THÔNG ĐIỆP : ECCLESIA DE
EUCHARISTIA
( số 21 – 25)
CHƯƠNG II: THÁNH THỂ XÂY DỰNG GIÁO HỘI
21. Công Đồng
Vaticanô II đã nhắc lại rằng việc Cử Hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình
tăng trưởng của Giáo Hội. Quả thật, sau khi tuyên bố “ Giáo Hội là Vương Quốc
của Chúa Kitô, đã hiện diện cách mầu nhiệm, lớn lên trong thế giới một cách hữu
hình nhờ quyền năng Thiên Chúa”(35), như muốn trả lời câu hỏi: “Giáo Hội
tăng triển cách nào? Công Đồng nói thêm: “ Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử
hành trên bàn thờ, nhờ đó mà “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta được hiến
tế” (1Cr 5,7), công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nhờ Bí
Tích của tấm bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các tín hữu làm thành một thân thể duy
nhất trong Chúa Kitô được tỏ bày và trở nên hiện thực” (x. 1Cr10,17)
(36).
Ngay trong Giáo Hội sơ khai, ảnh
hưởng của Bí Tích Thánh Thể thật rõ ràng. Các thánh sử xác định rõ rằng,
chính nhóm Mười Hai, là các Tông Đồ đã tụ họp quanh Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc
Ly (x. Mt 26,20; Mc14,17; Lc 22,14). Đây chính là một điểm riêng biệt rất quan
trọng, vì các Tông Đồ là những “ mầm giống của dân Israel mới và đồng thời là
nguồn gốc của phẩøm trật thánh” (37). Khi ban cho họ Mình và Máu Ngài làm của
ăn, Chúa Kitô đã hiệp nhất họ một cách huyền nhiệm với hy tế của Ngài sẽ được
hoàn tất trên thập giá sau đó không lâu. Nhờ so sánh với Giao Ước Sinai, được
giao kết bằng việc tế lễ và bằng việc rảy máu (38), những cử chỉ và lời nói của
Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đoàn thiên sai mới, dân
của Giao Ước Mới.
Khi đón nhận trong phòng tiệc ly lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ Hãy cầm
lấy mà ăn? tất cả anh em hãy uống?” (Mt 26,26-28), các Tông Đồ lần đầu tiên đã
bước vào trong sự hiệp thông bí tích với Ngài. Từ giây phút đó và cho đến tận
thế, Giáo Hội được xây dựng qua sự hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa được
hiến tế vì chúng ta : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy? Mỗi lần anh em
uống máu này, hãy làm mà nhớ đến Thầy.” (1Cr 11, 24-25 ; x. Lc 22,19).
22. Việc tháp nhập vào
Chúa Kitô nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được đổi mới và được củng cố không ngừng nhờ
tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nhất là nhờ sự tham dự đầy đủ qua việc việc hiệp
thông bí tích. Chúng ta có thể nói rằng không những mỗi người chúng ta đón nhận Chúa Kitô nhưng chính Chúa Kitô cũng đón
nhận mỗi người chúng ta. Ngài thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta :
“Anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga15,14). Phần chúng ta, chúng ta sống nhờ Ngài
: “Ai ăn tôi sẽ nhờ tôi được sống ” (Ga 6,57). Sự hiệp thông Thánh Thể làm cho
Chúa Kitô và môn đệ của Ngài lưu lại trong nhau một cách tuyệt vời: “Anh em hãy
lưu lại trong Thầy như Thầy lưu lại trong anh em” (Ga 15,4).
Khi hiệp nhất với Chúa Kitô, Dân của Giao Ước Mới, không khép kín lại
nhưng trở thành “bí tích” cho nhân loại, (39) thành dấu hiệu và dụng cụ của ơn
cứu độ được Chúa Kitô ban cho, thành ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16) để cứu
rỗi mọi người (40) . Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô : “ Như
Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em”(Ga 20,21). Vì thế, Giáo
Hội nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ vụ của mình qua
việc duy trì liên tục Hy Tế của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và qua việc
thông hiệp với Mình và Máu của Ngài. Như thế Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc phúc âm
hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Ngài
với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (41).
23. Nhờ hiệp
thông Thánh Thể, Giáo Hội cũng được vững chắc trong sự hiệp nhất của mình như
là thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói đến hiệu quả hiệp nhất này của việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể,
khi ngài viết cho tín hữu Côrintô : “Bánh mà chúng ta bẻ ra cho nhau không phải
là hiệp thông với mình Chúa sao ? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng
ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân
thể. (1Cr 10,16-17). Lời bình giải của thánh Gioan Kim Khẩu thật chính
xác và sâu xa: “Tấm bánh ấy là gì ? Chính là thân mình Chúa Kitô. Những người
nhận lấy nó sẽ như thế nào ? Thành thân thể Chúa Kitô, không phải nhiều thân
thể mà chỉ một mà thôi. Thật vậy, như tấm bánh chỉ là một, tuy nó được hợp
thành bởi rất nhiều hạt, mặc dù không ai thấy được, chúng đều ở trong tấm bánh
đến nỗi những khác biệt của chúng đều biến mất vì chúng hòa lẫn với nhau một
cách toàn vẹn, cũng một cách như thế, chúng ta hiệp nhất với nhau và chúng ta
đều hiệp nhất trong Chúa Kitô” (42). Luận chứng rất sít sao: sự hiệp nhất của
chúng ta với Chúa Kitô, là quà tặng và là hồng ân cho mỗi người, dẫn đến việc
này là trong Ngài, chúng ta cũng góp phần vào sự hiệp nhất của thân mình Ngài
là Giáo Hội. Thánh Thể củng cố sự tháp nhập vào Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần
thực hiện trong Bí Tích Thánh Tẩy (x.1Cr 12,13.27) .
Hành động liên kết và không thể tách rời của Chúa Con và Chúa Thánh
Thần vốn có từ buổi sơ khai của Giáo Hội, thiết lập và làm cho Giáo hội vững
bền, nay vẫn sinh động trong Thánh Thể. Tác giả sách Phụng Vụ Thánh Giacôbê đã
ý thức rõ ràng điều đó: trong lời cầu xin ban Thánh Thần của kinh nguyện Thánh
Thể, Giáo Hội cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến trên các tín hữu và trên của
lễ, để Mình và Máu Chúa Kitô “nên hữu ích cho tất cả những ai tham dự vào đó
[?] để hồn xác được thánh hóa”(43). Chính Đấng Bàu Chữa thần linh củng cố Giáo
Hội nhờ việc thánh hóa các tín hữu bằng Thánh Thể.
24. Hồng
ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp
lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự
trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ
trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt
hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người. Nhờ thông hiệp vào Mình Chúa
Kitô, Giáo Hội ý thức càng ngày càng sâu hơn căn tính của mình: “ Giáo Hội ở
trong Chúa Kitô một cách nào đó là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự
kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (
44).
Theo kinh nghiệm hằng ngày, sức mạnh hiệp nhất của thân mình Đức Kitô,
chống lại những mầm mống tan rã giữa con người với nhau đang bám sâu vào nhân
loại do tội lỗi. Vì lẽ đó, Bí Tích Thánh Thể, khi xây dựng Giáo Hội, cũng kiến
tạo cộng đồng nhân loại.
25. Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời
sống Giáo Hội. Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẻ với việc cử hành Hy tế
Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu được giữ lại sau
thánh lễ – sự hiện diện nầy tồn tại bao lâu hình bánh và rượu vẫn còn (45) – phát
xuất từ việc cử hành hy tế và hướng về việc hiệp thông bí tích hay thiêng liêng
( 46). Các mục tử có nhiệm vụ khuyến khích, bằng cả chứng tá cá nhân,
việc tôn sùng Thánh Thể, đặc biệt là việc Chầu Thánh Thể, cũng như việc
tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh rượu (47).
Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ
yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một
điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô giáo phải trổi vượt nhất
là trong “ nghệ thuật cầu nguyện”, (48) làm sao ta không cảm thấy lại có nhu
cầu mới được ở lại lâu giờ, trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng, trong
thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh ? Anh chị
em thân mến, nhiều lần tôi đã có kinh nghiệm nầy và tôi đã múc lấy từ đó sức
mạnh, an ủi và sự nâng đỡ.
Nhiều vị thánh đã nêu gương cho ta trong thực hành nầy, được huấn quyền ca ngợi và khuyến khích rất nhiều lần (49). Thánh Anphongsô Ligôri đã trổi vượt đặc biệt trong lãnh vực nầy, Ngài viết: “ Trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nhất sau các bí tích, rất đẹp lòng Chúa và rất hữu ích cho chúng ta”(50). Thánh Thể là một kho tàng vô giá: cử hành, hay tôn thờ lâu giờ ngoài thánh lễ giúp chúng ta múc lấy chính nguồn mạch của ân sủng. Một cộng đoàn Kitô hữu nào muốn có khả năng chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô nhiều hơn, như tôi đã đề nghị trong những tông thư Novo millenio ineunte (Bước vào ngàn năm mới) và Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), không thể nào lại không phát triển đồng thời khía cạnh nầy của việc tôn sùng Thánh Thể, vì nó kéo dài và nhân lên những hoa trái của việc thông hiệp vào Mình và Máu Chúa. “ Trong ngày người tín hữu không nên bỏ việc Viếng Thánh Thể được lưu giữ trong các nhà thờ với lòng tôn kính đặc biệt, ở một nơi cao trọng, phù hợp với luật phụng vụ. Những lần viếng Thánh Thể như vậy là dấu hiệu tỏ lòng biết ơn, là cách diễn tả tình yêu và nhận ra sự hiện diện của Chúa” (50* ).