VẤN ĐỀ SINH NỞ VÀ NUÔI CON

CỦA NGƯỜI THƯỢNG

Cha Phêrô K’Cheoh

 

Mỗi tộc người có những quan niệm, tập tục riêng trong việc sinh nở và nuôi con. Nó không chỉ phản ánh những quan niệm nhận thức về thế giới và con người trong thế giới đó mà còn là vốn tri thức dân gian đã được tích lũy, được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng dân số trong quá khứ và hiện tại của từng tộc người.

Người Thượng đều thích có đông con cháu cho gia đình và làng thêm đông, thêm mạnh. Tuy nhiên, nạn hữu sinh vô dưỡng và chết yểu lại đối chọi với ước muốn đó, luôn là mối đe dọa, trước hết cho các bà mẹ mang thai và những trẻ sơ sinh. Việc sinh đẻ vừa hy vọng, vừa là nỗi thắc thỏm lo âu của bậc cha mẹ. Bởi vậy, ngay từ thời kỳ có thai mặc dù vẫn lao động bình thường nhưng phải thực hiện những kiêng khem nhất định, với niềm tin nhờ đó mà sẽ “mẹ tròn con vuông”, đứa bé sau này sẽ lành lặn, bình thường. Ví dụ : không ăn thịt khỉ, lươn, ba ba…

I. VẤN ĐỀ SINH NỞ

Trước đây trong hoàn cảnh khó khăn, hầu hết phụ nữ mang thai đều lao động bình thường. Gần tới ngày sinh, một số nơi làm chòi gần nhà hoặc làm một gian riêng trong nhà được che bằng mền hay chiếu gần bếp lửa nấu ăn để phụ nữ sinh đẻ. Đến ngày sinh nở người trong nhà mời bà mụ đỡ đẻ, đôi khi chính mẹ đẻ của người mang thai hoặc do người thân lo liệu. Buôn nào cũng có người biết đỡ đẻ, được nhờ giúp đỡ khi có người sinh nở. Tại nơi sinh chỉ có hai người : sản phụ và người đỡ đẻ, người ta tin rằng nếu có người thứ ba thì có thể vía của họ không hợp với vía của đứa bé và như vậy sẽ không tốt cho đứa bé. Nếu người mẹ không gặp rắc rối trong việc sinh đẻ và đứa bé chào đời, thường được tắm rửa bằng nước ấm hay có thể dùng nước nấu với thứ lá rừng nào đó, theo tập quán của mỗi tộc người. Bà mụ dùng cật tre, nứa sắc cạnh cắt rốn cho đứa bé rồi lấy chỉ thắt lại. Rốn của đứa bé được người chồng gói vào khăn hay bỏ vào quả bầu khô, hoặc bị đan bằng sợi cót đào lỗ rồi đem chôn hay treo ngoài rừng.

Với trường hợp người mẹ đẻ khó, nếu bà mụ làm mọi cách mà vẫn không đẻ được thì họ đành bó tay bất lực. Lúc người Thượng viện đến thần linh, dùng biện pháp cúng vái để hy vọng việc sinh nở sẽ trót lọt. Thường sau khi sinh từ hai đến ba ngày, người mẹ bắt đầu trở dậy giặt giũ, tắm rửa.

Trong tuần đầu sản phụ phải ăn kiêng, người phụ nữ sau khi sinh chỉ ăn cháo với muối. Theo tập tục trong gia đình người Thượng, khi có người sinh con phải cắm cành cây xanh trước mái nhà ở chỗ sinh nở,nhằm thông báo cho mọi người biết nhà có phụ nữ sinh con nên phải kiêng kị. Để giữ vía kị, vía độc cho sản phụ ở cữ và đứa bé, gia đình không muốn cho người lạ mặt vào nhà. Suốt bảy ngày sau khi sinh cả người mẹ lẫn đứa trẻ không được ra ngoài trời. Sản phụ mới sinh luôn nằm cạnh bếp lửa.

1. Chế độ ăn uống khi sinh nở.

Trong bảy ngày đầu ở cữ, sản phụ phải kiêng thịt, cá hay các thứ khác. Họ cho rằng ăn vào những thứ đó sẽ bị lơr. Sản phụ ăn cháo hay cơm với muối rang, ngoài ra sản phụ được ăn rau rịa còn gọi là rau bếp (biăp se) lấy từ rừng về để người mẹ có nhiều sữa cho con bú. Điều này các y bác sĩ đều đồng ý và chứng nhận. Do chế độ ăn kiêng như thế, trẻ em thượng phải ăn ngoài từ rất sớm, khoảng một tháng tuổi trở lên đã phải ăn cơm mớm của người mẹ. Do chế độ ăn kiêng khi sinh nở theo tập tục đã làm cho người mẹ và đứa bé mắc chứng suy dinh dưỡng.

Ngày nay, chế độ nuôi con có được cải thiện hơn đôi chút, nhưng mới chỉ ở các vùng ven thị trấn, gần trục lộ giao thông chính. Trẻ em, ngoài sữa mẹ được gia đình mua sữa, đường để ăn thêm. Thỉnh thoảng có chút cải thiện bằng thịt, cá. Nhưng tập quán ăn uống và nuôi con theo truyền thống còn ăn sâu trong tiềm thức các bậc cha mẹ. Việc nuôi dưỡng con cái được phó mặc cho thiên nhiên và phó thác số phận cho các thần linh còn đè nặng trong gia đình người Thượng. Những đứa bé sinh ra do ốm đau từ bé không chống lại bệnh tật, thiếu dinh dưỡng đã dần bị chết yểu. Còn những em bé có sức đề kháng từ khi sinh ra, được nuôi dưỡng bởi người mẹ khỏe mạnh đủ sữa, đủ chất sẽ sống rất khỏe. Từ một tháng tuổi, chúng đã phải ra rẫy được người mẹ địu sau lưng khi làm việc. Nếu đứa bé đói, người mẹ nghỉ làm việc một lát để cho con bú, sau đó tiếp tục làm việc bình thường. Khi đứa bé đã biết chơi, biết chạy nhảy thì được thả rong trong buôn với những đứa trẻ lớn nhỏ khác. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi theo thời gian và đứa trẻ cũng dần khôn lớn. Thời gian từ 6 tuổi trở xuống là giai đoạn thử thách đối với một đời con người. Đó cũng là thời gian trẻ em bị chết nhiều nhất do dịch bệnh, do ăn uống thiếu chất và do chế độ chăm sóc không chú đáo gây ra. Ngoài 5 tuổi, các em đã theo chân cha mẹ, anh chị ra rẫy vào rừng. Các em thu nhận cuộc sống và những hoạt động của cuộc sống một cách tự nhiên. Dần dần các em bắt chước người lớn làm việc, hiểu biết công việc và tự làm hay giúp đỡ vào công việc của gia đình. Phân công giới tính tự nhiên đã bắt đầu từ lúc em tập làm những công việc ấy. Con gái đi múc nước từ suối vào quả bầu khô về cho cả nhà dùng, đan bị đựng cơm, đi kiếm củi, giã gạo, dệt vải. Em có một cái gùi nhỏ vừa với đôi vai, một cái cối một cái chày giã gạo vừa với tầm cao của em, một cái nia sàng gạo nho nhỏ… những công việc không khác gì công việc của người lớn. Con trai đến 10 hay 15 tuổi đã phụ những công việc phát rẫy, làm nhà. Đến nay tập tục nuôi con ở người Thượng cơ bản vẫn theo lối cổ truyền. Mặc dù đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn hóa văn minh từ người Việt như theo lối sống mới, có quan tâm hơn sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đã biết dùng đến thuốc thang khi ốm đau…, nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Tình trạng tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao. Nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng là do điều kiện kinh tế khó khăn, nạn đói hằng năm từ 2 đến 3 tháng vào dịp giáp hạt ở vùng sâu vùng xa vẫn còn, thậm chí có năm sáu bảy tháng do thiên tai mất mùa. Nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do sức ì của tập tục trong sinh đẻ và nuôi con còn rất lớn. Hầu như các bậc cha mẹ chưa được hướng dẫn về cách chăm sóc và nuôi con theo phương pháp mới khoa học, vẫn giữ lối tự nhiên cổ truyền của cha ông. Tập tục nuôi con truyền thống trong điều kiện hiện nay đã gây nhiều trở ngại cho sự phát triển kinh tế xã hội và văn hóa cho từng gia đình, từng cộng đồng tộc người. Nó giam giữ người dân bởi các quan niệm, phong tục tập quán lỗi thời làm cho con người thụ động, lệ thuộc vào thiên nhiên và phó mặc cho số phận.

Mặt khác chính điều kiện sống khó khăn xưa nay cũng đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trí lực của con người ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ, đến chất lượng dân số trong hiện tại và tương lai. Do vậy, cần giáo dục, hướng dẫn việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em theo phương pháp mới khoa học nhằm từng bước giảm dần tỉ lệ suy dinh dưỡng của các bà mẹ và trẻ em, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống để phát triển trí lực và sức khỏe cho từng con người.

Hiện nay, một số nơi ở vùng người Thượng cũng đã bắt đầu đưa người phụ nữ sinh nở ở bệnh viện. Người phụ nữ đã được hướng dẫn việc chăm sóc bà mẹ và nuôi dưỡng trẻ em theo phương pháp khoa học, theo lối sống mơi.

2. Cách nuôi dạy con

Yêu chiều, quí chuộng trẻ em là một nét tâm lí chung trên xứ Thượng. Trẻ em được nuôi nâng chu đáo theo tập quán sẵn có, trong hoàn cảnh bất cập xa với những yêu cầu về vệ sinh và dinh dưỡng của chế độ nuôi trẻ trong xã hội văn minh. Chúng hầu như không rời người lớn, số thời gian nằm địu chiếm phần lớn trong ngày. Bằng cách địu, cha mẹ đưa chúng theo đi cả lên rẫy, xuống suối, bất kể xa, gần. Bú mẹ, rồi ăn cháo, ăn cơm mớm, rồi ăn cơm hạt, chúng lớn dần lên, nhưng phải vượt qua được bao bệnh tật, bao trận dịch khiến người lớn nơm nớp lo âu, chủ yếu trong cậy vào việc cầu cúng…

Trong môi trường sống và lao động của gia đình, của dân buôn, trẻ em Thượng từ nhỏ đã làm quen với công việc, với nếp sinh hoạt mà lớn lên chúng sẽ lặp lại. Cha mẹ và người lớn dạy chúng, còn chúng quan sát và làm theo. Con trai hướng tới những phần việc đàn ông phải biết, phải giỏi : đi rừng, săn bắn, đan lát, làm nhà… Con gái cũng trau dồi kỹ năng dệt, may vá, hái rau hái nấm, kiếm củi, giã gạo, bếp núc… Hiếm có đứa trẻ người Thượng bị gia đình hắt hủi, ngay việc đánh chửi con trẻ cũng không dễ gặp. Trong gia đình và dòng họ, đứa nào lớn tuổi là anh, chị bất kể cha mẹ ở vị thế nào. Con đẻ, con nuôi không có gì khác biệt nhau, được đối xử như nhau. Một khi đã có con đầu lòng, bất kể trai hay gái, tên của nó được dùng để gọi cho cả cha, mẹ, ông, bà, thay cho tên riêng đích thực của từng người này, ví dụ : nếu đứa bé tên là Jung thì từ đó người ta gọi mẹ nó là “mẹ Jung”, bố là “bố Jung” và tương tự, gọi “ông Jung” (ông của Jung), “bà Jung” (bà của Jung). Theo tập tục từng tộc người, có liên quan đến chế độ hệ dòng, trong đó đàn con yêu quí cũng có đứa được trọng thị hơn vì ưu thế giới tính, chí ít là về tâm lí nhưng không đặt nặng vấn đề này. Thông thường nhất, đa số các dân tộc thiểu số đều theo chế độ mẫu hệ. Ở Lâm Đồng, dân tộc Čru, Kơho theo chế mẫu hệ, còn người Mạ, ngày xưa cũng là mẫu hệ rồi dần dần chuyển sang phụ hệ nhưng không rõ ràng, có thể gọi là song hệ. Ngoài ra, trong gia đình, cha mẹ còn có sự ưu ái nhất định riêng với một người nào đó, và tin cậy hơn, giao phó trách nhiệm nặng nề hơn cho nó. Chẳng hạn, trong gia đình người Mạ, anh cả đóng vai trò lớn. Sự phân biệt nói trên kèm theo cả về vật chất, liên quan đến tập quán phân chia tài sản : ở các tộc người mẫu hệ, con trai đi làm rể hầu như không được đem của cải sang nhà vợ, trái lại ở chế độ phụ hệ thì con gái đi lấy chồng không được thừa hưởng gì từ tài sản nhà cha mẹ đẻ, và ở những nơi tan rã hình thức gia đình lớn, người con nào ở lại để phụng dưỡng cha mẹ già sẽ được nhận phần tài sản lớn hơn ít nhiều so với những đứa con khác.

3. Việc đặt tên cho đứa bé.

Việc đặt tên cho con được tổ chức vào lúc nào ? Ngày thứ bảy hay thứ tám tùy theo tập tục ở mỗi nơi kể từ khi sinh, đứa bé được đưa ra ngoài để nhìn thấy trời đất, gia đình làm lễ đặt tên và nhận đứa bé là thành viên chính thức của gia đình. Ngày thứ bảy hay ngày thứ tám là ngày cha mẹ và ông cậu đặt tên cho đứa bé. Người cha bày các thứ dụng cụ có tính đặc trưng theo giới tính của nó, như xà gạc, nỏ, dao làm bằng tre nứa nếu đứa bé là con trai ; người cha sẽ bày các thứ dụng cụ như bị đựng cơm, dụng cụ dệt, gùi, rìu… nếu là con gái. Làm lễ cúng đặt tên bằng gà trống hay gà mái tùy theo phái tính của đứa bé. Không cúng heo, dê trong lễ đặt tên này.

Trong lễ đặt tên (Nô sơnđăn măt kòn hay kàs măt kòn). Gia đình bà con họ hàng tụ họp đông đủ để mừng cho gia đình có thêm thành viên mới, có sức lao động trong tương lai, có người phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già. Việc thờ cúng của người thượng tiến hành theo từng bếp lửa, mỗi một bếp lửa là một gia đình trong đại gia đình sống chung trong một nhà sạn dài, hoặc theo đại gia đình. Do đó, lễ đặt tên cho đứa bé, chủ gia đình (Pô hìu) hay chủ đại gia đình (Pô jơ nào) đảm trách việc cúng lễ và đặt tên cho đứa bé. Khi đỡ đẻ, bà mụ bị dơ bần, ô uế, phải cúng một con vịt để rửa tay tẩy uế cho bà mụ (cau ăt deh), một con gà dùng vào việc đặt tên cho đứa bé. Cắt đầu gà xẻ làm hai. Cha mẹ đặt một cái tên và khấn vái các thần linh chứng giám xin nhận cái tên đó. Để biết Yàng có ưng cái tên cha mẹ vừa đặt hay không thì đọc :

Sơ plup đah Yàng, sơ plàng đah he

(Úp bên Yàng, ngửa bên ta).

Rồi thả đầu gà vào cái mâm được trải khăn, nếu đầu gà ngửa mặt được sẻ là tốt đẹp, tên đó hợp ý Yàng thì đứa bé khỏe mạnh, không khóc, đứa bé được mang tên mới đặt. Nếu đầu gà rơi xuống mâm cùng sấp hoặc một sấp một ngửa thì được hiểu là không hợp ý Yàng, đứa bé sẽ hay khóc, hay ốm đau. Nếu vậy cha mẹ phải đặt tên khác cho đứa bé. Nhưng một khi tên đã hợp ý Yàng thì gia đình không được gọi tên khác. Đây chỉ là một trong nhiều cách đặt tên cho con ở người Thượng. Mỗi nơi, mỗi vùng có cách đặt tên riêng cho con ở nơi và vùng đó.

Người Thượng đặt tên cho con không quan tâm đến tên có nghĩa như người Việt. Tên đứa bé được đặt theo vần tên cha mẹ, con trai đặt theo vần tên cha, con gái đặt theo vần tên mẹ. Nghĩa là lấy phụ âm đầu tên của người cha hay người mẹ mà đặt cho con trai hay con gái. Ví dụ : Người cha tên là K’Broh thì tên con trai sẽ là K’Brừm, K’Bràl…, người mẹ tên là Ka Nhong thì tên con gái sẽ là Ka Nhok, Ka Nho…

Tên người Thượng được gọi không giống nhau giữa tộc người, trước tên riêng có thể có hay không có từ chỉ định giới tính. Ví dụ : ở người Čru có Ha để chỉ nam ; M’ hay Mơ để chỉ nữ. Ở người Kơho có K’ để chỉ nam, Ka để chỉ nữ.

Người Thượng cũng có tục lấy lại tên của ông bà quá cố đặt cho con với mục đích tránh bị mất dòng hoặc lấy tên của những người trong gia đình, dòng họ đã qua đời đặt cho đứa bé để thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính. Con trai lấy tên chú bác, cậu ; con gái lấy tên cô dì. Ở một số nơi thì đây là một điều cấm kị. Nếu đặt tên cho đứa bé trùng với tên của người đã khuất trong gia đình, dòng họ, đó là sự bất kính đối với họ. Khi đặt tên cho đứa bé không được trùng với bất cứ tên người khác trong buôn.

II. VẤN ĐỀ NGỪA THAI (Sơnơm kơnền)

Theo quan niệm của người Thượng một khi đã lấy vợ lấy chồng thì phải sinh con, gầy dựng giống nòi. Dòng họ nào có nhiều con cháu thì dòng họ đó càng lớn mạnh, càng có uy trong buôn làng, được các dòng họ khác kính nể. Phụ nữ khi lấy chồng mà không sinh con gọi là cau kơnền, đồng nghĩa với việc dùng thuốc ngừa thai (Sơnơm kơnền). Những phụ nữ này không được kính trọng vì không có con, không gây được giống nòi cho dòng họ. Mặt khác, người Thượng cả đàn ông lẫn đàn bà khi lập gia đình đều muốn có con, có bao nhiêu người con không kể, càng nhiều càng tốt, vì có nhiều con thì có nhiều người lao động để nuôi cha mẹ khi về già, đồng thời có nhiều con cũng được hiểu là sự chúc phúc của Yàng.

Mặc dù trong dân gian người Thượng đã có thuốc ngừa thai (Sơnơm kơnền) nhưng họa lắm mới có người phụ nữ không có con. Vì đa số khi lập gia đình ai cũng muốn có con, không ai muốn dùng sơnơm kơnền này vì họ không muốn mình là kẻ không có con.

Khi ngừa thai, một cách nào đó là giết chết chính con của mình, họ coi như vậy là cau cà (ma lai). Vì chỉ ma lai mới làm hại và giết chết con người.

Nhưng ngày nay với chính sách kế hoặch hóa gia đình của Nhà Nước, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hay con được tuyên truyền rộng khắp ở các buôn làng. Mới đầu khi được tuyên truyền, họ nghe rất bùi tai, hợp tình hợp lí, lấy lý do sinh nhiều con nên đói nghèo, chỉ sinh một hoặc hai con thì mới dạy con tốt, mới làm giàu được. Mới đầu đã có một số phụ nữ cộng tác vào chương trình này. Họ cộng tác vào chương trình này vì họ không có người hướng dẫn, cắt nghĩa cho họ. Nhưng khi biết sẽ có tác dụng phụ một số người đã cân nhắc và thôi không làm nữa.

III. VẤN ĐỀ GIÁO DỤC Ở BUÔN THƯỢNG

1. một cách hình dung về giáo dục ở các buôn Thượng.

Nói đến sinh hoạt kinh tế của người Thượng, trước hết nói về rẫy, bởi vai trò nổi bật hơn cả của nó. Nhưng bên cạnh đó, nền kinh tế Thượng còn bao gồm những bộ phận, những hoạt động khác nữa. Ngay trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài rẫy ra còn có ruộng nước. Ruộng nước tuy không phổ biến nhưng cũng có mặt trong nông nghiệp người Thượng nói chung từ khá lâu ở Čru, Kơho Sre.

Vì sống gần gũi với môi trường thiên nhiên, sống bằng nghề nương rẫy, ruộng nước, quanh năm suốt tháng cứ lặp lại theo mùa : từ việc đi coi rừng (sền brê), phát rừng (mus), đốt rẫy (chu rơtus), dọn (rơdao), chọc lỗ tỉa hạt (tùc), làm cỏ (jì nhơt), tuốt lúa (kăc kòi) ; còn ruộng nước có những công việc khác với nương rẫy, nhưng nhìn chung hoạt động kinh tế của người Thượng cứ như thế lặp đi lặp lại theo chu kì trong một năm.

Trong môi trường sống và lao động của gia đình, của dân buôn, trẻ em Thượng từ nhỏ đã làm quen với công việc, với nếp sinh hoạt mà lớn lên chúng sẽ lặp lại. Cha mẹ và người lớn dạy chúng, còn chúng quan sát và làm theo.

Ngoài những thời gian lao động làm rẫy, thời gian còn lại họ đi vào rừng săn bắn, hái rau, bẻ măng câu cá…

Một quan niệm khác cũng đã ăn sâu trong tâm khẳm người Thượng đó là lập gia đình sinh con, nuôi con lớn rồi chúng đi làm rẫy giúp cha mẹ trong công việc làm ăn. Ngoài ra, cha mẹ bắt các em đi chăn trâu, đi lấy rau heo…

Vì sống với nương rẫy, ruộng nước và đã gắn chặt đời người với rừng rú nên không phải cần học hành gì cả, chỉ xem người lớn làm rồi mọi trẻ em làm theo và cứ thế chúng dần dần trở thành người lớn và đảm nhận công việc như mọi người.

Mặt khác ở các làng buôn của ngưởi Thượng không có trường lớp học. Từ đó trẻ em người Thượng không tha thiết với việc học hành.

2. Từ khi tiếp cận với xã hội bên ngoài.

Khi người Thượng bắt đầu tiếp xúc với xã hội bên ngoài lúc đó họ mới biết đến trường, đến lớp học. Từ đó nhiều tổ chức xã hội trong đó cả tôn giáo đã xâm nhập vào đời sống của người Thượng, khuyến khích, động viên con em người Thượng đến lớp, đến trường. Công việc mới đầu gặp nhiều khó khăn, không cha mẹ nào cho con đi học vì đây là một việc lạ lẫm đối với họ.

Khi các em đã đến trường học được một hai tháng thì chúng lại bỏ học vì thích đi rẫy hơn là đi học, thích vào rừng hơn là ngồi trong lớp. Tới mùa rẫy nhất là mùa gặt thường các em bỏ học nhiều. Nhà trường cũng phải cho các em nghỉ mùa để giúp gia đình, sau mùa kêu gọi các em trở lại trường học. Hầu hết các em học đến lớp 3, 4 là bỏ học, số học hết cấp II rất ít.

Tuy vậy, ngày nay hầu hết các buôn Thượng sống trong làng xã theo tổ chức của nhà nước. Các xã đều có trường tiểu học, cấp II. Trẻ em người Thượng từ 6 tuổi bắt đầu đi học theo qui định chung của xã hội. Ở một số nơi có nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Cha mẹ cũng bắt đầu gửi con vào nhà trẻ, cho con đi lớp mẫu giáo.

Hiện nay số học sinh học hết cấp II cũng tương đối nhiều, số học hết cấp III chưa nhiều. Số tốt nghiệp đại học còn rất khiêm tốn. Cũng đã có y bác sĩ người Dân tộc. Bên cạnh đó ở các vùng sâu vùng xa tỉ lệ học hết cấp II rất ít, chủ yếu chỉ qua lớp 3, lớp 4 là bỏ học ở nhà làm rẫy rồi lập gia đình.

Vấn đề giáo dục ở vùng người Thượng cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ nhiều người. Vì đây không phải là một vấn của riêng ai nhưng là cả một cộng đồng tộc người.

 

Trên đây chỉ là cách nhìn của một người trong cuộc, xin được đón nhận những chỉ dẫn thêm.


Mục Lục