CHƯƠNG NĂM

SỰ HỢP TÁC CỦA GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI

 

53. Cô đơn là một trong những cái nghèo thê thảm nhất mà con người có thể kinh nghiệm được. Quan sát kĩ thì các cảnh nghèo khác, kể cả nghèo vật chất, cũng bắt nguồn từ cô lập, không được yêu hoặc gặp khó khăn trong yêu thương. Các cảnh nghèo thường bắt nguồn từ việc khước từ tình yêu thiên chúa, từ việc con người tự đóng kín nơi mình cách thảm hại, vì cho rằng, chỉ có mình là đủ, hoặc nghĩ rằng, mình chỉ là một “khách lạ” xuất hiện hoàn toàn tình cờ, vô nghĩa và chóng qua trong vũ trụ này. Con người bị vong thân, khi nó sống một mình hay bị tách khỏi thực tế, khi nó không chịu nghĩ về và chấp nhận một nền tảng cho đời mình [125]. Cả nhân loại sẽ bị vong thân, khi họ chỉ biết tuân theo các chương trình, í thức hệ và những mộng tưởng sai lầm của họ [126]. Ngày nay xem ra nhân loại có quan hệ tương tác với nhau nhiều hơn xưa: Sự gần gũi phải làm sao đưa con người đi tới một cộng đồng thực sự. Công cuộc phát triển các dân tộc tuỳ thuộc trước hết vào việc mọi người cùng nhận ra rằng, mình thuộc vào một đại gia đình duy nhất, cùng hợp tác với nhau trong một cộng đoàn thật sự, và cộng đoàn này được hình thành từ những chủ thể không phải chỉ sống bên cạnh nhau mà thôi [127].

Giáo chủ Phao-lô VI cho hay, “thế giới bị bệnh, vì nó thiếu tư tưởng [128]. Câu nói này cho thấy một nhận định, đặc biệt một ước mong: Cần phải có một đà tư duy mới, để mới hiểu được rõ hơn thân phận lệ thuộc của mình vào một gia đình chung. Những tương tác qua lại giữa các dân tộc trên địa cầu bắt chúng ta phải có đà tư duy ấy, để sự hội nhập nhân loại được thực hiện trong liên đới [129] chứ không phải bằng dồn nén. Một tư duy như thế buộc chúng ta đồng thời phải có một cái nhìn đào sâu phê phán về phạm trù quan hệ. Đây là một công tác không thể thực hiện được bởi riêng các nhà khoa học xã hội; nó đòi hỏi cả kiến thức từ các lãnh vực như siêu hình học và thần học, để mới thấu tỏ được phẩm giá siêu việt của con người.

Là một tạo vật của Thiên Trí, con người hoàn thiện bản thân mình qua những quan hệ giữa người và người. Càng sống thực với quan hệ đó, bản chất riêng tư của họ càng trở nên chín chắn. Con người không thể hoàn thiện bằng cách tự tách ra một mình, nhưng bằng cách lập quan hệ với nhau và với Thiên Chúa. Í nghĩa của các quan hệ đó như vậy quả là nền tảng. Điểm này cũng đúng cho các dân tộc. Ta có thể lấy hình ảnh quan hệ của con người trên đây áp dụng cho sự phát triển của các dân tộc. Về điểm này, mạc khải kitô giáo sẽ giúp cho lí trí sáng kiến và định hướng. Theo mạc khải kitô giáo, nhân vị không bị biến tan đi trong cộng đoàn, khả năng tự quyết độc lập của nó không bị tiêu huỷ, như vẫn xẩy ra trong nhiều loại thể chế độc tài. Trái lại, theo lối nghĩ kitô giáo, cộng đoàn tiếp tục công nhận nhân vị, là vì quan hệ giữa cá nhân và cộng đoàn là quan hệ giữa một toàn thể với một toàn thể [130]. Gia đình không bao giờ nuốt trửng những thành viên tạo nên gia đình đó. Chính Giáo hội cũng không xoá tan đi những “tạo vật mới” (xem Ga 6,15; 2 Co 5,17) được tháp nhập vào mình qua bí tích rửa tội, nhưng trái lại vẫn đề cao từng cá nhân. Thì cũng vậy, việc thống hợp trong gia đình nhân loại sẽ không làm tan biến đi những con người, dân tộc và các nên văn hoá, nhưng trái lại sẽ giúp họ thông suốt với nhau hơn và nối kết họ chặt chẽ hơn trong sự đa dạng có quyền có của họ.

 

54. Đề tài phát triển các dân tộc cũng trùng hợp với việc đưa toàn thể con người và dân tộc vào trong cộng đoàn của một gia đình nhân loại, một gia đình được liên kết hình thành trên nền các giá trị căn bản của hoà bình và công lí. Để hiểu quan điểm này, cứ nhìn vào hình ảnh ba ngôi Thiên Chúa. Ba ngôi trong một Thiên Chúa độc nhất, vì thế ba ngôi chỉ là quan hệ thuần tuý. Giữa ba ngôi vị có sự trong sáng hỗ tương toàn diện và có mối liên kết trọn vẹn, vì ba ngôi là một hợp nhất và duy nhất tuyệt đối. Thiên Chúa cũng muốn đón nhận chúng ta vào thực tại cộng đoàn này: “để họ nên một, như chúng ta nên một” (Gio 17,22). Giáo hội là chỉ dấu và dụng cụ của sự hợp nhất đó [131]. Cả những tương quan giữa người và người trong dòng lịch sử cũng có thể nhận được toàn là điều lợi từ mẫu hình thiên linh đó. Đặc biệt nhờ ánh sáng mạc khải nơi mầu nhiệm Ba Ngôi chúng ta hiểu được rằng, một sự mở ra đích thực không có nghĩa là bị tung vãi đi mất, nhưng lại là một thẩm thấu vào chiều sâu. Điều này cũng thấy được qua kinh nghiệm chung của con người về tình yêu và sự thật. Cũng như bí tích tình yêu nối hai người thành “một xương thịt” (St 2,24; Mat 19,5; Eph 5,31) và làm cho họ trở thành một kết hợp duy nhất trong quan hệ thế nào, thì sự thật cũng bằng cách đó nối những gì thuộc lí trí lại với nhau và giúp chúng tư duy trong hoà hợp, bằng cách thu hút chúng vào trong mình và kết hợp chúng lại.

 

55. Mạc khải kitô giáo về sự hiệp nhất nhân loại đòi hỏi một lối giải thích siêu hình về con người, con người này mang một yếu tố nền tảng, đó là khả năng lập quan hệ. Các nền văn hoá và tôn giáo khác cũng dạy về tình huynh đệ và hoà bình, và như vậy cũng đặt vấn đề phát triển con người toàn diện lên vị trí quan trọng. Tuy nhiên cũng có những thái độ tôn giáo và văn hoá không chấp nhận trọn vẹn nguyên tắc tình yêu và sự thật, nên rốt cuộc chúng kìm hãm hoặc ngay cả ngăn cản sự phát triển đích thực của con người. Thế giới ngày nay đang sống trong cơn lốc của một vài nền văn hoá nhuốm màu tôn giáo chủ trương không nối kết con người lại thành cộng đoàn, nhưng cô lập họ và thúc đẩy họ mỗi người tìm lấy hạnh phúc riêng cho mình, bằng cách giới hạn hạnh phúc này vào trong việc thoả mãn những khát vọng tâm lí. Có những lối sống tôn giáo của một số nhóm hay của một số cá nhân và chủ trương cào bằng tôn giáo cũng có thể là những yếu tố gây phân tán hay tạo nhụt chí dấn thân. Một tác động tiêu cực có thể có của tiến trình toàn cầu hoá là khuynh hướng tiếp tay cho chủ trương cào bằng tôn giáo [132], qua đó nuôi sống những thứ “tôn giáo” thay vì giúp con người gặp gỡ nhau thì lại khiến họ bị tha hoá và xa rời thực thế. Đồng thời cũng còn có những gia sản văn hoá và tôn giáo khoá chặt con người trong những giai cấp xã hội, giam hãm họ trong tin tưởng ma thuật, khinh miệt nhân phẩm và bắt con người phục luỵ các mãnh lực huyền bí. Trong những trường hợp này, chắc chắn sẽ có những nguy hại cho sự phát triển nhân bản đích thật, vì ở đó tình yêu và sự thật khó mà chen chân và ảnh hưởng được.

Nếu một đàng cần tôn giáo và văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau cho việc phát triển, thì đàng khác cũng cần phải phân biệt đúng đắn những văn hoá và tôn giáo đó. Tự do tôn giáo không có nghĩa là dửng dưng với tôn giáo và cũng không có nghĩa là mọi tôn giáo đều như nhau [133]. Sự phân biệt về mặt đóng góp của các nền văn hoá và tôn giáo trong việc xây dựng cộng đồng xã hội và trong việc phục vụ lợi ích chung là điều cần thiết, đặc biệt cho những nhà nắm quyền chính trị. Phân biệt đó phải dựa trên yếu tố tình yêu và sự thật. Vì đây là điểm liên hệ quyết định cho sự phát triển con người và các dân tộc, phân biệt đó cần phải để í đến hai yếu tố: khả năng giải phóng con người và khả năng dẫn con người bước vào một cộng đoàn hoàn vũ thực sự. “Con người toàn diện và tất thảy mọi người” cũng là tiêu chuẩn để đánh giá các văn hoá và các tôn giáo. Kitô giáo, đạo của “Thiên Chúa có khuôn mặt người [134], chính là tôn giáo mang trong mình tiêu chuẩn đó.

 

56. Kitô giáo và các tôn giáo khác chỉ có thể đóng góp phần mình vào phát triển, khi Thiên Chúa cũng có chỗ đứng trong lãnh vực công và Người có một vai trò đặc biệt trên bình diện văn hoá, xã hội, kinh tế và nhất là chính trị. Học thuyết xã hội công giáo hình thành là để đòi hỏi “quy chế quyền công dân [135] của đạo Kitô. Phủ nhận quyền công khai tuyên xưng tôn giáo của cá nhân hoặc tập thể hay quyền được giảng dạy công khai về các chân lí đức tin sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển chân thực. Chủ trương loại tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cũng như chủ trương bảo căn tôn giáo sẽ ngăn cản việc gặp gỡ giữa con người và việc cộng tác của họ cho tiến bộ nhân loại. Chúng lấy đi nhiệt huyết trong cuộc sống công cộng và làm cho bộ mặt chính trị ra hung hãn và khó được chấp nhận. Nhân quyền có nguy cơ bị chà đạp, vì nền tảng siêu việt của chúng đã bị lấy mất hoặc vì tự do cá nhân không còn được công nhận. Dưới chế độ bảo căn hay thế tục hoá sẽ không thể có được cuộc đối thoại hữu hiệu và không có được sự hợp tác lành mạnh giữa lí trí và niềm tin tôn giáo. Lí trí luôn cần được thanh tẩy bởi đức tin; và điều này cũng đúng cho lí trí chính trị, lí trí này không được phép coi mình là toàn năng. Về phần mình, tôn giáo cũng luôn cần được lí trí thanh tẩy, để có thể tỏ hiện được khuôn mặt người đích thực của nó. Gạt bỏ cuộc đối thoại giữa lí trí và đức tin, việc phát triển nhân loại sẽ phải trả giá nặng nề.

 

57. Cuộc đối thoại tốt đẹp giữa đức tin và lí trí chắc chắn sẽ làm cho tình bác ái thêm hữu hiệu và tạo khung cảnh phù hợp cho sự hợp tác huynh đệ giữa kẻ tin và người vô tín có cùng một mục đích dấn thân và hỗ trợ cho hoà bình và công lí nhân loại. Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng viết: “Người tin và kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột đỉnh của chúng [136]. Đối với kẻ tin, thế giới không phải là sản phẩm của tình cờ hay tất yếu, nhưng nó là kết quả một kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, kẻ tin có bổn phận phải cố gắng kết hợp với những người thiện chí khác - tín đồ của các tôn giáo khác hay những người không tin -, để cho kế hoạch của Thiên Chúa được hiện thực trong thế giới này: trở nên một gia đình cùng chung sống trong sự quan phòng của đấng Tạo Hoá. Dấu chỉ đặc trưng của tình yêu và tiêu chuẩn định hướng cho hợp tác huynh đệ giữa người tin và kẻ không tin chắc chắn phải là nguyên tắc bổ trợ (còn gọi là phụ đới) [137], là nguyên tắc thể hiện sự tự do bất khả nhượng của con người. Nguyên tắc phụ đới trước hết là một sự trợ giúp cho con người thông qua sự độc lập của các nhóm và hội đoàn trung gian. Khi con người và những chủ thể xã hội tự sức mình không thể hoàn thành được vai trò, thì họ sẽ nhận được trợ giúp đó, và giúp đỡ này luôn hướng tới giải phóng con người, bởi vì nó thúc đẩy sự tự do và sự tham gia qua việc đảm nhận trách nhiệm. Nguyên tắc bổ trợ tôn trọng phẩm giá con người, coi con người là một chủ thể luôn có khả năng trao tặng một cái gì cho kẻ khác. Vì nguyên tắc bổ trợ công nhận tính hỗ tương là bản chất thẳm sâu nhất của con người, nên nó là phương tiện hữu hiệu nhất chống lại mọi thứ hệ thống xã hội nặng tính gia trưởng. Nó vừa có thể giải thích được cấu trúc đa dạng của các hệ cấp xã hội và vì thế nói lên sự đa dạng của các chủ thể, lại vừa giải thích được sự xếp đặt của chúng. Như vậy, đó là một nguyên tắc đặc biệt thích hợp cho việc điều hướng toàn cầu hoá và hướng toàn cầu hoá phục vụ cho sự phát triển con người đích thực. Để tránh rơi vào nguy cơ độc quyền sức mạnh cấp hoàn vũ, việc điều hướng toàn cầu hoá phải mang tính bổ trợ, nghĩa là phải đi từ nhiều cấp và từ nhiều lãnh vực khác nhau. Toàn cầu hoá hẳn đòi hỏi phải có một thẩm quyền, bởi vì đây là một công ích cần có sự hợp tác hoàn vũ; nhưng một thẩm quyền như thế phải được tổ chức theo lối bổ trợ và đa cực [138], thì mới thực sự hữu hiệu và không làm thương tổn tự do.

 

58. Nguyên tắc bổ trợ phải đi được đi liền với nguyên tắc liên đới và ngược lại. Là vì nếu thiếu liên đới, bổ trợ sẽ rơi vào chủ nghĩa cục bộ xã hội; trái lại, nếu liên đới mà thiếu bổ trợ thì nó sẽ rơi vào một hệ thống xã hội khống chế và áp bức kẻ cần giúp đỡ. Quy luật thông thường này cũng phải được cân nhắc trong những viện trợ phát triển trên bình diện quốc tế. Những viện trợ này có thể khiến cho dân tộc nhận giúp đỡ trở thành lệ thuộc nước viện trợ, dù đó không phải là hậu í ban đầu của nước viện trợ; chúng cũng có thể làm gia tăng tình trạng độc tài và bóc lột ngay trong nước nhận viện trợ. Để cho viện trợ trở nên đúng nghĩa, kẻ cho không được có hậu í xấu. Họ phải làm sao có được sự cộng tác không những của chính quyền sở tại, mà cả của các nhà làm kinh tế, văn hoá và giáo hội địa phương. Các chương trình viện trợ phải ngày càng chú tâm nhiều hơn tới yếu tố bổ sung và tham gia từ dưới. Rõ ràng trong các nước nhận viện trợ nhân sự là nguồn tài nguyên lớn hơn cả: Đó là nguồn vốn đích thực phải tăng gia, để những quốc gia nghèo nhất bảo đảm được tương lai độc lập thật sự cho họ. Cũng phải nhớ là, trên lãnh vực kinh tế, sự trợ giúp chính yếu mà các quốc gia kém phát triển cần là làm sao giúp cho hàng hoá sản phẩm của họ từng bước đi vào được các thị trường thế giới, và như vậy họ có được cơ may tham dự trọn vẹn vào đời sống kinh tế quốc tế. Trong quá khứ người ta thường lợi dụng sự giúp đỡ để biến quốc gia nhận viện trợ thành thị trường phụ tiêu thụ sản phẩm của mình. Nhưng dân chúng tại các nước này thường ít có nhu cầu thực sự về những sản phẩm đó. Vì vậy, điều thiết yếu là làm sao giúp cho các nước này hoàn thiện sản phẩm của họ để đáp ứng nhu cầu của chính họ. Một số nước lo sợ hậu quả cạnh tranh khi nhập hàng hoá – thường là sản phẩm nông nghiệp – của các nước nghèo vào. Nhưng họ phải hiểu rằng, đối với các nước nghèo, bán được sản phẩm hàng hoá của mình ra ngoài là cơ may sống còn của quốc gia họ. Một nền thương mại công bằng và quân bình trên địa hạt nông phẩm có thể mang lợi cho mọi phía, cả phía cung lẫn phía cầu. Vì lí do đó, không những cần làm sao đưa sản phẩm vào thị trường, mà còn phải đặt ra những luật lệ bán buôn quốc tế nhằm hỗ trợ cho những sản phẩm đó, và cần phải có những chương trình tài trợ để giúp tăng năng xuất nông nghiệp nơi các nước nghèo.

 

59. Hợp tác phát triển không chỉ có chiều kích kinh tế mà thôi; nó phải là cơ hội tốt cho những gặp gỡ văn hoá và con người. Nếu những tác nhân hợp tác trong các nước tiền tiến kinh tế không quan tâm gì tới những giá trị văn hoá của mình và của người cũng như những giá trị làm nên bản sắc con người, điều này vẫn xẩy ra, thì họ không thể có được một cuộc đối thoại đi vào chiều sâu với người dân trong các nước nghèo. Mặt khác, nếu người dân các nước nghèo dửng dưng và không biết phân biệt trước những đề nghị văn hoá, thì họ sẽ thiếu trách nhiệm cho tương lai phát triển của họ [139]. Các xã hội tiên tiến về mặt kĩ thuật đừng nghĩ rằng, mình cũng tiến bộ hơn hẳn về mặt văn hoá, mà chính họ lâu lâu cũng phải biết tái khám phá ra những đức tính đã một lần giúp họ thăng hoa trong quá trình lịch sử. Những xã hội đang phát triển cần phải trung thành với những truyền thống nhân bản thực sự của họ, đừng nhắm mắt nhận bừa những gì do toàn cầu hoá mang đến trong cơn lốc văn minh kĩ thuật. Trong mọi nền văn hoá đều có những tương đồng đạo đức cá biệt và đa dạng, chúng là nét biểu hiện của cùng một bản tính con người do đấng Tạo Hoá muốn dựng nên và chúng được minh triết đạo đức của nhân loại gọi là Luật tự nhiên [140]. Luật luân lí phổ quát này là nền tảng vững chắc cho mọi cuộc đối thoại văn hoá, tôn giáo và chính trị và nó làm cho tính đa nguyên muôn dạng của các nền văn hoá khác biệt không tan biến đi trên bước hành trình chung tìm về Chân, Thiện và Thiên Chúa. Sự đồng thuận nơi luật đã được ghi khắc trong tim này, do đó, là điều kiện cho mọi hợp tác xã hội đứng đắn. Trong mọi nền văn hoá đều có những điểm đen cần phải thoát ra và những bóng tối phải tránh. Đức tin kitô giáo, một đức tin đã định hình trong nhiều văn hoá và đã thăng hoa chúng, có thể giúp các nền văn hoá lớn lên trong liên đới và cộng đoàn hoàn vũ, đồng thời mang lại lợi ích cho chúng trên con đường phát triển chung.

 

60. Trên con đường tìm giải đáp cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, viện trợ phát triển cho các nước nghèo phải được coi là một phương tiện đúng tạo ra của cải cho hết mọi người. Có dự án trợ giúp nào khác có thể mang lại tăng trưởng – ngay cả cho kinh tế thế giới – bằng việc hỗ trợ các dân tộc đang bắt đầu hay đã tiến lên đôi chút trên bước đường phát triển kinh tế? Như vậy, các nước tiên tiến kinh tế cần bằng mọi cách nâng cao chỉ số phần trăm tiền viện trợ phát triển trích từ tổng thu nhập quốc gia của mình, ở đây họ dĩ nhiên cũng phải tuân giữ những cam kết mà họ đã chấp nhận trước cộng đồng quốc tế. Họ có thể thực hiện điều này bằng cách duyệt lại chính sách an sinh và liên đới xã hội của nước mình, bằng cách áp dụng nguyên tắc bổ trợ và tạo cơ hội cho các tư nhân và xã hội dân sự tham gia vào những hệ thống an sinh đã đạt được mức hội nhập cao. Bằng cách đó, họ có thể vừa cải thiện chế độ an sinh xã hội vừa tiết kiệm được tiền – kể cả qua thanh toán nạn phung phí và lạm dụng lương bổng - dành cho công tác liên đới quốc tế. Một hệ thống liên đới xã hội có sự tham gia rộng lớn và tổ chức thông suốt hơn, ít nặng tính bàn giấy hơn, hi vọng sẽ tập trung được những nguồn lực tiềm tàng hiện nay vào công cuộc xây dựng đoàn kết các dân tộc.

Một nguồn tiền viện trợ phát triển khác cũng có thể tập trung được bằng việc sử dụng hiệu quả cái gọi là nguyên tắc bổ trợ về thuế khoá, nguyên tắc này cho phép người dân tự quyết định mục đích chi tiêu trên một phần số thuế mà họ đóng cho nhà nước. Nếu tránh được những phân tán cục bộ, thì cách đó có thể sẽ tạo nên những hình thái liên đới xã hội xuất phát từ người dân, cách này dĩ nhiên cũng đánh thức dậy nơi họ tinh thần liên đới cho công tác phát triển.

 

61. Tình liên đới rộng rãi hơn trên bình diện quốc tế được thể hiện đặc biệt qua việc tiếp tục trợ giúp – dù trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế - để mở rộng giáo dục ra cho thật nhiều người. Giáo dục tự nó cũng là điều kiện cơ bản giúp cho hợp tác quốc tế được hữu hiệu. Khái niệm „giáo dục“ không đóng khung trong học vấn trường lớp và dạy nghề mà thôi, cả hai đều là nền tảng quan trọng cho phát triển, nhưng bao gồm toàn bộ huấn luyện con người. Về điểm này, cần phải nhấn mạnh tới một khía cạnh gai góc: Khi giáo dục, ta phải biết con người là gì và đâu là bản tính của nó. Việc khắng định bản tính con người chỉ là tương đối sẽ tạo ra nhiều vấn nạn gia trọng cho giáo dục, đặc biệt giáo dục đạo đức, vì í nghĩa của quan niệm đó sẽ ảnh hưởng lên tầm phổ quát. Một khi chủ trương tương đối đó thắng thế, mọi sự sẽ trở nên nghèo đi. Và điều này sẽ đưa đến những hậu quả tiêu cực, kể cả làm cho việc trợ giúp các dân tộc túng khổ mất đi hiệu năng. Các dân tộc này không những cần các phương tiện kinh tế và kĩ thuật, mà cả những khả thể và phương tiện sư phạm giúp cho họ hoàn thiện bản thân.

Một thí dụ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề là hiện tượng du lịch quốc tế [141], vốn có thể là một yếu tố quan yếu cho việc phát triển kinh tế và văn hoá, nhưng cũng có thể là dịp bóc lột và tạo sa đoạ luân lí. Tình trạng thế giới hiện nay cho ta nhiều cơ hội tuyệt hảo, vì các khía cạnh kinh tế của phát triển, nghĩa là những giao lưu tiền bạc và bước đầu của những kinh nghiệm kinh doanh quan trọng tại chỗ, có thể nối liền với các khía cạnh văn hoá, mà trước hết là giáo dục. Trong nhiều trường hợp, cơ hội trên đã diễn ra. Nhưng cũng không thiếu trường hợp trong đó du lịch quốc tế đã là một biến cố phản giáo dục cho người du lịch lẫn dân chúng địa phương. Dân chúng địa phương thường phải đứng trứơc những lối hành xử vô luân hay đồi bại, như trường hợp gọi là du lịch tình dục, mà nhiều người đã là nạn nhân, kể cả các em thiếu niên. Thật đau lòng là điều này xẩy ra thường với sự đồng í của chính quyền địa phương, với sự im tiếng của các chính quyền của du khách và với sự toa rập của rất nhiều cơ quan du lịch. Cả khi những trường hợp xấu kia không xẩy ra, du lịch quốc tế cũng không hiếm khi nặng tính tiêu thụ và ăn chơi hoang phí, nó được các quốc gia du khách tổ chức như những cuộc chạy trốn, hoàn toàn bất lợi cho những gặp gỡ thật sự giữa các văn hoá và giữa người với người. Vì thế, cần phải nghĩ tới một  cách du lịch khác có khả năng tạo gặp gỡ quen biết, mà vẫn giữ được mục tiêu nghỉ ngơi và giải trí. Lối du lịch này – có được cũng là nhờ sự liên kết chặt chẽ kinh nghiệm của sự hợp tác quốc tế và thuận lợi cho phát triển – cần phải được khuyến khích.

 

62. Một khía cạnh khác cũng cần được quan tâm về phương diện phát triển con người toàn diện là hiện tượng di dân. Hiện tượng này gây chấn động, vì số lượng người di dân đông đảo, vì nó tạo ra những vấn nạn xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo, vì nó tạo ra những thách đố to lớn cho các quốc gia và cho các cộng đồng quốc tế. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước một hiện tượng xã hội mang tính thời đại, đòi hỏi phải có một chính sách mạnh và viễn kiến của sự hợp tác quốc tế, hầu có thể giải quyết nó một cách thích ứng. Chính sách này phải được xuất phát từ sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia gốc và các quốc gia nhận cư. Nó phải được căn cứ theo các yêu cầu quốc tế, để tạo hài hoà cho các trật tự pháp lí khác nhau, hầu vừa bảo vệ người di dân và gia đình họ vừa bảo vệ chính quốc gia tiếp cư. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được các vấn nạn di dân ngày nay. Chúng ta tất cả đều là nhân chứng của gánh nặng và khổ đau, của mất mát và hi vọng xuất phát từ các giòng người di dân. Rõ ràng việc điều hướng hiện tượng di dân quả không đơn giản. Nhưng dù có những khó khăn trong vấn đề hội nhập, người di dân, với sức lao động của họ, là một đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của nước nhận cư, và hơn nữa, qua số tiền gởi về quê hương, họ góp phần vào việc phát triển quốc gia họ. Không thể coi những người thợ mới này như hàng hoá hay đơn thuần là sức lao động. Họ không thể bị đối xử như một yếu tố sản xuất nào đó. Mỗi người di dân là một nhân vị. Là nhân vị, họ có những quyền bất khả nhượng, đòi hỏi phải được tôn trọng bởi tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh [142].

 

63. Khi bàn về vấn đề phát triển, người ta buộc phải nhấn mạnh tới mối liên hệ trực tiếp giữa nghèo và thất nghiệp. Trong nhiều trường hợp, nghèo là vì thiếu tôn trọng “phẩm giá” của lao động con người: Một đàng người nghèo bị mất đi một số cơ may (thất nghiệp, trả lương thấp); đàng khác, “các quyền xuất phát từ lao động, nhất là quyền được trả lương tương xứng và quyền an ninh của người lao động và gia đình họ, đã bị tước mất [143]. Vì thế, nhân dịp ngày lễ lao động 01.05.2000, vị tiền nhiệm đáng nhớ của tôi là Gio-an Phao-lô II đã đưa ra lời kêu gọi về một “liên minh toàn thế giới cổ vũ cho lao động xứng đáng [144]; làm thế là ngài đã hỗ trợ cho chiến lược của Tổ chức Lao động Quốc tế. Bằng cách đó, ngài đã yểm trợ mạnh mẽ về mặt đạo đức cho mục tiêu mà các gia đình trong mọi quốc gia trên thế giới vẫn mong ước đạt tới. Chữ “phẩm giá” dùng cho lao động ở đây có nghĩa gì? Nó có nghĩa là một công việc nói lên phẩm giá căn cơ của mỗi một người nam người nữ trong mọi xã hội: một công việc do mình tự do chọn lựa, nó cho phép những người lao động, nam lẫn nữ, dự phần hữu hiệu vào việc phát triển xã hội của họ đang sống; một công việc mà nhờ có nó người lao động được tôn trọng mà không bị kì thị; một công việc giúp thoả mãn các nhu cầu gia đình và giúp cho con cái được đi học, chứ không buộc phải đi làm như cha mẹ chúng; một công việc cho phép những người lao động tự do kết thành nghiệp đoàn để nói lên tiếng nói phải được quan tâm của họ; một công việc tạo không gian đủ lớn cho họ để họ tìm lại được cội nguồn cá nhân, gia đình và tinh thần của họ; một công việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động lúc về hưu.

 

64. Khi suy nghĩ về đề tài lao động, cũng cần nhắc tới một nhu cầu khẩn thiết là các tổ chức công đoàn của người lao động, vốn được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Giáo hội, phải mở ra cho những viễn tượng mới xuất hiện trong lãnh vực lao động. Ngoài việc giải quyết những vấn nạn vốn có của mình, các tổ chức công đoàn hãy quan tâm tới những vấn đề mới của xã hội chúng ta. Tôi muốn nói tới, chẳng hạn, toàn bộ những vấn đề mà các nhà khoa học xã hội đã nhìn ra qua mối xung đột giữa người lao động và người tiêu thụ. Dù không nhất thiết phải ủng hộ lập luận có một tiến trình chuyển đổi thành công từ vai trò căn bản của người lao động sang vai trò chính yếu của người tiêu thụ, thì xem ra đây cũng là một lãnh vực đáng để các tổ chức công đoàn phát huy kinh nghiệm mới. Khung cảnh toàn cầu của lao động hiện nay cũng đòi hỏi các tổ chức công đoàn quốc gia, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho thành viên mình, phải nhìn rộng ra những người không phải là thành viên và đặc biệt là các công nhân lao động trong các quốc gia đang phát triển, nơi các quyền xã hội thường bị vi phạm. Bảo vệ những đối tượng này, kể cả bằng cách đưa ra những sáng kiến phù hợp cho quốc gia nơi mình cư ngụ, cho phép các tổ chức công đoàn nêu bật lên những lí do đạo đức và văn hoá đích thực, mà họ đã có được - trong một khung cảnh xã hội và lao động khác - để trở thành một yếu tố quyết định cho việc phát triển tại quốc gia họ. Giáo huấn truyền thống của Giáo hội về nhu cầu phải phân biệt vai trò và nhiệm vụ giữa tổ chức công đoàn và chính trị luôn vẫn có giá trị. Việc phân biệt này cho phép các tổ chức công đoàn tìm ra được lãnh vực sinh hoạt phù hợp nhất cho họ trong xã hội dân sự, để bảo vệ và thăng tiến thế giới lao động, đặc biệt nói lên những âu lo ít được xã hội để í của những người lao động ngoài tổ chức đang bị bóc lột.

 

65. Ngoài ra, cũng cần phải cải tiến cơ cấu và quy chế hoạt động của định chế tài chánh. Ta thấy,  thời gian qua, định chế này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới thế nào. Có cải tiến, thì nó mới lại trở nên một dụng cụ tạo tài sản và thúc đẩy phát triển hữu hiệu hơn. Toàn bộ nền kinh tế và nền tài chánh – chứ không phải chỉ một vài lãnh vực của chúng – phải được sử dụng như các công cụ song hành với những tiêu chuẩn đạo đức. Có như thế chúng mới tạo ra được những tiền đề thích hợp cho việc phát triển con người và các dân tộc. Cần và trong nhiều trường hợp phải nhất thiết đưa ra những sáng kiến tài chánh mang nặng tính chất nhân bản. Tuy nhiên, ta cũng không được quên rằng, hệ thống tài chánh nói chung phải có mục đích nâng đỡ phát triển đích thực. Nhất là không được quan niệm rằng, í hướng làm điều tốt cũng còn phải tuỳ thuộc vào khả năng sản xuất của cải thật sự. Các nhà tài chánh phải biết tái khám phá ra nền tảng đạo đức của công việc họ làm, để đừng lạm dụng những dụng cụ tân tiến cho việc lừa gạt những người tiết kiệm. Không bao giờ được tách í hướng ngay thẳng và sự minh bạch ra khỏi việc tìm kiếm lợi nhuận. Nếu tình yêu có trí khôn, thì nó cũng có thể tìm ra những phương tiện giúp cho việc kinh doanh có được tầm nhìn xa và công bằng, như những kinh nghiệm trên địa hạt hợp tác xã tín dụng đã cho thấy.

Cần phải đào sâu và hỗ trợ những kinh nghiệm tích cực cũng như kêu gọi trách nhiệm riêng của những người kí thác tiết kiệm cả trong việc điều hoà lãnh vực chống đầu cơ tai tiếng và bảo vệ những chủ thể yếu kém lẫn trong việc tìm kiếm những hình thái tài chính mới nhằm hỗ trợ cho các dự án phát triển. Cả kinh nghiệm của hệ thống tài chính vi mô, một hệ thống có gốc rễ từ suy tư và hành động của các nhà nhân bản tư sản - ở đây tôi nghĩ đặc biệt tới việc hình thành những cơ sở cầm đồ -, cần phải được khuyếch trương mạnh hơn, đặc biệt trong thời điểm này, là thời điểm trong đó khủng hoảng tài chánh có thể trở nên thảm khốc. Đây là lúc mà nhiều thành phần bất hạnh trong dân chúng cần phải được bảo vệ, để họ tránh rơi vào tay những kẻ cho vay nặng lãi hoặc tránh khỏi rơi vào vô vọng. Phải chỉ cho những chủ thể bất hạnh biết cách chống lại kẻ cho vay nặng lại. Cũng cần chỉ cho các dân tộc nghèo biết cách sử dụng những khoản tiểu tín dụng. Có như thế mới kìm hãm được các mánh lới bóc lột trong hai địa hạt này. Vì trong các nước giàu cũng có những hình thái nghèo mới, nên phương thức tiểu tín dụng có thể cũng là cách giúp tìm ra được những sáng kiến hay lãnh vực mới, giúp cho các thành phần xã hội yếu kém tránh khỏi nghèo túng thêm.

 

66. Mạng lưới liên kết toàn cầu đã làm nảy sinh ra một sức mạnh chính trị mới, đó là sức mạnh của giới tiêu thụ và các hội đoàn của họ. Đây là một hiện tượng cần tìm hiểu, vì nó hàm chứa những yếu tố tích cực cần phải được hỗ trợ, cũng như có những quá lạm cần phải tránh. Điểm tích cực là con người hiểu ra rằng, mua bán không chỉ là một hành vi kinh tế mà thôi, song cũng luôn là một hành vi đạo đức. Vì thế, người tiêu thụ có trách nhiệm xã hội rõ ràng song song với trách nhiệm xã hội của giới kinh doanh. Cần phải liên tục giáo dục cho giới tiêu thụ về vai trò thường ngày vẫn làm của họ [145], để họ có thể thực thi vai trò đó dựa theo các nguyên tắc đạo đức, mà vẫn không coi thường hành vi mua bán kinh tế. Chính trong những thời điểm khó khăn hôm nay, trong đó sức mua có thể giảm sút và sự tiêu dùng có thể phải hạn chế, ta cần nghĩ tới những con đường khác trong lãnh vực mua sắm, chẳng hạn tới các hợp tác xã mua sắm cũng như các hợp tác xã tiêu thụ, đó là những mô thức hình thành từ thế kỉ 19 do sáng kiến của các kitô hữu. Hơn nữa, cần phải nâng đỡ những hình thức tiếp thị mới cho các sản phẩm từ các vùng đất thế giới bị áp bức, để bảo đảm cho người lao động sản xuất các nơi đó có được đồng lương xứng đáng. Muốn thế, thì thị trường phải thật sự minh bạch, những người sản xuất phải không những có được đồng lương cao, mà còn nhận được một nền giáo dục, những kiến thức nghề nghiệp và những phương tiện kĩ thuật tốt hơn, và rốt cuộc, với những kinh nghiệm kinh tế đó, họ có thể tự đo đóng góp vào việc phát triển mà không phải tuân theo một í thức hệ đảng phái nào. Nếu chính người tiêu thụ không bị lợi dụng bởi các hội đoàn không thực sự đại diện cho họ, thì vai trò hữu hiệu của họ sẽ là một yếu tố góp phần dân chủ hoá nền kinh tế.

 

67. Trước sự tương thuộc thế giới ngày càng tăng cũng như trước ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, cả Liên hiệp quốc lẫn các tổ chức kinh tế và tài chánh quốc tế cần phải được cải tổ lại, để nhờ đó quan niệm về một đại gia đình các dân tộc hi vọng có được hình dáng cụ thể và thực hữu. Cũng cần phải gấp rút tìm ra những hình thức mới cho việc áp dụng nguyên tắc trách nhiệm bảo vệ [146] và cho tiếng nói của các quốc gia nghèo có được trọng lượng trong các quyết định quốc tế chung. Cần có một trật tự chính trị, luật pháp và xã hội hỗ trợ việc hợp tác quốc tế và hướng nó vào công cuộc phát triển liên đới giữa mọi dân tộc. Cần khẩn cấp hình thành nên một thẩm quyền chính trị thế giới có thực chất, cơ chế mà vị tiền nhiệm của tôi là chân phước Gio-an XXIII đã nói tới, để điều hướng kinh tế thế giới, để giúp chỉnh đốn lại nền kinh tế các nước bị khủng hoảng kinh tế, để kịp thời chận đứng hậu quả khủng hoảng và không để nó mở rộng thêm bất bình đẳng giữa các dân tộc, để thực hiện được một kế hoạch giảm vũ trang toàn bộ và thích ứng, để nuôi dưỡng an ninh và hoà bình thế giới, để gìn giữ môi sinh và điều phối các làn sóng di dân. Thẩm quyền này phải tuân phục luật pháp, phải tuân giữ triệt để các nguyên tắc phụ đới và liên đới và phải nhắm tới thực hiện công ích [147] cũng như phải phục vụ thật sự cho việc phát triển con người toàn diện, một phát triển được khơi nguồn từ các giá trị của tình yêu và sự thật. Ngoài ra, thẩm quyền này phải được mọi nước chấp nhận, phải có quyền hành thực sự, hầu bảo đảm an ninh, gìn giữ công lí và bảo đảm sự tôn trọng luật pháp cho mọi thành viên148]. Dĩ nhiên thẩm quyền đó phải có khả năng buộc các thành viên tuân giữ các quyết định cũng như các biện pháp do các nghị hội đưa ra. Nếu thiếu điều này, thì dù có đạt được tiến triển trên nhiều lãnh vực khác nhau, luật quốc tế sẽ có cơ nguy bị lèo lái bởi cán cân quyền lực của những kẻ mạnh. Sự phát triển toàn diện các dân tộc và sự hợp tác quốc tế đòi hỏi phải thiết lập cấp độ trật tự quốc tế cao hơn mang tính cách bổ trợ để điều hướng toàn cầu hoá149]; và cuối cùng, chúng đòi hỏi phải thực hiện cho được một trật tự xã hội phù hợp với trật tự đạo đức cũng như thực hiện cho được sự liên kết giữa bình diện đạo đức và xã hội, giữa chính trị với các bình diện kinh tế và dân sự, tất cả những liên kết này đã được nói tới trong các điều lệ của Liên hiệp quốc.

 

______________________

 [125] Xem Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 41, sđd, 843-845

 [126] Xem như trên.

 [127] Xem Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Evangelium vitae, 20: sđd, 422-424.

 [128] Thông điệp Populorum progressio, 85: sđd, 298-299.

 [129] Xem Gio-an Phao-lô II, Thông điệp ngày hoà bình thế giới 1989, 3: AAS 90 (1989), 150; cùng tác giả, Diễn văn trước các thành viên của hội „Centesimus annus“ (09.05.1998), 2: Insegnamenti XXI, I (1998), 873-874: cùng tác giả, Diễn văn gặp gỡ các thẩm quyền ngoại giao ở Wiener Hofburg (20.06.1998), 8: Insegnamenti XXI, I (1998), 1435-1436; cùng tác giả, Thông điệp gởi Viện trưởng đại học công giáo Sacro Cuore nhân ngày đại học (05.05.2000), 6: Insegnamenti XXIII, I (2000), 759-760.

 [130] Theo Tôma ở Aquino: „ratio partis contrariatur rationi personae“, trong: III Sent. d. 5,3,2; và “Homo non ordinatur ad communitatem politicam secundum se totum et secundum omnia sua”, trong: Summa Theologiae I-II, q. 21, a. 4, ad 3.

 [131] Xem Công đồng Vaticano II, Hiến chế Lumen gentium, 1.

 [132] Xem Gio-an Phao-lô II, Diễn văn trước cuộc họp công khai của Viện giáo chủ về thần học và Viện giáo chủ thánh Tôma Aquino (08.11.2001), 3: Insegnamenti XXIV, 2 (2001), 676-677.

 [133] Xem Bộ tín lí, Tuyên bố về tính cách độc nhất và ơn cứu độ phổ quát nơi đức Giê-su Kitô và của Giáo hội Dominus Jesu (06.08.2000), 22: AAS 92 (2000), 763-764; cùng tác giả, Những ghi chú mang tính giáo huấn về một vài câu hỏi liên quan tới thái độ và cách hành xử của kitô hữu trong đời sống chính trị (24.11.2002), 8: AAS 96 (2004), 369-370.

 [134] Xem Biển-đức XVI, Tông thư Spe salvi, 31: sđd, 1010; cùng tác giả, Diễn văn trước nghị hội toàn quốc của giáo hội Í (19.10.2006), sđd, 465-477.

 [135] Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 5: sđd, 798-800; xem Biển-đức XVI, Diễn văn trước nghị hội toàn quốc của giáo hội Í (19.10.2006), sđd, 471.

 [136] Số 12.

 [137] Xem Pi-ô XI, Tông thư Quadragesimo anno (15.05.1931), AAS 23 (1931), 203; Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 48: sđd, 852-854; Sách giáo lí của Giáo hội công giáo, số 1883.

 [138] Xem Gio-an XXIII, Thông điệp Pacem in terris: sđd, 274.

 [139] Xem Phao-lô VI, Thông điệp Populorum progressio, 10.41; sđd, 262.277.278.

 [140] Xem Biển-đức XVI, Diễn văn trước các thành viên Uỷ ban thần học (05.10.2007): Insegnamenti, III, 2 (2007), 418-421; cùng tác giả, Diễn văn trước cử toạ của nghị hội quốc tế về „Luật tự nhiên“ do Đại học giáo chủ Lateran tổ chức ngày 12.02.2007: Insegnamenti, III, I (2007), 209-212.

 [141] Xem Biển-đức XVI, Diễn văn trước các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Thái-lan dịp ad limita (16.05.2006): Insegnamenti, VI, I (2008), 798-801.

 [142] Xem Hội đồng giáo chủ về Mục vụ cho người di dân và kẻ lữ hành, Huấn thị Erga migrantes caritas Christi (03.05.2004): AAS 96 (2004), 762-822.

 [143] Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 8: sđd, 594-598.

 [144] Diễn văn kết thúc thánh lễ nhân dịp ngày lao động (01.05.2000): Insegnamenti XXIII, I (2000), 720.

 [145] Xem Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 36: sđd, 838-840.

 [146] Xem Biển-đức XVI, Diễn văn trứơc đại hội đồng Liên hiện quốc (18.04.08): sđd, 618-626.

 [147] Xem Gio-an XXIII, Thông điệp Pacem in terris: sđd, 293; Hội đồng giáo chủ về Công lí và Hoà bình, Sách toát yếu về giáo huấn xã hội công giáo, Số 441.

 [148] Xem Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, 82.

 [149] Xem Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 43: sđd, 574-575.