THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA

( số 26 – 33)

CHƯƠNG III: ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN

CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ GIÁO HỘIÍNH TÔNG

 

26.   Như tôi đã nhắc lại ở trên, Bí Tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, vì thế  mối liên hệ hai bên rất chặt chẽ. Điều đó chính xác đến nổi chúng ta có thể áp dụng vào Mầu Nhiệm Thánh Thể những gì chúng ta nói về Giáo Hội khi chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” trong Kinh Tin Kính Nixê-Constantinốp. Bí Tích Thánh Thể cũng duy nhất và công giáo. Bí Tích Thánh Thể cũng thánh thiện, và hơn thế nữa, là Bí Tích Rất Thánh. Nhưng trên hết, giờ đây chúng tôi muốn chú trọng đến đặc tính tông truyền của Bí Tích Thánh Thể. 

27.  Khi giải thích Giáo Hội là tông truyền, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phân biệt ba ý nghĩa trong cách nói đó. Một đàng, “ Giáo Hội đã và đang được xây dựng trên “ nền tảng các tông đồ” (Ep 2, 20) là những chứng nhân đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi” ( 51 ). Khởi đầu của Bí Tích Thánh Thể cũng đã có các tông đồ, không phải vì thế mà bí tích nầy không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, nhưng bởi vì Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ và được các ngài và các đấng kế vị truyền lại cho đến chúng ta. Chính trong sự tiếp nối hành động của các tông đồ, vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể qua dòng thời gian. 

Ý nghĩa thứ hai của tính tông truyền của Giáo Hội được Sách Giáo Lý nêu rõ là “Giáo Hội gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quí giá, những lời lành mạnh đã được nghe từ  các tông đồ với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang ở trong Giáo Hội”(52). Cũng theo ý nghĩa nầy, Bí Tích Thánh Thể có tính tông truyền vì được cử hành đúng như niềm tin của các tông đồ. Theo dòng lịch sử 2000 năm qua của Dân Giao Ước Mới, Huấn Quyền đã xác định giáo thuyết về Bí Tích Thánh Thể trong nhiều dịp khác nhau, ngay cả trong những  điều liên hệ đến  từ ngữ chính xác, và điều đó chính là để bảo vệ đức tin tông truyền trong Mầu Nhiệm thật cao cả nầy. Niềm tin nầy vẫn không thay đổi và điều đó rất thiết yếu đối với Giáo Hội. 

28.   Sau cùng, Giáo Hội tông truyền có nghĩa là: “Giáo hội vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn  cho đến ngày Chúa Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự giúp đỡ của các linh mục, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là mục tử tối cao của Giáo Hội” (53).  Kế vị các tông đồ trong sứ mệnh mục tử đòi hỏi phải có bí tích truyền chức, nghĩa là phải có việc phong chức giám mục liên tục  và thành sự, bắt đầu từ những nguồn gốc đầu tiên (54). Việc kế vị nầy rất thiết yếu để có Giáo Hội đúng nghĩa và tròn đầy. 

Bí Tích Thánh Thể cũng diễn tả ý nghĩa của tính tông truyền. Quả thật, như Công Đồng Vaticanô II đã dạy, “ các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả cũng góp phần vào việc hiến dâng Thánh Thể theo vị trí của họ” (55), nhưng chính linh mục được truyền chức mới “ cử hành Hy tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô và hiến dâng cho Chúa Cha nhân danh toàn thể tín hữu”(56). Vì lẽ ấy mà trong Sách Lễ Rôma đã quy định chỉ một mình linh mục đọc kinh nguyện Thánh Thể, trong khi đó giáo dân thinh lặng hiệp ý trong đức tin (57). 

29.   Cụm từ được Công Đồng Vaticanô II sử dụng nhiều lần: “những ai đã nhận chức tư  tế thừa tác (?.) mới cử hành Hy Tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô”(58) đã được khắc sâu trong lời dạy của giáo huấn Tông Tòa như tôi đã có dịp xác định rõ, in persona Christi, có nghĩa mạnh hơn là “ nhân danh” hay “thay thế” Chúa Kitô. In persona : nghĩa là trong sự đồng nhất đặc biệt, mang tính bí tích, với “vị Thượng Tế của Giao Ước vĩnh cữu”, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của Hy Tế bản thân, trong đó không ai thay thế được”(60). Trong nhiệm cục cứu độ do Chúa Kitô ấn định, tác vụ của các linh mục đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, cho thấy rằng Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành là một hồng ân trổi vượt hẳn thẩm quyền của cộng đoàn và trong mọi trường hợp, tác vụ ấy vẫn bất khả thay thế để nối liền một cách thành sự việc truyền phép Thánh Thể vớiø Hy Tế Thập Giá và Bữa Tiệc Ly. 

Để thực sự là một cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn đang tụ họp để cử hành Bí Tích Thánh Thể buộc phải có linh mục đã được truyền chức chủ tọa. Đàng khác, cộng đoàn không thể tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh. Vị nầy là một hồng ân mà cộng đoàn lãnh nhận qua trung gian của giám mục, người kế nhiệm các tông đồ. Chính giám mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tạo ra một linh mục mới, ban cho ngài quyền truyền phép Thánh Thể. Vì thế, “ không ai trong cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Thánh Thể ngoài linh mục đã được truyền chức, như Công Đồng Latêranô IV đã công bố rõ ràng”(61).  

30.   Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về tác vụ linh mục trong tương quan với Bí Tích Thánh Thể cũng như giáo lý về Hy Tế Thánh Thể là đề tài cho các cuộc đối thoại hữu ích trong khuôn khổ của hoạt động đại kết những thập niên gần đây. Chúng ta phải cảm tạ Chúa Ba Ngôi chí thánh, vì trong lãnh vực nầy, đã có những tiến triển có ý nghĩa và những sự xích lại gần nhau, làm cho chúng ta hy vọng một tương lai hiệp thông trọn vẹn trong đức tin. Lời nhận định của Công Đồng về các cộng đoàn giáo hội khác nhau, đã có từ thời thế kỷ XVI, và ly khai với Giáo Hội Công Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: “Mặc dù nhiều cộng đoàn giáo hội ly khai với chúng ta, không duy trì sự hiệp nhất toàn vẹn với chúng ta, và mặc dù chúng ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực và nguyện vẹn của Mầu Nhiệm Thánh Thể nhất là vì thiếu Bí Tích Truyền Chức, tuy nhiên, khi họ tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa trong Tiệc Thánh Thể, họ tuyên xưng điều đó có nghĩa là sự sống với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người(62).  

Các tín hữu công giáo, tuy phải tôn trọng những xác tín tôn giáo của các anh em ly khai, phải tránh tham dự vào việc rước lễ trong những buổi cử hành  của họ, để không dung dưỡng một sự hàm hồ nào về bản chất của Thánh Thể và, do đó thiếu sót trong bổn phận làm chứng cho sự thật một cách trong sáng. Điều nầy có thể sẽ làm chậm lại bước tiến tới sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn. Cũng vậy, không thể dự kiến thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những buổi suy tôn Lời Chúa  đại kết, bằng những buổi hội họp cầu nguyện chung với những Kitô hữu của các cộng đoàn Giáo Hội đã nói ở trên, hay bằng sự tham dự  vào những buổi cử hành phụng vụ của họ. Những cử hành và gặp gỡ như thế đáng tán dương trong một vài trường hợp nào đó, nhằm mục đích chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn từng mong ước, kể cả hiệp thông Thánh Thể, nhưng những điều đó cũng không thay thế thánh lễ được. 

Quyền truyền phép Thánh Thể chỉ dành riêng cho giám mục và linh mục mà thôi, việc nầy không làm suy giảm giá trị của các phần tử khác trong dân Chúa, vì mọi người đều được hưởng nhờ hồng ân nầy trong sự hiệp thông vào Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô là Giáo Hội. 

31.   Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh  của đời sống  Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là “ lẽ sống chính yếu và trung tâm của bí tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể”(63). 

Những hoạt động mục vụ của linh mục rất đa dạng. Nếu nghĩ đến những điều kiện xã hội và văn hóa của thế giới hôm nay, thì dễ hiểu rằng các linh mục bị rình rập bởi nguy cơ phân tán trong nhiều công việc khác nhau. Công Đồng Vaticanô II đã nhận thấy rằng bác  ái mục vụ là mối dây liên kết đời sống và hoạt động của các ngài. Công Đồng thêm: “ Bác ái mục vụ phát xuất trước tiên từ nơi Hy Tế Thánh Thể, do đó Hy Tế Thánh Thể là trung tâm và gốc rễ của toàn thể đời sống linh mục”(64). Vì thế, người ta hiểu được tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của linh mục,  cũng như cho lợi ích của Giáo Hội và thế giới, của việc  thực thi lời khuyên của Công Đồng là cử hành Bí Tích Thánh Thể hằng ngày, “dù việc cử hành không thể có giáo dân  hiện diện , vẫn là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội”(65). Bằng cách thế nầy, linh mục mới đủ sức thắng vượt tất cả những căng thẳng làm cho ngài bị phân tán trong cuộc sống; mới tìm thấy trong Hy Tế Thánh Thể, trung tâm đích thực của đời sống và tác vụ, sinh lực thiêng liêng cần thiết để đương đầu với những công việc mục vụ đa dạng. Như thế, những ngày sống của ngài sẽ thực sự trở nên  Thánh Thể.  

Bí Tích Thánh Thể là trung tâm đời sống và tác vụ của linh mục, cũng là trung tâm mục vụ về ơn gọi linh mục. Trước tiên, vì lời nguyện cầu cho ơn gọi tìm thấy nơi Bí Tích Thánh Thể môi trường kết hiệp rất sâu xa với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, vị Thượng Tế vĩnh hằng; nhưng cũng vì sự chú tâm thi hành tác vụ Thánh Thể của linh mục,  cộng với việc tham dự ý thức, sống động  và hiệu năng của các tín hữu vào Bí Tích Thánh Thể, tạo nên cho giới trẻ một  mẫu gương hữu hiệu và một khích lệ đáp trả cách quãng đại tiếng gọi của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa thường sử dụng  mẫu gương bác ái mục vụ hăng say của một linh mục để tuôn tràn và làm tăng triển trong tâm hồn người trẻ hạt giống ơn gọi linh mục. 

32.   Tất cả những điều đó cho thấy tình trạng đau đớn và bất thường của một cộng đoàn Kitô hữu, hội đủ mọi điều kiện của một giáo xứ về con số và sự đa dạng của giáo dân nhưng lại thiếu vắng một linh mục để hướng dẫn. Quả vậy, một giáo xứ là một cộng đoàn những người đã được rửa tội, họ diễn tả và củng cố căn tính của mình qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng việc ấy đòi phải có sự hiện diện của một linh mục,  vì chỉ ngài mới có quyền tế lễ trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi). Khi một cộng đoàn nào thiếu vắng linh mục, người ta tìm cách giải quyết một cách thích đáng vấn đề đó, để có thể tiếp tục những cử hành phụng vụ Ngày Chúa Nhật, và trong trường hợp nầy, những tu sĩ hay giáo dân hướng dẫn anh chị em mình trong việc cầu nguyện đều thi hành một cách đáng khen chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu, có nền tảng trong ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Nhưng những giải pháp ấy chỉ được xem như tạm thời trong lúc cộng đoàn  đang chờ có linh mục. 

Tính chất bất toàn về mặt bí tích của những cử hành phụng vụ ấy trước hết phải khuyến khích tất cả cộng đoàn cầu nguyện khẩn thiết hơn để Chúa sai thợ đến gặt lúa của Ngài( x. Mt 9,38); nó cũng thúc đẩy cộng đoàn vận dụng tất cả những yếu tố cần thiết khác để cổ võ  việc mục vụ ơn gọi một cách thích hợp, nhưng không chiều theo cám dỗ tìm những giải pháp hạ thấp đòi hỏi những đức tính luân lý và một sự đào tạo cần thiết cho các ứng sinh linh mục. 

33.   Khi thiếu linh mục, việc tham gia vào công việc mục vụ của một giáo xứ đã được trao phó cho những giáo dân không có chức thánh, những người nầy cần phải ý thức như Công Đồng Vaticanô II dạy “ không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không lấy việc cử hành Bí Tích Thánh Thể chí thánh làm gốc rể và trung tâm của mình” (66). Vì thế, họ phải lo sao cho cộng đoàn luôn “khao khát” thực sự Bí Tích Thánh Thể. Sự khao khát nầy giúp họ không bỏ qua một dịp nào để được tham dự Thánh Lễ, lợi dụng cả sự có mặt tình cờ của một linh mục,  miễn là vị nầy không bị ngăn trở theo giáo luật.


Mục Lục Nội Dung Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia