Bài III
Ứng dỤng Laudato Si’ vào đỜi sỐng
Đây là một vấn đề mênh mông bao la…, mang
nhiều khía cạnh chuyên môn về khoa học, kinh tế học, xã hội học … , và cả thần
học nữa, vượt quá tầm hiểu biết của chúng tôi, mặt khác kinh nghiệm mục vụ của
chúng tôi lại rất hạn chế…, thế nên chúng tôi chỉ cố gắng nắm bắt những gợi ý
và đề nghị của chính Đức Giáo Hoàng, để rồi nêu ra một ít câu hỏi cho cử tọa suy
nghĩ và thảo luận.
Phần
I: Một cái nhìn tổng quát
Chúng ta cần hiểu
và thực hiện đúng cách nhìn của ĐGH Phanxicô về vấn đề “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” là
Trái Đất.
1. Để hiểu đúng,
cần đọc bản Latin là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo Rôma, còn khi
phải dùng một bản dịch, thì nên ưu tiên chọn bản Ý là ngôn ngữ gần với Latin
nhất, sau đó là Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh. Đối với những văn kiện mà ĐGH
không phổ biến bằng Latin, có lẽ nên ưu tiên dùng bản Ý và/hoặc Tây Ban Nha, vì
Ý là tiếng “mẹ đẻ”, còn Tây Ban Nha là “ngôn ngữ quốc gia” của ngài, nên hầu
như chắc chắn ngài soạn (hoặc nháp) bằng một trong hai thứ tiếng ấy. Từ đó
người ta dịch sang những thứ tiếng khác. Riêng bản Anh, chúng tôi sẽ đánh bạo
nói lên vài nhận định để Quý Vị hữu trách trong Giáo Hội Việt Nam suy nghĩ khi
chọn lựa. Trong Bài I, chúng tôi đã có vài nhận định và góp ý về bản dịch tiếng
Việt thông điệp Laudato Si’ do
Caritas VN thực hiện và đang được lưu hành chính thức. Trong Bài III này, chúng
tôi góp ý thêm nữa để giúp các dịch giả hiệu đính và hoàn chỉnh bản dịch của
mình.
2. Để thực hiện
đúng, thì cần nắm bắt chinh xác những gợi ý và những lời khuyên của ĐGH.
Dựa theo văn bản của thông điệp, lời khuyên chính yếu nhất được ngài trình bày
trong chương Sáu, là chương cuối cùng của thông điệp, và từ chìa khóa của lời
khuyên đó là “GIÁO DỤC”, (EDUCATIO), hướng tới một lối sống mới (số 203…). Giáo dục là phương thế và
con đường hữu hiệu nhất đưa thông điệp Laudato
Si’ vào cuộc sống của các Kitô hữu, và ĐGH cũng đề nghị con đường đó cho
mọi người vì ngài “muốn đi vào cuộc đối
thoại với mọi dân tộc về ngôi nhà chung của chúng ta” (số 3).
3. ĐGH Phanxicô có
một quan niệm độc đáo và thuyết phục về GIÁO DỤC. Ngài mở đầu Chương Sáu, là
phần đẹp nhất, sâu sắc nhất, và vì thế quan trọng nhất của thông điệp, bằng
câu: “Có rất nhiều thứ cần được tái
định hướng, nhưng trên hết vẫn là loài người chúng ta phải thay đổi”.
Rồi ngài nói tới việc “phát triển
những xác tín mới, những thái độ mới và những lối sống mới”,
chung quy giáo dục bao gồm “những tiến
trình tái sinh lâu dài”.[1]
a/1.
Danh từ Latinh “educatio” phái sinh
từ động từ “educare” do hai yếu tố từ
nguyên ghép lại: “ducere” = dẫn = lôi kéo
= đưa... + “e =ex” = ra từ cái gì hoặc nơi nào đó. Động từ này nói lên một sự di chuyển,
thay đổi chỗ từ trong ra ngoài. Vậy “e-ducare” trước tiên là “lôi = đưa …” hết
những yếu tố tốt cũng như xấu từ trong con người thụ huấn ra cho chính bản thân
người đó thấy. Nhà hiền triết Sacrate của Hy Lạp (470-399 trước CN) không viết
lách gì, chỉ để lại một lời khuyên duy nhất cho các học trò: “Bạn hãy biết mình”. Vậy, bước đầu tiên
của “educatio”, giáo dục, là giúp
người thụ huấn biết rõ những yếu tố tốt (tức ánh sáng) trong mình để phát huy,
phát triển, và biết rõ những yếu tố xấu (tức bóng tối) trong mình để từng bước
giảm bớt và loại trừ.
Theo
ĐGH Phanxicô, yếu tố xấu và tiêu cực nổi bật nhất hoặc cơ bản nhất trong con
người chính là xu hướng “quy ngã” (égocentrisme), vị kỷ, ích kỷ
(égoïsme), tự cô lập và thờ ơ với kẻ khác, dẫn tới “chủ nghĩa cá nhân”
(x. số 208), nó thúc đẩy sự tìm kiếm hưởng thụ tối đa cho bản thân, tìm kiếm
lợi ích cho chính mình, kể cả bằng cách gây hại cho người nghèo và trái đất (x.
số 246, bài kinh A). Xu hướng ích kỷ cá nhân ấy, do mạng lưới tương quan hỗ
tương trong đời sống xã hội, sẽ tạo ra “tình trạng ích kỷ tập thể” (x.
số 204)
Việc
biện phân và nhìn nhận như thế là then chốt cho giáo dục nói chung, còn đối với
việc giáo dục sinh thái đang bàn, đích nhắm tích cực là “phải thay đổi”, phải “phát triển
những xác tín mới, những thái độ mới và những lối sống mới”, chung quy giáo
dục bao gồm “những tiến trình tái sinh
lâu dài” (x. số 202).
a/2. Song song với
nghĩa từ nguyên “lôi ra, đưa ra…” của
“e-ducare”, chúng ta cũng đã nghe rất
nhiều lần ĐGH Phanxicô nhấn mạnh điều mỗi người và cả Giáo Hội cần làm, là từ
bỏ “thái độ tự quy chiều về minh =
attitude autoréférentielle”, “đi ra khỏi chính mình” để đến
với kẻ khác (x. số 208), nhất là với những người đang sống tại “những vùng ngoại biên của cuộc nhân sinh
(les périphéries existentielles)” (x. tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 46; 49; 87…). Đây cũng là một chiều kích
thiết yếu của Giáo dục Kitô giáo.
b) Theo quan điểm
của Phúc Âm và Kitô giáo, việc GIÁO DỤC (Educatio) phải được nối dài và bổ túc
bởi việc HUẤN LUYỆN (Formatio), nghĩa là nắn đúc người thụ huấn theo một
khuôn mẫu hoặc mô hình nhất định (FORMA). Theo thánh Phaolô trong Rm
8,29, mô hình lý tưởng đó chính là Đức Kitô, Trưởng Tử của Thiên Chúa Cha và
Anh Cả của một đoàn em đông đúc là những môn đệ của Thánh Tử, mà Thiên Chúa Cha
muốn rằng họ trở nên “đồng hình đồng dạng với Thánh Tử (conformes
imaginis Filii sui = summorphous tès eikonos tou Uhiou autou = dịch sát là: đồng
dạng với hình ảnh của Thánh Tử).
c) Tiến trình giáo
dục toàn diện gồm hai thì “educatio” và “formatio” vừa nêu đã được chính Chúa
Giêsu diễn tả bằng hai mệnh lệnh để hành động: (1) “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình từng ngày…” (Lc 9,23), điều
này tương đương với việc phải liên tục “ra khỏi chính mình; rời bỏ xu hướng
quy ngã, vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa”; và (2) “Hãy đi theo tôi” (Lc 9,23), “Hãy
đến mà xem” (Ga 1,39), và sau khi “xem,
xét” thì kẻ được gọi quyết định “làm”,
là “ở lại với Thầy Chí Thánh” (x. Ga
1,39), “trở thành môn đệ” của Người
(x. Lc 14,27). Mà người môn đệ đích thực thì luôn suy nghĩ, cảm nhận, nói
năng, sống và hành động như Thầy Chí Thánh (x. Pl 2,5). Chương trình “năm như ” này được ĐGH Phanxicô ám chỉ ở
cuối chương Hai (“Tin Mừng về Sáng Tạo”)
trong mục VII: “Cái nhìn của Chúa Giêsu”
về “mầu nhiệm Vũ Trụ”, mà chúng ta sẽ
liên kết với linh đạo sinh thái trong chương Sáu.
4. Là Kitô hữu, hơn
nữa là những linh mục có nhiệm vụ hướng dẫn Dân Chúa, chúng ta càng phải cố
gắng thực hiện việc GIÁO DỤC SINH THÁI đúng cách nhìn của vị Mục Tử tối cao của
chúng ta trên trần gian. Thông điệp Laudato
Si’ cho thấy ngài có một tầm nhìn rất quân bình, vừa rộng, vừa sâu,
về đề tài này. Hình như trong cách trình bày tư tưởng của mình, ngài thích dùng
những “cặp đôi” theo nghĩa biện chứng: hoặc là hai vế của cặp đôi tương
phản và đối lập nhau, hoặc là liên kết và bổ túc lẫn nhau.
5. Cặp đôi cơ bản
nhất trong tư duy của ĐGH Phanxicô là ngài nhìn “ngôi nhà chung của mọi người”,
nghĩa là Trái Đất và loài người đang sống trong đó, bằng cả hai con mắt, tượng
trưng cho hai “nhãn quan” hoặc hai “quan điểm”:
A. Nhìn bằng con
mắt lý trí theo quan điểm xã hội học (bao gồm cả kinh tế, chính trị,
văn hóa và khoa học kỹ thuật nói chung),
B. và bằng con
mắt đức tin theo quan điểm thần học và linh đạo.
Cặp đôi cơ bản này
mang tính liên kết, liên đới và bổ túc. Chúng ta cần coi trọng và giữ thăng
bằng cả hai “nhãn quan” A+B đó. Và nói chung, mọi cặp đôi mang tính liên kết và
bổ túc cần được sự quan tâm đồng đều dành cho cả hai vế, không nên để xảy ra
tình trạng “bên trọng bên khinh”.
Cặp đôi cơ bản lý trí và đức tin bao trùm lên
toàn bộ thông điệp, thì tất nhiên phải bao trùm lên những cặp đôi khác mang
tính cục bộ, được ĐGH nhắc tới trong nội dung của văn kiện.
6. Có một cặp đôi
cục bộ, nhưng rất lớn, mang tính đối lập và tương phản: A/1 # B/1:
A/1: Chủ thuyết hiện đại đặt con người làm
trung tâm (modern anthropocentrism = anthropocentrisme moderne, số
115-121) bao gồm cả chủ nghĩa tương đối thực dụng (số 122), các công nghệ sinh
học mới (sô130-136): đây là chủ thuyết nhân văn vô thần, một đề tài rất
phức tạp.
B/1: Linh đạo sinh thái mang màu sắc chủ
thuyết nhân văn Kitô giáo. Đề tài này cũng rất lớn, đối trọng với A/1. Chúng
ta có thể đưa vào nội dung của linh đạo
sinh thái toàn bộ chương Hai: Tin
Mừng về sáng tạo (số 62-100) và toàn bộ chương Sáu: Giao dục và linh đạo sinh thái
(số 202-246, NB: trong số 246 kết thúc thông điệp, ĐGH Phanxicô đề nghị hai lời
kinh với nội dung đáng được coi như bản tóm tắt tầm nhìn của ngài trong thông
điệp).
7. Nhưng cũng có
những cặp đôi cục bộ mang tính liên kết và bổ túc:
7.1. Một cặp đôi
lớn thuộc loại này là Khoa sinh thái học toàn diện (A/2), tự nó có giá
trị tích cực, sẽ đạt được sự hoàn thiện trong “linh đạo sinh thái Kitô giáo”
(B/2) – Nên lưu ý: B/2 đồng nhất với B/1.
A/2: Khoa Sinh thái
học toàn diện gồm nhiều nội dung:
a) Khi đề cập “Sinh
thái học toàn diện” (x. chương Bốn: số 137-162), ĐGH Phanxicô cung cấp một
cái nhìn tổng hợp quân bình và tích cực về sinh hoạt của lý trí dưới các
khía cạnh thiết yếu của khoa sinh thái học hiện đại: cụ thể là: (1) “sinh thái
học môi trường”, (2) “sinh thái học kinh tế”, (3) “sinh thái học xã hội”, (4)
“sinh thái học đời sống hằng ngày”; và trong các lĩnh vực đó, ngài muốn chúng
ta đặc biệt lưu tâm tới nguyên tắc về thiện ích chung và đức
công bằng giữa các thế hệ hiện tại và tương lai, nhưng khi nói tới người
nghèo, thì phải ưu tiên hiểu người nghèo của hiện tại (x. số 162).
b) Khoa sinh thái
học toàn diện đó sẽ được phát huy tối ưu, nếu mọi người ứng dụng sự đối
thoại ở mọi cấp: quốc tế, quốc gia, địa phương; đối thoại giữa giới chính
trị và giới kinh tế nhằm phục vụ sự sống, đặc biệt là sự sống con người; đối
thoại giữa các tôn giáo và khoa học (x. chương Năm, số 163-201). Chương Năm này
đúng là một chuyên luận về đề tài “Đối
Thoại”.
B/2: Khoa linh
đạo sinh thái Kitô giáo dưới ánh sáng đức tin vào Mạc Khải Kinh
Thánh (x. chương Sáu, số 202-246) có khả năng kiện toàn hay hoàn thiện khoa
sinh thái học toàn diện, kết quả của sinh hoạt lý trí (= A/2).
7.2. Một cặp đôi
khác rất quan trọng mang tính xã hội học: Trái Đất và Người Nghèo là nạn
nhân của các hoạt động phản sinh thái của loài người (x. số 2 của thông điệp):
A/3 = Trái Đất,
“người Chị” của chúng ta, theo cách gọi của thánh Phanxicô, đang bị áp bức và
hủy hoại;
B/3 = Người Nghèo
đang bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ.
Sự kết nối A/3+B/3
này là một chọn lựa độc đáo của ĐGH Phanxicô. Nó chạy xuyên suốt dọc chiều dài
của thông điệp từ đầu đến cuối (x. Bài I).
7.3. Và có thêm
những cặp đôi mang tính phương pháp luận:
A/4: tự giáo dục
mình
B/4: để có thể giáo dục kẻ khác cách hữu hiệu.
A/5: nhận thức, hiểu
biết
B/5: phải dẫn tới sự dấn thân hành động.
A/6: lời nói
B/6: phải dẫn tới việc làm.
A/7: Nhận thức và
lập trình ở cấp cao (toàn cầu hay quốc gia, vùng miền)
B/7: phải được bắt đầu thi hành ở cấp địa phương (cá
nhân, gia đình và cộng đồng địa phương: thôn xóm, làng xã…). Gia đình
mang một tầm quan trọng đặc biệt (x. số 213).
Việc chăm sóc Trái
Đất và Người Nghèo
A/8: phải đi từ
những việc nhỏ
B/8: đến những công trình lớn (x. số 211-212…; 231).
Nhìn chung, khi
thực hiện việc GIÁO DỤC SINH THÁI, mọi người, trong đó có các Kitô hữu và đặc
biệt các Linh mục, cần quan tâm tới những cặp đôi như vừa nêu. Có ít nhất 9
cặp: bao quát và cục bộ, đối lập và liên kết, lớn và nhỏ.
Phần
II: Chọn lựa ưu tiên
Đối với các Linh
mục có nhiệm vụ GIÁO DỤC SINH THÁI, ngoài những cặp đôi mang tính phương pháp
luận hoặc sư phạm (x. A/4+B/4; A/5+B/5; A/6+B/6; A/7+B/7 A/8+B/8), mà chỉ cần
biết và xác tín về giá trị của chúng, chúng tôi thiển nghĩ các ngài nên đặc
biệt đào sâu hai cặp đôi A/2+B/2 và A/3+B/3.
Mục 1: Về cặp đôi A/2+B/2
Cần tự mình nhận
thức đúng mức và giúp kẻ khác (cụ thể là Dân Chúa) nhận thức đúng mức về nội
dung và tầm quan trọng của khoa sinh thái học toàn diện (écologie
intégrale).
(1) Sau đây chúng
ta tìm hiểu việc giáo dục về nội dung của vế A/2 trong cặp đôi lớn này.
- Về sinh thái
học môi trường (écologie environnementale: số 138…), người bình dân hôm nay
biết và hiểu cụ thể là cần giữ môi trường gia đình, thôn xóm, làng
xã…“XANH+SẠCH+ĐẸP”, chắc hẳn nhờ sự tuyên truyền và các khẩu hiệu được gắn ở
những nơi công cộng. Nhiều giáo xứ, giáo điểm đã và đang có những kế hoạch hành
động cụ thể theo chiều hướng này. Chỉ cần nhân rộng ra và gây ý thức cho dân
chúng hiểu: đó là việc phải làm thường xuyên, chứ không chỉ là “phong
trào” kéo dài it tháng để lập thành tích báo cáo lên cấp trên.
Còn vấn đề ô nhiễm
môi trường (do các thứ rác thải, các hóa chất độc hại từ các nhà máy thải ra
sông, biển –như vụ Formosa tai tiếng ở Miền Trung…– v.v…, dĩ nhiên thuộc trách
nhiệm của công quyền cấp cao. Quả là một vấn đề to lớn, nhưng việc giáo dục
dành cho cá nhân, gia đình và địa phương… vẫn cần thiết, với hy vọng rằng từ
thế hệ trẻ hôm nay được giáo dục nghiêm túc về sinh thái, sẽ xuất hiện những
người hữu trách trong hệ thống công quyền vừa có tầm vừa có tâm, để
không sa chước cám dỗ hy sinh môi trường với ý đồ đạt lợi nhuận kinh tế cho
riêng mình hoặc các nhóm lợi ich.
Cần cung cấp kiến thức và gây ý thức về hậu quả cực kỳ
tại hại của hiện tượng làm ô nhiễm môi trường, khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên
do “hiệu ứng nhà kính”. Hậu quả trực tiếp là sự biến đổi khí hậu. Song
song đó, “việc sử dụng và lạm dụng một cách vô trách nhiệm những của cải do
Thiên Chúa tặng ban” (x. số 2), như khai thác cát bừa bãi ở các dòng sông…, xây
dựng quá nhiều đập thủy điện trên dòng sông Mêkông chẳng hạn…, kéo theo biết
bao tai họa mà báo chí ở Việt Nam đưa tin hầu như hằng ngày. Hiện tượng biến
đổi khí hậu đang de dọa tính mạng và tương lai của loài người, đến nỗi một nhà
khoa học lỗi lạc như Stephen Hawking, một nhà vật lý lý thuyết “ngồi xe lăn”
của Anh quốc, vừa lên tiếng cảnh báo: “Thế hệ tới sẽ cần phải chinh phục một
hành tinh khác trong vòng một thế kỷ nữa nếu loài người muốn tiếp tục
tồn tại” (theo Tuỏi Trẻ Online 04/05/2017).
Hy vọng lời tiên tri báo họa này không ứng nghiệm đúng mặt chữ…, nhưng đáng cho
mọi người suy ngẫm.
- Về sinh thái
học kinh tế, việc giáo dục cần gây ý thức cho mọi người, nhất là giới doanh
nhân, biết xây dựng một nền kinh tế “sạch”, không nhiễm bẩn bởi hiện
tượng gian lận, tham nhũng, là hiện tượng được báo chí thường xuyên đề cập mà
vẫn chưa thấy tình hình sáng sủa hơn…
- Giáo dục về sinh
thái học xã hội và văn hóa thì lại càng phải nhắm tạo nên một xã hội với
một nền văn hóa “sạch và đẹp”.
- Chương Bốn của Laudato Si’ cống hiến những suy nghĩ rất
xác đáng về “thiện ich chung” (x. số
156-158) và “công bằng”: công bằng
giữa các thế hệ, (x, số 159-162) và thiết thực hơn nữa, công bằng với tha nhân
đang sống chung quanh ta trong hiện tại. Hai đề tài này gắn liền với nhau và
chiếm một vị trí then chốt trong chương trình giáo dục sinh thái kinh tế và xã
hội. Nói theo ngôn ngữ của khoa thần học luân lý Công giáo, việc giáo dục này
phải nhắm xây dựng cho mỗi tín hữu một lương tâm ngay thẳng, trong sáng, bén
nhạy, biết tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân và tôn trọng thiện ích
chung. Một “nố” luân lý cụ thể đối với người công giáo của giáo phận Đalạt –và
dĩ nhiên nhiều nơi khác cũng có những nố tương tự–, đó là hiện tượng mua khoai
tây Trung Quốc giá rẻ –nhưng đã ngấm hóa chất độc hại…–, rồi dùng đất màu hồng
Đàlạt bôi lên, mặc cho củ khoai tây Trung Quốc chiếc áo khoai tây Đà Lạt hấp
dẫn để bán với giá khoai tây Đàlạt thứ thiệt có giá cao hơn.
Và biết bao “nố”
lương tâm khác nữa, như dùng hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi, dùng thuốc sâu
độc hại cho sức khỏe con người trong việc trồng trọt…, với một lương tâm lệch
lạc khi quyết định dùng các sản phẩm đó để bán cho người ngoài, còn gia đinh ta
chỉ dùng thứ sản phẩm sạch đươc chăm sóc riêng.
Giáo dục đức công bằng và ý thức về thiện ích
chung đáng được chọn làm một đề tài thảo luận.
Đề tài “đối thoại”
cũng rất quan trọng. Trong thực tế, khi Linh mục giáo dục Dân Chúa về đức
công bằng và ý thức về thiện ích chung cũng như những đề tài khác,
thì đó là một khởi đầu thiết thực để học “nghệ thuật đối thoại”, mà điều cần
học trước tiên là biết lắng nghe, và bàn hỏi, bởi lẽ “một trái tim biết lắng nghe” là một dấu
hiệu của sự khôn ngoan, theo kinh nghiệm của vua Salomon (x. 1V 3,9-12).
(2) Giáo dục về
vế B/2 của cặp đôi A/2+B/2
a) Giáo dục và linh đạo sinh thái, là
tiêu đề nói lên nội dung của chương Sáu (số 202-246). ĐGH Phanxicô dùng liên từ
“VÀ”, mà chúng ta cần hiểu thấu
chính xác. Sau đây là bản Latin chính thức và 5 bản dịch sinh ngữ hiện đại:
Latin: “Educatio et spiritalitas oecologica”
(tính từ này ở số ít về phương diện văn phạm, nhưng cũng có thể hiểu theo số
nhiều về phương diện logic để cho nó chi phối cả hai danh từ chứ không chỉ một
danh từ đi sát phía trước nó mà thôi).
Ý: “Educazione e spiritualità ecologica (như
Latin).
Pháp:“Éducation et spiritualité écologiques”(tính từ ở số nhiều, rõ
ràng có giá trị cho cả hai danh từ đi trước!).
Đức: “Oekologische
Erziehung und Spiritualität” (như
Latin và cũng có thể như Pháp).
Anh: “Ecological
Education and Spirituality” (như
Latin và cũng có thể như Pháp).
Việt/Caritas: “Giáo
dục và linh đạo sinh thái” (như
Anh).
Chúng tôi thiên về
cách hiểu của bản dịch tiếng Pháp: hiểu tính từ Latin “oecologica” theo
“acácord logique” (sự tương hợp giữa tính từ với cả hai danh từ đi trước
nó dưới góc độ logic), chứ không theo “acácord purement grammatical” (sự tương
hợp giữa tính từ với duy nhất danh từ đi sát trước nó dưới góc độ thuần túy văn
phạm), và như thế tính từ “oecologica” cần được kết hợp với cả hai danh từ
đi kèm (trước hoặc sau tính từ, tùy ngôn ngữ). Bản Pháp minh bạch hóa ý tưởng
ngầm chứa trong cụm từ Latin của ĐGH: “Educatio et spiritalitas oecologica”.
Để diễn tả rõ ràng,
chúng ta nên dịch tiêu đề chương Sáu như sau: “Giáo dục sinh thái
và linh đạo sinh thái”
theo nghĩa chính xác là “việc giáo dục liên quan tới sinh thái và nền linh đạo về (hoặc có liên quan
tới) sinh thái”.
b) ĐGH Phanxicô đã
dành trọn chương Bốn để triển khai “khoa
sinh thái học toàn diện”, vậy thì nội dung của chương trình giáo dục
sinh thái (trong chương Sáu) phải là “khoa sinh thái học toàn diện” đó, như
đã mô tả tại mục 7.1 của Phần I trên đây, và vừa được triển khai cụ thể hơn tại
mục 1 của Phần II này. Chính chữ VÀ
cho thấy rõ ràng cặp đôi A/2+B/2 là một cặp đôi mang tính liên kết và bổ túc.
Thật vây, chương trình giáo dục sinh thái toàn diện như sinh hoạt lành mạnh của
lý trí cần được kiện toàn, hoàn thiện, và thăng hoa lên tầm cao nhất bởi linh
đạo sinh thái Kitô giáo. Giáo dục “sinh thái toàn diện” là một chương trình mang
đậm tính nhân văn, vì nó nhằm phát huy “óc
sáng tạo có khả năng làm cho phẩm chất cao quý của con người nở hoa cách mới
mẻ, bởi lẽ việc sử dụng trí thông minh, với sự táo bạo và tinh thần trách
nhiệm, để tìm ra những phương thức phát triển bền vững và công bằng trong khuôn
khổ của một quan niệm rộng lớn hơn về chất lượng cuộc sống, điều đó xứng đáng
hơn với nhân phẩm. Ngược lại, việc kiên định tìm kiếm những cách cướp bóc thiên
nhiên chỉ để có được những món hàng tiêu dùng mới và lợi nhuận nhanh chóng, thì
quả là ít xứng đáng hơn, ít sáng tạo hơn và nông cạn hơn” (x. số 192).[2]
Chương trình giáo dục sinh thái, tức giáo dục về sinh thái toàn diện như
một dạng chủ thuyết nhân văn đáng trân trọng, thì, để thực sự mang tính toàn
diện theo nghĩa sâu sắc nhất, chương trình giáo dục sinh thái đó cần
được thấm nhập bởi linh đạo sinh thái Kitô giáo như men làm dậy bột (x. Mt
13,33). Như thế chữ “VÀ” không chỉ có nghĩa cọng thêm yếu tố thứ hai vào yếu tố
thứ nhất ở bề mặt để tăng số lượng, nhưng là hòa nhập linh đạo sinh thái Kitô
giáo vào bề sâu của sinh thái học toàn diện và của chương trình giáo dục về
sinh thái học toàn diện, để nâng cao chất lượng của nó. Trong trường hợp này
chữ “VÀ” biểu thị số lượng cọng với chất lượng, mà chất lượng thì luôn là tiêu
chuẩn mang tính quyết định. Cũng theo hướng hiểu sâu ý nghĩa của chữ “VÀ”,
chúng ta cần kết hợp chương Hai: “Tin
Mừng về sáng tạo” (số 62-100) với chương Sáu bàn về giáo dục sinh thái và linh đạo sinh thái, để tạo ra nền linh đạo sinh thái Kitô giáo toàn
diện. Điều này chắc chắn gia tăng tác dụng hữu hiệu của men linh đạo
sinh thái Kitô giáo toàn diện để làm dậy bột nền sinh thái toàn diện.
c) Trong chương
Hai, ĐGH đã lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho “sự
phong phú mà các tôn giáo có thể đóng góp cho một nền sinh thái học toàn
diện (an integral ecology = une écologie intrégrale) và cho sự phát triển toàn
vẹn (a full developpment = un développement entier) của nhân loại” (x.
số 62). Và ngài đặc biệt chỉ cho mọi người thấy sự cống hiến đặc thù
của Kitô giáo cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp chăm sóc ngôi nhà chung của loài người, với ánh sáng đến từ đức
tin (x. số 63-64) và từ sự khôn ngoan của trình thuật Kinh
thánh về công trình tạo dựng (x. số 65-75), nhất là từ cái nhìn sâu sắc
và nếp sống quân bình mẫu mực của Chúa Giêsu (x. số 96-100). Thật
vậy, chính Chúa Giêsu dạy cho mọi người biết rằng Thiên Chúa Tạo Hóa là Cha của
Người (Mt 11,25…), đồng thời là Cha giàu lòng thương xót của mọi người không
phân biệt tốt xấu (x. Mt 5,44-48) và Cha của mọi loài thụ tạo mà Ngài không bỏ
quên một vật nào (x. Lc 12,6), nhưng luôn ân cần chăm sóc và dưỡng nuôi chúng
(x. Mt 6,26-30) - (x. số 96). Chúa Giêsu cũng sống hài hòa trọn vẹn với mọi thụ
tạo: Người hoàn toàn xa lạ với những triết lý khinh thường thân xác, vật chất
và những sự thuộc về thế giới này; Người làm lụng bằng đôi tay của một thợ mộc
để sinh sống và phục vụ, và qua đó thánh hóa việc lao động của con người (x. số
98). Người thấm nhuần và hoàn thiện truyền thống Do thái giáo nhìn “tạo thành”
không như “thiên nhiên” trung tính, lạnh lùng –đối tượng của phân tích
khoa học và sự quản lý của con người–, nhưng là quà tặng từ cánh tay
vươn ra của Thiên Chúa là Cha muôn loài và như một thực tại được soi sáng bởi
tình yêu mời gọi chúng ta cùng nhau đi vào sự hiệp thông hoàn vũ”
(x. số 76).
d) Sự hiệp thông
hoàn vũ được xây trên chân lý là “các thụ
tạo tồn tại trong sự lệ thuộc vào nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, phục vụ lẫn
nhau” (trích GLHTCG số 340). Chính
Thiên Chúa muốn như thế (x. Laudato
Si’ số 86). Và khi nhận thức rằng ý muốn đó của Ngài được phản chiếu vào
trong mọi sự đang hiện hữu, nghĩa là mọi thụ tạo phản chiếu hình ảnh của Ngài,
thì trái tim chúng ta –những tín hữu– cảm nghiệm một ước muốn tôn thờ Chúa vì và với muôn loài thụ
tạo như thánh Phanxicô Assisi đã diễn tả trong bài ca tuyệt đẹp: “Laudato sie, mi’ Signore… Ngợi khen Chúa,
lạy Chúa tôi…” (số 87).[3]
e) Một việc làm
khác cũng đầy ý nghĩa là ĐGH đưa đề tài “của
cải (là) để mưu ích cho mọi người” (số 93-95) vào trong chương Hai: “Tin Mừng về sáng tạo”, trong đó ngài
triển khai những khía cạnh nổi bật như “mầu
nhiệm vũ trụ”, “Sư hiệp thông hoàn vũ”,
với nhân vật tiêu biểu là vị Thánh Nghèo thành Assisi. Việc làm này hoàn toàn
hợp lý: hợp với ý muốn của chính Thiên Chúa, vì “Ngài đã tạo dựng nên thế giới cho mọi người”, và hợp với
nhận thức chung của loài người hôm nay, dù là người có hay không có niềm tin
tôn giáo, rằng “Trái Đất chủ yếu là một
tài sản thừa kế chung (của mọi người)”. Do đó, “truyền thống Kitô
giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền sở hữu tư nhân là tuyệt đối hay bất khả xâm
phạm (nghĩa là chỉ nhìn nhận quyền đó theo nghĩa tương đối), và đã từng nhấn mạnh đến mục đích xã hội
của mọi hình thức sở hữu tư nhân” (x, số 93). ĐGH đi đến một lời khẳng định
rất mạnh: “Môi trường thiên nhiên là một
thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và trách nhiệm của mọi
người. Khi ai sở hữu riêng một phần nào đó, thì chỉ để quản lý cho thiện ich
chung của mọi người” (số 95). Trong chương trình giáo dục sinh thái toàn
diện và thấm nhuần linh đạo sinh thái toàn diện, chắc hẳn cần gây ý thức cho Dân Chúa về điểm giáo huấn quan trọng này trong học
thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo.
f) Với những gì vừa
trình bày cách tóm lược, chúng ta nên nhận thức thêm rằng: Vũ Trụ không chỉ là
một sự vật, nhưng là một mầu nhiệm (huyền
nhiệm = mysterium, x. số 76-83), mầu nhiệm của những mối tương quan chằng
chịt cấu tạo nên từng sự vật và sinh vật, do đó không một cá thể sự vật hoặc
sinh vật nào, ngay cả cá thể người, có thể hiện hữu đơn độc, bởi lẽ “trong vũ trụ này, được cấu tạo bởi những hệ
thống mở và liên thông, chúng ta có thể phát hiện vô số các hình thức tương
quan và sự thông phần” (x. số 79). Tuy nhiên, trong vũ trụ liên thông và
liên đới đó, “mỗi thụ tạo đều có một mục
đích riêng của nó, không có thụ tạo nào là dư thừa” (x. số 84). “Riêng con người, ngay cả khi người ta đưa ra
giả định về quá trình tiến hóa, vẫn được hưởng một cái gì đó mới mẻ,
không thể giải thích đầy đủ bởi sự tiến hóa của các hệ thống mở khác. Mỗi người
chúng ta có căn tính riêng và có khả năng đi vào cuộc đối thoại với những người
khác và với chính Thiên Chúa”. Các khả năng đa dạng của con người… chứng tỏ
nó có một cái gì đó độc đáo, độc nhất
vượt quá phạm vi vật lý và sinh học. Mỗi con người là một chủ thể,
không bao giờ có thể giản lược xuống phạm trù vật thể (x. số 81). Tuy nhiên
mục đích cuối cùng của các thụ tạo khác
không phải là chúng ta, vì chúng đang tiến bước cùng với chúng ta và qua chúng
ta, hướng về điểm tới chung là chính Thiên Chúa trong sự viên mãn siêu việt,
nơi đó Đức Kitô Phục Sinh ôm lấy và chiếu sáng mọi sự. Hướng đi này của Vũ Trụ loại trừ mọi hình thức thống trị độc tài và vô
trách nhiệm của con người trên các thụ tạo khác (x. số 83).
g) ĐGH Phanxicô dựa
vào thư Côlôxê của thánh Phaolô để trình bày “Tin Mừng về sáng tạo” và “mầu
nhiệm vũ trụ” theo tầm nhìn Kitô trung tâm” (hoặc Kitô quy tâm:
vision christocentrique) toàn vẹn, nghĩa là dưới cả góc độ công trình tạo
dựng (x. Cl 1,16) và công trình cứu độ (x. Cl 1,19-20; xem thêm Laudato Si’ số 99-100 và Bài II của
chúng tôi, Phần III, B: Phân tích bài thánh ca Cl 1,12-20 về Quyền Trưởng Tử của Đức Kitô).
-Dưới góc độ công
trình tạo dựng, “định mệnh của tất cả mọi loài thụ tạo được tháp nhập
với mầu nhiệm Đức Kitô ngay từ ban đầu (theo bản dịch của Caritas, nhưng
câu Latinh là: totius creationis sors ex Christi mysterio pendet = định mệnh của tất cả mọi loài thụ tạo được treo
từ mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là tùy thuộc chặt chẽ vào mầu nhiệm Đức
Kitô: “Vì trong Người muôn vật được
tạo thành” (Cl 1,16) - (x. số 99).
-Dưới góc độ công
trình cứu độ, “Thiên Chúa muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình, nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá”
(Cl 1,19-20) - (x. số 100). Ở đây ĐGH không chỉ nghĩ đến thập giá, mà còn đặc
biệt nhấn mạnh sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Đấng Phục Sinh với quyền chủ tể
hoàn vũ đang bao phủ các loài thụ tạo cách nhiệm mầu và hướng chúng đến sự viên
mãn như định mệnh tối hậu của chúng.
h) Mặc dù ĐGH không
khai thác cách minh nhiên tước hiệu của Đức Kitô là “Trưởng Tử của muôn loài thụ tạo” trong Cl 1,15-16, nhưng tại số 228
ngài vẫn đề cập tới một “tình huynh đệ
hoàn vũ = universalis fraternitas” theo nghĩa: mọi thụ tạo là anh chị
em với nhau, vì tất cả là em của Trưởng Tử, tức Anh Cả Giêsu (xem Bài II của
chúng tôi). Trước khi đề cập công trình tạo dựng và công trình cứu độ như là
nền tảng kép của tình huynh đệ hoàn vũ này, ĐGH đã lấy cảm hứng từ toàn bộ Kinh
Thánh, và đặc biệt từ Bài Ca Anh Mặt Trời
của thánh Phanxicô, để suy niệm về “mầu
nhiệm vũ trụ”(x. số 76-83), về “thông
điệp của mỗi thụ tạo trong sự hài hòa (= harmonia) của toàn thể công trình sáng
tạo” (x. số 84-88) và về “sự hiệp
thông hoàn vũ” (x. số 89-92). Đây là những khía cạnh đặc trưng của “linh đạo sinh thái Kitô giáo” được trình
bày trong chương Hai mà chúng ta cần liên kết với chương Sáu.
i) Chương Sáu nối
dài và bổ túc chương Hai, theo nghĩa chương Sáu đưa nội dung chương Hai vào
chương trình GIÁO DỤC sinh thái toàn diện, được trình bày chi tiết trong chương
Bốn; và chương trình giáo dục đó phải thấm nhuần linh đạo sinh thái Kitô giáo.
Nhưng để cho linh đạo sinh thái Kitô giáo toàn diện thấm nhập vào chương trình
giáo dục sinh thái toàn diện, tất nhiên các nhà giáo dục cần lên chương trình
giáo dục Dân Chúa VỀ linh đạo sinh thái Kitô giáo. Ở đây
chúng tôi mạn phép dùng thêm chữ “VỀ”,
sau khi cố gắng hiểu ý nghĩa của chữ “VÀ”
được ĐGH sử dụng trong tiêu đề chương Sáu.
j) Trong chương
quan trọng này, mục tiêu ngài nhắm đạt tới khi đề cập việc giáo dục sinh thái
và linh đạo sinh thái là thiết lập một
lối sống khác, một phong cách sống khác (aliam vitae formam instuere),
bắt đầu bằng việc giúp nhận thức rằng mọi người có một nguồn gốc chung, mọi
người thuộc về nhau và chia sẻ một tương lai chung, để từ đó phát triển những xác tín mới, những thái
độ mới và những lối sống mới (x. số 202-208). Ngoài những gì đã triển
khai trong chương Hai, ngài đặc biệt nhấn mạnh thêm ba đề tài cụ thể:
j/1. Đề tài 1: Giáo dục về giao
ước giữa nhân loại và môi trường (x. số 209-215).[4] Ý niệm giao ước mang sắc thái Thánh Kinh
và bao hàm một sự cam kết song phương với đòi hỏi phải có sự tương kính và lòng
trung thành. Quan điểm Giáo dục phải giữ được sự thăng bằng giữa ý thức về “tính cách công dân sinh thái”
(citoyenneté écologique),[5]
nghĩa là “tính cách công dân Trái Đất”,
và ý thức về “tính cách công dân Nước
Trời”. Người Kitô hữu phải sống trọn vẹn hai tính cách đó, theo định hướng
do Chúa Giêsu vạch ra khi tuyên bố: “Của
Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Việc xây
dựng tính cách công dân sinh thái cho người tín hữu đòi hỏi các nhà giáo dục
phải soạn ra những lộ trình sư phạm dẫn tới một
nền đạo đức sinh thái (une éthique écologique) có khả năng làm cho
người tín hữu trưởng thành thực sự về tinh thần liên đới, tinh thần trách nhiệm
và sự che chở đầy lòng trắc ẩn (dành cho Trái Đất) (x. số 210). Cụm từ “tính
cách công dân Trái Đất = citoyenneté terrestre” đã có từ lâu. ĐGH Phanxicô tạo
ra cụm từ mới “citoyenneté écologique” =“tính cách công dân sinh thái”,
vì khoa học sinh thái (écologie) là một khái niệm mới xuất hiện trong thế kỷ
XX, từ khi loài người bắt đầu đối diện với vấn đề bảo vệ môi trường và “chăm
sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.
-Khái niệm “tính cách công dân sinh thái” kéo theo mối bận
tâm của các nhà giáo dục về nhiệm vụ khơi dậy và phát huy “tình yêu dân sự và chính trị” (x. số 228-232), nghĩa là những biểu
hiện của tình người, tình đồng bào, tinh làng nghĩa xóm giữa những con người,
với quyền tự do chọn lựa niềm tin tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn
kính trọng nhau trong tư cách con người và công dân bình đẳng. Tình yêu dân sự
và chính trị đó được thể hiện nơi việc sống chung và hiệp thông với nhau trong cùng
một môi trường thiên nhiên, mà mọi người có bổn phận bảo vệ và chăm sóc (x. số
228).
j/2. Đề tài 2:
Tuy nhiên, khi ngỏ lời riêng với các Kitô hữu, ĐGH kêu gọi họ thực hiện “cuộc hoán cải sinh thái =
conversion écologique” (x. số 216-221). Ở đây chúng ta gặp lại cách suy tư của
ngài theo cặp đôi liên kết và bổ túc. Thật vây, ý thức về tính cách công dân
sinh thái được kiện toàn và hoàn thiện bởi ý thức về tính cách công dân Nước
Trời hoặc con cái Thiên Chúa. Trên bình diện thứ hai này, người Kitô hữu, ngoài
cuộc hoán cải theo nghĩa truyền thống cổ kính là thay đổi cách suy nghĩ,
cách cảm nhận và cách sống (metanoia
bên tiếng Hy Lạp), quay lưng cho con người cũ bị chi phối bởi xu hướng ích kỷ,
quy ngã, để tin vào Phúc Âm và, dựa vào sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh (x. Gl
5,25), bước theo dấu chân Chúa Kitô đến với Thiên Chúa là Cha và đến với mọi
người là anh em, thì còn phải thực hiện một cuộc
hoán cải mới nữa, được mệnh danh từ thời ĐGH Gioan Phaolô II, là “cuộc hoán
cải sinh thái” (x. số 5).
j/2.1. Giáo huấn
của ĐGH Phanxicô về cuộc hoán cải sinh thái chỉ lôi ra ánh sáng một vài yếu
tố đã có sẵn trong giáo huấn và cách sống của Đức Kitô làm nên linh đạo Kitô
giáo, nhưng bị một số người lãng quên hoặc coi thường (x. số 217). Khi đề
cập linh đạo Kitô giáo, chúng ta đừng nói về những ý tưởng, nhưng hãy nói về những
động lực phát sinh từ linh đạo đó để nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế
giới. Chúng ta không thể dấn thân vào những chuyện lớn chỉ bằng những học
thuyết, mà thiếu vắng một nền thần bí (une mystique) làm chất xúc tác
linh hoạt chúng ta, thiếu vắng những động lực nội tâm thúc đẩy cá nhân và cộng
đoàn hành động, cùng động viên, khích lệ và mang lại ý nghĩa cho các hoạt động
đó (x, số 216).[6]
Vậy “nền thần bí
sinh thái” (cụm từ này không có trong văn bản của ĐGH, nhưng do chúng tôi tạo
ra, và sẽ giải thích sau) đòi hỏi phải có “cuộc
hoán cải sinh thái” với những đặc điểm sau đây:
j/2.2. Thiên Chúa
kêu gọi chúng ta “làm người bảo vệ công
trình tay Người dựng nên” (x, số 217). ‒Tại số 67 của thông điệp, ĐGH đã
dựa vào St 1,28 và St 2,15 để làm rõ ơn gọi đó. Xem chú thích 4 trong Bài I của
chúng tôi)‒. Vậy việc sống ơn gọi đó phải được coi là một yếu tố
thiết yếu của đời sống nhân đức, chứ không phải là một chọn lựa hay một
khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo (x. số 217). Làm cuộc hoán cải sinh
thái có nghĩa là: ra khỏi thái độ coi thường mối bận tâm về môi trường, để đi
vào linh đạo mà Chúa Kitô đã sống và truyền đạt cho các môn đệ
trong Phúc Âm là linh đạo không hề tách lìa chúng ta khỏi thân xác chúng
ta, hoặc khỏi thiên nhiên và các thực tại của thế giới.
Mối tương quan lành mạnh với tạo thành là một chiều kích của cuộc
hoán cải cá nhân toàn diện (x, số 218). Nói cách khác: chăm sóc Trái
Đất, ngôi nhà chung của chúng ta, là một yếu tố không thể thiếu của ơn gọi Kitô
hữu.
j/2.3. Cuộc hoán
cải sinh thái diễn ra trong đời sống cá nhân phải trở thành một cuộc hoán
cải cộng đồng mới có khả nặng tạo ra sự thay đổi lâu dài trong cái
nhìn và thái độ sống của loài người đối với môi trường. Điều này đối trọng lại
với hiện tượng tiêu cực là: xu hướng ích kỷ cá
nhân sẽ tạo ra “tình trạng ích kỷ tập thể” (x. số 204).
Vậy “hoán cải sinh thái”, ở cấp độ cá nhân
cũng như cộng đồng, có nghĩa là trở vể với Trái Đất bằng một nhận
thức mới về ơn gọi bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta
như Thiên Chúa muốn.
Cuộc hoán cải sinh
thái là một đề tài tương đối mới. ĐGH Phanxicô không những tiếp nối giáo huấn
của các Giáo Hoàng hậu Vaticanô II, nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
mà còn trich dẫn cách trân trọng những lời phát biểu mạnh mẽ của Đức Thượng Phụ
Chính Thống Giáo Bartolomaios, đặc biệt ý tưởng sau đây: mọi hành động xâm phạm
tới Trái Đất, công trình của Thiên Chúa, đều là tội lỗi, là tội ác vừa chống
lại loài người, vừa chống lại chính Thiên Chúa; thế nên kẻ phạm tội phải sám
hối (x. số 8). Trong thư đề ngày 6-8-2015 gửi hai ĐHY Peter Turkson và Kurt
Koch, về việc thiết lập ngày cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên (ngày 1
tháng 9 hằng năm), ĐGH nhắc tới việc chúng ta phải “cầu xin Thiên Chúa thương xót chúng ta vì những tội chúng ta đã phạm
chống lại thế giới trong đó chúng ta đang sống”.
Một đề tài đáng
được chọn để thảo luận giũa các Linh mục là: Chúng ta phải hiểu thế nào là tội
chống lại Trái Đất, và giải thích thế nào cho giáo dân hiểu, để xưng tội.
j/3. Đề tài 3:
“Không thể thiếu một nền thần
bí”.
ĐGH Phanxicô đã
tuyên bố mạnh mẽ như thế tại số 216 của thông điệp, khi bàn về “cuộc hoán cải sinh thái”. Chúng tôi dựa
vào những lời sau đây của ngài để chứng minh rằng ngài vun đắp cho mình một đời sống thần bí mang màu sắc
sinh thái theo nghĩa một dạng đặc biệt của nền linh đạo sinh thái, và
mời gọi mọi tín hữu cũng đi vào hướng sống đó.
j/3.1. Trong tiêu
đề chương Sáu, ngài dùng cụm từ “linh
đạo sinh thái” và nhắc lại một lần nữa tại số 216, trong đó ngài đề cập tới “linh đạo Kitô giáo”. Theo ngữ cảnh, “linh đạo sinh thái” là một
khía cạnh hay một bộ phận của “linh đạo Kitô giáo”. Và khi “linh đạo sinh thái”
đạt tới một cường độ vừa cao vừa sâu đến mức “làm phát sinh những động lực nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế giới”,
thì ngài nói tới sự cần thiết của “một
nền thần bí” (une mystique) có khả năng “linh hoạt chúng ta”, và cũng theo ngữ cảnh, dường như ngài đồng hóa
“nền thần bí” ấy với “những động lực nội
tâm có khả năng thúc đẩy, cung cấp lý lẽ, khích lệ và mang lại ý nghĩa cho hoạt
động cá nhân và cộng đoàn của chúng ta (nhằm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng
ta)”. Vì đặc điểm nổi bật của “nền thần bí” ấy là nó đồng nghĩa với “động lực nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế giới ”, nên chúng tôi mạo
muội đặt cho nó cái tên “nền thần bí sinh
thái”, mặc dù ĐGH không trực tiếp dùng cụm từ này.
j/3.2. Ngoài ra,
khi đắc cử Giám mục Rôma, ngài chọn tông hiệu Phanxicô “như một sự hướng dẫn và gợi hứng cho mình” và coi Vị Thánh Nghèo
thành Assisi “như một gương mẫu tuyệt
diệu về việc bảo vệ những gì yếu ớt và về một nền
sinh thái toàn diện được thực hành trong cuộc sống một cách vui tươi
và chân thực” (x. số 10). Ngài
cũng gọi thánh Phanxicô là “một
nhà thần bí (un mystique) và một người lữ hành giản dị, hòa hợp trọn vẹn
với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính bản thân mình”
(x. số 10).
Vậy thì, không có
gì sai lầm hay lạ lẫm, khi kết luận rằng ĐGH Phanxicô muốn tiếp nối nền thần
bí sinh thái của nhà thần bí gốc Assisi.
j/3.3. Nhưng điều quan
trọng và mang tính thuyết phục hơn, chính là những gì ngài viết trong phần cuối
của chương Sáu.
- Khi đề cập “Niềm vui và bình an” (số 222-227), ngài
nhìn vào đề tài lớn “linh đạo Kitô giáo”.
Linh đạo này khích lệ một lối sống mang tính ngôn sứ và chiêm niệm như một cách hiểu “phẩm chất
đời sống” rất khác với quan niệm của những người bị ám ảnh bới xu hướng tiêu
thụ và hưởng lạc tối đa (x. số 222).
- Một nếp sống
giản dị, tiết độ và khiêm tốn mang lại một sự giải thoát, mở
cửa cho niềm vui và sự bình an đi vào nội tâm. Nếp sống này hoàn
toàn phản nghĩa với thái độ kiêu căng, tự cho mình là người sở hữu và làm chủ
trái đất mà minh được phép hủy hoại, bằng việc sử dụng và lạm dụng một cách vô
trách nhiệm những của cải do Thiên Chúa tặng ban (x. số 2), để hưởng thụ một
cách ích kỷ.
- Vì thế sự bình an
nội tâm không những có liên hệ gần gũi với việc chăm sóc sinh thái và thiện
ích chung, mà còn tạo tâm thế thuận lợi cho sự suy tư về lối sống và lý
tưởng của chúng ta, nhất là cho việc chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa
đang sống giữa chúng ta và xung quanh chúng ta (x. số 223-225). Chính Chúa
Giêsu là gương mẫu và thầy dạy của chúng ta về thái độ chiêm ngưỡng Chúa Cha
với tâm tình tri ân cảm tạ và nhìn tha nhân với lòng trìu mến (x. số 226-227).
Tất cả những điểm
nhấn trên đây trong “linh đạo Kitô giáo” lại càng sâu đậm trong “nền thần bí
sinh thái Kitô giáo”.
- Chiều kích chiêm
niệm của kinh nghiệm Kitô giáo (một tên gọi khác của “linh đạo Kitô giáo”) được
ĐGH Phanxicô triển khai đậm nét hơn nữa trong mục VI (số 233-237): “Các dấu chỉ bí tích và sự nghỉ ngơi để cử
hành lễ hội” (= “signa sacramentorum celebrationisque requies”), và mục VI
(số 238-340): “Thiên Chúa Ba Ngôi và mối
tương quan giữa các thụ tạo” (= “Trinitas et necessitudo inter creaturas”).
Nội dung của hai mục rất súc tích này cho thấy rõ tầm nhìn thần bí (vision
mystique) của ĐGH Phanxicô. Chắc chắn ngài hiểu “đời sống thần bí” theo
nghĩa được sách Giáo Lý của Hội Thánh
Công Giáo trinh bày tại số 2014.
- Chính số 2014 của
sách GLHTCG đã định nghĩa cách đơn giản rằng: sự kết hợp ngày càng mật thiết
hơn với Đức Kitô được gọi là “sự kết
hợp (mang tính chất) thần bí” (unio “mystica”), và giải thích tính từ
“thần bí” (= mystica) này bằng cách quy chiếu nó về danh từ “mysterium” (mầu nhiệm) theo ba
bước: (1) nhờ “các mầu nhiệm
thánh (sancta mysteria”) tức “các bí tích (sacramenta)” –nghĩa là
bằng việc cử hành hoặc lãnh nhận các bí tích trong Hội Thánh–, (2) chúng ta thông dự vào “mầu nhiệm
Đức Kitô (mysterium Christi)” –nghĩa là kết hợp ngày càng mật thiết hơn với
Người–, và (3) trong Người chúng ta
thông dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh (Sanctissimae Trinitatis
mysterium)”. Ba bước này làm thành con đường nên thánh hoặc ơn gọi nên thánh
chung của mọi Kitô hữu. GLHTCG số 2014 nói rõ: Một số người nào đó, khi sống
đời sống thần bí theo nghĩa cơ bản và thông thường như vừa mô tả, lại được Thiên Chúa ban thêm cho một số
đặc sủng hoặc những dấu chỉ ngoại thường,[7] với mục đích duy nhất là biểu lộ tính nhưng
không của hồng ân do Thiên Chúa ban cho mọi người. Vậy cụm từ “con người
thần bí” hoặc “nhà thần bí” (homo
mysticus) trong một câu do ĐGH Phanxicô trích từ tác phẩm của thánh Gioan
Thánh Giá (tại số 234 của Laudato Si’)
không nhất thiết chỉ dành riêng để gọi những vị thánh được những ơn ngoại
thường nào đó, nhưng có thể được dùng để chỉ mọi tín hữu đang cố gắng sống đời
sống thần bí theo nghĩa thông thường, tức là đời sống thiêng liêng của mình một
cách xác tín và say mê.[8]
- ĐGH Phanxicô
triển khai bước thứ nhất và bước thứ hai trong đời sống thần bí của người Kitô
hữu bằng những lời cô đọng, sâu sắc, nhưng trực tiếp quy chiếu về linh đạo sinh
thái.
(1) “Các bí tích là một cách thế ưu việt
được Thiên Chúa dùng để đảm nhận thiên nhiên và biến đổi thiên nhiên thành
phương tiện trung gian thông chuyển sự sống siêu nhiên”. “Nước, dầu, lửa và
các sắc màu, với tất cả sức mạnh biểu tượng của chúng, được đảm nhận và tháp
nhập vào lời ngợi khen (dâng lên Thiên Chúa)” (x. số 235).
(2) Tất cả mọi thụ
tạo của vũ trụ vật chất được thăng hoa và tìm thấy ý nghĩa đích thực trong mầu
nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời là Con Thiên Chúa (x, số 235).
(3) Đặc biệt trong
bí tích Thánh Thể mọi thụ tạo được siêu thăng tới đỉnh điểm, và khi hiệp
nhất với Con Thiên Chúa Nhập Thể hiện diện trong bí tích này, toàn thể vũ trụ
dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Quả thật Hy Lễ Tạ Ơn là hành động của vũ trụ bày tỏ
tình yêu dành cho Thiên Chúa. Trong Bánh Thánh Thể, toàn thể tạo thành hướng về
sự thần hóa, hướng đến tiệc cưới thánh, hướng đến sự hiệp nhất với Đấng Tạo
Hóa” (x. số 236).
(4) Trong đời sống
thiêng liêng của Kitô hữu, ngày Chúa
Nhật, một phiên bản mới và sự kiện toàn của ngày Sabat Do thái giáo,
mang ý nghĩa là ngày chữa lành các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa,
với chính mình, với người khác và với thế giới, và là ngày kết hợp sự nghỉ ngơi
với việc cử hành lễ hội, một cách thế nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu phòng ngừa chúng
ta khỏi rơi vào chủ nghĩa duy động và ham làm giàu một cách mù quáng (x. số
237).
- Bước thứ ba trong
đời sống thần bí theo GLHTCG số 2014 được ĐGH Phanxicô trình bày như một bài
suy niệm ngắn tại các số 238-240: “Trong
Đức Kitô chúng ta thông dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh”, nhưng ở
đây ngài nới rộng tầm nhìn để bao trùm toàn thể các thụ tạo trong vũ trụ, chứ
không chỉ nhắm vào loài người mà thôi.
(1) Thế giới được tác
tạo bởi Ba Ngôi hành động như một nguyên lý thánh thiêng duy nhất, nhưng mỗi
ngôi vị thực hiện công việc chung này theo đặc tính riêng biệt. Do đó khi chúng
ta chiêm ngắm vũ trụ vĩ đại và tươi đẹp, chúng ta phải ngợi khen cả Ba Ngôi
Thiên Chúa (x. số 238).
(2) ĐGH trích dẫn
hai nhà thần học lớn của thời Trung Đại: thánh Bonaventura và thánh Tôma Aquinô
thuộc thế hệ tiếp theo sau thánh Phanxicô để chỉ cho mọi người thấy: “Mỗi thụ tạo đều mang trong mình cấu trúc
theo khuôn mẫu Ba Ngôi”. Theo như vị thánh tiến sĩ của Dòng Phan Sinh[9]
khẳng định, thì: “Trước khi phạm tội, con
người có khả năng khám phá ra cách mỗi thụ tạo minh chứng Thiên Chúa là Ba
Ngôi”. Nghĩa là (con người) có thể nhận ra dấu vết của Ba Ngôi trong thiên
nhiên “khi cuốn sách đó chưa trở thánh lu mờ và đôi mắt chúng ta chưa ra tối
tăm”. Qua đó, thánh nhân thách đố chúng ta phải đọc thực tại dưới ánh sáng
của Ba Ngôi (x. số 239).
Thánh tiến sĩ Tôma
Aquinô của Dòng Đa Minh thì nhấn mạnh các mối tương quan giữa Ba Ngôi thần linh
như là mẫu mực cho các mối tương quan giữa các thụ tạo[10]. Vì được tạo dựng theo mẫu mực thần linh, nên thế
giới là một mạng lưới các mối tương quan. Mọi sự đều có liên hệ với nhau, và
điều này mời gọi chúng ta phát huy nền linh đạo về tình liên đới toàn cầu phát
sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. số 240).
Tóm
lại, “tầm nhìn thần bí sinh thái (vision mystique écologique)” của ĐGH Phanxicô
được xây trên mối liên hệ ngữ nghĩa giữa “(vita) mystica = đời sống thần bí, thần
hiệp hay nhiệm hiệp” với “mysterium = mầu nhiệm (cụ thể là mầu nhiệm Đức Kitô
và mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh”), và “mysteria = các bí tích”, theo cách hiểu của
sách GLHTCG số 2014. Để thấy mối liện hệ giữa nền thần bí (mystica), mà ĐGH
Phanxicô hiểu theo hướng của GLHTCG số 2014, với linh đạo sinh thái, và sự hiệp
thông hoàn vũ…, chúng ta nên chú ý tới sự kiện ngài sử dụng nhiều lần cụm từ “ Mầu nhiệm Vũ Trụ” (Mysterium Universi ”
(đó là tiêu đề của Mục III trong chương Hai, gồm các số 76-83; rồi tại số
243…). Hình như đây là kiểu nói của riêng ngài, trong lúc sách GLHTCG dùng cụm
từ đồng nghĩa “Mysterium creationis = Mầu
nhiệm công trình tạo dựng”(x. số 287; 295-301).
Mục 2: Về cặp đôi A/3+B/3
Tiếp theo là cặp
đôi được ĐGH đặc biệt chú ý và nêu bật ngay trong phần mở đầu và phần kết thúc
thông điệp như một thủ vĩ ngâm: Chị
Đất và Người Nghèo đang bị đối xử tàn tệ… (x. số 2…, và 246 với hai lời
kinh kết thúc). Trong Bài I, chúng tôi đã trình bày khá rõ cặp đôi này. Ở đây
chỉ cần nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng để hiểu đúng ý tưởng chủ đạo trong Laudato Si’ và đưa thông điệp này vào
cuộc sống cho đúng với ý ĐGH, thì trong việc giáo dục Dân Chúa về cách sống
linh đạo sinh thái, chúng ta phải luôn luôn liên kết việc chăm sóc ngôi nhà
chung là Chị-Mẹ Đất với việc chăm sóc Người Nghèo dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Không chỉ gìn giữ Trái Đất theo nghĩa “địa lý” và “vật lý” là môi trường quanh
ta XANH+SẠCH+ĐẸP, mà đồng thời phải bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của mọi người
nghèo đang sống giữa và quanh chúng ta. Đối với cặp đôi này là nạn nhân của sự
đối xử tàn tệ, ĐGH kêu gọi mọi người dấn thân liên lỉ vào cuộc chiến đấu cho
công lý, tình yêu và hòa bình. Ưu tiên là chiến đấu cho công lý để trả lại
và bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho Chị-Mẹ Đất và cho Người Nghèo, đang
kêu gào trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa nữa.
Một việc làm mang ý
nghĩa tiêu biểu là: Sau khi thiết lập ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm
sóc Trái Đất (ngày 1/9 hằng năm), mới đây ĐGH quyết định chọn ngày Chúa Nhật
XXXIII thường niên của Năm Phụng Vụ làm Ngày thế giới của Người Nghèo
(x. Tông thư Misericordia et misera (lòng
thương xót của Thiên Chúa và tình trạng bần khốn của con người), ngày
20-11/2016, số 21). Đúng là một cặp đôi được ngài quan tâm đặc biệt, và hai
quyết định vừa nêu là một cách thiết thực ngài đưa Laudato Si’ vào đời sống của Giáo Hội, dĩ nhiên quyết định thứ hai
cũng có thể được coi là kết quả của Năm Thánh ngọai thường về Lòng Thương Xót.
Kết luận
Chương trình giáo
dục sinh thái toàn diện dành cho các Kitô hữu
a) khởi đi từ việc
gây ý thức và thúc đẩy mọi người dấn thân hành động nhằm chăm sóc và bảo vệ
Trái Đất là ngôi nhà chung hiện nay của chúng ta sao cho XANH+SẠCH+ĐẸP,
nhìn dưới góc độ địa lý và vật lý;
b) việc này phải
diễn ra song song với cuộc chiến đấu cho công lý, tình yêu và hòa
bình nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống của loài người, đặc biệt các
người nghèo, đang sống trong ngôi nhà chung đó, nhìn dưới góc độ xã hội,
kinh tế, chính trị, văn hóa…;
c) hai khía cạnh
then chốt ấy của đời sống loài người được ĐGH Phanxicô đưa vào chiều sâu bằng
cách dùng linh đạo sinh thái Kitô giáo, với nét tinh hoa là “nền thần
bí sinh thái” mà ngài nói “không thể thiếu” trong Giáo Hội,[11]
như chất men thiêng liêng linh hoạt mọi sinh hoạt nhân bản của các tín hữu, là
công dân của Trái Đất mang tính cách công dân sinh thái, để từng bước biến họ
thành công dân Nước Trời. Theo ngài, cuối cùng chính linh đạo sinh thái Kitô
giáo đặt chúng ta, những công dân Nước Trời, “đối diện với vẻ đẹp vô biên của
Thiên Chúa, và chúng ta có thể đọc được mầu nhiệm của vũ trụ với sự
ngưỡng mộ mang lại niềm vui, bởi lẽ vũ trụ này sẽ cùng thông dự với chúng ta
vào sự viên mãn bất tận. Còn bây giờ chúng ta đang trên hành trình tiến về ngày
Sabat vĩnh cửu, về thành Giêrusalem mới, về ngôi nhà chung của chúng ta trên
Thiên Quốc” (x. số 243).
Một chương trình
giáo dục sinh thái Kitô giáo, để mang tính toàn diện đúng nghĩa, phải biết
hướng con mắt tín hữu nhìn lên “ngôi nhà
chung trên Thiên Quốc” đó nữa.
Phụ Trương 1
Sau đây chúng tôi
thử dựa trên bản Latin dịch lại thật sát hai lời kinh cầu nguyện do ĐGH
Phanxicô đề nghị ở cuối thông điệp (số 246).
(Chúng tôi mạn phép
gạch dưới những câu trong đó ĐGH nhắc tới cặp đôi nạn nhân “Người Nghèo và Trái
Đất”, Người Nghèo trước, Trái Đất sau, trong cả hai bài Kinh mà chúng tôi đánh
ký hiệu A và B. Cuộc “chiến đấu cho công lý…” là nhằm bảo vệ quyền lợi cho cặp
đôi này).
A.- Lời Cầu Nguyện
Cho Trái Đất Của Chúng Ta
(có thể chia sẻ với tất cả những ai tin vào
Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa Toàn Năng)
Lạy Thiên Chúa Toàn
Năng,
Chúa hiện diện trong toàn cõi vũ trụ
và cả trong thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa,
Chúa dịu dàng ôm ấp tất cả mọi loài hiện hữu,
xin đổ xuống trên chúng con sức mạnh tình yêu của Chúa
để chúng con có thể chăm sóc sự sống và vẻ đẹp (của muôn
loài).
Xin làm cho sự bình an ngập tràn chúng con,
để chúng con sống với nhau như anh em, chị em
mà không làm hại một ai.
Lạy Thiên Chúa của
người nghèo,
xin giúp chúng con biết cứu vớt
những người bị bỏ rơi và bị quên lãng trên trái đất này
họ thật quý giá trước mặt Chúa.
Xin chữa lành đời sống chúng con
để chúng con bảo vệ chứ không cướp bóc thế giới,
để chúng con gieo trồng vẻ đẹp
chứ không gieo rắc sự ô nhiễm và hủy hoại.
Xin chạm đến trái tim
những người chỉ biết tìm lợi ich cho mình
mà lại gây hại cho người nghèo và trái đất.
Xin dạy chúng con khám phá giá trị của từng sự vật,
chiêm ngưỡng với thái độ thán phục,
xin dạy chúng con nhận biết mình được liên kết sâu sắc
với mọi loài thụ tạo
trên con đường tiến về ánh sáng vô biên của Chúa.
Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa hằng hiện diện với chúng
con mỗi ngày.
Chúng con cầu xin Chúa nâng đỡ chúng con
trong cuộc chiến đấu cho công lý, tình yêu và hòa
bình.
B.- Lời cầu nguyện của Kitô hữu trong sự hiệp
nhất với các thụ tạo
(để chúng ta là Kitô hữu biết đảm nhận những
nhiệm vụ phải chu toàn đối với công trình tạo dựng do Phúc Âm của Chúa Giêsu đề
xướng – Vì nhận ra bố cục bài kinh này gồm 4 khúc với khoảng cách lớn giữa
các khúc, nên chúng tôi mạn phép thêm một gạch nhỏ đầu mỗi khúc).
-Lạy Cha, chúng con
ngợi khen Cha cùng với muôn loài thụ tạo,
mà Cha đã dựng nên bằng đôi tay quyền năng của Cha.
Chúng thuộc về Cha
và mang đầy sự hiện diện và sự dịu dàng của Cha.
Chúng con ngợi khen Cha (Laudato Si’)!
-Lạy Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa,
nhờ Chúa mà muôn vật được tác tạo.
Chúa được hình thành trong cung lòng từ mẫu của Đức
Maria,
Chúa trở nên một phần của trái đất này,
Chúa chăm chú nhìn ngắm thế giới này bằng cặp mắt người
phàm.
Hôm nay Chúa vẫn sống động trong mỗi thụ tạo
với vinh quang của Chúa là Đấng Đã Phục Sinh.
Chúng con ngợi khen Chúa (Laudato Si’)!
-Lạy Chúa Thánh
Thần, nhờ ánh sáng của Chúa
Chúa điều khiển thế giới này hướng về tình yêu Chúa Cha
và đồng hành với tiếng rên siết của tạo thành,
Chúa cũng đang sống trong trái tim chúng con
để thúc đẩy chúng con làm điều thiện.
Chúng con ngợi khen Chúa (Laudato Si’)!
-Lạy Chúa là Thiên
Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi,
cộng đoàn tuyệt diệu của tình yêu vô biên,
xin dạy chúng con chiêm ngắm Ngài
trong vẻ đẹp của vũ trụ,
trong đó mọi sự đều nói với chúng con về Ngài.
Xin khơi lên trong chúng con lời ngợi khen và lòng tri ân
cảm tạ
vì tất cả mọi sự Ngài đã dựng nên.
Xin ban ân sủng cho chúng con, để chúng con
cảm nhận được rằng chúng con được liên kết mật thiết với
mọi loài đang hiện hữu.
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin chỉ cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế
giới này
như là khí cụ chuyển trao tình yêu âu yếm của Ngài
cho tất cả mọi thụ tạo trên trái đất,
vì không một thụ tạo nào bị lãng quên trong ánh mắt của
Ngài.
Xin soi sáng cho những ai đang làm chủ quyền lực và tiền
bạc
để họ tránh cái tội vô tâm,
để họ coi trọng thiện ích chung, thăng tiến người yếu
đuối [12]
và chăm sóc thế giới mà chúng con đang sống.
Người nghèo và trái đất đang kêu gào:
Lạy Chúa, xin dùng quyền năng và ánh sáng của Chúa mà đón
nhận lấy chúng con,
để bảo vệ mọi sự sống,
để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn,
để vương quốc của Chúa trị đến,
vương quốc của công lý, hòa bình, tình yêu
và vẻ đẹp.
Chúng con ngợi khen Chúa (Laudato Si’)!
Amen.
Phụ trương 2
Những gì chúng tôi đã trình bày tại điểm j/3, Đề tài 3: “Không thể thiếu một nền thần bí”,
cho thấy ĐGH Phanxicô rất coi trọng nền thần bí, hiểu theo nghĩa “đời sống
thần bí” như được giải thích trong sách GLHTCG số 2014. Thế mà bản dịch của
Caritas VN đã phớt lờ đề tài này, thậm chí hiểu sai nghiêm trọng tư tưởng của
ĐGH.
1. Thật vậy, tại số 216, câu sau đây: “Nam haud possibile erit magnis rebus
operam dare tantum quasdam per doctrinas, absque mystica quae nos animet,
absque ‘interioribus motibus qui impellunt, dant rationem, animum addunt et
sensum praebent personali et communi actioni’”, đã được phiên dịch như sau: “Sự dấn thân cao cả này không thể được duy trì bởi học thuyết mà
không có nền linh đạo gợi hứng, một ‘động lực nội tâm khích lệ, động viên,
nuôi dưỡng và mang lại ý nghĩa cho hoạt động cá nhân và cộng đoàn của chúng
ta’”.
Đáng tiếc là bản dịch của Caritas VN, vì theo sát bản Anh, nên đã tránh
từ “thần bí” (mystica = une mystique)
và thay thế bằng cụm từ “một
nền linh đạo gợi hứng = a spirituality capable
of inspiring us”. Cách làm này của bản Anh và bản Việt không phải
là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng có thể hiểu như một cách giảm nhẹ nghĩa
của từ mystica trong nguyên bản Latin,
mà các bản Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Đức đã dịch rất sát. Phải chăng cố tình giảm
nhẹ như thế là do có thành kiến tiêu cực hoặc mặc cảm đối với đề tài “đời sống thấn bí”?
2. Một sai lầm nghiêm trọng hơn đã xảy ra với câu đầu tiên của số 78
trong bản Việt của Caritas VN. Nguyên bản Latin của câu đó: “Eodem tempore
mythicam rationem de natura detraxit Iudaica christiana schola” đã được phiên dịch như sau: “Đồng thời, tư tưởng Do Thái-Kitô giáo giảm bớt đi chiều kích
thần bí của thiên nhiên”. Các dịch giả đã nhầm lẫn “mythicam” với “mysticam” – chỉ hơn thua nhau một chữ “s”, nhưng ngữ nghĩa của hai
từ ấy thì cách xa nhau một trời một vực! “Mythicam rationem” là “chiều kích huyền thoại” với nghĩa
bị Giáo Hội Công Giáo đánh giá tiêu cực, còn “mysticam rationem” là “chiều kích thần bí hoặc thần hiệp, nhiệm hiệp” được chính ĐGH Phanxicô đánh
giá rất tích cực theo đúng hướng của sách GLHTCG (số 2014).
Bản Việt của Caritas VN phạm lỗi nhầm lẫn như thế, trong lúc bản Anh đã
dịch rất đúng câu Latin đó: “At the same time, Judaeo-Christian thought demythologized
nature”, giống như bản Ý (“il pensiero ebraico-cristiano ha demitizzato
la natura”) và bản Đức (“Zugleich entmythologisierte das
jüdisch-christliche Denken die Natur”). Điều này chứng tỏ họ cũng không trung thành với bản Anh mà họ đã chọn
làm bản gốc! Về chi tiết đang bàn, bản Pháp cũng nhầm lẫn như bản Việt của
Caritas: “En même temps, la pensée judéo-chrétienne
a démystifié la nature”,
đang lý phải dịch là “a démythifié la nature ” (nhưng hình
như động từ tiếng Pháp “mystifier” (=
lừa phỉnh ai để chọc ghẹo…, theo Petit Robert) mang một nghĩa tiêu cực, cho nên
“démystifier” lại có nghĩa tích
cực!).
Vậy phải hiểu chính xác câu đó như vầy: “Đồng thời, tư tưởng Do Thái-Kitô giáo đã
khử trừ chiều kích huyền thoại ra khỏi thiên nhiên, (bởi lẽ) mặc dù không
ngừng ngưỡng mộ vẻ huy hoàng và sự bao la của nó, tư tưởng này không coi nó
là thần linh”.
Tại số 234, trong câu ĐGH Phanxicô trích từ tác phẩm
của thánh Gioan Thánh Giá, có cụm từ “homo
mysticus”, mà đáng lý các dich giả của Caritas đã phải chuyển ngữ thành “con người thần bí” hoặc “nhà thần bí” như bốn bản Ý, Pháp, Đức
và Anh đã làm một cách trung thành, thì họ lại tránh né dịch trực tiếp cụm từ
ấy và diễn giải nó theo cách của họ: “(nói như thế không có nghĩa là những thứ
hữu hạn trong thế giới này đều thánh thiêng), nhưng vì mầu nhiệm của của sự nối kết thiết thân giữa Thiên Chúa và
mọi hữu thể làm cho chúng ta cảm nhận ‘mọi sự đều là Thiên Chúa’”,
thay vì dịch sát thành: “(nói như thế không có nghĩa là những thứ hữu hạn trong
thế giới này đều mang tính chất thần linh), nhưng vì con người thần bí có một trải nghiệm về sự kết nối
thân thiết giữa Thiên Chúa và mọi hữu thể, khiến người đó cảm
thấy rằng ‘mọi sự đều là Thiên Chúa’”.
3. Riêng những người chuyên phiên dịch các văn kiện của
Tông Tòa sang tiếng Anh được đăng tải trên trang mạng Vatican, chúng tôi đã ghi
nhận trường hợp họ dịch chữ “mystica”
tại số 216 của Laudato Si’ theo hướng
giảm nhẹ ngữ nghĩa của từ ấy (xem mục 1 của Phụ Trương 2 này). Chúng tôi phát
hiện thêm trường hợp thứ hai, và lần này là trong tông huấn Evangelii gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng)
của ĐGH Phanxicô (văn kiện này không có bản Latin). Tại số 281, khi đề cập tới sức mạnh truyền giáo của kinh nguyện chuyển
cầu, ngài viết một câu rất mạnh trong bốn bản Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Đức
như sau:
-Ý: “… perché la contemplazione che lascia fuori
gli altri è un inganno”.
-TBN: “… porque la contemplación que deja fuera a los demás es un engaño”.
-Pháp: “… car la contemplation qui
se fait sans les autres est un mensonge”.
-Đức: “… denn die Betrachtung,
welche die anderen draussen lässt, ist eine Täuschung”.
Cả bốn bản này đều nói lên rằng: “việc
chiêm niệm mà bỏ tha nhân ra ngoài (= không có chỗ cho tha nhân), thì đó là một
sự đánh lừa (theo bản Ý, TBN, Pháp), hoặc một ảo tưởng (theo bản Đức).
Còn bản Anh chỉ viết nhẹ nhàng:
“… since
authentic contemplation always has a place for others”, được Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN
dịch thành: “… vì chiêm niệm đích thực luôn
có chỗ cho người khác”.
Dĩ nhiên là không sai ý của ĐGH một cách nghiêm trọng,
nhưng bản Anh đã mài dũa cái mũi nhọn của câu nói ấy trong bốn ngôn ngữ lớn của
châu Âu khiến nó bớt sắc bén đi rất nhiều. Mà trong thực tế người ta được phép
tin rằng Ngài đã soạn hoặc nháp tông huấn ấy trước tiên bằng tiếng Ý là tiếng
“mẹ đẻ”, hoặc tiếng Tây Ban Nha là “ngôn ngữ quốc gia” của ngài. Từ đó người ta
mới dịch sang tiếng Anh và những ngôn ngữ khác. Vậy bản Anh có đáng tin bằng
bốn bản kia không? Mà bản dịch chính thức do Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thực
hiện lại “dựa trên
bản tiếng Anh chính thức của Vatican”. Đành rằng ai đó có thể phản biện:
“bản Anh cũng được phổ biến trên trang mạng Vatican, thì cũng là chính thức,
ngang hàng với các bản khác, nên không có gì sai đâu…”. Vậy bản dịch tiếng Việt
chính thức sách Giáo Lý của Hội Thánh
Công Giáo”, được chính Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tông Tòa “chấp thuận cho ấn hành (imprimi potest)”,
mà cũng có ít nhất hai lần (và có thể là không chỉ hai lần mà thôi) dịch sai ý
của bản gốc Latin, tại số 486 (về việc xức dầu cho Đức Giêsu) và số 1241 (về
việc xức dầu cho Kitô hữu), như chúng tôi đã chứng minh trong bài “Ai xức dầu cho Đức Giêsu và các Kitô hữu?”.
Thế thì, phải chăng cứ chấp nhận cách tối mặt bản dịch chính thức ấy như chân
lý tuyệt đối mà không được phép đề nghị chỉnh sửa những sai lầm có thật sao?
Đối với hai bản dịch chính thức: tông
huấn Niềm Vui của Tin Mừng và thông
điệp Laudato Si’ do hai cơ quan chính thức của HĐGMVN thực hiện, nếu dựa
vào bản tiếng Anh của Vatican, thì cũng nên đối chiếu nghiêm túc với bản Latin,
nếu có, như Laudato Si’, và bản Ý
hoặc Tây Ban Nha… và cả bản Pháp nữa, như trường hợp Evangelii gaudium. Ít nhất nên có một ghi chú: dựa trên bản Anh thì
dịch như thế đó, nhưng theo các bản Latin, Ý (và TBN, và Pháp…) thì có thể hiểu
như thế kia…, để cho độc giả rộng đường suy nghĩ…
Phi Khanh Vương Dình Khởi, ofm
Chia sẻ tại khóa thường huấn
Linh Mục Đoàn Đàlạt, 21-22/6/2017
***
Hai đề tài được đề nghị cho các Nhóm thảo luận
(có thể theo ba bước “XEM-XÉT-LÀM”):
1. Giáo
dục đức công bằng và ý thức về thiện ích chung, đặc biệt về đề tài tế nhị: “của
cải (là) để mưu ích cho mọi người” (x. số 93-94) và “quyền sở hữu
tư nhân tuy là chính đáng, nhưng chỉ là để quản lý cho thiện ích chung của mọi
người” (x. số 95).
2. Chúng
ta phải hiểu thế nào là tội chống lại Trái Đất, và giải thích thế nào cho giáo
dân hiểu, để xưng tội (x. số 8-9 và thư của ĐGH Phanxicô đề ngày 6-8-2015 gửi
hai ĐHY Peter Turkson và Kurt Koch, về việc thiết lập ngày cầu nguyện cho sự
chăm sóc thiên nhiên (ngày 1 tháng 9 hằng năm).
[1] Latin là: latos regenerationis processus
= Ý: lunghi
processi di rigenerazione = Pháp: de
longs processus de régénération = Anh: a
long path of renewal). Chúng ta hiểu “Tái
sinh” thay vì “canh tân” như
Caritas đã dịch theo bản tiếng Anh! Vì “tái sinh” có nghĩa sâu sắc hơn “canh
tân”.
[2] Chúng tôi buộc lòng phải dịch lại đoạn quan trọng này của số 192 theo
sát bản Latin, đã được ba bản Ý, Pháp và Đức chuyển ngữ một cách vừa trung
thành vừa rất hay, còn bản Anh mà Caritas VN đã theo sát thì lại đi hơi xa bản
Latin!
[3] Bài ca này mang tên là Bài Ca Anh Mặt
Trời hoặc Bài Ca Vạn Vật, hay Bài Ca các thụ tạo, gồm 14 câu, thì ĐGH
Phanxicô đã trích nguyên văn vào thông điệp này 8 câu, mà cả một cụm sáu câu nằm
gọn trong số 87 (tức các câu 3 và 4: về Ông
Anh Mặt Trời; câu 5 về Chị Trăng và
muôn Sao; câu 6 về Anh Gió+Không
Khí+Mây Trời; câu 7 về Chị Nước;
câu 8 về Anh Lửa); còn câu 9 về Chị và Mẹ Đất được trích ưu tiên vào số
1, mở đầu thông điệp; và câu 10 về những
người biết thứ tha… được đưa vào số 91.
[4] Theo bản gốc Latin: “EDUCATIO AD FOEDUS INTER HOMINES ET AMBITUM”, ta
phải hiểu là: giáo dục nhằm dẫn
đưa Dân Chúa tới sự hiểu biết và thực hành giao ước giữa nhân loại và môi trường. Chữ “về” tiếng Việt có thể coi như tương đương với chữ “ad” Latin theo nghĩa “hướng về và nhằm đạt tới”.
[5] không nên dịch thành “quyền công
dân sinh thái” như Caritas VN đã làm!
[6] Xem Phụ Trương 2 ở cuối bài này.
[7] Ví dụ: ơn được mang năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, như
thánh Phanxicô Assisi, thánh Piô Pietrelchina; Thánh Nữ Faustina Kowalsky được
Chúa Giêsu mạc khải riêng về lòng thương xót …
[8] Để giảm bớt thành kiến tiêu cực đối với từ “thần bí” và tránh cách hiểu “đời
sống thần bí” theo hướng nhấn mạnh và đề cao khía cạnh ngoại thường, thì có
thể dùng kiểu nói “đời sống thần hiệp”
hoặc “đời sống nhiệm hiệp” [x. Từ Điển Công Giáo 2016, mục từ “hiệp đạo”, tr. 391; chỉ tiếc rằng Ban Từ
Vựng Công Giáo đã nhấn mạnh và đề cao khía cạnh “khác lạ”, “ngoại thường” khi định
nghĩa “(nhà) thần bí” (tr. 818-819)
và “kinh nghiệm thần bí ” (tr. 494).
Tại trang 494 này Ban Từ Vựng có vẻ hiểu không chính xác nghĩa của GLHTCG số
2014, khi biến cái bình thường theo GLHTCG, mà họ gọi là “nghĩa rộng”, thành
cái khác lạ, ngoại thường mà họ gọi là “nghĩa hẹp” và gán cho “kinh nghiệm thần
bí”. Trái lại, khi nói “không thể thiếu một
nền thần bí ” (tại số 216 của Laudato
Si’), ĐGH Phanxicô hiểu “thần bí”
theo nghĩa của GLHTCG số 2014: mọi Kitô hữu đều được kêu gọi đi vào đời sống kết
hiệp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô…; đó chính là đời sống thần bí, hoặc thần hiệp hay nhiệm hiệp
mà họ phải vun đắp].
[9] Trong bản Latin, chúng ta đọc thấy: “Sanctus
Franciscus nobis tradidit…= thánh Phanxicô đã truyền đạt cho chúng ta…”,
nhưng chắc là đã xảy ra một lỗi in ấn (đáng lý, theo văn mạch, phải viết “sanctus franciscanus”), vì các bản Ý,
Pháp, Đức và Anh đều dịch là “Vị thánh của Dòng Phan Sinh” (le saint
franciscain), tức thánh Bonaventura, vừa được nhắc tên cách hai câu trước đó.
[10] Câu mở đầu số 240 là một định
nghĩa tín lý rất khó phiên dịch và diễn giải: “Divinae Personae sunt relationes subsistentes”. Các bản Ý, Pháp, Đức, Anh đều dịch tính từ Latin
“subsistentes” giống nhau: “Ý: relazioni sussistenti = Pháp: relations
subsistantes = Đức: subsistente Beziehungen = Anh: subsistent relations”. Bản
dịch của Caritas VN: “Các Ngôi Vị Thiên
Chúa là (những) mối tương quan hỗ tương” hình như không đúng, vì “hỗ tương”
có nghĩa là trao đổi qua lại song phương (réciproques = mutuelles). Có lẽ nên
dịch là “những mối tương quan lập hữu”
(dựa theo Từ Điển và Danh Từ Triết Học
của Trần Văn Hiến Minh, Tủ sách Ra Khơi 1966, trang [115]). Tương quan giữa
Ngôi Thứ Nhất và Ngôi Thứ Hai là tương quan nhiệm sinh và thụ sinh: Vì Ngôi I
sinh ra Ngôi II, nên Ngôi I được “lập” làm Cha, còn Ngôi II được “lập” làm Con,
nghĩa là đặc tính hữu thể của Ngôi I là “Cha”, và đặc tính hữu thể của Ngôi II
là “Con”. Vì Ngôi I cùng với Ngôi II chủ động nhiệm xuy (spirare) ra Ngôi III,
nên đặc tính hữu thể của Ngôi I và Ngôi II là nguồn gốc chủ động nhiệm xuy; đặc
tính hữu thể của Ngôi III là “thụ xuy” (x. Từ
Điển Công Giáo của Ban Từ Vựng Công Giáo, ấn bản 2016, tr. 646-647). – Việc
phiên dịch và giải nghĩa câu mở đầu số 240 này, xin dành cho các giáo sư Thần
học tín lý thẩm định.
[11] Xem Phụ Trương 2 dưới đây
[12] ĐGH dùng từ Latinh “infirmi”, mà các bản dịch sinh ngữ chuyển ngữ thành “i deboli” (Ý), “les faibles” (Pháp), “die Schwachen” (Đức), “the weak”
(Anh): theo nghĩa thông thường là “những
người yếu đuối, yếu ớt” về phương diện thể lý hay luân lý. Nhưng nếu hiểu
theo ngữ cảnh của cặp đôi nạn nhân “Người
Nghèo và Trái Đất” được ĐGH nhấn mạnh từ đầu (tức số 2) đến cuối (tức số
246) của thông điệp, thì có lẽ nên hiểu là “những
người yếu thế” về phương diện xã hội.