I. LINH MỤC, THẦY DẠY ĐỨC TIN

 

1. Linh mục là ai, làm gì ? [1]

Chức vụ và đời sống linh mục có thể được phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau, xoay quanh ba chức năng chủ yếu của chính Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế (mục tử).

Linh mục được kêu gọi để thông phần tư cách làm đầu của Chúa Kitô trên cả ba bình diện. Do đó linh mục phải là người “rập khuôn” với Chúa Kitô. Chúa Kitô dựa theo các sách Tin Mừng, tiên vàn là một Thầy Rabbi : một vị thầy, một người thầy, một nhà giáo dục đến từ Thiên Chúa để giáo dục, dạy dỗ muôn dân (nhân loại).

Chúa Kitô đến dạy cho mọi người biết Thiên Chúa, để nhờ biết Thiên Chúa và phụng thờ Thiên Chúa mà họ được hạnh phúc, được cứu rỗi. Giáo hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, nên Giáo hội không những là Mẹ, mà còn là Thầy, có sứ mạng dạy dỗ muôn dân.

Linh mục là “thừa tác viên” của Giáo hội, là người được đào tạo để trở nên như vị Thầy, như nhà giáo dục đức tin. Linh mục là thầy dạy, không phải dạy văn hoá hay thể dục thể thao, không phải dạy làm nghề hay kinh doanh, nhưng dạy điều quan trọng nhất là “sống đức tin”, dạy cách bước theo Chúa Kitô, dạy cách làm môn đệ Chúa Kitô để được cứu rỗi.

Để hiểu được tầm quan trọng của linh mục là thầy dạy đức tin, trước hết chúng ta cần ý thức tầm quan trọng của đức tin. Theo thánh Phaolô, con người được “công chính hoá” nhờ đức tin (x. Rm 3,27-31) : “Chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết” (Rm 4,24).

Tin Mừng Gioan cũng khẳng định sự cần thiết của đức tin để được cứu độ : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời… Ai tin vào con của Người, thì không bị kết án, nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,16-21).

Tầm quan trọng của đức tin đối với ơn cứu độ vẫn luôn luôn là giáo lý cốt yếu của Giáo hội. Trải qua quá trình hơn 30 năm đối thoại thần học, tuyên ngôn chung giữa Công giáo và Liên đoàn Tin Lành Luther Thế Giới về “ơn công chính hoá” là một xác quyết quan trọng về ơn công chính hoá bởi đức tin (x. Tuyên ngôn chung về học thuyết công chính hoá của Liên Đoàn Tin Lành Luther Thế Giới và của Giáo hội Công Giáo, được ký vào tháng 10 năm 1999, đặc biết các số 25-27).

2. Linh mục, thầy khơi dậy đức tin

Nhiệm vụ đầu tiên của linh mục là “khơi dậy” đức tin nơi những người chưa biết Chúa. Các Tông Đồ đã khơi dậy đức tin của người nghe bằng “lời rao giảng” mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Họ không làm việc đó một mình, nhưng cùng với Thánh Thần. Cùng với Chúa Thánh Thần, họ đã làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết.

Theo thánh Phaolô, tin là “bởi nghe” (ex auditu). Sau khi khẳng định sự cần thiết của đức tin : “Có tin thật trong lòng mới được nên công chính” (x. Rm 10,9-10), thánh Phaolô nhấn mạnh đến “sứ vụ rao giảng” : “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ?” (Rm 10,14). Do đó, mục tiêu đầu tiên của việc rao giảng là “khơi dậy đức tin” nơi người nghe. Đó là nhiệm vụ của linh mục khi rao giảng. Nhưng linh mục không thể tự sức mình khơi dậy đức tin, vì đức tin là một ân sủng. Linh mục chỉ có thể khơi dậy đức tin nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Rao giảng là một việc làm siêu nhiên, thực hiện trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần tác động nơi người nói, và cũng tác động nơi tâm hồn người nghe, đánh động họ, như lời sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật về bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô và các Tông Đồ : “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” Ông Phêrô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,37-38).

Nhiệm vụ khơi dậy hay khơi lại lòng tin của những người nghe, cũng là nhiệm vụ Phúc Âm hoá hay tái Phúc Âm hoá của Giáo hội, vẫn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của linh mục. Nội dung của lời rao giảng là mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu phải được loan báo như thế nào để người nghe nắm bắt, hiểu được, đón nhận và tin. Rao giảng Tin Mừng là một nghệ thuật thần linh mà linh mục chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp cùng với Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà người rao giảng phải là người đầy Thánh Thần, như Phaolô và Barnaba. Để có đầy Thánh Thần, người rao giảng phải cầu nguyện nhiều trước và trong khi rao giảng.

3. Linh mục, thầy củng cố đức tin

Linh mục không những có nhiệm vụ khơi dậy đức tin nơi những người nghe, mà còn có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các tín hữu.

Cuộc sống ở trần gian là một cuộc đời lữ thứ, một hành trình gian nan và đầy thử thách. Khó có ai có thể trải qua cuộc sống trần gian này cách hoàn toàn yên hàn.

Những đau khổ và khó khăn, những bóng tối của sự dữ và tội ác loài người, gánh nặng của thời gian, là những thử thách rất lớn cho đức tin của người tín hữu, đặc biệt của những người mới tin Chúa (Mục vụ tân tòng). Thiên Chúa là Đấng vô hình. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhập thể làm người và ở giữa chúng ta, nhưng Người đã chết và đã sống lại, vượt qua thế gian, ngự bên hữu Chúa Cha, nên chúng ta cũng không thấy được Người bằng mắt phàm. Đó là lý do hết sức cơ bản để cho Giáo hội, để cho chúng ta thi hành nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho thánh Phêrô : “Một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Chúng ta luôn có nhiệm vụ củng cố lòng tin của anh em (các tín hữu). Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng ta và ban ơn cho chúng ta, để chúng ta khỏi mất lòng tin, như Người đã cầu nguyện và ban ơn cho Phêrô, để Phêrô có thể củng cố đức tin cho anh em mình.

Điều mà linh mục thường xuyên thiếu sót là việc củng cố đức tin : để người khác củng cố đức tin cho mình, mình tự củng cố đức tin cho chính mình và củng cố đức tin cho anh em, cho giáo dân, đặc biệt là lúc giáo dân gặp thử thách và đau khổ đến tâm sự trong và ngoài toà giải tội.

Linh mục phải biết cách củng cố đức tin cho giáo dân bằng những lời an ủi, bằng cầu nguyện, bằng Lời Chúa, bằng các bí tích và bằng sức mạnh của Thánh Thần. Linh mục hãy đón tiếp những ai gặp khó khăn trong đời sống đạo, đừng hất hủi họ. Thay vì thái độ lạnh nhạt, hững hờ trước những khó khăn của giáo dân, linh mục hãy luôn luôn biết ân cần khích lệ các tín hữu.

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực sự có sức mạnh để củng cố đức tin nơi các kitô hữu, chúng ta chỉ có thể củng cố đức tin cho người khác trong sức mạnh của Thánh Thần.

4. Linh mục, thầy nuôi dưỡng đức tin

 Đức tin không những cần được củng cố mà còn cần được nuôi dưỡng không ngừng. Đức tin không được nuôi dưỡng sẽ “suy dinh dưỡng”, rồi sẽ trở thành đức tin chết.

+ Mục vụ Lời Chúa : Có đức tin là do ân sủng Chúa ban. Và ân sủng ấy, ơn đức tin ấy, trở thành “sự sống đức tin nơi chúng ta” Sự sống đức tin được nuôi dưỡng bằng “Lời Chúa”, vì Lời Chúa là Lời ban sự sống. Linh mục phải là người giảng Lời Chúa, giải thích Lời Chúa, chỉ cách cho giáo dân ứng dụng Lời Chúa vào cuộc sống. Lời Chúa là thức ăn bổ dưỡng nhất cho tâm hồn, là “đồng cỏ xanh tươi” cho các con chiên của Chúa.

+ Linh mục là thầy dạy đức tin, biết cách nuôi dưỡng đức tin của giáo dân. Đức tin được các giáo phụ phân biệt làm hai khía cạnh : “fides quae creditur” (nội dung đức tin), và “fides qua creditur” (cường độ đức tin). Cả hai khía cạnh này đều cần được nuôi dưỡng. Nội dung đức tin của người kitô hữu phải càng ngày càng sáng tỏ, phong phú, bao trùm và ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc sống.

+ Mục vụ huấn giáo : Nội dung đức tin cơ bản, tức là “những mầu nhiệm chính yếu trong đạo” mà mọi người kitô hữu phải biết (Kinh Tin Kính các Tông Đồ), cần được linh mục minh hoạ, giải thích tựa vào Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo hội, nỗ lực suy nghĩ của lý trí. Nội dung ấy phải trở thành “ánh sáng chân lý” chiếu soi trên thực tế đời sống. Linh mục không được phép để đức tin của người tín hữu trong trạng thái nghèo nàn, nội dung quá sơ sài.

+ Mục vụ bí tích (mystagogue) : Huấn giáo còn phải là huấn giáo bí tích. Linh mục giải thích ý nghĩa của bí tích cho giáo dân thật cặn kẽ, để giáo dân lãnh hội được ý nghĩa và thực hiện cách tích cực, hữu ích cho cuộc đời kitô hữu của họ. Bí tích nào cũng là bí tích đức tin, phải có đức tin mới hiểu được. Bí tích cũng có tác dụng nuôi dưỡng đời sống đức tin cách sâu sắc.

 + Linh mục còn là thầy dạy giáo dân “tăng cường đức tin”, làm cho cường độ đức tin mỗi ngày thêm mạnh hơn. Cường độ đức tin có mạnh mới ảnh hưởng trên đời sống, lay chuyển cuộc sống.

5. Linh mục, thầy dạy sống đức tin

Đưa đức tin vào cuộc sống hay sống đức tin là điều khó nhất đối với người giáo dân, đối với cả linh mục tu sĩ.

+ Người có đạo nhiều khi biết giáo lý khá rõ, nghe lời Kinh Thánh cũng nhiều, nhưng không được hướng dẫn, không được thực tập đưa Lời Chúa vào đời sống. Hậu quả là hạt giống Phúc Âm, hạt giống Lời Chúa vẫn ở bên lề cuộc sống. Đạo vẫn là một mớ lý thuyết, nên không có sức hấp dẫn những người chưa biết Chúa. Lý thuyết và thực hành trong đời sống của người có đạo còn rất xa nhau. Kết quả là cuộc đời của người có đạo, bản thân con người tín hữu không được biến đổi, chẳng trở nên đẹp đẽ gì hơn. So sánh với cuộc sống của lương dân, cuộc đời của người có đạo không hơn gì bao nhiêu.

+ Linh mục có nhiệm vụ giáo dục đức tin, là thầy dạy giáo dân sống đạo. Trước hết hãy tập cho giáo dân biết “phản tỉnh”, biết suy nghĩ về cuộc sống thực tế, biết đặt cuộc sống thực tế của mình dưới ánh sáng đức tin, ánh sáng Lời Chúa. Giáo dân phải được tập suy nghĩ, tập phán đoán theo những tiêu chuẩn của Phúc Âm. Tập phản ứng, tập quyết định, tập hành động theo giáo huấn của Tin Mừng, theo thánh ý của Thiên Chúa.

+ Lãnh vực thần học luân lý hôm nay là một lãnh vực rất quan trọng trong Giáo hội, vì thần học luân lý nhằm hướng dẫn hành động của con người cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa : ý Trời, mệnh lệnh của Trời. Người ta có biết ý trời, có tri thiên mệnh, thì mới trở thành “con người khôn ngoan”. Hơn bao giờ hết, thế giới đầy những khó khăn, những phức tạp, những hỗn loạn về mọi mặt, cần phải có người khôn ngoan hướng dẫn để khỏi mất phương hướng. Chính Chúa Giêsu đã được Giáo hội coi như vừa là một Mục Tử, vừa là “nhà hiền triết” (x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 6) . Người dạy cách sống đúng “ý Trời”.

+ Linh mục tập cho giáo dân thực hành từng bước giáo huấn của Chúa Giêsu, thực hành giới răn mới của Chúa trong xã hội ngày hôm nay : học thuyết xã hội của Giáo hội công giáo (Mục vụ xã hội).

6. Linh mục, thầy dạy truyền bá đức tin

Truyền bá đức tin là nghĩa vụ của mọi kitô hữu, không trừ một ai (x. Bộ Giáo lý Đức tin, Lưu ý giáo thuyết về một vài khía cạnh của Phúc Âm hoá, ngày 3 tháng 12 năm 2007).

+ Việc hiểu sai tinh thần của Công đồng Vaticanô II và giáo lý của Công đồng về “ơn cứu độ phổ quát” đã làm cho nhiều thành phần trong Giáo hội chùn bước một thời gian khá lâu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, truyền bá đức tin. Hậu quả là đời sống đức tin của người tín hữu ở nhiều nơi suy giảm về số lượng lẫn chất lượng. Điều này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sáng suốt nhận định, và ngài đã lớn tiếng kêu gọi “tái Phúc Âm hoá”, “tân Phúc Âm hoá” (nhiều lãnh vực chưa được Phúc Âm hoá, dù thuộc về những vùng “văn hoá Kitô giáo”).

+ Vấn đề đối thoại các tôn giáo là một vấn đề rất quan trọng hiện nay cũng đã bị nhiều người hiểu sai và do đó làm chùn bước những sứ giả loan báo Tin Mừng. Điều đó buộc Giáo hội phải lên tiếng trở lại để khẳng định sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu.

+ Là thầy dạy đức tin, linh mục cũng phải là thầy dạy truyền bá đức tin cho mọi thành phần dân Chúa. Linh mục phải dạy cho giáo dân, tập cho giáo dân làm việc tông đồ : tập cho thiếu nhi, giới trẻ và người lớn có ý thức mạnh mẽ về bổn phận loan báo Tin Mừng.

+ Nếu thực sự linh mục kinh nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, linh mục biết Chúa và tin Chúa yêu mình, mình đang sống bằng tình yêu của Chúa, hạnh phúc vì được Chúa yêu thương, linh mục càng mạnh dạn công bố, loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Sở dĩ linh mục chưa mạnh dạn, chưa biết cách, là vì chưa xác tín về tình yêu của Thiên Chúa.

+ Linh mục hãy chỉ cho giáo dân cách giới thiệu Thiên Chúa cho người khác : bằng lời nói, hành động, cách sống, bằng các khả năng đa dạng của mình (lãnh vực tin học, du lịch và xã hội…).

Chúa muốn cho mọi người biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa, nhờ đó được chia sẻ tình yêu, sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa. Chúng ta yêu Chúa, muốn cho ý Chúa được thể hiện.



[1] Trong Thư chung của HĐGMVN năm 2007 về giáo dục Kitô giáo, “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”, số 30, có nhắc nhớ vai trò của các linh mục như sau : “Với những lớp huấn giáo là những phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo, cha xứ cùng với các giảng viên sẽ chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và huấn giáo cho các học viên chuẩn bị lãnh các bí tích. Tại đây, giáo dân có môi trường thể hiện đức tin với các thành phần khác của cộng đoàn và được tham dự cách ý thức vào các giờ kinh lễ, phụng vụ, bí tích. Đó là những hình thức tham dự trực tiếp và hữu hiệu vào công trình giáo dục Kitô giáo”. Trong tinh thần của Thư Chung vừa nêu, các bài giảng tĩnh tâm linh mục trong năm giáo dục Kitô giáo của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn vai trò của linh mục như nhà giáo dục Kitô giáo. WEB www.tgmmt.org xin trân trọng giới thiệu.

Mục Lục