Bài 2:

CUỘC HOÁN CẢI CỦA THÁNH PHAO-LÔ

“Cuộc hoán cải của thánh Phaolô” đưa chúng ta trở lại biến cố Đamát, và giúp chúng ta hiểu ý nghỉa sâu sắc của biến cố này.

 

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Thông

 

 Biến cố trên đường Đá-mát, đã làm thay đổi tận căn cuộc đời của thánh nhân từ kẻ bách hại Giáo Hội dữ dội trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại. Biến cố kỳ lạ nầy được thuật lại đến ba lần trong sách Tông Đồ Công Vụ (9,1-19; 22,3-21; 26,9-18) và rải rác trong các thư của chính thánh Phao-lô (1 Cr 9,1; 15,8-10; Pl 3,4-14; Gl 1,11-23).

Tại sao thánh Lu-ca tường thuật một biến cố đến ba lần trong cùng một tác phẩm? Để hiểu dụng ý của tác giả, chúng ta sẽ tìm hiểu từng bài tường thuật.

Khi so sánh đối chiếu cách trình bày biến cố trên đường Đa-mát được tường thuật trong sách Công Vụ và được kể lại trong các thư của thánh Phao-lô, chúng ta dể dàng nhận ra những tương đồng và những dị biệt. Những tương đồng và dị biệt nầy muốn nói lên điều gì?

 

I. Cách trình bày của thánh Lu-ca trong sách Công Vụ:

 

Trong sách Công Vụ, biến cố nầy được tường thuật đến ba lần: một chuyện kể (9,1-19), và hai lần khác theo hình thức diễn từ biện hộ của chính thánh Phao-lô: một trước đám đông Do thái (22,3-21) và một lần khác trước quan tổng trấn Rô-ma, Phét-tô, và vua Do thái Ác-rip-pa cùng triều thần của ông (26,9-18).


1. Bài trình thuật thứ nhất (9,1-19):


Bài trình thuật thứ nhất được đặt vào trong bối cảnh Giáo Hội bị bách hại: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông đồ ra, mọi người đều tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.” (8,1). Một Giáo Hội đang bị bách hại dữ dội lại trở thành một Giáo Hội truyền giáo: đi đến đâu, họ đều loan báo Tin Mừng, nhờ đó Giáo Hội phát triển vượt ra bên ngoài biên giới Giê-ru-sa-lem (8,4).


Trong bối cảnh nầy, ngay từ đầu của bài trình thuật, thánh Phao-lô được giới thiệu như kẻ bách hại Giáo Hội chủ chốt (9,1-2), nhưng cuối bài trình thuật, kẻ bách hại Đạo lại trở thành một thành viên của Giáo Hội (9,18) và sau nầy trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội. Từ đâu mà xảy ra cuộc hoán cải kỳ lạ nầy? Lúc đó, tác giả lần đầu tiên biến cố Đa-mát.


Để mô tả biến cố phi thường trên đường Đa-mát, thánh Lu-ca sử dụng văn phong thần hiện Cựu Ước như cuộc thần hiện trên núi Si-nai trong đó Thiên Chúa ngự xuống trong đám lửa và trả lời trong tiếng sấm (Xh 20,16-18). Và để diễn tả uy quyền tối thượng của Thiên Chúa, Đấng đã ban mệnh lệnh và con người không thể nào cưỡng kháng lại được, thánh Lu-ca sử dụng cuộc đối thoại theo khuôn mẫu của những cuộc đối thoại thần hiện Cựu Ước như với A-bra-ham (St 22,1-2), với Gia-cóp (St 31,11-13; 46,2-3) và Mô-sê (Xh 3,2-10). Chung chung, cuộc đối thoại được cấu trúc thành ba phần: Thiên Chúa gọi đích danh con người, con người trả lời, Thiên Chúa kết thúc với một mệnh lệnh mà con người phải thi hành trong thái độ hoàn toàn vâng phục.


Mệnh lệnh đã được ban cho, tuy nhiên sứ điệp vẫn chưa được mặc khải: “Hãy vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (9,6). Thánh nhân sống ẩn dật, chay tịnh và chờ đợi suốt ba ngày trong cảnh mù loà tăm tối.


Trong một thị kiến song song, nhân vật Kha-na-ni-a nhận được lệnh đi gặp thánh Phao-lô. Chính nhờ ông mà đôi mắt mù loà của kẻ bách hại lại được mở ra để thấy và hiểu Mặc Khải; và qua ông mà Phao-lô đã kinh qua từ quan điểm của kẻ bách hại đến vị thế của người môn đệ Đức Kitô qua phép rửa.


Trong cuộc đối thoại với Đức Giê-su về ông Phao-lô, ông Kha-na-ni-a đưa ra nhiều bác bỏ. Ông đã nghe nói về Phao-lô. Việc ông ngần ngại cho thấy Phao-lô đã là một kẻ bách đạo nguy hiểm biết bao đối với Giáo Hội và sự thay đổi kỳ lạ biết mấy được thực hiện ở nơi Phao-lô, kẻ bách hại khét tiếng nầy, khởi đi từ biến cố trên đường Đa-mát. Đức Kitô khẳng định: “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en” (9,15). Trong hoàn cảnh Giáo Hội đang bị bách hại, người Kitô hữu, khi bị điệu ra trước mặt những kẻ bắt bớ mình, phải tuyên xưng công khai niềm tin của mình vào Đức Kitô, vì thế lời nầy chưa thật sự là ơn gọi truyền giáo của thánh Phao-lô theo đúng nghĩa..


Như vậy, bài tường thuật thứ nhất đặt dấu nhấn trên biến cố Đa-mát như khởi điểm của một sự hoán cải triệt để, một ơn tái sinh tận căn của thánh Phao-lô, theo cách nói của Benjamin Ndiaye: “Cuộc xuất chinh về Đa-mát trở thành lộ trình về ánh sáng và hiểu biết Đức Kitô.”
[1]

 

2. Bài trình thuật thứ hai (22,3-21):


Bài trình thuật thứ hai là một bài diễn từ của thánh Phao-lô ngỏ lời trước đám đông Do thái bị khích động chống đối dữ dội thánh nhân trong đền thờ. Nếu không nhờ một số binh lính Rô-ma can thiệp kịp thời thì thánh nhân suýt nữa mất mạng rồi (Cv 21,27-40). Chính trong bối cảnh như vậy mà tác giả kể lại biến cố trên đường Đa-mát lần thứ hai.


Thánh Phao-lô nhắc lại quá khứ của ngài: cũng như họ hôm nay, xưa kia, vì tận tâm tận lực trung thành phục vụ truyền thống tôn giáo của cha ông, ngài đã ra tay bắt bớ Giáo Hội. Khi viện dẫn chính quyền Do thái giáo làm chứng cho quá khứ của mình, thánh Phao-lô cũng ám chỉ đến hiện tại của ngài: một nhà giảng thuyết tận tâm tận lực trung thành phục vụ Đức Giê-su Kitô. Như thế, phải là một biến cố quan trọng lắm mới có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người như thế.


Cách mô tả biến cố và cuộc đối thoại không khác lắm so với bài tường thuật thứ nhất, tuy nhiên mức độ mầu nhiệm được tăng cường thêm: “Bỗng nhiên có luồng sáng từ trời xuống bao phủ lấy ông” (9,3) trong khi: “Bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông” (22,13).


Trong cuộc đối thoại, mệnh lệnh được ban ra là một mệnh lệnh kép: “Hãy đứng dậy và hãy vào…” Công thức nầy gợi nhớ các bài tường thuật về ơn gọi ngôn sứ: trước uy quyền tối thượng của Thiên Chúa, không ngôn sứ nào có thể thoái thác sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng thi hành ngôn sứ.” (Am 3,8; x. Gr 20,7-9).


Nhân vật Kha-na-ni-a đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong bài tường thuật thứ nhất, tuy nhiên, lại được rút ngắn trong bài tường thuật thứ hai: không còn cuộc đối thoại của ông với Đức Kitô, thay vào đó là một bài diễn từ của ông với Phao-lô, một bài diễn từ về ơn gọi và sứ mạng của thánh Phao-lô (22,14-16).


Đặc biệt, bài tường thuật thứ hai được tăng cường thêm với một thị kiến khác ở trong đền thờ (22,17-21). Trong đó, không còn qua trung gian của nhân vật Kha-na-ni-a, nhưng chính Đức Kitô trực tiếp truyền lệnh cho Phao-lô “Hãy đi, Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại phương xa.” Mệnh lệnh nầy kết thúc thị kiến trong đền thờ cũng như toàn bộ bài diễn từ đem lại một hướng đi mới cho bài tường thuật thứ hai. Quả thật, mệnh lệnh cốt chứng minh rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân của thánh Phao-lô xuất phát trực tiếp từ ý muốn Thiên Chúa.

 

3. Bài tường thuật thứ ba (26,9-18)


Bài tường thuật thứ ba là một bài diễn từ của thánh Phao-lô trước quan tổng trấn Rô-ma, Phét-tô và vua Do thái, Ác-rip-pa, cùng với triều thần khi thánh nhân bị điệu ra để biện hộ cho mình (25,13-27). Đối tượng mà bài diễn từ gởi đến là chính quyền dân sự Do thái và Rô-ma.


Cũng như bài tường thuật trước, bài tường thuật thứ ba cũng nêu lên quá khứ bách hại, nhưng dữ dội hơn: dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn và giận dữ quá mức đến nổi sang các thành nước ngoài mà bắt bớ họ (26,11).


Cũng cách thức mô tả biến cố trên đường Đa-mát như bài tường thuật trước, tuy nhiên, mức độ được tăng cường hơn: “Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, thì bổng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi.” (22,6) và: “Đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu toả xuống quanh tôi và các bạn đồng hành.” (26,13).


Cách thức mô tả cuộc đối thoại vẫn không thay đổi, tuy nhiên được tô đậm hơn bởi một thành ngữ: “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho người,” nghĩa là bất cứ đối kháng nào cũng vô ích và chỉ làm thiệt thân thôi.


Đặc biệt, nhân vật Kha-na-ni-a hoàn toàn biến mất, thay vào đó, chính Đức Giê-su hiện thân trao ban mệnh lệnh của Ngài cho Phao-lô. Mệnh lệnh nầy được khai triển thành một bài diễn từ ơn gọi và sứ mạng (26,16-18):


Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi để chọn người làm đầy tớ và là chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra và tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do thái và dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến.”


Bài diễn từ nầy là một bức khảm được đính vào với những lời trích dẫn của các ngôn sứ.


1- “Hãy đứng thẳng lên” là một câu trích dẫn Ed 2,1: “Hỡi con người, hãy đứng thẳng lên, Ta sắp nói với ngươi đây.” Hơn nữa câu trích dẫn nầy đi liền theo sau bài tường thuật về ơn gọi thi hành ngôn sứ của Ê-dê-ki-en.


2- “Ta sẽ giải thoát ngươi khỏi..” (26,17) quy chiếu đến Gr 1,8: “Đừng sợ vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” trong bối cảnh Thiên Chúa gọi Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ muôn dân.


3- “Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bỏ bóng tối mà trở về cùng ánh sáng” (Cv 26,18) phải được quy chiếu đến I-sai-a 42,6t: Thiên Chúa chọn người tôi trung của Ngài “làm ánh sáng chiếu soi muôn dân, để mở mắt cho những ai mù loà.”


Trích dẫn ơn gọi của ba vị ngôn sứ và trong bối cảnh sứ mạng cho muôn dân, chắc chắn thánh Lu-ca có dụng ý: làm nổi bật ơn gọi thi hành sứ mạng cho muôn dân của thánh Phao-lô.


Vì thế, không gì phải ngạc nhiên khi trong bài tường thuật thứ ba không còn bất cứ điều gì liên quan đến nhân vật Kha-na-ni-a, nhưng nhằm khuếch trương sứ điệp của Đức Kitô, chính Ngài trực tiếp gọi thánh nhân và sai thánh nhân đi thi hành sứ mạng cho muôn dân.

 

4. Ý nghĩa thần học của biến cố Đa-mát trong sách Tông Đồ Công Vụ:


Sách Công Vụ tường thuật ba lần cùng một biến cố, nhưng do hoàn cảnh khác nhau, và đối tượng khác nhau, những thích ứng cần thiết và những thêm hay bớt, tô đậm hay làm mờ đi đem lại một hướng đi mới, cấu tạo nên “cái riêng” của mỗi bài tường thuật.


Tuy nhiên, những khác biệt nầy được nối kết mật thiết với nhau để tạo thành một hướng đi, một bước tiến: mức độ tăng dần hay giảm dần để đạt đến cao điểm của bài tường thuật thứ ba. Rõ ràng đây là dụng ý của tác giả. Vậy đâu là dụng ý của tác giả sách Tông Đồ Công Vụ? Câu chuyện của ông Co-nê-li-ô cung cấp cho chúng ta một chỉ dẫn. Tương tự như câu chuyện Đa-mát, câu chuyện ông Co-nê-li-ô được kể ở 10,1 - 11,17 chứng tỏ rằng chính Thiên Chúa muốn loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh ý nghĩa khác thường của câu chuyện nầy bởi bài diễn từ của thánh Phê-rô trong nhà của ông Co-nê-li-ô (10,34-43), và hơn thế nữa, bởi bài diễn từ của thánh nhân ở Giê-ru-sa-lem (11,5-17).


Trong cả hai trường hợp: câu chuyện Đa-mát và câu chuyện ông Co-nê-li-ô, thánh Lu-ca nhấn mạnh tầm quan trọng của biến cố đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân bằng kỹ thuật văn chương: lập đi lập lại. Qua cuộc trở lại của ông Co-nê-li-ô, ngoại giáo, Thiên Chúa đích thân khai mạc sứ mạng cho muôn dân bởi thánh Phê-rô, vị lãnh đạo Giáo Hội. Cũng vậy, trong cuộc thần hiện trên đường Đa-mát, Đức Kitô đã hoán cải thánh Phao-lô và kêu gọi thánh nhân thực hiện sứ sứ vụ cho muôn dân.


Việc lập đi lập lại tình tiết Đa-mát, không chỉ nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của biến cố đối với câu chuyện tiếp theo sau, nhưng cũng đề cập những vấn đề thiết thân với thánh ký vào hoàn cảnh Giáo Hội thời đó: Do đâu Giáo Hội có quyền theo đuổi công việc truyền giáo cho muôn dân? Việc bỏ rơi phép cắt bì không là dấu chỉ của sự đoạn tuyệt với niềm tin Do thái giáo sao? Cuối cùng, phải nghĩ gì về sự nối tiếp của lịch sử cứu độ nếu giữa Do thái giáo và Giáo Hội tiên khởi mở ra một sự chia cách quá thẳm sâu như thế?


Chúng ta gặp thấy câu trả lời của thánh Lu-ca trong bài tường thuật thứ hai và thứ ba. Khi tô đậm tính chính thống Do thái của thánh Phao-lô: tận tâm tận lực trung thành bảo vệ truyền thống tôn giáo của cha ông đến mức bách hại Kitô giáo (Cv 22,3; 26,4t.), thánh Lu-ca muốn minh chứng rằng thánh Phao-lô có lẽ sẽ không bao giờ ra tay thực hiện công việc truyền giáo cho muôn dân, nếu không vì uy quyền bất khả kháng của Đức Kitô đòi buộc thánh nhân dấn thân vào con đường nầy. Vì thế, nếu Tin Mừng được chuyển đạt từ dân Do thái đến muôn dân, đó không là do một sự tính toán hay tham vọng của phàm nhân, nhưng chính vì thực hiện kế hoạch mà chính Thiên Chúa đã cưu mang từ lâu. Như vậy Giáo Hội tràn lan đến muôn dân, cấu tạo rồi một tầm mức vĩ đại không thể chối cải được vào thời đại của thánh ký. Đây không là từ chối Cựu Ước, nhưng chính xác là hoàn thành lịch sử Cựu Ước. Dó đó, những tấn công kịch liệt của Do thái giáo chống Giáo Hội là không có cơ sở.

 

II. Sách Công Vụ Tông Đồ và những chứng liệu trong các thư thánh Phao-lô:


Khi so sánh đối chiếu “biến cố trên đường Đa-mát” được trình bày bởi thánh Lu-ca trong sách Công Vụ và được thuật lại bởi chính thánh Phao-lô, rải rác trong các thư của thánh nhân, chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều tương đồng, nhưng cũng nhiều dị biệt.

 

1. Những tương đồng:


1.1- Trong nhiều bức thư của mình, thánh Phao-lô khẳng định: “Anh em đã hẳn nghe nói tôi đã hành xử thế nào trước kia trong đạo Do thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa.” (Gl 1,13; x. 1 Cr 15:9; Pl 3,6; Gl 1,22). Lời khẳng định nầy đồng nhất với cách trình bày của sách Công Vụ về quá khứ bách hại Giáo Hội của thánh nhân (Cv 9,1-2; 22,3-5; 26,9-11) và việc Đức Giê-su tự đồng hoá mình với Giáo Hội đang bị bách hại của Ngài (Cv 9,5; 22,7; 26,14).


1.2- Thánh Phao-lô khẳng định biến cố Đa-mát đánh dấu một khúc quanh, một khởi điểm của cuộc đổi đời toàn diện của ngài. Để thuật lại cuộc đột biến phi thường nầy, thánh Phao-lô dùng cặp tương phản: κερδαινω/ζημιοω (“được/mất”), và κερδος/ ζημια (“mối lợi/thiệt thòi”) như trong Pl 3,7-8: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Kitô, Chúa của tôi.”


Ở Pl 3,12: Thánh Phao-lô dùng động từ “καταλαμβανω” ở thể thụ động: “bị chiếm đoạt” và thể chủ động: “chiếm đoạt” để diễn tả khúc quanh đổi đời của ngài: “Tôi đang cố chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Giê-su Kitô chiếm đoạt.”


Ở Pl 3,13b-14, thánh nhân viết: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía truớc. Tôi chạy (“διωκω”) thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giê-su Kitô.”


Chặng đường đã qua” có thể được hiểu về quảng đời trước khi thánh nhân viết. Tuy nhiên, trước đây, thánh nhân đã nhiều lần dùng động từ “διωκω” theo nghĩa tiêu cực: “bách hại” để ám chỉ quá khứ bách hại Giáo Hội trước khi được gặp gỡ với Đức Kitô trên đường đi Đa-mát (Pl 3,6; x. 1 Cr 15,9; Gl 1,3, 13); bây giờ, ngài sử dụng cũng một động từ nầy, nhưng theo nghĩa tích cực: “đuổi theo” để nhấn mạnh việc ngài đoạn tuyệt cái quá khứ bách hại đã qua của mình và kiên quyết gắn bó trọn cuộc đời của ngài vào Đức Kitô: (Pl 3,13b-14).


1.3- “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.” Đối với Thánh Phao-lô, việc loan báo Tin Mừng không đơn giản chỉ bổn phận hay nghĩa vụ phải hoàn thành, nhưng là mệnh lệnh bất khả kháng của Đấng Toàn năng như lời trần tình của ngôn sứ Giê-rê-mi-a “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng…Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.’ Nhưng lời Ngài như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến hao mòn, nhưng làm sao nén được.” (Gr 20,7,9). 

 

2. Những dị biệt:


2.1- Trong hầu hết các bức thư và theo nhiều cách khác nhau, thánh Phao-lô đã thường khẳng định: “Tôi đã thấy Đức Kitô” (x.1 Cr 9,1; Gl 1,1; 1,16). Trong khi, theo cách trình bày cuộc thần hiện Đa-mát trong sách Công Vụ, A. Loisy nhận xét xác đáng: “Vì thế, ánh sáng là tất cả những gì Phao-lô đã thấy. Chính lời của Đức Kitô, mà Phao-lô sẽ nghe, lời ấy sẽ mạc khải cho ông biết rằng Đức Giê-su ở trong ánh sáng nầy.”
[2]
Không phải là không có chủ ý nếu chúng ta so sánh sự khác biệt giữa cách thức Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ suốt bốn mươi ngày sau biến cố Phục Sinh, một sự hiện diện hữu hình và khả giác: đồng hành và đồng bàn với các môn đệ (Lc 24 và Cv 1), và cách thức Đức Kitô hiện ra với Phao-lô trên đường Đa-mát, một sự hiện diện vô hình và mầu nhiệm: tương tự như Mô-sê trước bụi gai cháy đỏ, ông thấy ngọn lửa và trong ngọn lửa ông nghe tiếng nói, nhưng không thấy Gia-vê hiện thân. Sự khác biệt nầy nói lên chủ đích thần học của thánh Lu-ca. Bằng cách trình bày văn chương, ở cuối sách Tin Mừng thứ ba (Lc 24) và đầu sách Công Vụ (Cv 1), biến cố Thăng Thiên xuất hiện chính xác như vừa hoàn tất vừa khởi điểm: hoàn tất cách thế hiện diện hữu hình và khả giác của Đức Giê-su ở giữa con người, và khởi điểm cách thế hiện diện vô hình và mầu nhiệm của Đấng vinh hiển; đồng thời cũng hoàn tất sứ mạng trần thế của Đức Giê-su và khởi điểm sứ mạng của các Tông Đồ tiếp nối sự nghiệp của Thầy mình.


Khác với thánh Lu-ca, thánh Phao-lô ở 1 Cr 15,3-9 lại gộp chung tất cả những lần hiện ra: trước hết, với Nhóm Mười Hai; tiếp đó, với hơn năm trăm người một lượt; và sau hết, với thánh nhân.Chỉ một sự khác biệt duy nhất đó là thánh nhân thấy mình không xứng đáng được gọi là Tông Đồ, bởi vì ngài đã ngược đãi Giáo Hội.


2.2- Thánh Phao-lô không phủ nhận mối liên hệ của mình với truyền thống Giáo Hội tiên khởi mà ngài đã lãnh nhận (1 Cr 15,3t.), nhưng ngài xác quyết rằng Tin Mừng mà ngài rao giảng đã được đón nhận trực tiếp từ Đức Kitô: “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người. Vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng chính Đức Giê-su Kitô đã mặc khải.” (Gl 1,11)


Cách trình bày của sách Công Vụ, ít nhất, bài tường thuật thứ nhất và thứ hai cho thấy rằng thánh Phao-lô, sau cuộc thần hiện trên đường Đa-mát, cần phải có thời gian sống trong thinh lặng và chay tịnh. Trong thời gian nầy ông vẫn hoàn toàn trong bóng tối và phải đợi ông Kha-na-ni-a đến mở mắt cho mình thấy và hiểu. G. Klein giải thích: “Trong bài tường thuật của sách Công Vụ, cuộc hoán cải của Phao-lô không trùng hợp với ơn gọi của ngài. Ông Kha-na-ni-a, đại diện Giáo Hội, thật sự đóng một vai trò chủ chốt. Thánh Phao-lô nhận được sự hợp thức hoá của mình chỉ nhờ tháp nhập vào trong truyền thống Giáo Hội. Thánh nhân không thể viện dẫn ơn gọi và sứ mạng của mình như phát xuất từ sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa.
[3]


2.3- Thánh Phao-lô nhất quyết hỏi cho bằng được tước vị Tông Đồ: “Tôi không phải là Tông Đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao?” (1 Cr 9,1). Thánh nhân quả quyết: “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải do một người nào, nhưng bởi Đức Kitô và Thiên Chúa là Cha” (Gl 1,1). Từ đó, tước vị Tông Đồ trở thành danh thiếp của ngài trong hầu hết các thư, ví dụ như: “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Giê-su Kitô; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.” (Rm 1,1; 1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1; Gl 1,1).


Theo viễn cảnh đặc thù của sách Công Vụ, thánh Lu-ca dành riêng tước vị Tông Đồ cho Nhóm Mười Hai, những môn đệ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, họ là những chứng nhân về những lần Đấng Phục Sinh hiện ra hữu hình và khả giác trong suốt bốn mươi ngày, và nhất là những người đã được Đức Giê-su đích thân tuyển chọn trước đây để tiếp tục công việc của Ngài. Việc chọn ông Mát-thi-a vào Nhóm Mười Hai được tường thuật trong Cv 1,21-26 cho thấy rất rõ điều nầy.


Theo quan điểm của thánh Luca, các Tông Đồ là những chứng nhân đích thật đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục giữa thời kỳ Đức Giê-su tại thế và thời kỳ Giáo Hội qua lời rao giảng và hành động của họ: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã cho sống lại, về điều nầy, tất cả chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 3,15; 5,32; 10,39, 41 và 13,31). Chức năng mà thánh Lu-ca dành riêng cho thánh Phao-lô thì khác: thánh Phao-lô là vị Sứ Đồ truyền giáo vĩ đại của muôn dân, ngài đảm bảo mối liên hệ giữa Giáo Hội tông truyền và Giáo Hội hiện nay mà Lu-ca đang sống. Khi Lu-ca nối kết chặc chẽ chức vụ Tông Đồ với những liên hệ mà các Tông đồ đã có với Đức Giê-su trần thế, thánh ký không thể nào đặt thánh Phao-lô vào hàng các Tông đồ được. Như G. Lohfink nhận xét: “Thánh Lu-ca không nghĩ rằng thánh Phao-lô là một Tông Đồ, nhưng ông trình bày tài tình tầm mức vĩ đại ơn gọi của thánh Phao-lô và mẫu gương của công việc truyền giáo của thánh nhân mà rốt cuộc thánh nhân đứng ngang tầm với các Tông Đồ. Chính về thánh Phao-lô mà Lu-ca viết: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” (Cv 13,47). Và điều nầy, thánh Lu-ca đã không thể nào nói như vậy về bất kỳ vị Tông Đồ nào.
[4]

 

Kết luận:

 

Đã từ lâu, người ta đã nhận ra những dị biệt giữa cách trình bày của sách Công vụ và những chứng liệu của thánh Phao-lô trên cùng một biến cố Đa-mát. Tuy nhiên, trước đây, khoa phê bình truyền thống xem những bản tường thuật nầy như những thiên phóng sự về “người thật việc thật,” vì thế, những dị biệt giữa chúng chỉ là những yếu tố thêm vào, những chi tiết phụ, như nhận xét của A. Bisping: “Cốt yếu là ba bài tường thuật phù hợp với nhau; chúng chỉ khác biệt với nhau ở nơi những chi tiết phụ. Sự khác biệt nầy không làm giảm đi tính xác thực của chúng, nhưng trái lại tính chất lịch sử của ba bài tường thuật nầy được tăng cường thêm.”  [5] Theo Foakes-Jackson, “Thánh Lu-ca, người bạn đồng hành của thánh Phao-lô, đã phải thường nghe kể câu chuyện nầy. Vì thế, những bài tường thuật về những biến cố như thế có khuynh hướng thay đổi trong những chi tiết với sự lập lại. Hơn nữa, thánh Phao-lô đã chỉ có một ký ức lờ mờ đối với những chi tiết phụ đi kèm theo kinh nghiệm tinh thần kỳ lạ của ngài.[6]


Khi khoa phê bình nguồn xuất hiện, những dị biệt nầy mới được xem như những mấu chốt để nhận dạng ra những truyền thống khác nhau. Điều nầy xem ra phù hợp với phương pháp tiến hành của Lu-ca. Ngay ở đầu hai tác phẩm của mình: một về cuộc đời của Đức Giê-su và một về cuộc đời của Giáo Hội, ông đã nói rõ tiến trình thực hiện hai tác phẩm của mình: “Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta…Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra…” Theo E. Hirsch, sự khác biệt lớn lao nhất là sự khác biệt giữa bài tường thuật thứ nhất và bài tường thuật thứ ba. Bài tường thuật thứ hai có lập trường trung dung. Tình tiết của nhân vật Kha-na-ni-a chứng tỏ rất rõ điều nầy: Kha-na-ni-a đóng vai trò rất quan trọng trong bài tường thuật thứ nhất, còn can dự nhưng kém hơn ở bài tường thuật thứ hai, cuối cùng, không còn được kể ra nữa ở bài tường thuật thứ ba. Bài tường thuật thứ ba rất gần với những khẳng định của thánh Phao-lô: thánh Phao-lô không kể ra nhân vật Kha-na-ni-a trong các thư của mình, trái lại còn khẳng định ngài đã đón nhận ơn gọi làm Tông Đồ cho muôn dân không qua một trung gian nào, nhưng chính từ Đức Kitô đích thân. Trong khi đó bài tường thuật thứ nhất thuộc về truyền thống của Cộng Đoàn Đa-mát: địa danh nơi Phao-lô lưu lại, một thành viên của cộng đoàn Đa-mát. Bài tường thuật thứ hai như dung hoà giữa bài tường thuật thứ nhất và thứ ba.
[7]


Tuy nhiên, phải đợi cho đến công việc nghiên cứu của khoa chú giải hiện nay mới có thể nhận chân đúng giá trị của những dị biệt nầy. Thánh Lu-ca và thánh Phao-lô không là một sử gia, các ngài không chỉ trình bày lịch sử của một biến cố, nhưng cố gắng khám phá ý nghĩa mà biến cố chứa đựng. Chính nhờ ý nghĩa của biến cố được khám phá và được phơi bày mà thực tại lịch sử của biến cố được hiểu biết sâu xa hơn. Hơn nữa, biến cố nầy lại là một sự can dự của Thiên Chúa vào trong đời sống của một con người, và đối với Lu-ca, vào trong đời sống của Giáo Hội. Vì thế, với tư cách nhà thần học, Lu-ca tìm cách khám phá làm thế nào Thiên Chúa đã hướng dẫn biến cố nầy để làm thay đổi tận căn con người nầy, Ngài hành động như thế nào trong cõi thâm sâu của con người, và con người đã đáp trả tiếng gọi của Ngài như thế nào. Vì thế, cách thức mà thánh Luca thu thập các chất liệu, cách thức mà ông phối hợp và sắp xếp, nghệ thuật mà ông tái tạo câu chuyện rõ ràng phản ảnh những xác tín thần học của riêng ông.


Nói tóm lại, những tương đồng của sách Công Vụ với những chứng liệu của thánh Phao-lô chứng thực rằng biến cố mà Luca tường thuật có một nền tảng lịch sử vững chắc, trong khi những dị biệt cho thấy quan điểm thần học riêng của thánh Lu-ca. Vì thế, chúng ta có thể nói là có hai Thần Học khác nhau về biến cố trên đường Đa-mát: Thần Học về Giáo Hội của tác giả sách Công Vụ Tông Đồ và Thần Học quy Kitô của Thánh Phao-lô. Hai nền Thần Học nầy không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau để giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn và phong phú hơn ý nghĩa hành động Thiên Chúa trên thánh Phao-lô, nhà truyền giáo vĩ đại và trên Giáo Hội, tiếp tục sự nghiệp của Ngài. Lúc đó, những dị biệt kia thật qu
ý báu và đáng trân trọng giữ gìn biết bao!

 

Câu hỏi thảo luận:


Khi so sánh ba bài tường thuật về một biến cố trên đường Đa-mát (Cv 9,1-19; 22,3-21; 26,9-18), chúng ta nhận ra mức độ tăng dần theo từng bản tường thuật. Thế nào là dụng ý của tác giả ở mức độ tăng dần nầy? Khi so sánh đối chiếu cách trình bày biến cố Đa-mát trong sách Tông Đồ Công Vụ và trong các thư của thánh Phao-lô (1 Cr 9,1; 15,8-10; Pl 3,4-14; Gl 1,11-23), chúng ta gặp thấy những tương đồng và dị biệt. Những tương đồng và dị biệt nầy muốn nói lên điều gì?





[1] B. NDIAYE, La conversion de Paul, art. p. 1.

[2] A. LOISY, Les Actes des Apôtres, Paris,1920, p. 394.

[3] G. KLEIN, trích từ: G. Lohfink, Conversion de Paul, tr. 36.

 

[4] G. LOHFINK, Conversion de Paul, traduction de Jean-Louis Klein, Cerf, 1967, p. 128.

[5] A. BISPING, trích từ G. Lohfink, Conversion de Paul, tr. 40.

[6] F. J. FOAKES-JACKSON, The Acts of the Apostles, p. 325.

[7] E. HIRSCH, trích từ G. Lohfink, Conversion de Paul, tr. 52-54


Trở về Trang Mục Lục