SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2010

(TTCG Cập nhật: 19/09/2010 10:10:21)

Xây dựng mối hiệp thông Giáo Hội là chìa khoá của sứ mạng

Anh chị em thân mến, 

Tháng 10, với việc cử hành Ngày Thế giới Sứ mạng, là cơ hội để các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các hội dòng đời sống thánh hiến, các phong trào Giáo Hội, và toàn thể Dân Thiên Chúa làm mới lại mối cam kết rao giảng Tin Mừng, và là cơ hội để các hoạt động mục vụ có một khí thế sứ mạng nhiều hơn. Cuộc hẹn hằng năm này mời gọi chúng ta sống thâm sâu những hoạt động phụng vụ và huấn giáo, bác ái và văn hoá, qua đó Đức Giêsu Kitô triệu tập chúng ta đến bữa tiệc Lời và Thánh Thể để cảm nếm hồng ân sự hiện diện của Ngài, để được huấn luyện trong trường học của Ngài và để không ngừng sống cách ý thức hơn mối hiệp nhất với Ngài, Đấng là Thầy và là Chúa. Chính Ngài nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Chỉ từ cuộc gặp gỡ này với Tình Yêu Thiên Chúa mà cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi, chúng ta có thể sống hiệp thông với Chúa và với nhau, và trao cho anh chị em mình một chứng tá khả tín, cho thấy lý do của niềm hy vọng ở trong mình (x. 1 Pr 3,15). Một đức tin trưởng thành, có khả năng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với tâm tình con thảo, được nuôi dưỡng nhờ cầu nguyện, nhờ suy niệm Lời Chúa và nhờ việc học hỏi các chân lý đức tin, đó là điều kiện để đạt tới một con người mới, đặt nền trên Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Đàng khác, tại nhiều nước, tháng 10 là thời gian trở lại với các sinh hoạt Giáo Hội đa dạng sau kỳ nghỉ hè; và Giáo Hội mời gọi chúng ta học nơi Đức Maria, qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại, để yêu mến Mẹ như Chúa Cha yêu mến Mẹ. Đây há không phải là cảm thức sứ mạng sao?

Thật vậy, Chúa Cha mời gọi chúng ta nên những người con yêu dấu trong Con Chí Ái của Ngài, và nhận ra tất cả là anh chị em trong Người Con ấy. Người Con ấy là Ơn Cứu Độ cho toàn thể nhân loại vốn bất hoà và tội lỗi, là Mạc Khải khuôn mặt đích thực của vị Thiên Chúa “đã yêu thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một, để bất cứ ai tin vào Người Con thì không hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,21), đó là yêu cầu mà - theo Tin Mừng Gioan - một số người Hy Lạp đến Giêrusalem hành hương lễ Vượt Qua đã nêu ra với Tông đồ Philipphê. Yêu cầu này cũng vang vọng trong tim chúng ta trong tháng 10 này, nhắc chúng ta về mối cam kết và về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng gắn chặt với toàn thể Giáo Hội vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2), và mời gọi chúng ta đổi mới đời sống, kiến tạo những mối tương quan đích thực, trong các cộng đoàn đặt nền trên Tin Mừng. Trong một xã hội đa chủng tộc ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức cô đơn và lãnh đạm, các Kitô hữu phải học biết cung ứng các dấu hiệu của niềm hy vọng và trở thành anh chị em của mọi người, biết vun xới những hoài bão lớn nhằm chuyển hoá lịch sử, và biết dấn thân làm cho hành tinh này trở thành ngôi nhà của mọi dân tộc - một cách không ảo tưởng hay lo sợ viển vông.      

Cũng như những khách hành hương người Hy Lạp của 2000 năm trước, con người của thời đại chúng ta, ngay cả dù không luôn luôn ý thức, vẫn yêu cầu các tín hữu không chỉ “nói” về Đức Giêsu, mà còn phải “cho thấy” Đức Giêsu, phải làm sáng lên khuôn mặt của Đấng Cứu Chuộc nơi mọi ngóc ngách của trái đất này, cho các thế hệ của thiên niên kỷ mới và cách riêng cho giới trẻ của mỗi lục địa – họ là những đối tượng ưu tiên và là những chủ thể của công cuộc loan báo Tin Mừng. Người ta phải nhận ra được rằng các Kitô hữu mang Lời của Đức Kitô bởi vì Ngài là Sự Thật, và bởi vì các Kitô hữu đã tìm thấy nơi Ngài ý nghĩa và sự thật cho đời sống của mình.

Những ghi nhận trên đây âm vọng lại bài sai sứ mạng của mọi người đã chịu Phép Rửa và của toàn thể Giáo Hội, nhưng người ta không thể thi hành bài sai ấy cách khả tín nếu không có một cuộc hoán cải sâu xa của cá nhân, của cộng đoàn và của hoạt động mục vụ. Thật vậy, ý thức về ơn gọi loan báo Tin Mừng thúc đẩy không chỉ các tín hữu riêng rẽ, mà còn thúc đẩy toàn thể cộng đoàn giáo phận và giáo xứ vào một cuộc đổi mới toàn diện và không ngừng mở ra hơn nữa sự hợp tác trong sứ mạng Giáo Hội, để thăng tiến việc chuyển thông Tin Mừng vào trái tim của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá, chủng tộc, quốc gia. Ý thức này được nuôi dưỡng qua công cuộc của Các Linh mục Fidei Donum, của các tu sĩ, các giảng viên giáo lý, các thừa sai giáo dân, trong một cuộc tìm kiếm không ngừng để thăng tiến mối hiệp thông Giáo Hội, theo cách thức mà hiện tượng “hội nhập văn hoá” có thể sát nhập vào trong một kiểu thức hiệp nhất, trong đó Tin Mừng là men của tự do và phát triển, là nguồn của tình huynh đệ, của nhân nhượng và hoà bình (x. Ad gentes, 8). Quả thật, trong Đức Kitô, Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu hiệu và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của tất cả mọi người” (Lumen Gentium, 1).   

Mối hiệp thông Giáo Hội bắt nguồn từ sự gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa; theo lời loan báo của Giáo Hội, Ngài là Đấng liên kết mọi người, đưa mọi người vào mối hiệp thông với chính Ngài, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (x. 1 Ga 1,3). Đức Kitô thiết lập mối tương quan mới giữa con người với Thiên Chúa. “Ngài mạc khải rằng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1 Ga 4,8), và Ngài dạy chúng ta rằng luật căn bản để nên người hoàn hảo, và do đó để chuyển hoá thế giới, đó là huấn lệnh mới về yêu thương. Vì thế, ai tin vào tình yêu Thiên Chúa thì cũng sẽ nhờ Đức Kitô mà tin chắc rằng con đường yêu thương được mở ra cho tất cả mọi người, và rằng những nỗ lực của mình nhằm xây dựng tình huynh đệ phổ quát sẽ không vô ích” (Gaudium et Spes, 38). 

Giáo Hội bắt đầu “hiệp thông” từ Thánh Thể, trong đó Đức Kitô hiện diện trong bánh và rượu; với hy tế tình yêu, Ngài tạo lập Giáo Hội là thân mình Ngài, kết hợp chúng ta với Thiên Chúa độc nhất trong Ba Ngôi Vị, và liên kết chúng ta với nhau (x. 1 Cr 10,16tt.) Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, tôi đã viết: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà ta cử hành trong Thánh lễ. Tình yêu này, tự bản chất, đòi phải được chuyển thông cho mọi người. Điều mà thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Ngài” (số 84). Bởi thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, mà còn là nguồn và chóp đỉnh của sứ mạng Giáo Hội nữa: “Một Giáo Hội đích thực của Thánh Thể phải là một Giáo Hội thừa sai” (Ibid.), một Giáo Hội có thể mang tất cả mọi người về trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, và loan báo với niềm xác tín rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho cả anh em nữa, để anh em cũng ở trong mối hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1,3).

Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Thế giới Sứ mạng này, đôi mắt tâm hồn rộng mở ra với chân trời bao la của sứ mạng, chúng ta cảm nhận rằng - trong Giáo Hội - hết thảy chúng ta đều đảm nhận vai trò loan báo Tin Mừng. Nhiệt tâm thừa sai vốn luôn luôn là dấu hiệu sức sống mãnh liệt của các Giáo Hội chúng ta (x. Redemptoris Missio, 2), và sự hợp tác là chứng tá hùng hồn của mối dây hiệp nhất, của tình huynh đệ và liên đới, nó đem lại khả năng thuyết phục cho những nhà rao giảng Tình Yêu cứu độ!

Vì thế, tôi lặp lại lời kêu gọi tất cả anh chị em cầu nguyện và - cho dù có những khó khăn về kinh tế - sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp huynh đệ cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội non trẻ. Sự yêu thương và chia sẻ ấy sẽ được phân phối cho việc đào tạo các linh mục, chủng sinh và giảng viên giáo lý tại những xứ ‘truyền giáo’ xa xôi, và hỗ trợ cho các cộng đoàn Giáo Hội mới mẻ - tôi chân thành biết ơn cơ quan Toà Thánh đặc trách công việc phân phối này.

Để khép lại sứ điệp hằng năm này nhân Ngày Thế giới Sứ mạng, tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đặc biệt đối với các nhà thừa sai nam nữ, những người đang làm chứng cho Triều Đại Thiên Chúa ở các vùng xa xôi đầy khó khăn, nhiều khi phải làm chứng ngay cả bằng mạng sống mình. Họ là tiêu biểu cho những người tiền phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; ước mong họ nhận được tình thân hữu, sự gần gũi và nâng đỡ của mọi tín hữu. Xin Thiên Chúa (là Đấng) yêu thương những ai trao tặng với niềm vui(2 Cr 9,7) ban cho họ tràn trề ân huệ thiêng liêng và niềm vui sâu thẳm.

Như lời “xin vâng” của Đức Maria, trước tiếng Chúa gọi mời yêu thương anh chị em mình, mỗi lời đáp trả quảng đại của cộng đoàn Giáo Hội sẽ phát khởi một cuộc sinh hạ mới có tính tông đồ và Giáo Hội (x. Gl 4,4.19.26), khiến người ta sửng sốt trước mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa: “khi đến thời viên mãn... Thiên Chúa sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4,4) – và mỗi lời đáp trả như thế sẽ đem lại niềm tin tưởng và sự mạnh dạn cho các tông đồ mới. Lời đáp trả ấy sẽ cho phép mọi tín hữu “vui tươi trong hy vọng” (Rm 12,12) khi thực thi chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn “toàn thể nhân loại trở thành dân duy nhất của Ngài, kết hợp trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Ad Gentes, 7).

Từ Vatican, ngày 6-02-2010

Bênêđictô XVI, Giáo hoàng

Thiên Phong dịch

Nguồn: Dịch theo bản tiếng Ý: MESSAGGIO DEL SANTO PADRE BENEDETTO XVI PER LA GIORNATA MISSIONAR

 


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội