CHƯƠNG SÁU

PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC VÀ KỸ THUẬT

 

68. Phát triển các dân tộc có liên hệ mật thiết với phát triển từng con người toàn diện. Bản chất con người là luôn tiến tới trên đường phát triển chính mình. Đây không phải là một phát triển mang tính máy móc tự nhiên, bởi mỗi người chúng ta đều biết, con người vốn có khả năng quyết định cho mình một cách tự do và trách nhiệm. Đây cũng không phải là một phát triển tuỳ tiện, là vì tất cả mọi người đều biết, chúng ta là một quà tặng chứ không phải là sản phẩm của chính chúng ta. Từ nguồn cội, chính hữu thể của ta và giới hạn của nó xác định mức độ tự do ở trong ta. Không ai tự hình thành cho mình một í thức riêng, nhưng mọi người đều xây dựng cái “tôi” (Ich) của mình dựa trên nền tảng của một “nhân tính” (Selbst) đã được Tạo Hoá ban sẵn. Chúng ta chẳng có quyền gì trên người khác và cả trên chính mình. Sự phát triển con người sẽ trở nên méo mó, nếu họ tự mãn, coi mình là tác giả của chính mình. Cũng vậy, sự phát triển các dân tộc cũng sẽ lệch đường, nếu nhân loại nghĩ rằng, họ có thể tự tạo ra họ bằng “phép lạ” kĩ thuật. Sự phát triển kinh tế cũng không ra ngoài con đường đó; bởi hoàn toàn tin rằng, các “phép lạ” của thế giới tài chánh có thể thúc đẩy tăng trưởng một nền kinh tế giả tạo và nặng tính tiêu thụ, nên phát triển kinh tế đã cho ta thấy thực chất ảo và nguy hại của nó. Trước nỗi kiêu căng quá lạm đó, chúng ta phải tăng cường tình yêu của ta cho một thứ tự do nhiều nhân tính hơn, tự do này biết chấp nhận nguồn gốc thiện hảo đã có trước, chứ không độc đoán tự tung tự tác. Do đó con người phải tĩnh trí lại, để nhận biết những quy tắc nền tảng của luật luân lí tự nhiên, thứ luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc nơi tâm họ.

 

69. Ngày nay, vấn đề phát triển đi liền với tiến bộ kĩ thuật và với những áp dụng ngoạn mục của nó trong lãnh vực sinh học. Cần nhấn mạnh rằng, kĩ thuật là một thực tại mang tính nhân văn sâu xa, nó gắn liền với sự độc lập và tự do con người. Kĩ thuật là dấu chỉ và minh chứng cho sự chiến thắng của tinh thần trên vật chất. “Được thoát khỏi thân phận nô lệ thế giới sự vật, tinh thần con người có thể ngửng cao đầu để chiêm ngưỡng và thờ lạy Tạo Hoá [150]. Kĩ thuật cho phép ta làm chủ vật chất, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm công sức, cải thiện các điều kiện sống. Nó phù hợp với ơn gọi đúng nghĩa của lao động con người: Kĩ thuật được coi là công trình của tinh thần; qua kĩ thuật, con người nhận ra chính mình và kiện toàn thân phận người của mình. Kĩ thuật là khía cạnh khách quan của lao động con người [151]; nguồn gốc và quyền hiện hữu của nó nằm nơi yếu tố chủ quan: con người lao động. Vì thế kĩ thuật không bao giờ chỉ là kĩ thuật. Nó cho ta thấy con người và nỗ lực phát triển của họ; nó nói lên tình trạng căng thẳng của tinh thần con người trên hành trình từng bước chế ngự một số lệ thuộc vật chất nào đó. Vì vậy, kĩ thuật có nhiệm vụ “canh tác và bảo vệ địa cầu” (xem Xh 2,15) - một nhiệm vụ được Thiên Chúa giao cho con người – và phải hướng tới việc thắt chặt mối liên kết giữa con người và môi sinh, nó phải là tấm gương phản chiếu tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa.

 

70. Một khi con người chỉ biết quan tâm tới câu hỏi “thế nào”, mà chẳng màng chi tới câu hỏi “tại sao” – chính cái “tại sao” này lại là động lực thúc đẩy con người hành động -, thì phát triển kĩ thuật có thể đưa họ tới chỗ nghĩ rằng, họ chỉ cần kĩ thuật là đủ, chẳng cần gì ngoài khác. Đó là lí do khiến khuôn mặt kĩ thuật trở nên hàm hồ. Từ một sản phẩm của trí óc con người và được xem như là dụng cụ của tự do nhân vị, kĩ thuật được tôn lên thành như yếu tố của tự do tuyệt đối, tự do này chẳng còn muốn nhìn nhận những giới hạn vốn có trong nó nữa. Tiến trình toàn cầu hoá xem ra có thể dùng kĩ thuật để thay thế các í thức hệ [152]. Chính kĩ thuật như vậy đã trở thành một quyền lực í hệ đẩy nhân loại vào tình trạng tự khép kín nơi mình, và họ chẳng còn thoát ra được nữa, để mà gặp gỡ hữu thể và sự thật. Trong hoàn cảnh này, xem ra chúng ta tự giới hạn hoàn cảnh sống mình vào trong một chân trời văn hoá thuần kĩ thuật, để rồi chúng ta nhận diện, đánh giá và xác định mọi chuyện dựa theo chân trời đó, mà không còn nhận ra được nữa cái í nghĩa vốn không thể do chính chúng ta tạo ra được. Con người ngày nay bị ảnh hưởng nặng bởi lối nghĩ duy kĩ thuật này, khiến họ đánh đồng sự Thật cũng là Cái do chính họ có thể tạo ra. Tuy nhiên, nếu tính hiệu năng và ích dụng là tiêu chuẩn duy nhất của chân lí, thì đương nhiên sẽ không còn phát triển. Là vì sự phát triển đích thực trước hết không hệ tại nơi việc “làm”. Chìa khoá của phát triển là một đầu óc có khả năng suy nghĩ thấu đáo kĩ thuật và nắm bắt được được í nghĩa nhân văn sâu xa của hành động con người trong khung cảnh í nghĩa toàn diện của hiện hữu nhân sinh. Cả cho dù khi hành động con người được điều khiển bởi các vệ tinh hay bởi các nút bấm điện tử từ xa, thì hành động của họ vẫn luôn mang tính người, vẫn là một biểu lộ của tự do trong trách nhiệm. Con người bị kĩ thuật cuốn hút, bởi vì kĩ thuật giúp họ phá vỡ được những hạn chế thể lí và mở rộng chân trời cho họ. Nhưng tự do con người chỉ thật sự đúng nghĩa, khi nó biết đáp trả lại sự cuốn hút kĩ thuật bằng những quyết định vốn là hoa trái của trách nhiệm đạo đức. Vì thế, phải cấp thiết dạy cho con người về trách nhiệm đạo đức trong việc sử dụng kĩ thuật. Chúng ta phải thoát ra khỏi cơn mê kĩ thuật để tìm lại í nghĩa đích thực của tự do, không phải thứ tự do hoàn toàn độc lập, nhưng là thứ biết đáp trả lại lời mời gọi của hữu thể, khởi đầu với chính hữu thể chúng ta.

 

71. Lối nghĩ lệch lạc thuần kĩ thuật khởi đầu từ lãnh vực nhân văn, ngày nay ta thấy nó xuất hiện qua những hiện tượng kĩ thuật hoá cả vấn đề phát triển lẫn hoà bình. Việc phát triển các dân tộc ngày nay thường được coi là một vấn đề thuần kĩ thuật, như chỉ cần làm sao tài trợ cho đúng, phải mở rộng thị trường, phải giảm thuế quan, tăng đầu tư, phải cải tổ định chế... Tất cả những thứ đó đều vô cùng quan trọng, nhưng thử hỏi, tại sao những quyết định thuần kĩ thuật kia cho đến nay vẫn không mang lại kết quả khả quan. Phải tìm ra những lí do sâu hơn. Phát triển không bao giờ được bảo đảm hoàn toàn bởi những lực tự động và vô hồn – dù đó là lực của thị trường hay lực của chính trị quốc tế. Nó không thể có được, nếu không có những con người ngay chính, nếu không có những chính trị gia và chuyên viên kinh tế biết đáp lại tiếng gọi của công ích với tất cả lương tâm mình. Cần phải có cả sự chuẩn bị nghề nghiệp lẫn í thức đạo đức. Một khi kĩ thuật được tuyệt đối hoá, người ta sẽ lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện; tiêu chuẩn hành động duy nhất của nhà kinh doanh lúc đó sẽ là tìm lợi nhuận tối đa; của nhà chính trị sẽ là củng cố quyền lực; của nhà khoa học sẽ là kết quả của những khám phá của họ. Nếu tình trạng đó xẩy ra, mạng lưới quan hệ kinh tế, tài chánh và chính trị sẽ tiếp tục tạo ra những khó hiểu, khó chịu và bất công; các làn sóng kiến thức kĩ thuật chuyên môn sẽ gia tăng, nhưng chỉ có lợi cho những người sở hữu chúng, còn tình trạng thật sự của đại đa số các dân tộc, vốn sống bên ngoài và dưới bóng những làn sóng đó, vẫn không thay đổi và vẫn không có được cơ may thăng tiến.

 

72. Cả hoà bình cũng không có cơ thành sự, khi nó được quan niệm như một sản phẩm kĩ thuật, nghĩa là như kết quả của những hiệp ước giữa các chính quyền hay kết quả của các sáng kiến viện trợ kinh tế hữu hiệu. Muốn xây dựng hoà bình, cần có những liên lạc ngoại giao không ngưng nghỉ, cần những trao đổi kinh tế và kĩ thuật, những gặp gỡ văn hoá, cần có những thoả thuận về í hướng chung cũng như về việc tuân thủ những cam kết chung, hầu giảm thiểu những đe doạ chiến tranh và tiêu diệt các mầm mống khủng bố. Đúng, tất cả những điều trên cần phải có. Nhưng, nếu muốn cho những nỗ lực này có được hiệu quả lâu dài, chúng phải được đặt nền trên các giá trị cắm rễ nơi chân lí cuộc sống. Điều này có nghĩa là phải biết lắng nghe tiếng kêu của các dân tộc trong cuộc để hiểu ra đúng đắn nguyện vọng của họ. Ở điểm này, chúng ta phải luôn đứng chung chiến tuyến với nỗ lực âm thầm của biết bao nhiêu người vẫn hằng dấn thân cho những gặp gỡ và cho sự phát triển trên nền tảng yêu thương và thông cảm giữa các dân tộc. Trong số những người đó có các kitô hữu. Họ cùng chung tay vào công tác lớn: đem đến cho phát triển và hoà bình một í nghĩa hoàn toàn mang tính người.

 

73. Phát triển kĩ thuật gắn liền với việc gia tăng các hệ thống truyền thông xã hội. Nói đến cuộc sống gia đình nhân loại ngày nay mà không nói đến các phương tiện truyền thông thì đó là chuyện xem ra không tưởng. Dù xấu hay tốt, các phương tiện này đã toả trùm lên mọi ngóc ngách của đời sống thế giới. Quả là phi lí cho những ai còn tin rằng, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông vốn trung lập và vì vậy họ đòi cho chúng được độc lập không bị chi phối bởi nền đạo đức liên quan tới con người. Những lối nhìn quá nhấn mạnh tính chất thuần kĩ thuật của truyền thông này cho thấy chúng quả thực phục vụ cho một tính toán kinh tế với mục tiêu chế ngự thị trường và với í hướng làm sao phải có được những thông số văn hoá nhằm phục vụ cho những quyền lực í hệ và chính trị. Vì tầm ảnh hưởng quan trọng quyết định của những lối nhìn đó trong việc làm thay đổi nhận thức của con người về chính họ và về thực tại, nên chúng ta phải suy tư cho thật kĩ về ảnh hưởng của chúng, đặc biệt trên bình diện văn hoá – đạo đức của toàn cầu hoá và trên bình diện liên đới phát triển giữa các dân tộc. Để có được một lối ứng xử đúng đắn phù hợp với toàn cầu hoá và phát triển, chúng ta phải đi tìm í nghĩa và mục đích của truyền thông trên căn bản nhân học. Điều này, như vậy, có nghĩa là truyền thông có thể trở thành một cơ hội nhân bản hoá, không phải chỉ vì ta có thêm nhiều phương tiện truyền thông hơn nhờ vào phát triển kĩ thuật, mà nhất là vì truyền thông được tổ chức và hướng dẫn bởi một nguồn sáng phản chiếu lên được í nghĩa phổ quát của con người và công ích. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm gia tăng lượng trao đổi và nối kết các tư tưởng. Nhưng không phải vì thế mà chúng tạo thuận lợi cho tự do hay chúng giúp cho hết thảy mọi người có được phát triển và dân chủ. Muốn có được các mục tiêu này, truyền thông phải hướng tới việc hỗ trợ và thăng tiến phẩm giá con người và của các dân tộc, nó phải mặc lấy hồn tình yêu, khoác vào tình huynh đệ tự nhiên lẫn siêu nhiên cũng như phải sẵn sàng phục vụ sự thật và cái đẹp. Trong nhân loại, thật ra tự do luôn liên kết cách nội tại với những giá trị trên đây. Các phương tiện truyền thông có thể góp phần quan trọng trong việc thắt chặt tình cộng đoàn của gia đình nhân loại và tăng gia vốn đạo đức trong các xã hội, nếu như chúng trở thành dụng cụ thúc đẩy mọi ngưởi tham gia vào việc kiếm tìm những gì là công chính.

 

74. Trong trận chiến văn hoá giành chiếm địa vị thống trị giữa kĩ thuật và trách nhiệm đạo đức của con người ngày nay, Đạo đức sinh học là trận địa quan trọng và quyết định nhất. Chính nơi đây diễn ra cuộc thách đố dữ dội về khả năng phát triển con người toàn diện. Đây là một lãnh vực vô cùng tế nhị và quyết định, trong đó hiện lên câu hỏi hết sức bi thiết, là liệu con người là tác giả của chính nó hay nó phải lệ thuộc Thiên Chúa. Các khám phá khoa học trên địa hạt này và các khả năng can thiệp kĩ thuật đã tiến xa đến nỗi khiến ta phải đứng trước sự chọn lựa giữa hai lập luận hợp lí: giữa một bên là lí trí biết mở ra cho siêu việt và bên kia là lí trí tự khép kín trong niềm hãnh tiến của nó. Tình trạng bắt ta phải chọn một trong hai. Tuy nhiên, lập luận đứng về phía hành động kĩ thuật rõ ràng là phi lí, bởi lẽ nó đưa tới việc phủ nhận hoàn toàn mọi í nghĩa và giá trị. Khi chối từ Siêu Việt, thì ta lại gặp khó khăn trong tư duy, là làm sao hiện hữu lại có thể nẩy sinh từ hư vô và làm sao trí tuệ lại hình thành được từ ngẫu nhiên [153]. Trước những vấn nạn bi thiết đó, chỉ có sự hợp tác giữa lí trí và đức tin mới có thể giúp chúng ta. Nếu lí trí bị trói chặt bởi hành động thuần kĩ thuật và nó không nhận được hỗ trợ của đức tin, lí trí đó sẽ rơi vào ảo tưởng sức mạnh toàn năng của nó. Ngược lại, đức tin mà thiếu lí trí sẽ dẫn tới cơ nguy làm con người xa lạc thực tế cuộc sống [154].

 

75. Giáo chủ Phao-lô VI cũng đã nhận ra tầm ảnh hưởng hoàn vũ của vấn nạn xã hội đó và đã nhắc nhở ta [155]. Nếu bước theo ngài trên con đường này, ta sẽ phải công nhận rằng, vấn nạn xã hội đó ngày nay đã trở thành một vấn nạn nhân học cách triệt để. Sự sống đã được các kĩ thuật sinh học ngày càng trao vào tay con người, nhưng không với mục đích tìm hiểu nó, mà là để thao túng nó. Nền văn hoá rất nặng tính khoa học ngày nay tin rằng, nó đã biết hết mọi bí ẩn, vì đã nắm được trong tay nguồn cội sự sống. Từ đó người ta hỗ trợ và tiến hành việc thụ thai ống nghiệm, nghiên cứu phôi, tìm cách nhân bản vô tính và phối giống con người. Đây là điểm nói lên tham vọng thống trị của kĩ thuật mạnh mẽ nhất. Trong nền văn hoá này, lương tâm chỉ còn là nơi đón nhận thông tri về khả năng của kĩ thuật. Nhưng ta không thể coi thường những viễn ảnh nguy hiểm cho tương lai con người và những dụng cụ quyền năng mới phục vụ cho “văn hoá sự chết” này. Bên cạnh nạn phá thai bi thảm và lớn rộng hiện nay, có thể trong tương lai – hiện đã được gieo mầm trong âm thầm rồi – sẽ có thêm kế hoạch ưu sinh một cách có hệ thống. Ngược lại, người ta cũng đã dọn sẵn lối đi cho việc an tử; điểm này cũng không kém nói lên tham vọng thống trị sự sống, sự sống mà trong một số điều kiện nào đó người ta cho là không còn đáng sống nữa, không còn đáng để sống lâu hơn nữa. Đằng sau những viễn ảnh đó là quan điểm phủ nhận phẩm giá con người. Những thực hành trên đây ngày càng tăng cường cho quan điểm coi sự sống con người chỉ có tính cách vật chất và máy móc. Ai có thể đo lường được những hậu quả tiêu cực của một não trạng như thế? Ai còn có thể ngạc nhiên về sự dửng dưng trước cảnh thoái hoá của con người, khi dửng dưng này cho thấy ngay cả thái độ của chúng ta trước những gì là người và những gì không phải là người? Người ta ngạc nhiên trước sự thanh lọc độc đoán về những gì ngày nay được cho là đáng tôn trọng. Nhiều người sẵn sàng la toáng lên về những khuyện không đâu, trong khi xem ra lại dung thứ cho những bất công ghê gớm. Trong khi người nghèo tiếp tục gõ cửa nhà giàu, thì thế giới giàu lại có chiều hướng như điếc trước những tiếng gõ ấy, vì lương tâm họ không còn khả năng nhận ra những gì là người. Thiên Chúa bạch hoá con người ra cho con người; việc hợp tác chung giữa lí trí và đức tin sẽ giúp con người nhận ra điều thiện hảo, nếu như họ muốn thấy điều đó; luật tự nhiên, trong đó bừng chiếu lên lí trí sáng tạo, sẽ cho ta thấy sự lớn lao của con người, nhưng đồng thời cũng cho thấy nỗi khốn cùng của họ, nếu như họ không chấp nhận tiếng gọi của chân lí đạo đức.

 

76. Một trong những khía cạnh của tinh thần duy kĩ đương đại là khuynh hướng nhìn những vấn đề và cảm xúc của đời sống nội tâm chỉ bằng qua lăng kính tâm lí và, thời thượng hơn, giản lược chúng vào các phản ứng của não bộ. Như vậy, nội tâm con người chẳng còn gì nữa cả, và í thức về tính bản thể của tâm hồn (Seele) con người với những chiều kích sâu xa của nó, những chiều kích biết nhìn ra những gì linh thánh, dần dần sẽ mất đi. Câu hỏi về phát triển cũng gắn liền với quan niệm của chúng ta về tâm hồn, vì cái Tôi của chúng ta thường được giản lược vào tâm thần (Psyche) và sức khoẻ tâm hồn lại bị lẫn lộn với sự thoải mái tình cảm. Nguyên nhân của những giản lược đó là do ta không thấu hiểu đời sống tâm linh. Sự mù mờ này khiến ta không muốn chấp nhận sự kiện là, việc phát triển con người và các dân tộc cũng tuỳ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề thuộc tâm linh. Ngoài ra, phát triển không chỉ có mặt vật chất mà thôi, mà còn cả mặt tinh thần và tâm linh nữa, vì con người là một “tổng hợp vừa hồn vừa xác [156], được sinh ra từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và được hướng tới sự sống vĩnh cửu. Con người phát triển, khi nó lớn lên trong tinh thần, khi tâm hồn nó biết nhận ra chính mình và các chân lí mà Thiên Chúa đã cấy mầm trong tâm hồn nó, khi nó biết trò chuyện với chính mình và với Thiên Chúa. Xa rời Thiên Chúa, con người sẽ trở nên không yên và bệnh hoạn. Tình trạng tha hoá xã hội và tâm lí cũng như bao nhiêu chứng tâm bệnh trong các xã hội giàu cũng có nguyên nhân từ tâm linh. Một xã hội phát triển về vật chất, nhưng lại bóp nghẹt tâm hồn, xã hội đó tự nó không có được phát triển đúng nghĩa. Những hình thái nô lệ nghiện ngập mới cũng như nỗi vô vọng mà nhiều người đang rơi vào, có thể giải thích chủ yếu do nguyên nhân tâm linh, chứ không chỉ do căn nguyên xã hội và tâm lí. Sự trống vắng do cơ thể và tâm thần để lại cho tâm hồn sau bao nhiêu biện pháp chữa trị chán chê đã tạo nên nỗi đau nơi con người. Sẽ không có được phát triển toàn hảo mà cũng chẳng có được công ích phổ quát, nếu con người gồm cả hồn lẫn xác không có được sự thoải mái tâm linh và đạo đức.

 

77. Sự thống trị của kĩ thuật có khuynh hướng làm cho con người mất đi khả năng nhận ra những gì không thể giải thích được bằng thuần vật chất. Trong khi đó tất cả mọi người lại cảm nhận được bao nhiêu là khía cạnh vô vật chất và tinh thần nơi cuộc sống họ. Nhận thức không phải chỉ là một hành vi vật chất, bởi lẽ cái được nhận biết vẫn luôn ẩn dấu một thứ gì đó vượt trên bình diện thực nghiệm. Mỗi nhận thức, dù đơn giản nhất, mãi là một phép lạ nhỏ, là vì nó không bao giờ có thể giải thích trọn vẹn được bằng những dụng cụ vật chất mà ta dùng. Mỗi sự thật luôn hàm chứa một nội dung lớn hơn điều chúng ta vẫn mong đợi. Tình yêu mà ta nhận được luôn chứa đựng một yếu tố nào đó làm ta ngạc nhiên. Chúng ta mãi mãi phải biết ngỡ ngàng trước những phép lạ đó. Tâm hồn con người nhận ra một cái gì đó “nhiều hơn, dư thêm” trong mỗi nhận thức và trong mỗi hành vi thương yêu; cái “nhiều hơn” này giống i như một món quà ta nhận được, nó như một nỗi cao cả nâng hồn ta lên cao. Sự phát triển con người và các dân tộc cũng ở một độ cao như thế, nếu như ta biết quan tâm tới chiều kích tinh thần phải có của nó, có như thế phát triển mới có nội dung đích thật. Phát triển đòi hỏi phải có đôi mắt mới và một trái tim mới có khả năng thấy được những gì vượt tầm nhìn vật chất của ta, và thấy được cái “nhiều hơn” trong phát triển mà kĩ thuật không thể mang lại được. Trên con đường này ta mới có thể tiếp tục cuộc hành trình phát triển toàn diện con người, một cuộc hành trình được hướng dẫn bởi động lực tình yêu và chân lí.

 

 

KẾT LUẬN

 

78. Không có Thiên Chúa, con người sẽ không biết họ đang đi về đâu và ngay cả họ là ai. Đứng trước những vấn nạn to lớn của phát triển các dân tộc có thể khiến chúng ta đi tới chỗ gần như ngã lòng và buông xuôi, lời đức Giê-su Kitô có sức mạnh nâng đỡ ta, khi Người nhắc nhở: “Không có Thầy các con không làm gì được” (Gi 15,5); Người khuyến khích ta: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến  tận thế” (Mt 28,20). Đối diện với bao nhiêu công việc phải chu toàn, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa luôn hiện diện bên cạnh những ai hiệp nhất dưới danh Người và cùng hành động cho công lí. Trong Populorum progressio, giáo chủ Phao-lô VI nhắc nhở chúng ta, con người không thể tự tiến hành được phát triển, bởi vì họ không thể tự tạo ra một nền nhân bản đích thực. Chỉ khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta, từng cá nhân và từng cộng đoàn, được mời gọi làm con cái Thiên Chúa để cùng tham gia vào một đại gia đình thiên chúa, lúc đó chúng ta mới có thể có được một tư duy mới và những năng lực mới để phục vụ cho một nền nhân bản toàn diện đích thực. Năng lực mới phục vụ phát triển, như vậy, phải là nền nhân bản kitô giáo [157], một nền nhân bản làm sống dậy tình yêu và luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của chân lí, bằng cách đón nhận vào mình tình yêu và chân lí như là những quà tặng luôn mãi của Thiên Chúa. Có sẵn sàng chấp nhận Thiên Chúa, chúng ta mới chấp nhận anh chị em và chấp nhận một cuộc sống được hiểu như một nhiệm vụ liên đới và tươi vui. Ngược lại, ngăn trở lớn nhất của công cuộc phát triển ngày nay là việc cấm cửa của í thức hệ đối với Thiên Chúa và sự dửng dưng đối với Người của chủ trương vô thần, đã dửng dưng với Thiên Chúa thì rồi cũng chẳng màng gì tới các giá trị con người. Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được được những hình thức sống xã hội và dân sự - trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng. Í thức về tình yêu bất diệt của Thiên Chúa sẽ nâng đỡ ta trên con đường dấn thân đầy khó khăn và cao cả cho công lí và phát triển các dân tộc; tình yêu này sẽ đưa ta vượt qua những thành công và thất bại trong nỗ lực kiên trì thực hiện những trật tự công chính cho chuyện nhân sinh. Tình yêu thiêu chúa gọi mời ta hãy bước ra khỏi những gì hữu hạn và chóng qua. Nó giúp ta can đảm tiếp tục tiến tới trên con đường kiếm tìm hạnh phúc cho mọi người, cho dù cuộc kiếm tìm sẽ dài lâu và dù kết quả đạt được – đối với chúng ta và các nhà chính trị, kinh tế - quá ít ỏi, không được như mong muốn [158]. Thiên Chúa sẽ giúp ta nghị lực để chiến đấu và để chấp nhận đau khổ vì tình yêu cho công ích, bởi vì Người là Tất cả, là Hi vọng lớn nhất của chúng ta.

 

79. Phát triển cần tới các kitô hữu biết dâng những người nghèo lên cho Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện. Đó là những kitô hữu hiểu rằng, tình yêu đong đầy sự thật, caritas in veritate, thứ tình yêu vốn là nguồn xuất phát của sự phát triển chân thực, là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho, chứ không phải là sản phẩm do chính chúng ta tạo ra. Vì thế, chúng ta không những phải biết phản ứng cách í thức ngay cả trong những chuyện vô cùng khó khăn và phức tạp, mà nhất là còn phải biết bám vào tình yêu của Người. Phát triển bao gồm sự chú tâm tới đời sống thiêng liêng, nghiêm chỉnh quan tâm tới những kinh nghiệm phó thác nơi Thiên Chúa, những kinh nghiệm sống tình huynh đệ thiêng liêng với đức Kitô, tin tưởng vào sự quan phòng và lòng nhân ái của Thiên Chúa, tới tình yêu và thứ tha, quên mình, chấp nhận tha nhân, tới công lí và hoà bình. Bắt buộc phải có tất cả những thứ đó mới mong biến “trái tim sỏi đá” thành “trái tim thịt“ (Ez 36,26), có như thế cuộc sống trần thế mới mang tính “thần linh” và như vậy mới xứng với phẩm giá con người hơn. Tất cả những thứ đó đều thuộc con người, vì con người là chủ thể của cuộc sống họ; mọi thứ đó đồng thời cũng thuộc Thiên Chúa, vì Người là nguyên lí và cùng đích của mọi sự có giá trị và dẫn tới cứu rỗi: “Thế giới, sự sống, sự chết, hiện tại và tương lai: tất cả đều là của anh chị em; nhưng anh chị em lại thuộc đức Kitô, và đức Kitô thuộc Thiên Chúa” (1 Cor 3, 22-23). Khao khát sâu xa nhất của người theo Chúa là toàn thể gia đình nhân loại có thể gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con!”. Cùng với Con của Cha, tất cả mọi người có thể học cầu nguyện cùng Cha và biết dùng lời kinh đức Kitô dạy để cầu khẩn Cha và có thể tôn vinh Cha, nếu như họ biết sống theo í Cha, và rồi xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, cũng như xin Cha cho chúng con thấu hiểu và bao dung với những kẻ có lỗi với chúng con, xin đừng để chúng con bị thử thách quá nặng và hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ (xe, Mt 6,9-13).

Để kết thúc năm thánh Phao-lô, tôi muốn dùng lời của ngài trong thư gởi tín hữu rô-ma để nói lên mong ước này: “Đức mến của anh em chớ nên giả hình. Hãy gớm ghét điều ác và bám chặt lấy điều lành! Hãy sống với nhau trong tình huynh đệ và kính trọng nhau trong đối xử” (12,9-10). Xin trinh nữ Maria, Đấng được giáo chủ Phao-lô VI tuyên bố là Mẹ của Giáo hội và được dân chúa tôn vinh là Gương công lí và Nữ vương hoà bình, hãy chở che và, qua lời cầu bầu hiển linh của Mẹ, giúp cho chúng con có được sức mạnh, hi vọng và niềm vui cần có, để chúng con tiếp tục quảng đại dấn thân cho nhiệm vụ “phát triển con người toàn diện và phát triển hết mọi người [159].

 

Ban hành tại Rô-ma, nhà thờ thánh Phê-rô, ngày 29 tháng sáu, ngày lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô, năm 2009, là năm thứ năm nhiệm kỳ giáo chủ của tôi.

 

Giáo chủ Biển-đức XVI

 

Phạm Hồng-Lam dịch từ bản tiếng Đức

Tháng 11.2009



 [150] Xem Bộ tín lí, Huấn thị về một số vấn đề liên quan tới đạo đức sinh học Dignitas personae (08.09.2008): AAS 100 (2008), 858-887.

 [151] Xem Thông điệp Populorum progressio, 3: sđd, 258.

 [152] Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et spes, 14

 [153] Xem Biển-đức, Diễn văn trong đại hội quốc gia lần thứ IV của giáo hội í-đại-lợi (19.10.2006): sđd, 465-477; cùng tác giả, Bài giảng thánh lễ ở „islinger Feld“ tại Regensburg (12.09.2006): sđd, 252-256..

 [154] Xem Bộ tín lí, Huấn dụ về một số vấn đề thụôc đạo đức sinh học Dignitas personae (08.09.2008): AAS 100 (2008), 858-887.

 [155] Xem Thông điệp Populorum progressio, 3: sđd, 258.

 [156] Công đồng Vaticano II, Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, 14.