày theo một cơ cấu có ba phần; và trong mỗi phần này, chủ đề về nhân vị được từ từ giải bày trong tương quan với những khía cạnh khác nhau của công cuộc cổ võ cho hoà bình.

- Trong phần thứ I, được làm nỗi bật ý nghĩa và giá trị của mối liên lệ giữa nhân vị và hoà bình; ý nghĩa và giá trị này được hiểu và được trình bày qua những phạm trù có tính cách thần học và thiêng liêng; đó là phạm trù hồng ân và phạm trù trách vụ.

- Nơi phần thứ II của sứ điệp, sự thật về nhân vị được đặt vào trong tương quan với quan niệm mới và có tính cách đổi mới về "môi sinh của hoà bình".

- Trong phần thứ III của Sứ Ðiệp, sự thật về nhân vị được nhận định trong tương quan với thực tại phức tạp của việc tôn trọng những nhân quyền căn bản, tôn trọng quyền nhân đạo quốc tế và tôn trọng các trách nhiệm đi liền với hoạt động của các Tổ Chức Quốc Tế. Sứ Ðiệp Hoà Bình được kết thúc với lời mời gọi những người kitô hãy trở thành những kẻ họat động xây dựng hoà bình."

Như vậy, theo cái nhìn trình bày của Ðức Hồng Y Martinô, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, thì phần thứ I của Sứ Ðiệp bao gồm ba điểm, từ số 2 cho đến hết số 7, nói đến ba điểm như sau:

1. Nhân vị và hoà bình: Hồng ân và trách vụ;

2. Quyền sống và quyền tự do tôn giáo;

và 3. Bản tính bằng nhau của tất cả mọi người.

Trong mục thời sự lần trước, chúng ta đã đọc xong điểm 1, gồm hai số 2 và 3 của sứ điệp. lần này, chúng ta hãy đọc tiếp hai số 4 và 5, nói về: quyền sống và quyền tự do tôn giáo của nhân vị.

Ðức Thánh Cha đã viết trong sứ điệp của ngài như sau:

 

II. Quyền sống và quyền tự do tôn giáo

4. Bổn phận tôn trọng phẩm giá của mọi người, trong đó có phản chiếu hình ảnh của Ðấng Tạo Hoá, bao gồm như hệ luận từ đó rằng người ta không thể sử dụng con người theo như ý mình thích. Ai có quyền hành nhiều hơn, trên bình diện chính trị, kỷ thuật, kinh tế, không thể sử dụng quyền hành đó để xúc phạm những quyền lợi của những kẻ khác ít may mắn hơn. Thật vậy, chính dựa trên sự tôn trọng những quyền lợi của kẻ khác mà hoà bình được thiết lập. Ý thức về điều này, Giáo Hội biến mình trở thành cột trụ nâng đỡ cho những quyền lợi căn bản của mọi người. Một cách đặc biệt, Giáo Hội yêu cầu tôn trọng sự sống và tôn trọng sự tự do tôn giáo của mỗi người. Việc tôn trọng quyền sống của từng người trong mọi giai đoạn thiết lập một điểm vững chắc có tầm quan trọng quyết định: sự sống là một hồng ân mà đương sự không có quyền trọn vẹn sử dụng. Cũng thế, việc xác định quyền tự do tôn giáo đặt con người trong tuơng quan với một Nguyên Lý siêu việt giúp đương sự thoát ra khỏi quyết định tự tiện của con người. Quyền sống và quyền tự do biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa, không nằm trong quyền hành của con người. Hoà bình cần con người thiết lập một ranh giới rõ ràng giữa điều gì tuỳ thuộc vào con người và điều gì không: như thế sẽ tránh được những lẫn lộn không thể chấp nhận được trong phần gia tài các giá trị riêng biệt của con người, xét như là con người.

5. Riêng đối với quyền sống, thì cần phải lên tiếng tố cáo sự tấn công vào quyền lợi này trong xã hội chúng ta: ngoài những nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang, của nạn khủng bố và của những hình thức khác nhau của bạo lực, còn có những cái chết âm thầm gây ra do bởi nạn đói, nạn phá thai, nạn thử nghiệm trên các phôi thai và nạn làm cho chết êm dịu. Làm sao chúng ta không nhìn thấy trong tất cả những điều vừa kể một xúc phạm đến hoà bình?

Nạn phá thai và việc thử nghiệm trên các phôi thai là trực tiếp nghịch lại thái độ tiếp nhận đối với kẻ khác; thái độ tiếp nhận này là cần thiết để thiết lập những tương quan bền vững của hoà bình. Còn đối với những gì có liên hệ đến việc biểu lộ tự do đức tin của mình, thì một hiện tượng đáng lo ngại khác cho thấy sự thiếu vắng hoà bình trên thế giới, được thể hiện bởi những khó khăn mà biết bao người kitô cũng như bao tín đồ của các tôn giáo khác thuờng gặp phải, trong việc tuyên xưng công khai và cách tự do những xác tín tôn giáo của mình. Riêng về trường hợp của những người kitô, tôi đau buồn ghi nhận rằng những người kitô không những bị ngăn cản đôi khi, nhưng tại vài quốc gia, họ đúng là bị bách hại; và cả mới đây người ta đã ghi nhận những biến cố bi thảm do bạo lực hung dữ gây ra. Có những chế độ áp đặt trên tất cả mọi người một tôn giáo duy nhất, trong khi đó có những chế độ khác thì lãnh đạm, không thực hiện cuộc bách hại dữ dằn, nhưng thi hành một sự làm nhục có hệ thống trên bình diện văn hoá đối với những niềm tin tôn giáo. Trong mọi trường hợp, người ta không tôn trọng nhân quyền căn bản; sự không tôn trọng này gây ra những hệ quả trầm trọng trên sự chung sống hoà bình. Không tôn trọng nhân quyền là cổ võ cho một tâm thức và một nền văn hoá tiêu cực đối với hoà bình.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba ngày 12 tháng 12 năm 2006, Ðức Hồng Y Renato Martino đã giải thích tiếp phần I của Sứ Ðiệp Hoà Bình của ÐTC cho ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1 tháng giêng năm 2007, với những lời như sau:

"Phần thứ I của Sứ Ðiệp Hoà Bình kết thúc với hai số 6 và 7 nhắc lại một cách rõ ràng chủ đề về sự bình đẳng trong bản tính giữa tất cả mọi người, với hai xác định chính yếu như sau: xác định thứ nhất nhắc đến những bất bình đẳng xã hội hiện có trong thế giới chúng ta; những bất bình đẳng này xem ra càng ngày càng nổi bật hơn với vấn đề to lớn về sự nghèo cùng tột độ của hàng tỉ người nam nữ, không được hưởng những điều thiết yếu cho sự sống như: lương thực, nước uống, nhà ở và sức khoẻ, nhất là tại lục địa phi châu; xác định thứ hai liên quan đến sự bất bình đẳng giữa người nam và người nữ. Về điểm này, ÐTC quả quyết như sau trong Sứ Ðiệp Hoà Bình của ngài: "Tôi nghĩ đến những bóc lột lạm dụng người nữ như là những đồ vật và nghĩ đến bao hình thức thiếu sự tôn trọng đối với phẩm giá người nữ; tôi cũng nghĩ đến --- trong khung cảnh khác --- những quan niệm về nhân học luôn luôn có mặt trong vài nền văn hoá, dành cho người nữ một chỗ đứng hết sức tuỳ thuộc vào quyết định độc đoán của người nam, kéo theo những hậu qủa xúc phạm đến phẩm giá người nữ như là một nhân vị và xúc phạm đến việc thực thi những sự tự do căn bản. Những bất bình đẳng xã hội nói trên và những bất bình đẳng phái tính là những lý do đáng quan ngại gây bất ổn cho công cuộc xây dựng hoà bình."

Giờ đây chúng ta hãy đọc tiếp hai số 6 và 7 của Sứ Ðiệp Hoà Bình như sau:

 

III. Tất cả mọi người đều bình đẳng trong bản tính

6. Khởi đầu của một số căng thẳng hăm dọa nền hoà bình chắc chắn là biết bao bất bình đẳng bất công còn đang hiện diện cách bi thảm trong thế giới. Trong số những bất bình đẳng thật đáng trách, một đàng là những bất bình đẳng trong việc hưởng dùng những của cải thiết yếu, như thức ăn, nuớc uống, nhà cửa, sức khoẻ; và đàng khác, những bất bình đẳng thường xuyên giữa người nam và người nữ trong việc thực thi những nhân quyền căn bản. Vậy, yếu tố có tầm quan trọng tiên quyết trong việc xây dựng hoà bình là việc nhìn nhận sự bình đẳng thiết yếu giữa các nhân vị, một sự bình đẳng phát sinh từ phẩm giá siêu việt chung của mọi người. Sự bình đẳng trên bình diện này là điều thiện hảo cho tất cả, được khắc ghi trong "văn phạm" tự nhiên, được rút ra từ chương trình của Thiên Chúa về tạo vật; đây là điều thiện hảo không thể nào bị bỏ đi hoặc bị khinh thị mà không tao ra những âm hưởng nặng nề gây nguy hiểm cho nền hòa bình. Những thiếu thốn trầm trọng mà nhiều dân tộc đang phải đau khổ gánh chịu, nhất là tại đại lục phi châu, là nguồn gốc cho những đòi hỏi mang tính cách bạo động và do đó gây thương tích khủng khiếp cho hoà bình.

7. Cả việc không nhìn nhận đủ đối với thân phận người nữ cũng mang đến những yếu tố gây bất ổn trong xã hội. Tôi nghĩ đến việc lạm dụng những người nữ bị đối xử như những đồ vật và đến biết bao hình thức thiếu tôn trọng đối với phẩm già người nữ; tôi cũng nghĩ đến --- trong khung cảnh khác --- (nghĩ đến) những quan niệm về con người hiện có trong vài nền văn hoá, dành cho người nữ một chỗ đứng hết sức tuỳ thuộc vào quyết định độc đoán của người nam, với những hậu quả xúc phạm đến phẩm giá người nữ như một ngôi vị và xúc phạm đến việc thi hành những sự tự do căn bản. Người ta không thể nào cho rằng hoà bình được bảo đảm, bao lâu chưa được vượt qua những hình thức kỳ thị, xúc phạm đến phẩm giá con người., một phẩm giá đã được Ðấng Tạo Hoá khắc ghi vào mỗi người" (5).

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta đã đọc xong số nhập đề và phần thứ I của sứ điệp Hoà Bình năm 2007, nghĩa là từ số 1 cho đến hết số 7. Lần này, chúng ta sẽ đọc phần thứ II của sứ điệp, từ số 8 cho đến hết số 11, trình bày 2 điểm sau đây: 1. Môi sinh của Hoà Bình; và 2. Những cái nhìn rút gọn con người.

Trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba, ngày 12 tháng 12 năm 2006, Ðức Hồng Y Renato Martino đã giải thích về phần II của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007, như sau:

"Phần thứ II của Sứ Ðiệp có thể được ta nhận diện từ số 8 cho đến hết số 11. Nội dung chính của phần thứ II nầy xoay quanh quan niệm có tính cách đổi mới về "môi sinh của Hoà Bình". Trong Sứ Ðiệp Hoà Bình của Ðức Bênêđitô XVI, quan niệm về "Môi Sinh của Hoà Bình" là một khai triển mới của quan niệm về "môi sinh nhân bản" được đề ra trong thông điệp "Năm Thứ 100" của Ðức Gioan Phaolô II. Thật vậy, Ðầy tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Không những trái đất này đã được Thiên Chúa trao ban cho con người; và con người phải sử dụng trái đất đúng theo ý định nguyên thủy tốt lành mà theo đó trái đất đã được trao ban cho con người. Nhưng Thiên Chúa còn trao con người cho con người; và do đó con người cần tôn trọng những cơ cấu tự nhiên và luân lý, mà họ đã tiếp nhận". Ðức Bênêđitô XVI dạy rằng nhân loại, --- nếu quan tâm đến hoà bình, --- cần luôn ghi nhớ những liên kết giữa môi sinh thiên nhiên, ---- tức sự tôn trọng đối với thiên nhiên ---- và môi sinh nhân bản mà trên đó xã hội được xây dựng. Một trong những đặc điểm hiển nhiên nhất của thời đại chúng ta là mỗi thái độ không tôn trọng môi sinh, đều mang đến những thiệt hại cho môi trường nhân bản và xã hội, và ngược lại. Hoà Bình được thể hiện mỗi ngày một hơn như là sự liên kết không thể bỏ qua được giữa hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người. Và cả hai (sự hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người) đều đòi hỏi hoà bình với Thiên Chúa. Bài Ca Tạo Vật của thánh Phanxicô, bài thơ và là lời cầu nguyện được gọi là "Bài ca anh Mặt Trời", là một thí dụ đáng khâm phục --- và cũng rất thời sự --- của hai môi sinh thiên nhiên và nhân bản của hoà bình." Như chúng ta sẽ nghe qua dưới đây, Ðức Thánh Cha Bênêđito XVI, khi nói về môi sinh của hoà bình, thì liên kết môi sinh này với vấn đề về năng lượng và về việc cung cấp năng lượng. Hiện đang có cuộc chạy đua đi tìm năng lượng. Nếu thiếu năng lượng, thì sự phát triển, --- hay không phát triển --- sẽ trở nên như thế nào? Sự đầu cơ năng lượng cũng gây thiệt hại cho hoà bình. Cuối cùng, ÐTC nhắc rằng con người không thể nào nhân danh Thiên Chúa, để gây chiến tranh. Và cũng không thể nhân danh con người, để gây ra chiến tranh. "Chiến tranh không thể nào được biện minh bởi những lý lẽ thần học, và cũng không thể nào được biện minh bởi những lý lẽ nhân học.

Ðây, chúng ta hãy cùng nhau đọc tiếp 4 số, từ số 8 đến 11, của Sứ Ðiệp Hoà Bình như sau:

 

IV. "Môi sinh của Hoà Bình"

8. Ðức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp "Năm Thứ 100", như sau: "Không những trái đất đã được Thiên Chúa ban cho con người, và con người phải sử dụng trái đất đúng theo ý định nguyên thủy tốt lành mà theo đó trái đất được trao ban cho con người; nhưng Thiên Chúa còn trao ban con người cho con người nữa. Do đó con người phải tôn trọng những cơ cấu tự nhiên và luân lý, mà con người tiếp nhận " (6). Chính khi đáp lại trọng trách mà Ðấng Tạo Hoá đã trao phó cho, mà những con người nam nữ có thể cộng tác với nhau nhắm mang đến một thế giới hoà bình. Bên cạnh môi sinh tự nhiên, còn có một "môi sinh" mà chúng ta có thể gọi là "môi sinh nhân bản"; môi sinh nhân bản này đòi hỏi "môi sinh xã hội". Và điều này kéo theo hệ luận rằng nhân lọai, nếu biết thật sự quan tâm đến hoà bình, thì cần phải luôn ghi nhớ những liên hệ hiện có giữa môi sinh tự nhiên,--- tức việc tôn trọng thiên nhiên ---, và môi sinh nhân bản. Kinh nghiệm chứng minh rằng mọi thái độ không tôn trọng đối với môi trường xung quanh, đều gây thiệt hại cho sự chung sống nhân lọai, và ngược lại. Và mỗi ngày một luơn rõ ràng hơn rằng có một liên kết không thể nào bỏ đi được giữa sự hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người. Sự hài hoà với thiên nhiên và hoà bình giữa mọi người, cả hai đều giả thiết phải có hoà bình với Thiên Chúa. Bài thơ cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi, được biết đến như là "Bài Ca anh Mật Trời" là một thí dụ đáng phục --- và luôn đúng lúc --- cho môi sinh của hoà bình, dưới nhiều hình thức của nó.

9. Vấn đề mỗi ngày một trầm trọng hơn về việc cung cấp các nguồn năng lượng, giúp chúng ta hiểu mối liên kết giữa hai môi sinh, là chặt chẽ đến như thế nào. Trong những năm qua, có chín (9) quốc gia hăng hái bước vào trong việc sản xuất kỹ nghệ, làm tăng thêm những nhu cầu về năng lượng. Ðiều này đang khơi dậy một cuộc chạy đua chưa từng có trước đây, để tìm những nguồn tài nguyên cho việc sản xuất kỹ nghệ. Trong khi đó, tại vài vùng trên thế giới, người ta còn sống trong những hoàn cảnh hết sức chậm tiến, trong đó sự phát triển thực ra đã bị chận đứng lại, một phần do bởi việc tăng giá năng lượng. Vậy thử hỏi những dân tộc này rồi sẽ trở nên như thế nào? Lọai phát triển nào --- hoặc loại không phát triển nào --- sẽ phải áp đặt lên họ, do bởi sự khan hiếm những nguồn cung cấp năng lượng? Những sự bất công nào và những xung đột nào sẽ được khơi dậy bởi cuộc chạy đua để tìm những nguồn năng lượng? Và những kẻ bị loại ra khỏi cuộc chạy đua này sẽ phàn ứng như thế nào? Ðó là những câu hỏi nổi bật cho ta thấy việc tôn trọng thiên nhiên được liên kết chặt chẽ như thế nào với sự cần thiết phải dệt nên giữa mọi người và giữa các quốc gia những tương quan biết chú trọng đến phẩm giá của nhân vị và có khả năng thỏa mãn những nhu cầu đích thực của con người. Việc phá hại môi sinh, việc sử dụng không đúng và ích kỷ, cũng như việc đầu cơ những tài nguyên của trái đất, sẽ làm phát sinh những rạn nứt, những xung đột và chiến tranh, bởi vì những điều đó là kết quả của một quan niệm vô nhân đạo về phát triển. Thật vậy, công cuộc phát triển nào chỉ giới hạn vào khía cạnh kỹ thuật và kinh tế, --- mà bỏ quên chiều kích luân lý tôn giáo, --- thì cuộc phát triển đó sẽ không phải là một công cuộc phát triển nhân bản toàn diện, nhưng chỉ là sự méo mó một chiều, và cuối cùng sẽ dẫn đến việc làm bừng lên những khả năng tàn phá nơi con người.

 

V. Những cái nhìn rút gọn con người

10. Trong khung cảnh của những khó khăn hiện nay và những căng thẳng quốc tế, điều khẩn thiết là phải dấn thân để thiết lập một "môi sinh nhân bản", giúp cho sự tăng trưởng của "cây hoà bình". Ðể thực hiện một công cuộc như thế, thì điều cần thiết là để cho mình được hướng dẫn bởi một cái nhìn về nhân vị, một cái nhìn không bị làm hư đi bởi những thành kiến có tính cách ý thức hệ và văn hoá, hoặc bởi những lợi lộc chính trị và kinh tế, và là những thành kiến khơi dậy thù hận và bạo lực. Ðiều dễ hiểu là những cái nhìn về con người thay đổi khác nhau tuỳ theo những nền văn hoá khác nhau. Nhưng điều không thể nào chấp nhận, là người ta vun trồng những quan niệm về con người có tích chứa trong đó những mầm móng của sự đối nghịch và bạo lực. Cũng thế, người ta không thể nào chấp nhận những quan niệm về Thiên Chúa như Ðấng khuyến khích sự bất bao dung đối với những người đồng lọai và khuyến khích sử dụng bạo lực đối với kẻ khác. Ðây là điểm cần được tái xác nhận một cách rõ ràng: người ta không bao giờ được chấp nhận cuộc chiến nhân danh Thiên Chúa! Khi một quan niệm nào đó về Thiên Chúa nằm ở gốc rễ của những hành động tội ác, thì đó là dấu cho biết rằng quan niệm đó đã biến thành ý thức hệ rồi!

11. Ngày nay, hoà bình không những bị đe dọa bởi sự xung đột giữa những cái nhìn rút gọn con người, hoặc, nói cách khác, bởi sự xung đột giữa các ý thức hệ. Hoà bình còn bị đe dọa bởi sự lãnh đạm đối với những gì kết thành bản tính đích thật của con người. Nhiều người đương thời chối bỏ sự hiện hữu của một bản tính con người và như thế mở cửa đón nhận những giải thích lạ đời nhất về những gì thiết yếu kết thành nhân vị. Và ở đây cần nói rõ rằng: một cái nhìn "giảm yếu " về nhân vị, chấp nhận đủ thứ quan niệm khác nhau, kể cả quan niệm kỳ cục nhắt, chỉ cổ võ cho hoà bình một cách hời hợt bên ngoài mà thôi. Thật ra cái nhìn "giảm yếu" này ngăn cản cuộc đối thọai đích thực và mở đường cho những áp đặt độc tài xen vào, và cuối cùng dẫn đến hệ quả này là làm cho nhân vị không được bênh đỡ, và do đó, dễ dàng trở thành mồi cho sự áp bức và bạo lực.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong bài thời sự lần này, chúng ta bắt đầu đọc phần III của Sứ Ðiệp Hoà Bình. Theo Ðức Hồng Y Renato Martino, thì phần III này gồm các số từ số 12 đến số 15, và trình bày 2 điểm chính sau đây: 1. những nhân quyền và những tổ chức quốc tế; 2. công pháp quốc tế nhân đạo và quyền nội bộ của các quốc gia. Ðức Hồng Y đã giới thiệu phần III này với những lời như sau:

"ÐTC quả quyết rằng một nền hoà bình đích thật và bền lâu, giả thiết sự tôn trọng những nhân quyền; những nhân quyền này được ăn rễ sâu vào trong quan niệm mạnh về nhân vị. Nếu những nhân quyền này được xây trên một quan niệm "yếu" về nhân vị, thì những nhân quyền đó cũng bị yếu theo. Quan niệm mạnh về nhân vị là quan niệm rằng nhân vị có một bản tính vững chắc do Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên. Quan niệm "giảm yếu" về nhân vị, là quan niệm đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối hoá. Những nhân quyền trong trường hợp này, không còn "mạnh mẽ" vì được xây dựng trên nền tảng vững chắc là bản tính con người. Những nhân quyền trở thành "giảm yếu" vì tuỳ thuộc vào sự chấp nhận hay không, của nhóm người nào đó mà thôi.

Giờ đây , chúng ta hãy đọc hai số 12 và 13 của Sứ Ðiệp Hoà Bình như sau:

 

VI. Những nhân quyền và những tổ chức quốc tế

12. Một nền hoà bình đích thật và vững bền đòi hỏi phải có sự tôn trọng những quyền lợi của con người. Tuy nhiên, nếu những nhân quyền này được thiết lập trên một quan niệm "giảm yếu" về nhân vị, thì thử hỏi làm sao mà những nhân quyền này không bị yếu đi? Nơi đây, người ta thấy rõ sự yếu kém sâu xa của quan niệm tương đối hoá về nhân vị, khi phải biện hộ và bảo vệ cho nhân quyền. Trong trường hợp này, những khó khăn gặp phải đã quá rõ: những nhân quyền được trình bày như là điều tuyệt đối, nhưng nền tảng của những nhân quyền được đưa ra, thì lại chỉ có giá trị tương đối. Trước những đòi hỏi "gây khó chịu" do bởi nhân quyền này hay nhân quyền nọ, thì liệu người ta còn ngạc nhiên nữa hay không, khi ai đó lên tiếng phản đối quyền lợi này, hoặc khi họ quyết định dẹp quyền lợi đó qua một bên? Chỉ khi nào được ăn rễ trong những đòi buộc khách quan của bản tính con người đã được Ðấng Tạo Hoá ban cho, thì những quyền lợi của con người mới có thể được xác định mà không sợ bị chối bỏ. Dĩ nhiên những quyền lợi của con người kéo theo những bổn phận. Về điểm này, bậc vĩ nhân Gandhi đã quả quyết đúng như sau: "Con Sông Gange - nhân quyền chảy xuống từ núi Himalaya - bổn phận. Chỉ nhờ qua việc làm sáng tỏ những nền tảng căn bản, mà những nhân quyền, đang bị tấn công liên tục trong thời đại hôm nay, mới có thể được bảo vệ cách tương xứng. Thiếu sự rõ ràng này, người ta sử dụng cùng một từ "nhân quyền", nhưng lại hiểu về những điều khá khác nhau: trong vài trường hợp, nhân vị được ghi rõ bởi phẩm giá thường hằng và có những quyền lợi luôn có giá trị, tại bất cứ nơi nào và đối với bất cứ ai; và trong vài trường hợp khác, thì nhân vị có phẩm giá hay thay đổi và những quyền lợi luôn có thể bị đặt thành vấn đề, xét về nội dung, thời gian và nơi chốn.

13. Những Cơ Quan Quốc Tế thường nhắc đến việc bảo vệ nhân quyền; đặc biệt Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, với bản Tuyên Ngôn Chung năm 1948, đã đặt ra cho mình trách vụ chính là cổ võ những quyền lợi của con người. Người ta nhìn về bản Tuyên Ngôn chung này, như là một dấn thân luân lý của toàn thể nhân lọai. Có một sự thật sâu xa được xác nhận nơi đây, nếu những quyền lợi được mô tả trong Tuyên Ngôn, được nhìn nhận như là có nền tảng, không phải một cách đơn thuần do dựa trên quyết định của Hội Nghị đã chấp nhận bản Tuyên ngôn, nhưng dựa trên chính bản tính của con người và trên phẩm giá không thay đổi của con người như là nhân vị, đã được Thiên Chúa dựng nên. Như thế, điều thật sự quan trọng là những tổ chức quốc tế không bỏ đi nền tảng tự nhiên của nhân quyền. Nền tảng tự nhiên này làm cho nhân quyền khỏi bị nguy hiểm thường xuyên rơi vào trong lối giải thích có tính cách duy thực nghiệm. Ở đâu xảy ra trường hợp các nhân quyền bị rơi vào trong lối giải thích thực nghiệm, thì ở đó những Tổ Chức Quốc Tế sẽ không có thẩm quyền cần thiết để chu toàn vai trò bảo vệ những quyền lợi căn bản của con nguời và của các dân tộc, một vai trò được xem như là lý do biện hộ chính cho sự hiện hữu và cho hành động của các Tổ chức này.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Với bài thời sự lần này, chúng ta sẽ kết thúc việc đọc Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, về chủ đề: Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình. Trước đây, chúng tôi đã có dịp giải thích tại sao dùng từ "Con Tim" thay cho từ "Trọng Tâm". Từ "Con Tim" làm ta nhớ đến "con tim" của con người, với ý nghĩa đầy biểu tượng là "con tim" bơm máu nuôi sống toàn thân thể. "Con Tim" là cơ quan làm cho sống. Tim ngưng đập, thì thân thể con người bị chết. Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình. Việc tôn trọng phẩm giá con người, --- một phẩm giá nhất định và thường hằng của con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài, --- (việc tôn trọng này) là con tim của hoà bình, làm cho hoà bình được sống, được bền vững. Mất con tim, con người chết. Không tôn trọng nhân vị, hoà bình cũng tan.

Từ "nhân vị" được dùng ở đây, trong chủ đề của Sứ Ðiệp Hoà Bình, muốn bao gồm trong đó thêm hai yếu tố này nữa, là "phẩm giá" và "những nhân quyền". Vì thế mà chúng ta nhận thấy ÐTC Bênêđitô XVI, luôn luôn trong suốt sứ điệp Hoà Bình năm 2007, nhắc đến phẩm giá và những quyền lợi của con người. Con người có một bản tính bền vững, duy nhất giống như nhau, nên tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau, trên căn bản này.

Không thể nào "chối bỏ" , hay "tương đối hoá" bản tính con người. Bởi vì, nếu làm như thế, --- nghĩa là nếu loại bỏ hay tương đối hoá "bản tính con người"--- thì nhân quyền không có nền tảng vững chắc nữa. Chính vì thế mà ÐTC đã quả quyết trong Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 rằng: quan niệm "giảm yếu" về bản tính con người, làm giảm yếu sự bảo vệ nhân quyền, và làm giảm yếu hoà bình.

Trên đây, chúng ta đã đọc xong số nhập đề, phần I và phần II của Sứ Ðiệp. Còn phần thứ III, thì chúng ta đã đọc xong hai số 12 và 13. Giờ đây chúng ta đọc tiếp hai số còn lại của phần III, tức hai số 14 và 15, và hai số 16 và 17 của phần kết luận sứ điệp.

Trước hết, nơi hai số 14 và 15, ÐTC kêu gọi tái xác nhận và áp dụng "công pháp quốc tế về nhân đạo" trong những cuộc xung đột, nhất là xung đột vũ trang, ít ra để làm nhẹ bớt những đau khổ cho dân chúng vô tội, nạn nhân của cuộc xung đột. ÐTC đã viết trong sứ điệp như sau:

 

VII. Công Pháp Quốc Tế về Nhân Ðạo và Luật Pháp Nội Bộ các Quốc Gia

14. Từ ý thức rằng có những nhân quyền không thể nhượng và được liên kết với bản tính chung của con người, người ta đã soạn ra một công pháp quốc tế về nhân đạo, mà các quốc gia đã cam kết tuân giữ, cả trong trường hợp có chiến tranh. Nhưng buồn thay, điều này đã không được áp dụng một cách ăn khớp, trong các trường hợp chiến tranh xảy ra mới đây, tuy không cần nhắc lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Như thế, chẳng hạn, chuyện đã xảy ra trong cuộc xung đột cách đây vài tháng tại miền nam Liban, trong đó bổn phận phải bảo vệ và trợ giúp những nạn nhân vô tội và bổn phận không lôi cuốn thành phần dân sự vào trong cuộc xung đột, phần lớn đã không được lưu tâm đến. Biến cố đau thương tại Liban và dung mạo mới của những xung đột, nhất là khi sự hăm dọa khủng bố đã mở ra những hành động bạo lực chưa từng có, (biến cố đau thương và dung mạo mới của những xung đột) đòi buộc cộng đồng quốc tế tái xác nhận công pháp quốc tế về nhân đạo và áp dụng công pháp này cho tất cả mọi hoàn cảnh hiện tại của cuộc xung đột vũ trang, kể cả những hoàn cảnh không được tiên liệu bởi công pháp quốc tế về nhân đạo đang có. Ngoài ra, nạn khủng bố đòi hỏi một suy tư đào sâu thêm về những giới hạn luân lý trong việc sử dụng những phương tiện hiện đại, để bảo vệ an ninh quốc gia. Thật vậy, càng ngày càng có thường hơn những xung đột không được tuyên bố công khai, nhất là khi được thi hành bởi những nhóm khủng bố nhất quyết đạt đến những mục tiêu của ho bằng bất cứ giá nàọ. Trước những sự việc làm ta đáng quan tâm trong những năm gần đây, các Nhà Nước không thể nào không nhận thấy sự cần thiết phải có những luật rõ ràng hơn, có khả năng chống lại một cách hữu hiệu hành động điên rồ bi thảm mà chúng ta đang chứng kiến. Chiến tranh luôn là một thất bại cho cộng đồng quốc tế và là một sự thiệt thòi trầm trọng cho nhân lọai. Sau khi đã cố gắng hết sức mình rồi, và khi bắt buộc phải sử dụng biện pháp chiến tranh, thì ít ra cần tuân giữ những nguyên tắc thiết yếu về nhân đạo và những giá trị nền tảng cho mọi cuộc chung sống dân sự, bằng cách thiết lập những quy định xử thế, nhắm giới hạn tối đa có thể, những thiệt hại, và nhắm đến việc làm nhẹ bớt những đau khổ của thành phân dân sự và của tất cả mọi nạn nhân của cuộc xung đột.

15. Một yếu tố khác khơi dậy lo âu to lớn là vài Nhà Nước muốn có những vũ khí hạt nhân. Hậu quả là bầu khí phổ biến về sự hoang mang và lo sợ trước khả thể của một tai họa nguyên tử. Ðiều này đưa các tâm trí trở lui về quá khứ, trở về với những lo âu của thời chiến tranh lạnh. Sau đó, khi chấm dứt thời chiến tranh lạnh, người ta hy vọng rằng nguy hiểm nguyên tử đã hoàn toàn được vượt qua và rằng nhân lọai cuối cùng có thể thở dài nhẹ nhỏm. Về vấn đề này, lời cảnh tỉnh của Công Ðồng Vaticanô II xem ra thời sự biết là chừng nào: "Mọi hành động chiến tranh nhắm một cách bừa bãi đến việc huỷ diệt toàn bộ các thành phố hoặc những vùng to lớn cùng với dân cư trong đó, (mọi hành động chiến tranh như thế) là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, và phải bị lên án một cách mạnh mẽ nhất và không chút do dự" (8). Buồn thay những đám mây mù đầy đe dọa vẫn còn đóng dày đặc nơi chân trời nhân lọai. Con đường để bảo đảm một tương lai hoà bình cho tất cả, được gặp thấy không những trong những hiệp ước quốc tế về việc không sản xuất thêm các vũ khí nguyên tử, nhưng còn trong dấn thân theo đuổi một cách nhất quyết việc giảm bớt và việc tháo bỏ vĩnh viễn những loại vũ khí này. Ước gì qua thương thuyết người ta làm tất cả những gì có thể để đạt đến những mục tiêu tài giảm vũ khí như vừa nói trên. Số phận của toàn thể gia đình nhân lọai tuỳ thuộc vào điều này!

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Giờ đây, đến phần kết thúc Sứ Ðiệp Hoà Bình, chúng ta sẽ nghe Ðức Thánh Cha kêu gọi mọi tín hữu hãy trở thành kẻ họat động không mệt mỏi cho hoà bình. ÐTC đã quả quyết như sau:

 

VIII. Giáo Hội bảo vệ tính cách siêu việt của nhân vị

16. Cuối cùng, tôi muốn ngỏ lời kêu gọi khẩn thiết đến Dân Chúa: xin mọi người kitô hãy cảm thấy mình dấn thân trở thành kẻ hoạt động không mệt mỏi cho hoà bình và là kẻ kiên trì bênh vực phẩm giá của nhân vị và bênh vực những quyền lợi không thể nhượng được. Với tâm hồn biết ơn Chúa vì đã kêu gọi ta thuộc về Giáo Hội của Ngài, một giáo hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ tính cách siêu việt của nhân vị" (9) trong thế giới, người kitô sẽ không mệt mỏi cầu xin Thiên Chúa ban cho điều thiện hảo căn bản là Hoà Bình, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống của từng người. Ngoài ra, người kitô sẽ cảm thấy hãnh diện vì được phục vụ cách quảng đại cho công cuộc hoà bình, vừa đến gặp những anh chị em, nhất là những ai, ngoài việc phải chịu cảnh nghèo cùng và thiếu thốn, còn phải chịu thiếu điều thiện hảo quý giá này. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết rằng "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Gn 4,8) và rằng ơn gọi cao cả nhất của mỗi người là tình yêu. Trong Chúa Kitô, chúng ta có thể gặp được những lý do cuối cùng để biến mình trở thành những cột trụ vững chắc cho phẩm giá con người và trở thành những nguời xây dựng hoà bình đầy can đảm.

17. Do dó, ước gì đừng bao giờ thiếu sự góp phần của mọi tín hữu vào công việc cổ võ một thuyết nhân triển toàn diện đích thật, theo những giáo huấn của các thông điệp "Phát triển các dân tộc" và "Mối quan tâm xã hội", mà chúng ta chuẩn bị cử hành trong năm 2007 này kỷ niệm 40 năm và 20 năm ban hành. Tôi xin phó thác cho Ðức Nữ Vương Hoà Bình, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, "Hoà bình của chúng ta" (Eph 2,14) lời cầu nguyện tha thiết của tôi cho toàn thể nhân lọai vào khởi đầu của năm 2007. Dù giữa những nguy hiểm và nhiều vấn đề - chúng ta nhìn về năm mới này với tâm hồn tràn đầy hy vọng. Xin Mẹ Maria chỉ cho chúng ta nhìn thấy trong Ðấng là Con của Mẹ con đường hoà bình: xin Mẹ hãy soi sáng cho đôi mắt chúng ta để nhìn ra Dung Mạo của Chúa trong dung mạo của mọi nhân vị, con tim của hoà bình!

Từ Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2006

Bênêđitô XVI, giáo hoàng.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 Trích Radio Veritas Asia, Phi luật tân

 


Muc Luc