Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình, 01.01.2019: Nền chính trị tốt đẹp luôn phục vụ hòa bình

 

1.”Bình an cho nhà này!“

Khi Chúa Giê-su sai các môn đệ của Ngài đi, Ngài đã nói với các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ´Bình an cho nhà này!` Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10,5-6).

Việc mang đến hòa bình đứng trong trung tâm điểm sứ mạng của các môn đệ Chúa Ki-tô. Và sự công bố này được hướng đến tất cả những người nam và những người nữ đang hy vọng có được hòa bình giữa những tấn thảm kịch và những hành vi bạo lực của lịch sử loài người.[1] Ngôi “nhà” mà Chúa Giê-su nói tới, chính là mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi quốc gia và mỗi châu lục, với tính đặc thù và lịch sử riêng; đặc biệt là mỗi người, mà không có những khác biệt và những kỳ thị. Ở đây cũng là “ngôi nhà chung” của chúng ta, là hành tinh mà Thiên Chúa đã chỉ định cho chúng ta như là môi trường sống, và chúng ta nên chăm sóc cho nó với tất cả sự chu đáo.

Đây cũng là lời cầu chúc của tôi nhân dịp đầu năm mới: “Bình an cho nhà này!

2.Thách đố của một nền chính trị tốt đẹp

Hòa bình giống như niềm hy vọng mà thi sĩ Charles Péguy đã nói tới[2], nó giống như một bông hoa tinh tế cố gắng mọc lên giữa đống sỏi đá bạo lực. Chúng ta biết rằng, sự khát khao quyền lực bằng mọi giá sẽ dẫn tới việc lạm dụng và bất công. Chính trị là một phương tiện căn bản để kiến tạo nên một xã hội và thúc đẩy những hành động của con người; nhưng nếu chính trị lại không được những người có trách nhiệm hiểu như là sự phục vụ xã hội nhân loại thì nó sẽ có thể trở thành một công cụ để đàn áp và loại trừ, thậm chí còn trở thành công cụ để hủy hoại.

Ai muốn trở thành người thứ nhất” – Chúa Giê-su nói – “người ấy hãy trở thành người cùng rốt cũng như trở thành người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Vì thế, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nhấn mạnh rằng: “Nếu người ta thực sự coi trọng lãnh vực chính trị trên nhiều bình diện khác nhau – trên bình diện địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế -, thì người ta phải thừa nhận rằng, bất cứ cá nhân nào cũng đều có bổn phận phải nhìn nhận thực tế cụ thể và tầm quan trọng của sự tự do quyết định mà người ấy được trao tặng, cũng như có bổn phận phải cố gắng hiện thực hóa niềm hạnh phúc của thành thị, của quốc gia và của nhân loại[3].

Trong thực tế, chức năng và trách nhiệm chính trị luôn đặt ra một thách đố liên tục đối với tất cả những ai lãnh nhận trách vụ phục vụ đất nước mình, bảo vệ những người sống tại đó và tạo ra những điều kiện tiên quyết cho một tương lai công bằng và xứng nhân phẩm. Nếu nền chính trị được thực hiện trong sự tôn trọng căn bản đối với sự sống, sự tự do và phẩm giá con người, thì nó sẽ thực sự có thể trở thành một hình thức cao quý của Đức Ái.

3.Đức ái và những nhân đức khác đối với một nền chính trị trong sự phục vụ nhân quyền và hòa bình

Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI nhắc nhớ rằng, “Bất cứ người Ki-tô hữu nào […] cũng đều được kêu gọi sống Đức Ái ấy, trong sự tương xứng với ơn gọi của mình, cũng như trong sự tương ứng với những khả năng gây ảnh hưởng của mình nơi chính quyền. […] Nếu sự dấn thân cho sự thịnh vượng chung được gây phấn chấn bởi Đức Ái, thì nó sẽ có một giá trị cao hơn giá trị của sự dấn thân chỉ có tính thế tục và chính trị. […] Nếu những hành động của con người trên trái đất này được gợi hứng cũng như được hỗ trợ bởi Đức Ái, thì nó sẽ góp phần vào việc kiến tạo nên đô thành phổ quát của Thiên Chúa, mà lịch sử của gia đình nhân loại hướng về thành đô ấy[4]. Đó là một chương trình mà tất cả các chính trị gia đều có thể tái tìm thấy mình trong đó, bất chấp chuyện họ thuộc về nền văn hóa hay tôn giáo nào, chỉ cần họ cùng mong muốn làm việc cho niềm hạnh phúc chung của gia đình nhân loại, bằng cách là họ thực hành những đức hạnh của con người, mà những đức hạnh ấy chính là nền tảng căn bản cho một hành vi chính trị tốt đẹp: Công lý, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chân thành, trung thực và trung tín.

Trong mối liên hệ này, người ra rất nên nhắc tới “các mối phúc của chính trị gia” mà chúng có nguồn gốc từ Đức Hồng Y người Việt Nam, qua đời năm 2002 - Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận – một chứng nhân trung tín của Tin Mừng:

Phúc thay chính trị gia nào có một niềm ý thức và lương tâm tương ứng với vai trò của mình.

Phúc thay chính trị gia nào đáng tin cậy với tư cách là con người.

Phúc thay chính trị gia nào biết lao công cho nền hạnh phúc chung chứ không phải cho những mối quan tâm của riêng mình.

Phúc thay chính trị gia nào biết sống trong sự nhất quán.

Phúc thay chính trị gia nào biết kiến tạo sự hiệp nhất.

Phúc thay chính trị gia nào biết dấn thân cho việc hiện thực hóa những thay đổi mang tính triệt để.

Phúc thay chính trị gia nào có khả năng lắng nghe.

Phúc thay chính trị gia nào không sống sợ hãi[5].

Bất cứ cuộc bầu chọn những người nắm giữ chức vụ nào, bất cứ nhiệm kỳ nào, bất cứ gia đoạn nào của đời sống công cộng cũng đều là một cơ hội để quay trở về với nguồn cội cũng như quay trở lại với điểm quy chiếu mà chúng khích lệ công lý và sự ngay thẳng. Chúng ta xác tín rằng: nền chính trị tốt đẹp sẽ đứng trong sự phục vụ hòa bình; nó sẽ kính trọng và thúc đẩy những quyền lợi căn bản của con người, và đồng thời đó cũng là những nghĩa vụ đối với nhau, để mối liên kết tín thác và biết ơn giữa các thế hệ hiện nay và tương lai có thể được thắt chặt thêm.

4.Những tệ nạn chính trị

Rất tiếc rằng, bên cạnh những đức hạnh lại cũng có những tệ nạn trong hoạt động chính trị, mà những tệ nạn ấy vừa là hậu quả của việc thiếu năng lực cá nhân, và cũng vừa là hậu quả của những mất trật tự trong môi trường sống và trong những tổ chức. Mọi người đều biết rõ rằng, những tệ nạn chính trị sẽ hủy hoại sự đáng tin của các hệ thống mà nền chính trị diễn ra trong đó, cũng như hủy hoại thẩm quyền, hủy hoại những quyết định và những hành động của những người dấn thân ở đó. Những tệ nạn ấy sẽ làm cho lý tưởng về một nền dân chủ đích thực bị suy yếu, những tệ nạn ấy chính là sự sỉ nhục đối với đời sống công cộng và gây tổn hạn cho nền hòa bình xã hội: tệ tham nhũng – trong nhiều hình thức tham ô, hay biển thủ tài sản công, hoặc biến con người thành những công cụ -, vi phạm pháp luật, coi thường luật pháp chung, làm giầu cách bất chính, bảo vệ quyền lực bằng bạo lực hay viện cớ “cái lý của nhà nước” một cách tùy tiện, khuynh hướng duy trì quyền lực, thái độ thù địch với người nước ngoài và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, từ chối việc đối xử kính trọng đối với trái đất, bóc lột tài nguyên thiên nhiên cách không hạn chế để đem đến lợi nhuận trực tiếp, và sự coi thường đối với những người bị cưỡng bức phải ra sống ở nước ngoài.

5.Nền chính trị tốt đẹp sẽ thúc đẩy sự đóng góp của những người trẻ và sự tin tưởng vào những người khác

Nếu việc thi hành quyền lực chính trị chỉ nhắm tới việc bảo vệ những mối quan tâm của những cá nhân có đặc quyền đặc lợi nào đó, thì tương lai sẽ bị gây hại; những người trẻ sẽ có nguy cơ đánh mất đi niềm tin tưởng của họ, vì họ bị tuyên án phải ở bên ngoài rìa xã hội, và sẽ không còn có khả năng để cùng nhau kiến tạo tương lai nữa. Trái lại, nếu chính trị tìm thấy được một sự diễn tả cụ thể trong việc khuyến khích những tài năng và những năng khiếu của những người trẻ đang khao khát được hiện thực hóa, thì nền hòa bình sẽ lớn lên trong các lương tâm, và cũng trở nên hữu hình trên các khuôn mặt. Cha nhớ tới một sự tin tưởng đầy năng động: tôi tin bạn, và cùng với bạn, tôi tin vào khả năng cùng làm việc cho niềm hạnh phúc chung. Chính trị sẽ phục vụ hòa bình nếu như nó diễn tả trong sự nhìn nhận những tài trí và những khả năng của mỗi người. “Cò điều gì đẹp hơn một bàn tay được giơ ra? Bàn tay ấy của Thiên Chúa để trao đi và để đón nhận. Thiên Chúa không muốn nó sát hại (xc. St 4,1), hay muốn nó gây đau khổ, nhưng muốn nó biết quan tâm và giúp người khác sống. Bên cạnh con tim và lý trí, bàn tay cũng có thể trở thành một khí cụ của sự đối thoại[6].

Với hòn đá của mình, bất cứ ai cũng đều có thể góp phần vào việc kiến tạo nên ngôi nhà chung. Chính trị đích thực, tức nền chính trị đặt nền móng trên sự chính trực và trên sự đối thoại chân thành giữa những con người, sẽ không ngừng tái khởi đầu từ niềm xác tín rằng, niềm hy vọng vào những khả năng tương quan, trí tuệ, văn hóa và tính thần mới luôn được liên kết với bất cứ người nam, người nữ, hay bất cứ thế hệ nào. Một niềm tin tưởng như thế không bao giờ là một điều đơn giản, vì những mối tương quan của con người rất phức tạp. Lúc này đây chúng ta đang sống như thế trong một bầu khí của sự bất tín mà nó bén rễ sâu trong sự sợ hãi trước việc bị mất đi những mối lợi riêng, và tiếc rằng nó cũng đang thể hiện trên cả bình diện chính trị qua một thái độ ngăn cách hay chủ nghĩa dân tộc, mà những điều đó sẽ khiến cho tình huynh đệ mà thế giới toàn cầu hóa của chúng ta đang thực sự cần tới, bị đặt thành vấn đề. Ngày nay, hơn bất cứ lúc nào hết, xã hội của chúng ta đang cần tới những “người kiến tạo hòa bình”, mà những người ấy chính là những sứ giả và những chứng nhân đích thực của Thiên Chúa Cha, Đấng mong muốn sự an vui và niềm hạnh phúc cho gia đình nhân loại.

6.Nói không với chiến tranh và với những chiến lược gây sợ hãi

Một trăm năm sau khi kết thúc thế chiến thứ nhất, nếu chúng ta nghĩ tới những người trẻ đã ngã xuống trong cuộc chiến ấy, cũng như nghĩ tới những thường dân đã bị hành hạ bởi cuộc chiến ấy, thì ngày hôm nay chúng ta sẽ hiểu tốt hơn quá khứ về những bài học được rút ra từ những cuộc nội chiến rằng, hòa bình không bao giờ có thể bị hạn chế vào việc cân bằng các lực lượng cũng như vào sự sợ hãi. Đe dọa người khác có nghĩa là biến người ấy trở thành đối tượng thuần túy cũng như tước đi phẩm giá của họ. Từ lý do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc gia tăng sự dọa nạt cũng như việc phát tán vũ khí một cách không kiểm soát sẽ xúc phạm tới nền luân lý và chống lại những nỗ lực trong việc đạt tới được một sự đồng tâm nhất trí thực sự. Sự khủng bố nhắm vào những con người yếu đuối sẽ góp phần làm cho toàn bộ các nhóm dân cư phải lên đường tìm kiếm những nơi bình an trong cảnh lưu đầy. Những cuộc tranh luận sẽ không thể được chấp nhận nếu chúng kết án những người di dân là nguyên cớ gây ra mọi tệ nạn, cũng như lấy đi mất niềm hy vọng của những người nghèo. Thay vì thế, phải nhấn mạnh rằng, hòa bình luôn đặt nền tảng trên sự kính trọng đối với bất cứ người nào, bất chấp giới tính của họ, cũng như đặt nền tảng trên sự tôn trọng pháp luật và lợi ích chung, kể cả việc tôn trọng thế giới thiên nhiên đã được ủy thác cho chúng ta, cũng như tôn trọng di sản luân lý đầy phong phú của những thế hệ trước kia.

Chúng ta cũng hãy nghĩ một cách đặc biệt tới các em nhỏ mà hiện tại các em ấy đang phải sống trong những vùng xung đột, cũng như hãy nghĩ đến tất cả những ai đang dấn thân cho việc bảo vệ sự sống và quyền lợi của các em. Hiện nay trên thế giới, cứ sáu em nhỏ thì có một em đang bị liên lụy tới bạo lực chiến tranh hay bị liên lụy tới những hậu quả của nó, ngay cả khi em bé đó không trở thành một quân nhân hay một con tin của các nhóm vũ trang. Chứng tá của những người đang dấn thân cho việc tôn trọng trẻ em và bảo vệ phẩm giá của chúng, là điều vô cùng giá trị đối với tương lai của nhân loại.

7.Một dự án hòa bình to lớn

Trong những ngày này chúng ta đang kỷ niệm lần thứ 70 ngày công bố bản tuyên bố chung về nhân quyền mà nó được thông qua ngay sau thế chiến thứ hai. Trong mối liên hệ ấy, chúng ta hãy nhớ tới một lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Gio-an XXIII: “Nhưng nếu trong một con người, niềm ý thức về quyền lợi của họ được đánh thức, thì điều cần thiết là, niềm ý thức về những trách nhiệm của họ cũng phải được đánh thức trong họ, đến độ có thể trao lại cho những người đang có những quyền lợi nào đó cũng như đang sở hữu những trách vụ trong cùng một cách thức, những quyền lợi của họ như là dấu chỉ về phẩm giá của họ. Nhưng những người khác có nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng những quyền lợi ấy[7].

Trong thực tế, hòa bình chính là kết quả của một dự án chính trị to lớn, mà dự án ấy đặt nền tảng trên trách nhiệm đối với nhau và trên sự phụ thuộc lẫn nhau của mỗi con người. Nhưng hòa bình cũng là một thách đố mà người ta phải đối diện với nó mỗi ngày. Hòa bình chính là một sự hoán cải của con tim và tâm hồn, và thật dễ để quan sát và phát hiện ra ba chiều kích không thể tách rời của nền hòa bình chung và nội tại ấy:

-Hòa bình với chính mình: Khước từ sự bất khoan nhung, sự giận dữ và sự thiếu kiên nhẫn, và – như Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô khuyên – “luyện tập một chút dịu hiền nơi mình” để chứng minh “cho người khác thấy một chút sự dịu hiền”.

-Hòa bình với người khác: với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, với người ngoài, với người nghèo, và với những người đau khổ…; can đảm để gặp gỡ họ cũng như lắng nghe sứ điệp của họ.

-Hòa bình với thiên nhiên: tái khám phá ra sự vĩ đại nơi quà tặng của Thiên Chúa và một phần trách nhiệm mà nó được ban cho mỗi người chúng ta với tư cách là những dân cư của thế giới, cũng như với tư cách là những công dân và những người kiến tạo tương lai.

Một nền chính trị hòa bình biết lưu ý tới những yếu đuối của con người và đón nhận những yếu đuối đó về cho chính bản thân mình, sẽ luôn luôn có thể kín múc được sức mạnh từ tinh thần của Kinh Magnificat, mà Đức Maria, Thân Mẫu Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc, và Nữ Vương Hòa Bình, đã hát lên nhân danh tất cả loài người: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời" (Lc 1,50-55).

 

Vatican ngày mồng 08 tháng 12 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Chú thích:

 

[1] Xc. Lk 2,14: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

 

[2] Xc. Le Porche du mystère de la deuxième vertu, Paris 1986 (Orig. 1911).

 

[3] Tông Hiến Octogesima adveniens (14.05.1971), 46.

 

[4] Thông Điệp Caritas in veritate (29.06.2009), 7.

 

[5] Xc. Diễn Văn nhân dịp hội nghị và cuộc triển lãm „Civitas“ tại Padua: „30giorni“, Nr. 5/2002.

 

[6] Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tôXVI, Diễn Văn trong cuộc gặp gỡ với các thành viên chính phủ, với các đại diện của các cơ quan nhà nước, với ngoại giao đoàn và với các đại diện của các tôn giáo quan trọng nhất tại Benin, Cotonou, 19.11.2011.

 

[7] Thông Điệp Pacem in terris (11.04.1963), 24.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội