Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô Nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ XXXIII, năm 2018: „Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa!“ (Lc 1,30)

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2018 là một bước tiến tiếp theo trên con đường chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ mà nó sẽ diễn ra tại Panama vào tháng Giêng năm 2019. Chặng mới này trên con đường hành hương của chúng ta đang rơi trúng vào năm mà phiên họp thường kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới với đề tài về Giới Trẻ, về Đức Tin và về sự Biện Phân Ơn Gọi sẽ diễn ra. Đó là một sự trùng lặp tốt đẹp. Mối lưu tâm, sự cầu nguyện và những suy tư của Giáo hội sẽ được dành để hướng về giới trẻ các con, và được liên kết với ước muốn đón nhận, và đặc biệt là nâng niu hồng ân đầy quý giá cả đối với Thiên Chúa, lẫn đối với Giáo hội và cả đối với thế giới nữa, đó là chính các con.

Như các con đã biết, trên con đường này, chúng ta rất muốn để cho mình được đồng hành bởi gương lành và lời cầu bầu của Đức Maria, một thiếu nữ làng Nazareth, Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành Thân Mẫu của Con Ngài. Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trên con đường tiến về Thượng Hội Đồng Giám Mục nêu trên cũng như tiến về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Panama. Trong năm ngoái, chúng ta đã để cho mình được dẫn dắt bởi những lời được trích từ trong ca khúc Ngợi Khen của Mẹ: „Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả“ (Lc 1,49), và ở đây chúng ta đã học để nhớ tới những điều trong quá khứ. Trong năm nay, cùng với Mẹ, chúng ta muốn lắng nghe giọng nói của Thiên Chúa, mà giọng nói đó có khả năng động viên chúng ta cũng như ban cho chúng ta những ơn cần thiết để có thể đáp lại tiếng gọi mời của Ngài: „Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa“ (Lc 1,30). Đó là những lời mà Sứ Thần của Thiên Chúa, tức Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, đã nói với Đức Maria, một thiếu nữ mộc mạc trong một ngôi làng nhỏ bé của xứ Galilea.

1.Xin đừng sợ!

Người ta có thể hiểu một cách rất rõ ràng rằng, Đức Maria đã tương đối bối rối khi đối diện với cuộc hiện ra bất thình lình của Tổng Lãnh Thiên Thần và với lời chào quá ư là nhiệm mầu của Ngài: „Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà“ (Lc 1,28), và đã vô cùng ngỡ ngàng trước sự mạc khải đầu tiên này về căn tính của Mẹ cũng như về ơn gọi của Mẹ mà Mẹ đã chưa hề ý thức. Giống như những người khác trong Kinh Thánh, Đức Maria cảm thấy hoảng sợ trước mầu nhiệm và trước tiếng gọi mời của Thiên Chúa, Đấng đã đặt Mẹ đối diện với sự vĩ đại của ơn tiền định riêng, và đồng thời làm cho Mẹ cảm nhận được một cách hoàn toàn sự thấp hèn thuộc về thụ tạo của Mẹ. Thiên Thần, Đấng nhìn sâu vào cõi lòng Mẹ cũng như đã nhận ra điều đó, đã nói với Mẹ: „Xin đừng sợ!“ Thiên Chúa cũng hiểu thấu con tim chúng ta. Ngài nhìn thấy những thách đố mà chúng ta đang phải đối diện với trong cuộc sống, đặc biệt là khi chúng ta phải đưa ra những quyết định có tính căn bản; bị lệ thuộc vào chúng; chúng ta là ai và chúng ta sẽ làm gì trên thế giới này. Ở đây là „cảm giác buốt sống lưng“ mà chúng ta cảm thấy khi phải đưa ra những quyết định như thế về tương lai của mình, về tình trạng sống của chúng ta cũng như về ơn gọi của chúng ta. Trong những khoảnh khắc ấy, lần đầu tiên chúng ta cảm thấy bối rối và sa vào nhiều nỗi sợ hãi.

Và đâu là những nỗi sợ hãi của các con, hỡi các bạn trẻ thân mến? Điều gì đang làm cho các con phải lo lắng nhất? Có một nỗi sợ hãi nơi tiềm thức của nhiều người trong các con, và đó chính là nỗi sợ hãi trước việc không được yêu thương, không được quý trọng, và không được chấp nhận đối với điều mà các con đang là. Ngày nay có nhiều bạn trẻ đang cố gắng thích ứng với những tiêu chuẩn thường có tính giả tạo và khoa trương, nhưng họ có cảm nhận là phải trở thành một cái khác với điều mà họ đang là. Họ không ngừng chỉnh sửa bức chân dung tự họa của mình thông qua kỹ thuật số, và giấu mình đàng sau những mặt nạ và những ý tưởng sai quấy, mà thường thì đôi khi điều ấy sẽ dẫn tới chỗ chính họ biến mình thành một „đồ giả“. Nhiều người ham thích với việc nhận được một số lớn bao nhiêu có thể những cái „likes“. Và từ cảm giác thiếu thốn đó, rất nhiều nỗi sợ hãi và sự bất an đã phát sinh. Nhiều người sợ hãi trước việc không thấy được sự an toàn tình cảm, và sợ hãi trước sự cô đơn. Đối với nhiều người, khi phải đối diện với những hoàn cảnh thiếu chắc chắn và an toàn nơi thị trường lao động, thì họ còn phải mang thêm một nỗi sợ hãi khác, tức là nỗi sợ hãi về việc không có được một sự xác nhận thỏa đáng về nghề nghiệp và chuyên môn, cũng như sợ hãi trước việc không thể hiện thực hóa được những giấc mơ của mình. Trong thời đại hôm nay, rất nhiều người trẻ, kể cả những người có Đức Tin lẫn những bạn trẻ vô tín, tất cả đều đang mang trong mình những nỗi sợ hãi như thế. Ngay cả nơi những bạn trẻ đã lãnh nhận hồng ân Đức Tin và đang tìm hiểu ơn gọi của mình một cách nghiêm túc đi nữa, thì chắc chắn cũng không thiếu những nỗi sợ hãi. Một số bạn trẻ nghĩ rằng: có lẽ Thiên Chúa đang đòi hỏi quá nhiều từ tôi, hình như Ngài đang đòi hỏi quá nhiều; có lẽ tôi sẽ không hạnh phúc thực sự khi đi trên con đường mà Ngài chỉ cho tôi, hay tôi cảm thấy không thoải mái về điều mà Ngài đang đòi hỏi từ tôi. Một số bạn khác lại tự hỏi: Nếu tôi đi theo con đường mà Thiên Chúa chỉ cho tôi, thì ai sẽ có thể bảo đảm cho tôi được rằng, tôi sẽ có thể đi trên con đường đó cho đến cùng? Phải chăng tôi đã đánh mất lòng can đảm? Phải chăng tôi đã đánh mất sự hào hứng? Liệu tôi có kiên trì được cho đến phút trót trong suốt cuộc đời hay không?

Trong những khoảnh khắc mà những nỗi nghi nan và những nỗi sợ hãi cứ nhảy bổ vào tâm hồn chúng ta, thì người ta cần tới khả năng biện phân. Điều ấy cho phép chúng ta lấy lại được sự bình yên trong những suy nghĩ và trong những cảm nhận của chúng ta để hành động một cách đúng mực và khôn ngoan. Bước đầu tiên trong việc đi tới chỗ vượt thắng những nỗi sợ hãi ấy hệ tại ở quá trình này: nhận ra chúng một cách rõ ràng để người ta không mất thời gian và sức lực vào những tưởng tượng hoàn toàn mang tính ảo giác mà không hề có hình thù hay sự tồn tại nào. Vì thế, Cha mời gọi tất cả các con hãy nhìn sâu vào tận đáy lòng mình và hãy „đặt tên“ cho những nỗi sợ hãi của các con. Các con hãy tự hỏi xem: trong hoàn cảnh cụ thể của ngày hôm nay mà tôi đang ở đó, tôi đang sợ điều gì, và điều gì đang làm cho tôi cảm thấy sợ sệt nhất? Điều gì đang phong tỏa tôi và điều gì đang ngăn cản tôi tiến về phía trước? Tại sao tôi không đủ can đảm để đưa ra những quyết định quan trọng mà tôi phải thực hiện? Các con đừng sợ hãi trước việc nhìn sâu vào những nỗi sợ hãi của mình, đừng sợ hãi trước việc nhận ra chúng như là những điều mà chúng đang là, và đừng sợ hãi trước việc làm sáng tỏ và giải quyết chúng. Kinh Thánh không hề lặng thinh trước cảm giác sợ hãi của con người, và cũng không hề thinh lặng trước rất nhiều những lý do mà chúng có thể gây ra những nỗi sợ hãi ấy. Áp-ra-ham đã sợ hãi (xc. St 12,10tt), Gia-cóp cũng sợ hãi (xc. St 31,31; 32,8), và Mô-sê cũng vậy (xc. Xh 2,14; 17,4), ngay cả Thánh Phê-rô (xc. Mt 26,69tt) và các Tông Đồ khác đi nữa (xc. Mc 4,38-40; Mt 26,56), cũng sợ hãi không kém. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những nỗi sợ hãi và sự bồn chồn, nhưng trên một bình diện hoàn toàn khác (xc. Mt 26,37; Lc 22,44).

Tại sao anh em sợ hãi như thế? Chẳng lẽ anh em vẫn còn chưa tin sao?” (Mc 4,40). Lời cảnh cáo mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ của Ngài, cho phép chúng ta hiểu được rằng, chắc chắn không phải sự bất tín đã ngăn cản Đức Tin chúng ta, nhưng là sự sợ hãi. Sau khi nhận diện được những nỗi sợ hãi của mình, thì rồi công việc biện phân phải giúp chúng ta vượt thắng chúng, bằng cách là chúng ta mở bản thân mình ra cho sự sống, và bằng cách là chúng ta bình tâm để đối diện với những thách đố mà chúng được gửi đến cho chúng ta. Chính vì thế, nên dù đối với các Ki-tô hữu chúng ta đi nữa thì sự sợ hãi cũng không nên có được tiếng nói quyết định, nhưng nó phải trở thành cơ hội để thực hiện một hành vi Đức Tin đối với Thiên Chúa… và cả đối với cuộc sống nữa! Điều đó có nghĩa là tin vào điều tốt lành có tính căn bản của kiếp người, mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng, Ngài sẽ dẫn đưa tất cả đi tới một sự kết thúc tốt đẹp – ngay cả khi phải xuyên qua những hoàn cảnh và những nỗi bất hạnh mà chúng thường rất bí ẩn và khó hiểu đối với chúng ta, bởi chúng ta có xu hướng tự nhốt mình lại trong chính mình, hầu ngăn chặn mình trước việc chống lại tất cả những gì mà chúng không cho phép chúng ta tiến về phía trước. Chúng ta phải phản ứng! Đừng bao giờ tự nhốt mình lại! Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy được cụm từ “đừng sợ” được lập đi lập lại tới 365 lần – với tất cả những biến thể của nó -, và việc lập đi lập lại tới bằng ấy lần như thể muốn nói với chúng ta rằng, bất cứ ngày nào trong năm, Thiên Chúa cũng đều mong muốn cho chúng ta được tự do trước những nỗi sợ hãi của mình.

Sự biện phân là điều rất cần thiết khi người ta tìm hiểu về ơn gọi của họ. Trong thực tế, điều này thường không thể được nhận ra ngay lập tức cũng như không thể được nhận ra một cách hoàn toàn rõ ràng, nhưng với thời gian, càng ngày người ta sẽ càng hiểu rõ hơn về nó. Sự biện phân, mà trong trường hợp này, có mục đích để đưa ra sự quyết định, không nên được hiểu như là một cố gắng cá nhân nhằm tự quan sát bản thân, mà sự quan sát ấy giúp người ta hiểu rõ hơn những cơ quan nội tạng của chúng ta để tăng cường và để đạt tới được một sự cân bằng nào đó. Trong trường hợp này, người ta có thể thấy rõ được điều đó, và thực ra là được củng cố, nhưng người ta vẫn còn khép kín trong đường chân trời bị hạn chế nơi những khả năng và những cách nghĩ của mình. Trái lại, ơn gọi là một lời mời đến từ trời cao, và trong trường hợp này, sự biện phận hệ tại trước tiên ở chỗ, mở tâm hồn mình ra cho Đấng đang mời gọi mình. Vì thế, việc cầu nguyện trong thinh lặng là điều cần thiết để lắng nghe giọng nói của Thiên Chúa đang vọng lên trong lương tâm. Ngài gõ vào cửa lòng chúng ta như Ngài đã từng làm như thế nơi Đức Maria, và Ngài vô cùng khát khao muốn được kết bạn với chúng ta thông qua việc cầu nguyện, muốn nói với chúng ta thông qua Kinh Thánh, muốn ban cho chúng ta Lòng Xót Thương của Ngài trong Bí Tích Giao Hòa, và muốn trở nên một với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Nhưng việc tranh luận và sự đối thoại với những người khác, với những người anh chị em trong Đức Tin mà họ đang có rất nhiều kinh nghiệm, cũng là điều rất quan trọng, bởi những người ấy sẽ giúp chúng ta thấy được rõ hơn hầu đưa ra quyết định giữa những chọn lựa khác nhau. Chàng thiếu niên Samuel đã không ngay lập tức nhận ra được giọng nói của Thiên Chúa khi cậu nghe thấy giọng nói đó, và vì thế, cậu đã chạy tới với tư tế Ê-li ba lần, và vị tư tế này đã dậy cho cậu đưa ra câu trả lời chính xác trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Nếu Ngài gọi con thì con hãy trả lời: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,9). Các con nên biết rằng, trong lúc gặp cảnh nghi nan, các con hãy tín thác vào Giáo hội. Thực sự là đang có những Linh mục, những Tu Sĩ và những Giáo dân rất tốt, mà trong số họ cũng có rất nhiều người còn rất trẻ, những người ấy có thể đồng hành với các con trong Đức Tin với tư cách là những người anh và những người chị; được gây phấn chấn bởi Chúa Thánh Thần, họ sẽ có thể giúp các con xóa tan đi những mối nghi nan của mình cũng như đọc ra được kế hoạch của Thiên Chúa đối với ơn gọi cá nhân của các con. “Người khác” ở đây không nhất thiết phải là một người đồng hành thiêng liêng, nhưng có thể là bất cứ người nào đó mà họ giúp chúng ta trong vấn đề này để chúng ta mở bản thân mình ra cho sự phong phú đến vô hạn của cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Việc tạo ra những không gian và những môi trường tại các thành phố và tại những cộng đồng của chúng ta, mà trong những không gian và những môi trường đó, người ta có thể phát triển những giấc mơ cũng như có thể mở ra những đường chân trời mới, là điều rất cần thiết! Các con đừng bao giờ đánh mất hương vị niềm vui của cuộc gặp gỡ và của tình bạn, hương vị của việc cùng ước mơ và cùng lên đường với người khác. Người Ki-tô hữu đích thực sẽ không sợ hãi và chùn tay trước việc mở bản thân mình ra cho những người khác, chia sẻ không gian sống của mình, và biến không gian đó thành một nơi của tình huynh đệ. Hỡi các bạn trẻ thân mến, các con đừng để cho ánh sáng rạng ngời của tuổi trẻ bị tàn lụi trong đêm tối của một căn phòng khép kín mà trong căn phòng đó chỉ có một chiếc cửa sổ duy nhất mở ra với thế giới là chiếc Computer và chiếc Smartphone. Hãy mở rộng những cánh cửa cuộc sống các con ra! Hãy để cho những con người cụ thể và những mối tương quan sâu lắng cư ngụ bên trong những không gian và những thời gian của các con, mà với những con người và những mối tương quan ấy, các con có thể chia sẻ những kinh nghiệm đích thực và thực tế trong cuộc sống hằng ngày của các con.

2.Hỡi bà Maria!

Ta đã gọi đích danh ngươi” (Is 43,1). Lý do đầu tiên để không sợ hãi, chính là thực tế rằng, Thiên Chúa gọi đích danh chúng ta. Tổng Lãnh Thiên Thần, sứ giả của Thiên Chúa, đã gọi đích danh Đức Maria. Việc đặt tên là một điều thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Trong công trình sáng tạo, Ngài đã gọi đích danh từng thụ tạo một để chúng hiện hữu. Đàng sau một danh xưng luôn luôn ẩn dấu một căn tính, mà căn tính ấn là điều duy nhất trong tất cả và trong từng người một, là bản chất nội tại nhất của một cá nhân, mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể hoàn toàn biết rõ bản chất đó. Đặc quyền ấy của Thiên Chúa cũng được ban cho con người khi Thiên Chúa cho phép họ được đặt tên cho thú vật, cho chim trời, và cho con cái của họ (xc. St 2,19-21; 4,1). Nhiều nền văn hóa đã chia sẻ cách nhìn có tính sâu sắc này của Kinh Thánh, trong khi những nền văn hóa ấy nhận ra trong việc đặt tên một sự mạc khải về một mầu nhiệm thẳm sâu nhất của một sự sống, nhận ra ý nghĩa của một kiếp người.

Khi Thiên Chúa đặt tên cho một con người thì đồng thời Ngài cũng mạc khải cho người ấy biết về ơn gọi của mình, cũng như về kế hoạch thánh hóa và sự tốt lành của Ngài, mà thông qua kế hoạch ấy, con người này trở thành quà tặng đối với người khác, và kế hoạch của Ngài biến người ấy thành duy nhất. Và ngay cả khi Thiên Chúa muốn mở rộng chân trời của một cuộc sống, thì Ngài cũng sẽ đặt cho con người được Ngài kêu gọi một tên mới, như Ngài đã thực hiện điều ấy với ông Si-mon khi Ngài gọi ông là “Phê-rô”. Từ đó đã phát sinh ra một truyền thống mà theo đó, khi người ta gia nhập một Dòng Tu, người ta sẽ nhận một tên mới để biểu lộ một căn tính mới và một sứ mạng mới. Tiếng gọi mời của Thiên Chúa, mà tiếng gọi ấy hướng đến từng người một trong chúng ta một cách cá nhân và độc nhất, đòi hỏi chúng ta phải có sự can đảm để giải phóng mình khỏi sự áp chế có tính san bằng của những điều tầm thường, để cuộc sống chúng ta thực sự trở thành một quà tặng nguyên tuyền và không tái lập đối với Thiên Chúa, đối với Giáo hội và đối với người khác.

Các bạn trẻ thân mến, việc được kêu gọi một cách đích danh chính là một dấu chỉ cho phẩm giá to lớn của chúng ta trong cặp mắt của Thiên Chúa, trong sự ưu ái của Ngài đối với chúng ta. Và Thiên Chúa gọi tên từng người một trong các con. Các Con chính là “con, là bạn” của Thiên Chúa, các con vô cùng quý giá trong cặp mắt của Ngài, rất cao quý đối với mối thiện cảm của Ngài, và được yêu thương bởi chính Ngài (xc. Is 43,4). Các con hãy hân hoan tiếp nhận cuộc đối thoại ấy, tức cuộc đối thoại mà Thiên Chúa đang giới thiệu cho các con, cũng như hãy tiếp nhận tiếng gọi mời mà Ngài đang dành cho các con trong lúc Ngài gọi đích danh các con.

3.Vì bà đã đẹp lòng Thiên Chúa:

Lý do chính yếu cho biết tại sao Đức Maria không phải sợ hãi, hệ tại ở chỗ là, Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa. Cụm từ “đẹp lòng” có nghĩa là Tình Yêu nhưng không, Tình Yêu không mắc nợ. Thật là khích lệ biết chừng nào khi chúng ta biết rằng, chúng ta không phải trả công cho sự gần gũi của Thiên Chúa cũng như không phải trả công cho ơn phù trợ của Ngài bằng cách là, trước đó, chúng ta phải đệ trình một “chứng từ đáng tin cậy” về toàn bộ những công trạng và những thành quả của mình! Tổng Lãnh Thiên Thần đã nói với Đức Maria rằng, bà đã đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không nói, chỉ trong tương lai bà mới được thưởng công. Ngay cách diễn đạt của những lời mà vị Tổng Lãnh Thiên Thần thực hiện, cũng đã cho phép chúng ta hiểu được rằng, ân sủng của Thiên Chúa tồn tại mãi mãi, chứ không phải là một cái gì đó chóng vánh hay nhất thời, và vì thế, ân sủng đó không bao giờ bị bớt đi. Ngay cả trong tương lai, ân sủng của Thiên Chúa cũng vẫn luôn hỗ trợ chúng ta, đặc biệt là trong những thời điểm thử thách và đen tối.

Sự hiện hữu có tính bền vững của ân sủng Thiên Chúa khích lệ chúng ta đón nhận ơn gọi của mình vời niềm tín thác, và điều ấy đòi hỏi từ nơi chúng ta một sự nỗ lực không ngừng, mà sự nỗ lực ấy phải được canh tân mỗi ngày. Con đường ơn gọi không hề thiếu những thập giá: vì thế, không phải chỉ có những mối nghi nan lúc ban đầu, nhưng cũng còn thường xuyên có những cơn cám dỗ mà người ta phải đối diện với chúng trên đường. Cảm giác thiếu thốn sẽ luôn đeo bám các môn đệ của Chúa Ki-tô cho tới cùng, nhưng người môn đệ biết rằng, ân sủng của Thiên Chúa luôn đồng hành với mình.

Những lời của vị Tổng Lãnh Thiên Thần đã đụng chạm tới những nỗi sợ hãi của con người, và đã hủy bỏ chúng nhờ vào Tin Mừng được chứa đựng trong chính những lời ấy: Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn không phải là một sự tình cờ hay ngẫu nhiên, và cũng không phải là một cuộc chiến sinh tồn thuần túy, nhưng mỗi người trong chúng ta đều là một câu chuyện được Thiên Chúa ham thích. Việc “thấy được ân huệ trong cặp mắt của Thiên Chúa” có nghĩa là, Đấng Tạo Hóa nhận ra vẻ đẹp duy nhất trong sự hiện hữu của chúng ta, và có một đề án tuyệt vời cho cuộc sống chúng ta. Niềm ý thức này chắc chắn sẽ không đủ để giải quyết hết tất cả mọi vấn đề, và cũng không xóa bỏ sạch những điều bất an trong cuộc sống, nhưng nó có khả năng biến đổi những vấn đề và những nỗi bất an đó trong chiều sâu. Điều xa lạ mà ngày mai đã dành sẵn cho chúng ta, không còn phải là một mối nguy hiểm tiềm ẩn nữa, tức mối nguy hiểm mà người ta phải vượt qua được thì mới sống sót, nhưng là một mùa ân sủng được ban cho chúng ta để sống tính độc nhất của ơn gọi cá nhân chúng ta, và chia sẻ nó với những người anh chị em chúng ta trong Giáo hội cũng như trên khắp thế giới.

4.Can đảm trong hiện tại:

Từ niềm xác tín rằng, ân sủng của Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta, sẽ dẫn tới chỗ phát sinh ra khả năng can đảm: can đảm để mang điều mà Thiên Chúa đã đòi hỏi từ nơi chúng ta, ở đây và bây giờ, trong từng lãnh vực một của cuộc sống, tiến về phía trước; can đảm để tiếp nhận ơn gọi mà Thiên Chúa đang chỉ cho chúng ta; can đảm để sống đức tin của chúng ta mà không hề giấu giếm hay cắt gọn Đức Tin ấy.

Vâng, nếu chúng ta mở bản thân mình ra cho ân sủng của Thiên Chúa, thì rồi những điều bất khả sẽ trở thành thực tế. “Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta thì ai có thể làm gì được chúng ta?” (Rm 8,31). Ân sủng của Thiên Chúa đụng chạm tới cái hôm nay của cuộc sống các con, ân sủng ấy sẽ “nhận ra” các con như các con đang là, với tất cả những nỗi sợ hãi và những giới hạn của các con, nhưng nó cũng mạc khải cho các biết những kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa! Giới trẻ các con nên nghe được rằng, một ai đó đang thực sự tin tưởng các con: các con nên biết rằng, Đức Thánh Cha đang tin tưởng các con, và Giáo hội cũng đang tin tưởng các con! Còn các con, hãy tin tưởng vào Giáo hội!

Thiếu nữ Maria đã được trao phó cho một sứ mạng quan trọng có lẽ vì lúc ấy Mẹ còn trẻ. Giới trẻ các con đang có khả năng, các con đang đứng trong một giai đoạn cuộc đời, mà dĩ nhiên, giai đoạn cuộc đời đó không hề thiếu sức lực. Hãy sử dụng khả năng và những sức lực ấy để cải thiện thế giới, và hãy bắt đầu thực hiện điều ấy ngay trong môi trường sống của các con. Cha muốn rằng, các con sẽ được trao cho những trách vụ quan trọng trong Giáo hội, và người ta phải can đảm tạo không gian cho các con; còn các con, hãy chuẩn bị để đảm nhận những trách vụ đó.

Cha mời gọi các con, hãy chiêm ngưỡng Đức Mến của Đức Maria thêm một lần nữa: đó là một Đức Mến đầy lưu tâm, năng động và cụ thể. Và đó cũng là một Đức Mến gan dạ, nó hoàn toàn hướng tới việc trao hiến bản thân mình. Một Giáo hội được thẩm thấu bởi những đặc tính ấy của Đức Maria, sẽ luôn là một Giáo hội lên đường, Giáo hội ấy sẽ băng qua mọi ranh giới của mình để làm cho ân sủng được ngập tràn. Nếu chúng ta để cho mình được lây nhiễm bởi gương lành của Đức Maria, thì chúng ta sẽ có thể sống Đức Ái đối với tha nhân một cách cụ thể, và Đức Ái ấy sẽ thôi thúc chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu mến Ngài hơn yêu chính bản thân chúng ta, cũng như yêu thương những người mà chúng ta đang chia sẻ cuộc sống hằng ngày với họ. Và chúng ta cũng sẽ có thể yêu thương cả những người mà xem ra họ rất ít đáng được chúng ta yêu thương. Đó là một Đức Ái hướng tới sự phục vụ và trao hiến – đặc biệt là cho những người yếu đuối và túng thiếu nghèo hèn nhất -, Đức Ái ấy sẽ biến đổi dung mạo chúng ta, và sẽ lấp đầy chúng ta bằng niềm vui.

Cha muốn kết thúc Sứ Điệp này bằng những lời tuyệt hay được trích từ một bài giảng rất nổi tiếng của Thánh Bê-na-đô về mầu nhiệm Truyền Tin. Những lời ấy muốn diễn tả cho thấy toàn thể nhân loại đang nóng lòng chờ mong câu trả lời của Đức Maria như thế nào: “Ôi lạy Đức Nữ Trinh, Mẹ đã nghe được rằng, Mẹ sẽ cưu mang và sẽ sinh hạ một người Con; Mẹ đã nghe thấy rằng, việc cưu mang và sinh hạ ấy không phải bởi một nam nhân, nhưng là bởi Chúa Thánh Thần. Tổng Lãnh Thiên Thần mong chờ câu trả lời. […] Ôi bà Chúa, ngay cả chúng con đây cũng mong chờ Lời Xót Thương. […] Thông qua một lời vắn gọn của Mẹ, chúng con sẽ được tái tạo và được tái sinh. […] Toàn thể địa cầu nằm dưới chân Mẹ và đợi chờ. […] Xin hãy đưa ra ngay lập tức lời đáp trả của Mẹ, ôi rất Thánh Trinh Nữ“ (Homilia in Laudibus Virginis Matris 4,8: Sancti Bernardi Opera, Hg. Leclercq/Rochais, Bd. 4, Rom 1966, 53).

Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa, Giáo hội và toàn thế giới cũng đang đợi chờ lời đáp của các con trước lời mời gọi duy nhất mà bất cứ người nam hay người nữ nào trong cuộc đời này cũng đều có! Trong lúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Panama đang tới gần, Cha mời gọi các con, hãy chuẩn bị cho cuộc hội ngộ đó của chúng ta với niềm vui và với sự hào hứng của người đang muốn tham dự một cuộc đại phiêu lưu. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chính là một điều gì đó để thôi thúc sự dũng cảm! Chứ không phải như những người trẻ mà họ chỉ muốn có được điều ấy một cách đầy uể oải, và né tránh trước những khó khăn. Chẳng lẽ các con không đón nhận những thách đố sao?

 

Vatican ngày 11 tháng 02 năm 2018

Chúa Nhật thứ VI Thường Niên

Nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ-đức

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội