Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Nhân Dịp Mùa Chay 2018: „Vì tội ác gia tăng nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi (Mt 24,12)

 

Anh chị em thân mến,

 

Đại Lễ Phục Sinh đang đến với chúng ta! Để chuẩn bị cho Đại Lễ này, hằng năm, sự quan phòng của Thiên Chúa lại ban cho chúng ta một Mùa Chay như là „thời gian để hoán cải và thống hối[1], mà thời gian đó công bố và thúc đẩy khả năng quay trở về cùng Thiên Chúa với trọn tấm lòng và với toàn bộ cuộc sống.

Với Sứ Điệp này, năm nay Cha cũng muốn giúp toàn bộ Giáo hội sống mùa ân sủng vừa nêu trong niềm vui và chân lý; ở đây, Cha để cho mình được dẫn dắt bởi một lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: „Vì tội ác gia tăng nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi“ (Mt 24,12).

Câu nói trên đã xuất hiện trong bài diễn từ về thời cùng tận tại núi Cây Dầu ở Giê-ru-sa-lem, tức nơi mà tại đó, cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su sẽ bắt đầu. Chúa Giê-su đã trả lời cho một câu hỏi của các môn đệ, và đã loan báo một nỗi đại thống khổ. Ngài đã mô tả một trạng huống mà cộng đoàn các tín hữu có thể tái xuất hiện trong đó: khi chứng kiến những biến cố khổ đau, một số ngôn sứ giả sẽ dẫn đưa nhiều người tới chỗ lầm lạc, đến độ những ngôn sứ đó sẽ có nguy cơ dập tắt lòng mến trong tâm hồn con người, trong khi lòng mến chính là trung tâm điểm của toàn bộ Tin Mừng.

Những ngôn sứ giả:

Chúng ta hãy chú tâm đến đoạn Kinh Thánh trên, và hãy tự hỏi xem: Những ngôn sứ giả ấy là ai?

Họ giống như „những người điều khiển con rắn theo nhịp điệu“: họ lợi dụng những cảm nghĩ của con người để biến con người thành những nô lệ, và sau đó dẫn những con người ấy tới chỗ mà họ muốn. Có biết bao nhiêu là những người con cái của Thiên Chúa đang bị gây lóa mắt bởi sự quyến rũ của một sự thỏa mãn chóng vánh mà nó bị lẫn lộn với niềm hạnh phúc đích thực! Biết bao nhiêu những người nam và những người nữ đang sống như những người bị gây mù quáng bởi vẻ bên ngoài dối trá của tiền bạc, mà trong thực tế, nó đang biến họ thành những nô lệ của lợi tức và của những mối quan tâm thấp hèn! Biết bao nhiêu người đang sống theo quan điểm lấy mình làm đủ, và đang trở thành nạn nhân của sự cô đơn!

Những ngôn sứ giả tiếp theo chính là „những kẻ bịp bợm“, chúng giới thiệu những giải pháp dễ dàng và nhanh chóng để giải quyết nỗi khổ đau; những biện pháp khắc phục nhưng rồi sau đó chúng tự chứng tỏ rằng, chúng hoàn toàn vô hiệu: biết bao nhiêu người trẻ đang được người ta cung cấp cho những chất kích thích, „những mối quan hệ qua đường“, hay những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng nhưng bất chính như là những viên thuốc giả! Và có biết bao nhiêu người đang sa vào một cuộc sống ảo, mà trong đó, các mối tương quan có vẻ như rất đơn giản và nhanh chóng trong việc chứng tỏ cho thấy sự vô nghĩa theo một cách thức bi ai! Trái lại, những kẻ bịp bợm ấy, tức những kẻ đang giới thiệu những điều vô giá trị, đang cướp đi điều có giá trị nhất: phẩm giá, sự tự do và khả năng yêu thương. Cơn cám dỗ của sự tự phụ đang đưa chúng ta tới chỗ xù lông xù cánh lên như những con công… để sau đó trở nên vô cùng nực cười; và rồi người ta sẽ không bước ra khỏi sự nực cười ấy được nữa. Đó không phải là phép màu: từ xa xưa, ma quỷ đã luôn luôn lừa dối chúng ta – „hắn là kẻ nói dối và là cha của sự gian dối“ (Ga 8,44) – hắn làm cho chúng ta lầm tưởng sự ác là sự thiện, và lầm tưởng sự sai trái là chân lý, hầu đưa con tim của nhân loại tới chỗ lầm lạc. Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi hãy biện phân trong lòng mình và thẩm tra xem, liệu mình có đang bị uy hiếp bởi những sự lừa lọc của các ngôn sứ giả hay không. Chúng ta phải học để không ở lỳ mãi trong sự hời hợt nông cạn, nhưng để nhận ra điều đang để lại trong chúng ta những dấu vết tốt lành và lâu bền, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự phục vụ niềm hạnh phúc của chúng ta.

Một con tim lạnh giá:

Khi mô tả về hỏa ngục, nhà thơ Dante Alighieri đã đặt ma quỷ ngồi trên một chiếc ngai bằng băng đá [2]; hắn cư ngụ trong sự lạnh giá của Tình Yêu bị bóp ngạt. Vậy thì chúng ta hãy tự hỏi xem: Tình Yêu trong chúng ta đang trở nên lạnh nhạt như thế nào? Đâu là những triệu chứng cho thấy rằng, Tình Yêu trong chúng ta đang có nguy cơ bị lụi tàn?

Điều làm cho Tình Yêu bị dập tắt trước tiên phải là sự tham lam, “gốc rễ của mọi điều ác” (1Tm 6,10); nó dẫn tới chỗ khước từ Thiên Chúa, và cụ thể là chúng ta sẽ không tìm kiếm niềm an ủi từ nơi Ngài nữa, nhưng lại mơn trớn nỗi tuyệt vọng của mình hơn là kiếm tìm sự an ủi thông qua Lời và các Bí Tích của Ngài [3]. Tất cả những điều đó sẽ biến thành bạo lực đối với những ai mà chúng ta cảm thấy họ chính là mối đe dọa cho sự “an toàn của chúng ta”: sự sống chưa chào đời, những con người già yếu, những người khách qua đường, người ngoại kiều, nhưng cũng kể cả những người đang sống bên cạnh chúng ta nữa khi họ không tương ứng với những mong chờ của chúng ta.

Thiên nhiên cũng đang là chứng nhân âm thầm của sự giá lạnh về Tình Yêu ấy: trái đất đang bị gây ô nhiễm thông qua những rác thải bị vứt bỏ một cách đầy chủ tâm hay vô ý thức; rất tiếc rằng những vùng biển mà chúng cũng đang bị gây ô nhiễm, đang phải chứa đựng rất nhiều những tàn tích của những con tàu chở người tị nạn bị đắm; những vùng trời – mà trong kế hoạch của Thiên Chúa, chúng có nhiệm vụ ca ngợi vinh quang Ngài – lại đang bị khuấy đảo bởi những cố máy mà chúng làm cho mưa xuống những công cụ gây chết chóc.

Tình Yêu cũng đang trở nên lạnh nhạt trong các cộng đoàn của chúng ta: trong Tông Huấn Evangelii gaudium, Cha đã cố gắng mô tả những triệu chứng rõ ràng của sự thiếu thốn Tình Yêu này. Những dấu chỉ đó chính là sự trì trệ đầy ích kỷ, là chủ nghĩa bi quan vô sinh, là cơn cám dỗ xúi người ta tự cô lập mình và thực hiện những cuộc nội chiến liên miên, là một tâm tính thế tục xúi dục người ta chỉ chăm lo cho những điều bên ngoài, và do đó hạn chế nhiệt huyết truyền giáo [4].

Chúng ta phải làm gì?

Nếu chúng ta thấy được ở tận nơi sâu thẳm nhất của chúng ta cũng như ở xung quanh chúng ta những triệu chứng như được mô tả ở trên, thì trong Mùa Chay này, bên cạnh những dược liệu đôi khi đắng đót của chân lý, Giáo hội – Mẹ của chúng ta và cũng là Thầy dậy của chúng ta – sẽ giới thiệu cho chúng ta phương dược ngọt ngào của sự cầu nguyện, của việc làm phúc bố thí và của cả việc ăn chay nữa.

Nếu chúng ta dành ra nhiều thời gian hơn nữa để cầu nguyện thì chúng ta sẽ làm cho con tim của mình có khả năng phát hiện ra những điều lọc lừa âm thầm, mà với chúng, chúng ta đang tự lừa dối chính mình [5]; và sau đó chúng ta sẽ có thể kiếm tìm niềm an ủi của Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, và Ngài muốn chúng ta được sống.

Việc làm phúc bố thí sẽ giải phóng chúng ta khỏi thói tham lam, và giúp chúng ta khám phá ra rằng, người khác chính là anh chị em của tôi: điều gì tôi đang sở hữu, điều đó sẽ không bao giờ chỉ thuộc về tôi. Cha rất ước mong rằng, việc làm phúc bố thí sẽ trở thành một thái độ sống liên tục đối với tất cả! Cha cũng rất ước mong rằng, với tư cách là những người Ki-tô hữu, chúng ta sẽ noi gương các Thánh Tông Đồ, và coi khả năng chia sẻ với người khác những tài sản của mình như là dấu chỉ cụ thể cho một cộng đoàn đang được sống trong Giáo hội. Ở đây, Cha muốn biến lời hiệu triệu của Thánh Phao-lô thành lời của Cha, mà với lời hiệu triệu đó, Thánh Nhân đã kêu gọi các tín hữu Cô-rin-tô hãy quyên góp tiền bạc cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem: đó là một ý kiến, “mà ý đó rất thích hợp với anh chị em” (2 Cor 8,10). Điều này có ý nghĩa một cách đặc biệt trong Mùa Chay, mà trong mùa này, nhiều tổ chức sẽ thực hiện những cuộc quyên góp hầu giúp đỡ các Giáo hội và những con người đang gặp khốn khó. Nhưng Cha cũng rất ước mong rằng, trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày của mình, chúng ta hãy nhớ tới những anh chị em đang cần tới sự giúp đỡ, mà những người anh chị em đó chính là một lời mời gọi trong sự quan phòng của Thiên Chúa: bất cứ sự làm phúc nào cũng đều là một cơ hội để cùng hoạt động với những mối quan tâm của Thiên Chúa cho con cái Ngài. Nếu như hôm nay Ngài sử dụng những tài sản của tôi để giúp đỡ một người anh em hay một người chị em, thì ngày mai, chả lẽ Ngài lại không lo lắng cho những nhu cầu của tôi sao, chả lẽ Ngài lại không trổi vượt hơn về sự quảng đại và rộng lượng hay sao? [6]

Sau cùng, việc ăn chay sẽ tước đi khả năng hung hãn của chúng ta, nó sẽ xóa bỏ mối ác cảm nơi chúng ta, và sẽ là một cơ hội quan trọng để đạt tới được sự chín muồi. Một mặt, chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà mỗi người chúng ta đều đã trải qua, kể cả những người đang cần tới những nhu cầu tối thiểu nhất, cũng như những người đang phải nếm trải sự đói khát hằng ngày; mặt khác, đó là sự diễn tả tinh thần của người đang đói khát sự công chính và sự sống của Thiên Chúa. Việc ăn chay sẽ đánh động chúng ta, nó làm cho chúng ta lưu tâm tới Thiên Chúa và tới tha nhân nhiều hơn, nó canh tân ý muốn vâng phục của chúng ta đối với Thiên Chúa, mà chỉ một mình Ngài mới có thể thỏa mãn được những cơn đói khát của chúng ta.

Cha muốn rằng, giọng nói của Cha sẽ vượt ra ngoài những ranh giới của Giáo hội Công giáo để đến được với tất cả anh chị em, những người nam và những người nữ thiện chí mà anh chị em đang mở tâm hồn mình ra để lắng nghe Thiên Chúa. Nếu anh chị em đang phiền sầu như chúng tôi về chuyện những tội ác đang tăng lên trong thế gian; nếu anh chị em đang lo lắng về sự băng giá mà nó đang làm cho những con tim và những hành động trở nên tê liệt; nếu anh chị em thấy ý nghĩa về một nhân loại đại đồng đang bị mất đi, thì anh chị em hãy liên kết và hiệp thông với chúng tôi để cùng dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn cầu, cùng ăn chay, và cùng với chúng tôi cho đi những điều mà anh chị em có thể để giúp đỡ những người anh chị em!

Ngọn lửa Phục Sinh:

Cha xin mời gọi một cách đặc biệt các thành viên của Giáo hội hãy bước đi trên con đường Mùa Chay xuyên qua sự làm phúc bố thí, ăn chay và cầu nguyện với niềm hăng hái. Nếu đôi khi Tình Yêu xem ra đang bị tắt ngấm trong con tim của nhiều người, thì trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, điều này cũng không bao giờ xảy ra trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn luôn ban cho chúng ta những khả năng mới để tái yêu thương.

Một cơ hội tốt đẹp đối với điều này chính là sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa” mà năm nay cũng sẽ được cử hành. Sáng kiến này mời gọi chúng ta hãy cử hành Bí Tích Giao Hòa trong khuôn khổ của một giờ chầu Thánh Thể. Trong năm 2018, sáng kiến đó sẽ diễn ra vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy mồng 09 và mồng 10 tháng 03, và với khẩu hiệu được rút ra từ câu 4 của Thánh Vịnh 130: “Chúa vẫn rộng lòng tha thứ”. Trong mỗi Giáo phận phải có ít nhất một nhà thờ được mở cửa trong suốt 24 giờ để thực hiện việc chầu Thánh Thể và cử hành Bí Tích Giao Hòa.

Trong Đêm Phục Sinh, chúng ta sẽ tái trải qua một nghi thức đầy ấn tượng, đó là việc đốt nến Phục Sinh: Được tiếp liệu từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng sẽ dần dần xua tan bóng tối và chiếu sáng buổi cử hành Phụng Vụ. “Chúa Ki-tô đã phục sinh vinh hiển từ cõi chết. Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối trong các tâm hồn[7], để tất cả chúng ta đều có được kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus: Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và nuôi dưỡng bản thân bằng Bánh Thánh Thể, thì con tim chúng ta sẽ có khả năng tái bừng cháy lên trong Đức Tin, trong Niềm Hy Vọng và trong Đức Ái.

 

Với trọn tấm lòng, Cha xin chúc lành và cầu nguyện cho anh chị em. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha.

 

Vatican ngày mồng 01 tháng 11 năm 2017

Nhân dịp Đại Lễ Kính Các Thánh

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Ghi chú:

 

[1] Sách Lễ Rô-ma, Chúa Nhận I MC, Lời Tổng Nguyện.

[2]Hoàng đế trong vương quốc hoàn toàn băng giá/ chỉ có một nửa người nhô lên khỏi chiếc ly đóng băng» (Lo ’mperador del doloroso regno / da mezzo ’l petto uscia fuor de la ghiaccia: Hỏa ngục, bài ca thứ XXXIV).

[3]Điều đó đã hiếm, nhưng nhiều lần chúng ta còn sợ hãi trước niềm an ủi, trước việc được ủi an. Hơn nữa: chúng ta cảm thấy an toàn trong sự sầu muộn và trong nỗi thất vọng. Anh chị em có biết tại sao không? Thưa, tại vì chúng ta cảm thấy mình hầu như là những nhân vật chính trong nỗi sầu muộn. Trái lại, trong niềm an ủi, Chúa Thánh Thần mới là nhân vật chính“ (Kinh Truyền Tin, 07.12.2014).

[4] Nt. 76-109.

[5] Xc. Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông Điệp Spe salvi, 33.

[6] Xc. Đức Pi-ô XII, Thông Điệp Fidei donum, III.

[7] Sách Lễ Rô-ma, Đêm Phục Sinh, nghi thức thắp sáng.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội