BÀI HAI :

HIẾN CHẾ TÍN LÝ
VỀ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Gioan TC. Nguyễn Phước OFM.

 

Từ ngày 14.9 đến 18.9.2005, Hội Đồng Giáo Hoàng Cỗ Vũ Sự Hiệp Nhất Kitô Hữu và Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo đã tổ chức tại Rôma Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế do đã diễn ra, để đánh dấu 40 năm công bố Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum.

Hiến Chế Dei Verbum, xét theo thứ tự thời gian, là một trong những văn kiện cuối cùng của Công đồng chung Vaticanô II, được các nghị phụ biểu quyết chấp nhận ngày 18 tháng 11 năm 1965. Tuy nhiên, ngay từ lúc khai mạc Công đồng vào năm 1962, Văn Kiện này, dài khoảng 20 trang, là một trong những văn kiện được chú ý đến nhiều nhất và gây tranh cãi nhất. Những điểm đã được đưa ra tranh luận lúc đó có liên quan đến phong trào đại kết, đến sự trung thành của Giáo Hội với Kinh Thánh, và đến chứng tá của Giáo Hội cho Kinh Thánh.

Được công bố ngày 18.11.1965, Hiến chế Mặc khải là “một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng về giáo lý cũng như về mục vụ. Về giáo lý, Hiến Chế nhắc nhở chúng ta nội dung đức tin hết sức phong phú và sống động của Giáo Hội về mặc khải của Thiên Chúa hoàn tất trong Đức Kitô. Về mục vụ, Hiến Chế đã khẳng định chỉ có Lời đến từ Thiên Chúa, được thông truyền và diễn tả qua chính đời sống Giáo Hội cũng như qua chứng tá của mỗi Kitô hữu mới có thể đem lại ánh sáng và niềm vui cho một thế giới đang khắc khoải tìm kiếm con đường về với Sự Thật và Sự Sống” (x. Thư chung HĐGMVN 2005 số 1).

Bài trình bày này sẽ tóm tắt nội dung của Hiến chế và nêu lên một vài nhận định sau 40 năm thực thi Hiến chế.

I.          giỚi thiỆu hiẾn chẾ dei verbum

Hiến chế gồm 6 chương :

-   Chương 1 : Về chính việc mặc khải

-   Chương 2 : Sự lưu truyền mặc khải

-   Chương 3 : Linh hứng của Thiên Chúa và việc chú giải

-   Chương 4 : Cựu Ước

-   Chương 5 : Tân Ước

-   Chương 6 : Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội

Bản văn được chia làm 2 phần lớn (do 2 tiểu ban soạn thảo) :

Phần I : Bàn về mặc khải tổng quát, gồm 2 chương :

Chương I : Bàn về diễn tiến của mặc khải qua đó Thiên Chúa đã tự biểu lộ cho loài người và phó mình cho họ đến mức độ trọn vẹn trong Chúa Kitô.

Chương II : Trình bày tính cách liên tục trong việc Thiên Chúa tự biểu lộ và phó mình cách trọn vẹn trong Giáo Hội, bằng tất cả những gì tạo thành đời sống Giáo Hội qua tiến trình lịch sử. Đó là việc lưu truyền mặc khải.

Phần II : Bàn về Kinh Thánh, một hình thức đặc biệt của mặc khải.

Chương III : Trình bày những khía cạnh tổng quát của Kinh Thánh : đó là một tác phẩm của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với ta, nhưng cũng là một tác phẩm của con người.

Chương IV : Bàn về giá trị của Cựu Ước

Chương V : Bàn về Tân Ước

Chương VI : Trình bày ý nghĩa của Kinh Thánh đối với Giáo Hội qua mọi thời và mọi hoàn cảnh

1.            Mục đích

Dựa vào câu nói của thánh Gioan : Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi (1 Ga 1,2-3) và noi gương Công đồng Trentô và Vaticanô I, Công đồng Vaticanô II nhắm trình bày giáo lý chân thật về mặc khải.

Mục đích thứ hai của văn kiện được diễn tả như sau : “Để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng và nhờ hy vọng mà yêu mến”.

2.            Chương I : Về chính việc mặc khải

Chương thứ nhất của Hiến chế trả lời : đó là sứ điệp kitô giáo về sự cứu độ. Đây không phải là một khảo luận khoa học hay một phóng sự lịch sử, cũng không phải là một chân lý thuần lý, nhưng là lời loan báo Tin mừng : Thiên Chúa yêu thương ta và cứu độ chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.

Công đồng Vaticanô II đã trình bày “đạo” cho chúng ta trong ngôn ngữ những “tương quan” giữa các ngôi vị. Công đồng đặt chúng ta không phải đối diện với một công thức phải học nhưng là đối diện với một Ai đó. Một Ai đó đang sống và hành động. Một Ai đó mà sống và hành động chính là yêu thương, yêu thương đến độ thần hoá ta.

Như thế, mặc khải của Thiên Chúa là cái gì hơn hẳn một “nội dung” giáo lý ; mặc khải là một Gặp gỡ đang mời gọi ta đón nhận ; là một Hành vi đòi hỏi ta đáp trả ; là một Lịch sử tình yêu lôi cuốn ta sống yêu thương.

Thiên Chúa đã vui lòng mặc khải chính bản thân mình và tỏ cho loài người biết mầu nhiệm thánh ý Người (Ep 1,9 ; 6,1). Nhờ vậy qua trung gian của Chúa Kitô, Ngôi lời nhập thể, loài người đến được với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa nói với chúng ta đặc biệt trong Đức Kitô bằng hành động và lời nói. Các hành động bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói ; còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Điều đáng chú ý : trong việc mặc khải của Thiên Chúa, Công đồng nhắc tới trước hết là hành động, sau đó mới là lời nói, bởi vì tình yêu trước hết là những hành vi.

Mặc khải không phải bày tỏ một số chân lý trừu tượng, chỉ có liên hệ đến lý trí. Nhưng mặc khải có tính cách linh động và cứu rỗi : Thiên Chúa hiến thân mình cho con người, để thông ban sự sống, mặc khải nhằm đưa tới Ơn Cứu rỗi. Bởi thế về phía con người, đức tin sẽ không phải chỉ là một hành động của lý trí, nhưng là sự hiến thân cho Thiên Chúa của Giao ước.

Thiên Chúa tự mặc khải mình ra dưới 2 hình thức. (số 3)

a.               Tự nhiên :

Thiên Chúa ghi vào trong mọi vật (trong vũ trụ và trong lịch sử) nghĩa là bằng việc sáng tạo, một dấu chứng về mình (Rm 1,19-20).

b.   Siêu nhiên :

Thiên Chúa tỏ mình ra cho :

-   Tổ tông (St 3,15)

-   Các tổ phụ như Abraham (St 12,2-3)

-   Các tiên tri để loài người nhận biết Người là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công.

-   Sau hết Người nói với ta qua trung gian Con của Người (Dt 1,1-2), Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mặc khải những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (Ga 1,1-18). Sự chết và sự sống lại của Đức Kitô và việc sai phái Chúa Thánh Thần là dấu chứng thần thiêng cho Thiên Chúa ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và chết rồi phục sinh chúng ta để chúng ta được sống đời đời (số 4)

Nhiệm cục Kitô giáo và là giao ước mới và vĩnh viễn sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta không phải chờ đời một mặc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô hiện đến trong vinh quang (1Tm 6,14 ; Tt 2,13).

Để đón nhận mặc khải, con người cần đến đức tin và lý trí :

1) Vai trò của đức tin : Đối với Thiên Chúa mặc khải, con người phải bày tỏ “sự tùng phục của đức tin” (Rm 16,25). Đức tin là một động tác của toàn diện con người (lý trí và ý chí). Động tác ấy được ơn Chúa khơi động và nâng đỡ (MK 5).

2) Vai trò của lý trí : Mặc khải siêu nhiên là một động tác của tự do và là một ân huệ của Thiên Chúa. Nó có đối tượng là chính Thiên Chúa và các dự tính của Người và có mục đích là cho con người tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Vì thế nó siêu nhiên, nghĩa là siêu vượt những khả thể của bản tính tự nhiên. Tuy vậy, với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể từ các tạo vật, nhận biết một cách chắc chắn có Thiên Chúa chân thật. Mặc khải giúp cho lý trí đạt tới kiến thức đó một cách dễ dàng hơn (MK 6).

3.            Chương II : Sự lưu truyền Mặc Khải

a.               Việc lưu truyền (MK 7)

1) Từ Chúa Kitô đến các Tông đồ

Vì ơn cứu rỗi của loài người, Thiên Chúa đã ân cần sắp đặt để cho mặc khải được bảo toàn nguyên vẹn và lưu truyền cho mọi thế hệ.

Bởi thế Chúa Kitô, Đấng hoàn tất mặc khải (Chúa Giêsu là chủ sự và đối tượng của mặc khải) (2Cr 1,20 ; 3,16 ; 4,6) sau khi đã thực hiện và công bố Tin Mừng đã truyền cho các Tông đồ giảng dạy (Mt 28,19-20). Các Tông đồ và các phụ tá (người người viết sách Tin Mừng) đã thực hiện mệnh lệnh đó bằng việc rao giảng, bằng gương sống và bằng các thể chế.

2) Từ các Tông đồ tới Giáo Hội

Để Phúc Âm được giữ gìn toàn vẹn và sống động trong Giáo Hội, các Tông đồ đã để lại những người kế vị, tức là các Giám mục và trao cho họ quyền giáo huấn.

3) Từ Giáo Hội đến với mọi người

Thánh truyền đó cùng với Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước) là như tấm gương nhờ đó mà Giáo Hội chiêm ngưỡng Thiên Chúa cho đến khi được thấy Người diện đối diện (1Ga 3, 2).

Nhờ thánh truyền và Kinh Thánh và có được một sợi dây liên tục từ Chúa Kitô đến chúng ta.

b.               Thánh Truyền (MK 8)

1) Nội dung

Truyền thống là những điều các Tông đồ đã lãnh nhận từ nơi Chúa và nay truyền lại để góp phần vào việc giúp dân Thiên Chúa sống một đời thánh thiện và làm tăng trưởng đức tin. Thực vậy các Tông đồ khuyến cáo các tín hữu phải gìn giữ các truyền thống đã học biết bằng lời chỉ giáo và bằng thư từ (2Tx 2,15) và phải chiến đấu để bảo vệ đức tin.

2) Sự tiến triển

Thánh truyền do các Tông đồ truyền lại tiếp tục tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần : các sự việc, các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự chiêm ngưỡng, học hỏi của các tín hữu, sự suy tư và lời giảng dạy của các Giám mục.

MK 10 phân biệt nhiệm vụ bảo tồn thánh truyền là chung cho toàn Giáo Hội và nhiệm vụ truyền đạt một cách chính thức là của giáo quyền.

3) Tầm quan trọng

Nhờ vậy Thiên Chúa không ngừng nói với loài người. Qua trung gian của Giáo Hội, Người tỏ cho biết toàn bộ chính lục Kinh Thánh, và với sự trợ lực của Thánh Thần, Người soi sáng cho hiểu ý nghĩa thâm sâu của chúng.

c.               Tương quan giữa Kinh Thánh, Thánh Truyền và Giáo Hội

1) Thánh truyền và Kinh Thánh

Trước đây người ta thường tách biệt một cách giả tạo Thánh Truyền và Kinh Thánh và xem đó là “hai nguồn của mặc khải”. Điều đó làm ta quên rằng Kinh Thánh (điều được ghi chép) phát xuất từ thánh truyền (điều truyền miệng) cấu tạo, tức là lời rao giảng của các Tông đồ.

Công đồng muốn nhấn mạnh rằng : Kinh Thánh và Truyền Thống trong Giáo Hội đều phát xuất từ một nguồn mặc khải là Chúa Giêsu, qua sự chuyển đạt của các Tông đồ. Lời Thiên Chúa là nguồn duy nhất từ đó các dòng nước chảy đến với chúng ta, qua hai con kênh khác nhau là Truyền Thống và Kinh Thánh. Cả hai đều cùng những dòng nước như nhau, mỗi bên đều đầy đủ như nhau, và những dòng nước bên này với những dòng nước bên kia vẫn không ngừng thông thương với nhau.

Kinh Thánh giữ một vai trò ưu đãi là làm chỗ quy chiếu và làm thức ăn cho toàn thể đức tin. Truyền thống có vai trò ưu đãi là bảo tồn và giải thích Kinh Thánh. Nhưng cả hai đều không phải là chính Nguồn.

2) Thánh Truyền, Kinh Thánh và Giáo Hội (MK 10)

Mặc khải là gia sản của toàn thể dân Chúa. Các tín hữu cũng như các chủ chăn phải tỏ ra tích cực trong việc tuân giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền.

Như vậy, toàn thể dân Chúa có nhiệm vụ bảo tồn Lời Chúa. Giáo thuyết này là một bước tiến so với Vaticanô I.

Nhiệm vụ giải thích Lời Chúa được viết ra hay được lưu truyền, chỉ được ủy thác cho quyền giáo huấn sống động của Giáo Hội và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô.

Quyền giảng dạy của Giáo Hội không nằm trên Lời Chúa nhưng phục vụ Lời Chúa.

Bởi thế Thánh Truyền, Thánh Kinh và Giáo Vụ liên kết và phối hợp với nhau : Kinh Thánh không bao gồm hết cả Thánh Truyền, và Thánh Truyền không phải là phụ trương cho Kinh Thánh, có tính cách thêm thắt số lượng phải biết : Thánh Truyền và Thánh Kinh đều mang lời duy nhất của Thiên Chúa, cả hai soi sáng cho nhau và cũng được phục vụ bởi Huấn quyền. Huấn quyền này nối dài sứ vụ của các Tông đồ.

4.            chương III : Linh hứng của Thiên chúa và việc giải thích Kinh Thánh

a.               Linh hứng và sự thật của Kinh Thánh (MK 11)

Các điều do Thiên Chúa mặc khải mà Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi lại dưới ơn Thánh khí hứng khởi. Các sách Cựu Ước và Tân Ước toàn bộ cũng như mọi phần, Mẹ thánh Giáo Hội, do bởi đức tin khơi nguồn từ các Tông đồ, nhìn nhận là Sách thánh thuộc qui điển. Bởi vì đã được chép ra do Thánh Thần linh hứng (Ga 20, 31 ; 2Tm 3,16 ; 2Pr 1,19-21 ; 3,15-16). Các sách ấy có Thiên Chúa làm tác giả và theo tư cách ấy, đã được trao tay cho Giáo Hội.

1) Bản chất của linh hứng

Linh hứng có nghĩa là :

-   chính Thiên Chúa là tác giả của các sách thánh ;

-   nhưng trong việc soạn tác các sách ấy, Thiên Chúa đã chọn người ta và đã dùng họ vào việc ấy “với những khả năng và phương tiện nhân bản của họ” ;

-   có Thiên Chúa hoạt động trong họ và qua họ, những người nay như những tác giả chính hiệu, viết ra những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều này thôi.

Đừng quan niệm Thiên Chúa “đọc chính tả” cho các tác giả thánh, như người ta đọc một bài văn cho thư ký. Ơn thần hứng tác động từ bên trong. Tác giả nhân loại là dụng cụ của Thiên Chúa, nhưng vẫn là tác giả đích thực. Con người được thần hứng vẫn làm chủ mọi khả năng hiểu biết và tự do của mình vì Thiên Chúa dùng đến con người mà vẫn tôn trọng các khả năng của họ. Có thể nói, nhờ thần hứng mà các khả năng của họ hoạt động tăng gấp bội.

2) Sự thật Kinh Thánh

“Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm sự thật mà vì phần rỗi chúng ta, Thiên Chúa đã muốn cho ghi lại trong văn tự Kinh Thánh”. Phải lưu ý :

-   Câu này không có ý phân biệt “những chân lý cứu độ” và “những chân lý không cứu độ”, những phần đúng và những phần sai trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nghĩa là Lời Chúa, là chân lý trong toàn bộ, nhưng sự thật mà ta phải tìm trong Kinh Thánh là sự thật về ơn cứu rỗi, chứ không phải bất cứ sự chính xác nào xét về mặt phàm tục. “Tính vô ngộ” của Kinh Thánh mà người ta thường nói tới có nghĩa là Kinh Thánh không thể sai lầm trên bình diện “phần rỗi”. Vậy muốn phê phán sự thật hay sự sai lầm, Hiến chế dạy độc giả của Kinh Thánh phải đặt mình trên bình diện thần học và tôn giáo, bình diện của mặc khải về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

-   Khi đã nhận rõ ý định cơ bản, chính xác của mặc khải, tức là sự thật về ơn cứu rỗi, ta phải có thái độ nào đối với phạm vi này khác mà Kinh Thánh có thể đụng chạm đến ?

Xét về những điều thuộc khoa học vạn vật : các tác giả Kinh Thánh nói đến trời đất như kiểu người bình dân, như đúng về giác quan thấy được, theo thời buổi của các ngài. những sự thiếu chính xác (Lv 11,6 xếp loại thỏ vào loại nhai lại), đó là vì mức độ hiểu biết thô sơ của thời ấy.

Xét về lịch sử, mục đích của các tác giả thánh không phải là kể lại các biến cố dĩ vãng cho thật đúng theo năm tháng ngày giờ (đó là lý tưởng của sử học vào cuối thế kỷ 19 ; khách quan của sử học lấy mẫu nơi sự khách quan của vật lý), nhưng là diễn tả ý nghĩa của chúng, tức là tương quan của chúng với mầu nhiệm cứu rỗi.

b.               Việc giải thích Kinh Thánh

Tác giả thánh là tác giả đích thực và Thiên Chúa cũng là tác giả theo một kiểu khác. Bởi thế, muốn giải thích Kinh Thánh cần phải theo hai nguyên tắc :

-   Cẩn thận tìm hiểu điều các tác giả thánh muốn trình bày ;

-   Tìm hiểu điều mà Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ

1) Tìm kiếm điều mà các tác giả thánh muốn trình bày

Muốn thế phải tìm hiểu :

-   Hoàn cảnh lịch sử : các tác giả thánh nói với người đương thời trước khi nói với ta. Bởi thế cần phải biết ai nói, tác giả sống vào thời nào, tác giả nói với ai, hoàn cảnh sống của dân Chúa lấy ấy thế nào, bối cảnh văn hóa thế nào.

-   Các thể văn : sự thật được trình bày và diễn tả nhiều cách khác nhau, trong các bản văn lịch sử, hoặc tiên tri, hoặc thi phú, hoặc thể văn nào khác. Biết bao nhiêu kiểu người ta dùng để diễn lại quá khứ nhân loại hay nòi giống, dân tộc. Truyền kỳ và anh hùng ca khác với ký sự do một chứng nhân nhãn tiền, tuy cũng đều ghi lại các ký ức có thực thời xưa. Trong khoảng cách giữa hai kiểu văn loại lịch sử này, còn có bao nhiêu kiểu văn nối giữa : truyện tầm nguyên, truyện dạy đời, lịch sử luận đề. Trong Kinh Thánh cũng thế, phải biết tác giả viết thế nào về lịch sử.

2) Tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn cho biết

Công việc truy tầm có tính cách lịch sử và văn học, tuy cần thiết nhưng cũng chưa đủ : “vì Kinh Thánh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần”. Nhà chú giải cũng phải được hướng dẫn bởi một Thánh Thần đã linh hứng các tác giả thánh. Muốn tìm hiểu ý của Thánh Thần “chúng ta phải ân cần lưu ý đến nội dung và sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh, dựa trên truyền thống sống động của Giáo Hội, và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin”.

-   Nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh : Tuy có nhiều tác giả nhân loại, nhưng chỉ có một tác giả chính yếu là Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là Kinh Thánh làm nên một toàn bộ duy nhất, mặc khải một chương trình duy nhất của Thiên Chúa, một chương trình được thực hiện dần dần trong thời gian. Toàn bộ Kinh Thánh, sự duy nhất của Thiên Chúa, đó là công việc giáo dục của Thiên Chúa để dẫn loài người từng bước một tới con đường gặp biết Chúa Kitô và sự sống trong Người. Bởi thế người chú giải Kinh Thánh phải ý thức tới tính cách tiệm tiến của mặc khải.

-   Truyền thống sống động : Phải nhớ lại những điều đã nói trong chương II về tương quan giữa Kinh Thánh và Truyền Thống. Lời Chúa được lưu truyền, trước tiên không phải nhờ sách thánh mà là nhờ “đoàn dân Thiên Chúa chọn” sống và loan báo, tức là truyền thống sống động, rồi sau mới có sách thánh. Và khi sách thánh có rồi, thì cũng chính đoàn dân mang theo. Tóm lại, sinh hoạt công cộng của dân Chúa chọn (lời giảng dạy, nghi lễ phụng vụ, kinh nguyện trong gia đình…) là con đường thứ nhất nhờ đó Lời Chúa đến cho người ta. Bởi thế, đối với ta hôm nay, không thể cắt nghĩa trọn vẹn Kinh Thánh nếu không quan tâm đến truyền thống của các Tông đồ, lời giảng của các thánh giáo phụ.

-   Sự tương hợp giữa đức tin (analogia fidei) Mọi lời khẳng quyết của mặc khải phải được hiểu trong ánh sáng của toàn bộ đức tin – đức tin khách quan duy nhất – của Giáo Hội.

-   Phán quyết của Giáo Hội “Mọi điều liên hệ đến việc giải thích Kinh Thánh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mạng và chức vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa” (Mc 16,16 ; Mt 28,18-20)

c.               Sự hạ mình của Thiên Chúa

“Trong Kinh Thánh, sự hạ mình kỳ diệu của Đấng Khôn ngoan muôn đời được tỏ lộ” : Thiên Chúa chấp nhận “những yếu đuối” của ngôn ngữ loài người, cũng như Ngôi Lời đã chấp nhận sự yếu đuối của xác phàm.

5.            Chương IV : Cựu Ước (MK 14-16)

a.               Lịch sử cứu độ (MK 14)

Cựu Ước được hiểu theo hai nghĩa :

-   Kế hoạch của Thiên Chúa trong thời kỳ trước khi Chúa Kitô đến ;

-   Quyển sách ghi chép lại thời kỳ ấy.

1) Cựu Ước là lịch sử của dân Do Thái

Thiên Chúa đã mặc khải bằng những biến cố trong lịch sử của dân Do Thái. Lời đã có trước sách : “Thiên Chúa chí ái, khi cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại theo một kế hoạch lạ lùng, Người đã tuyển chọn một dân tộc để ủy thác những lời ước hẹn”.

Lịch sử Cựu Ước gồm nhiều giai đoạn :

-   Các tổ phụ : giao ước mới được ký kết với một người là Abraham (St 15,18) ;

-   Môsê : giao ước được ký kết với toàn dân Israel (Xh 24,8) ;

-   Tiên tri : sau Môsê, Thiên Chúa còn dùng nhiều tiên tri để làm sáng tỏ hơn ý định của Người.

Ý định của Thiên Chúa là “cứu độ toàn thể nhân loại”. Việc lựa chọn dân Israel nhằm tới ý định phổ độ ấy. Bởi thế Israel sau khi đã “nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa”, có sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa giữa các dân tộc (Tv 22,28-29 ; Is 2,1-4 ; Gr 3,17)

2) Bộ sách

Cựu Ước là “Lời chân thật của Thiên Chúa”. Các sách ấy được Thiên Chúa linh hứng và có giá trị vĩnh cửu.

b.                Tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các Kitô hữu (MK 25)

1) Tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước

Nhiệm cuộc cứu rỗi theo Cựu Ước có mục đích chuẩn bị, loan báo qua các sấm ngôn (1Pr 1,10) và biểu thị qua các hình ảnh (1Cr 10,11) Đức Kitô cứu thế và vương quốc của Người. Chính Chúa Giêsu chỉ rõ cho ta thấy ý nghĩa ấy của Cựu Ước (Lc 24,44 ; Ga 5,39).

2) Bản tính của các sách Cựu Ước

Các sách có “trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai, đồng thời cách Thiên Chúa đối xử công bằng và nhân hậu với mọi người”.

Các sách ấy phản ảnh khoa sư phạm của Thiên Chúa. Thiên Chúa giáo dục loài người một cách tiệm tiến, tùy theo hoàn cảnh của họ. Ví dụ : niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu chỉ xuất hiện hai thế kỷ trước Chúa Kitô. Bởi thế nhiều đoạn trong Cựu Ước đề cao thứ hạnh phúc ở trần gian. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” không trái với điều “ngươi phải yêu thương thù địch”, luật đền bù giới hạn sự báo thù và chuẩn bị cho luật yêu thương. Bởi thế Cựu Ước còn mang nhiều điều “khiếm khuyết và tạm bợ” mà con người phải trải qua để tiến tới Chúa Kitô.

3) Thái độ của các Kitô hữu

Các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này. Chúng hàm chứa :

-    Một cảm thức sống động và những lời giảng dạy cao siêu về Thiên Chúa ;

-    Một lối sống khôn ngoan cho cuộc sống nhân sinh ;

-   Những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu (các Thánh vịnh) ;

-   Mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta.

c.               Tính cách duy nhất của hai giao ước (MK 16)

Mỗi giao ước được tàng ẩn trong giao ước kia và được sáng tỏ nhờ giao ước kia. “Thiên Chúa, Đấng linh hứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thật vậy, dù Đức Kitô thiết lập giao ước trong máu Người, nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước. Ngược lại, Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước”.


6.            Chương V : Tân Ước

a.               Thời viên mãn đến (MK 17)

Lời của Thiên Chúa biểu lộ một cách tuyệt diệu quyền năng của Người trong các sách Tân Ước.

Trước hết Tân Ước là chính Chúa Giêsu và công trình của Người. Khi thời viên mãn đến, Ngôi Lời, đầy ân sủng và chân lý, đã làm người và ở giữa chúng ta. Bằng hành động và ngôn ngữ Người đã mặc khải Chúa Cha và bản thân mình. Chính Người thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian.

Mầu nhiệm này (tức là Chúa Kitô và công trình của Người) chưa bao giờ được tỏ ra cho các thế hệ khác, nay được mặc khải trong Thánh Thần (Ep 3,4-6) cho các Tông đồ và các tiên tri để họ rao giảng Phúc Âm, cổ võ niềm tin vào Đức Giêsu và qui tụ Giáo Hội.

Các văn bản Tân Ước là chứng tá vĩnh viễn và thần linh về các sự việc ấy.

b.               Các Sách Phúc Âm

Trong tất cả các sách thánh, kể cả các sách Tân Ước, thì các sách Phúc Âm đáng giữ địa vị ưu đẳng, vì là chứng tá chính yếu về đời sống và đạo lý của Ngôi Lời nhập thể.

1) Nguồn gốc Tông đồ (MK 18)

Các sách Phúc Âm bắt nguồn từ các Tông đồ. Theo lệnh Chúa Kitô các Tông đồ đã rao giảng. Sau đó các Ngài và các cộng sự viên của các ngài được Chúa Thánh Thần linh hứng để ghi chép lại lời giảng ấy dưới hình thức “theo thánh Matthêu, Maccô, Luca và Gioan”.

Như vậy tuy có bốn quyển sách (4 hình thức) nhưng chỉ có một Tin Mừng : giá trị của Tin Mừng ấy dựa trên chứng tá của các Tông đồ là những người mắt thấy tai nghe, lại được lãnh ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

2) Lịch sử tính của các sách Phúc Âm (MK 19)

a/ Lịch sử tính của Phúc Âm mang chiều kích tôn giáo

“Mẹ thánh Giáo Hội luôn luôn quả quyết lịch sử tính của bốn Phúc Âm…”

Số 12 đã trình bày là có nhiều văn loại lịch sử khác nhau. Phải nghiên cứu văn loại của từng đoạn để xác định các tác giả muốn nói gì.

Các sách Phúc Âm cũng là một loại văn lịch sử. Chúng truyền đạt cho ta “những điều chân thật và trung thực” về Chúa Giêsu.

Nhưng lịch sử ở đây không phải là một bản phúc trình về các biến cố đã qua theo quan niệm thực nghiệm hiện đại, nhưng là một chứng tá, một lời rao giảng về những sự kiện liên hệ đến ơn cứu độ. Chứng tá ấy được công bố bởi các Tông đồ, “sau khi đã được hiểu biết cách đầy đủ hơn… nhờ các biến cố vinh hiển của Chúa Kitô và ánh sáng của thần chân lý”. Vậy các sách Phúc Âm không phải là lịch sử có tính cách giai thoại, nhưng là lịch sử có tính cách tôn giáo.

b/ Phương cách soạn thảo các sách Phúc Âm

Trong kho tàng phong phú được truyền lại bằng miệng hay bằng sách vở, các tác giả đã chọn những chất liệu thích hợp hơn cả cho mục đích của các ngài, tóm tắt lại các sự việc khác hoặc giải thích thêm tùy theo hoàn cảnh của các giáo đoàn. Công việc ấy được thực hiện một cách chân thành và phù hợp với sự thực.

Công đồng nói rõ là các tác giả đã thích ứng trong cách diễn đạt với tình trạng của Giáo Hội và “đã giữ hình thức của bài giảng thuyết”, nghĩa là các ngài đã viết ra với mục đích phục vụ việc rao giảng Tin Mừng. Như vậy chúng ta tìm thấy trong các sách Phúc Âm bài tường thuật về các biến cố.

Như vậy khi viết Phúc Âm, các tác giả hoặc đã ghi lại những kỷ niệm riêng tư (Mt, Ga) hoặc đã dựa trên chứng tá của những người “đã chứng kiến từ buổi đầu và trở nên tôi tớ của Lời Chúa” (Lc, Mc). Do đó đức tin của chúng ta hôm nay có một giá trị khách quan (Lc 1,1-4).

c.               Những di cảo khác của các Tông đồ (MK 20)

Ngoài các sách Phúc Âm, Công đồng nhắc vắn tắt các thư của thánh Phaolô và các sách được linh hứng khác trong Tân Ước. Những di cảo này có nội dung :

-   Thần học : “Bổ chứng những gì đã được nói về Chúa Kitô, trình bày giáo lý đích thực của Người ngày một rõ ràng hơn”. Công đồng chấp nhận có sự tiến triển nội tại của Tân Ước, đặc biệt trong Kitô học và Giáo Hội học.

-   Giảng thuyết : “Rao truyền sức mạnh cứu độ của công trình thần linh của Chúa Kitô”.

-   Lịch sử : “Kể lại những bước đầu và sự bành trướng kỳ diệu của Giáo Hội” (Cv)

-   Tiên tri : “Tiên báo sự kết thúc vinh hiển của Giáo Hội” (Kh)

7.            Chương VI : Kinh Thánh trong Đời sống Giáo Hội

a.               Ý nghĩa của đầu đề

Trong bản thảo đầu tiên, chương VI mang đầu đề “Kinh Thánh trong Giáo Hội” (De Sacra Scriptura in Ecclesia). Đầu đề này quá tổng quát. Trong bản thảo II, đầu đề là “Việc sống Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Đầu đề này lại quá tầm thường. Đầu đề hiện thời “Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội” tiêu biểu quan điểm hiện thời của Giáo Hội đối với Kinh Thánh : Kinh Thánh phải là yếu tố căn bản trong đời sống Giáo Hội và Công đồng muốn khích lệ làm sao để cho Kinh Thánh dần dần phải trở thành như thế.

b.               Phân tích các ý tưởng của bản văn

1) Thái độ của Giáo Hội đối với Kinh Thánh (21)

Trước hết Công đồng muốn nói lên thái độ cụ thể của Giáo Hội đối với Kinh Thánh :

-   Tuân phục : Giáo Hội tuân phục Kinh Thánh vì đó là Lời Chúa và xem Kinh Thánh cùng với thánh truyền là “qui luật tối cao của đức tin”. Bởi thế Kinh Thánh là nguồn mạch mọi lời giảng dạy và của đời sống thiêng liêng.

-   Tôn kính : Giáo Hội tôn kính Kinh Thánh “như chính thân thể Chúa”.

Việc so sánh Kinh Thánh với Bí tích Thánh Thể đã gặp nhiều chống đối vì một số nghị phụ nghĩ rằng những khuynh hướng tân thời muốn đặt nhẹ sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể và hình như được bản văn này khuyến khích. Nhưng bản văn vẫn được dùng tới vì sự so sánh này có tính cách cổ truyền. Các thánh giáo phụ ngày xưa và về sau Sách Gương Chúa Giêsu (quyển IV, Ch. II) đã nối kết Kinh Thánh với phép Thánh Thể và xem Kinh Thánh như một thứ bí tích (x. F.X. Durwell, Đức Kitô Cứu Thế, tr. 49-68). Các thánh giáo phụ đã xem Kinh Thánh như việc nhập thể lần nhất của Ngôi Lời dưới tác động của Thánh Thần. Trong lòng Đức Maria, Ngôi Lời đã mặc lấy thân xác loài người. Nhưng trước đó, cũng dưới tác động của Thánh Thần, nơi các tác giả thánh, tư tưởng độc đáo của Thiên Chúa tức là Ngôi Lời đã trở thành tư tưởng của loài người.

Các thánh giáo phụ không những đã so sánh Kinh Thánh với việc nhập thể, mà còn so sánh với Bí tích Thánh Thể. Thánh Ignatiô thành Antiôkia nói : “Tôi đến ẩn mình ở trong Phúc Âm như trong thân thể Đức Kitô”. Thánh Giêrôm nói : Riêng tôi, tôi nghĩ rằng thân thể Đức Giêsu cũng chính là Phúc Âm của Ngài… bánh của Đức Kitô và thịt của Ngài cũng chính là lời sách thánh và giáo lý bởi trời”.

Cảm kích vì sự giống nhau ở giữa hai bí tích hiện diện của Kinh Thánh, Giáo Hội ở những thế kỷ đầu vẫn cất giữ Bánh thánh và Sách thánh ở cùng một nơi, đặt trên hai bàn kề nhau và mời tín hữu đến ngồi vào cả hai bàn để được nuôi dưỡng nhờ Chúa Cứu thế và nhờ ơn cứu độ của Ngài (Durwell, Sđd, tr. 55).

Thánh Phanxicô Assisi trong thế kỷ 13 muốn rằng các linh mục rao giảng Lời Chúa phải có thái độ cung kính như khi cho giáo dân chịu lễ ; và giáo dân khi nghe Lời Chúa phải có thái độ cung kính như khi rước lễ, vì nghe Lời Chúa là tiếp nhận một sự hiện diện của Chúa.

Công đồng cũng xem Kinh Thánh như một thứ bí tích. Cũng như trong Thánh Thể, trong Kinh Thánh có một sự hiện diện sống động và đầy quyền năng của Chúa. Số 21 có câu : “Trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến, đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ… Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội…” (Xem thêm MK 21.26 ; PV 51 ; LM 18).

Công đồng thường trình bày Kinh Thánh và Thánh Thể như hai bàn tiệc mà Thiên Chúa dọn ra cho con cái Người. Một chi tiết đáng lưu ý : tại Công đồng, trong những phiên họp long trọng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI rước quyển Phúc Âm và đặt lên trên một cái ngai, chứ không phải một giá sách. Ý nghĩa : chủ tọa của phiên họp chính là Đức Kitô hiện diện trong Phúc Âm. Và khi rước, Đức Giáo Hoàng cầm quyển Phúc Âm không phải là ngang ngực nhưng nâng cao ngang trán. Cử chỉ ấy thực ra cũng phát xuất từ thời các giáo phụ.

2) Mở rộng lối vào Kinh Thánh cho dân Chúa (22)

Vì sứ điệp của Giáo Hội phát xuất từ Lời Chúa được ghi chép lại trong Kinh Thánh và Kinh Thánh cũng là sức mạnh cho các linh hồn, nên Công đồng đặt vấn đề phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các tín hữu. Vấn đề cụ thể ở đây là vấn đề dịch thuật. Một bản dịch phải mang 2 đặc tính :

-   Thích hợp : nghĩa là ngôn ngữ phải rõ ràng, hợp với thời đại ;

-   Đúng đắn : tư tưởng trung thành với nguyên bản, chứ không phải chỉ với bản Vulgata !

Công đồng gợi ý nên có một bản dịch “được thực hiện chung với cả những anh em ly khai”. Gợi ý ấy đã đưa tới một kết quả : T.O.B tại Pháp.

  3) Công việc Tông đồ của các nhà chú giải (23)

Để đào sâu Kinh Thánh, Công đồng nêu ra một số công việc cần phải xúc tiến :

-   Tìm hiểu thêm các thánh giáo phụ Đông phương cũng như Tây phương và các phụng vụ thánh.

-   “Các nhà chú giải công giáo và những người khác chuyên về thần học thánh hãy cộng tác với nhau” (collatis sedulo viribus) và làm việc dưới sự hướng dẫn của huấn quyền.

Đáng lưu ý là Công đồng kêu gọi sự hợp tác chẳng những là giữa các nhà thần học công giáo mà còn với các anh em Kitô hữu ly khai. Công việc ấy phải có mục đích mục vụ : lấy Lời Chúa nuôi dưỡng các tín hữu (23,3 câu đầu).

4) Kinh Thánh và thần học (24)

Kinh Thánh, cùng với thánh truyền, phải trở thành “nền tảng” và “linh hồn” của khoa thần học cũng như mọi công việc mục vụ (dạy giáo lý, mọi hình thức rao giảng).

Dựa theo tiêu chuẩn đó, Công đồng đã cải tổ lại việc dạy thần học trong các chủng viện (Sắc lệnh đào tạo linh mục, 16). Có thể nói trước Công đồng môn tín lý là quan trọng hơn cả. Bây giờ môn Kinh Thánh phải đứng hàng đầu, môn tín lý đi sau, và trước hết nó phải là môn thần học Kinh Thánh. Sắc lệnh viết : “Phải đặc biệt chuyên lo dạy Kinh Thánh cho các chủng sinh, vì Kinh Thánh phải như linh hồn của toàn thể khoa thần học… Môn tín lý thần học phải được phân phối theo thứ tự này : trước hết trình bày chính các chủ đề Kinh Thánh”. Môn lịch sử cứu độ được Công đồng đặt vào chỗ danh dự : “Những bộ môn thần học khác phải được canh tân nhờ tiếp xúc linh động hơn với mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi” (ĐT 16). Công đồng muốn cho khoa thần học không phải là một sự suy tư trừu tượng nằm trong các ý niệm, nhưng là một sự suy tư phải trở thành sự chiêm ngưỡng, một sự tiếp xúc sống động với Lời Chúa.

5) Việc đọc Kinh Thánh (25)

Để cho tất cả những niềm hy vọng đó được thực hiện, Hiến chế Mặc khải trong số cuối cùng mời gọi các linh mục, các phó tế, và những giáo lý viên “phải gắn bó với Kinh Thánh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi”. Bản dịch Việt ngữ chưa lột hết ý tưởng của Công đồng. Theo bản văn, việc đọc Kinh Thánh phải mang 3 sắc thái :

-   Trước hết việc đọc Kinh Thánh phải có tính cách thiêng liêng, nghĩa là một sự suy gẫm đi đôi với lời cầu nguyện. Số 25 nói ở sau : “Mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh Thánh để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa với con người…” ;

-   Việc đọc Kinh Thánh phải mang tính cách chăm chỉ, kiên trì, liên tục ;

-   Một sự nghiên cứu, học hỏi sâu sắc.

Công đồng muốn nói rằng không ai trong các giáo sĩ “trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng, bởi không nghe lời Thiên Chúa trong lòng”.

Công đồng còn mời gọi cả các tín hữu phải đọc Kinh Thánh. Năm 1962-1963, điều này chưa hiển nhiên như thế. Dưới ảnh hưởng của những cuộc tranh luận chống Tin lành trong quá khứ, người ta vẫn còn giữ thái độ nghi kỵ đối với Kinh Thánh. Năm 1963 lược đồ chỉ dám khuyên các giáo hữu đọc Kinh Thánh trong khung cảnh của Phụng vụ. Bản văn hiện thời khuyến khích các giáo hữu hãy tiếp xúc với Kinh Thánh không những qua Phụng vụ nhưng còn nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với Kinh Thánh trong nguyên bản hoặc nhờ “bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong Giáo Hội chấp thuận và phổ biến”. Công đồng nhắc lại câu nói nổi tiếng của thánh Giêrôm : “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Sau hết Công đồng khuyến cáo các Giám mục, các chủ chăn trong Giáo Hội :

-   hãy dạy cho các tín hữu biết sử dụng đúng đắn các sách thánh ;

-   hãy phổ biến những bản dịch trung tín có những cắt nghĩa kèm theo làm sao cho những người ngoài Kitô giáo cũng có thể hiểu được.

Chương VI được kết thúc bằng một nguyện vọng của các nghị phụ (số 26) : Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi, Lời Chúa được tỏa rộng khắp nơi và làm phát sinh hoa quả sự sống, cũng như nhờ Bí tích Thánh Thể, con cái Giáo Hội được tăng trưởng về số lượng và về phẩm chất.

Điểm đáng chú ý trong câu kết luận : sự sống trong Giáo Hội chẳng những từ việc năng lãnh nhận Mầu nhiệm Thánh Thể nhưng còn từ việc sùng kính Lời Chúa. Một lần nữa Kinh Thánh được so sánh với phép Thánh Thể và được xem là một nguồn mạch của sự sống thiêng liêng như Bí tích Thánh Thể vậy.

II.         vài nhẬn đỊnh

Trong bài diễn văn đọc trong dịp tiếp kiến các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế về Kinh Thánh sáng thứ Sáu 16.9.2005 tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì nhờ ảnh hưởng của Hiến Chế về Mạc Khải “Dei Verbum”, mà tầm quan trọng căn bản của Lời Chúa được đánh giá ngày càng sâu xa hơn. Điều này dẫn đến việc canh tân đời sống của Giáo Hội, nhất là trong lãnh vực rao giảng, dạy giáo lý, thần học, tu đức, và cả trong tiến trình đại kết. Giáo Hội cần phải canh tân luôn mãi, cần trẻ trung hoá chính mình. Và Lời Chúa là phương tiện ưu tiên cho công cuộc canh tân Giáo Hội, vì Lời Chúa không bao giờ bị già đi hay bị hết hạn.


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà