III. LINH MỤC, THẦY DẠY HY VỌNG


I. Niềm hy vọng Kitô giáo

1.

+ Tin, cậy, mến là ba nhân đức “đối thần”, đi chung với nhau, gắn liền với nhau, nói lên ba khía cạnh cơ bản của đời sống kitô hữu. Ba nhân đức này phân biệt, nhưng không tách rời nhau, mỗi nhân đức nhấn mạnh một nội dung. Đức ái nhấn mạnh chỗ đứng của tình yêu Kitô giáo. Đức tin là yếu tố nền tảng của đời sống tín hữu, là điều kiện cơ bản để được ơn cứu rỗi. Còn đức cậy nhấn mạnh khía cạnh lữ thứ của đời sống kitô hữu. Đức cậy hướng chúng ta đến cùng đích của đời sống con người.

+ Con người đã được cứu rỗi hay chưa ? Con người đã đạt đến cùng đích cuối cùng rồi hay chưa ? Con người hạnh phúc rồi hay chưa ? Con người có Chúa rồi hay chưa ? (Chúa là hiện tại hay tương lai của con người ?)

2.

+ Nếu đức tin nhấn mạnh khía cạnh “rồi”, thì đức cậy nhấn mạnh khía cạnh “chưa”. Trong thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha “Được cứu rỗi trong hy vọng” (Rm 8,24), ngài nhắc đến lời của thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng “ơn cứu chuộc không chỉ là một điều đã được ban cho, nhưng được cống hiến cho chúng ta như là điều mà ta hy vọng. Chúng ta hy vọng được cứu rỗi. Nhờ hy vọng đó mà chúng ta có thể đối diện với thực tại cuộc sống rất khó khăn, đầy dẫy những thách thức. Dù cuộc đời lữ thứ có gian nan bao nhiêu, ta vẫn chắc chắn sẽ đạt đến mục đích cuối cùng : “Theo đức tin Kitô giáo, sự “cứu chuộc’, cứu độ không đơn thuần là một sự kiện. Sự cứu chuộc được tặng ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được ban cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng khả tín, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại. Dù là một hiện tại khổ nhọc, chúng ta có thể sống và chấp nhận hiện tại, nếu nó dẫn đến một cùng đích, nếu chúng ta có thể chắc chắn về cùng đích này, và nếu cùng đích này cao cả đến mức có thể biện minh cho những cố gắng trên đường đi” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 1).

+ Đức Thánh Cha cũng cho thấy, tin theo Kinh Thánh thật ra cũng chỉ là hy vọng. Niềm hy vọng Kitô giáo cũng chính là niềm tin Kitô giáo, như thư thứ nhất của thánh Phêrô nhấn mạnh rằng chúng ta hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (1 Pr 3,15). Hy vọng đối lại với thất vọng, hay tuyệt vọng, không có lối thoát. Một cuộc đời không có hy vọng là một cuộc đời không có tương lai, không có lối thoát. Kitô hữu là người có niềm hy vọng, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI : “Ở đây xuất hiện yếu tố đặc thù của các kitô hữu, đó là họ có một tương lai : không phải họ biết tường tận điều gì đang chờ đợi mình, nhưng họ biết một cách tổng quát rằng cuộc đời họ không kết thúc trong hư vô. Chỉ khi tương lai được bảo đảm như một thực tại tích cực, thì hiện tại mới có thể được sống một cách tích cực. Như thế, giờ đây chúng ta có thể nói rằng : Kitô giáo không chỉ là một “tin mừng” truyền thông một nội dung cho đến nay chưa được biết. Trong ngôn ngữ thời nay, chúng ta có thể nói : sứ điệp Kitô giáo không chỉ “thông tin” mà còn “tác động”. Điều đó nghĩa là : Tin Mừng không chỉ truyền thông những yếu tố có thể nhận biết được, nhưng là một sự truyền thông làm phát sinh các sự kiện và làm thay đổi đời sống. Cánh cửa tăm tối của thời gian, của tương lai, đã được rộng mở. Người có niềm hy vọng thì sống cách khác hẳn; một cuộc sống mới đã được ban tặng” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 2).

+ Khi nói về niềm hy vọng Kitô giáo, chúng ta không muốn nói tới một tương lai trần thế hay một lối thoát theo nghĩa thế gian. Nhưng chúng ta muốn đề cập đến “mục đích cuối cùng” của đời người, đến “sự sống đời đời”.

+ Trong Kitô giáo, hy vọng là hướng tới “tình yêu tuyệt hảo”, hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa trong tình yêu. Nhờ hy vọng mà tình yêu Kitô giáo không bị ứ đọng, không dừng lại một chỗ, không đầu hàng sự dữ và sự chết, nhờ hy vọng mà tình yêu Kitô giáo có tương lai.

+ Cơ sở vững chắc của niềm hy vọng Kitô giáo là “sự Phục Sinh của Chúa Kitô”. Vì sự Phục Sinh của Chúa mà không ai trong chúng ta phải đầu hàng sự chết, không ai phải tuyệt vọng. Thần học về hy vọng cũng là thần học về ý nghĩa cuối cùng của sự Phục Sinh.

II. Linh mục, thầy dạy hướng tới tương lai

1.

+ Mặc dù sống trong hiện tai và được khuyên sống trọn vẹn giây phút hiện tại, nhưng người kitô hữu không dừng lại ở hiện tại, mà phải “luôn tỉnh thức chờ đợi”, nghĩa là luôn hướng về tương lai, hướng về ngày Chúa Quang Lâm.

+ Không riêng gì kitô hữu, mà bất cứ ai, dù trẻ hay già, ít nhiều gì cũng hướng tới tương lai, vì khi không hướng tới tương lai được nữa, mà phải dừng lại vĩnh viễn, thì cũng là chấm dứt, là hết, là chết. Còn sống là còn hy vọng, còn hy vọng là còn sống. Chính niềm hy vọng làm cho người ta muốn sống. Cuộc sống con người được dệt bằng những hy vọng trần thế. Con người hướng về một ngày mai xán lạn hơn, con người ước mong được giàu có hơn, sung sướng hơn, có địa vị và danh vọng cao hơn. Con người luôn luôn muốn “cái hơn”, và chính cái hơn đó làm cho con người tiến bộ. Nhưng trong chính ước muốn cái hơn đó, con người chạm trán phải cái chết. Và nếu chết là hết, thì không còn tương lai gì nữa, hy vọng gì nữa. Những hy vọng trần thế chỉ dẫn con người đến “ngõ cụt”, không còn đi tới được nữa.

2.

+ Giống như Đức Kitô, linh mục là con người dẫn đường (nhà hiền triết : philosophe). Và linh mục không dẫn con người tới “ngõ cụt”. Linh mục không dừng lại ở những “hy vọng trần thế”, mà hướng con người đến “một tương lai vô biên, vĩnh hằng”, hướng con người đến Thiên Chúa, là Đấng không biên giới.

+ Linh mục không phủ nhận các “niềm hy vọng trần thế”, nhưng hướng chúng đến một tương lai vĩnh hằng, và để được như vậy, chúng cần phải được “tương đối hóa”, đặt lại đúng vị trí của chúng. Linh mục không tôn thờ và không cho phép các kitô hữu tôn thờ chúng. Linh mục phải giống như các tiên tri, luôn phá đổ các ngẫu tượng, để dân Chúa có thể hướng về Thiên Chúa đích thực. Xét về phương diện này, mỗi linh mục là một nhà cách mạng.

3.

+ “Thế giới này qua đi”, mọi đau khổ trần gian không thể nào ví được với giây phút vinh quang với Thiên Chúa. Linh mục hướng người tín hữu đến với vinh quang của Thiên Chúa, nhưng không dạy con người thoát tục. Nietzsche đòi lên án những người kitô hữu rao giảng sự chết, phủ lên cả thế giới này một tấm màn tang tóc. Nietzsche cho rằng Kitô giáo phủ nhận thế giới, phủ nhận con người và những gì cuồng nhiệt nhất nơi con người (eros). Đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo là “sự sống đời đời”. Nhưng sự sống đời đời xem ra không mấy hấp dẫn đối với con người thời nay. Họ chuộng đời này hơn, họ không thích sự sống đời đời. Niềm tin vào sự sống đời đời là một ngăn trở, làm cho hiện tại mất vui. Sự sống đời đời được hiểu như cuộc sống kéo dài bất tận sẽ trở nên rất nhàm chán và không thể chịu đựng nổi. Thiếu sự trợ giúp của ân sủng, sự bất tử là một gánh nặng hơn là một sự chúc phúc : “Bằng tư tưởng, chúng ta chỉ có thể tìm cách ra khỏi thời gian tính đang cầm giữ mình và trong chừng mực nào đó, thấy trước rằng vĩnh cửu không phải là một chuỗi tháng ngày kế tiếp nhau như trong cuốn lịch, nhưng là điều gì đó giống như thời điểm mãn nguyện đầy tràn. Trong thời điểm này tính toàn thể bao bọc lấy chúng ta và chúng ta ôm choàng lấy tính toàn thể. Đó là khi ngụp lặn vào đại dương của tình yêu vô hạn, trong đại dương này, thời gian - trước và sau - không còn hiện hữu nữa. Chúng ta chỉ có thể suy nghĩ rằng thời điểm ấy là cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, một cuộc ngụp lặn luôn mới mẻ vào cõi mênh mông của hữu thể, trong khi chúng ta được tràn ngập niềm vui. Đó là điều Đức Giêsu diễn tả trong Tin Mừng theo thánh Gioan : “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (16,22)” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 12).

4.

+ Niềm hy vọng mà Tin Mừng Phục sinh mang đến, niềm hy vọng mà linh mục rao giảng không là một hạnh phúc cá nhân, riêng tư không có liên hệ gì với xã hội và lịch sử; mỗi người có một số phận riêng của mình, không dính dáng đến người khác. Đức Thánh Cha Bênêđíctô nhắc lại giáo lý của Công đồng Vaticanô II về ơn cứu rỗi của nhân loại, của Dân Chúa. Thiên Chúa không muốn cứu độ con người một cách riêng lẽ, mà đã quy tụ họ thành một dân.

+ Niềm hy vọng cứu rỗi hướng về sự sống đời đời không làm cho người kitô hữu quên các bổn phận trần thế, quên xây dựng xã hội, trái lại nó vừa là ánh sáng, vừa là chất xúc tác, giúp cho nhân loại xây dựng xã hội trần thế cách đúng đắn và khôn ngoan hơn, phù hợp với thiên chức con người hơn.

5.

+ Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo hội đề cao vai trò của Học thuyết Xã hội Công giáo, minh định ý nghĩa của con người và xã hội, điều đó có thể giúp ích để định hướng cho một nền chính trị lành mạnh.

+ Chúng ta còn ở trong một thế giới đầy những bất công, chia rẽ, hận thù, xung đột, dù đó là một thế giới đầy những khám phá khoa học kỹ thuật mang lại cho con người một nếp sống văn minh, tiện nghi và tiến bộ không ngừng.

6.

+ Giáo hội đề cao “sự liên đới” như “một nhân đức xã hội” rất cần thiết để xây dựng một nền văn minh tình thương. Người có nhân đức liên đới luôn hướng đến công lý và ước ao thiết lập công lý trên khắp mặt địa cầu, đặc biệt là công lý cho những người nghèo khổ, không quyền lực, không tiếng nói (x. Gm. Bùi Văn Đọc, “Xây dựng xã hội công bằng theo học thuyết xã hội công giáo”, trong Hội thảo khoa học quốc tế : Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và liên đới xã hội, Hà Nội, 15-16/10/2007, tr. 511-537).

+ Huấn quyền của Giáo hội định nghĩa sự liên đới một cách hết sức rõ ràng, và hoàn toàn dựa trên Tin Mừng. Liên đới không chỉ là một đồng cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những đau khổ của bao người xa gần. Nhưng đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững lo cho công ích, lợi ích của tất cả và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm về mọi người.

+ Thay vì nói như Đức Giáo hoàng Phaolô VI : “Phát triển là danh xưng mới của hòa bình” (x. ĐGH. Phaolô VI, Populorum progressio, s 76-80), Giáo hội hôm nay nhấn mạnh rằng : “Liên đới là danh xưng mới của hòa bình” (x. ĐGH. Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày hoà bình thế giới - Phát triển và liên đới : hai chìa khoá cho hoà bình, ngày 1 tháng 1 năm 1987). Giáo hội liên đới với mọi người, nhưng khi cần phải chọn lựa, Giáo hội đứng về phía những người nghèo, người bị áp bức. Giáo hội rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhưng đặc biệt là cho người nghèo. Chúng ta hãy mang Tin Mừng hy vọng tới cho những người không có hy vọng.

III. Linh mục, thầy dạy cậy trông và phó thác

1.

+ Theo thánh Tôma, chúng ta hy vọng một điều gì khi điều ấy rất khó đạt được, nhưng có thể đạt được. Tất cả những gì khó đạt được nhưng có thể đạt được đều là đối tượng hy vọng của con người. Nhưng mọi sự đều có thể xảy đến và qua đi, những gì khó mấy đi nữa hầu như con người rồi cũng sẽ đạt được, trên bình diện tự nhiên, nhờ khả năng trí tuệ của con người. Đó là những “hy vọng từng phần” mà con người thường nghĩ rằng có thể lắp đầy cuộc sống.

+ Trong thực chất, cuộc sống viên mãn của con người không thể đồng hóa với những niềm hy vọng từng phần ấy. Vì đó là điều chỉ có Chúa mới có thể đáp ứng, vì Chúa đã đến thế gian để cho con người được sống và sống viên mãn.

+ Sự sống viên mãn là điều con người ước mơ, con người cần, vì đó là hạnh phúc trọn vẹn của con người, nó vượt lên trên sức lực tự nhiên của con người. Nhưng có thể đạt được, vì là ý muốn của Thiên Chúa, do tình thương của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và khi chúng ta tin ở quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, thì chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn. Niềm hy vọng ấy là niềm hy vọng Kitô giáo, và đó là niềm hy vọng bao trùm tất cả, vượt trên tất cả, nhưng cũng là nền tảng của tất cả. Không có niềm hy vọng này, con người sẽ nhanh chóng thất vọng, và thậm chí tuyệt vọng, vô vọng vì chạm trán phải sự dữ và sự chết.

2.

+ Chúa Giêsu là vị ngôn sứ được Chúa Cha sai đến trần gian để dạy cho con người đừng để cho sự dữ và sự chết đè bẹp. Chúa Giêsu dạy cho con người phản kháng, phản kháng sự dữ và sự chết, phản kháng không bằng bạo động, mà bằng tình thương. Tình thương không chấp nhận cho con người nô lệ sự dữ và sự chết (Ý nghĩa “xuất hành”). Tình thương mang tính “phản kháng”.

+ Tình thương không dừng lại ở phản kháng, nhưng còn hướng tới giải phóng : giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết, đưa con người vào vương quốc của sự sống và tình yêu.

+ Đó là những điều mà mọi người ước mong, nhưng người ta chỉ đạt được “một phần”, chỉ đạt được trong hy vọng (in spe). Con người chưa nắm chắc đối tượng, nên vẫn lo âu xao xuyến không biết mình có đạt được đối tượng hay không ? Con người sợ hãi vì nguy cơ trước mắt. Con người bị cám dỗ thất vọng, vì thực tế trước mắt, vì có quá nhiều khó khăn để đạt mục đích mình muốn.


3.

+ Nói như thánh Phaolô, điều thiện hảo mà chúng ta muốn, ta lại không làm được; điều ác ta không muốn thì ta lại làm. Con người của ta gần như bất lực trước sự dữ trong ta và bên ngoài ta. Nhiều lúc ta bị cám dỗ buông xuôi. Đức Giêsu là vị thầy dạy nhân loại chiến đấu chống sự dữ, chống ác thần. Chính Đức Giêsu, với tư cách là người, cũng đã phải chiến đấu quyết liệt : trong hoang địa, trong vườn cây dầu, trên thập giá. Sự dữ và bóng tối mà Người phải đối đầu, ghê gớm đến nỗi có lúc Người phải thốt lên “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mt 27,46). Nhưng rồi sau khi chiến đấu hết mình, Người đã hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

+ Linh mục cũng là vị thầy giống như Chúa Giêsu, dạy chiến đấu và phó thác. Khoa tu đức học có mục đích dạy cho linh mục cách chiến đấu với bản thân mình, cách chống trả lại các cơn cám dỗ, chống trả lại sự dữ và ác thần. Nó rất cần cho linh mục và cho giáo dân mà linh mục hướng dẫn. Linh mục không học qua chiến đấu, thì làm sao có thể dạy dỗ giáo dân chống trả sự dữ ? (Một số linh mục có khuynh hướng sống buông thả, không chiến đấu, không hãm mình, không hy sinh).

+ Đức Giêsu đã nói : “Ta đến không phải đem bình an, mà đem gươm giáo” (Mt 10,34) là cách nói đến “cuộc chiến của người kitô hữu”. Lời mời gọi “tỉnh thức và cầu nguyện” cũng là lời kêu gọi chiến đấu để khỏi sa chước cám dỗ. Câu nói “vác thập giá mà theo Ta” (Mt 10,38) chỉ những hy sinh trong đời sống hằng ngày, và những phấn đấu lao nhọc để có thể là môn đệ của Chúa.

+ Kitô giáo gắn liền với “chiến đấu”. Bỏ “chiến đấu” không còn Kitô giáo nữa. Người ta chỉ có thể chiếm hữu Nước Trời bằng bạo lực. Dĩ nhiên cuộc chiến Kitô giáo không phải là “bạo động” bằng sức mạnh thể lý và trần gian, nhưng là một cuộc chiến vì tình yêu (lotta amorosa).

4.

+ Linh mục dạy cho kitô hữu chiến đấu hết mình, nhưng rồi lại dạy cho họ biết “phó thác”, biết nương tựa vào Chúa, biết tin tưởng, không quá lo lắng vì chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình. Hệ luận của việc “phó thác” là “bình an”. Phó thác là “trao phó cho Chúa, để mặc cho Chúa định liệu”; “ký gởi cho Chúa sự sống của mình, sinh mạng, vận mệnh của mình”.

+ Trong lịch sử linh đạo, có những linh đạo nghiêng về phó thác, có những linh đạo nghiêng về chiến đấu. Nhưng hai bên không loại trừ nhau, mà luôn bao hàm nhau. Chúng ta nhấn mạnh “phó thác” dựa vào “sự quan phòng của Thiên Chúa”, ta tin Chúa thương ta. Chúng ta nhấn mạnh vào sự chiến đấu, để biểu lộ sự cương quyết bước theo Đức Kitô, đi qua khung cửa hẹp. Phaolô đã dùng hình ảnh “người lính chiến của Chúa Kitô” (2Tm 2,3), người “lực sĩ điền kinh” (2 Tm 2,5) để diễn tả sự chiến đấu cần thiết trong cuộc đời kitô hữu.

+ Cuộc đời của người kitô hữu có nhiều giai đoạn khác nhau. Có nhũng lúc phải chiến đấu nhiều hơn, có lúc khác thì phó thác nhiều hơn. Có khi vừa chiến đấu, vừa phó thác. Nhưng cả sự chiến đấu lẫn sự phó thác của người kitô hữu đều có chung một điểm tựa là “lòng trông cậy” vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Người kitô hữu chiến đấu dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần), cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Người kitô hữu phó thác hoàn toàn cho Chúa, dựa vào sức mạnh của Chúa, trông cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa.

5.

+ Linh mục là “người của cậy trông”, tất cả những gì linh mục làm là vì đặt hy vọng vào Chúa. Nếu không đặt hy vọng vào Chúa, thì linh mục chẳng làm gì cả, vì không thấy điều gì có ích lợi trước mắt. Vả lại, linh mục không thể ép buộc ai, không thể ép buộc người giáo dân yêu Chúa, tin Chúa, vì đó là những hành vi tự do. Nếu người giáo dân không làm, linh mục cũng chẳng làm gì được, chỉ có cậy trông vào Chúa : việc Chúa làm.

+ Tất cả thừa tác vụ của linh mục đều được thực hiện vì hy vọng và trong hy vọng. Linh mục tin tưởng vào Chúa, cầu xin Chúa cho được như ý Chúa muốn. Linh mục không có một sự bảo đảm trần thế nào, chỉ có sự bảo đảo của Chúa, sự bảo đảm của lời Chúa hứa. Sự bảo đảm của quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện cách trọn vẹn nơi sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

+ Vì linh mục là “người của hy vọng”, nên linh mục là “thầy dạy cậy trông”, thầy dạy đặt hy vọng vào Chúa, thầy dạy tin vững vàng vào lời Chúa hứa, thầy dạy nương tựa vào Chúa, bám vào Chúa


Mục Lục