Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Nhân Ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo 2017: Truyền Giáo trong con tim của Đức Tin Ki-tô giáo

Anh chị em thân mến,

trong năm nay, Ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo cũng mời gọi chúng ta cùng nhau quy tụ lại chung quanh con người của Chúa Giê-su, “Đấng loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất” (ĐTC Phao-lô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi, 7), Đấng không ngừng sai chúng ta ra đi để công bố Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa Cha với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ngày này mời gọi chúng ta tái suy tư về sứ vụ truyền giáo trong con tim của Đức Tin Ki-tô giáo. Vì bản chất của Giáo hội là truyền giáo; nếu Giáo hội không là như thế thì Giáo hội sẽ chẳng còn phải là Giáo hội của Chúa Ki-tô nữa, nhưng chỉ còn là một hiệp hội giữa muôn vàn những hiệp hội khác, mà hiệp hội ấy sẽ mau chóng đạt được những mục đích của mình, nhưng rồi cũng sẽ mau chóng biến mất. Vì thế, chúng ta nên đặt ra cho mình một số câu hỏi mà chúng liên quan đến căn tính Ki-tô giáo của chúng ta, cũng như liên quan đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các tín hữu trong một thế giới đang bị lầm lạc bởi muôn vàn những ảo tưởng, tức thế giới đang bị gây tổn thương bởi sự quá bất mãn, cũng như đang bị xé vụn bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ mà chúng liên lụy một cách đặc biệt tới những người vô tội theo một cách thức hoàn toàn bất công. Đâu là nền tảng căn bản của sứ vụ truyền giáo? Đâu là con tim của sứ vụ truyền giáo? Đâu là những thái độ thiết yếu đối với sứ mạng truyền giáo?

Sư vụ truyền giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng Chúa Ki-tô, đường, sự thật và sự sống

1.Sứ vụ của Giáo hội, mà sứ vụ ấy hướng đến tất cả những ai thành tâm thiện chí, đặt nền móng trên sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Tin Mừng chính là một sứ điệp vui mừng mà nó mang trong mình một niềm vui lan tỏa, vì nó chứa đựng và ban tặng sự sống mới: sự sống của Chúa Ki-tô phục sinh, Đấng công bố Thần Khí ban sự sống, và là đường, là sự thật và là sự sống đối với chúng ta (xc. Ga 14,6). Ngài là đường mà chúng ta nên đi theo với tất cả niềm xác tín và sự can đảm. Nếu chúng ta bước đi theo Chúa Giê-su, con đường của chúng ta, thì chúng ta sẽ có được kinh nghiệm về sự thật, cũng như sẽ đón nhận được sự sống của Ngài, mà sự sống ấy chính là sự thông hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa Cha, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi bất cứ hình thức ích kỷ nào, và là nguồn mạch của công trình sáng tạo trong Tình Yêu.

2.Thiên Chúa Cha muốn thấy được sự biến đổi mang tính hiện sinh ấy nơi những người con trai và con gái của Ngài. Sự biến đổi này được thể hiện qua việc họ tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý (xc. Ga 4,23-24), trong một cuộc sống được mang lại sinh khí bởi Chúa Thánh Thần, trong việc đi theo Chúa Giê-su – Chúa Con – để tôn vinh Thiên Chúa Cha. “Vinh quang của Thiên Chúa chính là con người sống” (Thánh Irené, Adversus haereses IV, 20.7). Bằng cách đó, việc công bố Tin Mừng sẽ trở thành Lời sống động và đầy công hiệu, mà trong thực tế, Lời ấy bao hàm điều mà nó công bố (xc. Is 55,10-11), tức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng không ngừng đón nhận xác thể trong bất cứ trạng huống nào của con người (xc. Ga 1,14).

Sứ vụ truyền giáo và thời điểm của Chúa Ki-tô

3.Trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, vấn đề không phải là truyền bá một hệ tư tưởng tôn giáo, và cũng chẳng phải là việc giới thiệu một nền luân lý đặc biệt. Nhiều phong trào trên khắp thế giới đang giới thiệu những lý tưởng cao sâu cũng như đang giới thiệu những biểu thức luân lý tương đối quan trọng. Chúa Giê-su vẫn không ngừng công bố Tin Mừng và hoạt động nhờ vào sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, và nhờ thế, sứ vụ ấy trở thành kairos (καιρός), tức thời điểm thích hợp cho ơn cứu độ trong lịch sử. Nhờ vào việc công bố Tin Mừng, Chúa Giê-su vẫn luôn trở thành người đồng thời của chúng ta, nhờ thế, những ai đón nhận Ngài với Đức Tin và Đức Ái, sẽ kinh qua sức mạnh biến đổi của Thần Khí Đấng Phục Sinh, Đấng làm cho nhân loại và thế giới thụ tạo trở nên phong nhiêu giống như cơn mưa trên mặt đất. “Sự phục sinh của Ngài không thuộc về quá khứ; nó chứa đựng một sức sống, mà sức sống ấy đã choán đầy thế giới. Ở đâu tất cả đều có vẻ như chết chóc, thì ở đó những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh sẽ lại tái nẩy mầm khắp nơi. Nó là một sức mạnh vô song.” (Thông Điệp Evangelii gaudium, 276).

4.Chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng, “khởi đầu của việc trở thành Ki-tô hữu không phải là một quyết định luân lý hay một ý tưởng lớn, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, và với một ngôi vị mà nó trao cho cuộc sống chúng ta một đường chân trời mới, và nhờ thế, trao cho chúng ta một hướng đi có tính quyết định” (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông Điệp Deus caritas est, 1). Tin Mừng là một Ngôi Vị, mà Ngôi Vị ấy không ngừng trao hiến chính mình cho chúng ta cũng như cho những ai đón nhận Ngôi Vị ấy với Đức Tin khiêm nhường và hăng hái, luôn tái mời gọi tiếp tục trao đi sự sống thông qua việc tham dự thực sự vào với mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh. Bằng cách đó và nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, Tin Mừng sẽ trở thành nguồn mạch của một sự sống mới, được giải phóng khỏi ách thống trị của tội lỗi, được soi sáng và được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần; nhờ vào Bí Tích Thêm Sức, Tin Mừng sẽ trở thành sự Xức Dầu Thánh có khả năng củng cố, mà sự Xức Dầu ấy, nhờ Chúa Thánh Thần, sẽ vạch ra cho chúng ta những con đường mới cũng như những chiến lược mới của sự làm chứng và gần gũi; và nhờ Bí Tích Thánh Thể, Tin Mừng sẽ trở thành lương thực cho con người mới, cũng như trở nên “linh dược bất tử” (Thánh I-nha-xi-ô thành Antiochia, Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô 20,2).

5.Thế giới lệ thuộc một cách căn bản vào Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô. Trong thời đại hôm nay, nhờ vào Giáo hội của Ngài, Chúa Giê-su cũng vẫn đang tiếp tục sứ mạng của mình với tư cách là người Samaria nhân hậu, bằng cách là Ngài chữa lành những vết thương rướm máu của nhân loại. Ngài tiếp tục hoạt động với tư cách là vị Mục Tử tốt lành, Đấng không ngừng tìm kiếm những con chiên đã lạc vào những con đường mòn đầy quanh co khúc khủy nhưng không đích điểm. Và, tạ ơn Chúa, không thiếu những kinh nghiệm rất quan trọng mà chúng làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Cha nhớ tới một sinh viên đến từ dân tộc Dinka, người sinh viên này đã mạo hiểm với cuộc sống của mình để cứu một sinh viên đến từ dân tộc Nuer, mà nếu không được cứu thì người sinh viên người Nuer ấy sẽ bị sát hại. Cha nhớ tới những buổi cử hành Thánh Thể tại Kitgum, Bắc Uganda, đó là một vùng đất bị tắm máu bởi sự hung ác của nhóm Rebellen. Ở đó, một nhà truyền giáo đã để cho các tín hữu lập lại những lời của Chúa Giê-su trên Thập Giá: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, nhân sao Chúa bỏ con?”, như là sự diễn tả của tiếng kêu đầy tuyệt vọng mà những người anh chị em của Đấng Chịu Đóng Đinh thốt lên. Đối với nhiều người, buổi Phụng Vụ Lời Chúa ấy chính là nguồn mạch của một niềm an ủi lớn cũng như là nguồn cội của nhiều sự can đảm. Và chúng ta cũng có thể nhớ tới vô vàn những chứng tá mà chúng cho thấy Tin Mừng đã hỗ trợ như thế nào trong việc thắng vượt những vách ngăn, những cuộc xung đột, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bộ lạc, bằng cách thúc đẩy sự hòa giải, tình huynh đệ và sự hiệp thông khắp nơi và giữa tất cả mọi người.

Sứ vụ truyền giáo thúc đẩy một nền linh đạo thường xuyên đi ra khỏi chính mình, cũng như một nền linh đạo của những người lữ hành và tha hương

6.Sứ vụ của Giáo hội được mang lại sinh khí bởi một linh đạo của sự không ngừng ra đi. Đó là việc “đi ra khỏi những tiện nghi riêng của mình và để can đảm đi đến với tất cả mọi khu vực ngoại vi mà tại đó người ta đang cần tới ánh sáng của Tin Mừng” (Tông Huấn Evangelii gaudium, 20). Sứ vụ của Giáo hội thúc đẩy một sự sẵn sàng trở thành những người lữ hành không ngừng xuyên qua những sa mạc khác nhau của cuộc sống, xuyên qua những hình thức khác nhau của sự đói khát chân lý và công bằng. Sứ vụ của Giáo hội thúc đẩy một cuộc tha hương liên tục, để bất cứ ai đang khát khao sự bất tận cũng đều cảm thấy rằng, mình đang đi trên con đường tiến về quê hương cuối cùng với tư cách là những người lữ hành, giữa cái “rồi” và cái “chưa” của Nước Trời.

7.Sứ vụ truyền giáo nói với Giáo hội rằng, Giáo hội không phải là đích điểm của chính mình, nhưng chỉ là một khí cụ khiêm tốn và là một mối liên kết của Triều Đại Thiên Chúa. Một giáo hội chỉ liên hệ đến chính mình và chỉ vui mừng về những thành công thế trần, thì không phải là Giáo hội của Chúa Ki-tô, không phải là thân mình bị đóng đinh và đã đạt tới vinh quang của Ngài. Vì thế, chúng ta nên yêu thích một “Giáo hội bầm dập”, tức “Giáo hội bị gây thương tích và bị vấy bẩn, vì Giáo hội ấy ra đi trên những con đường” hơn là “một Giáo hội bệnh tật vì sự khép kín cũng như vì sự lười nhác của mình để bấu bám vào những điều an toàn riêng” (nt, 49).

Giới trẻ, niềm hy vọng của sứ vụ truyền Giáo

8.Những người trẻ chính là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Ngôi vị Chúa Giê-su và Tin Mừng mà Ngài công bố, cũng vẫn đang tiếp tục lôi cuốn rất nhiều bạn trẻ của thời đại hôm nay. Họ tìm kiếm những con đường mà trên đó họ có thể hiện thực hóa sự can đảm và những xung lượng của con tim trong sự phục vụ nhân loại. Có “nhiều bạn trẻ đang thực hiện sự giúp đỡ đầy tình liên đới của mình khi tận mắt chứng kiến những nỗi khổ đau trên thế giới này, cũng như đang thực hiện những hình thức hoạt động và thực hành khác nhau. […] Thật tuyệt vời biết chừng nào khi các bạn trẻ trở thành “những người đồng hành của Đức Tin”, để mang Chúa Giê-su đi vào trong bất cứ mọi ngõ ngách nào của trái đất, trên những con đường và trên từng nơi từng chỗ, với tất cả niềm hạnh phúc!” (nt, 106). Phiên họp thường kỳ sắp tới của của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ diễn ra vào năm 2018 với khẩu hiệu: “Giới trẻ, Đức Tin và sự quyết định về ơn gọi”. Và Thượng Hội Đồng này cũng được coi là một cơ hội tuyệt vời để làm cho những bạn trẻ trở nên phấn khích với trách nhiệm truyền giáo chung, mà trách nhiệm ấy cần tới khả năng hình dung cũng như sự năng động của họ.

Sứ vụ của các Hiệp Hội Truyền Giáo trực thuộc Tòa Thánh

9.Các Hiệp Hội Truyền Giáo trực thuộc Tòa Thánh sẽ là một khí cụ đầy quý giá khi khí cụ ấy khơi lên trong tất cả mọi cộng đoàn Ki-tô hữu niềm ước ao muốn vượt qua mọi ranh giới cũng như mọi điều an toàn riêng để lên đường công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người. Nhờ vào một linh đạo truyền giáo được bén rễ sâu trong cuộc sống hằng ngày, cũng như nhờ vào sự dấn thân trong sự giáo dục và đào tạo truyền giáo, các em nhỏ, các bạn trẻ, những người trưởng thành, các gia đình, các Linh Mục và các Tu sĩ sẽ được thúc giục để dấn thân hầu cho con tim của tất cả mọi người đều đập cho sứ vụ truyền giáo. Ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo mà Hội Quảng Bá Đức Tin đứng ra tổ chức, sẽ là một cơ hội thuận tiện để con tim truyền giáo của tất cả mọi cộng đoàn Ki-tô giáo đều thực hiện những đòi hỏi gắt gao và to lớn của công cuộc loan báo Tin Mừng nhờ vào việc cầu nguyện, vào chứng tá cuộc sống cũng như vào việc bỏ tất cả làm của chung.

Thực hiện sứ vụ truyền giáo cùng với Đức Maria, Thân Mẫu của việc loan báo Tin Mừng

10.Anh chị em thân mến, sứ vụ truyền giáo của chúng ta được truyền cảm hứng từ Đức Maria, Thân Mẫu của việc loan báo Tin Mừng. Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời sự sống vào trong nơi sâu thẳm của Đức Tin đầy khiêm nhượng của Mẹ. Ước gì Đức Trinh Nữ sẽ giúp chúng ta nói tiếng “Xin Vâng”, khi tận mắt chứng kiến sự khẩn thiết trước việc phải để cho Tin Mừng của Chúa Giê-su tái vang lên trong thời đại chúng ta ngày nay. Xin Mẹ giúp chúng ta giành được một niềm hăng say mới của những người đã được mang lại sinh khí, để chúng ta mang Tin Mừng sự sống mà nó đã chiến thắng sự chết, đến cho tất cả. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, ước gì sự cởi mở và chân thành sẽ lấp đầy chúng ta, mà với sự chân thành ấy, chúng ta sẽ tìm ra những cách thức mới, để ơn cứu độ đến được với tất cả mọi người.

Từ Vatican, nhân dịp Đại Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ngày mồng 04 tháng 06 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội