I. GIỚI THIỆU TÔNG THƯ

“NOVO MILLENNIO INEUNTE”

 

Lm. G. Nguyễn Phước Ofm.

 

“Duc in altum” : “Chèo ra chỗ sâu” để thả lưới (Lc 5,6), lời mời gọi đó của Đức Giêsu đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại cho toàn thể Hội Thánh trong tông thư Novo Millennio Ineunte. Vào ngày kết thúc Đại Năm thánh 2000, 6.1.2001, ngài đã gởi tông thư này cho các giám mục, giáo sĩ và giáo dân để mời gọi mọi Kitô hữu tiến bước trong hy vọng vào thiên niên kỷ mới. “Một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó, cậy dựa vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (số 58).

 

“Duc in altum” : Đó là lời mời gọi bước theo Đức Giêsu và tham gia vào sứ vụ của Người. Chỗ nước sâu mà chúng ta được mời gọi chèo ra là thiên niên kỷ mới và mẻ cá chúng ta bắt được chính là kết quả của công cuộc Phúc âm hoá mới.

 

“Duc in altum” : Tiến bước trong hy vọng ! Đức Gioan Phaolô II viết tông thư này vì ngài có một tầm nhìn muốn chia sẻ với toàn dân Thiên Chúa - một tầm nhìn về một tương lai tràn ngập hy vọng! “Chúng ta nhớ lại quá khứ với lòng biết ơn, sống thời hiện tại với lòng nhiệt thành và nhìn đến tương lai với niềm tin tưởng : ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi’ (Dt 13,8)”. (số 1).

 

Đức Giáo Hoàng nhắm hai mục tiêu chính khi viết tông thư này :

- nhìn lại Năm Thánh 2000 và ‘giải mã’, để nghe được điều Thánh Thần đã nói cho Hội Thánh trong năm tràn ngập sức sống này ;

- mời gọi các Giáo hội địa phương làm sinh lợi ân sủng đã lãnh nhận, biến nó thành những quyết tâm vững chắc và những đường hướng hành động cụ thể hầu chu toàn mệnh lệnh loan báo Tin Mừng (số 2).

Tông thư chia làm 4 chương. Chương 1 thể hiện mục tiêu thứ nhất và 3 chương sau đáp ứng mục tiêu thứ hai.

Chương 1 : Gặp gỡ Đức Kitô, di sản của Đại Năm Thánh.

Chương 2 : Một Dung nhan để chiêm ngưỡng.

Chương 3 : Xuất phát lại từ  Đức Kitô.

Chương 4 : Những chứng nhân cho tình yêu.

 

I. CHƯƠNG 1 : GẶP GỠ ĐỨC KITÔ, DI SẢN CỦA ĐẠI NĂM THÁNH 2000.

Đức Giáo Hoàng đã nhìn lại Năm thánh theo những mục tiêu đã đề ra trong Sắc chỉ khai mạc Năm Thánh Incarnationis Mysterium : việc cử hành hai ngàn năm mầu nhiệm Nhập Thể phải được sống như “một ca vịnh ngợi khen Chúa Ba Ngôi” (số 3) và “như một hành trình hoà giải và một dấu chỉ của niềm hy vọng chân thật đối với tất cả những ai ngắm nhìn Chúa Kitô và Hội Thánh Người” (số 4).

 

A. BÀI THÁNH CA NGỢI KHEN THIÊN CHÚA BA NGÔI

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúc tụng Chúa đầy vinh quang, bởi vì Chúa ngự trị hôm nay và mãi mãi”. Đó là bài thánh ca mà toàn dân Thiên Chúa đã không ngừng hát lên trong Năm thánh để diễn tả lời đáp trả đích thực của đức tin đối với mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người. Trong Người, chúng ta “kinh nghiệm sự an ủi của ngày “hôm nay” cứu độ mà trên Thánh giá đã mở ra cửa Nước Trời cho người kẻ trộm hối lỗi : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43)” (số 4). Hội Thánh đã ca ngợi Đức Kitô là nền tảng và trung tâm của lịch sử, ý nghĩa và cùng đích của lịch sử (x. số 5).

 

“Và khi chiêm ngưỡng Đức Kitô, chúng ta cũng đã tôn thờ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi duy nhất và không phân chia, mầu nhiệm khôn tả, nơi Người vạn vật bắt nguồn và được hoàn hảo” (số 5).

 

B. HÀNH TRÌNH HOÀ GIẢI

Đoàn dân Thiên Chúa không ngừng ý thức mình là những con người tội lỗi nên đã thú nhận tội lỗi và chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Việc cầu xin ơn tha thứ ấy đã xảy ra “không chỉ nơi những cá nhân, là những người đã xem xét lại đời sống của mình để xin lòng thương xót và đón nhận ơn toàn xá đặc biệt, nhưng cả nơi toàn thể Hội Thánh. Hội Thánh đã quyết định nhắc lại các bất trung của biết bao con cái mình theo giòng lịch sử, những bất trung đã phủ bóng đen trên dung nhan của mình là Hiền thê của Đức Kitô” (số 6).

 

Khi làm như thế, Hội Thánh muốn thanh tẩy cái nhìn để có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm, củng cố bước chân trong cuộc hành trình hướng về tương lai và sống khiêm tốn, tỉnh thức hơn trong việc đón nhận Tin mừng.

 

C. DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG CHÂN THẬT

Biết bao dấu chỉ của niềm hi vọng chân thật đã xảy ra trong Năm Thánh.

Trước tiên đó là việc tôn phong một số các vị thánh và tử đạo và biến cố tưởng nhớ các chứng nhân đức tin trong thế kỷ 20, diễn ra tại hí trường Côlisê vào ngày 7.5.2000. Những biến cố này cho ta thấy rằng thánh thiện là “chiều kích diễn tả tốt hơn hết mầu nhiệm Hội Thánh. Sự thánh thiện, một sứ điệp thuyết phục mà không cần đến lời nói, là phản ảnh sống động của dung nhan Đức Kitô” (số 7).

 

Tiếp đến, đó là hình ảnh của vô vàn con cái nam nữ của Hội Thánh lữ hành theo từng đợt liên tiếp nhau đã đến Rôma, bên mộ của các Tông đồ, để tuyên xưng đức tin, thú nhận tội lỗi và lãnh nhận lòng thương xót ban ơn cứu độ.

 

Ngài đặc biệt nhắc đến cuộc tụ họp đầy niềm vui và gây phấn khởi của người trẻ, “những tuần canh của buổi hừng đông”, những con người có một khát vọng sâu xa đối với những giá trị chân thực, những giá trị tìm được sự viên mãn trong Đức Kitô, và có thể chấp nhận sứ điệp của Ngườøi, cho dầu sứ điệp ấy đòi hỏi và mang dấu tích của thập giá (số 9).

Năm Thánh của các công nhân vào ngày 1.5.2000 là dịp để ngài “gióng lên một lời kêu gọi mạnh mẽ để sửa sai những mất cân bằng kinh tế và xã hội hiện diện trong thế giới lao động và đưa ra những nỗ lực dứt khoát nhằm bảo đảm rằng tiến trình của việc toàn cầu hoá kinh tế phải chú ý đúng mức đến tình liên đới và kính trọng mỗi con người” (số 10).

 

Năm Thánh của gia đình là một cuộc tụ họp đầy ý nghĩa trong đó các gia đình từ nhiều miền khác nhau trên thế giới đã đến múc lấy sự nhiệt thành tươi mới từ ánh sáng mà Đức Kitô đã chiếu toả trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa và dấn thân đem ánh sáng đó vào nền văn hoá hiện nay có nguy cơ đánh mất ý nghĩa của hôn nhân và gia đình như một thể chế.

 

Ngoài ra, còn có các dấu chỉ khác được ngài nhắc đến : Đại hội Thánh Thể quốc tế, Hành vi dâng hiến long trọng nhân loại cho Đức Maria, những thể hiện chiều kích đại kết trong Năm Thánh, hành hương của ngài đến Thánh địa, nợ nần quốc tế.

 

Cốt lõi của di sản lớn lao đó là gì ? Đức Giáo Hoàng không ngần ngại xác định đó là việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô : “Đức Kitô được nhìn xem trong những nét lịch sử và trong mầu nhiệm của Ngườøi, Đức Kitô được biết đến qua sự hiện diện đa dạng của Ngườøi trong Hội Thánh và trong thế giới, và được tuyên xưng là ý nghĩa của lịch sử và ánh sáng của hành trình sự sống” (số 15). Di sản đó đem lại cho chúng ta một năng lực mới để dấn thân hăng say hơn trong ngàn năm mới và vạch ra một chương trình mục vụ hữu hiệu thời hậu Năm Thánh.

 

Tuy nhiên ngài lưu ý chúng ta rằng : “Điều quan trọng là những gì chúng ta đề xuất, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, phải cắm rễ sâu xa trong chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Thời đại của chúng ta là một thời đại của biến chuyển không ngừng thườøng dẫn đến sự hiếu động, với cái nguy cơ là ‘làm để mà làm’. Chúng ta phải chống lại cám dỗ này bằng cách nỗ lực ‘là’ trước khi ‘làm’ (số 15). Vì thế, trước khi nêu lên một số chỉ dẫn thực hành, ngài muốn chia sẻ một vài điểm suy tư về mầu nhiệm Đức Kitô, nền tảng tuyệt đối của mọi hoạt động mục vụ.

 

II. CHƯƠNG 2 : MỘT DUNG NHAN ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG

“Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12,21). Những ngườøi nam nữ của thời đại chúng ta hôm nay xin các tín hữu không chỉ “nói” về Đức Kitô, nhưng “tỏ bày” Ngườøi cho họ. Chứng tá của chúng ta sẽ không thể nào tương xứng nếu chính chúng ta trước tiên không chiêm ngưỡng dung nhan Ngườøi.

 

Chương này có thể nói được là bài trình bày Kitô học của Đức Giáo Hoàng. Cách tiếp cận của ngài là một khoa Kitô học “từ phía dưới”, lấy khởi điểm là con người lịch sử Giêsu để tiến tới người Con của Thiên Chúa và khám phá sự mạc khải của Thiên Chúa đạt đỉnh cao nơi sự phục sinh của Đức Giêsu.

 

A. CHỨNG TỪ CỦA TIN MỪNG

Việc chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô được soi sáng nhờ tất cả những gì chúng ta được kể về Người trong Kinh Thánh, đặc biệt là chứng tá của các Tông đồ, những người có kinh nghiệm trực tiếp về Đức Kitô, Lời ban sự sống. Cái nhìn của các ngài là cái nhìn của đức tin, dựa trên những bằng chứng lịch sử cụ thể. Chỉ đức tin mới có thể giúp các ngài trọn vẹn đi vào mầu nhiệm của dung nhan đó.

 

Chúng ta cũng thế, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu thấu Đức Giêsu ngoại trừ con đườøng của đức tin. Đó chính là một bước nhảy vọt xa hơn nữa của nhận thức, liên hệ đến chiều sâu của hữu thể Ngườøi. “Chỉ kinh nghiệm của thinh lặng và cầu nguyện mới cung cấp một khung cảnh thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của một hiểu biết đích thực, trung thành và vững chắc về mầu nhiệm đó” (số 20).

 

B. CHIỀU SÂU CỦA MẦU NHIỆM

Cái nhìn đức tin đã dẫn chúng ta đạt đến một cách nào đó chiều sâu của mầu nhiệm : Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật !

 

Dung nhan đó trước hết là dung nhan của Chúa Con. Căn tính thần linh nhân loại này xuất hiện rõ nét trong các sách Tin mừng, qua các trình thuật về những lời Đức Giêsu nói về sự thật của bản thân Người và ý thức của Người về sự thật đó. Ngay từ lúc 12 tuổi, qua câu trả lời với Đức Maria, Đức Giêsu tỏ ra là Người ý thức đến một mối tương quan duy nhất với Thiên Chúa, một mối tương quan thuộc riêng của “người con” (x. Lc 2,49). Sau này, như một người trưởng thành, ngôn ngữ của Người diễn tả cách đầy uy quyền chiều sâu của mầu nhiệm Người : “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga 10,38).

 

Tiếp đến, Dung nhan đó là một dung nhan khổ đau. Việc nhập thể là một kenosis - một “sự tự hủy” - về phần Con Thiên Chúa là từ bỏ vinh quang mà Người có từ thuở đời đời (Pl 2,6-8; x. 1Pr 3,18). Để đem con ngườøi trở về trước mặt Chúa Cha, Đức Giêsu không chỉ phải mặc lấy khuôn mặt của con ngườøi, nhưng Ngườøi còn phải mang lấy “khuôn mặt” của sự tội. Trên Thánh giá, Người đã hiến tặng mạng sống cho Chúa Cha trong tình yêu, để cứu độ mọi người.

 

Cuối cùng, đó là Dung nhan của Đấng đã sống lại. “Việc chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh Đấng chịu đóng đinh. Người là Đấng Phục sinh !” (số 28). Sự sống lại là lời đáp trả của Chúa Cha đối với sự vâng phục của Đức Kitô. Chúa Cha đã cho Người sống lại để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho mọi người.

 

C. ĐỨC GIÊSU LÀ “CON NGƯỜØI MỚI”

Vì Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa và là con người, Người cũng mạc khải cho chúng ta dung nhan thật của con người, Người cho con người biết rõ về chính bản thân mình. Chỉ nhờ Đức Giêsu, con người mới có thể biết được sự thật về chính mình.

Người còn mời gọi nhân loại được cứu chuộc đến chia sẻ đời sống thần linh của Ngườøi. Nhờ bám chặt vào Người mà con người được tháp nhập vào đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

III. CHƯƠNG 3 : XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

“Chúng tôi phải làm gì ?” (Cv 2,37) Ngày hôm nay Hội Thánh tự hỏi mình cùng một câu hỏi đã đặt ra cho thánh Phêrô tại Giêrusalem liền sau khi ngài đọc bài diễn từ Lễ Ngũ tuần.

 

Đức Giáo Hoàng đã xác định : “Vấn đề không phải là sáng chế ra một “chương trình mới”. Chương trình đã có sẵn : đó là kế hoạch được tìm thấy trong Tin Mừng và trong Truyền thống sống động, kế hoạch đó luôn mãi là một. Nói cho cùng, trung tâm chương trình đó là chính Đức Kitô, Đấng phải được biết, được yêu mến và được noi gương, để trong Ngườøi chúng ta có thể sống đời sống Ba Ngôi, và cùng với Ngườøi biến đổi lịch sử cho tới chỗ hoàn thành trong Giêrusalem Thiên Quốc” (số 29).

 

Nhưng chương trình đó phải được diễn dịch thành những sáng kiến mục vụ phù hợp với hoàn cảnh của mỗi giáo hội địa phương. Ngài khuyến khích “các chủ chăn của giáo hội địa phương, với sự trợ giúp của mọi thành phần Dân Chúa, hãy tin tưởng vạch ra những giai đoạn của cuộc hành trình trước mặt, phối hợp những lựa chọn của mỗi cộng đồng giáo phận với những lựa chọn của các giáo hội lân cận và của Giáo Hội hoàn vũ” (số 29).

Để hướng dẫn và khuyến khích mọi người, ngài muốn vạch ra một số ưu tiên mục vụ.

 

A. SỰ THÁNH THIỆN

Trước hết, tất cả các sáng kiến mục vụ phải được đặt trong tương quan với sự thánh thiện. Việc nhấn mạnh đến sự thánh thiện vẫn luôn là công việc mục vụ khẩn cấp hơn bao giờ hết.

 

Sự thánh thiện “được hiểu theo nghĩa cơ bản là thuộc về Đấng tự bản tính là Thánh, “Đấng ba lần Thánh” (x. Is 6,3). Tuyên xưng Giáo Hội là thánh có nghĩa là vạch ra cho thấy Giáo Hội là Hiền thê của Đức Kitô, mà Người đã hiến mình cho, để làm cho Hiền thê đó nên thánh (x. Ep 5,25-26). Ơn nên thánh này, nói được là một ơn khách quan, đã được ban tặng cho mọi người chịu phép Thánh tẩy” (số 30).

 

Nhưng ơn huệ này đến lượt mình lại trở thành một nhiệm vụ, phải hướng dẫn toàn bộ cuộc sống. Người Kitô hữu không thể bằng lòng với một cuộc sống tầm thườøng, được đánh dấu bằng một nền luân lý tối thiểu và một tâm tình tôn giáo hời hợt và không thể hiểu lầm về lý tưởng trọn lành đó như thể nó chỉ liên can đến một lối sống phi thườøng mà chỉ một số ít “anh hùng ngoại thườøng” của sự thánh thiện mới thực hiện được. Đó là một trách nhiệm liên can đến tất cả mọi Kitô hữu, thuộc bất cứ địa vị nào. Vì thế phải chuyên cần luyện tập sống thánh thiện.

 

B. CẦU NGUYỆN

“Việc tập luyện sống thánh thiện đòi hỏi phải có một đời sống Kitô hữu nổi bật trước hết trong nghệ thuậât cầu nguyện” (số 32). Cầu nguyện không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải học cầu nguyện, trước tiên bằng việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu cầu nguyện và để cho Chúa Thánh Thần soi sáng và hình thành lời cầu nguyện trong chúng ta.

 

Quả là cần thiết việc đào sâu và làm phong phú hoá ý nghĩa của cầu nguyện theo nghĩa đích thực Kitô giáo. Cầu nguyện là hiệp thông, đối thoại, “ở trong” nhau, sự liên kết hỗ tương với Đức Kitô ; “việc cầu nguyện làm phát triển sự đàm thoại với Đức Kitô” ; cuộc sống của Đức Kitô trở thành cuộc sống của chúng ta, và ngược lại.

 

Ngài cũng nhấn mạnh đến chiều kích Ba Ngôi của việc cầu nguyện : “Được thực hiện trong chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, sự hỗ tương đó thúc đẩy chúng ta, qua Đức Kitô và trong Đức Kitô, chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Cha” (số 32).

 

Các Kitô hữu không thể bằng lòng với một đời sống cầu nguyện hời hợt, nhất là khi đối diện với nhiều thử thách mà thế giới ngày nay áp đặt trên đức tin. Vì thế điều thiết yếu là việc giáo dục cầu nguyện phải bằng cách nào đó trở nên điểm then chốt của chương trình mục vụ.

Từ những tiền đề trên, Đức Giáo Hoàng vạch ra một vài điểm then chốt của chương trình mục vụ :

 

1) Giáo dục về các lời kinh phụng vụ. Chính ngài đã quyết định dành các bài giáo lý ngày thứ tư trong thời gian tới đây để suy tư về các Thánh vịnh.

 

2) Cổ võ đọc Kinh Sáng và Kinh chiều.

 

3) Với sự biện phân cần thiết, trả lại cho lòng đạo bình dân giá trị của nó.

 

4) Nhấn mạnh cách riêng đến Thánh lễ ngày Chúa nhật và chính ngày Chúa nhật, được cảm nhận như là một ngày đặc biệt của đức tin, ngày Chúa Sống Lại và ngày của ân huệ Chúa Thánh Thần, lễ Phục sinh hằng tuần đích thật.

 

5) Thực hành Bí tích Hoà Giải. Ngài khuyên nhủ các mục tử cần trang bị cho mình lòng tin tưởng, tính sáng tạo và kiên trì hơn nữa trong việc trình bày và hướng dẫn dân chúng quí trọng bí tích đó.

Một cám dỗ luôn giương ra trong mọi hành trình thiêng liêng và công tác mục vụ : đó là nghĩ rằng các kết quả tùy thuộc vào khả năng hành động và lên kế hoạch của chúng ta. Quả là tai hại khi quên rằng “không có Đức Kitô chúng ta không có thể làm được sự gì” (x. Ga 15,5). Vì thế, ngài thiết tha nhắn nhủ : “Vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ này, anh chị em hãy cho phép người kế vị thánh Phêrô mời gọi toàn thể Hội Thánh làm hành vi đức tin đó, hành vi được diễn tả qua một sự dấn thân lại trong việc cầu nguyện” (số 38).

 

C. LẮNG NGHE LỜI VÀ LOAN BÁO LỜI

Chỗ đứng hàng đầu của sự thánh thiện và của kinh nguyện không thể quan niệm được nếu không canh tân việc lắng nghe lời Chúa. Vì thế, ngài khuyên nhủ : “Anh chị em thân mến, cần củng cố và đào sâu viễn tượng này, bằng cách phổ biến sách Kinh Thánh cho mỗi gia đình. Cách riêng cần làm cho việc lắng nghe Lời Chúa trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn hợp thời là suy niệm Kinh Thánh (lectio divina), rút ra từ bản văn Kinh Thánh Lời Hằng Sống là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta” (số 39).

 

Những ai đã có một tiếp xúc đích thực với Đức Kitô không thể giữ Ngườøi cho riêng mình, nhưng phải loan báo về Ngườøi. Vì thế loan báo Lời là công việc liên can đến trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa.

Ngài đưa ra những chỉ dẫn cụ thể :

- Hội nhập văn hoá : việc loan báo “phải được thực hiện với lòng kính trọng những con đườøng khác biệt của các dân tộc khác nhau và với sự nhạy cảm đối với sự đa dạng của các nền văn hoá, thế nào để cho các giá trị riêng biệt của mỗi dân tộc không bị loại bỏ nhưng được thanh lọc và đưa tới chỗ kiện toàn” (số 40).

- Trình bày Đức Kitô cho mọi người với lòng tin tưởng, đặc biệt cho giới trẻ.

- Không bao giờ che giấu những đòi hỏi cơ bản nhất của sứ điệp Tin Mừng.

 

IV. CHƯƠNG 4 : NHỮNG CHỨNG NHÂN CHO TÌNH YÊU.

Trong chương cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đề cập đến lãnh vực hiệp thông (koinonia), nó thể hiện và mặc khải chính bản chất của mầu nhiệm Giáo Hội.

 

“Biến Hội Thánh thành ngôi nhà và trườøng học của hiệp thông : đó là thách đố lớn mà chúng ta phải giáp mặt trong thiên niên kỷ mới khởi đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của thế giới” (số 43).

 

Như điều ngài nhắc đi nhắc lại trong tông thư, chúng ta phải nỗ lực “là” trước khi “làm”, trước khi vạch ra những kế hoạch thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, biến nó thành nguyên lý hướng dẫn việc giáo dục mọi thành phần dân Chúa.

 

Nhưng linh đạo hiệp thông là gì ? Quả là thích hợp khi trích dẫn đầy đủ đoạn văn chủ chốt của tông thư, liên hệ đến linh đạo hiệp thông :

“Một linh đạo hiệp thông hệ tại trước tiên ở việc chiêm ngưỡng của tâm hồn về mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người chiếu toả trên khuôn mặt của anh chị em xung quanh chúng ta.

 

Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng chú ý đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu nhiệm, và vì thế như “những chi thể của tôi”. Điều này làm cho chúng ta có khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm nhận những ước muốn của họ và chú ý đến những nhu cầu của họ, trao tặng cho họ tình bạn sâu sắc và chân thực.

 

Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một quà tặng xuất phát từ Thiên Chúa : không chỉ như là một quà tặng cho người anh em hay chị em đã trực tiếp nhận lãnh, mà còn như là “một quà tặng cho tôi”.

 

Cuối cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết “dành chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) và chống lại những cám dỗ ích kỷ thường bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, ham hố danh vọng, ngờ vực và ghen tương”.

Coi như thế là chưa đủ, Đức Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh trong phần kết luận : “Chúng ta đừng có những ảo tưởng : nếu chúng ta không theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài của hiệp thông sẽ đem lại rất ít kết quả. Chúng sẽ biến thành những vỏ bên ngoài không hồn, “những mặt nạ” hiệp thông hơn là những diễn tả và con đường để tăng trưởng” (số 43).

 

A.  HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH.

Để thể hiện linh đạo hiệp thông, ngài nêu lên một số chỉ dẫn cụ thể :

 

1. Nơi chốn hiệp thông :

- lượng giá và phát triển những lãnh vực và những phương tiện mà, theo những chỉ dẫn chủ yếu của Công đồng Vatican II, phục vụ cho việc bảo đảm và giữ gìn sự hiệp thông (Giáo Triều Rôma, tổ chức các Thượng Hội Đồng và hoạt động của các Hội Đồng Giám Mục) ;

- vun trồng và trải rộng sự hiệp thông tới mọi cấp bậc trong các cơ cấu của đời sống Giáo Hội (quan hệ giữa các giám mục, các linh mục và phó tế, giữa các chủ chăn và toàn thể Dân Thiên Chúa, giữa hàng giáo sĩ và tu sĩ, giữa các hiệp hội và những phong trào giáo hội). Cụ thể là đánh giá cao hơn nữa Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ; các mục tử cần lắng nghe nhiều hơn toàn Dân Chúa.

 

2. Tính đa dạng của các ơn gọi :

- khuyến khích tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy và Thêm sức, ý thức trách nhiệm tích cực của mình trong đời sống Hội Thánh.

- cầu nguyện cho ơn thiên triệu và thực hiện một chương trình cổ động ơn gọi ;

- khám phá đầy đủ hơn nữa ơn gọi riêng biệt của ngườøi giáo dân ;

- cổ võ những hình thức hiệp hội ;

- đặc biệt chú ý tới việc chăm sóc mục vụ cho gia đình.

 

3. Đại kết :

- Giáo hội Đông Phương : đồng hành trong sự hợp nhất đức tin và với sự tôn trọng các khác biệt chính đáng, bằng cách đón nhận và nâng đỡ nhau như những chi thể của Thân Thể duy nhất của Đức Kitô

- Liên hiệp Giáo hội Anh Giáo và những Cộng đồng Giáo hội phát sinh từ thời Cải cách : thảo luận thần học về các điểm thiết yếu của đức tin và luân lý Kitô giáo, hợp tác trong các công việc từ thiện, nỗ lực sống thánh thiện.

 

B.  HIỆP THÔNG VỚI THẾ GIỚI.

Công tác mục vụ xây dựng sự hiệp thông không dừng lại trong nội bộ của Giáo hội. Trái lại, một trong những đặc điểm của nó là : “đức ái, tự bản chất, mở ra một sự phục vụ phổ quát ; đức ái thôi thúc chúng ta dấn thân yêu mến mọi người cách thiết thực và cụ thể” (số 49).

 

1. Khởi đi từ cái nhìn đức tin : Đức Kitô đồng hoá với người nghèo

“Nếu chúng ta đã thật sự xuất phát lại từ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, chúng ta phải học thấy người cách riêng trong khuôn mặt của những kẻ mà Người muốn đồng hoá”. Và sau khi trích dẫn đoạn Mt 25,35-37, Đức Giáo Hoàng kết luận cách dứt khoát : “Đoạn văn Tin mừng này không đơn thuần là một lời mời gọi làm việc bác ái; đó là một trang kitô học toả chiếu một tia sáng trên mầu nhiệm Đức Kitô. Chính dựa trên những lời này, cũng như dựa trên tính chính thống của giáo lý mình mà Hội Thánh đo lường được lòng trung thành của mình như là Hiền Thê Đức Kitô” (số 49).

 

Không ai bị loại trừ ra khỏi tình yêu của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta biết rằng “qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã kết hợp chính mình với mỗi người bằng cách nào đó”. Sự hiện diện đặc biệt của Đức Kitô trong người nghèo khổ “đòi buộc Hội Thánh ưu tiên chọn lựa người nghèo. Sự chọn lựa này là một chứng tá về bản tính của tình yêu Thiên Chúa, sự quan phòng và lòng thương xót của Người ; và bằng cách nào đó, lịch sử vẫn còn đầy dẫy những hạt giống của Nước Chúa mà chính Chúa Giêsu đã gieo vãi khi còn sống dưới thế này mỗi lần Người đáp lại những ai đến với Người với những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của họ” (số 49).

 

2. Những hình thức nghèo đói mới :

Thế giới chúng ta đang đi vào thiên niên kỷ mới chất đầy những mâu thuẫn : bên cạnh những tăng trưởng kinh tế, văn hóa và kỹ thuật vượt bậc, lại có có những người chết đói, bị kết án sống trong mù chữ, thiếu sự chăm sóc thuốc men cơ bản nhất, không có một mái nhà che đầu. Đức Giáo Hoàng nêu lên một số hình thức nghèo đói mới mà người Kitô hữu cần quan tâm :

- thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa ;

- tình trạng nghiện ngập ma túy ;

- sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật ;

- sống bên lề xã hội ;

- phân biệt đối xử trong xã hội.

 

3. Liên đới theo cung cách của Đức Giêsu

Có vô vàn nhu cầu đang cầu cứu sự nhạy cảm của người Kitô hữu khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới. Các Kitô hữu phải học biết cách thể hiện động tác đức tin trong Đức Kitô, bằng cách nhận ra tiếng Chúa trong tiếng cầu cứu giúp đỡ nổi lên từ thế giới nghèo đói này và thực thi truyền thống bác ái đã được diễn tả bằng rất nhiều cách trong hai ngàn năm qua.

Điều mới mẻ trong tông thư này là xác tín rằng đức ái đòi buộc một sự “sáng tạo lớn hơn nữa : “Bây giờ là thời gian cho sự “sáng tạo” mới trong đức ái, không những bằng cách bảo đảm cho sự giúp đỡ đạt được hiệu quả, nhưng cũng bằng cách “sống gần” những ai đang đau khổ, thế nào để hành vi giúp đỡ được cảm nhận không như là một sự bố thí làm mất thể diện, nhưng như một sự chia sẻ giữa anh chị em” (số 50).

 

4. Những thách đố hiện tại

Bên cạnh những vấn đề nghèo khó nghiêm trọng, chương trình mục vụ của chúng ta cần đối diện với những thách đố mới có liên quan đến việc xây dựng sự hiệp thông :

- khủng hoảng sinh thái ;

- vấn đề hoà bình ;

- coi thườøng những nhân quyền cơ bản của nhiều ngườøi, nhất là trẻ em ;

- tôn trọng sự sống của mỗi con ngườøi, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên ;

- những ngườøi sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất, cách riêng trong lãnh vực kỹ thuật sinh học, coi thườøng những đòi hỏi đạo đức căn bản, khi nại đến một sự liên đới còn phải bàn cãi mà cuối cùng đưa tới kỳ thị giữa sự sống này với sự sống khác và khinh miệt phẩm giá riêng của mỗi con ngườøi.

 

C.  HIỆP THÔNG QUA VIỆC ĐỐI THOẠI VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG.

Một thách đố khác của hiệp thông là thiết lập việc đối thoại liên tôn theo chiều hướng mà Công Đồng Vatican II đã vạch ra : đối thoại trong khi chấp nhận “bầu khí đa nguyên văn hoá và tôn giáo ngày càng gia tăng” của xã hội trong thiên niên kỷ mới ; đối thoại đầy lòng kính trọng “với một con tim tha thiết muốn lắng nghe” tin tưởng rằng Thánh Thần Thiên Chúa, “Đấng “thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), thường khơi dậy trong kinh nghiệm phổ quát của con người, dầu có vô vàn mâu thuẫn trong đó, những dấu chỉ về sự hiện diện của Người để giúp các môn đệ của Đức Kitô thấu hiểu hơn sứ điệp họ mang trong mình” (số 56) ; đối thoại để thiết lập một nền tảng vững chắc cho hoà bình thế giới và ngăn chặn bóng ma kinh hãi của những chiến tranh tôn giáo : “Thánh Danh của Thiên Chúa duy nhất phải càng ngày càng trở nên điều mà danh ấy là : một Danh của hòa bình và là một mệnh lệnh sống hòa bình” (số 55).

 

Tuy nhiên việc đối thoại ấy “không đặt nền tảng trên chủ nghĩa tương đồng tôn giáo” (indifferentisme). Nhiệm vụ của người Kitô hữu là trao ban cho thế giới niềm hi vọng viên mãn có trong lòng chúng ta và hân hoan loan báo Tin Mừng cho mọi người “với sự tôn trọng lớn nhất đối với tự do của mỗi người” (số 56). Trong tinh thần đó, Hội Thánh không thể bỏ qua sứ mệnh đến với muôn dân (missio ad gentes).

 

V.  DUC IN ALTUM !

Để kết luận, chúng ta trở về với lời mời gọi nền tảng : chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô. Đó là nguồn mạch của sự nhiệt tình dễ lây lan của bức tông thư, thẳng thắn mời gọi chúng ta không chút sợ hãy duyệt lại cơ cấu của Giáo hội, tính đa dạng của các ơn gọi, sự cởi mở với mọi người, việc phục vụ đối với thế giới, thái độ đại kết, việc đối thoại văn hoá và liên tôn. Tông thư đề nghị một chương trình mục vụ sống thánh thiện, vị trí hàng đầu của ân sủng, chỗ đứng trung tâm của Lời Chúa được lắng nghe và loan báo. Đây là một bản văn đầy gợi hứng, có một tác động lớn trên Hội Thánh và đề ra một công việc đẹp đẽ cho các Giáo hội địa phương. Đây là một bản văn nhấn mạnh đến lời kêu gọi truyền giáo : khẩn cấp, tràn ngập hy vọng, được diễn tả bằng một ngôn ngữ hiện đại và trẻ trung, mời gọi chúng ta chèo ra chỗ sâu là biển cả của ngàn năm mới. Điều đó được nhấn mạnh trong đoạn văn cuối :

 

“Chúng ta hãy tiến bước trong hy vọng! Một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó, cậy dựa vào sự trợ giúp của Đức Kitô”. “Sau sự nhiệt tình của Năm Thánh, chúng ta không quay trở lại sự buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày” ; trái lại, chúng ta cần có “những con mắt sáng suốt” để khám phá sự hiện diện nhập thể của Chúa, “một trái tim quảng đại” hướng về Người, và “rảo bước” đi loan báo Người. “Bước chân của chúng ta” - cả về phía cá nhân lẫn Giáo hội - “phải mau lẹ khi hành trình trên những đại lộ thế giới”. Chúng ta tiến bước với sự trợ giúp của Đức Kitô, Đấng, “được chiêm ngưỡng và yêu mến, lại một lần nữa mời gọi chúng ta ra đi [...] chia sẻ nhiệt tình của những kitô hữu tiên khởi : chúng ta có thể cậy dựa vào quyền lực của cũng một Thần Khí đã tuôn xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần và ngày nay vẫn thúc giục chúng ta khởi đầu lại, vì được nâng đỡ bởi niềm hy vọng “không làm thất vọng” (Rm 5,5).”

 

Chúng ta nối kết với nhau trong cùng một sự hiệp thông, “sự hiệp thông mà mỗi ngày được nuôi dưỡng tại bàn tiệc Bánh Thánh Thể và Lời sự sống”.

 

Trong cuộc hành trình này, chúng ta được đồng hành Đức Thánh Trinh nữ Maria, “bình minh sáng chói và như vị dẫn đường chắc chắn cho những bước chân chúng ta”.

 

Trái với lệ thường, Đức Giáo Hoàng kết thúc tông thư không phải bằng một lời cầu nguyện, nhưng bằng một mong ước :

 

“Ước gì Đức Giêsu Phục sinh, Đấng đồng hành với chúng ta trên đường đi và cho chúng ta khả năng nhận ra Người […] trong lúc bẻ bánh, gặp chúng ta đang tỉnh thức và sẵn sàng hầu nhận ra dung nhan Người và chạy đến với anh chị em chúng ta để loan báo tin vui : “Chúng tôi đã thấy Chúa !” (Ga 20,25).


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà