Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô gửi các Linh mục và các Tu sĩ nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu 17.04.2016

 

Giáo hội – Mẹ của các ơn gọi

 

Anh chị em thân mến,

 

Cha vô cùng mong muốn rằng, trong suốt Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót này, tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng đều có thể có được kinh nhiệm về niềm vui trước việc thuộc về Giáo hội! Và Cha ước mong họ sẽ có thể tái khám phá ra rằng, ơn gọi làm Ki-tô hữu – cũng như những ơn gọi đặc biệt khác – đều phát sinh từ cung lòng dân Thiên Chúa, và đều là ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa. Giáo hội chính là ngôi nhà của Lòng Thương Xót, và Giáo hội cũng chính là „mảnh đất“ mà trên đó các ơn gọi nhú mầm, phát triển và đơm bông kết trái.

Vì thế, Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy chiêm ngưỡng cộng đoàn các Tông Đồ nhân dịp Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu lần thứ 53 này, và hãy tạ ơn Chúa về tầm quan trọng của cộng đoàn này đối với con đường ơn gọi của mỗi người. Trong Tông Sắc công bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Cha đã nhắc tới những lời của Thánh Bê-đa Venarabilis trong sự liên quan đến ơn gọi của Thánh Mát-thêu: „miserando atque eligendo - Được tuyển chọn vì Lòng Xót Thương“ (Misericordiae Vultus, số 8). Hành động xót thương của Thiên Chúa sẽ đem đến ơn tha thứ cho các tội lỗi của chúng ta, và mở chúng ta ra cho một cuộc sống mới mà nó được cụ thể hóa trong lời mời gọi bước theo và được sai đi. Bất cứ ơn gọi nào trong Giáo hội cũng đều có nguồn cội của nó trong cái nhìn đầy nhân hậu của Chúa Giê-su. Sự hoán cải và ơn kêu gọi giống như hai mặt của một chiếc huy chương và là một cảm hứng liên tục trong toàn bộ cuộc sống người môn đệ truyền giáo.

Trong Thông Điệp Evangelii nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng), Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng đã mô tả những cấp độ khác nhau của công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Một trong những cấp độ đó chính là sự thuộc về cộng đoàn Ki-tô giáo (xc. Số 23), và như thế thuộc về bất cứ cộng đoàn nào mà từ đó người ta tiếp nhận chứng tá Đức Tin và tiếp nhận việc công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách dứt khoát. Sự sáp nhập vào với cộng đoàn sẽ bao hàm toàn bộ sự phong phú của đời sống Giáo hội, đặc biệt là các Bí Tích. Nhưng Giáo hội không phải chỉ là một nơi mà ở đó người ta tin; đúng hơn, Giáo hội cũng còn là đối tượng của Đức Tin chúng ta nữa. Vì thế chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng: „Tôi tin Giáo hội“.

Lời mời gọi của Thiên Chúa sẽ diễn ra nhờ vào sự sắp xếp của cộng đoàn. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên thành phần của Giáo hội, và sau khi đã có một sự trưởng thành nào đó trong Giáo hội, Ngài ban cho chúng ta một ơn gọi riêng. Người ta sẽ đi trên con đường ơn gọi cùng với những người anh chị em mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta: chúng ta cùng được kêu gọi. Động lực Giáo hội của ơn gọi sẽ điều chỉnh thái độ thờ ơ lãnh đạm và chủ nghĩa cá nhân. Nó đặt nền móng cho sự hiệp thông mà trong đó sự thờ ơ lãnh đạm sẽ bị vượt thắng thông qua Tình Yêu, vì Tình Yêu thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi chính mình, đặt cuộc sống chúng ta vào trong sự phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, và biến tình trạng thực tế của Dân Thánh Ngài thành của riêng chúng ta.

Nhân ngày được dành riêng để cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu, Cha muốn động viên tất cả các tín hữu hãy nhận ra trách nhiệm của họ trong việc chăm sóc Ơn Thiên Triệu, cũng như đánh giá về Ơn này. Khi các Tông Đồ muốn tìm một ai đó để người ấy tiếp nhận chỗ của Giu-đa Iscariot, Thánh Phê-rô đã triệu tập 120 anh em (xc. Cv 1,15); và khi tuyển chọn bảy Phó Tế, Tông Đồ đoàn cũng đã được triệu tập (xc. Cv 6,2). Thánh Phao-lô đã liệt kê ra cho ông Titus biết về những tiêu chuẩn chính xác đối với việc tuyển trạch các Linh mục (xc. Tit 1,5-9). Ngay cả trong thời đại hôm nay, cộng đoàn Ki-tô giáo cũng vẫn luôn được góp phần vào trong việc phát triển Ơn Thiên triệu, góp phần vào việc đạo tạo các ơn gọi cũng như góp phần vào việc làm cho các ơn gọi được kiên định (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, số. 107).

Ơn gọi phát sinh từ trong Giáo hội. Ngay từ đầu, một ơn gọi đã cần tới một „ý nghĩa“ tương hợp với Giáo hội. Không có bất cứ người nào chỉ được kêu gọi cho một vùng, một nhóm hay một phong trào nhất định, nhưng cho Giáo hội và cho thế giới. „Một dấu chỉ rõ ràng đối với sự đích thực của một đoàn sủng chính là Giáo hội tính của nó cũng như khả năng của nó trong việc thích ứng một cách hài hòa với đời sống của Dân Thánh Chúa, hầu đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi người“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, số. 130). Khi một người trẻ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, người ấy sẽ thấy rằng, chân trời Giáo hội của mình sẽ trở nên rộng mở, người ấy có thể cân nhắc trong lòng mình trước muôn vàn những đặc sủng và đưa ra một quyết định thực tế và khách quan. Với cách thức ấy, cộng đoàn sẽ trở thành mái ấm cũng như sẽ trở thành gia đình mà trong đó ơn gọi phát sinh. Với tâm tình biết ơn, ứng viên sẽ nhìn xem sự sắp xếp thông qua cộng đoàn ấy như là một yếu tố không thể thiếu đối với tương lai của mình. Ứng viên sẽ học hỏi từ những người anh chị em của mình mà họ đang đi trên những con đường khác với con đường của mình, hầu làm quen và yêu mến họ; và những mối liên kết ấy sẽ củng cố tình hiệp thông nơi tất cả mọi người.

Ơn gọi lớn lên và phát triển trong Giáo hội. Trong suốt quá trình được đào tạo, các ứng viên của những ơn gọi khác nhau càng ngày càng phải học làm quen với cộng đoàn Giáo hội một cách tốt hơn, bằng cách là các ứng viên ấy vượt thắng những cách nhìn hạn chế của mình, mà tất cả chúng ta đều có những cách nhìn hạn chế đó ngay từ lúc ban đầu. Đạt tới được mục tiêu này là điều rất có lợi để có được một kinh nghiệm tông đồ cùng với những thành viên khác của cộng đoàn: Chẳng hạn như, đối với một Giáo lý viên có kinh nghiệm thì đó là việc tiếp tục chuyển giao sứ điệp Ki-tô giáo; nếm trải việc loan báo Tin Mừng tại những vùng ngoại vi cùng với một cộng đoàn Tu sĩ; khám phá ra kho tàng chiêm niệm bằng cách tham dự vào đời sống trong Đan Viện; học làm quen với sứ vụ đến với muôn dân thông qua việc tiếp xúc với những nhà truyền giáo; đào sâu kinh nghiệm mục vụ trong Giáo xứ và trong Giáo phận cùng các Linh mục Giáo phận. Đối với những người đã trải qua quá trình huấn huyện rồi thì cộng đoàn Giáo hội vẫn luôn là môi trường căn bản cho sự phát triển của họ, tức môi trường mà người ta cảm thấy cần phải biết ơn đối với nó.

Ơn gọi sẽ được hỗ trợ thông qua Giáo hội. Con đường ơn gọi trong Giáo hội sẽ không kết thúc với sự cam kết dứt khoát, nhưng vẫn tiếp diễn trong sự sẵn sàng phục vụ, trong sự kiên định và trong sự đào tạo nâng cao. Ai đã thánh hiến cuộc sống mình cho Thiên Chúa, người ấy phải sẵn sàng phục vụ Giáo hội ở bất cứ nơi đâu Giáo hội cần tới. Sứ mạng của Thánh Phao-lô và của Thánh Barnaba là một ví dụ đối với thái độ sẵn sàng phục vụ ấy trong Giáo hội. Sau khi được Chúa Thánh Thần và Cộng Đoàn Antiochia gửi đi (xc. Cv 13,1-4), hai vị Tông Đồ trên đã trở về lại với Cộng Đoàn này và đã thuật lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện thông qua các ông (xc. Cv 14,27). Các nhà truyền giáo sẽ được đồng hành và được hỗ trợ bởi cộng đoàn Ki-tô hữu. Cộng đoàn sẽ luôn là điểm quy chiếu sống động như nơi xuất xứ có thể trông thấy, mà nơi xuất xứ ấy giới thiệu sự chắc chắn cho những người đang trong cuộc lữ hành tiến tới cuộc sống vĩnh cửu.

Trong số các nhân viên mục vụ, các Linh mục có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhờ vào sự phục vụ của các Ngài, Lời của Chúa Giê-su sẽ được nhắc tới khi Ngài nói: „Ta là cửa dẫn vào đoàn chiên […] Ta là mục tử tốt lành“ (Ga 10,7.11). Việc chăm sóc mục vụ cho những ơn gọi chính là một phần căn bản trong sứ vụ chăm sóc các tâm hồn của các Ngài. Các Linh mục sẽ đồng hành với những người đang trên đường tìm đến một ơn gọi riêng, cũng như sẽ đồng hành với những người đã đặt cuộc sống của mình vào trong sự phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn rồi.

Tất cả các tín hữu đều được kêu gọi hãy ý thức về động lực Giáo hội đối với ơn gọi, để các cộng đoàn trong Đức Tin, theo gương Đức Trinh Nữ Maria, có thể trở thành một cung lòng đầy từ mẫu có khả năng tiếp nhận hồng ân Chúa Thánh Thần (xc. Lc 1,35-38). Mẫu tính của Giáo hội được diễn tả thông qua sự cầu nguyện liên lỷ cho các ơn gọi, và thông qua việc giáo dục cũng như sự đồng hành với tất cả những ai nhận ra được tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Giáo hội cũng thực hành điều này ngay cả trong sự tuyển chọn chu đáo các ứng viên cho các chức thánh và cho đời sống thánh hiến. Sau cùng, Giáo hội là mẹ của các ơn gọi thông qua sự hỗ trợ thường xuyên những người đã hiến dâng cuộc sống của họ cho sự phục vụ người khác.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Người ban cho tất cả những ai đang đi trên con đường ơn gọi, có được một sự gắn kết sâu xa với Giáo hội; và chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài củng cố tình hiệp thông, củng cố khả năng đánh giá, củng cố phụ tính thiêng liêng cũng như mẫu tính thiêng liêng trong các mục tử và trong tất cả các tín hữu.

Lạy Cha là Đấng giầu Lòng Xót Thương, Cha đã sai Con Một của Cha đến làm Đấng Cứu Độ chúng con, và Cha vẫn luôn hỗ trợ chúng con bằng ân sủng của Thánh Thần Cha, xin ban cho các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng con được luôn sống động, bừng cháy và vui mừng, mà các cộng đoàn đó chính là nguồn cội của đời sống huynh muội; các cộng đoàn ấy sẽ khơi lên trong những người trẻ niềm khát khao muốn thánh hiến bản thân mình cho Cha và cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Xin Cha hãy hỗ trợ những nỗ lực và những cố gắng của các cộng đoàn ấy trong việc giới thiệu một giáo lý thích hợp với Ơn Thiên Triệu cũng như giới thiệu những con đường đưa đền sự hiến thân cách đặc biệt. Xin ban ơn khôn ngoan để chúng con có được một sự đánh giá cần thiết về các ơn gọi, đến độ sự vĩ đại nơi Tình Yêu nhân hậu của Cha sẽ chiếu rọi trong tất cả. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Thân Mẫu và là nữ giáo viên của Chúa Giê-su, xin Mẹ hãy cầu thay nguyện giúp cho mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu để các cộng đoàn ấy được trở nên phong nhiêu nhờ Chúa Thánh Thần – nguồn mạch của mọi ơn gọi đích thực trong việc phục vụ Dân Thánh Chúa.

 

Vatican ngày 29 tháng 11 năm 2015

Nhân dịp Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội