BÀI BA :

LỜI CHÚA TRONG TƯ TƯỞNG GIÁO PHỤ : ORIGÈNE VÀ HIÊRÔNIMÔ,
HAI NHÀ CHÚ GIẢI SAY MÊ LỜI CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết

 

DẪN NHẬP

Phong trào trở về nguồn Kitô Giáo là một trong những nét đẹp và phong phú của thần học ngày nay. Việc trở về với các Giáo Phụ đã đóng góp rất nhiều cho sự đổi mới trên bình diện thần học, phụng vụ trước và sau Công Đồng Vaticanô II và hiện nay nó đóng một vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại đại kết.

Khi suy nghĩ về đề tài Lời Chúa trong tư tưởng của các Giáo Phụ thì điều đầu tiên chúng ta ghi nhận là có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước) và Giáo Hội của các Giáo Phụ. Giáo Hội của các Giáo Phụ đã ấn định Quy Điển Thánh Kinh (Canon des Ecritures). Thánh Kinh là điểm qui chiếu hàng đầu của đức tin, nhưng đó là Thánh Kinh đã được đón nhận, được đọc trong Giáo Hội, được đức tin của Giáo Hội soi sáng và được Giáo Hội giải thích.

Các Giáo Phụ đã đón nhận Thánh Kinh từ Giáo Hội các Tông Đồ. Nhưng chính các ngài đã truyền đạt Thánh Kinh cho chúng ta, vì các ngài đã là những người đầu tiên học hỏi, chú giải và suy niệm Thánh Kinh.

Origène và Hiêrônimô là hai giáo phụ đi tiên phong trong việc đọc và giải thích Thánh Kinh một cách có phương pháp. Đối với Origène, Thánh Kinh là nguồn vô tận cho mọi suy tư triết học, thần học, linh đạo, đạo đức học và cả khoa học. Đối với thánh Hiêrônimô, Thánh Kinh là con đường dẫn ta tới sự hiểu biết Chúa Kitô.

Trong bài này, chúng ta sẽ nói về Origène và Hiêrônimô, hai bậc thầy vĩ đại đã để cho Lời Chúa chiếm trọn con người của mình và phương pháp mà hai ông đã “bẻ” Lời Chúa để phân phát tấm bánh Lời cho dân Chúa.

I.          ORIGÈNE, CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI :

So với các bậc tiền bối của Origène, người ta biết về cuộc đời và hoạt động của ông nhiều hơn là nhờ vào sử gia Eusêbiô. Eusêbiô đã dành gần như cả cuốn VI trong bộ Lịch sử Giáo Hội (Histoire Ecclésiastique) gồm 10 cuốn để viết về Origène. Origène sinh khoảng năm 185 có lẽ tại Alexandria, thủ phủ của Ai Cập, thành phố thứ hai của Đế quốc Rôma, trung tâm văn hóa cổ thời. trong một gia đình Kitô hữu đạo đức, vào một thời kỳ Giáo Hội gặp nhiều khó khăn và bị chính quyền của Hoàng đế Septime-Sévère bách hại. Cha ông là Léonidas chịu tử đạo khoảng năm 202 và tài sản gia đình bị tịch thu. Nhờ được một bà giầu có giúp đỡ, ông theo học văn chương, rồi sau đó mở trường dậy văn chương “école de grammairien”, để kiếm sống và nuôi mẹ cùng 6 đứa em. Có lẽ việc hàng giáo sĩ Alexandria bị cưỡng bách lưu đày giải thích tại sao chỉ sau đó ít lâu, Origène đã được Démétrius, giám mục Alexandria giao nhiệm vụ huấn luyện các dự tòng và mở “Trường huấn giáo” (Didaskalêion – École catéchétique), khi ông còn rất trẻ, mới khoảng 17 hay 18 tuổi đời.

Các học viên của ông thuộc nhiều từng lớp xã hội thời bấy giờ, như trí thức, ngoại giáo và cả những người theo các giáo phái. Sự kiện này làm cho ông phải suy nghĩ về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy. Ông bắt đầu học triết học và có lẽ ông đã theo học với Ammonius Saccas, người mà sau đó ít lâu là thầy dạy của Plotin và được coi như người khởi xướng chủ thuyết Tân-Platon. Điều này có tầm quan trọng hàng đầu đối với lịch sử tư tưởng Giáo Phụ, bởi vì cùng với Origène, ảnh hưởng của chủ thuyết Platon (Platonisme), tuy không hoàn toàn độc chiếm, nhưng đã vượt trội so với các trào lưu triết học khác nơi một số lớn các Giáo Phụ.

Origène tổ chức “Trường huấn giáo” với hai cấp. Trường sơ cấp dành cho các dự tòng. Ông trao cho người bạn là Héraclas điều khiển, người mà sau này sẽ trở thành giám mục Alexandria. Trường Cao đẳng do chính ông đảm trách, dành cho các học viên muốn đi sâu vào việc nghiên cứu triết học - Thần học và Kinh Thánh.

Thời gian học triết học và giảng dậy tại trường Cao Đẳng đã thúc đẩy ông chọn đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy Thánh Kinh một cách chặt chẽ, có hệ thống và hướng đến việc đào sâu suy tư thần học một cách khoa học, dựa vào các môn học đời. Các học viên trường cao đẳng phải hoàn tất các môn học cổ điển trước khi học Thánh Kinh và giáo lý.

Nhờ sự thúc bách của người cha giầu lòng đạo đức và say mê Lời Chúa, Origène đã hấp thụ một nền giáo dục Kitô giáo ngay từ thời niên thiếu, đặc biệt là việc học hỏi Thánh Kinh. Do đó, khi được giao cho nhiệm vụ mở trường huấn giáo, “trường dạy đức tin”, Origène say mê nghiên cứu Kinh Thánh, học tiếng Do Thái và giảng dạy có phương pháp khoa học. Điều này khiến ông trở thành nhà Kinh Thánh và nhà chú giải lớn nhất trong thời kỳ đầu của Giáo Hội.

Theo một truyền thuyết, nếu không nhờ bà mẹ ngăn cản ông ra khỏi nhà bằng cách giấu hết quần áo của ông thì có lẽ ông đã chịu tử đạo. Eusêbiô thành Cêsarêa, một sử gia của Giáo Hội cổ thời đã để lại cho chúng ta chứng từ về một Origène trẻ trung, hăng say với niềm tin, ham học Thánh Kinh và về một người cha đạo đức dường như thấy trước định mệnh của con mình, chúng ta đọc lại chứng từ này :

Lúc bấy giờ, ngọn lửa bách hại đang lan rộng và hàng ngàn tín hữu đã đội triều thiên tử đạo : niềm khát khao được tử đạo xâm chiếm tâm hồn Origène, lúc đó còn là một đứa trẻ, đến nỗi em đầy lòng hăng say đương đầu với các hiểm nguy, muốn vùng dậy và lao vào cuộc chiến đấu.

Đã có lúc, chỉ suýt nữa là đời ông kết thúc, nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa, vì lợi ích của rất nhiều người, đã dùng mẹ ông để ngăn cản sự hăng say của ông. Trước tiên, bà dùng lời lẽ để xin ông, khuyên ông hãy biết cảm thương tình mẫu tử mà bà đã dành cho ông ; nhưng khi thấy ông càng hăng say hơn khi biết rằng cha bị bắt và bị tống ngục, và hoàn toàn bị chế ngự bởi niềm khao khát được tử đạo, bà đã giấu tất cả quần áo của ông để buộc ông ở nhà. Phần ông, vì không còn có thể làm bất cứ điều gì khác, và vì niềm khao khát vượt lên trên tuổi đời của mình không cho phép ông ngồi không, ông đã gửi cho cha một lá thư chứa đầy những lời khuyến khích tử đạo, trong thư ông khích lệ cha bằng lời nguyên văn như sau : “cha đừng vì chúng con mà đổi ý”. Điều này thật đáng được ghi lại như là bằng chứng đầu tiên về tinh thần hăng say của Origène thời niên thiếu cũng như về những thái độ rất xác tín của ông đối với tôn giáo.

Và thực vậy, ông đã đặt nền vững chắc trong các khoa học đức tin, vì từ tấm bé đã trau dồi các Sách Thánh : ông chuyên tâm học hỏi Kinh Thánh, nhưng không phải theo mức độ thông thường, vì cha ông, không chỉ bằng lòng với việc bắt ông theo chu trình các môn học, đã không xem mối bận tâm về Sách Thánh như là điều phụ thuộc. Vì vậy, trước hết cha ông rất quan tâm tới các môn học Hy lạp, thúc đẩy ông trau dồi các môn học thánh, mỗi ngày bắt ông phải học thuộc lòng và làm nhiều bài Trong thâm tâm, cha ông hết sức vui sướng và vô cùng đội ơn Thiên Chúa, nguyên nhân của mọi thiện hảo, vì Ngài đã đoái thương cho ông được làm cha một đứa trẻ như thế. Người ta kể rằng, lúc đó ông thường dừng bước bên đứa trẻ đang ngủ, vạch ngực nó ra như thể có Thần Khí Thiên Chúa ngự bên trong, kính cẩn ôm lấy nó mà lòng thấy hạnh phúc vì có được đứa con nối dòng tốt đẹp như thế”.[1]

  Vì hiểu Lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Mt 19,12 theo nghĩa đen, với ước muốn sống khổ chế, ông đã tự hoạn “vì Nước Trời”, một việc làm mà sau này ông đã bác bỏ.

Có lẽ trong thời gian giảng dạy ở Trường Cao đẳng huấn giáo tại Alexandria mà Origène đã khám phá ra công trình của Philon thành Alexandria, một nhà chú giải thần học và nhà thần bí Do Thái giáo. Khám phá này sẽ giúp ông đi sâu vào việc chú giải Thánh Kinh theo phương pháp ẩn dụ (allégorisme) và đưa ra những suy tư cho linh đạo Kitô giáo.

Cũng thời gian này ở Alexandria, các tác phẩm của Origène ra đời, giữa những năm 215 và 230. Sử gia Eusêbiô đã liệt kê danh sách gần hai ngàn tác phẩm của ông.[2] Một danh sách khác, không đầy đủ do thánh Hiêrônimô thiết lập, kê ra gần 800 tựa đề.[3] Eusêbiô đã gọi ông là “con người mạnh mẽ, con người sắt thép” (homme d’acier) [4] và kể rằng người học trò giầu có của ông là Ambroise, một người trước đó đi theo ngộ đạo thuyết của Valentinô, nhờ ông đã trở lại với Kitô giáo, đã trả lương cho 7 người tốc ký, nhiều người sao chép cũng như một số phụ nữ viết chữ đẹp, để giúp ông trong việc xuất bản các tác phẩm.[5]

Một trong những tác phẩm tín lý được soạn thảo đầu tiên và quan trọng nhất là khảo luận về Các Nguyên Lý (Peri Archôn ; De principiis), thời gian có lẽ vào khoảng năm 225-230 ; khảo luận này gồm 4 quyển. Quyền thứ nhất bàn về Thiên Chúa, tạo dựng, sự sa ngã ; quyển thứ hai bàn về công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô ; quyền thứ ba bàn về tự do của con người ; quyền thứ tư nói về Kinh Thánh như là nguồn mạch của đức tin và về 3 nghĩa của Kinh Thánh. Thiên Chúa là “Nguyên lý” của tất cả mọi sự, vừa là nguyên lý giải thích (theo nghĩa triết học) vừa là nguyên lý tác thành. Tác phẩm này còn là một khảo luận chống lại Ngộ đạo thuyết (gnosticisme), vì thuyết này chủ trương rằng vật chất tự bản chất là xấu, cho nên Thiên Chúa không tạo dựng ra thế giới vật chất.

Có thể nói đây là khảo luận tín lý đầu tiên trong lịch sử thần học trình bày có phương pháp một nhãn quan về Thiên Chúa, về con người và về thế giới bằng cách khởi đi từ Thánh Kinh. Tác phẩm kết thúc bằng một tiểu luận về Khoa Chú Giải và Truyền Thống Giáo Hội. Với tác phẩm này, Origène là người tiên phong của thời đại trong nỗ lực tìm hiểu đức tin với một tầm nhìn rộng lớn có thể nói là chưa từng thấy đối với sự phát triển tư tưởng Giáo Phụ. Đôi khi. ông dấn mình vào những giả thiết phiêu lưu mà sau khi mất, ông còn phải chịu đựng những lời kết án.

Cùng thời gian này, Origène khởi sự nghiên cứu bản văn Cựu Ước và thực hiện việc chú giải Thánh Kinh, đặc biệt là công trình chú giải Phúc Âm Gioan rất đồ sộ, để đáp lại tác phẩm tương tự của Héracléon, một người theo Ngộ đạo thuyết. Chỉ nguyên Phúc Âm Gioan mà thôi, từ chương đầu đến Ga 13,33, ông đã chú giải trong 32 cuốn. Riêng câu đầu tiên (Ga 1,1), ông đã chú giải trong một cuốn. Ông đã chú giải hầu hết các sách Kinh Thánh một cách tỉ mỉ và rất khoa học đến nỗi người ta nói rằng không có chú giải hiện đại nào đã làm được như ông. Nhiều tác phẩm chú giải hoặc đã bị lạc mất, hoặc chỉ còn giữ được vài mảnh, như chú giải về sách Sáng Thế, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Isaia, Ezéchiel, Luca, các thư của Phaolô. Các bản chú giải về sách Diễm Ca, Marcô, Gioan được giữ lại một phần bằng nguyên ngữ Hy Lạp và một phần dịch ra tiếng La tinh.

Origène là con người của gặp gỡ và tình bạn. Tự bản chất, ông không phải là nhà nghiên cứu cô độc, nhưng tiên vàn là một vị thầy, hăng say với việc giảng dậy và huấn luyện các học trò của mình. Cuộc đời ông được nhiều “quý nhân” phù trợ. Như chúng ta đã nói, nhờ môn sinh Ambroise giàu có, ông có được những phương tiện quan trọng để làm việc trong lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh một cách khoa học, đặc biệt là ông có những người tốc ký và những người sao chép giúp đỡ. Chúng ta sẽ thấy công trình nghiên cứu của Origène về bản văn Thánh Kinh chỉ có thể thực hiện được trên thực tế là nhờ cả một nhóm làm việc.

Ông còn là con người du khảo. Ông sang Palestine, nơi ông quen thân với giám mục Théoctise tại Cêsarêa, với giám mục Alexandre tại Giêrusalem, rồi sang Arabia và quay về Rôma khoảng năm 212 để “viếng thăm Giáo Hội Rôma rất cổ xưa”,[6] tại đây chắc chắn ông đã quen biết linh mục Hippôlitô, triết gia và nhà thần học lừng danh thời đó và sau này có lẽ trở thành giám mục.[7] Nhờ đi lại nhiều nơi như vậy cùng với tinh thần học hỏi và thích khám phá, ông thực hiện được một số khám phá trong lãnh vực nghiên cứu Thánh Kinh, như ông kể lại rằng ông đã tìm thấy một bản dịch Thánh Vịnh bằng tiếng Hy Lạp khác với các bản dịch được biết trong thời ấy trong một chiếc vò gần Giêricho. Nếu đúng như vậy thì điều làm chúng ta phải khâm phục là ngay từ thế kỷ III, Origène đã khám phá ra những thủ bản Kinh Thánh tương tự với những khám phá các mảnh da Kinh Thánh trong các hang tại Biển Chết trong thời đại mới đây.

Trong lần ông du hành sang Palestine với lý do là để lo “các công việc của Giáo Hội”, hai giám mục Alexandre và Théoctise đã phong chức linh mục cho ông. Thế nhưng, việc này đã bị giám mục Démétrius thành Alexandria công khai phản đối. Giám mục Demétrius tổ chức một công nghị các linh mục Alexandria để trục xuất ông và trong công nghị thứ hai vào khoảng năm 231 hay 232, ra phán quyết rằng việc chịu chức linh mục của ông không thành sự vì không có sự đồng ý của thẩm quyền địa phương. Chúng ta không thể biết hết được các lý do của sự phản đối mạnh mẽ này. Có phải đó là do những mối bất hòa cá nhân giữa hai người không ? Hay là do những nghi ngờ về sự chính thống của Origène, một nhà thần học tự do và táo bạo ? Hay giám mục Démétrius, một con người muốn nắm mọi quyền hành trong tay không chấp nhận nổi một con người thích độc lập trong việc tổ chức trường huấn giáo ? Chúng ta biết rằng ông đã bị chỉ trích ở một số nơi và sau này ông sẽ phải bảo vệ sự chính thống của mình cũng như phải biện minh cho thái độ cởi mở của ông đối với triết học. Mặc dù vốn là một con người hiếu hòa và khiêm tốn, cuộc khủng hoảng này đã khiến ông vĩnh viễn rời bỏ Alexandria ; từ nay ông sẽ theo đuổi công trình nghiên cứu Kinh Thánh của mình tại Césarêa thuộc Palestine, ông chuyển thư viện và Trường huấn giáo của ông về đó. Tại đây, các môn sinh của ông, các giám mục bạn ông đều yêu mến ông, kính trọng và xem ông như một vị thánh. Các sách chú giải Thánh Kinh lần lượt ra đời, và cả những tập bài giảng về Cựu Ước và Tân Ước trong đó nổi bật giáo lý về tu đức. Hiện nay người ta còn giữ được gần 300 bài giảng của ông, nhưng chỉ có 21 bài bằng nguyên ngữ Hy Lạp.

Năm 250, cuộc bách hại đột ngột của hoàng đế Dêciô làm nhiều người tử đạo trong tỉnh này ; Origène bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng được tha ; vài năm sau ông mất, thọ 69 tuổi, vào năm 253 hoặc 254.

Sự tỏa sáng của Origène vượt xa ngoài biên giới Ai cập và Palestine, cũng như vượt xa thời kỳ đó. Nếu đem những tác phẩm của các giáo phụ cổ thời so sánh với những tác phẩm của Origène thi ta có thể ví những tác phẩm của các giáo phụ cổ thời chỉ giống như một khúc nhạc mở đầu. Origène là một trong những văn hào Kitô giáo uyên thâm nhất của thời giáo phụ, vượt trên tất cả các giáo phụ cổ thời, và cũng là một tác giả gặp nhiều đối kháng hơn cả. Con người vĩ đại này đã tạo nên một sự kích thích trí thức trong Giáo Hội mà các thế kỷ sau sẽ thừa hưởng. Tư tưởng của Origène đã có một vận mệnh khá đặc biệt, nhưng cũng thật nghịch thường. Sau khi ông qua đời, nhiều cuộc tranh luận đạo lý đã được đặt ra, với nhiều người bênh vực cũng như lắm kẻ chống đối ; cả đôi bên đều sử dụng các tác phẩm của ông. Hầu như không một tác giả cổ thời nào lại được những người kế tục sử dụng và bị đạo văn nhiều như thế, và cũng không một tác giả nào bị người ta tranh cãi kịch liệt hơn, đôi khi lại do chính những người vay mượn tư tưởng ông nhiều nhất. Có thể nói rằng tất cả những nhà thần học lớn của thế kỷ IV đều nhờ vào Origène một điều gì đó, dù ở mức độ rất khác nhau, nhưng dầu vậy, ba thế kỷ sau khi ông mất, ông bị coi là lạc đạo. Ông đúng là con người của định mệnh, (homme de destin) hiểu theo nghĩa hẹp của từ ngữ này, một con người “bạc mệnh” (homme fatal).

Căn nguyên của những nghịch thường và những thăng trầm đời ông là do những luận đề hay giả thuyết bị bác bỏ trong đại tác phẩm Peri Archôn về sự “tiền hữu của các linh hồn”. Ông đưa ra giả thuyết rằng trước tiên Thiên Chúa tạo dựng một thế giới tinh thần (monde d’esprits) và trong thế giới đó, các linh hồn đã phạm tội, rồi từ thế giới đó, các linh hồn sa xuống nhập vào thân xác ; thực tế đây là huyền thoại Platon. Nhưng chung cuộc, mọi tinh thần sẽ được phục hồi trong sự thiện (apocatastasis) ; ma quỷ sẽ trở lại cùng Chúa ; và như thế không có hỏa ngục đời đời. Những luận đề này đã bị một số nhà thần học, như Epiphane và giám mục Alexandria là Théophile đả kích mạnh mẽ khoảng thời gian trước sau năm 300.

Cuộc tranh luận đầu tiên liên quan đến Origène này giúp các Giáo Phụ biết biện biệt khi sử dụng công trình của ông, và để Origène chịu trách nhiệm về những ý tưởng quá phiêu lưu của ông. Từ đó, chỉ họa hiếm người ta mới gặp được một chủ thuyết Origène (Origénisme) nguyên vẹn. Những cuộc “tranh luận về Origène” khác tiếp tục xảy ra cho tới thế kỷ VI, nhưng có tính cách giả tạo hơn, vì để khép tội những đối thủ mà mình đang chống lại vì những lý do khác, người ta tố cáo họ theo chủ thuyết Origène Trong bối cảnh đó, người ta muốn Công Đồng chung Constantinople II (553) chính thức lên án các luận đề bị bác bỏ của ông, nhưng lối trình bày các luận đề lại không phải là lối trình bày của chính Origène : một giai đoạn tai hại cho ký ức về Origène và cho việc bảo tồn các tác phẩm của ông. Công trình nghiên cứu hiện nay đã phục hồi uy tín cho con người vĩ đại này của Alexandria. 

A.  ORIGÈNE,
NGƯỜI KHỞI XƯỚNG KHOA PHÊ BÌNH VĂN BẢN THÁNH KINH

Origène tiên vàn là con người của Thánh Kinh. Ông nghiên cứu Thánh Kinh vừa với một tinh thần khoa học, vừa với lòng đạo đức sâu xa. Ông đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện, đọc trong suy niệm để nội tâm hóa và đón lấy Lời Chúa làm của mình ngõ hầu khám phá ra ý nghĩa sâu thẩm của Lời Chúa bằng phương pháp tìm hiểu nghĩa ẩn dụ (sens allégorique). Theo ông, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu Thánh Kinh đòi phải có đặc sủng của Thiên Chúa, và nhiệm vụ này hệ tại ở việc “bẻ” và chia sẻ cho các tín hữu tấm bánh Lời Chúa. Ông đã trở thành thầy dạy về đường trọn lành cho nhiều thế hệ đan sĩ bên Đông phương.

Trong lá thư gửi cho học trò của mình là Grégoire le Thaumaturge (218-270), người mà sau này trở thành giám mục và nhà truyền giáo tại Tiểu Á, ta thấy được cách đọc Kinh Thánh của ông : đọc trong suy niệm và cầu nguyện, để khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của Lời Chúa chứa đựng trong bản văn ; chúng ta đọc lại một phần lá thư đó :

“Vậy hỡi anh, người chủ và là người con của ta, anh hãy chuyên tâm cách đặc biệt vào việc đọc các Sách Thánh : anh hãy hết sức chuyên chú vào điều đó. Vì chúng ta cần phải hết sức cần mẫn khi đọc các Sách Thánh, kẻo lại buông ra những lời hoặc có những tư tưởng quá võ đoán về các sách đó. Một khi chuyên cần đọc Sách Thánh, với chủ tâm muốn tin và muốn làm đẹp lòng Chúa, lúc đọc sách anh hãy gõ vào cánh cửa của những gì đang bị đóng kín, và người đó sẽ mở cho anh, người gác cửa mà Chúa Giêsu nói
đến : “Người gác sẽ mở cửa cho người đó”. Khi chuyên chú đọc Sách Thánh như thế anh hãy tìm kiếm, một cách ngay thẳng và với niềm tín thác không nao núng vào Thiên Chúa, ý nghĩa của các Sách Thánh vốn giấu ẩn đối với phần lớn người khác. Anh đừng chỉ bằng lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm, vì điều tuyệt đối cần thiết để có thể hiểu được những điều thuộc về Thiên Chúa là cầu nguyện. Chính vì muốn khuyến khích chúng ta làm điều đó mà Đấng Cứu Thế không chỉ nói : “Hãy gõ thì sẽ mở” và “Hãy tìm thì sẽ gặp” mà Ngài còn nói : “Hãy xin thì sẽ được”. Sở dĩ tôi dám nói như thế là vì tình phụ tử của tôi dành cho anh. Còn dám nói như thế là hay hoặc dở thì chỉ có Thiên Chúa biết và Đức Kitô của Người, và kẻ nào tham dự vào Thần Khí của Thiên Chúa và Thần Khí của Đức Kitô”.
[8]

Theo ông, muốn nghiên cứu Thánh Kinh thật sự có phương pháp và khoa học thì trước hết phải có một văn bản đúng. Origène là nhà bác học Kitô giáo đầu tiên đã hiểu được đòi hỏi này, đặc biệt là đối với Cựu Ước. Cuộc tranh luận với người Do Thái đã để lộ cho thấy có những dị biệt giữa bản Do Thái và bản LXX mà các Kitô hữu tham chiếu. Hơn nữa, ngoài bản LXX, còn có những bản dịch Hy lạp khác, cả những bản này cũng có nguồn gốc Do Thái. Cuối cùng, ngay cả những cảo bản LXX cũng cho thấy có những chỗ dị biệt giữa chúng.

Origène đề cập vấn đề lớn lao này với một tinh thần mới mẻ ; ông không cắt nghĩa những dị biệt bằng cách cho rằng bản văn Do Thái đã bị ngụy tạo, nhưng nhìn nhận giá trị của bản Do Thái như là bản gốc, và công nhận nó có trước về phương diện lịch sử. Ông làm việc với các Kinh Sư, khởi sự học tiếng Do Thái và bắt tay vào việc thu thập tài liệu hiện có để có thể sử dụng vào việc nghiên cứu bản văn Cựu Ước.

Từ đó, một tác phẩm đồ sộ đã ra đời, có lẽ vào khoảng năm 212, tác phẩm mang tên Hexaples, nghĩa là “Sáu cột”, vì trong đó bản Cựu Ước được xuất bản thành sáu cột, kèm theo những chú giải về dị bản. Tác phẩm nhằm đưa ra một bản văn đúng (un texte exact) của bản LXX bằng cách so sánh với nguyên bản Do Thái (texte original hébreu). Sáu cột đối chiếu nhau trong tác phẩm Hexaples được đặt như sau :

(1)   Nguyên bản Do Thái, với chữ viết Do Thái

(2)    Bản văn Do Thái được phiên âm bằng chữ viết Hy Lạp để đọc ;

rồi sau đó là 4 bản dịch ra tiếng Hy Lạp :

(3)    Bản dịch Hy Lạp của Aquila (tiền bán thế kỷ II sau Công Nguyên - dịch rất sát),

(4)    Bản dịch Hy Lạp của Symmaque (hậu bán thế kỷ II),

(5)    Bản dịch Hy lạp LXX

(6)    và cuối cùng là bản dịch Hy lạp của Théodotion (có lẽ vào khoảng thế kỷ I sau Công Nguyên).

Tác phẩm Hexaples được lưu trữ ở thư viện Cêsarêa thuộc Palestine và sau này đã được thánh Hiêrônimô tham khảo.

Đối với một số sách như sách Thánh Vịnh, những khám phá riêng của Origène cho phép ông xếp 7, 8 hoặc tới 9 cột. Điều này khiến P. Barthélémy đã ngỡ ngàng trước công trình của Origène “Chưa từng có người nào có được một tư liệu đầy đủ về Thánh Kinh tiếng Hy lạp như tư liệu mà Origène đã thu thập” .

Từ công trình trên, Origène đã đưa ra cách trình bày các bản LXX, trong đó có những chỗ khác biệt nhau giữa bản LXX với các cảo bản LXX khác vì vấn đề sao chép, những chỗ bản LXX thêm vào so với bản Do Thái, hay những chỗ thiếu trong bản LXX được bổ khuyết nhờ vào những bản dịch Hy lạp khác, tất cả được đánh dấu bằng những ký hiệu thuộc khoa phê bình lấy ở những ấn bản của các bản văn cổ. Như vậy, dù Origène không cho phép mình sửa chữa bản LXX, độc giả vẫn biết được những chỗ dị biệt. Chúng ta chỉ còn có được những dấu vết nhỏ của công trình này. Việc tôn trọng bản LXX một cách tỉ mỉ của Origène có thể hiểu được là vì đối với ông, nếu bản Thánh Kinh Do Thái có trước về mặt lịch sử, thì bản LXX lại là Thánh Kinh của Kitô giáo do Giáo Hội truyền lại, chỉ mình nó mới có giá trị chuẩn mực cho đức tin.

Origène đã chứng tỏ một tinh thần phê bình khá táo bạo, chẳng hạn về Tân Ước, ông nói đến tính chất “lịch sử” đặc biệt của các sách Phúc Âm hoặc nói đến tác giả của thư Do Thái không phải là chính Phaolô, nhưng là một môn đệ hay một người bạn quen thuộc với tư tưởng của Phaolô và khoa chú giải hiện nay cũng nói như vậy.

Trong một lá thư gửi cho Jules Africain, Origène đã trình bày phương pháp làm việc của ông trên văn bản Thánh Kinh Hy Lạp, chúng ta đọc lại :

“Đã có rất nhiều điểm dị biệt giữa các bản, hoặc do sơ suất của các người sao chép, hoặc do sự cả gan tai ác của một số người, hoặc do sự vô tâm khi hiệu chỉnh các bản sao, hoặc do việc có những người khi hiệu chỉnh đã thêm hoặc bớt những gì họ cho là đúng. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã có thể sửa chữa những điểm dị biệt trong các bản Cựu Ước, bằng cách lấy những ấn bản khác làm tiêu chuẩn (nghĩa là các bản dịch Do Thái). Khi có sự lưỡng lự liên quan tới bản LXX do những dị biệt giữa các bản, thì chúng tôi dựa vào các ấn bản khác để phân định và chúng tôi đã giữ lại những gì ăn khớp với các ấn bản đó. Chúng tôi đánh dấu chỗ sai (+) chỗ nào không có trong bản Hipri, chứ không dám gạch bỏ hoàn toàn ; những chỗ nào chúng tôi thêm vào thì có đánh dấu hoa thị (*) để cho biết rõ là những chỗ đó không có trong bản LXX, nhưng những chỗ thêm vào là dựa vào những ấn bản khác ăn khớp với bản Hipri. Vậy, người nào muốn thì có thể chấp nhận những chỗ thêm vào ; người nào lấy làm gai chướng với phương thức đó thì chấp nhận hay không là tùy anh ta. Tuy nhiên theo thiển ý, đối với các bản Tân Ước thì tôi không thể làm y như thế mà không nguy hại. Tôi thiết nghĩ, không phải là vô lý khi tôi bằng lòng nêu lên những khó khăn, những lý do và nguyên nhân của các khó khăn đó”.[9]

B. ORIGÈNE, NHÀ CHÚ GIẢI THÁNH KINH.

Giải thích Thánh Kinh là bận tâm chính của Origène. Ông thấy rằng người kitô hữu cần phải được soi sáng trong cách đọc và hiểu Thánh Kinh của mình, vì đôi khi họ đọc Thánh Kinh theo nghĩa văn tự một cách ngây ngô theo sát từng chữ.

1.  Nguyên tắc thần học cho việc đọc và chú giải Kinh Thánh

Ông đề ra những nguyên tắc thần học cơ bản cho việc đọc Kinh Thánh “trong Thần Khí” của Kitô giáo cổ thời và chú giải Thánh Kinh như sau :[10]

a. Toàn bộ Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần linh hứng. Vì thế, cần phải tìm ra ý nghĩa thiêng liêng (sens spirituel) của Kinh Thánh, chứ không dừng lại ở nghĩa đen hay nghĩa văn tự (sens littéral). Theo ông, Thánh Kinh có một nghĩa sâu xa ẩn giấu (sens caché) dưới nghĩa trực tiếp và đây chính là “nghĩa thiêng liêng đã được Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội”.[11] Như vậy, trong một bản văn Kinh Thánh có nhiều nghĩa. Nguyên tắc về tính đa nghĩa (pluralité du sens) của bản văn Kinh Thánh là đặc điểm của tất cả khoa chú giải cổ thời. Thánh Phaolô đã từng phân biệt “văn tự” với “tinh thần” của Lề Luật (2Cr 3,6). Theo Origène, chú giải Kinh Thánh là phải tìm ra mọi ý nghĩa của bản văn ; nghĩa ẩn giấu thì vô tận, vì Thiên Chúa không để cho điều gì là ngẫu nhiên cả.

b. Cựu Ước tiên báo Tân Ước. Cả hai làm thành một kế hoạch cứu rỗi duy nhất là loan báo Chúa Kitô. Vì thế, việc đọc Kinh Thánh chỉ có ích lợi thật sự khi nó dẫn người tín hữu đến với Chúa Kitô và còn phải giúp người tín hữu thăng tiến trên đường trọn lành, tăng trưởng lòng mộ mến các thực tại mai hậu. Để chống lại Marcion chủ trương loại bỏ Cựu Ước vì ông này cho rằng Cựu ước trái ngược với Tân Ước, Origène bảo vệ giá trị của Cựu Ước bằng cách nêu bật sự liên tục và tính thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước.

c. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với chúng ta, những Kitô hữu hôm nay (hic et nunc) : Origène không tiếp cận Thánh Kinh như một tài liệu lịch sử thuần túy, nhưng luôn luôn như một cuốn sách của sự sống, hay cuốn sách của Thần Khí nhằm “giáo huấn chúng ta” (x. Rm 15,4). Vì thế, theo ông, chỉ có cách đọc trong ánh sáng mầu nhiệm Đức Kitô và hướng về Đức Kitô, mới là cách đọc Cựu Ước đích thực.

2. Ba (hoặc bốn) nghĩa của Kinh Thánh

Cảm hứng từ Philon, Origène đã xây dựng một lý thuyết về các “nghĩa” khác nhau của Kinh Thánh, dựa vào ba yếu tố cấu tạo con người (x. 1Tx 5,23) : thể xác (corps), linh hồn (âme) và tinh thần (esprit). Như vậy trên nguyên tắc, ông phân biệt ba nghĩa :

(1)      nghĩa xác thịt (sens corporel ou somatique), lịch sử (sens historique) hay văn tự (sens littéral) ;

(2)      nghĩa tâm linh (sens psychique) hay luân lý (sens moral) ;

(3)      nghĩa thiêng liêng (sens spirituel ou pneumatique), ẩn dụ (sens allégorique) hay thần bí (sens mystique).

Có khi Origène dựa trên một lược đồ khác về hai yếu tố cơ bản cấu tạo con người là thể xác và tinh thần (corps et esprit), từ đó, ông phân biệt hai nghĩa được dùng trong Thánh Kinh : nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng được chia thành nghĩa ẩn dụ, luân lý và thần bí.

Sách Giáo lý mới đã nhắc lại các nghĩa dùng trong Thánh Kinh theo truyền thống giáo phụ mà Origène là người đi tiên phong như sau :

“Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa được dùng trong Thánh Kinh : nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng được chia thành nghĩa ẩn dụ, luân lý và thần bí. Sự hòa hợp sâu xa của bốn nghĩa này bảo đảm cho việc đọc Thánh Kinh cách sống động trong Hội Thánh được phong phú tối đa”.[12]

Tuy nhiên, trên thực tế, Origène không tuân theo hai cách phân loại này và không thể tuân theo được vì trong kinh nghiệm Kitô giáo, việc gắn bó với huyền nhiệm Đức Kitô điều khiển đời sống luân lý và thiêng liêng. Vì vậy, ông thường đi từ nghĩa văn tự sang nghĩa thần bí liên hệ tới lịch sử cứu độ, tới Đức Kitô, Giáo Hội, rồi từ đó áp dụng vào đời sống luân lý. (sens moral). Một cách thường xuyên hơn, ông kết hợp nghĩa thần bí và nghĩa luân lý, và lúc đó chỉ nói đến nghĩa “thiêng liêng”, vượt lên trên nghĩa “văn tự” hay “lịch sử”. Do vậy, ý niệm về nghĩa thiêng liêng có một nội dung rất rộng.

Chúng ta đọc lại một bài giảng về sách Xuất Hành của Origène như là một ví dụ về cách ông hiểu Kinh Thánh : ông chuyển từ giải thích văn tự, có tham chiếu truyền thống các Kinh Sư, sang nghĩa “thần bí” để rồi đưa tới áp dụng luân lý :

“Môsê được lệnh dùng gậy của ông mà đập xuống biển, để biển rẽ ra và rút lui cho Dân Chúa đi qua, và khối nước vốn là điều khiến ông sợ hãi, phải tuân theo thiên ý, làm nên “hai bên tả hữu” một “bức tường thành” không phải là mối hiểm nguy những là một sự che chở. Sóng cuốn lui thành núi và nước uốn mình cuộn lại, trở nên rắn chắc, lòng biển chỉ còn trơ cát.

Ở đây, anh em hãy hiểu Thiên Chúa, Đấng Hóa Công nhân lành dường bao. Nếu anh em vâng phục Thánh Ý Người, nếu anh em bước theo Lề Luật của Người. Người sẽ bắt cả trời đất hành động nghịch lại với bản tính của chúng để phục vụ anh em. Tôi nghe người xưa có nói rằng khi vượt qua biển, có bao nhiêu chi tộc Israel thì khối nước biển sẽ rẽ ra làm bấy nhiêu phần, và mỗi chi tộc có con đường riêng cho mình mở ra trong lòng biển. Lời trong Thánh Vịnh sẽ là bằng chứng cho điều đó : “Đấng đã phân rẽ Biển Đỏ thành nhiều phần”. vì lòng thành kính, tôi thiết tưởng không nên bỏ qua nhận xét này của người xưa về các Sách Thánh.

Vậy đâu là giáo huấn được ban cho chúng ta qua điều đó ? Ở trên, chúng ta đã nói đến giải thích của thánh Tông Đồ. Ngài gọi đó là “một phép rửa thực hiện trong Môsê, dưới áng mây, trong lòng biển” ngõ hầu anh em, những người đã chịu Phép Rửa trong Đức Kitô, trong Nước và Thánh Thần, anh em biết rằng người Ai cập đuổi theo dấu vết của anh em, họ muốn lôi anh em về kiếp nô lệ cũ, nghĩa là về với “những đầu mục thế gian này” và những “thần khí xấu” mà anh em đã từng là nô lệ. Họ tìm cách bắt kịp anh em, nhưng anh em đã xuống nước và ra khỏi nước bình an vô sự : khi đã rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, anh em bước lên với “con người mới” sẵn sàng hát lên “bài ca mới” . Vì kẻ tiêu diệt tên Ai cập, ấy là người không thực hiện những “công việc của tối tăm”, người tiêu diệt tên Ai cập, ấy là người không sống theo xác thịt nhưng là theo Thần Khí, người tiêu diệt tên Ai cập, ấy là người đuổi xa khỏi tâm hồn những ý nghĩ ô uế, dơ bẩn, hoặc ngay cả đón nhận chúng cũng không hề, như lời của thánh Tông Đồ : “Hãy mang lấy khiên thuẩn đức tin để dập tắt tến lửa của Ác thần”. Chính vì vậy đến ngày hôm nay, chúng ta còn có thể thấy “xác của người Ai cập sóng sượt trên bãi biển”, xa mã bị nhận chìm. Chúng ta có thể chứng kiến chính bản thân Pharaon bị cuốn trôi nếu chúng ta sống với đủ niềm tin, hầu “Thiên chúa nhanh chóng quật ngã Satan dưới chân chúng ta” nhờ Đức Giêsu Kitô chúa chúng ta”.[13]

Trong phương pháp chú giải của Origène, có một điều quan trọng ta cần phải lưu tâm là Origène không làm tiêu tan nghĩa lịch sử (sens historique) hay nghĩa văn tự. Nó là nghĩa đầu tiên của bản văn và là cơ sở của mọi giải thích. Origène rất chú tâm tới việc xác định nghĩa văn tự và thường làm một cách tỉ mỉ.

Tuy nhiên, đối với ông, nghĩa đầu tiên này không phải là tất cả ý nghĩa của Thánh Kinh, cũng như người ta không thể dừng lại ở “thân xác” của Đức Kitô. Cần phải đi tới ý nghĩa thiêng liêng của bản văn, và ở đây, vị thầy mà Origène nại đến không phải là Philon cho bằng thánh Phaolô. Chính Origène thường xuyên nhắc lại những thí dụ tiêu biểu về giải thích Cựu Ước theo nghĩa “thiêng liêng” nơi thánh Phaolô : Gl. 4,22tt ; 1Cor 10,1-11 ; x. Dt 10,1). Về phương diện tín lý, cách đọc và giải thích Kinh Thánh này đặt nền tảng trên tính liên tục của hai Giao Ước và trên tính duy nhất của chương trình của Thiên Chúa.

Khi chú giải sách Xuất Hành, Origène lập ra một số nguyên tắc chú giải dựa vào các thư của thánh Phaolô.

“Lề luật thì thiêng liêng và phải được hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Phần chúng ta, chúng ta biết rằng Kinh Thánh không được soạn ra để kể lại những sự tích ngày xưa, nhưng là giáo huấn đem lại cho ta ơn cứu độ : vì thế chúng ta hiểu rằng điều người ta vừa đọc cho chúng ta là những gì luôn luôn hiện tại, và không phải chỉ trong thế giới này, mà Ai cập là hình bóng, nhưng còn trong mỗi người chúng ta . 

Hãy xem quy luật giải thích mà tông đồ Phaolô đã để lại cho chúng ta : Khi viết cho tín hữu Corintô, ngài có nói ở đâu đó : “chúng ta biết rằng cha ông chúng ta, hết thảy đã ở dưới áng mây, hết thảy đã thanh tẩy mình trong Môsê dưới áng mây, trong lòng biển, hết thảy đã cùng được ăn một lương thực thần thiêng, hết thảy đã được uống cùng một của uống thần thiêng, quả họ đã uống từ Tảng đá thần thiêng đi theo họ. Tảng Đá ấy tức là Đức Kitô”. Anh em thấy có sự khác biệt giữa cách đọc thuần túy lịch sử và giáo huấn của Phaolô. Đối với người Do Thái là việc ngang qua biển, Phaolô gọi đó là một phép rửa, điều họ tin là áng mây thì Phaolô nhìn thấy thánh Thần : “Ai không tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, kẻ ấy không thể vào Nước Trời”. Manna mà người Do Thái chỉ thấy là lương thực nuôi thân, thỏa mãn thèm khát, thì Phaolô gọi đó là một lương thực thần thiêng. Và không phải chỉ có Phaolô, chính Chúa cũng đã nói tới điều đó trong Tin Mừng : “Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết, nhưng người nào ăn bánh Ta ban, chính Ta, người ấy sẽ không hề chết bao giờ”. Và Người thêm : “Ta là Bánh từ trời xuống”. Phaolô tiếp đó nói rõ ràng về tảng đá đi theo họ, ông nói : “Tảng đá ấy, tức là Đức Kitô”. Vậy chúng ta sẽ làm gì, chúng ta những kẻ đã lãnh nhận từ Phaolô, bậc thầy của Giáo Hội, những quy luật giải thích như thế ? Việc chúng ta áp dụng vào những trường hợp khác quy luật mà Ngài đã truyền lại cho chúng ta qua một thí dụ như thế lại không đúng sao ? Hay là, theo ý kiến của một số kẻ, không kể gì đến điều mà một vị Tông Đồ tuyệt vời và vĩ đại như thế truyền lại cho chúng ta, chúng ta sẽ trở lại với những “ngụ ngôn Do Thái” sao ? . Vậy một khi lãnh nhận từ Tông Đồ Phaolô vinh phúc những mầm giống của tri thức thiêng liêng, chúng ta hãy vun xới chúng trong mức độ, nhờ lời anh em cầu nguyện, Chúa sẽ đoái thương soi sáng chúng ta”.

3. Phương pháp ẩn dụ

Do ảnh hưởng của Philon, Origène không chỉ hài lòng đào sâu việc đọc Thánh Kinh dưới sự soi sáng của đức tin và của kinh nghiệm Kitô giáo, ông còn sử dụng lối ẩn dụ” một cách có phương pháp để tìm ra mọi loại ý nghĩa biểu trưng trong tất cả các chi tiết của bản văn. Ông được coi như tiêu biểu của phương pháp chú giải Kinh Thánh theo nghĩa ẩn dụ (sens allégorique).

Thánh Phaolô đã áp dụng phương pháp này khi giải thích các đoạn văn Cựu ước như là tiên báo cho Tân ước. Các biến cố xảy ra cho dân Do Thái trong sa mạc là typos cho các tín hữu (1Cr 10,1-3) ; hai người con của Abraham, một do người đàn bà nô lệ và một do người đàn bà tự do mang tính cách ẩn dụ (allégorique) của hai chế độ giao ước (Gl 4,24) ; cách riêng, Đức Kitô được coi như Ađam mới (Rm 5,14). Thánh Gioan cũng nhiều lần áp dụng các định chế Do Thái cho Kitô giáo, thí dụ Đền Thờ Giêrusalem tượng trưng cho Thân Thể Đức Kitô (Ga 2,21) ; Đền thờ Giêrusalem tượng trưng cho Hội Thánh thiên quốc (Kh 21) ; Manna là hình bóng bí tích Thánh Thể (Ga 6,33). Dựa theo hướng đó, nhiều giáo phụ đã giải thích các bản văn Cựu ước theo nghĩa bóng ám chỉ các thực tại Tân Ước, thí dụ cây trường sinh trong vườn địa đàng là tiên trưng của cây thập giá, tầu ông Noe là hình bóng của Hội Thánh, cuộc vượt qua Biển Đỏ là hình bóng của bí tích Rửa Tội giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, sách Diễm ca nói về tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vv.

Tuy nhiên, phương pháp này nhanh chóng đưa đến chỗ tùy tiện, và biến Thánh Kinh thành một “rừng biểu tượng” mà không có những tiêu chuẩn có thể biện minh. Vì vậy, Origène phải chịu một phần trách nhiệm của mình trong việc phát triển khía cạnh này của khoa chú giải thời các Giáo Phụ và thời Trung cổ, cho dù ông cố gắng xác định một số giới hạn, chẳng hạn như đặt ra nguyên tắc theo đó, Thánh Kinh phải được cắt nghĩa bằng chính Thánh Kinh, Thánh Kinh phải luôn hợp lý chặc chẽ với chính nó, các biểu tượng được khai thác phải có chỗ dựa trong Thánh Kinh.

Thực ra, phương pháp trên là một hiện tượng văn hóa. Phép ẩn dụ đã được các Kinh Sư dùng trong việc chú giải Lề Luật, cũng như các nhà luân lý ngoại giáo dùng trong việc cắt nghĩa Homère và thần thoại. Vì Origène theo thế giới quan của Platon, nhãn quan đi tới chỗ cho rằng mọi thực tại đều có hai mặt : mặt “khả giác”, (visible) hữu hình, bất tất, và mặt “vô hình” (invisible), thiêng liêng, vĩnh cửu, cho nên chúng ta không lấy làm lạ gì khi ông đi theo phương pháp này.

Cách đọc Thánh Kinh theo lối ẩn dụ này đã ghi dấu sâu xa trên khoa chú giải Kitô giáo cho tới hết thời Trung cổ. Tuy nhiên cần phải ghi nhận rằng, nơi các Giáo Phụ cũng đã có phản ứng chống lại lối giải thích ẩn dụ triệt để (allégorisme radical). Về điểm này, người ta phân biệt hai “trường phái” chú giải : Trường phái Alexandria và trường phái Antiokia. Đặc điểm của trường phái sau không phải là lối chú giải thuần túy theo “văn tự” như người ta thường nói, nhưng là khước từ sự tùy tiện, và do đó trường phái này đi đến chỗ giới hạn phạm vi của các biểu tượng, các hình bóng, chú trọng tới sự chính xác khi giải thích và đặc biệt chú ý tới các văn mạch với một óc phê bình đôi khi đạt tới mức rất sắc bén. Theo một nghĩa nào đó, lối chú giải này hiện đại hơn, và theo kiểu nói của Théodore de Mopsuette, nó không cho phép “thấy Đức Kitô ở mọi chỗ trong Kinh Thánh”.

Cuộc đời và nhân cách của Origène cho đến lúc chết vẫn luôn tỏ ra trung thực, tin tưởng và kiên vững trước mọi thử thách. Con người và tác phẩm của ông còn nêu ra nhiều khía cạnh khác mà chúng ta không thể trình bày ở đây. Ông là nhà hộ giáo, nhà chú giải Kinh Thánh, một triết gia lớn và là một nhà thần học hệ thống, với “trí óc quảng bác nhất thời đại của mình cùng với Plotin” (H.I. Marrou). Ông cũng là một nhà tu đức lớn và ngay cả một nhà thần bí nữa.

Các tác phẩm của ông vẫn là nguồn suối đầy sức sống, nơi mà các nhà thần bí hàng đầu của thế kỷ IV đến để kín múc. Một tinh thần mạnh mẽ và phong phú đến lạ lùng trong một Giáo Hội hãy còn non trẻ, ông đã vượt trên thế kỷ của mình và mở ra những con đường phong phú mà người ta không ngừng khám phá.

Phụng vụ giờ Kinh Sách cũng trích đọc nhiều đoạn văn của Origène, như :

-        Bài giảng về Sách Giosuê 4,1[14] ; Gs 6,4[15] ; Gs 9,1-2[16] ;

-        Bài giảng về sách Lêvi 9, 5-10[17] ;

-        Bài giảng về sách Sáng Thế 8, 6-9[18] ;

-        Chú giải Tin Mừng Gioan 10, 20[19] ;

-        Khuyến khích chịu tử đạo 41-42[20] ;

-        Về sự cầu nguyện.[21]

II.        HIÊRÔNIMÔ, CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI

Thánh Hiêrônimô sinh khoảng năm 345 tại Stridon, một nơi ngày nay rất khó định vị, thuộc xứ Dalmatia, nay thuộc nước Croatia trong một gia đình Kitô giáo. Ngài được hưởng nền giáo dục của con nhà quyền quý và được gửi sang Rôma để học tiếng La tinh. Tại Rôma, ngài theo học nhiều vị thầy mà trong đó có nhà bác ngữ học Donatô danh tiếng, người đã khơi dậy nơi ngài lòng ham thích ngữ học và văn chương. Tại đây, ngài kết thân với Bonose và Rufin, một dịch giả tương lai, và cũng có vài ba cuộc tình mà kỷ niệm về chúng sẽ ám ảnh ngài nơi sa mạc.

Ngài lãnh nhận Phép Rửa, rồi âm thầm trẩy đi xứ Gaule, dừng lại ở Tréves. Trong cảnh ẩn dật, ngài nghiên cứu và khám phá ra những dấu vết của thánh Athanasiô bị lưu đày và bản dịch La tinh cuốn “Cuộc đời thánh Antôn”. Ít lâu sau, ngài về gần quê hương của mình và vào khoảng năm 373, ngài lập cư tại Vénétie, Aquilée, một trung tâm kinh tế và văn học. Ngài thành lập ở đó một kiểu đan viện trí thức dưới sự bảo trợ của Chromatius, Giám Mục tương lai ở đây, cùng với hai bạn ngài là Rufin và Bonose, nhưng nhóm này đã nhanh chóng tan rã trước lời chỉ trích và những hiểu lầm. Đây là sự đoạn tuyệt mà ngài tưởng là mãi mãi, với quê hương, gia đình, bè bạn. Những năm tháng nghiên cứu và thử nghiệm đời sống cộng đoàn này đã để lại cho ngài một kiến thức vững chắc về ngữ học, một dấu ấn không phai về Rôma vĩ đại và một ám ảnh về đời đan tu đích thực. Ngài trẩy qua Đông phương năm 374.

Sau cuộc hành trình gian khổ, ngài dừng chân nơi một người bạn là Évagre, tại Antiokia xứ Syria, một thành phố bị xâu xé, và ở đó ngài đào sâu tiếng Hy lạp, sách tiên tri Abdias, cũng tại đây, ngài có cảm tình với Paulin, một người theo phe Eustathe và là đối thủ của Mélèce và Vital. Nhưng giấc mơ cô tịch đeo đuổi ngài. Năm 375, ngài lui vào sa mạc kế cận miền Chalcis. Tại đó, ngài sống đời ẩn dật trong khổ hạnh tột cùng và trong những cơn cám dỗ. Để khuây khỏa, ngài bắt đầu học hỏi Kinh Thánh và ban đêm học tiếng Hipri với một người Do Thái tòng giáo. Nhưng than ôi ! Chất “chaldée” trong người đã không rời bỏ ngài như ngài hy vọng. Trong “thi thể” của ngài “đám lửa khoái lạc vẫn sôi sục” và trong “đêm tối” của ngài, dù thức hay ngủ, nhà “Kinh Thánh-mới” nghe thấy mình bị coi là kẻ nói láo : “Ngươi là môn đệ của Cicéron chứ không phải là Kitô hữu”. Ngài thề sẽ không đọc sách đời nữa. - lại thêm một ảo tưởng.

Chúng ta đọc lại một trang tự thuật của ngài về “đêm tối” và cuộc trở về với Kinh Thánh : 

“Ôi đã bao nhiêu lần, tôi, kẻ đã ở trong sa mạc, trong cõi cô tịch mênh mông cháy bỏng ánh mặt trời, nơi ở hãi hùng dành cho các đan sĩ, thế mà cứ ngỡ đang hòa mình giữa những lạc thú của Rôma. Tôi ngồi, đơn độc, bởi nỗi đắng cay đã xâm chiếm toàn thân. Các chi thể dị dạng của tôi đều thô sần cả lên. Da dẻ dơ bẩn giống như nước da tồi tàn của một tên hắc chủng. Ngày nào cũng khóc, ngày nào cũng than ! Mỗi lần giấc ngủ ập đến, dù đã chống chọi, thì xương cốt tôi gần như rời rã, va đập xuống nền đất trần không. Về thức ăn, của uống, tôi chẳng nói làm gì : ngay cả những người bệnh cũng chỉ dùng nước lạnh, nhận một đĩa đồ nóng đã là quá đáng. Ồ vậy mà tôi, phải, chính tôi, kẻ vì sợ hỏa ngục đã tự đày đọa, giam hãm mình trong một ngục tù khổ sở đến thế, chẳng có bạn bè nào khác ngoài bò cạp và thú dữ. Tôi lại thường xuyên ngỡ mình đang tham dự những buổi khiêu vũ của các cô thiếu nữ. Chay tịnh làm mặt tôi tái nhợt, thân xác giá băng, nhưng ngọn lửa dục vọng lại thiêu đốt lòng trí. Trước mặt kẻ khốn khổ này, một kẻ đã trở thành xác chết hơn là một thân xác sống động chỉ còn những đám lửa khoái lạc là sục sôi.

Không còn gì để nương cậy, tôi nằm dài dưới chân Giêsu, lấy nước mắt tưới đẫm chân Ngài, lấy tóc mình mà lau. Xác thịt có nổi loạn thì tôi chế ngự nó bằng chay tịnh trong nhiều tuần lễ. Tôi không hổ nhục vì nỗi bất hạnh của mình, đúng hơn tôi than khóc vì không còn được như thuở ấy. Tôi còn nhớ : tôi thường kêu van suốt cả ngày đêm và chỉ ngừng đấm ngực vật vã khi đã bình tâm lại trước những đe dọa của Thầy Chí Thánh” [22] “Đã từ lâu lắm, vì Nước Trời, tôi từ bỏ cha mẹ, chị em, họ hàng và gay go hơn nữa, từ bỏ thói ăn sung mặc sướng ; tôi đi Giêrusalem chiến đấu vì Đức Kitô. Nhưng đối với thư viện mà tôi khổ công xây dựng ở Rôma, thì tôi không thể bỏ qua nổi. Thật khốn khổ ! Trước khi đọc Cicéron là tôi ăn chay kiêng cữ, nhiều đêm nằm thức trắng nhớ lại tội lỗi ngày xưa mà lòng ứa trào nước mắt. Sau đó tôi lại cầm Plaute đọc ! Nếu hồi tâm lại, bắt đầu đọc một tiên tri thì thứ ngôn ngữ bán khai đó lại làm tôi kinh hãi. Đôi mắt mù lòa khiến tôi không nhìn thấy ánh sáng. Ấy thế mà thay vì kết tội chính đôi mắt mình, tôi lại kết tội Mặt Trời. Con rắn thái sơ đã phỉnh phờ tôi như vậy đó.

Vào khoảng giữa Mùa chay, cơn sốt len vào tận nơi sâu thẳm nhất của con người tôi, xâm chiếm thân xác kiệt quệ của tôi, không để yên một giây phút và, thật khó tin nổi, nó tiêu hủy chi thể tôi đến mức chỉ còn da bọc lấy xương. Trong khi đó, người ta chuẩn bị tang lễ cho tôi vì toàn thân tôi đã giá lạnh, sự sống, hơi nóng, hơi thở chỉ còn phập phồng nơi khoảnh ngực còn ấm. Đột nhiên, tôi ngất trí. Kia là tòa án của vị Thầm Phán, người ta đang điệu tôi đến đó. Người ta cật vấn tôi là ai, tôi trả lời : “Tôi là Kitô hữu”. Nhưng vị ngồi trên tòa phán : “Ngươi nói dối, ngươi là kẻ theo Cicéron, ngươi không phải là Kitô hữu”, “kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”.

Lập tức tôi trở nên câm lặng. So với những đòn roi, vì Ngài ra lệnh cho người ta đánh tôi, thì sự dày vò của lương tâm còn gây vết hằn đau gấp bội. Tôi tự nhủ : “Nhưng trong âm phủ ai sẽ ca tụng Ngài ?”, nhưng rồi tôi bắt đầu kêu khóc, lặp đi lặp lại : “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Lời kêu xin vang lên giữa những làn roi, cuối cùng, những người tham dự quì mọp dưới chân vị chủ tọa van xin Ngài gia ân cho tuổi trẻ của tôi, cho tôi được thống hối lỗi lầm ; nếu sau này tôi lại đọc văn chương ngoại giáo thì sẽ phải chịu hình phạt xứng đáng. Phần tôi, lâm vào thế cùng, tôi sẵn sàng đoan hứa nhiều hơn thế nữa. Vậy là tôi bắt đầu thề, lấy Danh Ngài làm chứng, tôi nói : “Lạy Chúa, nếu bao giờ con có những tác phẩm đời, hay nếu con đọc chúng thì như là con chối Chúa vậy”. Sau khi đã thốt lên lời thề đó, người ta thả tôi ra, và này tôi trở về trần thế. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, tôi mở mắt ra. Mắt tôi đẫm lệ đến nỗi những người hoài nghi nhất cũng nhận thức nỗi đau đớn của tôi. Đó không phải là giấc ngủ, cũng chẳng phải là cơn mộng mị hão huyền thường lừa dối chúng ta. Bằng chứng là phiên tòa mà tôi bị điệu đến, bằng chứng là cuộc phán xét thật kinh khiếp - ước gì đừng bao giờ tôi phải chịu sự tra hỏi như thế - vai tôi đã sưng phù và tôi còn cảm giác về những vết thương khi thức giấc. Từ đó, tôi đọc Sách Thánh một cách chuyên chú hơn so với ngày xưa khi tôi đọc sách của người phàm”.[23]

Cơ hội đã đến và thực hiện giấc mơ hằng ấp ủ, một giấc mơ đã nhiều lần chạm đến hiện thực : Đời đan tu. Năm 385, ngài ra đi về Đông phương cùng với em trai là Paulinien, trong khi đó Paula, đóa hoa tươi đẹp trong những người bạn Rôma của ngài và nhất là Eustochium, con gái bà, cùng với một số đan sĩ cũng đến Đông phương qua ngã khác. Ngài gặp lại Paulin và Évagre ở Antiokia, rồi du hành qua Palestina và Ai cập. Năm 386, ngài chọn ở lại Bêlem. Gia tài của Paula được sử dụng để xây ba nữ đan viện, phân chia theo giai cấp xã hội, trong khi đó, ngài xây một nam đan viện. Một cách nào đó, ngài là Đan Viện Phụ, còn Paulinien em ngài làm quản lý. Ngài chuyên cần giảng dạy, nhất là Kinh Thánh, làm việc rất nhiều và tranh cãi cũng lắm. Paula, Marcella và cuốí cùng là Eustochium lần lượt qua đời. Việc Rôma bị xâm chiếm năm 410 là cái tang không kém phần đau đớn đối với ngài, một người luôn ý thức mình là dân La tinh và là kẻ rất say mê Kinh Thánh. Ít lâu sau, chính nơi lưu ngụ của ngài cũng bị quân Sarrasins đe dọa, và đan viện của ngài đã bị phái Pélage thiêu hủy. Ngày 30 tháng 9 năm 419, ngài đi về vĩnh cửu, rời bỏ trần gian đau buồn này, nơi đã che chở những ước mơ, việc làm, những cuộc chiến đấu và đời khổ hạnh của ngài.

A. HIÊRÔNIMÔ, NHÀ KINH THÁNH.

Thánh Hiêrônimô trở về với Thánh Kinh, trung tâm đời sống của ngài, bằng những bước đi dứt khoát. Đức Giáo Hoàng Đamasiô đã tham khảo ý kiến ngài về một bản văn Isaia trước cả khi ngài tới Rôma (Thư 18, A và B), tại Rôma, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích ngài rà soát lại bản dịch La tinh bản văn Luca đang dùng ở Rôma ; từ Tin Mừng Luca, ngài đi qua các Tin Mừng khác rồi toàn bộ Tân Ước dựa trên cơ sở “Các bản văn La tinh người ta đã quen dùng”. Vấn đề các Thánh Vịnh dĩ nhiên cũng được đặt ra và nhiều phần khác trong Cựu Ước, và lần này ngài hiệu đính dựa trên các bản dịch La tinh và Hy lạp khác nhau, kể cả bản LXX.

Ngài đi đến cùng trong việc trở về nguồn, không những bằng việc so sánh bản Kinh Thánh của mình với “Sự xác thực của bản Hipri” (veritas Hebraica) như Origène đã làm với bộ Hexaples, mà còn soạn thành một bản văn La tinh mới, bản này có chỗ gần với một bản dịch có trước, có chỗ dựa trên bản Hipri mà không lệ thuộc vào các bản dịch đang có. Thế nhưng, vì bản văn Hylạp LXX là bản duy nhất có trong Giáo Hội, nên khi đưa ra bản văn mới, các Kitô hữu cảm thấy thói quen bị xáo trộn, cảm thấy băn khoăn lo lắng về đức tin. Thánh Augustin đã lên tiếng báo động một cách khiêm tốn nhưng rất kiên quyết (Bộ thư của Hiêrônimô, 56 và 104). Tất nhiên thánh Hiêrônimô cảm thấy khó chịu : “ngươi tìm hư vinh nơi dân chúng”, “Ngươi có vẻ khoe khoang kiến thức”. Augustin chỉ là chàng trai kiêu căng “đến vũ đài Kinh Thánh khiêu khích bậc trưởng thượng” (Thư 105 và 117). Dẫu như vậy, bản dịch của thánh Hiêrônimô được bổ túc thêm, dần dần được chấp nhận ở Tây phương dưới cái tên bản Vulgata (bản Phổ Thông). Vào thế kỷ VII, nó được đồng thanh đón nhận và cuối cùng được Công Đồng Trentô phê chuẩn.

B. HIÊRÔNIMÔ, NHÀ CHÚ GIẢI THÁNH KINH

Công trình dịch thuật Kinh Thánh của thánh Hiêrônimô kéo dài khoảng 20 năm (khoảng 383 - 405), kèm theo là công trình chú giải mà trong đó đôi khi khó phân biệt phần chú giải của riêng ngài với phần đã có sẵn mà ngài chỉ phỏng tác lại. Trường hợp tiêu biểu nhất là cuốn chú giải sách Khải Huyền, thực tế chỉ là sửa lại bản chú giải của Victorin de Pettau. Công trình chú giải của ngài được thực hiện dưới nhiều hình thức rất khác nhau. Hàng chục bức thư, đôi khi rất dài, bàn về những điểm đặc thù như chúng ta thấy qua. Trong những hình thức khác [như trong các bài giảng], ngài thực sự có ý giải thích một quyển Sách Thánh, chẳng hạn sách Thánh Vịnh hay sách Khởi Nguyên, nhưng thực tế ngài chỉ lảm công việc sắp xếp lại các ghi chú rãi rác, phần chú giải Tin Mừng Matthêu được soạn có phần kỹ lưỡng hơn.

Vai trò “gần như Viện Phụ” cũng là cơ hội khiến ngài phải nghiên cứu Kinh Thánh nhưng lại không thuận tiện cho ngài soạn ra một chú giải liên tục, có hệ thống. Kết quả là ngài soạn hàng trăm bài giảng dành cho các bài đọc Chúa Nhật và ngày lễ, nhất là những bài giáo huấn cho các đan sĩ nam nữ, trong đó chứa đựng rất nhiều chú giải về sách Giảng Viên và các Thư thánh Phaolô. Chỉ riêng phần chú giải các tiên tri, đặc biệt là tiên tri Isaia, là có vẻ được cưu mang có hệ thống.

Khoa chú giải mà thánh Hiêrônimô không ngừng bàn đến trong các lời tựa, chịu ảnh hưởng của Origène về mặt giáo lý, nhưng ngài vẫn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với “Thiên tài bất tử” này khi đứng trước kho tàng tinh thần phong phú của ông. Cả thánh Hiêrônimô cũng tìm kiếm “những nghĩa ẩn giấu” (Sens caché) : cho đến cuối đời, trong cuốn chú giải sách Ezechiel, ngài chấp nhận có “ba cách” giải thích : “Trước hết là theo nghĩa đen, thứ đến là theo nghĩa ẩn dụ, cuối cùng theo nghĩa thần bí, là nghĩa cao siêu nhất”. Bình thường, khi bản văn khó có thể giải thích theo nghĩa đen, thì ta có thể vượt lên bình diện cao hơn. Tuy nhiên, thánh Hiêrônimô thường xen lẫn các “cách” chú giải đó một cách tự do. Hai người mù thành Giêricho tượng trưng cho dân Cựu Ước và dân Tân Ước ; hai môn đệ có nhiệm vụ tìm lừa mẹ và lừa con cho cuộc khải hoàn vào Giêrusalem đó là tri thức và hành động, và hai con vật mà Chúa Giêsu cỡi là Hội đường Do Thái và dân ngoại - mà đoạn này nằm trong cuốn “chú giải thánh Matthêu”, một tác phẩm mà ngài muốn chú giải theo nghĩa đen.

Nhưng một khi kiến thức về ngôn ngữ và Kinh Thánh của ngài càng ngày càng cao, thì lối chú giải của ngài nói chung nghiêng về ngữ học sát với nghĩa đen hơn. Khi chú giải tiên tri Isaia, ngài không bác bỏ : “lối giải thích này phải phù hợp với chân lý lịch sử” và trong tác phẩm “Giêrêmia” là tác phẩm cuối cùng của ngài, ngài coi Origène là “nhà giải thích ẩn dụ chạy trốn chân lý lịch sử”. Nét độc đáo nhất của ngài và có lẽ chỉ một mình ngài trong việc chú giải Kinh Thánh là ngài tham khảo chú giải của các Rabbi về mọi điểm, và điều này cũng tạo cho ngài một nét mới mẻ, hiện đại. Nếu không phải là một nhà chú giải thật sâu sắc, thì ít nhất, do việc nghiên cứu bản văn nguyên thủy cũng như các bản dịch rất khác nhau, thánh Hiêrônimô là một Đại Tiến Sĩ về Thánh Kinh.

III.      KẾT LUẬN

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong phần nói về chú giải Thánh Kinh đã trích dẫn Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) nhiều lần (DV 11 ; 12, 1 ; 12, 2 ; 12,3 : GL 105, 106, 109 – 117). Nếu đọc lại những đoạn văn này của Hiến Chế, chắc hẳn chúng ta đều thấy công trình nghiên cứu và chú giải Kinh Thánh của Origène và thánh Hiêrônimô đã ghi đậm nét trong những số này. Qua đó, ta thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của hai nhà thiên tài Thánh Kinh này như thế nào đối với khoa chú giải hiện đại. Nhưng tiên vàn Origène và thánh Hiêrônimô là hai con người say mê Lời Chúa.

Trước khi kết thúc, chúng ta đọc lại những dòng chữ sau đây của Origène để biết ông yêu mến Lời Chúa như thế nào :

“Anh em vốn quen tham dự các mầu nhiệm thánh, anh em hãy biết rằng khi đón nhận Mình Thánh Chúa, anh em đã gìn giữ với tất cả sự cẩn trọng và cung kính, vì sợ có mẩu vụn nào rơi rớt, có chút Bánh Thánh nào bị mất mát. Anh em tin và quả thực rất đúng, anh em sẽ phải trả lẽ nếu bất cẩn làm rơi rớt đâu đó bất kỳ một mẩu Bánh Thánh nào. Nhưng nếu anh em đã cẩn thận gìn giữ Minh Thánh Chúa, và làm thế là đúng, thì sao anh em lại cho rằng việc coi thường Lời Chúa là nhẹ tội hơn là bất kính đối với Minh Thánh Chúa hay sao ?”.[24]

  Và câu nói bất hủ sau đây của thánh Hiêrônimô : “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”.


Tài liệu tham khảo :

1. H. von Campenhausen, Les Pères grecs, Ed. de l’Orante, Paris, 1969, pp. 50-68.

2. Berthold Altaner, Précis de patrologie, Ed. Salvator Mulhouse, Paris-Tounai, 1961, pp. 293-306.

3. J. Liébaert, Les Pères de l’Eglise, Vol. 1, Paris, 1986 (bản dịch Giáo Phụ, tập I, tr. 138-166

4. M. Spanneut, Les Pères de l’Eglise, Vol. II, (bản dịch Giáo Phụ, tập II, tr. 291-328)


 



[1] Eusêbiô thành Cêsarêa Lịch sử Giáo Hội, VI. 2. 3-11 : Coll. “Sources Chrétiennes” no. 44, p 83-85

[2] Adv. Rufinus, 2, 22

[3] Hiêrônimô, Thư 33, gửi cho Paula

[4] Eusêbiô, Lịch sử Giáo Hội, VI, 14, 10

[5] Eusêbiô, Lịch sử Giáo Hội, VI, 6, 23

[6] Eusêbiô, Lịch sử Giáo Hội, VI, 14, 10

[7] Hiêrônimô, Vir, III, 61

[8] Coll. “Sources Chrétiennes” no. 148, p.187-195

 

[9] Thư gửi Jules Africain : Sources Chrétiennes no. 308, p. 533

[10] De principiis IV, 2, 4

[11] Origène, In Leviticum homilia 5, 5 : PG 12, 454.

[12] GL 115

[13] Origène, In Exodum homilia V, 5 : Sources Chrétiennes no. 16, p. 143-146

 

[14] Thứ Tư tuần X thường niên

[15] Thứ Năm tuần X Thường niên

[16] Phần chung Cung hiến Thánh đường

[17] Thứ Tư tuần IV Mùa Chay

[18] Thứ Ba tuần V Thường niên

[19] Thứ Tư tuần XXII Thường niên

[20] Ngày lễ 2 tháng 10

[21] Chủ Nhật 34 Thường niên

[22] Thư 22, 7 gửi Eustochium, CUF, 1949, p. 117 - 118, trad. J. Labourt.

 

[23] Thư 22, 30, Gửi Eustochium, ibid, p. 144 – 146

 

[24] Origène, In Exodum homilia 13, 2 : PG 12, 391.


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà