SỨ ĐIỆP

của THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC về Bí Tích THÁNH THỂ

(Hội Nghị Khoáng Đại Thường Kỳ Lần XI)

CỦA THẾ GIỚI

 

Chư Huynh Giám Mục thân mến,

Các linh mục và phó tế thân mến,

Anh chị em rất thân mến,

 

1.      “Bình an cho anh chị em!” Nhân danh Đức Chúa, Đấng đã hiện ra trong Phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem vào chiều ngày Phục sinh, chúng tôi lặp lại, “Bình an cho anh chị em” (Ga 20, 21). Xin mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Đức Chúa đem đến cho anh chị em niềm an ủi và mang lại ý nghĩa cho toàn thể đời sống của anh chị em! Xin Đức Chúa cho anh chị em luôn vui tươi và tràn đầy hy vọng! Vì Chúa Kitô đang sống trong Hội Thánh của Ngài, như Ngài đã hứa (x. Mt 28, 20). Ngài ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài ban chính Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cực thánh, cùng với niềm vui yêu thương như Ngài đã yêu thương. Ngài truyền cho chúng ta chia sẻ tình yêu vinh thắng của Ngài cho các anh chị em của chúng ta trên toàn thế giới. Đó là sứ điệp mừng vui mà chúng tôi công bố cho anh chị em, thưa anh chị em rất thân mến, vào lúc kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể. 

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng qui tụ chúng tôi như trong Phòng Tiệc Ly, cùng với Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, để nhắc lại tặng phẩm tuyệt hảo là Thánh Thể.

2. Được mời về Rôma do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muôn đời đáng nhớ, và lời mời được nhắc lại do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, từ năm châu lục trên thế giới chúng tôi đã về đây để cùng nhau cầu nguyện và suy tư về Thánh Thể, Nguồn mạch và Chóp đỉnh của Đời sống và Sứ mạng của Hội Thánh. Mục tiêu của Thượng Hội Đồng là trình lên Đức Thánh Cha những đề nghị để giúp ngài cập nhật và đào sâu đời sống Thánh Thể của Hội Thánh. Chúng tôi đã có thể cảm nghiệm ngay từ lúc khởi đầu bí tích Thánh Thể là gì: một đức tin và một Hội Thánh, được nuôi dưỡng bởi một bánh duy nhất ban sự sống, trong sự hiệp thông hữu hình với đấng kế vị Thánh Phêrô.

3. Sự chia sẻ huynh đệ giữa các Giám mục, các dự thính viên, và cả các vị đại diện đại kết, đã làm mới lại xác tín của chúng tôi là: Thánh Thể đang làm sinh động và biến đổi đời sống của các Giáo Hội địa phương từ Đông sang Tây, cũng như nhiều hoạt động của con người trong những hoàn cảnh rất khác nhau mà chúng ta đang sống. Chúng tôi đã cảm nhận một niềm vui sâu xa khi cảm nghiệm sự hiệp nhất trong đức tin vào Thánh Thể giữa nhiều khác biệt về lễ nghi, văn hoá và hoàn cảnh mục vụ. Sự hiện diện của rất nhiều tôn huynh giám mục đã cho phép chúng tôi trực tiếp cảm nghiệm được sự phong phú của những truyền thống phụng vụ khác nhau, sự phong phú đó khiến các chiều sâu của mầu nhiệm Thánh Thể duy nhất được toả sáng. 

Chúng tôi mời gọi anh chị em, thưa các anh chị em Kitô hữu thân mến thuộc mọi niềm tin, chúng ta hãy cầu nguyện tha thiết hơn nữa, mong đến ngày hoà giải, ngày Hội Thánh được hiệp nhất trọn vẹn cách hữu hình để chúng ta có thể cử hành Thánh Thể, phù hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước ngày Ngài chịu chết: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng nên một trong chúng ta, như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21).

4. Trong khi hết lòng cảm tạ Chúa vì triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, vì thông điệp cuối cùng của ngài Ecclesia de Eucharistia, tiếp sau là tông thư mở Năm Thánh Thể Mane nobiscum Domine, chúng tôi cầu xin Chúa cho chứng từ và giáo huấn của ngài nở rộ nhiều hoa trái. Chúng tôi cũng cám ơn toàn thể Dân Thiên Chúa, mà chúng tôi cảm thấy sự hiện diện và tình liên đới của họ trong suốt ba tuần lễ cầu nguyện và suy tư này. Các giáo phận tại Trung Quốc và các giám mục của họ, những vị đã không thể hiện diện để cùng làm việc với chúng tôi, chiếm một chỗ đặc biệt trong tâm tưởng và kinh nguyện của chúng tôi.

Nguyện chúc Bình An và Niềm Vui trong Chúa Thánh Thần nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, cho tất cả mọi người: các giám mục, các linh mục và phó tế, các thừa sai trên khắp thế giới, các nam nữ tu sĩ, các giáo dân, và cả những người nam nữ thiện tâm.

 

Lắng nghe Nỗi Đau Khổ của Thế giới

5. Cuộc họp Thượng Hội Đồng là một thời gian đặc biệt để chia sẻ và làm chứng cho sức sống của Hội Thánh trên các châu lục khác nhau. Chúng tôi đã có dịp ý thức được những hoàn cảnh cùng cực và nỗi đau khổ phát sinh do chiến tranh, do đói khát, do những hình thức khủng bố và bất công khác nhau, tất cả gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu con người. Bạo lực bộc phát ở Trung Đông và ở Phi Châu nhắc chúng tôi nhớ rằng lục địa châu Phi đã bị dư luận chung của thế giới bỏ quên. Những thảm hoạ thiên nhiên, coi bộ đã gia tăng, buộc chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên nhiều hơn và củng cố tình liên đới của chúng ta với những người đang đau khổ đó.

Chúng tôi đã không thể im lặng trước những hậu quả của việc thế tục hoá, nhất là tại phương Tây, đưa đến sự lãnh đạm về tôn giáo và những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa tương đối. Chúng tôi đã nhớ đến và vạch trần những tình trạng bất công và nghèo đói cùng cực ở mọi nơi, nhất là ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Tất cả nỗi đau khổ này thét gào lên tới Thiên Chúa, và thách đố lương tâm nhân loại. Nó thách đố tất cả chúng ta. Ngôi nhà chung là trái đất của chúng ta sẽ ra sao, một khi môi trường bị đe doạ đang có nguy cơ bị tiêu huỷ? Chúng ta có thể làm gì để, trong thời đại toàn cầu hoá này, sự liên đới có thể chiến thắng được đau khổ và cùng khốn? Tâm trí chúng tôi cũng hướng tới những vị đang lãnh đạo các quốc gia, mong họ chuyên cần quan tâm đến việc mang lại phúc lợi chung cho mọi người. Chúng tôi xin họ hãy là những người cổ võ cho phẩm giá của mọi hữu thể nhân linh, từ khi thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Chúng tôi yêu cầu họ ban hành những luật nhằm tôn trọng các quyền lợi tự nhiên của hôn nhân và gia đình. Phần chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia cách tích cực vào nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện vững bền cho việc phát triển thực sự của toàn thể gia đình nhân loại, để không một ai bị thiếu cơm bánh hàng ngày. 

6. Chúng tôi đã mang tất cả những đau khổ và những vấn đề này theo mình khi chúng tôi cử hành và tôn thờ Thánh Thể. Trong các buổi thảo luận, khi chăm chú lắng nghe lẫn nhau, chúng tôi đã xúc động bởi chứng tá của các vị tử đạo vẫn đang có mặt hôm nay, cũng như trong suốt giòng lịch sử Hội Thánh, tại nhiều nơi trên thế giới. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhớ rằng các vị tử đạo đã luôn tìm gặp được sức mạnh để thắng vượt hận thù bằng tình yêu và thắng vượt bạo lực bằng tha thứ, nhờ bí tích Thánh Thể.

 

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”

7. Hôm trước ngày chịu nạn, “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.’ Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’” (Mt 26, 25-28). “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cr 11, 24-25). Ngay từ những buổi đầu, Hội Thánh đã ghi nhớ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu bằng chính những lời nói và cử chỉ của Ngài trong bữa Tiệc Ly, trong khi khẩn cầu Chúa Thánh Thần biến đổi bánh rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Chúng tôi tin vững chắc và chúng tôi dạy theo truyền thống liên tục của Hội Thánh rằng những lời của Chúa Giêsu được linh mục tuyên đọc trong Thánh Lễ, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, mang lại hiệu quả đúng những gì những lời đó muốn nói. Chúng mang lại sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô phục sinh (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1366). Hội Thánh sống nhờ tặng phẩm tuyệt hảo này; tặng phẩm này quy tụ, thanh tẩy và biến đổi Hội Thánh nên một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, được tác sinh bởi duy một Chúa Thánh Thần (x. Ep 5, 29).  

Thánh Thể là tặng phẩm của tình yêu, tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con Một của Ngài để thế gian được cứu độ (x. Ga 3, 16-17); tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng (x. Ga 13, 1); tình yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta do Chúa Thánh Thần (x. Rm 5, 5), Đấng kêu lên trong chúng ta “Abba, Lạy Cha! (Gl 4, 6). Vì vậy, khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta vui mừng loan báo ơn cứu độ thế giới khi tuyên xưng cái chết vinh thắng của Đức Chúa cho tới khi Ngài đến. Khi rước Mình Thánh Ngài, chúng ta lãnh nhận “bảo chứng” sự sống lại của chính chúng ta.

8. Bốn mươi năm sau Công đồng Vatican II, chúng tôi muốn duyệt lại, xem các mầu nhiệm đức tin đã được diễn tả và cử hành một cách thoả đáng tới mức độ nào trong các cộng đoàn phụng vụ của chúng ta. Thượng Hội Đồng tái xác quyết rằng Công đồng Vatican II đã mang lại nền tảng thiết yếu cho một cuộc canh tân phụng vụ đích thực. Giờ đây cần phải vun trồng những thành quả tốt đẹp của cuộc cải cách này, và sửa chữa những lạm dụng đã len lỏi vào việc cử hành phụng vụ. Chúng tôi xác tín rằng sự tôn trọng đặc tính thiêng thánh của phụng vụ được thông chuyển bằng sự trung thành tuân thủ các quy thức phụng vụ do thẩm quyền hợp pháp qui định. Không ai được tự coi mình là người có quyền trên phụng vụ của Hội Thánh. Đức tin sống động nhận ra sự hiện diện của Chúa, là điều kiện tiên quyết cho vẻ đẹp của các cử hành phụng vụ, và những cử hành (với đức tin sống động) như vậy hoàn thành một “Amen” đích thực đáp lại vinh quang Thiên Chúa. 

 

Những ánh sáng trong đời sống Thánh Thể của Hội Thánh

9. Sinh hoạt của Thượng Hội Đồng đã diễn ra trong bầu khí vui tươi huynh đệ, nhờ việc thảo luận công khai về nhiều vấn đề và sự chia sẻ tự phát những thành quả của Năm Thánh Thể. Sự hiện diện lắng nghe và những phát biểu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một gương mẫu và là sự khích lệ quý giá cho tất cả chúng tôi. Nhiều bài phát biểu đã thuật lại những sự kiện tích cực và vui tươi, chẳng hạn: sự ý thức về tầm quan trọng của Thánh Lễ Chúa Nhật; sự gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ ở nhiều nơi trên thế giới; những cảm nghiệm mạnh mẽ về Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne bên nước Đức; sự triển nở nhiều sáng kiến trong việc tôn thờ Thánh Thể hầu như ở mọi nơi trên thế giới; sự canh tân huấn giáo về Phép Rửa và Thánh Thể dưới ánh sáng của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; sự lớn mạnh của các phong trào và các cộng đoàn huấn luyện các thừa sai cho việc tân phúc âm hoá; sự gia tăng con số các lễ sinh phục vụ bàn thờ, từ đó hy vọng có những ơn gọi mới, và nhiều sự kiện khác nữa khiến chúng tôi phải cảm tạ Chúa.

Sau cùng, các nghị phụ Thượng Hội Đồng hy vọng rằng Năm Thánh Thể có thể là khởi đầu và là điểm xuất phát cho việc tân phúc âm hoá cả nhân loại đã được toàn cầu hoá, công cuộc này khởi đầu với bí tích Thánh Thể.

10. Chúng tôi mong muốn rằng “tâm tình ngưỡng mộ Thánh Thể” (Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, số 6) có thể hướng dẫn các tín hữu tới một đời sống đức tin luôn luôn mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, các truyền thống Chính Thống và Công Giáo Đông Phương cử hành Kinh Thần Vụ, cổ võ kinh Khẩn Nguyện Chúa Giêsu và việc giữ chay Thánh Thể, trong khi truyền thống Latinh cổ võ một “linh đạo Thánh Thể,” mà đỉnh cao là việc cử hành Thánh Thể. Ngoài ra còn có việc tôn thờ Bí tích Cực Thánh ngoài Thánh Lễ, Phép Lành Mình Thánh Chúa, các cuộc rước kiệu Thánh Thể, và những cách diễn đạt lành mạnh của lòng đạo đức bình dân. Một linh đạo như thế chắc chắn sẽ là một nguồn lực rất phong phú để nâng đỡ cuộc sống hàng ngày và củng cố việc làm chứng của chúng ta.

11. Chúng tôi tạ ơn Chúa là trong nhiều nước trước đây các linh mục không được hiện diện hoặc phải lẩn tránh, thì nay Hội Thánh đã có thể tự do cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Sự tự do rao giảng Phúc Âm và việc làm chứng bằng lòng nhiệt thành được canh tân của các vị đó đang từng bước làm thức tỉnh đức tin, ở những nơi Kitô giáo đã từng bị bài trừ một cách triệt để. Chúng tôi thân ái kính chào và khích lệ những ai đang tiếp tục chịu bách hại. Chúng tôi cũng yêu cầu là ở những nơi các Kitô hữu chỉ là thiểu số, họ được phép cử hành Ngày của Chúa một cách tự do hoàn toàn.

 

Những thách đố cho việc canh tân Thánh Thể

12. Đời sống của các Giáo Hội cũng bị ghi dấu bởi những bóng tối và vấn đề khúc mắc mà không phải chúng tôi không biết. Trước hết, chúng tôi nghĩ đến sự mất cảm thức về tội lỗi và sự khủng hoảng dai dẳng trong việc thực hành bí tích Sám Hối. Điều quan trọng là tái khám phá ý nghĩa thâm sâu nhất của bí tích này; đó là sự hoán cải và là một phương dược quý giá mà Đức Chúa phục sinh đã ban để tha thứ tội lỗi (x. Ga 20, 23) và để người ta được lớn lên trong tình yêu đối với Ngài và đối với anh chị em chúng ta.

Chúng tôi vui mừng khi nhận thấy rằng càng ngày những người trẻ, một khi được học giáo lý kỹ lưỡng, càng thực hành việc xưng tội cá nhân, và như vậy cho thấy họ ý thức là cần được giao hoà với Chúa để xứng đáng rước lễ.

13. Tuy nhiên, việc thiếu linh mục để cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật đã làm chúng tôi lo lắng rất nhiều và thúc đẩy chúng tôi cầu nguyện và cổ võ một cách tích cực hơn nữa cho các ơn gọi linh mục. Một số linh mục đã hết sức mệt mỏi, khi bắt buộc phải dâng lễ nhiều lần và di chuyển từ nơi này đến nơi khác để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của tín hữu. Các vị ấy thực sự đáng được chúng tôi đề cao và bày tỏ tình liên đới sâu xa. Chúng tôi cũng cám ơn nhiều vị thừa sai vì lòng hăng say đi rao giảng Tin Mừng của các vị ấy khiến cho chúng ta ngày nay vẫn đang trung thành với lệnh truyền của Đức Chúa là đi vào lòng thế giới và rửa tội nhân danh Ngài (x. Mt 28, 19).

14. Đàng khác, chúng tôi lo lắng vì thiếu vắng linh mục nên không thể cử hành Thánh Lễ, cử hành Ngày của Chúa. Đã phải chấp nhận nhiều hình thức cử hành khác nhau trên các châu lục vì sự thiếu vắng các linh mục. Tuy nhiên, tập tục “rước lễ thiêng liêng,” rất quen thuộc với truyền thống Công Giáo, có thể và nên được cổ võ và giải thích tốt hơn, để vừa giúp các tín hữu rước lễ bí tích một cách ích lợi hơn, vừa đem lại nguồn an ủi thực sự cho những ai, vì nhiều lý do, không thể lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô qua việc rước lễ. Chúng tôi tin rằng tập tục này cũng giúp đỡ những người neo đơn, đặc biệt người khuyết tật, người cao tuổi, các tù nhân và những người đang phải trốn tránh.

15. Chúng tôi biết rõ nỗi buồn của những người không thể rước lễ bí tích vì hoàn cảnh gia đình họ không phù hợp với giới luật của Đức Chúa (x. Mt 19, 3-9). Một số người ly dị rồi tái hôn đã buồn rầu chấp nhận tình trạng họ không được rước lễ và họ dâng điều đó cho Thiên Chúa. Một số khác không hiểu được sự hạn chế này, nên đã sống mà lòng đầy bất mãn. Chúng tôi minh xác lại rằng, mặc dầu chúng tôi không tán thành sự chọn lựa của họ (x. GLHTCG 2384), nhưng họ vẫn không bị loại trừ ra khỏi đời sống của Hội Thánh. Chúng tôi xin họ cứ dự Thánh Lễ Chúa Nhật và chuyên cần lắng nghe Lời Chúa để Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống họ về đức tin, đức mến và lòng hối cải. Chúng tôi muốn nói với họ rằng chúng tôi rất gần gũi họ trong kinh nguyện và trong sự quan tâm mục vụ. Cùng nhau, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn trung thành vâng phục Thánh Ý Ngài.

16. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng ở một số nơi cảm thức về sự thánh thiêng đã bị suy yếu, điều này gây ảnh hưởng không những đến việc dự phần cách tích cực và có hiệu quả của tín hữu khi tham dự Thánh Lễ, mà còn cả đến cách cử hành và phẩm chất của đời sống chứng tá mà các Kitô hữu được mời gọi biểu lộ. Chúng tôi tìm cách làm sinh động lại, nhờ bí tích Thánh Thể, cảm thức và niềm vui được thuộc về Hội Thánh Công Giáo, vì số người rời bỏ Hội Thánh đã gia tăng tại một số quốc gia. Sự kiện nhiều người rời bỏ Kitô giáo khiến chúng ta phải quan tâm huấn luyện tốt hơn về đời sống Kitô hữu trong các gia đình để việc tham dự các bí tích được canh tân và diễn tả cách đích thực nội dung đức tin. Vì vậy chúng tôi kêu mời các bậc làm cha mẹ, các mục tử và giáo lý viên cùng làm việc nhằm tái tạo lại một chiến lược rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin vào buổi đầu của ngàn năm mới này. 

17. Trước Đức Chúa của lịch sử và tương lai thế giới, những người nghèo thuộc mọi thế hệ và hôm nay, số các nạn nhân chịu đựng bất công trở nên đông đảo hơn bao giờ, và mọi người bị lãng quên trên thế giới, tất cả đang thách đố chúng ta. Họ nhắc chúng ta nhớ đến cơn hấp hối của Chúa Kitô, cho đến ngày tận thế. Những đau khổ này không thể được coi là không dính dáng gì đến việc cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, vì Mầu nhiệm này thúc dục tất cả chúng ta hoạt động cho công lý và cho sự biến đổi thế giới một cách tích cực và ý thức, dựa trên giáo huấn xã hội của Hội Thánh, một giáo huấn đề cao tính trung tâm và phẩm giá của con người.

“Chúng ta không thể tự lừa dối mình: qua tình yêu thương lẫn nhau và nhất là qua sự quan tâm chúng ta dành cho những người quẫn bách, chúng ta sẽ được nhìn nhận là các môn đệ thật của Chúa Kitô (x. Ga 13, 35; Mt 25, 31-46). Đó là tiêu chuẩn để xác nhận việc cử hành Thánh Thể của chúng ta là một cử hành đích thực” (Mane nobiscum Domine 28). 

 

Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy

18. “Chúa Giêsu vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” Thánh Gioan cho thấy ý nghĩa của việc thiết lập bí tích Thánh Thể trong trình thuật rửa chân (x. Ga 13, 1-20). Chúa Giêsu hạ mình rửa chân cho các môn đệ Ngài như dấu chỉ tình yêu của Ngài, một tình yêu vượt quá mọi giới hạn. Cử chỉ ngôn sứ này báo trước việc Ngài tự hạ vào ngày hôm sau, tự hạ cho đến chết trên Thập giá; hành vi tự hạ này xoá bỏ mọi tội lỗi khắp thế gian, và tẩy rửa linh hồn chúng ta sạch mọi tội lỗi. Thánh Thể là tặng phẩm của tình yêu, là một gặp gỡ với Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta và là một suối nguồn vọt lên sự sống đời đời. Thưa các giám mục, các linh mục và phó tế, chúng ta là những nhân chứng và tôi tớ đầu tiên của Tình Yêu này.

19. Các Linh mục thân mến, chúng tôi nghĩ đến anh em rất nhiều trong những ngày này. Chúng tôi nhận biết sự quảng đại và những thách đố của anh em. Hiệp thông với chúng tôi, anh em mang lấy gánh nặng là hàng ngày chăm sóc mục vụ cho Dân Thiên Chúa. Anh em công bố Lời Chúa, và anh em quan tâm dẫn đưa các tín hữu tới mầu nhiệm Thánh Thể. Thừa tác vụ của anh em quả là một hồng ân! Chúng tôi cầu nguyện với anh em và cho anh em, để cùng nhau, chúng ta mãi mãi trung thành với tình yêu của Đức Chúa. Chúng tôi xin anh em, cùng với chúng tôi và theo gương Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hãy là những “người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Đức Chúa,” khi kiên định trong đời sống linh mục. Xin bình an của Chúa Kitô, mà anh em tặng ban cho các hối nhân trong toà giải tội và cho cộng đoàn khi dâng Thánh Lễ, tuôn đổ trên anh em và trên các cộng đoàn đang sống nhờ chứng tá của anh em.

Chúng tôi ghi nhớ với lòng tri ân sự dấn thân của các phó tế vĩnh viễn, các giáo lý viên, các người hoạt động mục vụ và nhiều giáo dân đang làm việc phục vụ cộng đoàn. Ước gì việc phục vụ của anh chị em luôn quảng đại và mang lại hoa trái, nhờ sự hiệp nhất trọn vẹn, trong tinh thần và trong hành động, với các mục tử của các cộng đoàn của anh chị em!

20. Anh chị em rất thân mến, chúng ta được kêu gọi, trong bất cứ bậc sống nào, để sống ơn gọi phép rửa của chúng ta, là mặc lấy những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô (x. Pl 2, 2), đối xử với nhau một cách khiêm tốn, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Việc chúng ta yêu mến lẫn nhau không những là việc chúng ta noi gương Đức Chúa, mà đó còn là một bằng chứng sống động về sự hiện diện tự hiến của Ngài giữa chúng ta. Chúng tôi chào thăm và cám ơn tất cả các tu sĩ, thành phần ưu tuyển trong vườn nho của Đức Chúa, những người tự nguyện làm chứng cho Tin Mừng của Đấng Phu Quân đang đến (x. Kh 22, 17-20). Việc anh chị em làm chứng cho Thánh Thể trong việc phục vụ Chúa Kitô là một lời kêu gọi của tình yêu giữa bóng tối trần gian, là tiếng vọng ngân những bài ca xưa của Đức Maria, bài Stabat Mater và bài Magnificat. Nguyện xin Người Nữ Thánh Thể tuyệt hảo, đầu đội triều thiên ngôi sao, rất giàu tình yêu, là Trinh Nữ Lên Trời và Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhìn đến anh chị em trong việc anh chị em phục vụ Thiên Chúa và người nghèo, trong niềm vui của Lễ Phục Sinh, vì niềm hy vọng của thế giới.

21. Các bạn trẻ thân mến, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc đi nhắc lại rằng các bạn không mất gì khi các bạn dâng mình cho Chúa Kitô. Chúng tôi lấy lại những lời mạnh mẽ và trong sáng trong Thánh Lễ nhậm chức của ngài để hướng các bạn đến hạnh phúc chân thật, tuy vẫn hết sức tôn trọng sự tự do cá nhân của các bạn: “Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài chẳng lấy đi điều gì, nhưng ngài ban cho các bạn mọi sự. Khi chúng ta dâng mình cho Ngài, chúng ta lại nhận được gấp trăm. Phải, hãy mở, hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ gặp được sự sống thật.” Chúng tôi rất tín nhiệm vào khả năng của các bạn và hoài bão của các bạn là phát triển những giá trị tích cực trên thế giới, và thay đổi những gì là bất công và bạo lực. Các bạn hãy quan tâm đến sự ủng hộ và kinh nguyện của chúng tôi để chúng ta có thể cùng nhau chấp nhận thách đố để xây dựng tương lai với Chúa Kitô. Các bạn là “những người canh giữ bình minh” và “những nhà thám hiểm tương lai.” Các bạn hãy không ngừng múc nước nơi suối nguồn năng lực thần linh là Thánh Thể, để thực hiện những đổi thay cần thiết.

Với các chủng sinh trẻ đang chuẩn bị làm linh mục, và là những người đang cùng chia sẻ với thế hệ của mình những hy vọng cho tương lai, chúng tôi muốn nói lên niềm hy vọng của chúng tôi là việc huấn luyện họ sẽ được thấm nhiễm một linh đạo Thánh Thể đích thực.

22. Các đôi bạn và gia đình Kitô hữu thân mến, ơn gọi nên thánh của anh chị em bắt đầu với tính cách là Hội Thánh tại gia, ơn gọi ấy được nuôi dưỡng nơi Bàn tiệc Thánh Thể. Đức tin của anh chị em vào bí tích Hôn Phối đã biến đổi sự kết hợp phu phụ thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, thành một suối nguồn phong phú cho đời sống mới, sinh hạ các con cái, là hoa trái của tình yêu của anh chị em. Chúng tôi thường nói đến anh chị em tại Thượng Hội Đồng vì chúng tôi ý thức sự mỏng dòn và những điều không chắc chắn của thế giới hôm nay. Anh chị em hãy can đảm trong nỗ lực giáo dục con cái của anh chị em trong đức tin. Anh chị em là cội nguồn làm phát sinh các ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đừng quên rằng Chúa Kitô ngự giữa anh chị em; Ngài chúc phúc cho sự kết hợp của anh chị em bằng mọi ơn sủng anh chị em đang cần để sống ơn gọi của anh chị em một cách thánh thiện. Chúng tôi khuyến khích anh chị em duy trì tập tục là cả gia đình cùng nhau đi dự lễ Thánh Lễ Chúa Nhật. Bằng cách đó, anh chị em làm vui lòng Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Hãy để các trẻ em đến với Thầy” (Mc 10, 14).

23. Chúng tôi muốn ngỏ lời đặc biệt với tất cả những người đang đau khổ, nhất là các bệnh nhân và người tàn tật, những người đang kết hợp với lễ hy sinh của Chúa Kitô qua những đau khổ của họ (x. Rm 12, 2). Khi chịu đau khổ thể xác hay tâm hồn, anh chị em tham dự một cách đặc biệt vào hy tế Thánh Thể và là chứng nhân đặc biệt cho tình yêu phát xuất từ Thánh Thể. Chúng tôi chắc chắn rằng vào lúc chúng ta cảm nghiệm sự mỏng dòn và những giới hạn của chúng ta, thì sức mạnh của Thánh Thể sẽ là một trợ lực rất lớn. Kết hợp với Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng ta tìm được lời giải đáp cho những vấn nạn nhức nhối của đau khổ và sự chết, nhất là khi bệnh tật lại giáng xuống trên các trẻ em vô tội. Chúng tôi gần gũi với tất cả anh chị em, nhất là với những người sắp qua đời, đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô như Của Ăn Đàng cho cuộc hành trình cuối cùng tiến về Vương Quốc.

 

Xin cho tất cả nên Một

24. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã minh xác lại sự long trọng dấn thân của Hội Thánh cho vấn đề đại kết. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cho sự hiệp nhất này (x. Ga 17, 21), vì mọi người đều là thành viên của gia đình Thiên Chúa nhờ Phép Rửa, được trao ban cùng một phẩm giá căn bản và dự phần hồng ân bí tích vô giá là sự sống thiên linh. Mọi người chúng ta đều cảm thấy buồn sầu vì sự chia rẽ đã ngăn cản chúng ta cử hành Thánh Thể chung với nhau. Chúng tôi muốn mọi cộng đoàn gia tăng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, gia tăng sự trao đổi hồng ân giữa các Giáo Hội và Cộng Đoàn giáo hội, cũng như gia tăng mối liên hệ tôn trọng và huynh đệ giữa mọi người, để chúng ta có thể hiểu biết và yêu mến nhau hơn, mà vẫn tôn trọng và đánh giá cao những khác biệt và những giá trị chung giữa chúng ta. Những qui định minh bạch của Hội Thánh đã xác định những điều cần chúng ta phải tuân thủ về Thánh Thể đối với những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta. Một kỷ luật lành mạnh ngăn cản những lẫn lộn và những hành vi thiếu khôn ngoan, vì những lẫn lộn và những hành vi này có thể làm phương hại hơn nữa đến sự hiệp thông chân thật.

25. Với tư cách là các Kitô hữu, chúng tôi gần gũi với những hậu duệ khác của tổ phụ Abraham: những người Do Thái, là những người đầu tiên thừa hưởng Giao Ước, và những người Hồi Giáo. Khi cử hành Thánh Thể, chúng tôi cũng tin rằng chúng tôi là, theo kiểu nói của Thánh Augustinô, “nhiệm tích của nhân loại” (Thành đô Thiên Chúa, 16), là tiếng nói của mọi kinh nguyện và mọi lời khẩn cầu từ dưới đất dâng lên Thiên Chúa. 

 

Kết luận: Sự Bình An tràn đầy Hy vọng

Anh chị em thân mến,

26. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì Hội Nghị lần XI này của Thượng Hội Đồng, được tổ chức bốn mươi năm sau Công đồng Vatican II, đã khiến chúng tôi trở về với cội nguồn của mầu nhiệm Hội Thánh. Như vậy chúng ta kết thúc tốt đẹp Năm Thánh Thể, sau khi đã được củng cố trong sự hiệp nhất và được đổi mới trong nhiệt tình tông đồ và thừa sai.

Vào đầu thế kỷ thứ tư, việc phượng tự Kitô giáo vẫn còn bị các nhà cầm quyền của Đế quốc ngăn cấm. Các Kitô hữu Bắc Phi, nhất định cử hành Ngày của Chúa, đã bất chấp lệnh cấm. Các ngài đã chịu tử đạo, vì các ngài tuyên bố rằng các ngài không thể sống mà không cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Bốn mươi chín vị Tử Đạo tại Abitene, hiệp nhất với rất nhiều các thánh và các chân phước, những vị đã lấy Thánh Thể làm trung tâm đời sống của mình, đang cầu nguyện cho chúng ta vào lúc khởi đầu ngàn năm mới. Các ngài dạy chúng ta trung thành với cuộc họp mặt của Giao Ước Mới với Chúa Kitô Phục Sinh.

Vào lúc bế mạc Thượng Hội Đồng này, chúng tôi cảm nghiệm sự Bình An tràn đầy hy vọng mà các môn đệ làng Emmaus, với con tim bừng cháy, đã lãnh nhận từ nơi Đức Chúa Phục Sinh. Họ trỗi dậy và vội vã trở lại Giêrusalem, để chia sẻ niềm vui của họ với các anh chị em trong đức tin. Chúng tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ hân hoan đi gặp Ngài trong bí tích Thánh Thể, và rồi anh chị em sẽ cảm nghiệm những lời sau đây của Ngài là sự thật: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Anh chị em thân mến, nguyện chúc anh chị em được Bình An!

Bản dịch của Lm. Bùi Hoàng

                                                            

 

Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội