SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH LẦN THỨ 43 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

01/01/2010

NẾU NGƯƠI MUỐN XÂY DỰNG HÒA BÌNH, THÌ HÃY BẢO VỆ CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG

 

1. Vào đầu năm mới này, tôi mong ước bày tỏ những lời cầu chúc hòa bình nhiệt tình nhất của tôi đến tất cả các cộng đồng kitô hữu, đến các vị hữu trách của các Quốc gia, đến những người nam người nữ thiện chí trên khắp thế giới. Tôi đã chọn làm đề tài cho Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ 43 này : Nếu ngươi muốn xây dựng hòa bình, thì hãy bảo vệ công trình tạo dựng. Việc tôn trọng công trình tạo dựng mặc lấy một tầm quan trọng lớn lao, vì « công trình tạo dựng là khởi đâu và là nền tảng của mọi công trình của Thiên Chúa » (1) và, ngày nay, việc bảo vệ nó trở nên thiết yếu cho sự chung sống hòa bình của nhân loại. Quả thế, nếu do sự tàn bạo của con người đối với con người mà có nhiều mối đe dọa đang gây nguy hiểm cho hòa bình và sự phát triển toàn diện đích thực của con người – những cuộc chiến tranh, những xung đột trên bình diện quốc tế và từng vùng, những hành vi khủng bố và những vi phạm nhân quyền –,  thì những mối đe dọa sinh ra do sự thiếu quan tâm – thậm chí ngay cả bởi những lạm dụng – đối với trái đất và những tài sản thiên nhiên, mà là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng không kém gây lo lắng. Chính vì lý do này mà nhân loại cần phải canh tân và củng cố « giao ước giữa con người và môi trường, mà phải là tấm gương phản chiếu tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn và cùng đích của chúng ta » (2).

2. Trong Thông điệp Đức Ái Trong Sự Thật, tôi đã nhấn mạnh rằng sự phát triển con người toàn diện được liên kết chặt chẽ với những nghĩa vụ phát xuất từ mối tương quan của con người với môi trường thiên nhiên, được xem như là một ân huệ của Thiên Chúa cho hết mọi người, mà việc khai thác nó bao gồm một trách nhiệm chung đối với toàn thể nhân loại, đặc biệt đối với những người nghèo và các thế hệ tương lai. Vả lại, tôi đã ghi nhận rằng khi thiên nhiên và, trước hết, con người chỉ được xem như là hoa trái của sự ngẫu nhiên hay của thuyết tất định của sự tiến hóa, thì ý thức về trách nhiệm này có nguy cơ bị giảm bớt nơi các tâm trí (3). Trái lại, xem công trình tạo dựng như là một ân huệ của Thiên Chúa cho nhân loại sẽ giúp chúng ta hiểu ơn gọi và giá trị của con người. Quả thật, cùng với tác giả thánh vịnh, tràn đầy ngạc nhiên thán phục, chúng ta có thể tung hô : « Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? » (Tv 8, 4-5). Chiêm ngắm vẻ đẹp của công trình tạo dựng giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Tình Yêu mà, như Dante Alighieri đã viết, « lay chuyển mặt trời và các tinh tú khác » (4).

3. Cách đây hai mươi năm, khi dành cho Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình đề tài Hòa Bình với Thiên Chúa Tạo Hóa, hòa bình với toàn thể công trình tạo dựng, Đức Giáo tông Gioan-Phaolô II đã lôi kéo sự chú ý đến mối tương quan mà , trong tư cách là những thụ tạo của Thiên Chúa, chúng ta có với vũ trụ xung quanh chúng ta. Ngài viết : « Vào thời điểm hiện nay, người ta nhận thấy một ý thức sống động hơn đến các mối đe dọa đang đè nặng lên hòa bình của thế giới […] do những việc gây tổn hại đến lòng tôn trọng phải có đối với thiên nhiên ». Và ngài đã nói thêm rằng ý thức sinh thái không được bị kìm nén, nhưng nên được khuyến khích, « đến độ nó được phát triển và chín mùi bằng cách tìm ra nơi những chương trình và những sáng kiến cụ thể sự diễn tả thích hợp » (5). Trước đó, những vị khác trong số những Đấng tiền nhiệm của tôi đã ám chỉ đến mối tương quan giữa con người và môi trường. Chẳng hạn, vào năm 1971, nhân dịp kỷ niệm tám mươi năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Lêô XIII, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng « bằng việc khai thác cách khinh suất môi trường thiên nhiên, (con người) có nguy cơ hủy hoại nó và, đến lượt mình, là nạn nhân của sự hủy hoại này ». Và ngài thêm rằng như thế « không chỉ môi trường vật chất trở nên một đe dọa thường xuyên : ô nhiễm và chất thải, những căn bệnh mới, quyền lực hủy diệt tuyệt đối, nhưng chính khung cảnh của con người mà con người không còn làm chủ được nữa, do đó tạo nên cho ngày mai một môi trường mà sẽ có thể bất bao dung với nó : vấn đề xã hội trên diện lớn liên quan đến gia đình nhân loại toàn thể » (6).

4. Dù tránh đi vào những giải pháp chuyên môn đặc thù, Giáo Hội, « chuyên gia về con người », ân cần mạnh mẽ nhắc nhở lưu ý đến tương quan giữa Đấng Tạo Hóa, con người và công trình tạo dựng. Vào năm 1990, Đức Gioan-Phaolô II đã nói về « cuộc khủng hoảng sinh thái » và, bằng việc nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng này có một đặc điểm chủ yếu luân lý, ngài đã chỉ ra « sự cấp thiết luân lý của một sự liên đới mới » (7). Lời kêu gọi này vẫn còn cấp bách hơn nữa ngày hôm nay, đối mặt với biểu hiện càng gia tăng của một khủng hoảng mà sẽ là vô trách nhiệm nếu không lưu tâm nghiêm chỉnh. Làm sao dửng dưng trước những vấn đề nảy sinh từ những hiện tượng như là thảy đổi thời tiết, tình trạng sa mạc hóa, sự hủy hoại và mất đi hiệu suất của những diện tích nông nghiệp rông lớn, ô nhiễm sông ngòi và những lớp nước giếng, sự nghèo nàn đi của những đa dạng sinh học, sự gia tăng những hiện tượng thiên nhiên quá mức, việc phá rừng nơi những vùng xích đạo và nhiệt đới ? Làm sao làm ngơ trước hiện tương đang gia tăng của những gì mà người ta gọi là « những người lánh nạn môi trường » : những người, mà do sự hủy hoại của môi trường nơi họ sống, phải từ bỏ nó – đồng thời thường là tài sản của họ – để đương đầu với những nguy hiểm và những cái xa lạ của sự di chuyển bó buộc ? Làm sao không phản ứng trước những xung đột hiện thực và tiềm tàng gắn liền với việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên ? Tất cả những vấn nạn này có một tác động sâu xa đến việc thực thi các quyền con người, chẳng hạn như quyền sống, quyền cung cấp thực phẩm, quyền sức khỏe, quyền phát triển.

5. Tuy nhiên, cần phải nhận xét rằng cuộc khủng hoảng môi sinh không thể được lãnh hội cách tách rời với những vấn đề gắn liền đó, vì nó gắn liền cách sâu xa với chính khái niệm phát triển và với cái nhìn về con người và về những mối quan hệ của nó với đồng loại và với công trình tạo dựng. Bởi thế cần khôn ngoan xem xét lại cách sâu xa và sáng suốt khuôn mẫu phát triển, và cũng suy nghĩ đến ý nghĩa của kinh tế và những mục tiêu của nó, để sửa chữa những rối loạn chức năng và những thiếu quân bình của nó. Tình trạng sức khỏe môi sinh của hành tinh đòi hỏi điều đó ; cuộc khủng hoảng văn hóa và luân lý của con người cũng đòi hỏi như thế và còn hơn nữa, cuộc khủng hoảng mà những triệu chứng của nó trong một khoảng thời gian là rõ ràng hiển nhiên khắp nơi trên thế giới (8). Nhân loại cần đến một cuộc đổi mới văn hóa sâu xa ; nó cần tái khám phá những giá trị tạo nên nền tảng vững chắc trên đó xây dựng một tương lai tốt hơn cho hết mọi người. Các hoàn cảnh khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua hiện nay –  dù chúng thuộc về kinh tế, thực phẩm, môi trường hay xã hội – tự sâu xa, đều là những cuộc khủng hoảng luân lý được gắn liền với nhau. Chúng bó buộc suy nghĩ lại con đường chung của con người. Cách riêng, chúng bó buộc thích nghi một cách sống đặt nền tảng trên sự tiết độ và tình liên đới, với những quy luật mới và những hình thức dấn thân tin tưởng và can đảm dựa trên những kinh nghiệm tích cực và loại bỏ cách dứt khoát những kinh nghiệm tiêu cực. Chỉ như thế, cuộc khủng hoảng hiện nay mới trở nên một cơ hội phân định và kế hoạch hóa mới mẻ.

6. Chẳng phải là ở nguồn cội của kinh nghiệm mà chúng ta gọi là « thiên nhiên » theo nghĩa vũ trụ của nó, có một « kế hoạch tình yêu và chân lý » sao ? Thế giới không phải là hoa trái của một sự tất yếu nào đó, của một định mệnh mù quáng hay của ngẫu nhiên […]. Thế giới bắt nguồn từ ý muốn tự do của Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho thụ tạo tham dự vào sự hiện hữu của Ngài, vào sự khôn ngoan của Ngài và vào lòng nhân từ của Ngài » (9). Ở những trang đầu tiên của nó, Sách Khởi Nguyên lại dẫn đưa chúng ta đến dự phóng khôn ngoan về vũ trụ, hoa trái của tư tưởng của Thiên Chúa, mà được đặt ở đỉnh cao của nó là người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Đấng Tạo Hóa để « tràn ngập mặt đất » và để « bắt nó phục tùng » như là những « quản gia » của chính Thiên Chúa (x. Kn 1, 28). Sự hài hòa giữa Đấng Tạo Hóa, nhân loại và công trình tạo dựng, mà Kinh Thánh mô tả, đã bị phá vỡ bởi tội lỗi của Ađam và Evà, của người nam và người nữ, mà đã mong muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa, từ chối nhìn nhận mình là những thụ tạo của Ngài. Do đó, nhiệm vụ « bắt phục tùng » trái đất, « vun trồng và giữ gìn nó » đã bị làm hỏng, và giữa họ và phần còn lại của công trình tạo dựng đã nảy sinh một sự xung đột (x. Kn 3, 17-19). Con người đã để mình bị thống trị bởi tính ích kỷ, và khi đánh mất ý thức về sự ủy nhiệm của Thiên Chúa, và trong tương quan của nó với công trình tạo dựng, nó đã xử sự như là một kẻ bóc lột, muốn thực thi trên công trình tạo dựng một sự thống trị tuyệt đối. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của giới răn đầu tiên của Thiên Chúa, được làm rõ nét trong Sách Khởi Nguyên, không hệ tại chỉ ở một sự cấp ban quyền bính, nhưng đúng hơn là ở một tiếng gọi đến trách nhiệm. Vả lại, sự khôn ngoan của các tiền nhân đã thừa nhận rằng thiên nhiên được ban cho chúng ta dùng, không phải như là « một mớ những sự vật được vung vãi cách ngẫu nhiên » (10), đang khi Mạc Khải Kinh Thánh cho chúng ta hiểu rằng thiên nhiên là một ân huệ của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã chỉ rõ những luật nội tại của nó, để con người có thể rút ra những định hướng cần thiết để « giữ gìn và vun trồng nó » (x. Kn 2, 15) (11). Tất cả những gì tồn tại đều thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã giao phó nó cho con người, nhưng không phải để con người chiếm dụng nó cách tùy tiện. Khi con người thay thế Thiên Chúa thay vì thực hiện vai trò cộng tác của mình với Ngài, thì nó cuối cùng gây nên sự nổi loạn của thiên nhiên « bị hành hạ hơn là được cai quản bởi con người » (12). Vì thế, con người có nghĩa vụ thực thi quyền cai quản có trách nhiệm công trình tạo dựng, bằng cách bảo vệ nó và vun trồng nó (13).

7. Bất hạnh thay, người ta phải ghi nhận rằng nhiều người, trong nhiều nước và nhiều vùng khác nhau của hành tinh, biết đến những khó khăn luôn càng lớn hơn do sự chểnh mảng hay sự từ chối của nhiều người trong việc chăm lo cách có trách nhiệm đến môi trường. Công đồng Vatican II đã nhắc lại rằng « Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả những gì nó chứa đựng cho mọi người và mọi dân sử dụng » (14). Bởi thế, gia sản công trình tạo dựng thuộc về toàn thể nhân loại. Trái lại, nhịp khai thác hiện nay làm nguy hiểm cách nghiêm trọng một số vốn tài nguyên thiên nhiên sẵn có không chỉ đối với thế hệ hiện nay, nhưng đặc biệt đối với các thế hệ tương lai (15). Từ đó, không khó để thừa nhận rằng sự hủy hoại môi trường thường là kết quả của việc thiếu những dự phóng chính trị dài hạn hay là kết quả của việc theo đuổi các lợi tức kinh tế cách mù quáng, mà bất hạnh thay biến thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với công trình tạo dựng. Để chống lại hiện tượng này, bằng cách dựa vào sự kiện rằng « mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả mang tính cách luân lý » (16), hoạt động kinh tế cần thiết phải tôn trong môi trường hơn. Khi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì cần phải lưu tâm bảo vệ chúng, bằng cách cũng thấy trước những giá phải trả của việc sử dụng này – về mặt môi trường và xã hội -, mà cần phải lượng giá như là một khía cạnh thiết yếu của chính những giá phải trả của hoạt động kinh tế. Cộng đồng quốc tế và các chính phủ của mỗi nước có bổn phận đưa ra những chỉ dẫn đúng đắn để chống lại cách hữu hiệu đối với những phương thức khai thác môi trường có thể làm hại nó. Để bảo vệ môi trường, để bảo toàn những tài nguyên và khí hậu, một mặt, cần hành động trong sự tôn trọng các chuẩn mực đã được xác định rõ, cũng theo quan điểm pháp lý và kinh tế, và, mặt khác, cần lưu tâm đến sự liên đới phải có đối với những ai đang sống ở những vùng nghèo hơn của trái đất và đối với những thế hệ tương lai.

8. Quả thế, việc đưa vào sự liên đới liên thế hệ trung thực dường như cấp bách. Những giá phải trả phát xuất từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên môi trường chung không thể ăn bám vào các thế hệ tương lai : « Là những người thừa kế các thế hệ quá khứ và hưởng lợi từ công việc của các người cùng thời với chúng ta, chúng ta có những bổn phận đối với mọi người, và chúng ta không thể không quan tâm đến những người sẽ đến kế tiếp chúng ta mở rộng vòng tròn gia đình nhân loại. Sự liên đới phổ quát mà là một sự kiện, và là một quyền lợi đối với chúng ta, cũng là một nghĩa vụ. Nó hệ tại một trách nhiệm mà các thế hệ hiện tại phải có đối với các thế hệ tương lai, một trách nhiệm mà cũng thuộc về các Nhà Nước cách cá thể và Cộng đồng quốc tế » (17). Việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hẳn phải là như việc các lợi ích tức thời không bao hàm những hệ quả tiêu cực đối với các sinh vật, con người và những sinh vật khác, hiện tại và tương lai ; sự can thiệp của con người không làm nguy hại đến sự phì nhiêu của trái đất, đối với thiện ích hôm nay và của ngày mai. Bên kia sự liên đới liên thế hệ (solidarité intergénérationnelle) trung thực, thì sự cấp thiết luân lý về một sự liên đới mới mẻ bên trong cùng thế hệ (solidarité intra-générationnelle) phải được tái khẳng định, đặc biệt trong những mối quan hệ giữa các nước đang phát triển và các nước công nghiệp hóa cao : « cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ cấp bách tìm ra những con đường thể chế để quy định việc khai thác các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, phù hợp với những nước nghèo, để kế hoạch hóa toàn thể tương lai » (19). Cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy sự cấp bách của một sự liên đới được mở rộng trong không gian và thời gian. Quả thế, trong số những nguyên nhân khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của các nước công nghiệp hóa quả là quan trọng. Các nước kém phát triển, và đặc biệt các nước đang nổi lên, tuy nhiên không được miễn trừ trách nhiệm riêng của mình đối với công trình tạo dựng, bởi vì mọi người đều có nghĩa vụ thông qua dần dần những biện pháp và những chính sách môi trường hữu hiệu. Điều này hẳn sẽ có thể được thực hiện cách dễ dàng hơn nếu có những tính toán ít vụ lợi hơn trong việc trợ giúp, trong sự truyền đạt kiến thức và việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật tôn trọng môi trường hơn.

9. Chắc chắn rằng một trong những điểm chính yếu mà cộng đồng quốc tế phải đương đầu, là vấn đề các nguồn tài nguyên năng lượng bằng việc tìm ra những chiến lược chung và bền vững để thỏa mãn những nhu cầu về năng lượng của thế hệ này và của các thế hệ tương lai. Với mục đích này, cần thiết các xã hội có nền công nghệ kỹ thuật tiên tiến nên sẵn lòng tạo điều kiện cho những lối ứng xử điều độ hơn, làm giảm bớt những nhu cầu năng lượng riêng của họ và cải tiến những điều kiện sử dụng nó. Đồng thời, cần thăng tiến việc tìm kiếm và ứng dụng năng lượng mà tác động môi trường của nó ít hơn và việc « tái phân phối những nguồn tài nguyên năng lượng trên địa cầu…để các nước không có có thể tiếp cận chúng » (20). Vì thế, cuộc khủng hoảng môi sinh mang lại một cơ hội lịch sử để xây dựng một câu trả lời tập thể nhằm để chuyển đổi khuôn mẫu phát triển toàn cầu theo một định hướng tôn trọng công trình tạo dựng hơn và nhắm đến sự phát triển con người toàn diện, dựa theo những giả trị riêng của đức ái trong chân lý. Bởi thế, tôi mong ước thông qua một khuôn mẫu phát triển được đặt cơ sở trên đặc tính trung tâm của con người, trên sự thăng tiến và chia sẻ công ích, trên trách nhiệm, trên ý thức về một sự thay đổi cần thiết các phong cách sống và trên đức khôn ngoan, nhân đức mà đòi hỏi những hành vi phải thực hiện hôm nay đề phòng trước những gì có thể xảy ra ngày mai (21).

10. Để dẫn đưa nhân loại đến việc quản lý môi trường và những nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng nhau cách bền vững hơn, con người được kêu gọi dấn thân trí tuệ của mình trong lãnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ kỹ thuật và trong việc ứng dụng những khám phá phát xuất từ đó. « Sự liên đới mới » mà Đức Gioan-Phaolô II đề nghị trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 1990 (22) và « sự liên đới thế giới » mà chính tôi đã kêu gọi trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2009 (23) là những thái độ thiết yếu để định hướng những nỗ lực nhằm bảo vệ công trình tạo dựng, bằng một hệ thống quản lý các nguồn tài nguyên trên trái đất được sắp xếp tốt hơn trên bình diện quốc tế, đặc biệt vào thời điểm mà xuất hiện, theo cách luôn hiển nhiên hơn, mối quan hệ chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu chống lại sự hủy hoại môi trường và việc thăng tiến sự phát triển con người toàn diện. Nó hệ tại một sự năng động không thể tránh được, vì « sự phát triển toàn diện con người không thể tiến triển mà không có sự phát triển liên đới nhân loại » (24). Ngày nay, có nhiều khả năng khoa học và những con đường đổi mới tiềm tàng, nhờ đó hẳn sẽ có thể cung cấp những giải pháp thỏa mãn và hài hòa cho mối tương quan của con người với mối trường. Chẳng hạn, cần phải khuyến khích các nghiên cứu hướng đến việc khám phá những phương pháp hữu hiệu hơn để sử dụng những tiềm năng lớn lao của năng lượng mặt trời. Phải liên lỉ chú ý đến vấn đề nguồn nước từ nay thuộc bình diện toàn cầu và đến toàn bộ hệ thống thuộc khoa thủy địa chất, mà chu kỳ của nó mặc lấy một tầm quan trọng hàng đầu đối với đời sống trên trái đất và sự ổn định của nó có nguy cơ bị đe dọa mạnh mẽ bởi những thay đổi khí hậu. Cũng thế, những chiến lược điều chỉnh phát triển nông thôn, đặt trọng tâm trên những người làm nông nhỏ bé và trên gia đình của họ, phải được nghiên cứu kỹ càng, cũng vậy cũng cần phải chuẩn bị những chính sách thích hợp đối với việc quản lý rừng, đối với việc loại bỏ chất thải, đối với việc củng cố các liên kết đang tồn tại giữa việc chống lại những thay đổi khí hậu và cuộc chiến chống lại sự đói nghèo. Cũng cần có những chính sách quốc gia đầy tham vọng, được đi kèm bởi một sự dấn thân quốc tế mà sẽ mang lại những thuận lợi quan trọng đặc biệt trong thời gian trung hạn và dài hạn. Sau cùng, cần thiết ra khỏi cái logíc chỉ duy tiêu thụ để thăng tiến những hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tôn trọng trật tự của công trình tạo dựng và thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của mọi người. Vấn đề môi sinh không được đương đầu chỉ vì những viễn ảnh gây sợ hãi như việc hủy hoại môi trường sắp xảy ra đến nơi ; chính sự tìm kiếm một sự liên đới đích thực trên bình diện thế giới, được gợi hứng bằng những giá trị đức ái, công bằng và công ích, mà cần phải đặc biệt là động cơ của nó. Vả lại, như tôi đã từng có cơ hội nhắc nhở, « kỹ thuật không bao giờ là thuần túy kỹ thuật. Nó cho thấy con người và những khát vọng phát triển của nó, nó diễn tả việc hướng tâm trí con người đến sự vượt quá dần dần một số điều kiện vật chất. Bởi thế, kỹ thuật được ghi khắc trong sứ mệnh « vun trồng và gìn giữ trái đất » (x. Kn 2, 15), mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người, và nó phải hướng tới củng cố giao ước giữa con người và môi trường được kêu gọi là phản ánh của tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa » (25).

11. Dường như luôn rõ ràng hơn rằng đề tài về sự hủy hoại môi trường cáo giác các ứng xử của mỗi người chúng ta, những nếp sống và những khuôn mẫu tiêu thụ và sản xuất hiện đang nổi bật, mà thường là không thể biện hộ được theo quan điểm xã hội, môi trường và ngay cả kinh tế. Một sự thay đổi thực sự não trạng mà thúc giục mỗi người chấp nhận theo những nếp sống mới, theo đó « những yếu tố quyết định những chọn lựa tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư là việc tìm kiếm chân thiện mỹ cũng như sự hiệp thông với người khác vì một sự tăng trưởng chung » (26), từ nay trở thành không thể thiếu được. Ta phải luôn giáo dục hơn nữa xây dựng hòa bình từ sự chọn lựa với tầm rộng lớn trên bình diện cá nhân, gia đình, cộng đoàn và chính trị. Chúng ta hết thảy đều có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc công trình tạo dựng. Trách nhiệm này là không có biên giới. Theo nguyên tắc phụ đới (subsidiarité), việc mỗi người dấn thân ở bình diện riêng của mình, làm việc để vượt quá ưu thế của các lợi ích cá biệt, quả là quan trọng. Vai trò làm cho nhạy cảm và đào tạo đặc biệt thuộc phận sự của các chủ thể khác nhau của xã hội dân sự và của các Tổ chức phi chính phủ,  quyết tâm và quảng đại ra sức đối với việc mở rộng trách nhiệm môi sinh, mà hẳn phải luôn gắn chặt hơn với lòng tôn trọng « nền sinh thái nhân bản ». Vả lại, cần phải nhắc lại trách nhiệm của các phương tiện truyền thông trong lãnh vực này bằng cách đề nghị những khuôn mẫu tích cực mà người ta có thể dựa vào. Bởi thế, chăm lo cho môi trường đòi hỏi một tầm nhìn rộng lớn và toàn cầu về thế giới ; một nỗ lực chung và trách nhiệm để đi từ một logíc dựa trên lợi ích quốc gia chủ nghĩa ích kỷ đến một tầm nhìn luôn bao hàm những nhu cầu của mọi dân tộc. Ta không thể dửng dưng trước những gì đang xảy đến xung quanh chúng ta, bởi vì sự lệch hướng của bất kỳ phần nào của hành tinh hẳn sẽ lại đổ xuống trên đầu chúng ta. Những mối quan hệ giữa những con người, giữa các nhóm xã hội và các Nhà Nước, cũng như giữa con người và môi trường, được kêu gọi mang lấy phong cách của lòng tôn trọng và của « đức ái trong sự thật ». Trong bối cảnh bao la này, hơn bao giờ hết người ta mong muốn rằng những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhằm đạt được sự giải trừ quân bị dần dần và một thế giới không có vũ khí hạt nhân – mà duy chỉ sự hiện diện của chúng cũng đe dọa cuộc sống của hành tinh và tiến trình phát triển toàn diện  của nhân loại hiện tại và tương lai – đang được cụ thể hóa và tìm thấy một sự đồng thuận.

12. Giáo Hội có một trách nhiệm đối với công trình tạo dựng và Giáo Hội nghĩ rằng Giáo Hội cũng phải thực thi trách nhiệm đó trong lãnh vực công cộng, để bảo vệ đất đai, nước và không khí, là những ân huệ của Thiên Chúa Tạo Hóa ban cho mọi người, và, trước tiên, để bảo vệ con người khỏi mối nguy hiểm hủy hoại của chính nó. Quả thế, sự hủy hoại thiên nhiên được gắn liền chặt chẽ với nền văn hóa nhào luyện nên cộng đồng con người, chính vì thế « khi ‘nền sinh thái nhân bản’ được tôn trọng trong xã hội, thì nền sinh thái thự sự cũng được lợi ích từ đó » (27). Ta không thể đòi hỏi các bạn trẻ tôn trọng môi trường, nếu ta không giúp họ, trong gia đình và nơi xã hội, tôn trọng lẫn nhau : cuốn sách thiên nhiên là độc nhất, về vấn đề môi trường cũng như về vấn đề luân lý bản thân, gia đình và xã hội (28). Những nghĩa vụ đối với môi trường phát xuất từ những nghĩa vụ đối với con người được xét nơi chính bản thân con người, và trong mối tương quan với người khác. Vì thế, tôi vui lòng khích lệ việc giáo dục trách nhiệm môi sinh, mà, như tôi đã chỉ ra trong thông điệp Đức Ái Trong Sự Thật, bảo toàn một « nền sinh thái nhân bản » đích thực, và tiếp đến khẳng định, với một sự xác tín mới mẻ, tính bất khả xâm phạm của sự sống con người ở mọi giai đoạn của nó và cho dầu thân phận của nó là gì, (khẳng định) phẩm giá của nhân vị và sứ mệnh bất khả thay thế của gia đình, ở đó chúng ta được giáo dục yêu thương đối với tha nhân và lòng tôn trọng thiên nhiên (29). Cần phải bảo vệ gia sản nhân loại của xã hội. Gia sản các giá trị này có nguồn gốc của nó và được ghi khắc trong luật luân lý bản nhiên, nằm ở nền tảng của lòng tôn trọng nhân vị và công trình tạo dựng.

13. Sau hết, một sự kiện có ý nghĩa cao độ mà không được quên là nhiều người đã tìm thấy sự thanh thản và bình an, cảm thấy được đổi mới và củng cố, khi họ tiếp xúc chặt chẽ với vẻ đẹp và sự hài hòa của thiên nhiên. Bởi thế, có một thứ hỗ tương tính : nếu chúng ta chăm sóc công trình tạo dựng, thì chúng ta ghi nhận rằng Thiên Chúa, qua trung gian của công trình tạo dựng, chăm sóc chúng ta. Vả lại, một quan niệm đúng đắn về tương quan của con người với môi trường không dẫn đến việc tuyệt đối hóa thiên nhiên cũng không xem nó như là quan trọng hơn chính con người. Nếu Huấn quyền của Giáo Hội bày tỏ sự quan ngại của mình trước một quan niệm về môi trường mà dựa trên chủ nghĩa kinh tế trung tâm (éco-centrisme) và chủ nghĩa sinh học trung tâm (bio-centrisme), thì Huấn quyền làm như thế là bởi vì lối quan niệm này loại bỏ sự khác biệt thuộc hữu thể và giá trị luân lý mà tồn tại giữa nhân vị và những sinh vật khác. Theo cách này, người ta đi đến chỗ loại bỏ căn tính và ơn gọi trỗi vượt của con người, bằng cách ưu  đãi một cái nhìn công bằng chủ nghĩa về « phẩm giá » của mọi sinh vật. Như thế, người ta mở đường cho một thuyết phiếm thần mới với những sắc thái tân ngoại giáo mà làm cho ơn cứu độ con người phát xuất chỉ từ thiên nhiên, trong ý nghĩa thuần túy tự nhiên chủ nghĩa của nó. Trái lại, Giáo Hội mời gọi đề cập vấn đề cách quân bình, trong sự tôn trọng « quy luật » (grammaire) mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong công  trình của Ngài, bằng cách giao phó cho con người vai trò người gìn giữ và quản lý có trách nhiệm công trình tạo dựng, vai trò mà chắc chắn nó không được lạm dụng, nhưng nó không thể tránh né. Quả thế, lập trường trái ngược mà tuyệt đối hóa kỹ thuật và quyền lực của con người, cuối cùng cũng là một sự tổn hại nghiêm trọng không chỉ cho thiên nhiên, nhưng còn cho chính phẩm giá nhân vị (30).

14. Nếu ngươi muốn xây dựng hòa bình, thì hãy bảo vệ công trình tạo dựng. Việc tìm kiếm hòa bình về phía của mọi người thiện chí chắc chắn sẽ là được làm cho dễ dàng bởi việc nhìn nhận chung về tương quan bất khả phân ly giữa Thiên Chúa, con người và toàn thể công trình tạo dựng. Các kitô hữu, khi được soi sáng bởi Mạc Khải của Thiên Chúa và bước theo Truyền Thống của Giáo Hội, sẽ mang lại sự đóng góp riêng của mình. Họ xem vũ trụ và những kỳ công của nó dưới ánh sáng của công trình tạo dựng của Chúa Cha và công trình cứu độ của Chúa Kitô, Đấng, mà qua cái chết và sự phục sinh của mình, đã « hòa giải mọi sự […] trên trái đất và trên trời » (Col 1, 20) với Thiên Chúa. Chúa Kitô, chịu đóng đinh và phục sinh, đã trao ban cho nhân loại Thánh Thần thánh hóa của Ngài, Đấng dẫn dắt dòng lịch sử, trong khi chờ đợi ngày mà cuộc trở lại vinh quang của Chúa sẽ khai mào « một trời mới và một đất mới » (2Pr 3, 13) nơi công lý và hòa bình sẽ ngự trị mãi mãi. Bởi thế, mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ môi trường thiên nhiên để xây dựng một thế giới hòa bình. Đó là một thách đố cấp bách cần phải đối diện bởi một sự dấn thân chung mới mẻ. Đó cũng là một cơ hội quan phòng để mang lại cho các thế hệ mới viễn ảnh một tương lai tốt đẹp hơn cho hết mọi người. Ước gì các vị hữu trách của các quốc gia và tất cả những ai, ở mọi mức độ, quan tâm đến số phận của nhân loại đều ý thức về điều đó : việc bảo tồn công trình tạo dựng và việc thực hiện hòa bình là những thực tại liên kết chặt chẽ với nhau ! Vì thế, tôi mời gọi mọi tín hữu nuôi dưỡng lời cầu nguyện sốt sắng của họ đối với Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa toàn năng và là Cha giàu lòng thương xót, để giữa lòng mọi người nam và mọi người nữ vang lên, được đón nhận và sống lời kêu gọi cấp bách này : Nếu ngươi muốn xây dựng hòa bình, thì hãy bảo vệ công trình tạo dựng.

Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2009

BÊNÊĐICTÔ XVI, Mục tử của các mục tử


[1] Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số. 198.

[2] Benoit XVI, Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2008, n.7.

[3] Xem. Số. 48.

[4] La Divine Comédie, Paradis, XXXIII, 145.

[5] Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình, 1/1/1990, số 1.

[6] Tông thư Octogesima adveniens, số.21.

[7] Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình, số 10.

[8] X. Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số 32.

[9] Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 295.

[10] Héraclite d’Éphèse (535 av. JC env. – 475 av. JC env. ) Fragment 22B124, in H. Diels-W. Kranz, Die Fragmente der Vorsokratiker,Weidmann, Berlin 19526.

[11] Xem. Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số 48.

[12] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, số. 37.

[13] Xem. Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số 50.

[14] Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số.69.

[15] X. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollecitudo rei socialis, số. 34.

[16] Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số 37.

[17] Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Toát yếu Học thuyết xã hội của Giáo Hội, số 467. X. Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio, số. 17.

[18] X. Gioan-Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, các số. 30-31, 43.

[19] Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số. 49

[20] Ibid.

[21] Cf. Saint Thomas d’Aquin, S. Th., II.II, q. 49, 5.

[22] X. số. 9.

[23] Cf. n. 8.

[24] Paul VI, Thông điệp Populorum progressio, số. 43.

[25] Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số. 69.

[26] Gioan-Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, số. 36.

[27] Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số. 51.

[28] Xem, nt, các số. 15, 51.

[29] Xem, nt, các số. 28, 51, 61; Gioan-Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, các số. 38, 39.

[30] Bênêđictô XVI, Thông điệp Đức ái trong sự thật, số. 70.

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp XBVN 16/12/09