VI. BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA

 

Lm. Luy Phạm Văn Nhượng

 

Trước đây, người ta cho biểu tượng là những hình ảnh do trí tưởng tượng bịa đặt ra, như hình ảnh con rồng, vì thế, nó ít có giá trị ; nhưng ngày nay người ta công nhận giá trị của lý trí, mà cũng không dám khinh miệt trí tưởng tượng : những huyền thoại, thần thoại, biểu tượng được sử dụng để giải nghĩa cuộc sống của cả một dân tộc.

 

I. VẬY BIỂU TƯỢNG LÀ GÌ ?

 

Khi tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng, chúng ta không thể hạn hẹp nó trong một định nghĩa được : biểu tượng được diễn tả bằng từ ngữ, nhưng từ ngữ chỉ diễn tả những hình ảnh, không diễn đạt được tất cả ý nghĩa của biểu tượng, như hình ảnh hoa sen : hoa thơm, không gì đẹp bằng sen, lá xanh, bông trắng, nhị vàng v.v. Còn biểu tượng hoa sen : biểu tượng của Phật giáo, tòa sen : bản thể đức Phật, giác ngộ (hoa sen nghìn cánh), thanh khiết như sen trắng, sen xanh ; còn sen vàng thì nghĩa lại đĩ thõa (sen vàng lãng đãng như gần như xa).

 

Như thế, tìm hiểu một biểu tượng là trình bày những kích thích hơn là những kiến thức, đó là phương pháp của Gaston Bachelard. Trước một biểu tượng như lửa, nước, khí v.v., ông ghi lại những cảm nhận cá nhân bắt nguồn từ toàn bộ con người (lửa : nấu bếp, sưởi nóng, đốt nhà, bắn súng …), từ cái di sản thừa kế của cả một dân tộc (như nước : ruộng nước, lúa nước, thủy tinh v.v.) hoặc cả một thời đại (lửa : lửa tình yêu, Thánh Thần).

 

Nếu hiểu như thế thì mọi vật đều có thể mang giá trị biểu tượng : khi con nít kể chuyện thì một cái gối trở thành biểu tượng một cô tiên, một con cọp hoặc một yêu quái. Nghệ thuật của trò chơi lớn là dùng những cục đất, cành cây v.v. để có giá trị biểu tượng. Phân biệt : biểu tượng với biểu hiệu (như lá quốc kỳ) ; biểu tượng văn hóa với biểu tượng toán học ; biểu tượng với huyền thoại, thần thoại.

 

Tôn giáo ưa dùng các biểu tượng vì chúng đưa chúng ta sang một thế giới khác, sống động hơn, cao siêu hơn, vượt ra ngoài thế giới khả giác, trong đó cái phần vô hình được nhìn thấy một cách huyền bí : Phật Quan Âm ngự tòa sen, tay cầm bông sen chứ không phải là hoa huệ. Và khi một nền văn hóa bị các nền văn hóa khác xâm nhập thì biểu tượng trở thành đa chiều và có khả năng thâm nhập lẫn nhau như : Tấm Cám với Cinderella, cái mõ hình con cá nơi các giáo xứ v.v.

 

Nói tóm lại, biểu tượng là một kích thích, là một gợi mở giúp chúng ta vượt qua dáng vẻ bên ngoài để đi tìm ý nghĩa ẩn kín, thiêng liêng và đạt tới cõi siêu thực.

 

II. BIỂU TƯỢNG ÂM DƯƠNG

A. QUAN NIỆM VỀ ÂM DƯƠNG

Vũ trụ đã có từ lâu. Thời gian được chia ra thành từng Nguyên (129.600 năm), mỗi nguyên chia thành 12 hội (mỗi hội là 10.800 năm), hội đầu là hội Tý :

Thiên khai ư Tý

Địa tịch ư Sửu

Nhân sinh ư Dần

 

Thái Cực là cái lý, cái nguyên nhân của mọi cuộc biến hóa vạn vật. Thái Cực hàm tam vi nhất (Thái Cực là 3 trong 1), đó là Tam Tài.

 

Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều có thái cực, thái cực ở trong mọi vật nhưng vẫn chỉ có một.

Đạo sinh nhất (= Thái Cực),

Nhất sinh nhị (Âm Dương),

Nhị sinh tam (= Tam Tài, thiên địa nhân),

Tam sinh vạn vật.

Hoặc là :

Thái Cực sinh Lưỡng Nghi

Lưỡng Nghi sinh tứ tượng

Tứ tượng sinh bát quái

 

Bát quái sinh 64 quẻ.

 

Ban đầu chữ âm dương chỉ sườn đồi râm, và sườn đồi nắng của một thung lũng. Từ đó âm dương diễn tả :

- Âm : đêm, tối, mặt trăng, lạnh, quả

- Dương : ngày, sáng, mặt trời, nóng, hoa.

Rồi biến thành nguyên lý cho con người :

-  Âm : nữ, cái, thể xác, tĩnh, chết, hữu, ác, thụ động, tiêu cực ;

-  Dương : nam, đực, tinh thần, động, sống, tả, thiện, chủ động, tích cực.

 

Âm Dương chỉ tồn tại trong quan hệ qua lại, chúng không thể tách rời nhau và tiết điệu của thế giới chính là tiết điệu thay phiên nhau của chúng.

 

Âm Dương được biểu trưng bằng hình tròn, chia thành hai phần bằng nhau bỏi một đường uốn cong, một phần màu đen, một phần màu trắng. Bản tính năng động cũng như sản sinh của âm dương được biểu thị bằng nửa âm có một chấm dương và nửa dương có một chấm âm. Âm và Dương mặc dù là hai cực nhưng không bao giờ đối lập nhau một cách tuyệt đối : tất cả con người, thời gian, không gian lúc thì âm, lúc thì dương, tất cả đều tiềm ẩn cả hai, và cả hai cùng biến hóa để sinh ra phát triển cũng như vạn vật.

Vạn vật bao gồm một toàn thể tính : vạn vật nhất thể nhưng toàn thể đó bao gồm ba yếu tố chính là Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân) trong đó con người là trung điểm, Trời là đích điểm và đất là tựa điểm (từ của ông Trần Văn Đoàn). Trời không thể thiếu, con người không thể từ chối thân phận làm người, và đất không có con người cũng chỉ là sa mạc hoang vu, đó là tính tất yếu của con người, Thượng Đế và thiên nhiên. Tuy tất yếu nhưng cả ba lại liên hệ mật thiết : thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa, cả ba đều tương quan và khi con người giữ được cái đạo với Trời và đất thì trở thành “nội thánh ngoại vương”.

B. BIỂU TƯỢNG ÂM DƯƠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

 

1. Biểu tượng Âm – Dương trong sự sống – chết.

Sống – chết là một quá trình liên tục do quá trình Âm Dương, chết là một sự biến đổi, một hiện tượng tự nhiên :

Rắn già rắn lột, người già người chết.

Sống gửi thác về.

Trở về lòng đất,

Gần đất xa trời.

 

Chết không phải là một sự chấm dứt, một sự đứt đoạn, một sự biến dạng hoàn toàn. Người Việt tin rằng linh hồn không hoàn toàn tách rời khỏi đất để đi vào một thế giới khác : hú vía, sự tử như sự sinh.

 

Hồn lìa xác chưa hẳn là đã chết : lìa tạm thời là bị xúc động mạnh :

 

Mất hồn mất vía.

 

Bất tỉnh là hồn đi lang thang phải hú hồn hú vía gọi về.

 

Hồn lìa khỏi xác thì thành ma thành quỷ, nghĩa là có sức thiêng : đám ma.

 

Mỗi người có 3 hồn 7 vía (đàn ông) hoặc 9 vía (đàn bà), có người nặng vía, vía xấu, vía độc, sợ hãi thì mất hồn mất vía, bình tĩnh thì hoàn hồn.

 

Sống ở đời là cõi dương, chết là về cõi âm. Âm sao dương vậy nên phải cúng phải gửi vàng mã.

 

Cõi âm cũng có các loại thần thánh :

- Thiên thần (Trời, Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu, Thiên Lôi)

- Địa thần : cây cối, thú vật, thành hoàng, tổ tiên, các thần thờ tại gia (thổ công, táo quân, thánh sư, nghệ sư)

- các tiên thánh (Đức Thánh Trần, Liễu Hạnh)

- quỷ ma (khác ma quỷ) : hồn người chết bất đắc kỳ tử, các loại ma, ma cô, con ranh v.v…

 

Người Việt có nói đến cõi âm với thập điện Diêm Vương, nhưng đây là quan niệm của Phật giáo, bình thường thì sau khi chết không có phán xét, nhưng về cõi âm là về với ông bà tổ tiên, được con cháu cúng giỗ thì vui vẻ no nê, không có con trai để cúng giỗ thì trở thành ma đói phải cướp cháo lá đa.

 

Sống – chết là những điều thấy đó trong thiên nhiên như hết ngày lại đến đêm, hết thu lại sang đông. Đó là cái tự nhiên, và cái tự nhiên là cái tốt lành, cho nên chôn cất là làm đám, đưa đám (đám = lễ hội).

Sống dầu đèn, chết kèn trống.

 

2. Biểu tượng Âm – Dương trong hôn nhân

Đối với người Việt Nam, hôn nhân là việc tiếp tục tông gống, một việc không thể có và không được phép đứt đoạn. Đây là một định luật chung “âm – dương giao hợp”, mọi người đều phải đi con đường này vì mục đích của hôn nhân là để kế thừa tổ tiên, dõi theo đức cả của Tạo Hóa mà sinh con đẻ cháu để lưu truyền từ đời này sang đời kia.

Hôn nhân là tình trạng tự nhiên của âm – dương, đó mới là tốt, nên người chết chưa lập gia đình là người yểu mệnh bạc phước. Các cô ở tuổi thanh tân mà chết thì oan hồn của họ là yêu tinh thứ dữ.

 

Để có người nối dõi tông đường, luật pháp cũng tha thứ cho những bà vợ mang thai khi có đại tang nếu chưa có con trai, và nếu bà vợ cả không có con trai thì chính bà phải tổ chức cưới vợ lẽ cho chồng. Nếu vì chồng mà không có con thì ở một số nơi người vợ được phép “thả cỏ”.

 

Chiếc nhẫn một người đeo vào ngón tay chủ yếu dùng để đánh dấu một sự gắn bó, một sự bó buộc, là biểu hiện của một lời thề nguyền, một sự liên kết. Trong hôn nhân, chiếc nhẫn cưới vừa là thề nguyền, là liên kết, mà còn là nối liền, một sự ràng buộc âm – dương không thể cắt đứt.

 

Do sự giao hợp giữa âm và dương, trời và đất mà con người cũng như các động vật được sinh ra : giống đực do Trời, giống cái do Đất. Người đầu tiên do Trời Đất sinh ra là ông Bàn Cổ, không thấy nói đến vợ ông Bàn Cổ.

 

3. Biểu tượng Âm – Dương trong quốc gia dân tộc

Biểu tượng quốc gia dân tộc là mở rộng biểu tượng gia đình : đất nước là một nhà (gia đình) và người dân trong nước cũng như người cùng dòng tộc. Nếu việc thờ tổ tiên củng cố gia đình, việc thờ thành hoàng củng cố làng xã, thì đất nước cũng được bảo vệ do việc thờ cúng một vị thần lớn hơn. Nói cho dễ hiểu thì tổ quốc là đất nước do tổ tiên để lại, thể phách các ngài đã hòa vào đất, còn linh hồn thì vấn vương với con cháu. Linh hồn các anh hùng liệt nữ kết tụ thành “khí thiêng sông núi” tác sinh nên những người con ưu việt cho tổ quốc, địa linh thì có nhân kiệt, mà đã có nhân kiệt thì địa phải linh.

 

Đối với gia đình thì làm con phải hiếu, còn đối với tổ quốc rộng lớn hơn thì làm dân phải ái quốc. Mọi công dân cũng như anh em một nhà, đều cùng thừa kế một gia sản do cha ông để lại : đó là giang sơn, là sơn hà, là non nước, đất nước. Nước mất thì nhà tan. Tìm hiểu lòng yêu nước của người Việt Nam mà không quy chiếu về việc thờ kính tổ tiên, về lòng tha thiết với quê cha đất tổ, về nỗi nhớ nhung nơi chôn nhau cắt rốn thì chưa hiểu gì về dân tộc này.

 

Ký ức sâu thẳm của nhân dân ta về cội nguồn dân tộc được phản ánh trong biểu tượng : âm – dương.

 

Hồng Bàng là một loài chim lớn.

 

Lạc là một loài chim có đuôi dài, cùng họ với loài công, mẹ Âu Cơ là tiên nữ ở trên núi ; còn Lạc Long Quân là loài rồng thuộc loại giao long, thuồng luồng, hà bá mà cư dân vùng đầm lầy tôn làm vật tổ.

 

Cặp đôi Âu Cơ – Lạc Long Quân là sự kết giao của Trời và Đất, dương và âm, núi non với đồng bằng sông nước, đã đẻ ra một bọc trứng nở một trăm con.

 

Đây là cái triết lý âm – dương tương khắc tương sinh được dùng để giải thích cội nguồn dân tộc :

 

Lạc Long Quân là rồng, mang tính Âm. Âu Cơ trên núi mang tính Dương ; Âm Dương giao đãi, sự sống sẽ sinh sôi nảy nở.

 

Lạc Long quân là chồng, vốn mang tính Dương song lại cai quản thế giới Âm tính của vùng thủy tộc.

 

Âu Cơ là vợ, vốn mang tính Âm song lại sống trên trời, cai quản thế giới Dương tính của cõi trần.

 

Như thế để cho chúng ta thấy trong Dương có Âm và trong Âm có Dương. Chim vừa bay lên trời vừa dính dưới đất, và rồng vừa ở dưới nước vừa bay lên trời mặc dù không có cánh. Việc 50 con theo mẹ lên rừng và 50 con theo cha xuống biển là Âm Dương xung khắc, quan niệm lưỡng phân của Thái Cực.

 

4. Biểu tượng âm – dương trong tôn giáo cổ truyền Việt Nam

Tôn phong, lập đền thờ phụng các anh hùng liệt nữ là một nét đặc sắc của dân tộc việt Nam : một dân tộc trồng lúa nước, khỏe vì nước mà cũng sống vì nước và chết vì nước. Khác với dân du mục, tôn giáo cổ truyền Việt Nam phần nhiều là thờ mẫu, thờ nữ thần (âm tính vì thủy là âm).

- Có những mẫu gốc thiên nhiên như thần núi Tam Đảo là Quốc Mẫu, thần núi Bà Đen là Linh Sơn Thánh Mẫu, rồi Mẫu Thoải (nước), Mẫu Thượng Ngàn (rừng), Địa Mẫu (đất).

- Có những mẫu gốc là nhân thần như : bà mẹ của Thánh Gióng là Vương Mẫu, mẹ Âu Cơ là Quốc Mẫu, bà Phạm Thị Ngọc Trân vợ cả vua Lê Thái Tổ là Cung từ Quốc Thái Mẫu, bà Ỷ Lan nguyên phi vua Lê Thánh Tông là Thánh Mẫu, công chúa Liễu Hạnh (con vua Lê đời Thiên Hựu, 1557) là Thánh Mẫu.

- Có những vị Thánh Mẫu không phải là người Việt như bà Thánh Mẫu Thiên Yana là người Chàm, hoàng hậu vua Tống Độ Tông (Trung Quốc) được phong là Thượng đẳng thần Quốc Mẫu.

 

Những đền, phủ thờ Mẫu bên ngoài tuy giống chùa thờ Phật, nhưng bên trong cũng như cách thờ cúng đều khác hẳn với Phật giáo : đền nào cũng phải có hồ, có giếng nước, có hang động, có Quan lớn Tuần Tranh (rắn thần), có ông Năm Dinh (cọp thần) với các đồ vàng mã, bùa chú. Đặc biệt tại các đền, phủ đều có lên đồng, hầu bóng.

 

Đây là tôn giáo của người Việt cổ xưa, và mặc dù chung đụng với các tôn giáo khác, ngày nay nó vẫn sống trong dân gian như thờ Trời bằng ly nước, nước thánh gọi là nước Âm Dương dùng để chữa bệnh, hai ngọn nến hai bên cũng tượng trưng cho âm – dương, nên ngọn bên trái là Dương phải thắp trước, ngọn bên phải là Âm phải thắp sau, hoa là Dương, quả là Âm v.v.

 

Các lễ hội phần nhiều do tín ngưỡng thờ mẫu.

 

Nói tóm lại, tín ngưỡng này căn cứ ở biểu tượng âm – dương và nó có sức mạnh đến nỗi khi Phật giáo, Nho giáo vào Việt Nam đã phải chấp nhận đan xen với nó : tiền Phật hậu Mẫu : bàn trước thì thờ Phật, bàn sau thì thờ Mẫu mà pho tượng đàng sau mới là pho tượng quan trọng hơn.

 

III. KẾT LUẬN

Như đã nói trong phần mở đầu, biểu tượng là cái sự vật cái hình ảnh giúp chúng ta vượt qua dáng vẻ bên ngoài để đi tìm ý nghĩa thiêng liêng bên trong. Nói theo phụng vụ thì đó là “dấu chỉ khả giác”. Những dấu chỉ này nếu gắn liền với những biểu tượng văn hóa của dân tộcc, thì giáo dân sẽ nhận biết ngay, chẳng hạn từ biểu tượng nước : nước cúng, nước âm – dương à nước thánh, và giáo dân rất sốt sắng khi rảy nước thánh, thậm chí có bệnh nhân uống nước thánh và dùng nước thánh rảy đồng ruộng để chuột khỏi hại lúa, rảy trong nhà để đuổi tà ma.

 

Chúng ta đã đón nhận đức tin hơn 300 năm, nhưng biểu tượng âm – dương vẫn ăn sâu trong tâm hồn chúng ta : ở nhà thờ thì vẫn luôn luôn “nam tả nữ hữu” mặc dù theo quan niệm Tây phương thì bên hữu là quý trọng hơn, là bên tuyên đọc Phúc Âm. Trong sách Khải Huyền thì con Rồng là ma quỷ, nhưng trong thâm tâm giáo dân thì nó vẫn là một trong tứ linh (long – ly – quy – phượng) : đầu đòn kiệu, đòn đám ma, tay vịn của ghế ngồi v.v. vẫn phải là đầu rồng. Việc thờ Mẫu khiến chúng ta kính mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Việc tang ma cưới hỏi còn in đậm nét biểu tượng âm – dương vì “dương sao âm vậy”.

 

Bài này chỉ trình bày về biểu tượng âm – dương với mục đích để chúng ta nên để ý tới biểu tượng văn hóa của dân tộc chúng ta, đó là những “dấu chỉ khả giác” có những ý nghĩa rất thâm sâu và giáo dân rất dễ cảm nhận những ý nghĩa này.


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà