BÀI SÁU :

LỜI CHÚA TRONG PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

 

Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết

I.          NHẬP ĐỀ

Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) của Công đồng Vaticanô II đã nhắc lại cho chúng ta về tình yêu muôn thuở mà Giáo Hội dành cho Thánh Kinh, đặc biệt là trong Phụng Vụ Thánh, đồng thời bày tỏ tấm lòng của Giáo Hội tựa như người Mẹ muốn lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu :

“Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh. Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”. [1]

  Bánh của Lời Chúa và Bánh của Mình Máu Chúa Kitô là hai bàn tiệc nuôi dưỡng đời sống Giáo Hội và tạo nên khuôn mặt tín hữu của các chi thể. [2] Một khi Giáo Hội ý thức rằng chính Thánh Thể làm nên Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng thâm tín với niềm hy vọng rằng lòng yêu mến Thánh Kinh cách sâu đậm sẽ canh tân và làm tươi trẻ khuôn mặt của Giáo Hội :

“Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là “Lời hằng tồn tại muôn đời” (Is 40,8 ; 1P 1,23-25) [3]

Ngày 4.12.1963, ngày bế mạc long trọng khoá họp thứ hai của Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium). Ngày 25.1.1964, Đức Phaolô VI ban Tự sắc Sacram Liturgiam công bố Hiến chế Phụng vụ Thánh bắt đầu có hiệu lực và thành lập một Hội Đồng để thực thi Hiến chế này.

Hiến chế về Phụng Vụ Thánh đã thổi một luồng gió canh tân vào Giáo Hội. Công cuộc canh tân được đón nhận cách mau lẹ, nhất là trên bình diện Phụng vụ. Hoa quả dễ thấy nhất của cuộc canh tân do Công đồng Vaticanô II thực hiện là việc Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Sách Lễ Rôma được sửa đổi theo sắc lệnh của Công đồng qua Tông Hiến “Sách Lễ Rôma” ngày 3.4.1969 và Thánh Bộ Phụng Tự công bố ấn bản mẫu thứ nhất của Sách Lễ Rôma mới năm 1970.

Hiến chế về Phụng vụ thánh đã đưa ra nguyên tắc cho việc canh tân này như sau :

“Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các cuộc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Do chính bản tính Phụng vụ đòi hỏi việc tham dự như thế, lại nữa, nhờ Phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là dân được tuyển chọn” (1P 2,9).[4]

Từ nguyên tắc trên, Công đồng đã đưa ra những chỉ thị về canh tân Phụng vụ như sau :

“Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn và các nghi lễ, làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để các tín hữu có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng”.[5]

Như vậy, trong việc canh tân Phụng vụ, hai việc làm cụ thể mà Công đồng đòi hỏi là :

-   Tu chính các bản văn ;

-   và tu chính nghi lễ.

Để tu chính các bản văn, trước hết, Công đồng nói đến vai trò của Thánh Kinh trong Phụng vụ :

“Để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, đã được truyền thống khả kính của các nghi lễ Đông phương và Tây phương minh chứng”. [6]

Thứ đến, Công đồng đề ra hướng đi cụ thể :

“Trong các việc cử hành thánh, cần phải tu chính việc đọc Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn”. [7]

Trong Phụng vụ, Lời Chúa được cử hành với nhiều hình thức khác nhau, như trong các giờ canh thức mà tiêu biểu là Canh Thức đêm Vượt Qua, trong Thánh lễ, trong các bí tích, á bí tích và trong Phụng vụ các giờ kinh. Tuy nhiên, việc cử hành này luôn đi theo một cấu trúc căn bản, đó là cấu trúc của giao ước hay của cuộc đối thoại : Thiên Chúa nói với dân Ngài qua việc công bố Lời Chúa và dân Chúa đáp trả qua lời cầu nguyện của cộng đoàn.

Đề tài chúng ta chia sẻ với nhau là Lời Chúa trong Phụng Vụ Thánh Lễ. Như thế, chúng ta đã giới hạn đề tài lại và khía cạnh cử hành sẽ được ưu tiên đề cập đến ở đây.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2000 đã nói về phần Phụng vụ Lời Chúa như sau :

“Qua lời Thánh Kinh đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài và Đức Kitô, hiện diện trong lời của mình, loan báo Tin Mừng.

Bởi đó, mọi người phải kính cẩn lắng nghe các bài đọc Lời Chúa, một yếu tố rất quan trọng trong phụng vụ. Mặc dầu Lời Chúa trong các bài đọc Thánh Kinh hướng về mọi người, thuộc mọi thời đại, và họ có thể hiểu được, nhưng Lời Chúa sẽ thêm hiệu lực, nhờ việc trình bày sống động, tức là nhờ bài diễn giảng, là thành phần của hành động phụng vụ”. [8]

  Bài chia sẻ gồm 5 phần. Phần thứ nhất, chúng ta nói đến Phụng vụ Hội Đường Do Thái như nguồn gợi hứng cho Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ ; phần thứ hai, nói đến hoa trái của cuộc canh tân Phụng vụ liên hệ tới việc phong phú hóa bàn tiệc Lời Chúa ; phần thứ ba, nói đến các điều kiện để đón nhận Lời Chúa ; phần thứ tư, nói đến việc công bố Lời Chúa trong Phụng vụ Thánh Lễ ; và cuối cùng, nói đến một số quy tắc Phụng vụ liên quan tới việc lựa chọn các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ, để một cách nào đó, “mở rộng lối vào Thánh Kinh cho người tín hữu” như ước mong của Công đồng trong Hiến chế Mạc Khải.[9]

II.        TỪ PHỤNG VỤ HỘI ĐƯỜNG DO THÁI
ĐẾN PHỤNG VỤ LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Chúng ta biết rằng chỉ một mình Luca tường thuật lại câu chuyện hai môn đệ trở về làng Emmau vào buổi chiều Phục sinh (x. Lc 24,13-35). Trên đường đi với Chúa, vì không nhận ra Ngài, khi chiều đến, hai môn đệ đã giữ người Khách Lạ này lại nhà mình và cùng ăn bữa tối :

“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,30).

Câu này gợi lên cho chúng ta phần Phụng Vụ Thánh Thể. Nhưng sự hiện diện của Đức Kitô còn dựa trên một yếu tố khác mà chính Ngài đã chuẩn bị lúc còn trên đường với hai môn đệ :

“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27).

Luca cho thấy mối dây liên hệ giữa lúc đi đường và buổi tối tại bàn ăn nhờ chính lời của hai môn đệ nói sau khi họ đã nhận ra người Khách Lạ là ai : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32)

Hai câu này (cc. 27 và 32) làm ta liên tưởng đến Phụng Vụ được cử hành tại các Hội Đường của người Do Thái mỗi ngày Sabát, khi cộng đoàn lắng nghe thừa tác viên đọc Sách Luật và Sách các Ngôn Sứ (x. Lc 4,16-22). Từ đó, chúng ta có thể nói Phụng Vụ Hội Đường của người Do Thái là “nguồn gợi hứng” cho việc cử hành Lời Chúa trong Thánh Lễ. Mỗi lần Giáo Hội tập họp để tưởng nhớ đến Chúa, đến việc Ngài đã làm “tối hôm trước ngày chịu khổ hình”, bằng việc đọc sách Thánh, Giáo Hội loan báo Lời Hứa của Thiên Chúa đang được “hiện tại hoá” (x. Lc 4,21)

III.      HOA TRÁI CỦA CUỘC CANH TÂN PHỤNG VỤ

Qua các bài đọc Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với dân Ngài, Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng ; chính Đức Kitô dùng lời của mình mà hiện diện giữa các tín hữu. Qua các bài đọc, bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và kho tàng Thánh Kinh được mở ra
cho họ. Bộ Bài Đọc là lối đi vào Kho Tàng vô cùng quý giá này.

A. BỘ Bài ĐỌc (Lectionnaire)

Bộ Bài Đọc hiện nay là kết quả của hành trình trở về nguồn, nhằm thể hiện hướng canh tân của Công đồng Vaticanô II trong lãnh vực Phụng vụ khi nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của Thánh Kinh trong Phụng vụ :

“Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca…” [10]

Riêng trong Phụng vụ Thánh Lễ, Công đồng Vaticanô II đã đưa ra hướng làm phong phú hoá bàn tiệc Lời Chúa :

“Để bàn tiệc Lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa ; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn”.[11]

Vì lý do thực tế, Bộ Bài Đọc được phân chia thành nhiều cuốn khác nhau : Sách Bài Đọc Mùa Vọng và Giáng Sinh, Sách Bài Đọc Mùa Chay và Phục Sinh, Sách Bài Đọc Mùa Thường Niên, Sách Bài Đọc các Thánh Lễ có Nghi Thức riêng, các Thánh Lễ cho các nhu cầu khác nhau, Thánh Lễ Ngoại Lịch, Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Cũng nên nhắc lại ở đây là theo truyền thống xa xưa, vì Giáo Hội đặc biệt tôn kính Lời Chúa Kitô, cho nên có một cuốn sách dành riêng chứa đựng những bài Tin Mừng dùng cho các ngày Chúa Nhật gọi là Sách Tin Mừng (Evangéliaire). Sách này được dùng để đi rước.trong những Thánh Lễ trọng thể và để công bố Tin Mừng.

B. Chu kỲ các bài đỌc.

Từ định hướng mở rộng kho tàng Thánh Kinh cho người tín hữu, Bộ Bài Đọc được soạn thảo đi theo một chu kỳ ba năm cho các Chúa Nhật (chu kỳ A-B-C), chu kỳ hai năm (năm chẵn và năm lẻ) cho các ngày trong tuần mùa Thường Niên và chu kỳ một năm cho các ngày trong tuần Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục sinh.

1. Các Chúa Nhật Mùa Chay :

Các bài Tin Mừng của hai Chúa Nhật đầu tiên nói đến chủ đề Bóng tối và Ánh sáng. Chúa Nhật thứ I đọc lại các trình thuật về cơn cám dỗ của Chúa trong Tin Mừng Nhất Lãm (năm A = Mt ; B = Mc ; C = Lc), Chúa Nhật thứ II đọc lại các trình thuật về cuộc biến hình của Chúa ( năm A = Mt ; B = Mc ; C = Lc). Sắp xếp việc đọc Lời Chúa như thế, Phụng vụ Mùa Chay như muốn nói lên hành trình của người tín hữu đi giữa bóng tối và ánh sáng để lựa chọn bước theo Chúa Kitô.

Ba Chúa Nhật còn lại đi theo một lộ trình mang tính biểu tượng. Chu kỳ năm A đọc lại các bài Tin Mừng truyền thống trong Tin Mừng Gioan diễn tả hành trình gia nhập Kitô giáo qua các chủ đề : nước (III, A, người phụ nữ Samaria : Ga 4), ánh sáng (IV, A, người mù từ thuở mới sinh, Ga 9) và sự sống lại (V, A, phục sinh Ladarô, Ga 11). Chu kỳ năm B đọc lại các bài Tin Mừng Gioan nói đến mầu nhiệm cứu chuộc (III, B : Thanh Tẩy Đền Thờ, Ga 2,13-25 ; IV, B : Thiên Chúa yêu thế gian, Ga 3,14-21 ; V, B : Dụ ngôn hạt lúa mì, Ga 12,20-33). Chu kỳ năm C đọc lại các bài Tin Mừng nói đến sự hoán cải (III, C : Dụ ngôn cây vả cằn cỗi, Lc 13,1-9 ; IV, C : Dụ ngôn người cha thương xót, Lc 15,1-3.11-32 ; V, C : người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Ga 8,1-11)

Các bài đọc Cựu ước cho chu kỳ ba năm nhắc lại năm giai đoạn của lịch sử giao ước : Giao ước với Noe, Giao ước với Abraham, Giao ước Sinai, tuyển chọn và xức dầu tấn phong Đavit làm vua Israel, Giao ước mới ghi tạc trong tâm hồn.

Các bài đọc II liên hệ chặt chẽ với bài Tin Mừng.

2. Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh

Các bài Tin Mừng của ba Chúa Nhật đầu tiên kể lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh. Chúa Nhật IV nói về người Mục Tử tốt (Ga 10). Các Chúa Nhật còn lại khai triển các chủ đề trong diễn từ sau Tiệc Ly. Bài đọc I lấy từ sách Công Vụ các Tông đồ. Bài đọc II lấy từ Thư I của thánh Phêrô (năm A), Thư I của Gioan (năm B) và Khải huyền (năm C)

3. Các Chúa Nhật Mùa Vọng

Tất cả các bài đọc ngôn sứ, tông đồ và Phúc âm đều xoay quanh việc loan báo Đấng Thiên Sai đến, về sứ vụ ngôn sứ của vị Tiền Hô và những biến cố xẩy ra trước khi Chúa Giêsu sinh ra cũng như sứ vụ công khai của Ngài.

4. Các Chúa Nhật Mùa Giáng sinh

Các bài đọc được lựa chọn theo những cử hành đặc biệt như lễ Thánh gia thất, lễ Chúa chịu Phép Rửa

5. Các Chúa Nhật Thường Niên

Trong các Chúa Nhật thường niên, các bài đọc Tân Ước được đọc bán liên tục (une lecture semi-continue) theo thứ tự các sách Tân ước, chẳng hạn năm A đọc Phúc âm Mathêu, năm B đọc Phúc âm Marcô, năm C đọc Phúc âm Luca.

Bài đọc Cựu ước và thánh vịnh đáp ca có liên hệ chặt chẽ với bài Tin Mừng

6. Các ngày trong tuần

Các bài đọc cho ngày trong tuần Mùa Thường Niên được đọc liên tục. Riêng Phúc âm Gioan, Phụng vụ tiếp nối truyền thống xa xưa là đọc trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

Kết luận

Qua cách xếp đặt chu kỳ các bài đọc như thế, chúng ta gặp thấy ý hướng rõ ràng của Giáo Hội là muốn cho người tín hữu được tiếp xúc cách phong phú với Lời Chúa,[12] giúp người tín hữu thêm “lòng mộ mến Thánh Kinh cách đậm đà và sống động”,[13] cho cuộc đời người tín hữu được huấn luyện dưới mái trường của Lời Chúa, để họ trở nên những tín hữu được “đào tạo bởi Lời Chúa” [14] và càng ngày càng thôi thúc họ khao khát Lời Chúa (x. Am 8,11).

Qua Bộ Bài Đọc, bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Thánh Kinh được mở ra cho họ một cách phong phú, nhờ đó, người tín hữu xác tín rằng Thánh Kinh vừa là nguồn suối bất tận cho đời sống thiêng liêng vừa là nền tảng chính yếu cho giáo lý Kitô giáo sẽ được đem ra giảng dạy. Qua việc sắp xếp các bài đọc Thánh Kinh từ Cựu ước sang Tân Ước, Phụng Vụ muốn làm sáng tỏ tính thống nhất của hai Giao Ước và lịch sử cứu độ, đồng thời cho thấy sự viên mãn của Mạc Khải nơi Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể.

C. CẤu trúc các bài đỌc trong Thánh LỄ

Từ sau Công đồng Vaticanô II, Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật có 3 bài đọc và một thánh vịnh. Cấu trúc này một đàng nói lên cử hành Lời Chúa trong Phụng vụ là cử hành Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, cử hành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, đàng khác nói lên ý nghĩa mà tác giả thư Do Thái đã đề cập đến ngay ở phần mở đầu :

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1).

Theo cấu trúc này, (trừ Mùa Phục Sinh, với cả ba bài đọc lấy trong Tân Ước), bài đọc I được lấy từ Cựu Ước, tiếp theo là một thánh vịnh ; bài đọc II lấy từ các thư của các tông đồ, bài thứ III là bài Tin Mừng, lấy từ bốn sách Tin Mừng. Cấu trúc này cũng được áp dụng cho các Lễ Trọng và trong bất cứ lễ kính nào. [15]

Thứ tự này không phải là thứ tự của bộ Kinh Thánh mà là thứ tự của Phụng vụ, một con đường đến với Chúa Kitô mà Tin Mừng là biểu tượng. Cho nên, khi nghe công bố Tin Mừng, mọi người đứng lên và quay về phía Tin Mừng cách cung kính.

Như thế, Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ là lộ trình dẫn người tín hữu tới Chúa Kitô :

1. Cựu Ước cho thấy sự chín mùi dần dần và lâu dài của chương trình cứu độ cũng như phương pháp sư phạm thần linh (pédagogie divine). Đó là lịch sử của ân sủng và tội lỗi, của trung tín và bất trung, của niềm tin và nghi ngờ, của đáp trả và chối từ. Đó cũng chính là lịch sử mà mỗi người chúng ta kinh nghiệm nơi bản thân trên lộ trình dẫn tới Chúa Kitô.

2. Bộ Thánh Vịnh là chứng từ đặc biệt quan trọng của Giao Ước giữa Giavê và dân của Ngài. Với lời ca đầy thi vị, với nội dung rất phong phú, với nỗi niềm khao khát, các Thánh vịnh như hơi thở mà người tín hữu có thể hít thở trong “cảnh vực thần linh” để thân thưa với Chúa và hợp với lời ca của Giáo Hội mà đáp trả lại lời mời gọi của Ngài.

3. Thư các tông đồ cho chúng ta thấy âm vang sống động của Lời Chúa nơi Giáo Hội sơ khai. Thư các tông đồ là nét mô tả cụ thể về những vấn đề của người tín hữu, những vấn đề cũng được đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay giữa cuộc đời và trong lòng thế giới.

4. Trong hướng nhìn này, việc công bố Phúc âm trở nên biến cố trung tâm của Phụng vụ Lời Chúa. Quy chế tổng quát sách Lễ Rôma 2000 nói như sau :

“Bài Tin Mừng là cao điểm của phụng vụ Lời Chúa. Chính phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc Tin Mừng, vì phụng vụ đặc biệt đề cao bài Tin Mừng hơn các bài đọc khác, phần thì về phía thừa tác viên được cử ra đọc và dọn mình đọc nhờ phép lành hay lời cầu nguyện, phần thì, về phía giáo dân, họ tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Đức Kitô đang hiện diện và nói với họ, và họ đứng để nghe Tin Mừng, phần thì do những dấu tỏ lòng trọng kính đối với sách Tin Mừng” [16]

IV.      CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA

  Lời Chúa được ví như hat giống gieo trên các mảnh đất khác nhau và chỉ sinh “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm” trong mảnh đất tốt (Mc 4,3-20 ; Mt 13,3-9 ; Lc 8,4-8). Lòng con người là những mảnh đất Lời Chúa được gieo vào. Lời Chúa trổ sinh trong đời người tín hữu nhiều hay ít tùy thuộc vào việc họ đón nhận Lời Chúa như thế nào. Chúng ta sẽ nói đến những điều kiện căn bản để đón nhận Lời Chúa.

A. LẮng nghe

Phụng vụ Lời Chúa là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Cuộc đối thoại nào cũng đòi phải lắng nghe. Đối thoại mà không có lắng nghe sẽ trở thành độc thoại. Lắng nghe là đòi hỏi của đối thoại. Chúng ta gặp thấy đòi hỏi này qua thái độ của cậu bé Samuel, “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1S 9,10), cũng như thái độ của cô Maria, “ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời Ngài” (Lc 10,39). Lời Giavê dậy Israel trong kinh Shema, “Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6,3), lời mà chính Chúa Giêsu đã nhắc lại cho ông luật sĩ (Mc 12,29), lời mà người Do Thái buộc vào tay và đeo trên trán để nhớ (Đnl 6,4) cũng nhắc đến thái độ căn bản này của đối thoại.

Như vậy, lắng nghe là thái độ cốt yếu của con người Thánh Kinh, đó cũng là con đường cốt yếu đưa đến niềm tin (Fides ex auditu : Rm 10,17) và cũng là thái độ chủ yếu của Phụng vụ Kitô giáo.

B. Công bỐ LỜi Chúa

Nhưng sự lắng nghe lại giả thiết trước đó phải có sự công bố rõ ràng, “Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô” (Rm 10,15).

Việc công bố cho thấy Lời Chúa là một hồng ân từ trời cao. Dù cho các tín hữu có thể tự đọc lấy Lời Chúa trong sách họ đang cầm trên tay, hoặc họ có thể thuộc lòng câu Kinh Thánh, nhưng việc công bố vẫn sinh hoa kết trái, xét như nó là một nghi thức phụng vụ. Khi ta lắng nghe Lời Chúa, chính Chúa mời gọi ta và bao giờ Ngài cũng là Đấng có sáng kiến, luôn đi bước đầu.

  Đọc Thánh Kinh trong Phụng vụ khác với việc đọc Thánh Kinh riêng một mình. Đọc Thánh Kinh một mình là hành vi cá nhân, còn trong Phụng vụ, công bố Lời Chúa và lắng nghe Lời Chúa là một hành vi cộng đoàn. Trong cử hành Thánh Thể, Giáo Hội được quy tụ lại để cùng nhau lắng nghe Lời của Phu Quân mình. Nếu việc đón nhận bánh Thánh Thể nói lên mầu nhiệm hiệp thông, thì đón nhận Lời Chúa cũng mang chiều kích hiệp thông. Giáo Hội cố gắng tìm hiểu ý định của Thiên Chúa, hiệp thông và đáp trả cách vui tươi.

Trong Phụng vụ, Giáo Hội công bố Lời Chúa. Đây là việc can thiệp của Thiên Chúa được hiện tại hoá trong Dân Ngài là Giáo Hội. Lời Chúa cùng đi với lịch sử cứu độ. Qua lịch sử đó, Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa của Giao ước, Thiên Chúa trung tín và nhân ái, đồng thời Ngài gửi gấm ý định cứu độ của mình cho dân.

Trong Phụng vụ, khi Giáo Hội hiện tại hoá các mầu nhiệm cứu độ trong các buổi cử hành thì Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay qua thừa tác vụ của Giáo hội, Chính trong Giáo Hội mà Phụng vụ làm cho Lời Chúa vẫn còn sống động, có sức biến đổi cuộc đời các Kitô hữu trong thế giới hôm nay. Lời Chúa được công bố đến với mỗi người trong cộng đoàn đang tham dự và đòi hỏi một sự đáp trả.

“Qua lời Thánh Kinh đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài, và Đức Kitô, hiện diện trong lời của mình, loan báo Tin Mừng. Bởi đó, mọi người phải kính cẩn lắng nghe các bài đọc Lời Chúa, một yếu tố rất quan trọng trong Phụng vụ” [17]

Việc đọc Thánh Kinh trong Phụng vụ Lời Chúa được thực hiện theo một nghi thức, giống như hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa và con người đối thoại với nhau. Thiên Chúa đến ngỏ lời với con người, con người lắng nghe và đón nhận Lời vào tận tâm khảm mình.

Như vậy, Phụng vụ Lời Chúa là Thiên Chúa nói với dân Ngài, là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa chúng ta, là công cuộc canh tân của Chúa Thánh Thần để khuôn đúc một thân thể mới, có khả năng tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý.

Lời Kinh Thánh được viết ra vào một thời gian nào đó của lịch sử, nhưng vẫn là Lời hằng sống cho mọi thời đại. Đây là lời của Thần Khí, “Đấng dẫn anh em tới chân lý vẹn toàn” (Ga 16,14)


C. Thinh lẶng

Chúng ta hãy đọc lại trình thuật trong sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với ngôn sứ Êlia trên núi Horeb. Vị ngôn sứ chạy đến núi Horeb, núi của Thiên Chúa, để trốn lánh cơn thịnh nộ của vua Acáp và nhất là của hoàng hậu Giêzabel. Ông vào một cái hang để nghỉ qua đêm, nhưng “xảy ra Lời Chúa đến với ông : tại sao ngươi lại ở đây, hỡi Êlia ? Ông trả lời : “tôi đã nhiệt thành phẫn uất vì Chúa các đạo binh, vì con cái Israel đã từ bỏ giao ước của Người… Thế rồi Thiên Chúa phán : “Ngươi hãy ra ngoài và lên núi đứng trước mặt Giavê” (1V 19,11). Êlia ra khỏi hang để gặp Thiên Chúa. Sau đó xảy ra một cuộc hiển linh mầu nhiệm mà có lẽ chúng ta khó quên : trước tiên là “một cơn cuồng phong”, nhưng Thiên Chúa không ở trong cơn cuồng phong, tiếp đến là “một trận động đất”, nhưng Thiên Chúa cũng không ở trong trận động đất, sau đó là “lửa cháy”, nhưng Thiên Chúa cũng không ở trong lửa cháy. Sau lửa là “một tiếng thì thào êm nhẹ” và Chúa đã ngự trong tiếng thì thào êm nhẹ.
(x. 1V 19,1-13).

Đây là một trình thuật Thánh Kinh mang rất nhiều hình ảnh gợi tưởng, nhưng cũng thường bị giải thích sai. Trình thuật này không nói lúc nào Lời Chúa cũng tỏ ra trong tiếng thì thào êm nhẹ và không liên quan đến trận cuồng phong, động đất hay lửa cháy. Ngược lại, Lời Chúa tỏ lộ trong tất cả những sự kiện này, như chúng ta có thể thấy trong cuộc đời của chính ngôn sứ Êlia. Ben Sira, trong sách Huấn Ca đã ca ngợi : “Ngôn sứ Êlia xuất hiện như ngọn lửa hồng, lời ông như một lò lửa bừng cháy” (Hc 48,1). Bài học rút ra từ trình thuật trên đây chính là cung cách vị ngôn sứ tiếp nhận Lời Chúa. Êlia đã tiếp nhận Lời Chúa một cách thanh thản và trong thinh lặng, nhưng từ trong cõi thâm sâu của tâm hồn ông.

Trình thuật Thánh Kinh trên đây xảy ra trong một bối cảnh rất đặc biệt giữa đêm tối của tâm hồn và đêm tối của thời gian, trong sa mạc, trên núi cao, trong tĩnh lặng và hết sức quạnh hiu. Ở đây chỉ có Thiên Chúa và Êlia, không còn bất cứ ai, không còn tiếng ồn ào của cuộc chiến thằng chống lại các ngôn sứ Baal mà chỉ có tĩnh lặng.

  Tĩnh lặng là môi trường thuận lợi để cho Lời Chúa thấm vào lòng ta và điều kiện để cho Lời tác động trong tâm hồn ta. Nhờ sự thinh lặng này, Chúa bắt đầu đối thoại với mỗi người trong cộng đoàn. Sự thinh lặng trong tâm hồn phải được hỗ trợ bởi sự thinh lặng bên ngoài qua những giây phút thinh lặng mà Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma đề cập đến :

“Phải cử hành Phụng vụ Lời Chúa thế nào tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Nên có những giây phút thinh lặng ngắn, tùy theo cộng đoàn tụ họp, để nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa được tiếp nhận trong tâm hồn và lời đáp trả qua kinh nguyện được chuẩn bị. Những lúc nên giữ thinh lặng là sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng” [18]

V.        GIÁO HỘI CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Trong Thánh Lễ có giáo dân tham dự, việc đọc các bài đọc được gọi là “công bố” (profero-profere ; proclamare ; những động từ này đều có tiếp đầu ngữ là “pro”). Công bố đòi hỏi phải có thừa tác viên, có giảng đài, có nghệ thuật, có cuốn sách trong đó Lời Chúa được công bố. Công bố đòi hỏi mọi người phải lắng nghe chứ không phải là cùng đọc chung với nhau.

D. ThỪa tác viên.

  Thừa tác viên Lời Chúa rất quan trọng. Người này có vai trò phục vụ nổi bật là làm cho Chúa hiện diện giữa cộng đoàn.

Thừa tác viên riêng biệt để đọc các bài đọc là thầy lãnh tác vụ đọc sách (lector).[19] Nếu không có thầy đọc sách, các giáo dân có thể được cử để đọc. Họ phải có khả năng để chu toàn nhiệm vụ này và được chuẩn bị cẩn thận, để tín hữu khi nghe đọc sách Thánh thì trong lòng nhận được tác động êm dịu và sống động của Thánh Kinh.[20] Như vậy, việc đề cử một số tín hữu công bố Lời Chúa không chỉ là một đòi hỏi của quy luật Phụng vụ mà còn liên hệ tới bản chất của việc công bố trong Phụng vụ. Thừa tác viên công bố Lời Chúa là dấu chỉ trung gian giữa Thiên Chúa và Giáo Hội đang quy tụ.

  Nếu người đọc các bài Thánh Kinh ý thức được tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa, chắc chắn họ sẽ hết sức trân trọng thừa tác vụ mà Giáo Hội trao cho họ. Chúng ta suy nghĩ điều gì khi một đàng ý thức sự cao trọng của việc công bố Lời Chúa, một đàng khi thấy nhiều người không chuẩn bị mỗi khi công bố Lời Chúa ?

  Thừa tác viên riêng biệt để công bố Tin Mừng là thầy phó tế.[21] Trong Thánh Lễ không có phó tế thì chính linh mục công bố Tin Mừng.[22]

E. Nơi công bỐ LỜi Chúa.

  Thừa tác viên Lời (ministre de la Parole) làm cho Lời Chúa được hiện tại hoá và trở nên sống động. Một cách nào đó, bản thân người công bố là một dấu chỉ. Vì vậy, cộng đoàn không những lắng nghe mà còn phải trông thấy người đọc.

  Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2000 nói rõ về nơi công bố Lời Chúa như sau :

“Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và giáo dân tự nhiên hướng về đó trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được.

Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố tin mừng Phục sinh. Cũng tại đó có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức lời nguyện tín hữu, Phẩm giá của giảng đài đòi chỉ có thừa tác viên Lời mới đi lên đó” [23]

  Trong cử hành Thánh Lễ có giáo dân, các bài đọc luôn luôn được công bố tại giảng đài [24]

F. NghỆ thuẬt đỌc

  Thừa tác viên Lời phải ý thức mình đang chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đoàn. Phải sử dụng kỹ thuật của âm thanh để phục vụ buổi cử hành. Nhưng trong Phụng vụ, phải tránh kiểu tài tử, sân khấu.

  Công bố Lời Chúa là một nghệ thuật riêng, khác xa với nghệ thuật hùng biện hoặc sân khấu. Trong việc công bố Lời Chúa, sự nổi bật không phải là con người độc viên mà là bản văn. Độc viên chỉ là người loan tin mừng Thiên Chúa cứu độ. Thừa tác viên Lời phải cố đọc cho sống động, nhưng không được dùng những kỹ thuật của sân khấu.

  Muốn công bố Lời Chúa cho tốt đẹp, độc viên cần suy niệm bản văn và cầu nguyện trước khi học hỏi kỹ thuật. Bản văn Thánh Kinh không giống bất cứ một bản văn nào khác, vì chính là Lời Chúa được công bố. Chính Lời Chúa có tác dụng biến đổi những người muốn mở rộng tâm hồn để đón nhận.

  Khi nói đến mối tương quan mật thiết giữa thầy lãnh tác vụ đọc sách và việc suy gẫm Thánh Kinh, một cách nào đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng muốn nói rằng nghệ thuật công bố Lời Chúa phải khởi đi từ nghệ thuật cầu nguyện :

“Để chu toàn nhiệm vụ một cách luôn tốt đẹp, hoàn hảo, Thầy Đọc Sách phải siêng năng suy gẫm Thánh Kinh. Thầy Đọc Sách ý thức trọng trách mình đã lãnh nhận, phải dùng mọi phương tiện cần thiết, hết sức cố gắng mỗi ngày thêm yêu mến và hiểu biết Thánh Kinh sâu xa hơn, nhờ đó trở nên môn đệ Chúa cách hoàn hảo hơn” [25]

Trong cung cách cử hành và đọc Lời Chúa, linh mục phải cho người giáo dân thấy được sự hiện diện sống động của Đức Kitô. Trong tông thư Dominicae Cenae, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô nhắc các linh mục rằng việc cử hành Thánh Thể “đòi hỏi chúng ta phải có một ý thức và một sự chín chắn thiêng liêng mới […] nhất là khi ngài cử hành đối diện với cộng đoàn”.[26]

G. Lưu tâm đẾn Sách Bài ĐỌc và Sách Tin MỪng

Thế giới của Phụng vụ gắn liền với những dấu chỉ và biểu tượng, do đó, ta phải lưu tâm một cách đặc biệt đến các sách Phụng vụ, nhất là sách Tin Mừng và sách Bài Đọc vì chúng được dùng để công bố Lời Chúa. Trong cử hành Phụng vụ, chúng là dấu chỉ và biểu tượng của những thực tại siêu nhiên, nên chúng phải xứng đáng, được trang hoàng và đẹp đẽ.[27]

Làm sao chúng ta có thể vừa nâng cao sách Tin Mừng và nói “đó là Lời Chúa”, vừa để cho người giáo dân thấy cuốn sách chứa đựng Lời Chúa lại không xứng đáng ?

Trong Tông Thư mà chúng ta vừa nhắc tới, Đức Giáo Hoàng Gioan- Phaolô II nhắc nhở các linh mục khi cử hành Thánh Lễ, phải lưu tâm đến sự “thánh thiêng” (Le sacré) của Thánh Thể, “Phải luôn nhớ điều này, nhất là trong thời đại hôm nay, người ta có khuynh hướng xóa bỏ khoảng cách giữa “thiêng thánh” (sacré) và phàm tục, dựa vào khuynh hướng tổng quát hóa nhằm giải thiêng mọi sự” [28]

Lời nhắc nhở này, một cách nào đó, cũng muốn nói rằng cuốn sách chứa đựng Lời Chúa phải được chúng ta quý mến như một “thiêng thánh” trong cử hành Thánh Thể.

VI.      QUY LUẬT PHỤNG VỤ
LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LỰA CHỌN CÁC BÀI ĐỌC

  Cử hành Phụng vụ thế nào để đem lại lợi ích thiêng liêng cho những người tham dự là nguyên tắc tổng quát cho hướng đi canh tân Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.[29] Để đem lại nhiều hoa quả thiêng liêng cho các tín hữu khi tham dự Thánh Lễ, trong việc lựa chọn các bài đọc Thánh Kinh, chúng ta cần đi theo những hướng dẫn sau đây :

H. SỐ các bài phẢi đỌc :

Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng, Phụng vụ Lời Chúa có ba bài đọc (Cựu ước, Tông đồ và Tin Mừng) nhằm dạy người tín hữu về sự liên tục của công trình cứu rỗi theo kế hoạch tình thương và nhiệm mầu của Thiên Chúa. Phải đọc đủ và đúng ba bài.

Các lễ kính có hai bài đọc. Tuy nhiên, nếu lễ kính được nâng lên đúng theo luật thành lễ trọng, thì thêm bài đọc thứ ba lấy từ phần Chung. [30]

I. Quy luẬt lỰa chỌn các bài đỌc :

1. Trong các lễ nhớ các Thánh : nếu không có các bài đọc riêng, thì đọc các bài theo ngày trong tuần.

Trong vài trường hợp, sách Bài Đọc có đề nghị các bài đọc thích hợp, nghĩa là đưa ra ánh sáng một khía cạnh đặc biệt của đời sống thiêng liêng hoặc hoạt động của vị Thánh. Việc sử dụng các bài đọc này không bắt buộc, ngoại trừ khi lý do mục vụ khuyên nên đọc. [31]

2. Trong sách Các Bài Đọc cho ngày trong tuần, trong suốt năm, ngày nào trong tuần cũng có bài đọc. Do đó, thông thường, ngày nào hãy lấy bài đọc đã chỉ cho ngày ấy, trừ phi gặp lễ trọng hay lễ kính, hay lễ nhớ có bài đọc Tân Ước riêng, trong đó có nhắc đến vị Thánh được cử hành.

  Tuy nhiên, khi nào việc đọc liên tục trong tuần bị ngắt quảng vì một lễ trọng, lễ kính hay một cử hành đặc biệt, vị tư tế được phép tùy theo cách xếp đặt các bài đọc trong cả tuần mà nhập những phần bị bỏ với những phần khác hoặc quyết định xem nên đọc bài nào hơn.

  3. Trong các Thánh Lễ dành riêng cho những nhóm đặc biệt, vị tư tế được phép chọn những bài đọc đặc biệt thích hợp với cử hành hơn, miễn là lấy từ những bản văn trong sách Các Bài Đọc được phê chuẩn. [32]

4. Trong Sách Các Bài Đọc cho các Thánh Lễ Nghi Thức, trong đó có cử hành các Bí tích hay Á bí tích, hoặc cho các Thánh Lễ tùy nhu cầu mà ta quen gọi là Sách Bài Đọc ngoại lịch, nhiều bản văn Thánh Kinh được đề nghị, chúng ta được quyền lựa chọn bản văn dựa theo lợi ích mục vụ của người tham dự. [33]

5. Trường hợp một bản văn có hai hình thức : dài và ngắn, thì tùy theo lợi ích mục vụ của người tham dự mà lựa chọn. [34]

6. Trường hợp có nhiều bản văn để chọn lựa thì cũng theo nguyên tắc vừa nói ở trên, nghĩa là chú ý đến lợi ích của người tham dự mà lựa chọn. [35]


KẾT LUẬN

Để kết luận cho bài chia sẻ này, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một đoạn văn trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Pastores dabo vobis” nói về tương quan giữa linh mục và Lời Chúa :

“Trước hết, linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu, để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta. Vì thế, chính linh mục trước tiên phải tạo được một mối thâm tình sâu đậm giữa bản thân mình với Lời Chúa. Khía cạnh ngữ học hoặc chú giải mặc dầu cân thiết, vẫn chưa đủ để gọi là hiểu biết Lời Chúa. Linh mục phải đón nhận Lời Chúa với một tấm lòng mềm mại và nguyện cầu để cho Lời Chúa thấm nhập đến tận sâu thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và làm nẩy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nẩy sinh “tư tưởng của Chúa”. (1Cr 2,16) [36]

Lời Chúa trong Phụng vụ ngỏ lời với mọi người, chủ tế cũng như giáo dân. Tất cả đều được mời gọi đón nhận Lời Chúa, để nhờ đó, chúng ta xây dựng ngôi nhà thiêng liêng mà trong đó Chúa Kitô là nền móng. Khi cử hành Thánh Lễ, “linh mục phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn ; trong cách cử hành và đọc Lời Chúa, ngài còn phải cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô” [37]“linh mục không phải làm chủ Lời Chúa : linh mục là người phục vụ Lời. Không phải linh mục là người duy nhất chiếm hữu Lời Chúa : linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với dân Chúa”. [38]


 



[1] MK 21

[2] ORIGÈNE , Homélie XIII, 3 ; AMBROISE , Traité sur l’évangile de saint Luc

[3] MK 26

[4] PV 24

[5] PV 21

[6] PV 24

[7] PV 35

[8] QCTQ 29

[9] MK 22

[10] PV 24

[11] PV 51

[12] PV 51

[13] PV 24

[14] PV 48

[15] Phaolô VI, Tông hiến “Công bố Sách Lễ Rôma đã được sửa đổi theo sắc lệnh Công Đồng Chung Vaticanô II”, ngày 3-4-1969.

[16] QCTQ 60

[17] QCTQ 29

[18] QCTQ 56

[19] QCTQ 99

[20] QCTQ 101

[21] QCTQ 94

[22] QCTQ 134

[23] QCTQ 309

[24] QCTQ 58

[25] Phaolô VI, Tự sắc “Ministeria quaedam” ban hành 15-8-1972, số 5

[26] Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae, số 9.

[27] QCTQ 349

[28] Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae, số 8

[29] PV 21

[30] QCTQ 357

[31] QCTQ 357

[32] QCTQ 358

[33] QCTQ 359

[34] QCTQ 360

[35] QCTQ 361

[36] PDV 26

[37] QCTQ 93

[38] PDV 26


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà