THÔNG ĐIỆP : ECCLESIA DE
EUCHARISTIA
(số 11 – 20)
CHƯƠNG I : MẦU NHIỆM ĐỨC TIN
11. “ Chính
trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu” (1Cr 11,23) đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể là Mình
và Máu Ngài. Những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ đưa dẫn chúng ta trở lại với những
hoàn cảnh bi thương trong đó Bí Tích Thánh Thể được khai sinh, được đánh
dấu không thể xóa mờ bởi biến cố khổ nạn và cái chết của Chúa. Bí Tích
Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi biến cố đó, nhưng còn là tái hiện mang
tính bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế Thập Giá được tiếp tục trong thời gian
(9). Người ta thấy trong nghi lễ latinh một cách diễn tả rất thích hợp về chân
lý nầy trong những lời tung hô mà dân chúng đáp lại lời công bố “mầu nhiệm đức
tin” của linh mục : “Lạy Chúa,
chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết ”.
Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể của Chúa Kitô, Chúa của mình không phải
chỉ như một hồng ân, dù quí báu đến đâu, giữa những hồng ân khác, nhưng
như là một hồng ân tuyệt hảo, vì
hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và
là công trình cứu chuộc của Ngài. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “
tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu
vì nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian
?” (10).
Khi Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và
phục sinh của Chúa mình, biến cố trung tâm nầy của ơn cứu độ thực sự trở nên
hiện tại và như vậy, công trình cứu độ chúng ta được thực hiện” (11). Hy tế nầy
có tính quyết định đối với việc cứu độ loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô chỉ
hoàn thành và trở về với Chúa Cha sau
khi đã để lại cho chúng ta phương thế tham dự vào, như thể chúng ta đã
có mặt lúc bấy giờ. Vì thế, mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được
những hoa quả của hy tế ấy một cách vô tận. Đó là đức tin mà các thế hệ Kitô
hữu đã sống trải qua các thời đại. Niềm tin ấy, Huấn Quyền của Giáo Hội đã
không ngừng nhắc đi nhắc lại với lòng tri ân hoan hỉ vì hồng ân vô giá nầy
(12). Một lần nữa, tôi ước mong nêu lên lại chân lý nầy, bằng cách phục lạy tôn
thờ Mầu Nhiệm nầy với anh chị em, anh chị em thân mến, Mầu Nhiệm vô biên, Mầu
Nhiệm của lòng thương xót. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn nữa cho chúng ta? Trong
Bí Tích Thánh Thể Ngài cho chúng ta thấy thực sự một tình yêu “cho đến cùng”
(x. Ga 13,1), một tình yêu không còn ranh giới.
12. Khía cạnh
nầy của đức ái phổ quát trong Bí Tích Thánh Thể được đặt nền tảng trên
chính những lời của Đấng Cứu Thế. Khi thiết lập bí tích nầy, Chúa Giêsu không
những chỉ nói “Nầy là Mình Thầy”, “nầy là Máu Thầy”, nhưng Ngài đã thêm “ bị
nộp vì anh em” và “đổ ra vì nhiều người” (Lc 22,19-20). Ngài không chỉ xác
quyết những gì Ngài ban cho họ ăn và uống là thịt máu Ngài mà thôi, trái lại
Ngài cũng diễn tả giá trị hy tế
của chúng nữa, bằng cách hiện tại hóa một cách bí tích hy tế của Ngài được hoàn
tất trên thập giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. “ Thánh Lễ vừa là lễ
tưởng niệm hy tế Thập Giá để lưu truyền muôn đời, vừa là bàn tiệc thánh để
thông hiệp với Mình và Máu Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời nhau”
(13).
Giáo Hội liên tục sống nhờ hy tế cứu độ, và đạt đến hy tế đó không phải
bằng một kỷ niệm đơn thuần đầy niềm tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc
hiện tại, vì hy tế nầy trở nên hiện
diện, hiện diện luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó,
qua tay của thừa tác viên được thánh hiến. Bằng cách đó, Thánh Thể làm lan rộng
đến con người hôm nay sự giao hòa do Chúa Kitô thực hiện duy nhất một lần cho
nhân loại của mọi thời. Thật vậy “hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất” (14). Thánh
Gioan Kim Khẩu đã nói một cách rõ ràng : “ Chúng ta luôn hiến dâng cũng một con
chiên đó thôi, không phải hôm nay một con, ngày mai con khác, nhưng mãi mãi là
một con chiên mà thôi. Vì lẽ ấy, mãi mãi chỉ có một hy tế mà thôi [?]. Ngay cả
hôm nay, chúng ta dâng lên hiến vật đã được tiến dâng lúc bấy giờ và sẽ không
bao giờ tàn lụi nữa” (15).
Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế thập giá, không thêm bớt gì mà cũng không
nhân lên được (16). Những gì được lặp lại, chính là việc cử hành bằng tưởng
niệm, việc “trình bày bằng tưởng niệm” (memorialis
demonstratio) (17) của hy tế, nhờ đó hy tế cứu độ duy nhất và dứt khoát
của Chúa Kitô được hiện diện trong thời gian. Bản chất hy tế của Mầu Nhiệm
Thánh Thể không được hiểu như một cái gì đó hiện hữu trong chính mình, không
liên hệ gì với Thập Giá, hay chỉ quy chiếu một cách gián tiếp về hy tế trên
đỉnh đồi Canvariô mà thôi.
13. Nhờ liên
hệ mật thiết với hy tế Golgotha, Bí Tích Thánh Thể là một hy tế theo nghĩa đen, chứ không chỉ theo nghĩa chung
chung, như thể đây chỉ là một hiến dâng thông thường mà Chúa Kitô đã trao ban
làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu. Quả thật, sự dâng hiến trong tình
yêu và trong vâng phục của Ngài cho đến chết (x. Ga 10,17-18) trước tiên là sự
dâng hiến cho Cha Ngài. Đó chính là một hồng ân cho chúng ta và cho cả
nhân loại (x. Mt 26,28; Mc 24,14; Lc 22,20; Ga10,15), nhưng trước hết chính là sự dâng hiến cho Chúa Cha:
“hy tế mà Chúa Cha đã ưng nhận, khi Người đáp lại sự dâng hiến vẹn toàn
của Con Ngài, Đấng đã “ vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8), bằng sự ban tặng đầy
tình phụ tử, nghĩa là ban cho Con sự sống mới và vĩnh cửu trong sự phục
sinh”(18).
Khi ban cho Giáo Hội hy tế của Ngài, Chúa Kitô đồng thời cũng muốn biến
hy tế thiêng liêng của Giáo Hội thành hy tế của mình, Giáo Hội đã được mời gọi
tự hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Kitô. Đó là lời của Công Đồng
Vaticanô II dạy, liên hệ đến các tín hữu: “khi tham dự vào Hy Tế Thánh Thể,
nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên
Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó” (19).
14. Cuộc Vượt Qua
của Chúa Kitô cũng bao gồm sự phục sinh của Ngài cùng với cuộc khổ nạn và cái
chết, như lời tung hô của tín hữu sau khi truyền phép “chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại”. Thật vậy, Hy Tế Thánh
Thể hiện tại hóa chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế
nhưng còn cả mầu nhiệm phục sinh nữa, trong đó hy tế đạt đến sự viên mãn của
nó. Chính Chúa Kitô sống và phục sinh, mới có thể trở nên “bánh sự sống”(Ga
6,35.48), “bánh hằng sống”(Ga 6,51) Thánh Ambrôsiô đã nhắc cho các tân tòng
điều đó khi áp dụng biến cố phục sinh vào đời sống của họ: “Nếu Chúa Kitô hôm
nay là của bạn, Ngài phục sinh cho bạn mỗi ngày”(20). Thánh Cyrillô thành
Alêxandria nhấn mạnh rằng việc tham dự vào những Mầu Nhiệm Thánh “ thực
sự là một lời tuyên xưng và là một nhắc nhớ rằng Chúa đã chết và đã sống
lại cho chúng ta và vì lợi ích của chúng ta”(21).
15. Trong thánh lễ,
việc tái hiện có tính bí tích hy tế của Chúa Kitô được kiện toàn nhờ sự phục
sinh của Ngài bao hàm một sự hiện diện hoàn toàn đặc biệt, mà – theo cách
nói của Đức Phaolô VI – người ta gọi là “ đích thực”, không phải với danh nghĩa
độc hữu, như thể những cách hiện diện khác không phải là “đích thực”, nhưng theo
cách nói hoán xưng, bởi vì sự hiện diện nầy là hiện diện bản thể và nhờ nó,
Chúa Kitô, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, hiện diện nguyên vẹn”(22). Như
thế, giáo thuyết luôn có giá trị của Công Đồng Triđentinô được nhắc lại một lần
nữa: “ Nhờ việc truyền phép bánh và rượu, việc thay đổi tất cả bản thể của bánh
thành bản thể của Mình Chúa Kitô, Chúa chúng ta và sự thay đổi tất cả bản thể
của rượu thành bản thể của Máu Ngài; sự thay đổi nầy, Giáo Hội Công Giáo gọi
một cách đúng đắn và chính xác là sự biến bản thể (transubstantiation)”(23). Thánh Thể thực sự là mầu nhiệm đức tin
(mysterium fidei), mầu nhiệm
vượt xa lý trí chúng ta và chỉ có thể được chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như
giáo lý của các giáo phụ đã thường nhắc đến về Bí Tích thần linh nầy. Thánh
Cyrillô thành Giêrusalem khuyên dạy rằng: “Bạn đừng nhìn trong bánh và rượu
những yếu tố thuần tuý tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ đó là Mình và Máu Người;
đức tin bảo đảm cho bạn, mặc dù giác quan bạn trông thấy thể khác” (24).
Chúng ta sẽ tiếp tục hát với vị Tiến Sĩ thiên thần: “Con tôn thờ Chúa hết lòng, ôi Chúa ẩn mình”
(Adoro Te devote, latens Deitas) . Đứng trước mầu nhiệm tình yêu nầy, lý
trí nhân loại cảm nhận được sự hữu hạn của mình. Người ta hiểu tại sao trong
nhiều thế kỷ, chân lý nầy đã được khoa thần học nổ lực thật nhiều để tìm hiểu .
Đó là nhữõng cố gắng đáng khen, chúng càng ích lợi và càng thâm sâu khi
chúng kết hợp được tư duy có phê phán với “đức tin sống thực (la foi vécue) của
Giáo Hội, được gồm tóm cách đặc biệt trong “đặc sủng chắc chắn về chân lý “ của
Huấn Quyền và trong “sự hiểu biết nội tâm những thực tại thiêng liêng” mà các
thánh đều đạt đến (25). Dù sao cũng còn một ranh giới mà Đức Phaolô VI đã nêu
rõ: “Khi tìm hiểu phần nào về mầu nhiệm nầy, để đúng với đức tin công giáo, tất
cả mọi giải thích thần học phải nhận rằng, trong thực tếù không tùy thuộc vào
lý trí chúng ta, bánh và rượu đã không còn nữa sau khi truyền phép, đến nỗi
chính Mình và Máu đáng tôn thờ của Chúa chúng ta, lúc ấy, hiện diện thực sự
trước mặt chúng ta dưới các hình bánh và rượu”(26).
16. Hiệu quả
cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước
Mình và Máu Chúa. Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng tới việc hiệp nhất thâm sâu của
chúng ta là những tín hữu, với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta nhận lấy
chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài,
thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã “đổ ra cho
nhiều người được tha tội” (Mt 26,28). Hãy nhớ những lời của Ngài: “ Như Chúa
Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn
lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”(Ga 6,57). Chính Chúa Giêsu đã bảo
đảm với chúng ta rằng: một sự hiệp nhất như thế , mà Ngài so sánh tương tự như
hiệp nhất trong đời sống Ba Ngôi, thực sự được thể hiện. Thánh Thể đích thực là một bữa tiệc,
trong đó Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Khi Chúa Giêsu nói lần đầu tiên về thức
ăn nầy, các thính giả của Ngài đều ngỡ ngàng và bối rối, đòi buộc Ngài phải
nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Ngài: “ Thật, tôi bảo thật các
ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống
nơi mình”(Ga 6,53). Đây không nói đến một của ăn theo cách tượng trưng: “ Thịt
tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật”(Ga 6,55).
17. Qua việc thông
hiệp vào Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô cũng chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần
của Ngài. Thánh Ephrem viết: “ Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài,
Ngài đã cho nó tràn ngập chính bản thân Ngài và Thánh Thần của Ngài.[?] Và ai
ăn lấy Ngài với niềm tin cũng ăn lấy Lửa và Thánh Thần [?] Tất cả hãy cầm lấy,
hãy ăn lấy, và hãy ăn Chúa Thánh Thần cùng với Ngài. Đây chính là thân xác tôi
và ai ăn lấy sẽ sống đời đời”(27). Trong lời xin ban Thánh Thần của kinh nguyện
Thánh Thể, Giáo Hội nài xin Thánh Thần, nguồn suối của mọi hồng ân khác. Ví dụ
người ta đọc thấy trong sách Phụng Vụ thần linh của thánh Gioan Kim Khẩu: “
Chúng con kêu cầu Ngài, chúng con nguyện xin Ngài và chúng con khẩn nài Ngài:
xin hãy sai Thánh Thần Chúa xuống trên tất cả chúng con và trên những của lễ
nầy,[?] hầu những ai tham dự lãnh nhận được sự thanh tẩy tâm hồn và ơn
tha tội và ân huệ của Chúa Thánh Thần”(28). Và trong Sách Lễ Rôma, chủ tế cầu xin: “ Khi chúng con được Mình và Máu
Con Cha nuôi dưỡng và được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, xin cho chúng con được
trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”(29). Như thế, nhờ
hồng ân Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô làm tăng triển trong chúng ta, hồng ân của
Thánh Thần Ngài, đã được lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, và được trao ban như
“ ấn tích” trong Bí Tích Thêm Sức.
18. Lời tung hô của
dân chúng sau khi truyền phép kết thúc một cách rất thích hợp khi diễn tả chiều
kích cánh chung đánh dấu trên việc Cử Hành Thánh Thể (x. 1Cr11,26): “Chúng con đợi chờ Chúa trở lại trong vinh
quang”. Bí Tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm
vui sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa (x. Ga 15,11). Bí Tích Thánh Thể, theo một
nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng “ bảo đảm cho vinh quang sẽ
tới”(30). Trong Bí Tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng
nầy: “ Chúng tôi mong ước niềm hạnh phúc mà Chúa hứa và sự quang lâm của Chúa
Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng tôi” (31). Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô
trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự
sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay
từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn
thể con người. Thật vậy, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự
bảo đảm về việc xác sống lại trong ngày sau hết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu
tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”(Ga
6,54). Bảo đảm ấy về sự phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của
Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác vinh quang của Đấng Phục
Sinh. Có thể nói, với Bí Tích Thánh Thể, người ta như nắm được “bí quyết” của
sự phục sinh. Vì thế, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã định nghĩa một cách hết
sức chính xác Bánh Thánh Thể như “ liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để
khỏi phải chết”(32).
19. Chiều hướng cánh
chung được Thánh Thể gợi lên, diễn tả
và củng cố sự hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc. Không phải ngẫu nhiên
mà trong các kinh tạ ơn Đông Phương hay trong các kinh nguyện Thánh Thể la
tinh, người ta kính nhớ một cách trang trọng Đức Maria, trọn đời đồng trinh, Mẹ
của Chúa chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, các thiên thần, các thánh Tông Đồ, các
thánh tử đạo hiển vinh và toàn thể các thánh. Đó chính là một khía cạnh của Bí
Tích Thánh Thể phải được chú ý: khi cử hành hy tế của Con Chiên, chúng ta cùng
hợp với phụng vụ thiên quốc, chúng ta liên kết với đoàn người đông đảo đang
tung hô: “ Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã
cứu độ chúng ta”( Kh 7,10). Bí Tích Thánh Thể thực là một góc trời mở ra trên
trần gian ! Chính là một tia vinh quang của thành Giêrusalem thiên quốc, đang
xuyên qua những lớp mây của lịch sử chúng ta và rọi sáng con đường chúng ta
đi.
20. Một hệ luận khác
rất có ý nghĩa của chiều hướng cánh chung trong Bí Tích Thánh Thể là sự thúc
đẩy bước chân lữ hành của chúng ta trong lịch sử, làm nảy sinh một mầm hy vọng
sống động cho mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Quả thật, nếu
nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới”(x. Kh 21,1),
điều đó không làm suy yếu, mà kích
thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất của chúng ta (33).
Tôi muốn khẳng định lại điều này một cách mạnh mẽ vào lúc khởi đầu thiên niên
kỷ thứ ba, để các Kitô hữu hơn lúc nào hết, cảm thấy càng phải dấn thân chu
toàn những bổn phận công dân trần thế của mình. Họ có nghĩa vụ phải đóng góp,
dưới ánh sáng của Tin Mừng, vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người
và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa.
Những vấn đề làm đen tối chân trời hiện tại của chúng ta rất nhiều. Chỉ
cần nghĩ đến việc gấp rút phải hoạt động cho hòa bình, phải gấp rút đặt những
cột móc vững chắc về phương diện công bằng và liên đới trong những mối liên hệ
giữa các dân tộc, phải bênh vực sự sống của con người, từ lúc thụ thai, đến lúc
chết một cách tự nhiên. Và phải nói gì đến hàng ngàn những mâu thuẫn trong một
thế giới “ toàn cầu hóa”, trong đó, những người yếu kém nhất, những người bé
nhỏ nhất và những người nghèo nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính
trong thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên
trở lại! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Bí Tích
Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Ngài, lời
hứa cho nhân loại được đổi mới nhờ tình yêu của Ngài. Thật là ý nghĩa,
nơi mà các sách Tin Mừng nhất lãm chỉ tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh
Thể, Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa “rửa chân” để minh họa ý nghĩa
thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ ( x.
Ga 13,1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố thật là “bất xứng” đối
với một cộng đoàn Kitô hữu khi tham dự vào Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong một bầu
không khí chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x. 1Cr 11,17-22.27-34)
(34).
Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” ( 1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử Hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “ Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” ( Kh 22, 20).