Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Quốc Tế Chúa Nhật Truyền Giáo: « Giáo hội được sinh ra trong sự lên đường »

(Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân dịp Ngày Quốc Tế Chúa Nhật Truyền Giáo 18 tháng 10 năm 2014)

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Thời đại ngày nay cũng vẫn đang còn nhiều người chưa nhận biết Chúa Giê-su Ky-tô. Vì thế, sứ vụ Truyền Giáo vẫn còn phải tiếp tục con đường Đến Với Muôn Dân do sự cấp bách lớn lao của nó. Tất cả mọi thành viên của Giáo hội đều được kêu gọi để góp phần hầu làm cho Giáo hội tồn tại mãi trong bản chất của mình, đó là truyền giáo: Giáo hội được sinh ra « trong sự lên đường ». Ngày Quốc Tế Chúa Nhật Truyền Giáo giới thiệu cho các tín hữu trên khắp mọi châu lục khác nhau một cơ hội để hộ trợ các Giáo hội trẻ trong những xứ Truyền Giáo, bằng việc cầu nguyện và những hành động cụ thể. Trong ngày này, ân sủng và niềm vui đứng nơi trung tâm điểm của việc cử hành. Ân sủng, vì Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến, đang ban tặng sự khôn ngoan và sức mạnh cho tất cả những ai thích ứng với tác động của Ngài. Niềm vui, vì Chúa Giê-su Ky-tô, Đấng là Con Một Chúa Cha, đã được sai đến để loan Tin Mừng cho thế giới, đang hỗ trợ và dẫn dắt công cuộc truyền Giáo của chúng ta. Trong niềm vui của Chúa Giê-su và của các Tông Đồ, tức những vị đã được sai đi với tư cách là những nhà truyền giáo, Cha muốn viện dẫn một đoạn văn Kinh Thánh mà chúng ta thấy trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (lc.10, 21-23).

 

1.Thánh Sử tường thuật lại rằng, Chúa Giê-su đã sai 72 Môn đệ, cứ từng hai người một, đi vào các thành phố và các làng mạc để công bố sự đến gần của Triều Đại Thiên Chúa, và để chuẩn bị con người cho việc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Sau khi hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng này, các Môn Đệ đã trở về trong sự tràn ngập niềm vui: niềm vui là một đề tài chiếm ưu thế của kinh nghiệm Truyền Giáo đáng nhớ đầu tiên. Chúa Giê-su đã nói với họ: « Anh em đừng vui mừng về việc ma quỷ phải vâng phục anh em, nhưng hãy vui về việc tên của anh em đã được ghi trên Trời. » Trong giờ phút ấy, lòng tràn đầy Thánh Thần, Chúa Giê-su đã thốt lên: « Lạy Cha, con ngợi khen Cha… ». Rồi Chúa Giê-su quay mặt về phía các Tông Đồ và nói riêng với họ: « Phúc cho những ai được thấy những gì anh em vừa thấy » (Lc.10, 20-21.23).

Ở đây Thánh Lu-ca đã chỉ ra ba cảnh tượng. Trước tiên, Chúa Giê-su nói với các Môn Đệ. Sau đó, Ngài hướng lên Chúa Cha, và rồi Ngài lại nói với các Môn Đệ. Chúa Giê-su muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với các Môn Đệ, một niềm vui mà nó là một cái gì đó khác, và vượt lên trên tất cả những gì mà chính các Môn Đệ đã cảm nhận.

 

2. Các Môn Đệ tràn ngập niềm vui và phấn khởi trước quyền năng có thể giải thoát con người khỏi ma quỷ. Nhưng Chúa Giê-su đã cảnh báo các ông là đừng có quá vui mừng về quyền năng mà các ông đang được ban cho, nhưng hãy vui về tình yêu mà các ông đã lãnh nhận: « Anh em hãy vui mừng về việc tên của anh em đã được ghi trên Trời » (Lc.10, 20). Trong thực tế, việc kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho các ông cũng chính là khả năng để tiếp tục trao ban Tình Yêu này. Và đối với Chúa Giê-su, kinh nghiệm này của các Môn Đệ chính là cơ cơ hội để biết ơn với niềm vui sướng trong lòng. Thánh Lu-ca đã tiếp nhận niềm hân hoan này với cái nhìn về sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Giê-su hoan hỷ, « được tràn đầy Chúa Thánh Thần, tràn ngập niềm vui » và ngước nhìn lên Chúa Cha để ngợi khen Ngài. Giây phút của niềm vui nội tại này bắt nguồn từ tình yêu thẳm sâu của Chúa Giê-su trong tư cách là người Con với Cha của mình, Đấng là Chúa của cả trời lẫn đất, Đấng đã che giấu tất cả những điều đó trước những kẻ khôn ngoan và thông thái, nhưng lại mạc khải cho những kẻ hèn mọn (Lc.10. 21). Thiên Chúa vừa che giấu lại vừa mặc khải, và sự mạc khải đã xuất hiện tiên vàn trong lời kinh ca ngợi này. Thiên Chúa đã mạc khải cũng như đã che giấu điều gì? Đó là mầu nhiệm về triều đại của Ngài, về sự kiến tạo nên vương quyền của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su, và về sự chiến thắng trên Sa-tan.

Thiên Chúa che giấu điều đó trước tất cả những kẻ tự mãn với chính mình và nghĩ mình đã biết hết cả rồi. Có thể nói rằng, họ đã bị mù lòa bởi sự tự cao tự đại riêng của họ, và không còn để cho Thiên Chúa bất cứ không gian nào nữa. Người ta có thể dễ dàng nghĩ tới một số kẻ sống cùng thời với Chúa Giê-su mà Ngài vẫn luôn cảnh báo họ; nhưng mối nguy hiểm này tồn tại trong bất cứ thời đại nào, và đôi khi nó cũng dính líu đến chúng ta. Trái lại, những người « bé nhỏ » chính là những người khiêm tốn, những người giản dị, những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, những người không có tiếng nói, bị lợi dụng và đè nén – Chúa Giê-su đã gọi những con người ấy như là « những người có phúc ». Người ta có thể dễ dàng nghĩ tới Đức Maria, tới Thánh Giu-se, tới các ngư phủ thành Galilea và nghĩ tới các Tông Đồ, tức những người mà Chúa Giê-su đã kêu gọi đi vào con đường của Ngài trong lúc Ngài thực hiện công việc giảng dậy.

 

3. « Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha » (Lc. 10, 21). Lời reo vui này của Chúa Giê-su được hiểu trong mối liên hệ đến niềm vui nội tâm của Ngài, nơi mà niềm hân hoan chỉ ra cho thấy kế hoạch cứu độ đầy từ tâm của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Trước nền tảng tốt lành này của Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã reo mừng lên, vì Thiên Chúa Cha đã quyết định yêu thương nhân loại giống như Ngài đã yêu thương Người Con Một của Ngài. Thánh Lu-ca cũng đã mô tả lại một niềm vui tương tự như thế nơi Đức Maria, « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi » (Lc 1. 46-47). Vấn đề ở đây là Tin Mừng dẫn tới ơn cứu độ. Đức Maria đã cưu mang Chúa Giê-su trong dạ của Mẹ, Đấng loan báo Tin Mừng đích thực; Mẹ đã đến thăm bà Elisabeth, tại đó Mẹ được tràn đầy Thần Khí, hân hoan trước niềm vui và hát lên lời kinh Magnificat. Khi Chúa Giê-su thấy các môn đệ hoàn thành sứ mạng của mình và tràn đầy vui mừng về điều đó, thì Ngài cũng hân hoan trong Thánh Thần và hướng về Chúa Cha trong sự cầu nguyện. Trong cả hai trường hợp này, vấn đề được được đề cập tới chính là niềm vui về ơn cứu đỗ đang diễn ra, vì tình yêu mà với nó, Thiên Chúa Cha yêu thương Người Con Một của Ngài, đã đến được với chúng ta, và bao bọc chúng ta thông qua tác động của Chúa Thánh Thần, cũng như làm cho chúng ta hội nhập vào với sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha chính là cội nguồi của niềm vui. Chúa Con chính là sự mạc khải của Thiên chúa Cha, và Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được phấn chấn với niềm vui ấy. Ngay sau khi cất tiếng ngợi khen Chúa Cha, Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta, như Thánh Sử Mát-thêu thuật lại: « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi em ái, và gánh tôi nhẹ nhàng » (Mt.11, 28-30). « Niềm vui Tin Mừng lấp đầy con tim cũng như lấp đầy toàn bộ cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giê-su. Tất cả những ai để cho mình được cứu độ bởi Chúa Ky-tô, đều được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, khỏi sự sầu phiền, khỏi sự trống rỗng nội tâm và khỏi cảnh cô độc. Với Chúa Giê-su Ky-tô, niềm vui luôn luôn đến cũng như vẫn tiếp tục đến » (TĐ Niềm Vui Tin Mừng số 1).

Đức Trinh Nữ Maria đã có kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ ấy với Chúa Giê-su bằng một cách thế độc nhất vô nhị, và vì thế, Mẹ trở thành « Causa nostrae laetitiae » (Cội nguồn của niềm vui chúng ta). Trái lại, các Tông Đồ đã được kêu gọi để đến ở với Chúa Giê-su và để được sai đi bởi Ngài, vì thế các Ngài đã ra đi rao giảng (xc. Mc 3, 14), và qua đó được lấp đầy với niềm vui. Vậy thì tại sao chúng ta lại không để cho mình được hấp dẫn bởi dòng thác niềm vui này?

 

4.“Mối nguy hiểm lớn lao đối với thế giới ngày nay trước những mời chào thuộc lãnh vực tiêu thụ muôn hình vạn trạng và lấn lướt của nó, chính là một nỗi buồn cá nhân xuất phát từ một con tim phóng túng và đầy ham muốn, từ sự kiếm tìm một cách bệnh hoạn đối với những thú vui chóng qua, từ một tâm tính bị ngăn cách » (TĐ Niềm Vui Tin Mừng số 2). Từ lý do đó, nhân loại có một khát vọng to lớn trong việc đón nhận ơn cứu độ thông qua Chúa Ky-tô. Các Tông Đồ chính là những người càng ngày càng được xâm chiếm bởi tình yêu của Chúa Giê-su và để cho mình được khắc ghi bởi ngọn lửa say mê triều đại Thiên Chúa, để rồi trở nên sứ giả của niềm vui Tin Mừng. Tất cả các mộn đệ của Chúa Giê-su đều được kêu gọi làm tăng thêm niềm vui của việc loan báo Tin Mừng. Các Giám mục, với tính cách là những người có trách nhiệm đầu tiên trong việc loan báo Tin Mừng, có sứ mạng tăng cường sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương của các Ngài trong việc tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo. Trong lãnh vực này, các Ngài nên lưu ý rằng, niềm vui mà Chúa Giê-su đã công bố, đến được với một địa điểm xa xôi nhất nhờ vào sự bận tâm tới việc loan báo Tin Mừng cho nơi đó, nhưng cũng nhờ vào việc thường xuyên lên đường đi đến với những vùng ngoại vi của chính Giáo phận mình để loan báo, đó là nơi mà đặc biệt có rất nhiều người nghèo đang chờ đợi.

Rất nhiều vùng miền đang thiếu hụt ơn gọi làm Linh mục và sống đời Thánh Hiến. Cứ sự thường thì điều đó là hậu quả của việc các cộng đoàn đang thiếu vắng một sự nhiệt tâm cháy bỏng đối với sứ vụ tông đồ, do đó sự hăng hái hiếm khi xuất hiện, và những cộng đoàn ấy có vẻ như không có sức hấp dẫn. Niềm vui Tin Mừng có nguồn gốc của nó từ việc gặp gỡ với Chúa Ky-tô và từ việc chia sẻ với người nghèo. Vì thế, Cha khuyến khích các cộng đoàn Giáo xứ, các hiệp hội và các phong trào, hãy sống tình huynh đệ một cách nồng say, đời sống đó được đặt nền tảng trên tình yêu đối với Chúa Giê-su và quan tâm đến những nhu cầu của tuyệt đại đa số những người cùng khốn. Nơi đâu có niềm vui, có sự hăng hái và có niềm khát khao trong việc mang Chúa Ky-tô đến cho những người khác, nơi đó cũng sẽ phát triển những ơn gọi thực sự. Trong những nơi này, ơn gọi truyền giáo của người giáo dân không được phép mãi bị bỏ quên. Dần dần, sự ý thức về căn tín và sứ mạng của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội sẽ lớn lên, ngay cả khi biết rằng họ được kêu gọi để đảm nhận một vai trò ngày càng quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Từ lý do này mà một sự đào tạo đầy đủ đối với một hoạt động tông đồ hiệu năng, có một tầm quan trọng đặc biệt.

 

5. « Thiên Chúa yêu thích người dâng hiến với niềm vui »(2 Cr.9,7). Ngày Quốc Tế Chúa Nhật Truyền Giáo cũng là ngày mà chúng ta để  cho mình tái khởi động lại niềm mong muốn và bổn phận đạo đức đối với sự tham gia đầy niềm vui vào sứ mạng truyền giáo. Việc hiến tặng mang tính cá nhân là một chỉ dấu cho những hy sinh riêng của chúng ta, trước hết là đối với Thiên Chúa, và rồi đối với cả những anh em đồng loại nữa, vì sự hiến tặng riêng xét về khía cạnh vật chất, sẽ trở thành khí cụ cho việc loan báo Tin Mừng đối với một con người được đặt nền trên đức ái.

 

Anh chị em thân mến, vào ngày Quốc Tế Chúa Nhật Truyền Giáo, Cha sẽ nghĩ tới tất cả mọi Giáo hội địa phương. Chúng ta không được phép để cho mình bị lấy mất đi niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Cha mời gọi anh chị em hãy dìm mình vào trong niềm vui của Tin Mừng, và hãy trân quý đối với tình yêu mà nó đang ở trong tình trạng chiếu sáng ơn gọi truyền giáo của anh chị em. Cha kêu gọi anh chị em, như trên một cuộc hành hương nội tâm, hãy trở về với „mối tình đầu“ mà với nó Chúa Giê-su đã sưởi ấm con tim của từng người một, để giữ lại không phải theo ý nghĩa của một cảm giác luyến tiếc quá khứ, nhưng trong niềm vui. Người môn đệ của Chúa sẽ giữ lại niềm vui khi họ ở bên Ngài, khi họ thực thi ý muốn của Ngài, khi họ tiếp tục trao đi Đức Tin, niềm hy vọng và Tình yêu đối với Tin Mừng.

Chúng ta hãy ngước nhìn lên Đức Maria trong lời cầu nguyện, bởi Mẹ chính là mẫu gương của việc loan báo Tin Mừng đầy khiêm tốn nhưng cũng đầy vui mừng, để xin Mẹ giúp cho Giáo hội càng ngày càng trở thành nhà, trở thành Mẹ hơn nữa đối với tất cả mọi dân nước, và làm cho sự khởi đầu của một thế giới mới trở nên có thể.

 

Vatican ngày mồng 08 tháng 06 năm 2014 nhân dịp Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

 

 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô I

Cha Đaminh Trần Tiến Thiệu (S.O.C) chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội